Văn hóa - Thể thao

Khen thưởng huấn luyện viên, vận động viên Điền kinh Việt Nam đạt thành tích cao tại ASIAD 2018

TĐKT - Chiều 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương, trao thưởng huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV) đội tuyển Điền kinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao Châu Á năm 2018 (ASIAD 2018). Các nhà tài trợ trao thưởng cho đội tuyển Điền kinh Việt Nam Tại buổi lễ, Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Hoàng Vệ Dũng nêu rõ: Đội tuyển Điền kinh Việt Nam tham dự ASIAD 2018 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng, phá 3 kỷ lục quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á giành được Huy chương Vàng ở môn điền kinh tại ASIAD 2018. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Điền kinh Việt Nam giành được Huy chương Vàng quý giá ở môn nhảy xa. Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mong muốn, sau kỳ Đại hội này các HLV, VĐV Điền kinh Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần thi đấu kiên cường, nâng cao trình độ chuyên môn, hướng tới giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội khác trong nước và quốc tế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn đánh giá cao thành tích mà Đội tuyển Điền kinh Việt Nam giành được tại ASIAD 2018. Ông mong muốn trong thời gian tới, Điền kinh Việt Nam cần tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Mặt khác, Điền kinh Việt Nam cần cố gắng vượt qua những khó khăn, duy trì thành tích thi đấu nhằm hướng tới giành thành tích cao hơn trong tương lai. Với những thành tích đã đạt được tại ASIAD 2018, ngoài tiền thưởng "nóng" ngay tại Indonesia khi giành được huy chương, Đội tuyển Điền kinh Việt Nam tiếp tục nhận được sự động viên to lớn từ các nhà tài trợ.  Tại buổi lễ, Câu lạc bộ G7 trao thưởng cho đội tuyển Điền kinh Việt Nam 200 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hoàng Thành thưởng 100 triệu đồng; Công ty Giải pháp Sáng kiến 1C và Tập đoàn Thái Bình Dương, mỗi đơn vị thưởng 50 triệu đồng; nhãn hàng Lining thưởng 20 triệu đồng. Công ty du lịch Vietravel thưởng riêng cho VĐV Bùi Thị Thu Thảo 200 triệu đồng và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu 50 triệu đồng vì thành tích đạt Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ. Ông Nguyễn Trung Hinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thưởng riêng cho VĐV Bùi Thị Thu Thảo và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu 1000 đô la Mỹ. Phương Thanh

Tổng kết Giải đua xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018

TĐKT - Chiều 16/9, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Gala tổng kết Giải đua xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018. Đây là giải đua xe đạp thành công nhất tại Việt Nam từ trước đến nay về chuyên môn và cách thức tổ chức. Giải đua năm nay đạt kỷ lục về độ dài của chặng. Nếu như trước đây chặng dài nhất là 198 km thì giải này có chặng đua là 242 km (Quảng Nam - Quy Nhơn). Về tốc độ trung bình trước đây la 37 - 39 km/ giờ thì nay là 42 - 43 km/giờ và cao điểm là 48,5 km/ giờ. Quang cảnh Gala tổng kết giải xe đạp VTV cúp Tôn Hoa Sen 2018 Trong số 84 tay đua kỳ này có 46 cua-rơ ngoại, 38 cua-rơ Việt Nam. Kết quả chung cuộc về cá nhân và đồng đội không một tay đua hay đội Việt Nam nào giành được giải. Điều an ủi lớn nhất là trong các chặng đầu, các tay đua Việt Nam đã đạt được một số kỳ tích. Ở chặng 5, cua-rơ Nguyễn Đắc Thời (Tập đoàn Lộc Trời - An Giang) bất ngờ vượt lên giành áo Vàng và áo Trắng sau 5 chặng. Nguyễn Thanh Tùng (Quân khu 7) là tay đua trẻ (19 tuổi) đầy tiềm năng đã mặc áo trắng 3 chặng và về nhì 2 chặng. Tay đua gạo cội, niềm tự hào và hy vọng của làng đua xe đạp Việt Nam Lê Văn Duẩn 1 lần về nhất chặng và 2 lần về nhì. Anh cũng đoạt được một số giải sprint. Lê Nguyệt Minh thì không về nhất chặng nào. Còn những giải sprint khác, các cua-rơ nội, ngoại thay nhau nắm giữ. Nhưng giải đua đã thổi một làn gió mới cho làng đua xe đạp thành tích cao tại Việt Nam. Các cua-rơ Việt Nam đã mạnh dạn vươn lên bứt phá ganh đua với làng đua xe đạp thế giới, nếu được đầu tư đúng mực và chiến thuật bài bản thì chắc chắn sẽ có kết quả mỹ mãn. Chặng 12 của giải diễn ra sáng 14/9, vòng quanh TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với quãng đường  hơn 51 km. Sau nhiều chặng đua dài và leo đèo, dốc, đây là cơ hội để các tay đua thả lỏng nhằm chuẩn bị cho hai chặng cuối. Chặng đua này còn là cơ hội để những chuyên gia nước rút thi thố tài năng. Đồng thời đây là thời điểm tốt nhất để thay đổi thứ hạng đồng đội. Ngay khi xuất phát, PNG Indonedia đã bùng lên bứt phá nhằm giành vị trí cao. Tuy nhiên chiến lược không thành công. Tại đích đến, tay đua trẻ Hàn Quốc Im Jaeyeon đã chiến thắng và giữ vững chiếc áo Xanh, đạt tốc độ trung bình 45,5 km/h. Tuyển thủ Quốc gia và vua nước rút Việt Nam Lê Nguyệt Minh về nhì. Áo Vàng vẫn thuộc về tay đua Hà Lan. Về đồng đội không có xáo trộn. Các sprint chặng này, không có cua-rơ Việt Nam nào đứng tốp đầu. Vòng ski tại Buôn Mê Thuột Đắk Lắk Chặng 13 xuất phát từ Đắc Mil (Đắk Nông) về Đồng Xoài (Bình Phước), lộ trình dài 183 km. Đây là chặng đua có lộ trình đẹp nhất: Đường tốt, không có đèo Chỉ có dốc đi xuống và có vài đoạn cua nhỏ. Thời tiết mát mẻ, đường vắng là cơ hội tốt để thay đổi các danh hiệu và bảng tổng sắp. Đây là chặng áp cuối nên các tay đua dồn hết sức để đạt danh hiệu, nhất là các điểm nước rút (Sprint). Cua-rơ giành áo Đỏ của mùa giải 2017 là Junrey Navarra (Philippine Navy)  xuất sắc giành chiến thắng ở cả 3 điểm Sprint chặng này. Khi còn không tới 40 km tới đích, tốp đông phía sau đã tăng tốc mạnh mẽ để bắt kịp tốp 1 có phần đuối sức. Với chiến thuật hợp lý và khả năng bứt tốc mạnh mẽ, cua-rơ Im Jaeyeon Hàn Quốc một lần nữa là người xuất sắc nhất về đích đầu tiên tại đích đến tại Trung tâm Thể dục - thể thao Đồng Xoài (Bình Phước) để giành chiến thắng chặng 13. Sau 3 chặng về nhất liên tục, tay đua Hàn Quốc này giữ được áo Xanh. Về tiếp theo chặng này là Nguyễn Thành Tâm và Lê Nguyệt Minh. Hạng 4 là Trần Nguyễn Duy Nhân (Quân khu 7)  và Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) hạng 5. Áo Vàng chung cuộc vẫn thuộc về David van Eerd (Hà Lan), Sarda Javier Perez (Tập đoàn Lộc Trời) giữ áo Đỏ, còn người giữ áo Trắng (cua-rơ trẻ xuất sắc nhất) vẫn là Purnomo Setiawan (PGN - Indonesia). Đáng chú ý là chặng này có đến 4/5 cua-rơ  Việt Nam về đích sớm nhất. Về hạng 5 Lê Văn Duẩn. Nhưng do anh vi phạm nội quy nên bị xếp cuối bảng tổng sắp. Bứt phá về đích tại Đồng Xoài, Bình Phước Chặng 14, chặng đua cuối cùng của Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018 với lộ trình từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) đi TP Hồ Chí Minh có độ dài 136 km. Đây là chặng đua với lộ trình ngắn. Ngay từ vạch xuất phát 14 cua-rơ nhanh chóng tách tốp và đua tranh các giải thưởng dọc đường. Người giành chiến thắng ở sprint 1 là Im Jaeyeon (Korail Cycle Team), Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) giành sprint 2. Tại đích đến ở Dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), cua-rơ Im Jaeyeon (Korail Cycle Team) là người xuất sắc về đích đầu tiên với thời gian 3 giờ 12 phút 28 giây để giành chiến thắng ở chặng đua cuối cùng. Về đích tiếp theo lần lượt là các cua-rơ Jan Paul Morales (Philippine Navy), Rick Nobel (NCCT - Lào) và Arin Iswana (PGN - Indonesia). Về đích trong top 2 nhưng David van Eerd vẫn bảo vệ thành công chiếc áo Vàng của mình. Cua-rơ người Hà Lan chính là chủ nhân của giải thưởng cá nhân danh giá nhất của Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018 với phần thưởng 200 triệu đồng. Áo Chấm đỏ thuộc về Sarda Perez Javier (Tập đoàn Lộc Trời) và áo Trắng thuộc về Purnomo Setiawan (PGN - Indonesia). Ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VTV và ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Thường trực điều hành Tập đoàn Hoa Sen trao các giải cao nhất Ở giải thưởng đồng đội, chiến thắng đã thuộc về đội đua PGN - Indonesia. Cua-rơ Sarda Perez Javier (Tập đoàn Lộc Trời) giành giải Vận động viên ấn tượng. Bài: Trần Lê  Ảnh: Hoài Huy

Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2018

TĐKT - Ngày 15/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo giới thiệu Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2018. Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ đồng chủ trì buổi họp báo. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh nằm trong các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018). Đồng thời, là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và nét độc đáo của thiên nhiên, con người Yên Bái với nhiều hoạt động du lịch độc đáo tạo thành chuỗi sự kiện hấp dẫn khách du lịch. Ban tổ chức thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2018 Năm 2018, nối tiếp thành công của những năm qua, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò sẽ diễn ra từ ngày 21 - 25/9/2018, tái hiện chuyện tình "Hoa ban trắng” và Lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải có chủ đề "Mù Cang Chải - Đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là thông điệp gửi tới du khách gần xa: Hãy về với vùng đất đất tổ của người Thái đen, vùng đất Mường Lò "Gạo trắng, nước trong” với những làn điệu dân ca, dân vũ thiết tha, mời gọi để đắm mình vào những điệu xòe ngây ngất men say, xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2018 tôn vinh danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải và các giá trị văn hóa dân tộc Mông, chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang. Thiên nhiên và con người Mù Cang Chải đã làm nên một danh thắng tuyệt vời với sắc xanh của núi, màu vàng của những sóng lúa bậc thang – bậc thềm tiến lên sự no ấm, hạnh phúc vững chãi. Nét văn hóa đặc sắc, vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang đã làm nên một Mù Cang Chải đẹp và luôn hấp dẫn du khách mỗi khi đến nơi đây. Đặc biệt, năm 2018 là năm tổ chức kỷ niệm 5 năm Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng” tại đèo Khau Phạ của Câu lạc bộ dù lượn Vietwing Hà Nội với nhiều hoạt động trình diễn bay đôi hóa trang hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, năm 2018, tỉnh Yên Bái tổ chức hoạt động "Yên Bái - Trải nghiệm hành trình di sản” với nhân vật trải nghiệm thực tế của Nguyễn Liên Phương - Á hậu 1, Hoa hậu Đại sứ du lịch Thế giới 2017 và một số nhân vật nổi tiếng; hoạt động của nhóm trình diễn xe địa hình với thành viên Câu lạc bộ xe Offroad Việt Nam, Câu lạc bộ xe Pickup, các câu lạc bộ xe trên cả nước (có khoảng gần 100 xe bán tải tham gia đoàn trình diễn). Điểm mới và hấp dẫn của các hoạt động lễ hội năm nay là tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa dân tộc để du khách được trải nghiệm, cảm nhận và hòa mình vào không gian lễ hội. Ban tổ chức cũng đổi mới trong hình thức thể hiện các kịch bản, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đồng thời có nhiều hoạt động lần đầu tiên được tổ chức sẽ tạo ra nhiều thú vị, hấp dẫn, sân chơi bổ ích và giao lưu với du khách. Mai Thảo

Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018)

TĐKT - Ngày 15/9, tại Trung tâm Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn học (Hà Nội) đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018); đồng thời công bố kỷ lục quốc gia về Ngày hội Lục bát. Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức. Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải Lục bát Kim cương Xuất phát từ ý tưởng, đề xuất của nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ, cuộc thi Thơ Lục bát độc đáo với tên gọi “Tổ quốc và Đạo pháp” được phát động từ năm 2012, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, cố vấn chuyên môn và giám khảo, website Lục bát Việt Nam cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan thường trực. Trong 6 năm qua, đã có gần 2.000 tác giả, gửi hơn 10.000 tác phẩm dự thi. Sau 5 lần sơ kết, Ban Tổ chức đã trao 56 giải thưởng cho 56 tác giả đến từ mọi miền đất nước; trong đó có 20 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 36 giải “Lục bát Trăng bạc”. Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Thế Phiệt, Chánh Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, cho biết: Lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống dân tộc mà còn là hồn quê, văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Lục bát là di sản vô giá, độc đáo mà cha ông để lại cho hôm nay và mai sau. Cách đây 10 năm, Nhà thơ Đặng Vương Hưng – một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc đã khởi xướng và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục bát Việt Nam và vận động đề xuất Thơ Lục bát là Quốc Thi, tiến tới công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông Phiệt đánh giá cao cuộc thi kéo dài 6 năm và coi đó như là một trong những cố gắng để làm tốt hơn nữa cho việc phát triển thơ lục bát. Tổng kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 4 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 4 giải “Lục bát Trăng Bạc”; đồng thời, tổng kết 6 năm và trao giải Lục bát Kim Cương. Các giải “Lục bát Trăng Vàng” được trao cho: Tác giả Nguyễn Quỳnh Anh (Ninh Bình) với chùm thơ “Viết về Vị Xuyên” và "Nhớ những ngày đông”; Nguyễn Xuân Môn (Kon Tum) với chùm thơ 2 bài “Hàng sáo” và “Quê tôi”; Nguyễn Văn Song (Hưng Yên) với chùm 2 bài “Mùa đông nhớ mẹ” và “Nhà quê”; Vương Đoàn Trọng (Hà Nội) với bài thơ “Nhớ xưa”. Giải “Lục bát Kim Cương” được trao cho 2 tác giả: Trần Kê Hoàn (Nam Định) với chùm 2 bài “Lục bát Vu lan”, “Chị” và Lam Bình (Hà Nội) với chùm 2 bài “Phật tâm”, “Chiều du cư”. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tặng Bằng Tuyên dương Công đức cho cá nhân thuộc ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Tổ quốc và Pháp” Tại buổi lễ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức tặng nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ - hai thành viên Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp”. Ông Hoàng Thái Tuấn Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Phát triển Kỷ lục miền Bắc đã công bố 2 kỷ lục Quốc gia mới, nhân kỷ niệm 10 năm tổ chức Ngày hội Lục Bát và xuất bản Bộ sách Lộc Phát. Ngày hội Lục bát Việt Nam năm Mậu Tuất - 2018 là dịp để các tác giả, bạn đọc yêu thể thơ truyền thống của dân tộc gặp gỡ, giao lưu; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị hồn quê từ ngàn đời truyền lại cho hôm nay và mai sau; đồng thời, chung tay góp sức vận động, quảng bá, đề xuất để thơ Lục bát sẽ trở thành Quốc Thi của Việt Nam, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong khuôn khổ Ngày hội có các hoạt động: Thi trình diễn thơ Lục bát; giao lưu bạn thơ các câu lạc bộ thơ; lễ dâng thơ; đọc Chúc văn ngày hội; lễ phát lộc Thơ Lộc phát; tổng kết và trao thưởng Cuộc thi Thơ “Tổ quốc và Đạo pháp”; trao thưởng Trình diễn thơ Lục bát năm Mậu Tuất – 2018. Phương Thanh - Mai Thảo

Phát động cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em 2018 – Giấc mơ xanh”

TĐKT - Ngày 14/9, tại tại Trường Tiểu học & THCS Tây Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em” dành cho học sinh tiểu học Việt Nam. Cuộc thi có chủ đề “Giấc mơ xanh”, là hoạt động nhằm chào mừng quan hệ ngoại giao gắn bó giữa hai quốc gia; đồng thời khuyến khích các thí sinh nhỏ tuổi tham gia truyền thông điệp về các vấn đề bảo vệ môi trường bằng những bức tranh đầy màu sắc và giàu trí tưởng tượng của mình. Cuộc thi được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch (VIDAFA) và Nhà xuất bản Kim Đồng, Báo Nhi Đồng, My Kingdom - Lego Vietnam. Bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ “Cuộc thi giúp các bé có thể khắc họa các vấn đề môi trường thông qua đôi mắt trẻ thơ, phản ánh chúng theo cách độc đáo mà chỉ trẻ nhỏ mới có thể cảm nhận được. Chúng tôi rất hy vọng rằng các tác phẩm nghệ thuật dự thi vẽ nên bởi cảm xúc và nhận thức của trẻ nhỏ này sẽ giúp rất nhiều người lớn nhận thức được các vấn đề cấp bách của môi trường toàn cầu. Hy vọng rằng chúng sẽ mang tới cho tất cả mọi người nhiều điều thật đáng suy ngẫm. Đan Mạch vốn nổi tiếng toàn cầu là một quốc gia xanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cuộc thi góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của một thế giới xanh và sạch” - Bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch chia sẻ. Tất cả học sinh tiểu học Việt nam trên toàn quốc có thể tham gia cuộc thi bằng cách gửi tranh tự vẽ (số lượng không hạn chế) trên khổ giấy A3, với bất cứ chất liệu tùy chọn (phấn màu, chì, than, màu nước, sơn acrylic, tranh dán giấy…) về địa chỉ: Hội Hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch (VIDAFA), tầng 7, số 105A phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Hạn cuối nhận bài dự thi: ngày 05 tháng 10 năm 2018. Tranh dự thi cần được gửi kèm theo: Họ tên thí sinh, tuổi, trường, lớp, địa chỉ gia đình/trường, số điện thoại và email liên hệ (nếu có) của phụ huynh hoặc trường. Vui lòng ghi rõ “Bài dự thi Cuộc thi Đan Mạch trong mắt em 2018” trên phong bì gửi bài dự thi. Học sinh Trường Tiểu học & THCS Tây Hà Nội tham gia vẽ tranh tại buổi phát động Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào cuối năm 2018. Học sinh đoạt giải đặc biệt sẽ được trao tặng một máy ảnh và một bộ đồ chơi LEGO. Các giải nhất, nhì và ba sẽ được tặng đồ chơi LEGO. Ngoài ra, sẽ có 50 giải khuyến khích và 2 giải tập thể được trao tặng. Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, cuộc thi “Đan Mạch trong mắt em” lần đầu ra mắt với sự tổ chức của Đại sứ quán Đan Mạch và VIDAFA. Cuộc thi năm 2016 tập trung vào kỹ năng viết tiếng Anh của các bạn trẻ và người thắng cuộc (một bạn học sinh lớp 9 từ Hà Nội) đã được tặng học bổng là chuyến đi 2 tuần học tập và tham quan Trường Kinh doanh Niels Brock tại Copenhagen, Đan Mạch. Kể từ đó, “Đan Mạch trong mắt em” trở thành cuộc thi thường niên cho trẻ em, với các chủ đề khác nhau theo từng năm. Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam có một Chương trình hỗ trợ văn hóa đa dạng với tổng giá trị hỗ trợ trên 3 triệu đô la Mỹ. Chương tình tập trung vào hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam cũng như sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch. Kể từ năm 2006, hàng trăm dự án nghệ thuật và nghệ sĩ đã được hỗ trợ thông qua chương trình. Thục Anh

Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen: Đường lên Tây Nguyên đã định đoạt các giải quan trọng

TĐKT - Sáng 12/9, chặng 10 Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen đã xuất phát từ Quy Nhơn tiến về Gia Lai. Lộ trình dài 168 km. Đây là lộ trình hết sức khắc nghiệt đối với các tay đua vì phải vượt qua 2 đèo dốc: An Khê (8 km) và Mang Yang (hơn 30 km). Với khả năng leo đèo tốt, Sarda Javier Perez (Tập đoàn Lộc Trời) đã về nhất tại đỉnh đèo An Khê và về nhì tại Mang Yang, đoạt lấy chiếc áo Đỏ “Vua leo núi”. Như vậy chiếc áo Chấm đỏ của giải đã hoàn toàn thuộc về tay đua Sarda Javier Perez (Tập đoàn Lộc Trời) vì trong các chặng đua còn lại không còn các đoạn đường đèo. Đoàn đua rời Bình Định Tại đích đến ở Quảng trường Đại đoàn kết (TP Pleiku), với chiến thuật hợp lý và bung sức mạnh mẽ ở những km cuối, Ronald Oranza (Philippine Navy) xuất sắc về đích đầu tiên sau 4 giờ 27 phút 39 giây. Ronald Oranza (Philippine Navy) về nhất chặng 10 Sau 10 chặng, bảng tổng sắp đã thay đổi nhiều. Cụ thể giải cá nhân trong top 10 chỉ có duy nhất một tay đua Việt Nam Phan Hoàng Thái (Dược Đồng Tháp) đứng thứ 8. Giải đồng đội các chặng trước do các đội Việt Nam thống lĩnh trong top 5. Đến chặng này các đội nước ngoài vượt lên giành ưu thế. Đội Lộc Trời An Giang từ hạng nhất bị đẩy xuống hạng 4. Áo Vàng và áo Xanh vẫn thuộc về tay đua Hà Lan David Van Eerd. Đồng bào dân tộc ở Gia Lai đón chào đoàn đua Chặng 11 giải xe đạp quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2018 từ TP Pleiku tới TP Buôn Ma Thuột có lộ trình  dài 179 km. Chặng đua này có 3 đoạn rút tính điểm (sprint). Đây là cung đường đẹp nhất giải đua, khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi để các cua-rơ tranh tài và thể hiện đẳng cấp của mình. Hai bên đường bà con đồng bào ùa ra rất đông để cổ vũ cho đoàn đua. Cuộc đua tranh các giải thưởng dọc đường diễn ra hấp dẫn và kịch tính. Tại sprint 1, cua-rơ Im Jaeyeon (Hàn Quốc) là người về nhất. Tuy nhiên ở 2 sprint còn lại, Jan Paul Morales (Philippine Navy) mới là người chiến thắng. Cung đường tuyệt đẹp ở Tây Nguyên Tại đích đến quảng trường 10/3 (TP Buôn Ma Thuột), cua-rơ Jos Koop (Global Cycling Team) là người có màn bứt tốc ngoạn mục để cán đích đầu tiên, giành chiến thắng chặng 11. Về đích tiếp theo lần lượt là các cua-rơ Nguyễn Phạm Quốc Khang (Bike Life Đồng Nai), Im Jaeyeon (Korail Cycle Team) và Loic Desriac (Bike Life Đồng Nai). Với việc không thể về đích trong top 5 ở chặng đua này, David van Eerd (Hà Lan)  để mất chiếc áo Xanh. Chiếc áo Xanh đã chính thực thuộc về Im Jaeyeon (Korail Cycle Team). Kết thúc chặng 11 kết quả như sau: Hạng nhất: Jos Koop (Global Cycling Team) Hạng 2: Nguyễn Phạm Quốc Khang (Bike life Đồng Nai) Hạng 3: Im Jaeyeon (Korail Cycle Team) Hạng 4: Loic Desriac (Bike life Đồng Nai) Các danh hiệu cá nhân: Áo Vàng: David van Eerd (Global Cycling Team) Áo Xanh: David van Eerd (Global Cycling Team) Áo Đỏ: Sarda Javier Perez (Tập đoàn Lộc Trời). Như vậy, sau chặng đua này các tay đua Việt Nam bị đẩy ra xa top đầu. Cua-rơ trẻ Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) chỉ đạt hạng 13. Hai tay đua kỳ cựu của Việt nam đã tụt rất xa. Lê Văn Duẩn (TP Hồ Chí Minh) đứng thứ 58. Lê Nguyệt Minh đứng thứ 67. Về đồng đội, 3 vị trí đầu thuộc về 3 đội nước ngoài. Đội Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đứng hạng 4, thua đội đầu bảng là 3 phút 23 giây. Tiếp theo là đội Đồng Nai và Dược Đồng Tháp. Đội Hà Nội gần chót bảng tổng sắp. Ngày 14/9, đoàn sẽ đua ski tại Buôn Mê Thuột, sau đó sẽ di chuyển về Đắc Nông để đua về Bình Phước. Trần Lê

Nhiều hiện vật quý được hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội

TĐKT -  Chiều 12/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ vận động hiến tặng, tiếp nhận và công bố kết quả vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội năm 2018. Tại buổi lễ, hàng vạn hiện vật quý đã được hiến tặng cho Bảo tàng. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ trưng bày dự án Bảo tàng Hà Nội, trong năm2018, trên cơ sở Đề cương tổng quát và phân bổ không gian; Đề cương trưng bày chi tiết và Kịch bản thuyết minh nội dung, giải pháp trưng bày (điều chỉnh) đã được phê duyệt, Bảo tàng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân. Bảo tàng Hà Nội tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng hơn 1.000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày. Trân trọng và ghi nhận những tấm lòng ấy, được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Hà Nội tổ chức Lễ vận động và tiếp nhận hiện vật hiến tặng để vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp trong việc gìn giữ di sản và công tác trưng bày của Bảo tàng Hà Nội; đồng thời công bố, giới thiệu các tư liệu và hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng trong thời gian vừa qua. Nhóm hiện vật sưu tầm được chủ yếu là những hiện vật liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp. Các hiện vật về làng nghề, phố nghề cũng được tập trung triển khai sưu tầm, đặc biệt là những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội xưa. Anh Dương Văn Sinh ở Thường Tín, Hà Nội tặng Bảo tàng Hà Nội 50 hiện vật gồm:Công cụ làm nghề và các mảnh trai, ốc, cửu khẩu làm nguyên liệu chính cho nghề khảm trai Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô. Nhiều gia đình đã hiến tặng hiện vật lâu đời gắn bó với gia đình như ông Phạm Đăng Hưng ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội hiến tặng bộ ảnh cưới của gia đình; ông Trần Minh Trọng ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội số hiện vật như học bạ, bưu thiếp; ông Nguyễn Huy Giang tặng bảo tàng bộ đồ ăn trầu, nồi đồng điếu của gia đình đã từng sử dụng... Trong thời gian tới, Bảo tàng mong muốn tiếp tục đón nhận những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, tài liệu, với mục đích ngày càng có nhiều hơn những hiện vật có giá trị, những câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ, được giới thiệu với công chúng. Hồng Thiết

Ra mắt sách “Hành trình cho là nhận”

TĐKT - “Hành trình cho là nhận” là cuốn sách tái hiện lại cuộc hành trình khởi nghiệp và trưởng thành trong kinh doanh, quản trị của tác giả Nancy Quyên – Giám đốc Vùng BNI Hà Nội 2 (thuộc tổ chức kết nối thương mại BNI Việt Nam) vừa chính thức ra mắt bạn đọc vào chiều 12/9, tại Hà Nội. Làm chủ một doanh nghiệp, điều hành một tổ chức kết nối hàng trăm doanh nghiệp – chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hình dung về quyền lực một “bà đầm thép” thế nhưng với “Hành trình cho là nhận”, một hình ảnh rất khác của một nữ lãnh đạo đã được khắc họa. Tác giả Nancy Quyên, Giám đốc Vùng BNI Hà Nội 2 chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt sách Người phụ nữ ấy say sưa kể về hành trình kết nối của mình bằng tình yêu mãnh liệt của một người say nghề, bằng cái đầu lạnh lùng của người lãnh đạo, bằng ý chí của một người khởi nghiệp. Nancy Quyên xuất phát điểm là một doanh nhân, là một người làm trong ngành nhân sự nên hiểu được những khó khăn mà người kinh doanh thường gặp phải. Không chỉ giai đoạn khởi nghiệp mới đầy chông gai, làm sao để vận hành cỗ máy trơn tru, chuyên nghiệp trên chặng đường dài lâu mới chính là cái tài của người lãnh đạo. Có câu nói hài hước rằng “Làm sếp là nghề cô đơn nhất”, ngẫm lại càng thấy thấm thía bởi “sự tổn thương của người lãnh đạo đôi khi không giống những người bình thường”. Để đến bục thành công, người lãnh đạo không chỉ hy sinh quỹ thời gian của cá nhân mà còn có cả nước mắt, những sự hiểu lầm, vấp váp “Tôi tự hỏi mình, tại sao lại đi làm thứ việc quá cực hình như thế này, việc đó đâu có đem lại mức thu nhập đáng kể gì?” “Đại bàng lột xác” là hình ảnh Nancy Quyên dùng để nói về người lãnh đạo. Đâu là chiếc chìa khóa để giải đáp những bài toán nan giải kinh điển của người lãnh đạo, người kinh doanh? Đó là “chia nhỏ để nhân rộng”, là “tái cấu trúc”, “truyền cảm hứng” để “tạo ra sức mạnh đám đông”… Nancy Quyên không hề “giấu nghề” khi chia sẻ về các kỹ năng quản trị của mình. Một chiếc chìa khóa mà bất cứ ai trong mọi lĩnh vực cũng cần có đó là sự cân bằng. Cân bằng để hai từ “giá như” không bao giờ phải xuất hiện, để không phải hối tiếc thời gian đã trôi qua. Kỹ năng cân bằng giống như chiếc khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa, dù có lúc tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, Nancy Quyên không ngần ngại chia sẻ bí quyết của mình bởi hơn ai hết, tác giả hiểu rằng “cho đi là nhận lại”, khi mình giúp đỡ người khác bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình cũng là lúc mình được nhận lại sự quý mến và “Những người thành công luôn luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác. Những người không thành công luôn luôn hỏi, ‘Tôi được lợi gì?’” Dễ cảm nhận được khi đọc “Hành trình cho là nhận” là nhiệt huyết với công việc, với việc kết nối cộng đồng doanh nhân của người viết. Người phụ nữ ấy cũng giàu tình cảm, yếu đuối như bao người phụ nữ khác nhưng lại cứng rắn, nghiêm khắc khi giải quyết công việc. Xây dựng một cộng đồng thực sự có ích, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển là giá trị mà Nancy Quyên đang nỗ lực thực hiện. Quãng thời gian làm việc tại tổ chức kết nối thương mại BNI Việt Nam đã đem đến Nancy nhiều cơ hội để phát huy khả năng. Đó cũng chính là vấn đề mà nhiều người đang loay hoay để đưa ra quyết định: Chọn công việc nhàm chán nhưng ổn định hay chọn dấn thân vào công việc mới nhiều thách thức. Thông điệp mà Nancy Quyên muốn gửi gắm qua “Hành trình cho là nhận”: Giá trị của bạn chính là bạn mang lại giá trị gì cho những người xung quanh… “Hành trình nhận về bắt đầu từ khi bạn cho đi. Vũ trụ công bằng và luôn mang lại cho bạn nhiều hơn những gì bạn đã thực sự cho đi.” Chúng ta chỉ nhận ra giá trị của bản thân khi mình đặt mình vào giữa mọi người, người vị kỷ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường chạm đến thành công. Mai Thảo  

Quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam qua dự án nghệ thuật Nam An Show

   TĐKT - Sáng 12/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nam Hưng Media tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Nam An Show. Đây là dự án do Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đoàn nghệ thuật tổ chức nhằm xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tổng Giám đốc Nam Hưng Media Nguyễn Thành Nam cho biết: Nam An Show chú trọng vào khai thác những nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc và 6 vùng văn hóa Việt Nam, từ đó lựa chọn, sáng tạo và phát triển thành các tác phẩm nghệ thuật trình diễn độc đáo phù hợp với thị hiếu giải trí của khách du lịch nước ngoài, vừa kết hợp quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Song song với chất lượng sản phẩm, Nam An Show cũng chú trọng vào chiến lược marketing và kinh doanh với mong muốn dự án sẽ được mở rộng và có nhiều show diễn hấp dẫn, trở thành điểm đến văn hóa khi du khách đến với Việt Nam. Gặp gỡ báo chí giới thiệu Nam An Show "Mỵ" là vở diễn nghệ thuật tổng hợp mở đầu cho dự án Nam An Show, do nghệ sĩ múa nổi tiếng Tuyết Minh làm tổng đạo diễn và biên đạo múa. Được công diễn từ ngày 26/9/2018, vở diễn sẽ giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế bản sắc văn hóa dân tộc Mông thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa, kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ thuật xiếc, nghệ thuật sắp đặt, với sự thể hiện của các nghệ sĩ tài năng đến từ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Vở diễn sẽ được công diễn định kỳ gắn với tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, địa điểm không chỉ được biết đến như một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật đặc sắc của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đương đại. "Mỵ" vẽ lên bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những người con nơi núi rừng Tây Bắc. Phương Thanh

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Viện Huân chương

TĐKT – Ngày 10/9, tại Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Chương trình văn nghệ kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Viện Huân chương, nay là Ban TĐKT Trung ương (17/9/1947 – 17/9/2018). Tới dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Vụ trưởng Vụ TĐKT Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang; Vụ trưởng Vụ III, Chủ tịch Công đoàn Ban TĐKT Lê Văn Vũ; các đồng chí là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các vụ, đơn vị trực thuộc Ban TĐKT Trung ương. Tiết mục tốp ca Nối vòng tay lớn Chương trình văn nghệ diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Qua những giai điệu ngọt ngào ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người, những vũ điệu uyển chuyển..., các cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương đã thể hiện tài năng, nhiệt huyết và tình yêu văn nghệ của mình. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, động viên cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tốp ca Vụ Pháp chế - Thanh tra với ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 83/SL đặt ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch với nhiệm vụ: Tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương. Đây là dấu mốc quan trọng, đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của Viện Huân chương, Viện TĐKT Nhà nước, nay là Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ làm công tác TĐKT. Trải qua 71 năm hình thành và phát triển, ngành TĐKT đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác TĐKT luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trong từng giai đoạn, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nguyệt Hà

Trang