TĐKT - Ngày 9/8, Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với công ty Đông Đô show tổ chức họp báo ra mắt Dự án Bay lên cùng “100 năm âm nhạc Việt Nam” nhằm giới thiệu tới công chúng sự cảm nhận đa chiều về lịch sử hình thành, phát triển nền tân nhạc Việt Nam.
Âm nhạc là nhịp cầu giao cảm chứa đựng tất cả những trạng thái cảm xúc của con người. Quá trình hình thành, phát triển của âm nhạc luôn song hành với thời cuộc, lịch sử của từng đất nước.
Người được coi là khởi xướng, tiên phong của nền tân nhạc là thầy ký Trần Quang Quờn (giai đoạn 1914 - 1918) từ loại nhạc tài tử, tiếp đến là sự đóng góp đáng kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên khi ông giới thiệu tới công chúng thành công dòng nhạc trữ tình lãng mạn.
Ê - kíp thực hiện "100 năm âm nhạc Việt Nam".
Ứng với từng giai đoạn lịch sử, tân nhạc Việt Nam có nhiều bước phát triển, dòng nhạc trữ tình có sức trường tồn và ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ.
Nhằm giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật của nền tân nhạc Việt Nam, dự án Bay lên cùng “100 năm âm nhạc Việt Nam” được Nhà hát Tuổi trẻ và Đông Đô show đã và đang phối hợp thực hiện, sẽ tổ chức định kỳ hằng tháng các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Số đầu tiên với tên gọi “Đêm nhạc Lam Phương – Cho em quên tuổi ngọc” diễn ra vào 20h ngày 25/8 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ở mỗi chương trình, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ phối hợp với nhiều danh ca tên tuổi của dòng nhạc trữ tình giới thiệu đến công chúng các tác phẩm tiêu biểu của một tác giả nổi tiếng.
Trong đó, chủ đạo là các nhạc sĩ có tác phẩm thuộc dòng nhạc Bolero. Đặc biệt, NSND Lê Khanh sẽ là nhân vật kể chuyện, là người kết nối âm hưởng lãng mạn của dòng nhạc trữ tình đến với khán giả.
Trong suất diễn này, Ban Tổ chức sẽ dành 50 suất quà để hỗ trợ những thiếu nhi vượt khó vươn lên trong cuộc sống trên địa bàn TP Hà Nội.
Mai Thảo
Văn hóa - Thể thao
TĐKT - Ngày 9/8, Đài truyền hình Việt Nam và Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ công bố Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2017. Đây là lần thứ hai Tập đoàn Hoa Sen trở thành đơn vị đồng hành cùng giải đua.
Đây là giải đấu quy mô quốc tế được tổ chức thường niên. Với thông điệp Vòng quay lan toả, Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2017 cũng là giải đấu có lộ trình xuyên Việt duy nhất tại Việt Nam trong năm nay, với tổng giải thưởng lên đến hơn 1 tỷ đồng và được đánh giá là giải đấu chất lượng, quy mô dành cho 12 đội mạnh trong nước và quốc tế.
Ký kết hợp tác tổ chức Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp tôn hoa sen lần thứ 2 năm 2017
Xuất phát đúng ngày Quốc khánh 2/9 từ Hà Nội và về đích tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 17/9/2017, cuộc đua năm nay gồm 14 chặng với tổng lộ trình thi đấu hơn 1.800 km dọc theo chiều dài đất nước: bắt đầu từ thủ đô Hà Nội, đi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP Nha Trang, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng, và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh.
Với việc quy tụ 7 đội đua trong nước và 5 đội đua quốc tế đến từ các câu lạc bộ có các vận động viên tên tuổi hàng đầu, giải đua là cơ hội để các vận động viên giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật, đưa bộ môn xe đạp Việt Nam phát triển và đạt chuẩn quốc tế.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ thể thao nói chung và bộ môn xe đạp nói riêng, giải đấu còn là dịp giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế về du lịch, văn hoá, lịch sử, hình ảnh con người Việt Nam.
Luôn chia sẻ những thành công trong kinh doanh với cộng đồng thông qua các hoạt động tài trợ, từ thiện đa dạng, Tập đoàn Hoa Sen cùng Thương hiệu Quốc gia Tôn Hoa Sen sẽ là đơn vị đồng hành cùng giải đua.
Nhân dịp này, Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2017 kết hợp với chương trình “Cùng em đi học” sẽ trao tặng hơn 46.000 phần quà và 200 xe đạp cho trẻ em hiếu học trên toàn quốc, trong đó có học sinh thuộc các trường trên lộ trình đoàn đua đi qua.
Phương Thanh
Phát động Liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông năm 2017
TĐKT - Sáng 9/8, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức họp báo Liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông (ATGT) năm 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niến”. Họp báo Liên hoan phim toàn quốc về ATGT năm 2017 Nội dung của Liên hoan phim tập trung vào các nội dung: vị trí và vai trò của thanh, thiếu niên trong việc tham gia vào công tác giữ gìn trật tự ATGT; tấm gương thanh, thiếu niên tiêu biểu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông; thực trạng tình hình chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong thanh, thiếu niên; công tác giáo dục văn hóa giao thông cho đối tượng thanh, thiếu niên tại gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và các đoàn thể, tổ chức xã hội; kinh nghiệm, giải pháp, biện pháp đẩy lùi những hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông trong lứa tuổi thanh, thiếu niên… Thông qua Liên hoan phim năm nay, ban tổ chức mong muốn tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng tham gia giao thông các chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT, nâng cao hiểu biết và ý thức của nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và hình thành thói quen ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đồng thời, đề cao vai trò và ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Ban tổ chức phát động tham gia Liên hoan phim tới tất cả các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc, trong đó khuyến khích sự tham gia của các tác giả, nhóm tác giả là các bạn thanh, thiếu niên. Ban tổ chức cũng kỳ vọng sẽ nhận được các tác phẩm chất lượng xung quanh 3 thể loại: phóng sự, khoa giáo và clip ngắn. Ở mỗi thể loại, ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 8 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ tặng thưởng 5 triệu đồng cho các phim dự thi đạt các giải phụ từng thể loại (giải đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất…). Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tặng 1 Giải thưởng Toyota cho phim xuất sắc đạt các tiêu chí của nhà tài trợ. Cuộc thi được tổ chức từ 8/2017 – 12/2017. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 12/2017 tại Hà Nội. Các tác giả gửi đơn đăng ký tham gia thi, gửi tác phẩm dự thi về qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tới Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT (phòng 4) – Cục Cảnh sát giao thông, đường Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Điện thoại: 069.2324525; di động: 091.3320.830. Email: phongtuyentruyencsgt@gmail.com. Phương ThanhTĐKT – Chiều 8/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967 - 2017)”.
Lễ phát hành đặc biệt Bộ tem Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN
Năm 2017, đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế của một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết sâu rộng trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, tạo tiền đề vững chắc để có những bước tiến xa hơn, vì lợi ích của người dân và nâng cao vị trí, vai trò của ASEAN trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tem bưu chính, thúc đẩy sưu tập tem, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, lịch sử và đời sống của Cộng đồng, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí hai năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2017, cùng phát hành một loại tem mới – “Tem ASEAN”, thể hiện về 1 chủ đề chung do các nước thành viên đề xuất và lựa chọn. Đồng thời, trên mẫu tem của các nước ASEAN sẽ có logo “ASEAN Post” cùng với hình ảnh đặc trưng của quốc gia mình.
Để lựa chọn mẫu logo dùng chung trên Tem ASEAN, năm 2016, Bưu chính các nước ASEAN đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu logo “ASEAN Post” và mẫu thiết kế của Bưu chính Việt Nam do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế đoạt giải nhất.
Chủ đề “Tem ASEAN” năm 2017 là “Quốc hoa”. Bộ tem của Việt Nam được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng và sự phối mầu thanh tao. Với sự sáng tạo và đổi mới, họa sĩ đã thể hiện hoa sen hồng là quốc hoa của Việt Nam, trên nền tem là hình ảnh trống đồng và logo “ASEAN Post” ở phía trên.
Mẫu tem là hiện thân cho bản sắc văn hóa, cốt cách, tinh thần của người Việt Nam, tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc, từ lâu đời được đa số người Việt Nam yêu thích, tôn vinh. Với ngôn ngữ riêng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhiều thông tin, mẫu tem của Việt Nam là một thông điệp đa chiều đóng góp cho sự ra đời, phát triển bền vững và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.
Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967 - 2017)” của Việt Nam do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Tem gồm 1 mẫu có giá mặt là 3.000 đ.
Việc phát hành “Tem ASEAN” thể hiện bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN vì một Cộng đồng hòa bình, ổn định, thịnh vượng và ngày càng phát triển.
Minh Phương
Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Tiếng hát ASEAN +3 tại Việt Nam
TĐKT - Chiều ngày 7/8, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 tại Việt Nam. Họp báo cuộc thi Tiếng hát ASEAN + 3 Theo Ban tổ chức, 19 thí sinh độ tuổi từ 18 - 35 đến từ các quốc gia thành viên ASEAN, sẽ phải trải qua 2 vòng thi để tìm ra người thắng cuộc. Đêm chung kết của cuộc thi sẽ có phần tham gia biểu diễn của các ca sĩ khách mời đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đêm chung kết được phát sóng trực tiếp trên các kênh phát thanh và truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam: VTC1, VTC3, VOVTV, VOV3, VOV5. Ban tổ chức dự kiến trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích và một số giải phụ cho các tiết mục có chất lượng. Trước ngày diễn ra cuộc thi (ngày 18/8), các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ được mời thăm quan quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, một trong những di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận. Đại diện Ban tổ chức cuộc thi cho biết, đây là lần đầu tiên cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 được tổ chức tại Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam hy vọng sẽ mang đến một sân chơi lành mạnh để các nghệ sĩ trẻ thể hiện bản thân, đồng thời có thể ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng âm nhạc trong cộng đồng ASEAN. Cũng theo Ban tổ chức, cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 là dịp để các ca sĩ trẻ và công chúng từ các nước thành viên ASEAN cũng như 3 quốc gia láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa; nhằm góp phần củng cố, thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc. Dự kiến, cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 sẽ diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/8/2017, tại Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hồng ThiếtTĐKT - Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP Hà Nội tổ chức Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây cũng là dịp để giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, xã hội của 10 nước ASEAN, là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp và sáng tác tác phẩm của các nhiếp ảnh gia khối ASEAN.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết Triển lãm lần này sẽ giới thiệu về đất nước con người, văn hóa, xã hội, kinh tế, các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các nước trong khối ASEAN. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, gắn kết các quốc gia, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, phát triển, một khu vực hòa bình, thịnh vượng.
Thứ trưởng Vương Duy Biên đã chúc mừng các tác giả đạt giải và có ảnh trưng bày tại triển lãm, đồng thời cảm ơn sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN đã đồng hành cùng Ban Tổ chức trong việc tuyên truyền, vận động các nhà nhiếp ảnh ASEAN tham dự triển lãm; cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các tác giả nhiếp ảnh và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Được biết, sau hơn 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 10.000 tác phẩm của 1.248 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên của 10 nước ASEAN (Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) gửi về tham dự.
Hội đồng Nghệ thuật đã làm việc khách quan, công tâm và trách nhiệm để chọn ra 230 ảnh trưng bày tại Triển lãm. 10 tác phẩm xuất sắc nhất của 10 quốc gia đã được lựa chọn để trao cúp đồng hạng mang tên “Ảnh ASEAN – 2017".
Hồng Thiết
TĐKT - Ngày 29/7, tại phố sách Hà Nội (phố 19/12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ chính thức giới thiệu tới công chúng bộ sách về giáo dục giới tính dành cho trẻ em. Bộ sách gồm 10 cuốn, được mua bản quyền của Hàn Quốc. Mỗi cuốn sách là một tình huống, câu chuyện gần gũi với đời sống, được kể lại ngắn gọn, súc tích, và dí dỏm nhằm lôi cuốn độc giả nhí.
Hiện nay, sau hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên cả nước thời gian qua, nhiều phụ huynh bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ. Song rất nhiều phụ huynh hiện vẫn còn băn khoăn và lúng túng khi chia sẻ, nói chuyện với con về giới tính.
Bộ sách giáo dục giới tính dành cho trẻ em gồm 10 cuốn, được mua bản quyền của Hàn Quốc
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lan Minh và nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, càng giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt, mỗi độ tuổi sẽ có những cách giáo dục khác nhau, phù hợp với nhận thức của trẻ.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu chia sẻ: hãy giáo dục giới tính theo cách tự nhiên nhất. Nhiều người cho rằng không nên thay quần áo trước mặt trẻ nhỏ nhưng với gia đình tôi lại khác. Tôi có thể thay quần áo trước mặt con gái và ngược lại, chồng tôi có thể thay quần áo trước mặt con trai. Ngay khi con tò mò không hiểu mình có thể giải thích luôn các bộ phận trên cơ thể người phải bảo vệ chăm sóc ra sao. Việc giáo dục giới tính ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường một cách tự nhiên sẽ giúp trẻ hiểu và tiếp thu nhanh chóng hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lan Minh nhấn mạnh: khi cha mẹ dạy kiến thức giáo dục giới tính con, cha mẹ cần phải học trước khi dạy. Đây là điều cần thiết để tránh việc giáo dục con sai lệch.
Bằng những câu chuyện thực tế phân tích tâm sinh lý của các bạn nhỏ, chuyên gia tâm lý Lan Minh đã đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh rằng: “Để trẻ tiếp nhận kiến thức giáo dục giới tính hiệu quả, các bậc phụ huynh cũng cần sự ví von, lựa chọn thời điểm thích hợp, giải thích trên cơ sở kiến thức khoa học nhưng không khô khan. Có như vậy, trẻ mới dễ dàng tiếp nhận kiến thức.”
Với bộ sách Giáo dục giới tính, phụ huynh có thể đọc cùng con những cuốn sách có liên quan tới chủ đề này. Đây cũng là một cách giáo dục tự nhiên, giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với kiến thức về giới tính.
Bộ sách sẽ thực sự trở thành cuốn cẩm nang bổ ích, không chỉ giúp các bậc phụ huynh, mà còn giúp các em nhỏ trang bị được các kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại.
Mai Thảo
Khẳng định giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của những lá thư thời chiến
TĐKT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), sáng 25/7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”. Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định giá trị của tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhiều tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu tù chính trị, thân nhân liệt sĩ, thương binh và cựu chiến binh tiêu biểu… Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NLTTCVN) là một trong những cuốn sách tiêu biểu, nằm trong Công trình tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, thành viên Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, vừa được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao giải, tôn vinh trong cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ. Chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo Công trình được Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong những bức thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ, hoặc thương binh, và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam. Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề: tại sao những trang viết của NLTTCVN lại có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy trong đời sống cộng đồng những năm qua? Tại sao nhiều nhà nghiên cứu đã coi đây là những trang sử trung thực, sinh động và thú vị nhất do nhân dân sáng tạo ra? Giá trị của nó với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc như thế nào? Và nếu coi NLTTCVN là một di sản và một tài sản, thì phải làm sao để thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau sẽ tiếp cận, khai thác tác phẩm này tốt nhất cho đời sống xã hội?... Một số lá thư được giới thiệu trong tuyển tập NLTTCVN Các học giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao tuyển tập NLTTCVN, cho rằng đây là một công trình sưu tầm và giới thiệu độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: “Những lá thư thời chiến không phải từ ngòi bút tài năng và óc tưởng tượng dồi dào của nhà văn tạo nên, mà từ suy nghĩ, từ tấm lòng chân thực, việc làm chân thực của người chiến sĩ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha mẹ, với vợ con, với người yêu hoặc người thân ở hậu phương miền Bắc Việt Nam nên sức thuyết phục của nó mạnh hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật hư cấu nào. Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành, mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất, xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến.” TS. Lê Đức Hoàng, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “ Đây là nguồn sử liệu phản ánh sinh động hiện thực tình yêu, cuộc sống chiến đấu, rèn luyện, sự hy sinh và khát vọng của người lính ở chiến trường gửi về nhà và cũng là nỗi mong đợi, động viên, chia sẻ, cầu nguyện của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Vì vậy, thư thời chiến có giá trị như là sợi dây kết nối quá khứ tới hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến, thậm chí có nhiều chi tiết góp phần giải mã một số bí ẩn lịch sử.” Nhân dịp này, tại Hội thảo, Ban tổ chức đã tặng hoa và quà vinh danh 10 đại diện gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân liệt sĩ, thương binh… tiêu biểu nhất. Đồng thời, Hanoi Medical Diagnostics Laboratory sẽ tặng Phiếu xét nghiệm máu miễn phí cho tất cả đối tượng chính sách tham dự sự kiện. Phương ThanhTĐKT - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 21/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận các kỷ vật chiến tranh của những chiến sĩ đã từng tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh trong cuộc kháng chiến của dân tộc từ nhà văn, nhà báo, Đại tá Đặng Vương Hưng.
Trong những năm 2012 - 2015 nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng là người khởi xướng và trực tiếp tham gia "Cuộc vận động Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân". Bằng tâm huyết, sự nỗ lực, kiên trì của của một người lính đã từng tham gia chiến đấu, nhà văn Đặng Vương Hưng đã có cơ duyên tiếp nhận nhiều tư liệu lịch sử vô giá gửi đến ông từ trong và ngoài nước. Ông luôn nặng lòng với quá khứ, đau đáu với đề tài chiến tranh, đam mê và trân trọng những kỷ vật của những cuộc kháng chiến. Với sự yêu mến và tin tưởng đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà báo Đặng Vương Hưng đã trao tặng cho Bảo tàng một phần tài sản quý giá của mình.
Các kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lần này gồm có: 1 tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và 1 phong bì có bút tích của ông Carl W. Greifzu - cựu chiến binh Mỹ, người đã lưu giữ Tập bản thảo trong suốt hơn 30 năm và trực tiếp giao lại cho nhà văn Đặng Vương Hưng. Bản thảo do bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam, quê Bắc Ninh của cựu binh Carl dịch trong thập niên 80 tại Mỹ, gồm 102 trang, được viết bằng bút chì trên hai mặt giấy, với nhiều nét chữ hiệu đính. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Từ bản dịch viết tay này của bà Trần Kim Dung, cựu binh Carl W. Greifzu đã trực tiếp hiệu đính và sử dụng máy chữ gõ thành văn bản hoàn chỉnh (Kỷ vật bản vi tính của Carl W. Greifzu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – TP Hồ Chí Minh) rồi phô tô thêm hàng trăm bản gửi cho các cựu binh Mỹ cùng đọc. Họ nhận ra giá trị của cuốn nhật ký, nên đã tìm cách gửi nội dung về Việt Nam trao lại cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Trang đầu Tập bản thảo dịch của Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Bút tích đề tặng của Carl W. Greifzu ghi trên phong bì
Một kỷ vật khác cũng được ông trao tặng Bảo tàng Phụ nữ đó là lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay nhân kỷ niệm quân dân tỉnh Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2700. Bà Hà Thị Quế tặng cho ông Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) là người cha của nhà văn Đặng Vương Hưng, cũng là một trong 4 đảng viên đầu tiên của Chị bộ Đảng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Lọ hoa của bà Hà Thị Quế
Ngoài ra, ông Đặng Vương Hưng cũng trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 20 lá thư của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - bác sĩ Tạ Lưu và vợ là y tá Cao Thị Nhu viết cho nhau sau kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ.
Vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu
Vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu - Cao Thị Nhu hiện nay
Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: những hiện vật có ý nghĩa hơn khi tại nội dung trưng bày phụ nữ trong lịch sử của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang giới thiệu về nhân vật Đặng Thùy Trâm, Hà Thị Quế và những lá thư thời chiến. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ bổ sung và làm giàu thêm thông tin về những những nhân vật qua những hiện vật quý giá này để mang những giá trị lịch sử cho thế hệ Việt Nam hôm nay.
Mai Thảo
TĐKT - Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “70 năm đền ơn, đáp nghĩa” từ ngày 25/7 - 27/7, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, số 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đây là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã cống hiến xương máu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thông qua các hoạt động tại Triển lãm, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Qua đây, khơi dậy các nguồn lực trong xã hội, tạo sự chuyển biến về hành động nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Triển lãm gồm 3 phần. Phần 1 trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phần 2 trưng bày thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phần 3 trưng bày toàn xã hội với phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” - đây là phần trưng bày tổng hợp của các đơn vị tham gia Triển lãm “70 năm đền ơn, đáp nghĩa”, sẽ cho thấy một bức tranh tổng quan về sự quan tâm của toàn xã hội với phong trào đền ơn, đáp nghĩa.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Triển lãm còn có phần giới thiệu và trưng bày sản phẩm của các cá nhân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là thương binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách. Họ là những tấm gương vượt khó, tàn nhưng không phế, vừa đóng góp xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc, vừa thể hiện sự năng động trong sản xuất, kinh doanh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 59
- 60
- 61
- 62
- 63
- …
- sau ›
- cuối cùng »