Văn hóa - Thể thao

Nhiều mô hình hay góp phần chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

TĐKT - Sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra: du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch. Năm 2016, ngành du lịch đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp khoảng 6,96% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa ước đạt hơn 14% GDP, tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Du lịch đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương; đồng thời thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội vào các vùng trọng điểm với quy mô lớn, tạo động lực, là đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng nói riêng, của Việt Nam nói chung.   Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” Du lịch từ chỗ chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác tích cực của nội khối Asean, đồng thời với xu hướng cạnh tranh thu hút khách, sự biến động liên tục của thị trường và những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ của các quốc gia cho hoạt động du lịch, thì một hệ thống sản phẩm du lịch đầy đủ, hấp dẫn, chất lượng cao, thể hiện tính chuyên nghiệp là những yếu tố cạnh tranh hàng đầu thu hút khách du lịch. Đây được coi là vấn đề cốt lõi để khẳng định năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của du lịch Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái: phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát triển lâu dài. Cần tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự quyết tâm của ngành du lịch và các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là của ngành du lịch. Tại Hội thảo, nhiều mô hình phát triển du lịch hiệu quả đã được giới thiệu, trở thành những bài học kinh nghiệm cho các đơn vị làm du lịch. Tiêu biểu: mô hình “xây dựng cộng đồng du lịch thân thiện, văn minh tại Đà Nẵng”; mô hình “xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Quốc an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường”; mô hình “đồng bộ hóa sản phẩm du lịch tại Hạ Long”; “Đa dạng hóa sản phẩm và trải nghiệm du lịch của Vietravel”… Mai Thảo

Chương trình Xiếc quốc tế tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 25/8, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp Công ty Xiếc Happy Dream Circus (Nhật Bản) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Xiếc quốc tế diễn ra tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội) từ ngày 1/9 - 1/12/2017 và tại các tỉnh, thành phố trong cả nước từ ngày 2/12/2017 -  1/4/2018. Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018), mừng Quốc khánh 2/9. Chương trình sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Tại Hà Nội, chương trình Xiếc quốc tế biểu diễn tại Rạp xiếc Trung ương, số 67 - 69 Trần Nhân Tông, từ ngày 1/9 - 1/12/2017. Sau đó các nghệ sĩ sẽ lưu diễn tại các tỉnh, thành phố từ ngày 2/12/2017 - 1/4/2018. Chương trình có sự tham gia của 13 nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam biểu diễn kết hợp với các diễn viên, nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.   Họp báo Chương trình Xiếc quốc tế tại Việt Nam Điểm nhấn của chương trình xiếc quốc tế lần này là các màn trình diễn đầy kịch tính, mạo hiểm và mang tính nghệ thuật cao: đu bay, nhào lộn trên không, moto bay trong lồng, phun lửa, đu trên cao... Ngoài ra, các tiết mục hài của do những nghệ sĩ quốc tế biểu diễn sẽ mang lại những phút giây thư giãn thoải mái cho khán giả. Những tiết mục này đã chinh phục khán giả của nhiều Festival quốc tế và đã nhận được nhiều giải thưởng lớn. Tham gia chương trình này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ trình diễn các tiết mục xiếc thú đặc sắc và các tiết mục hài do NSƯT Mạnh Cường, Tiến Hưng biểu diễn. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: dây là hoạt động tham gia vào việc tăng cuờng hiểu biết giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ sĩ xiếc Việt Nam với các nghệ sĩ Nhật Bản và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khán giả yêu mến nghệ thuật xiếc trong nước. Các tiết mục xiếc trong chương trình đã được các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài tập luyện từ nhiều ngày nay. Với mong muốn mang đến cho khán giả nước nhà, đặc biệt là công chúng nhỏ tuổi một món quà đặc biệt vào dịp Tết Trung thu nên các nghệ sĩ đã dàn dựng, tập luyện công phu những tiết mục mới, đặc sắc. Thục Anh  

Họp báo Chương trình hòa nhạc Quốc tế Cello Fundamento

TĐKT- Chiều 27/8, tại Hà Nội, Công ty cổ phần CHAM Việt Nam cùng nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình hòa nhạc Quốc tế Cello Fundamento - Concert 2. Đây là chương trình hòa nhạc tầm cỡ quốc tế với sự góp mặt của các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới phối hợp biểu diễn. Chương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 30/8. Chương trình có sự góp mặt của 9 nghệ sĩ nổi tiếng đến từ 7 quốc gia (Việt Nam, Ukranie, New Zealand, Mỹ, Đức, Áo, Romanian): Răzvan Gabriel Suma, Đinh Hoài Xuân, Aleksey Shadrin, Amalia Hall, Trịnh Hữu Tuệ, Daniel Goitii, Anton Bashynskyi, Iulian Ochescu và Trần Khánh Quang, trình diễn những tác phẩm âm nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc: Ludwig van Beethoven, Claude Debussy, Pablo de Sarasate, Dmitri Dmitriyevich Shostakovich. Ban Tổ chức chia sẻ với các cơ quan báo chí về chương trình Tên của Chương trình Cello Fundamento được lấy cảm hứng từ vai trò gắn kết quan trọng của cây đàn Cello trong dàn nhạc thính phòng cổ điển. Không chỉ là điểm nối giữa hai tầng âm thanh trong dàn nhạc, mà với âm sắc riêng biệt của mình, Cello vẫn làm say đắm lòng người khi trở thành nhạc cụ solo. Khán giả sẽ được thưởng thức sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các nhạc cụ violon, piano và clarinet, và Cello là "nhân vật solo" trong buổi biểu diễn. Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Cello Fundamento Concert 2 đó là tiết mục dân ca Việt Nam được viết và phối lại cho dàn nhạc giao hưởng. Với sự sáng tạo nghệ thuật, những tác phẩm dân gian cũng có thể chơi bằng những nhạc cụ cổ điển theo phong cách thính phòng. Tác phẩm này được nhạc sĩ Lưu Hà An phối khí lại dành riêng cho các nghệ sĩ của Cello Fundamento. Thông qua tiết mục Biss trong chương trình Cello Fundamento, nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân mong muốn được đưa âm nhạc dân gian Việt Nam đến với bạn bè quốc tế bằng con đường âm nhạc mới lạ và tinh tế. Với Cello Fundamento Concert 2, CHAM Việt Nam và nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân mong muốn mang đến cho khán giả không chỉ là một chương trình hòa nhạc quốc tế, tạo môi trường để các bạn trẻ yêu nhạc thính phòng mà còn là một góc nhìn mới về văn hóa thưởng thức âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Phương Thanh

Tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 -2016)

TĐKT - Ngày 24/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2016). Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Quyền Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Phó chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án Phạm Chí Thành cho biết: từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp xã, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Năm 2009 và 2010, Đề án thực hiện thí điểm trang bị sách cho xã, phường, thị trấn ở 16 tỉnh, thành phố. Từ năm 2011 đến 2016, Đề án trang bị sách cho tất cả các xã, phường, thị trấn trong cả nước. Việc tiếp tục triển khai Đề án góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở"; Kết luận của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ"... Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen cho tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2006 -2009) Thống kê cho thấy, Đề án giai đoạn 2009 - 2016 đã xuất bản gần 400 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với 9,4 triệu bản sách. Sách của Đề án phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho cơ sở xã, phường, thị trấn... Nội dung sách bảo đảm khách quan, chính xác, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp, phổ biến nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành cụ thể, phù hợp với đối tượng ở cơ sở. Sách được biên soạn ngắn gọn, văn phong phổ thông dễ đọc, dễ hiểu, dễ tra cứu... Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận trên, qua thời gian triển khai thực hiện Đề án cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Một số đề tài sách, chất lượng chính trị, khoa học đã được nâng lên, song nội dung và hình thức còn cứng nhắc, chưa phù hợp với đối tượng cán bộ và nhân dân ở một số cơ sở. Số lượng bộ sách gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu phong phú, đa dạng của người đọc. Ở một số nơi, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng sách chưa bám sát mục tiêu của Đề án; một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Đề án… Sau khi phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những nhược điểm, hạn chế cần khắc phục, Hội nghị khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước. Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen cho 69 tập thể và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án. La Giang

Trao giải Bóng đá Hà Nội mở rộng lần thứ IX – Geleximco Cup 2017

TĐKT -  Sau 4 vòng thi sôi nổi, nghiêm túc từ ngày 5/8 – 20/8, Giải Bóng đá Hà Nội mở rộng lần thứ IX đã chính thức tìm được đội thi xuất sắc nhất giành Geleximco Cup 2017. Đó là đội bóng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ban tổ chức cũng trao giải nhì cho đội bóng Công ty TNHH phát triển và Thương Mại Việt Phát; giải ba cho đội bóng Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý dự án Hi – end và giải khuyến khích cho đội bóng Công ty TNHH Quốc tế Nguyễn Gia, Hà Nội. Ban tổ chức trao giải vô địch cho đội bóng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Giải Bóng đá Hà Nội mở rộng lần thứ IX – Geleximco Cup 2017 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức, với sự tham dự của 16 đội bóng là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, chia thành 4 bảng thi đấu. Giải bóng được tổ chức thường niên, góp phần tăng cường mối giao lưu, tình đoàn kết giữa các cán bộ, nhân viên đang công tác và làm việc tại UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội. Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần thúc đẩy phong trào thể thao ngày càng phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô. Đồng thời hướng tới chào mừng 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017), 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017), kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và chào mừng Đại hội Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023. Thục Anh

Giới thiệu văn hóa ẩm thực xứ Thanh tại Hà Nội

TĐKT – Với mong muốn giới thiệu đến nhân dân Thủ đô văn hóa ẩm thực của mảnh đất và con người xứ Thanh, ngày 17/8 đã diễn ra Lễ khai trương hệ thống chuỗi nhà hàng Hương vị xứ Thanh tại số 152B5 Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).  Hệ thống chuỗi nhà hàng Hương vị xứ Thanh là nơi giới thiệu văn hóa ẩm thực xứ Thanh với tập hợp đầy đủ các món ăn truyền thống, đặc trưng tại những vùng miền xứ Thanh. Các món ăn truyền thống từ TP Thanh Hóa cho đến các huyện, thị xã: Nga Sơn, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hà Trung, Hậu Lộc,... đều được hội tụ tại đây. Ông Lương Xuân Nguyên, Chủ hệ thống chuỗi nhà hàng Hương vị xứ Thanh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng với nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ trong buổi khai trương nhà hàng mới. Một số món ăn tiêu biểu của nhà hàng Hương vị xứ Thanh như nem chua, bánh cuốn tôm, chả tôm nướng, bánh khoái tép, bánh xèo nhân tôm, nem nướng, nem ống tre, lẩu cá khoai, dắt xào xúc bánh đa… được chế biến nhằm đem đến cho thực khách những món ăn vừa ngon, vừa lạ miệng mà phảng phất đâu đó hương vị quê hương Thanh Hóa. Ông Lương Xuân Nguyên, Chủ hệ thống chuỗi nhà hàng Hương vị xứ Thanh cho biết: hiện tại, nhà hàng đã khai trương tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai và sẽ tiếp tục mở rộng phát triển thêm nhiều cơ sở trong thời gian tới. Mai Thảo

Sắp diễn ra Hội chợ Sách quốc tế Việt Nam lần thứ VI

TĐKT - Chiều 16/8, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện Triển lãm - Hội chợ Sách Quốc tế Việt Nam lần thứ VI. Hội chợ lần này có 94 đơn vị tham gia: 63 đơn vị trong nước và 31 nhà xuất bản, tổ chức nước ngoài. Tổng số xuất bản phẩm trưng bày, quảng bá, giới thiệu, phục vụ bạn đọc là 40.000 tên sách với hàng vạn bản sách các loại. Trong đó, có trên 7.500 tên sách với trên 20.000 bản sách ngoại văn. Triển lãm hội chợ Sách Quốc tế lần thứ V Tại khu vực triển lãm, Ban tổ chức lựa chọn khoảng 750 xuất bản phẩm có giá trị để trưng bày theo chủ đề: sách về biển đảo và chủ quyền lãnh thổ đất nước, sách về ASEAN và các nước, sách dịch, sách điện tử, sách giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng sách Việt Nam… Tại khu vực tổ chức sự kiện sẽ diễn ra khoảng 24 chương trình tại phòng hội thảo, sân khấu ngoài trời và gian hàng, theo các nhóm chủ đề: tọa đàm, trao đổi về bản quyền và kinh nghiệm xuất bản; giới thiệu sách mới, sách hay, có giá trị; giao lưu tác giả - độc giả, tác giả ký tặng sách; các chương trình phổ biến kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, kỹ năng sống và rèn luyện thói quen đọc sách… Trong khuôn khổ triển lãm sẽ có nhiều tọa đàm với nhiều diễn giả có tên tuổi trong ngành xuất bản: “Trao đổi kinh nghiệm về bản quyền xuất bản”, “Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ”, “Những cánh thư nối vòng tay lớn”, chương trình “Tự tay làm sách - Cùng con kiến tạo thế giới chuyển động”… Ngoài các buổi tọa đàm, Ban tổ chức tổ chức giới thiệu mô hình Thư viện gia đình Việt Nam theo chủ đề “Gia đình truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển”. Tại các gian hàng của các đơn vị tham gia sẽ diễn ra các hoạt động trao đổi, giao dịch về bản quyền giữa các đơn vị xuất bản trong nước và nước ngoài, chương trình khuyến mãi, bán sách đồng giá, giảm giá, tri ân bạn đọc… Triển lãm – Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ  VI năm 2017 sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội từ ngày 23 đến 27/8. La Giang

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX sẽ diễn ra tại Đà Nẵng

TĐKT -  Từ ngày 24 - 28/11 Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là sự kiện điện ảnh sôi động, góp phần tôn vinh và quảng bá văn hóa Việt Nam. Họp báo công bố liên hoan phim lần thứ XX Cụ thể tại liên hoan phim sẽ có các chương trình phim dự thi, bao gồm phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình (được cấp phép phổ biến từ 11/10/2015 đến 10/9/2017, trừ trường hợp đặc biệt do Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan xem xét, quyết định). Tại liên hoan lần này,  Ban tổ chức cũng sẽ chấp nhận cho thể loại phim làm lại (remake) từ kịch bản/phim nước ngoài. Nhưng nếu phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ chỉ được xét các giải thưởng cho cá nhân (trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản và giải thưởng phim hay nhất). Các phim có thành phần sáng tác chính không mang quốc tịch Việt Nam vẫn được xét trao giải thưởng. Ban tổ chức sẽ trao 1 Bông sen Vàng, 2 Bông sen Bạc, 2 giải thưởng của Ban giám khảo và giải thưởng cá nhân dành cho đạo diễn, kịch bản, quay phim, họa sĩ, âm nhạc, âm thanh xuất sắc; nam, nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc cho từng loại hình phim. Ngoài ra còn có giải bình chọn của khán giả và giải thưởng của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, liên hoan phim lần này là dịp để các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh nhìn lại quãng đường trưởng thành, phát triển của Liên hoan phim Việt Nam qua 20 kỳ tổ chức. Đồng thời cũng là sự kiện văn hoá quốc tế  để chào mừng Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, nét văn hoá đặc sắc và truyền thống hợp tác hữu nghị giữa các nước thuộc cộng đồng ASEAN. Liên hoan phim dự kiến thu hút khoảng 800 đại biểu là các nghệ sĩ, nhà quản lý, sản xuất, phát hành, phổ biến phim của Việt Nam và khoảng 50 đại biểu, khách mời quốc tế. Hồng Thiết

Phát động thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

TĐKT – Chiều 15/8, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4, từ năm 2017 – 2020. Tới dự, có: Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Lễ phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4 Cuộc thi là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2020); 70 năm Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 – 11/3/2018); 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc  (2005 – 2020) và thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  Cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích, mời gọi và tạo điều kiện để các nhà văn và các cây bút trong cả nước thâm nhập thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND, sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh chân thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ công an, những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Nét mới của cuộc thi lần thứ 4 này là khuyến khích các tác giả đi sâu vào tìm hiểu, phản ánh những chiến công của lực lượng công an trong đấu tranh tội phạm an ninh phi truyền thống, các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao… Trên cơ sở đó, các tác giả xây dựng nên những tác phẩm văn học đỉnh cao, góp phần vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các tác phẩm dự thi phải là những tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trọn vẹn trên báo và tạp chí. Mỗi tác giả có thể gửi 1 hoặc nhiều tác phẩm dự thi. Các giải thưởng được chấm chung cho 3 thể loại, với cơ cấu giải thưởng: 3 giải A cho tiểu thuyết, trị giá mỗi giải 50 triệu đồng; 2 giải A cho truyện và ký, mỗi giải 30 triệu đồng; 3 giải B cho tiểu thuyết, mỗi giải 30 triệu đồng; 2 giải B cho truyện và ký, mỗi giải 20 triệu đồng; 4 giải C cho tiểu thuyết, mỗi giải 15 triệu đồng; 2 giải C cho truyện và ký, mỗi giải 10 triệu đồng; 7 giải khuyến khích trị giá mỗi giải 10 triệu đồng. Các tác phẩm được lựa chọn qua vòng Sơ khảo sẽ được in trọn vẹn hoặc giới thiệu trên các ấn phẩm của Nhà xuất bản CAND, Báo CAND, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm được giải thưởng sẽ được Nhà xuất bản CAND in thành sách, tác giả được hưởng bản quyền, nhuận bút theo chế độ hiện hành. Bản thảo gửi về: Ban Biên tập sách Văn học, Nhà xuất bản CAND, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; email: xuatbancongan@gmail.com và Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cuộc thi kéo dài từ nay đến hết ngày 30/6/2020. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến tổ chức vào tháng 8/2020. Phương Thanh

Triển lãm ảnh "10 năm - Vì tình yêu Hà Nội"

TĐKT - Tối 11/8 đến hết ngày Chủ nhật (13/8) tại Phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội đã diễn ra triển lãm ảnh “10 năm – Vì Tình yêu Hà Nội” nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Bùi Xuân Phái .   Một góc Hà Nội xưa Triển lãm lần này trưng bày 50 bức ảnh là sáng tác hoặc sưu tầm của 5 tác giả từng được đề cử hoặc đoạt giải thưởng trong 10 năm qua. Đó là: nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Quang Phùng, Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh gia Hà Lan Loes Herrink, và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu  - người đã cùng với nhà sử học Pháp Emmanuel Poisson có công sưu tầm, triển lãm ảnh "Hà Nội sắc màu 1914 - 1917". Cho đến năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 8 nhân vật bằng Giải thưởng Lớn, cùng khoảng 30 giải tác phẩm, ý tưởng, việc làm, và hơn 50 đề cử khác nhau... Tại triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã chuyển tải một thông điệp thú vị qua những bức ảnh về chiếc xe đạp rong chở hoa, quả phục vụ cuộc sống người Hà Nội hôm nay, dường như còn có cả... những chiếc xe thồ Điện Biên hơn 50 năm trước. Một sự "hồi sinh" của chiếc xe đạp giữa lấm láp đời thường sau nửa thế kỷ.  Tiếp đó là hình ảnh cậu bé đội mũ cối cởi trần, chân trần cười tươi, còn xung quanh là những nụ cười hồn nhiên, những đôi dép lốp... Tất cả diễn ra bên bờ Hồ đã cho thấy một Hà Nội bình dị, hồn hậu và bình yên đến chừng nào giữa những năm tháng hào hùng đó. Đặc biệt, 10 năm Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" đã kết nối không biết bao nhiêu những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm vì Hà Nội, cho Hà Nội. Tình yêu Hà Nội là động lực, là mục tiêu để những con người đó sống và làm việc. Một triển lãm không thể chuyển tải hết được những tình yêu đó đến đông đảo công chúng, nhưng chính khâu chuẩn bị và tổ chức triển lãm này cũng mang một ý nghĩa nho nhỏ khi đánh thức và kết nối được những con người đang ở rất xa nhau và dường như chẳng có mối liên hệ gì với nhau, nếu không có cùng "Tình yêu Hà Nội". Ngoài hoạt động triển lãm này, Ban Tổ chức giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” còn tổ chức một loạt sự kiện kỷ niệm 10 năm của giải thưởng. Đó là: Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 10 - 2017 và Lễ kỷ niệm 10 năm giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 18/7; đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội phố” diễn ra vào 20h ngày 26/8 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội)... La Giang

Trang