Văn hóa - Thể thao

Sắc màu Nhật Bản – trải nghiệm du lịch xanh

TĐKT – Chiều 14/11, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TBS Nhật Bản chức họp báo giới thiệu Chương trình “Sắc màu Nhật Bản - Trải nghiệm du lịch xanh”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhằm tiếp tục giới thiệu với khán giả Việt Nam những trải nghiệm thú vị tại đất nước mặt trời mọc. Chương trình xuất phát từ ý tưởng đưa khách du lịch đến gần hơn với thiên nhiên, đến với nguồn năng lượng sạch, tham quan và tiếp cận quy trình sản xuất khép kín theo hướng gìn giữ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phát triển bền vững. Họp báo giới thiệu Chương trình “Sắc màu Nhật Bản - Trải nghiệm du lịch xanh” Qua 5 tập phát sóng, khán giả sẽ cùng tìm hiểu mô hình du lịch Nouhaku (homestay) - trải nghiệm sống cùng người dân địa phương ở các vùng nông thôn miền núi và miền biển Nhật Bản. Chương trình có 2 nhân vật trải nghiệm lần đầu tiên đến Nhật Bản là biên tập viên Lê Bảo An và diễn viên Lê Chi. Họ sẽ sống tại nhà ngư dân ở làng chài ven biển tỉnh Wakayama và Kanagawa, cùng người dân kéo lưới bắt cá, câu bạch tuộc, ghé thăm vùng nông thôn miền núi tỉnh Mie để cùng tham gia bổ củi, xay đậu, nấu cơm bằng bếp củi truyền thống, làm tempura (món chiên nổi tiếng Nhật Bản) với chủ nhà. Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 4 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài TBS phối hợp sản xuất chương trình “Sắc màu Nhật Bản”. Năm nay, Ban tổ chức quyết định thực hiện theo hình thức mới, mang tính trải nghiệm nhiều hơn và hướng tới việc giới thiệu những “đặc sản” ở các vùng miền của Nhật Bản, từ đó gửi đến khán giả thông điệp về gìn giữ, bảo vệ môi trường. Chương trình nhằm giúp công chúng Việt Nam có thêm hiểu biết toàn diện hơn về đất nước, con người Nhật Bản. Số đầu tiên của chương trình sẽ được phát sóng vào ngày 23 - 11 tới trên VTV3. Hưng Vũ  

Kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

TĐKT - Nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1938 - 2018), ngày 9/11, Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp với Đại học Văn hóa tổ chức Tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” nhân dịp ra mắt cuốn sách “Hoa một mùa” của ông. Toạ đàm đọc lại Nguyễn Nhược Pháp Tham dự buổi tọa đàm có thành viên gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh, soạn giả Nguyễn Lân Bình, TS Chu Văn Sơn, nhà thơ Vũ Quần Phương, TS Đỗ Anh Vũ, GS Trần Ngọc Vương, TS Văn Giá, nhiều giáo sư, tiến sĩ và các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu văn học cũng như đông đảo sinh viên Khoa Viết văn Báo chí và độc giả, giới truyền thông... Tọa đàm tập trung đọc lại và đánh giá đầy đủ, đa chiều hơn về sự nghiệp văn chương Nguyễn Nhược Pháp, tác giả lâu nay chủ yếu được biết với tư cách là nhà thơ. Thực tế, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn, kịch và tiểu luận phê bình. Các sáng tác này đã được tập hợp trọn vẹn trong“Hoa một mùa”, cuốn sách do gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và Nhà xuất bản Phụ nữ biên soạn, xuất bản. Một phần nội dung của Tọa đàm dành giới thiệu cuốn sách này. Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) sinh tại Hà Nội, là kết quả tình yêu của học giả giàu có Nguyễn Văn Vĩnh và người tình Phan Thị Lựu - con gái của một thổ ty giàu ở Lạng Sơn. Nguyễn Nhược Pháp thông minh, đẹp trai, học giỏi, có đầu óc tổ chức..., nhưng lại là người bạc mệnh: 2 tuổi đã mồ côi mẹ và khi 24 tuổi đã qua đời vào ngày 19/11/1938 vì căn bệnh hiểm lao hạch, sau khi phải gánh chịu nỗi buồn bởi cái chết của người cha và những anh, chị trong gia đình. Từ năm 1930, kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh lâm cảnh khó khăn trầm trọng. Sau khi mẹ đẻ mất, Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả đón về nuôi nấng, đã vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ... để có nhuận bút, phụ giúp gia đình. Ông làm thơ từ sớm và đã viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí. Nguyễn Nhược Pháp nổi tiếng với áng thơ trữ tình “Chùa Hương”, trong đó ẩn hiện bóng hồng của “người tình trong mộng” Đỗ Thị Bính (con của thương gia Đỗ Bá Lợi) - một trong “tứ đại mỹ nhân Hà Thành” thời bấy giờ. Khi bài thơ này được ca sĩ Trung Đức và nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Em đi Chùa Hương”, tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp lại càng được nhiều người biết tới hơn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, ngoài sáng tác thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn, kịch và nhiều bài phê bình văn học. Mệnh yểu, song khối lượng sáng tác ông để lại sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc bởi một bút lực ắp đầy năng lượng. Mới đây, NXB Phụ nữ đã xuất bản cuốn "Hoa một mùa", được biên soạn bởi gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (đại diện là ông Nguyễn Lân Bình- cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột) và Nhà xuất bản Phụ nữ. "Hoa một mùa" gồm: 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ (Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ vần và điệu, sân khấu kịch đương thời...). Hồng Thiết

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2018

TĐKT - Sáng 8/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2018. Dự hội nghị, có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)  Lê Khánh Hải; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà; Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang; lãnh đạo, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở VHTT&DL, Sở VHTT và Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác TĐKT được Bộ VHTT&DL tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm phổ biến, quán triệt các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và ngành về công tác TĐKT cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác TĐKT của ngành. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải phát biểu khai mạc hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải nêu rõ: Công tác TĐKT là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước của Bộ VHTT&DL. Trong 2 năm qua, với tinh thần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, các phong trào thi đua đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nội dung thi đua thiết thực với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” đã có sức động viên to lớn đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành VHTT&DL nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, góp phần tháo gỡ khó khăn, tồn tại, yếu kém. Công tác TĐKT kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định đã góp phần động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình được dư luận xã hội ghi nhận. Trong thời gian qua, việc bố trí, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác TĐKT ở các đơn vị trong ngành luôn nhận được quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải trao Bằng khen cho các cá nhân Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải đề nghị, với tinh thần cầu thị, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh việc cập nhật văn bản mới, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên làm công tác TĐKT tham dự Hội nghị triển khai tốt một số nội dung: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, công tác TĐKT và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của Bộ về công tác TĐKT; tiếp tục phát động sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn kết chặt chẽ với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Chính phủ góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao Bằng khen của Bộ VHTT&DL cho các cá nhân Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác TĐKT, khắc phục các biểu hiện phô trương, hình thức, bệnh thành tích trong công tác TĐKT, đảm bảo các tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng chính xác, có tác dụng nêu gương và giáo dục. Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm và sau mỗi đợt thi đua; đánh giá đúng những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế để có biện pháp khắc phục. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tạo sức lan toả và làm theo trong toàn ngành và trong xã hội chuẩn bị một bước cho Đại hội Thi đua yêu nước của ngành và toàn quốc năm 2020. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện công tác TĐKT ở các Cụm, Khối thi đua. Ngoài ra, củng cố, kiện toàn Hội đồng TĐKT và cán bộ làm công tác TĐKT theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà trao Bằng khen của Bộ VHTT&DL cho các cá nhân Tại Hội nghị, các đồng chí báo cáo viên là lãnh đạo phụ trách công tác TĐKT tại Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trực tiếp truyền đạt, trao đổi về các chuyên đề: Công tác sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91 của Chính phủ; Công tác TĐKT của Đảng và Nhà nước; Thông tin một số nội dung liên quan trong công tác TĐKT của ngành VHTT&DL… Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận những mô hình hay cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Nhân dịp này, Bộ VHTT&DL đã trao tặng Bằng khen cho 50 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác TĐKT giai đoạn 2013 - 2018. Phúc An

Hà Nội chính thức gia nhập “Gia đình” F1

TĐKT - Chiều 7/11, UBND TP Hà Nội, Tập đoàn F1 Thế giới, Tập đoàn Vingroup và Công ty Grand Prix Việt Nam tổ chức Họp báo công bố sự kiện “Hà Nội - Việt Nam” chính thức là nước thứ 22 trên thế giới sẽ đăng cai tổ chức Giải đua ô tô Công thức 1 vào năm 2020. F1 là giải đua xe ô tô lớn nhất và hấp dẫn nhất thế giới, một sự kiện truyền hình lớn thu hút hàng trăm triệu người hâm mộ theo dõi trên thế giới. Trong 1 năm, Giải đua F1 vô địch thế giới được tổ chức thành chuỗi 21 cuộc đua mang tên GranPrix trên toàn cầu (thời gian tới có thể lên tới tối đa là 25 cuộc đua), bắt đầu từ vòng đua Australia (Melbourn) vào giữa tháng 3 và kết thúc tại UAE (Abu Dhabi) vào cuối tháng 11 hàng năm. Tại châu Á, trong năm 2018, có các vòng đua tại Trung Quốc (Thượng Hải), Nhật Bản (Suzuka Nagoya), Singapore, Bahrain. Vòng đua tại Hà Nội - Việt Nam được tổ chức sẽ là một phần trong hệ thống Giải đua F1 vô địch thế giới từ năm 2020. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ thông tin tại buổi họp báo Chặng đua tại Hà Nội sẽ diễn ra một phần trên đường phố hiện tại và một phần trên đường đua được xây mới trong khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Phần đường giao thông sẽ được ngăn lại trong vòng 1 tuần để phục vụ cuộc đua, sau đó sẽ lại sử dụng bình thường. Đường đua này sẽ có 22 khúc cua với tổng chiều dài 5,565 km, được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức. Theo nhận định của các chuyên gia, đường đua tại Hà Nội – Việt Nam hứa hẹn sẽ là chặng đua hấp dẫn bậc nhất trong tương lai. TP Hà Nội là đại diện đứng ra ký kết hợp đồng với Tập đoàn F1 và giao quyền tổ chức cho Tập đoàn VinGroup. Để thực hiện mục tiêu tổ chức giải đấu, Tập đoàn VinGroup đã thành lập Công ty GrandPrix Việt Nam. Hợp đồng giữa TP Hà Nội và Tập đoàn F1 có thời hạn 10 năm. Hai bên có thể xúc tiến việc gia hạn vào năm thứ 8. Việc tổ chức Giải đua F1 tại Hà Nội sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động khi tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ cho giải đua và phục vụ cho khách du lịch quốc tế. Đặc biệt sẽ thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của truyền hình quốc tế. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ được phản ánh thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông quốc tế, qua đó sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, Thủ đô ra thế giới. Mai Thảo

Cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt – Trung 2018

TĐKT - Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh Nhân dân Quảng Tây tổ chức thông tin đến báo chí về vòng sơ khảo và chung kết Việt Nam cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2018” tại Hà Nội - Việt Nam. Đến dự và chủ trì buổi họp có Nghệ sĩ ưu tú, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Hoàng Xuân Bình. Nghệ sĩ ưu tú, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Hoàng Xuân Bình cho biết, “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung” là cuộc thi được tổ chức thường niên và luân phiên nhằm phát hiện tài năng nghệ thuật ca hát của ca sĩ trẻ hai nước. Năm 2018, đêm chung kết sẽ được diễn ra tại Quảng Tây – Trung Quốc. Nghệ sĩ ưu tú, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Hoàng Xuân Bình phát biểu thông tin về Cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt – Trung năm 2018 Đây là một sự kiện giao lưu văn hóa đặc biệt, thể hiện tình hữu nghị tốt đẹp gắn bó lâu đời, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Bước sang năm thứ 18, cuộc thi ngày càng nhận được nhiều tình cảm của công chúng bởi chất lượng chuyên môn cao và sự tham gia đông đảo các thí sinh khắp mọi miền của Việt Nam và Trung Quốc. Tại đêm chung kết có 18 thí sinh và 3 nhóm nhạc cùng tranh tài. Đây là các thí sinh được tuyển chọn từ vòng sơ khảo trên toàn quốc. Các thí sinh sẽ trình diễn 1 bài hát tiếng Việt và 1 bài hát tiếng Trung Quốc. Hội đồng Giám khảo gồm các nghệ sĩ, nhạc sĩ của Việt Nam và Trung Quốc sẽ lựa chọn 5 phần thi của các thí sinh có kết quả tốt nhất trong đêm chung kết Việt Nam để sang tham dự Chung kết cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt – Trung 2018” tại Quảng Tây – Trung Quốc vào 28/11/2018. Tiếng hát Hữu nghị Việt – Trung 2018 là hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt và rất ý nghĩa, là nhịp cầu âm nhạc, giao lưu văn hóa quốc tế sinh động, ca ngợi tình đoàn kết và tương đồng văn hóa giữa hai bên qua các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Đồng thời, là nơi phát hiện và phát triển các tài năng trẻ trong lĩnh vực biểu diễn thanh nhạc của hai nước Việt – Trung. Đêm Chung kết Việt Nam sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 10/11/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ – số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Hồng Thiết

Kết nối nguồn lực hỗ trợ phát triển thể thao Việt Nam

TĐKT - Ngày 3/11, tại Hà Nội, Công ty Green Communications, Công ty Next Media và Công ty Green Lotus phối hợp cùng Ban Tổ chức Chương trình Kết nối nguồn lực hỗ trợ phát triển thể thao Việt Nam tổ chức buổi Lễ Công bố Chương trình nhằm giới thiệu những điều lệ, tôn chỉ hoạt động của chương trình, tiến tới thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển thể Thao Việt Nam cũng như sứ mệnh mà quỹ mang lại cho nền thể thao nước nhà. Tới dự có lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các huấn luyện viên và vận động viên chuyên nghiệp từ các bộ môn thể thao khác nhau. Ban Tổ chức trích 500 triệu đồng hỗ trợ cho các vận động viên thể thao Việt Nam thuộc nhiều bộ môn khác nhau bị chấn thương khi thi đấu và tập luyện Chương trình Kết nối nguồn lực hỗ trợ phát triển thể thao Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa, xây dựng những hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm nhằm chắp cánh cho thể thao Việt Nam vươn tầm thế giới. Chương trình sẽ có 4 trụ cột hoạt động: Giúp đỡ các vận động viên thành tích bị chấn thương trong khi thi đấu và tập luyện, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống; gây quỹ, mở các chương trình đào tạo và trao tặng học bổng hỗ trợ phát triển tài năng trẻ thể thao Việt Nam; tổ chức chương trình dạy bơi học đường, chống đuối nước cho học sinh tiểu học; tổ chức chương trình “Sống cùng bóng đá” thúc đẩy phong trào bóng đá cả nước, đặc biệt là khu vực nông thôn nhằm nuôi dưỡng các thế hệ tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam. Trong khuôn khổ Lễ công bố, ông Lee Yong Kyun, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lavifood đã quyết định tài trợ 5 tỷ đồng cho Chương trình và cho Quỹ này. Ngoài ra, để cổ vũ tinh thần và động viên đội tuyển bóng đá Việt Nam trước ngày lên đường thi đấu giải AFF Suzuki Cup 2018, Ban Tổ chức quyết định trích từ Quỹ trên trao tặng 300 triệu đồng cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo. Ngoài khoản tiền thưởng cho đội tuyển bóng đá, Ban Tổ chức cũng trích 500 triệu đồng hỗ trợ cho các vận động viên thể thao Việt Nam thuộc nhiều bộ môn khác nhau bị chấn thương khi thi đấu và tập luyện. Công ty Lavifood cũng là nhà tài trợ bản quyền phát sóng giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 trong lãnh thổ Việt Nam trên các kênh truyền hình trả tiền, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp địa phương, truyền hình internet, truyền hình di động, mạng xã hội, các mạng di động, phát thanh… để người hâm mộ bóng đá có thể thoải mái theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển quốc gia, tiếp sức cho những đôi chân vàng trên hành trình trở thành nhà vô địch. Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lee Yong Kyun, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lavifood cho biết: “Là một người Hàn Quốc đang làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam và cũng rất đam mê bóng đá, tôi rất vui khi người đồng hương của tôi là ông Park Hang Seo đang từng bước giúp đội tuyển bóng đá viết nên trang lịch sử mới của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vinh dự khi trở thành cầu nối tình cảm của đội tuyển Việt Nam với người hâm mộ. Thông qua việc tài trợ bản quyền phát sóng và tổ chức chuỗi hoạt động đồng hành “Sống cùng bóng đá”, chúng tôi không chỉ muốn lan tỏa và khơi dậy tình yêu bóng đá trong mỗi trái tim Việt Nam mà còn muốn truyền cảm hứng chiến thắng, khát vọng vươn đến đỉnh cao, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách đến những người nông dân. Lavifood sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình đưa nông sản Việt ra thế giới, để nông sản Việt cũng sẽ giành được những chiếc CUP vô địch về chất lượng trên thị trường quốc tế. Thay mặt cho Công ty Lavifood và hàng ngàn nông dân, công nhân trong chuỗi gía trị nông nghiệp của mình, tôi xin chúc đội tuyển Việt Nam sẽ giành những chiến thắng vang dội, làm nức lòng người hâm mộ”. Chương trình Hỗ trợ Thể thao Việt Nam sẽ được bắt đầu bằng chuỗi hoạt động “Sống cùng bóng đá, do liên doanh là Công ty Next Media và Công ty Green Communications phối hợp tổ chức với sự đồng hành, tài trợ của Công ty Lavifood. Chương trình sẽ mang lại những trải nghiệm trọn vẹn về giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2018 cho người hâm mộ. Không chỉ chia sẻ miễn phí quyền phát sóng cho kênh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình địa phương, truyền hình internet, truyền hình di động, mạng xã hội, các mạng di động, phát thanh…, “Sống cùng bóng đá còn mang lại hàng chục sự kiện trình chiếu bóng đá tập thể tại 8 tình thành trên cả nước và những chuyến xe đồng hành đến các vùng quê, ghé thăm và động viên gia đình cầu thủ, ghi lại hình ảnh về tình yêu cuồng nhiệt của người dân dành cho đội tuyển Việt Nam. Chương trình cũng tổ chức gây quỹ để chung tay  hỗ trợ, giúp đỡ các vận động viên đạt thành tích cao có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp tai nạn khi thi đấu… Phương Thanh

Hội thi “Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018” trong CNVCLĐ Thủ đô

TĐKT – Ngày 1/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức chung khảo Hội thi “Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018”, nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và khích lệ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô hăng say lao động, sản xuất. Tới dự, có các đồng chí: Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức hội thi và hơn 700 CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội trao giải đặc biệt cho LĐLĐ quận Long Biên Qua vòng sơ khảo tại 8 cụm thi đua công đoàn, Hội thi đã lựa chọn được 7 đội xuất sắc nhất đại diện cho các Cụm thi đua công đoàn thành phố tham dự Chung khảo Hội thi nét đẹp văn hóa công sở năm 2018: LĐLĐ quận Long Biên, LĐLĐ huyện Ứng Hòa, LĐLĐ huyện Phúc Thọ, Công đoàn ngành Giáo dục, LĐLĐ huyện Thanh Trì, LĐLĐ quận Tây Hồ, Công đoàn các khu công nghiệp – chế xuất (KCN – CX) Hà Nội. Trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức, tiểu phẩm, Ban Tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho đội LĐLĐ quận Long Biên; giải nhất được trao cho LĐLĐ huyện Ứng Hòa; giải nhì trao cho 2 đội: LĐLĐ huyện Phúc Thọ và Công đoàn ngành Giáo dục; các đội đồng giải ba: LĐLĐ huyện Thanh Trì, LĐLĐ quận Tây Hồ, Công đoàn các KCN - CX Hà Nội. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải phụ: Giải màn chào hỏi hay nhất thuộc về LĐLĐ huyện Thanh Trì; giải phần thi kiến thức tốt nhất: LĐLĐ huyện Ứng Hòa; giải Tiểu phẩm hay nhất: LĐLĐ quận Long Biên. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội thi Phát biểu tại Hội thi, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, Hội thi là cơ hội để những diễn viên không chuyên là những cán bộ công đoàn, CNVCLĐ đã thể hiện sự sáng tạo, hình thức phong phú, đa dạng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền tải sinh động những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của tổ chức công đoàn tới đội ngũ CNVCLĐ. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong, hành động và văn hóa ứng xử; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, Thủ đô ngày càng giàu đẹp văn minh. Mai Thảo  

Lễ trao giải Cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam – Nhật Bản chung tay xây đắp tình hữu nghị Việt – Nhật”

TĐKT – Tối 31/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm và Lễ trao giải Cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam – Nhật Bản chung tay xây đắp tình hữu nghị Việt – Nhật”. Với sự đồng hành của Hãng hàng không Japan Airline, cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam – Nhật Bản chung tay xây đắp tình hữu nghị Việt – Nhật” được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10/2018, vào dịp kỷ niệm 45 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2018), đánh dấu chặng đường quan trọng trong quan hệ hai nước với nhiều thành tựu hợp tác vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị tới kinh tế, văn hóa giáo dục và giao lưu nhân dân. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho thanh thiếu niên về mối quan hệ hữu nghị hai nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giúp nhân dân Nhật Bản nói chung, thanh thiếu niên Nhật Bản nói riêng hiểu rõ, hiểu đúng hơn về đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh “Tuổi trẻ Việt Nam – Nhật Bản chung tay xây đắp tình hữu nghị Việt – Nhật”. Sau 2 tháng phát động Cuộc thi (từ ngày 31/7 – 30/9/2018), Ban Tổ chức đã nhận được nhận được 1.012 tác phẩm của 126 tác giả đến từ trong và ngoài nước. Các tác phẩm dự thi đều thể hiện đúng nội dung yêu cầu phù hợp với thể lệ của Cuộc thi; đồng thời ghi lại các khoảnh khắc đẹp nhất, chân thực nhất, thể hiện góc nhìn của tác giả về đất nước, con người, truyền thống văn hoá, đặc biệt là tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản. 57 tác phẩm ảnh xuất sắc nhất được lựa chọn trưng bày tại triển lãm Ban Tổ chức cuộc thi đã thành lập Ban Giám khảo chấm và lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất cho tác phẩm “Niềm vui trên cây cầu hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Việt Cường đến từ Hà Nội; 2 giải nhì cho tác phẩm “Tuổi trẻ Việt Nam tham gia Lễ hội Harajuku Super Yosakoi năm 2013” của tác giả Nguyễn Kim Long, đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản và tác phẩm “Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm Đại nội Huế” của tác giả Hồ Như Ý đến từ Hà Nội. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 5 giải Ba và 5 giải khuyến khích; 1 giải cho đơn vị tham gia gửi nhiều tác phẩm dự thi nhất. Các tác phẩm đoạt giải được nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và giải thưởng bằng tiền mặt. Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 57 tác phẩm xuất sắc nhất để trưng bày triển lãm. Mai Thảo

Hòa nhạc “trong”: Gây quỹ hỗ trợ giáo dục âm nhạc miễn phí cho trẻ em khó khăn

TĐKT - Nhằm mang đến cho khán giả một trải nghiệm âm nhạc sâu sắc với chất lượng nghệ thuật cao cùng những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống buổi hòa nhạc "trong" sẽ được chính thức công diễn vào lúc 19h30 ngày 2/11/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Gặp gỡ báo chí thông tin về buổi hòa nhạc Đêm diễn có sự tham gia của nhóm nghệ sĩ nổi tiếng Epiphany đến từ Anh Quốc, nghệ sĩ piano Trang Trịnh và Dàn Hợp xướng & Giao hưởng Kỳ diệu. Buổi hòa nhạc gồm 2 phần. Phần 1 có chủ đề "trong". Phần 2: Hành trình nuôi dưỡng những niềm vui trong veo. Đêm diễn là thành quả của quá trình hợp tác nghệ thuật giữa nghệ sĩ Trang Trịnh và nhóm nghệ sĩ Epiphany trong hai năm 2016 - 2018. Ở phần một của chương trình, thông qua các tác phẩm cổ điển của những nhạc sĩ bậc thầy Bach, Mozart hay Rachmaninoff cùng lối dẫn dắt chương trình sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ đưa khán giả đến với những khoảnh khắc trong trẻo đầy cảm xúc: Một đêm trăng, một điệu nhảy, một nỗi buồn… - những điều đôi khi trong cuộc sống bận rộn hằng ngày ta có thể vô tình lãng quên. Đặc biệt, một sáng tác cổ điển mới của nhạc sĩ Peter Richards được sáng tác riêng cho nghệ sĩ Trang Trịnh và Epiphany, lấy cảm hứng từ làn điệu dân gian Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” và “Trống cơm” sẽ được công diễn lần đầu trên thế giới tại đêm nhạc này. Hòa nhạc “trong” là dấu mốc kỷ niệm 5 năm của dự án Dàn Hợp xướng & Giao hưởng Kỳ diệu, dự án giáo dục âm nhạc miễn phí cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được thành lập năm 2013 bởi vợ chồng chỉ huy Park Sung Min và nghệ sĩ piano Trang Trịnh. Cách đây 5 năm, những tiết học âm nhạc đầu tiên dành cho các bé tại Làng trẻ em SOS Hà Nội và Làng trẻ em Birla đã được bắt đầu. Trong suốt khoảng thời gian ấy, không chỉ dừng lại ở những bài học, những buổi biểu diễn, các em đã có âm nhạc như một người bạn và có cả những khoảng khắc trong veo vô giá. Phần 2 của buổi hòa nhạc sẽ là những tiết mục hợp xướng để kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này. Buổi hòa nhạc “trong” là một chương trình gây quỹ từ thiện. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được dùng để đóng góp chi phí hoạt động cho Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu. Phương Thanh - Hồng Thiết - Mai Thảo

Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn

TĐKT - Ngày 26/10, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2018) và Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – miền đất huyền thoại”. Đây là hoạt động nhằm tri ân những người có công với cách mạng, tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay. Chủ trì họp báo, có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn gắn với chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – miền đất huyền thoại” sẽ diễn ra tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vào lúc 20 giờ ngày 1/11, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An. Nội dung chương trình bao gồm Lễ kỷ niệm (thời lượng 30 phút) và chương trình nghệ thuật (thời lượng 60 phút), gồm 4 chương: Chương I "Miền quê yêu thương", chương II "Truông Bồn – Cung đường hoa lửa", chương III "Khúc tưởng niệm" và chương IV "Nghệ An ngày mới". Chương trình do Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình làm đạo diễn; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi của cả nước trình diễn. Trong Chương trình, Báo Nhân dân sẽ trao 25 sổ tiết kiệm tặng thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong Truông Bồn; trao tặng quà ủng hộ Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn và Quỹ Khuyến học. Đồng thời, Ban tổ chức kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ của cộng đồng nhằm giúp đỡ các đối tượng chính sách, thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hiện sống ở Nghệ An và trên cả nước. Bên cạnh Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật, tỉnh Nghệ An cũng tổ chức một số hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn: Triển khai cuộc vận động sáng tác ca khúc về Truông Bồn; công trình “Vườn cây thanh niên”; hội trại thanh niên và trưng bày các sản phẩm của thanh niên xung phong, đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội (ngày 1-2/11) tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn; Hội thảo “Truông Bồn – giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”, diễn ra sáng 1/11, tại khách sạn Giao Tế, TP Vinh, Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân dân ta, Truông Bồn là đầu mối giao thông có vị trí đặc biệt quan trọng trên quốc lộ 15A, nơi kết nối các tuyến đường huyết mạch vận chuyển quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ năm 1964 - 1968, không quân Mỹ đã dội xuống tuyến đường này gần 19.000 quả bom các loại, hàng nghìn quả tên lửa…. Hàng nghìn hecta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc quốc lộ 15A bị tàn phá; hàng trăm xe ô tô chở hàng, hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy. Hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. Tại Truông Bồn, đã có hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông hy sinh. Địa danh Truông Bồn đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Phương Thanh

Trang