Văn hóa - Thể thao

Khai mạc triển lãm ảnh về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

TĐKT - Sáng 9/10, tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh "Vì bình yên cuộc sống". Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm Ngày toàn dân PCCC (4/10). Triển lãm trưng bày trên 100 tác phẩm từ khắp nơi trên cả nước, xoay quanh chủ đề các mô hình, hoạt động phòng, chống cháy nổ. Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm Trong 3 ngày diễn ra triển lãm, từ 9 - 11/10, công chúng sẽ được xem các tác phẩm đến từ các tác giả chuyên và không chuyên, ghi lại những hình ảnh đẹp của lực lượng cảnh sát PCCC cũng như sự chung tay, sát cánh của người dân trong cuộc chiến chống "giặc lửa". Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn người dân sẽ có thêm thông tin, kiến thức để từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với hoạt động PCCC từ nơi ở, nơi làm việc, đồng thời có kỹ năng, chủ động trong công tác PCCC khi sự cố cháy nổ xảy ra. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn; xây dựng các phương án PCCC và CNCH đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu công nghiệp, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại... Đồng thời, lực lượng cảnh sát PCCC tăng cường các giải pháp nhằm tuyên truyền ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống cháy, nổ với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như các buổi tọa đàm, triển lãm... Nguyệt Hà

Tôn vinh, giới thiệu quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa Hà Nội

TĐKT - Ngày 28/9, tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức họp báo các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn sẽ diễn ra trong tháng 10 năm 2018. Quang cảnh họp báo Phó Giám đốc Sở  Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến cho biết, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018 được UBND TP Hà Nội tổ chức nhằm tôn vinh, giới thiệu quảng bá về những nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Hà Nội tới nhân dân Thủ đô, du khách trong nước, quốc tế, góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng. Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018 sẽ giới thiệu không gian văn hóa các làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội, tại đây sẽ tái hiện không gian, giới thiệu sản phẩm, quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực của 10 làng nghề tiêu biểu tại Hà Nội: Bánh cuốn Thanh Trì, Cốm Mễ Trì, Bún Phú Đô, Xôi Chè Phú Thượng, Bánh tẻ Phú Nhi, Tương Đường Lâm, Giò chả Ước Lễ, Bánh chưng Tranh Khúc, Bánh dầy Quán Gánh, Phở Hà Nội. Khu vực gian bán hàng trưng bày, giới thiệu và thưởng thức ẩm thực giới thiệu, trưng bày sản phẩm ẩm thực của các làng nghề truyền thống và các cơ sở, các gia đình có nghề chế biến ẩm thực gia truyền, các nghệ nhân ẩm thực đã được vinh danh tại các chương trình giới thiệu ẩm thực lớn nhỏ. Đặc biệt, năm nay Lễ hội còn có khu vực triển lãm bao gồm triển lãm ảnh các tác phẩm chủ đề Hà Nội xưa và nay, những ký ức Hà Nội về lịch sử văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng; giới thiệu phong cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thưởng thức ẩm thực và ứng xử nơi công cộng; khu vực sân khấu trình diễn một số loại hình nghệ thuật, trò chơi truyền thống. Lễ hội chính thức khai mạc lúc 19h30 ngày 5/10 và diễn ra từ 8h30 các ngày 6, 7/10 tại Công viên Thống Nhất Hà Nội. Người dân đến tham gia Lễ hội được miễn phí vé vào cổng. Cùng với đó là đêm chung kết cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2018” sẽ diễn ra từ 20h30 - 23h ngày 10/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng Cuộc thi năm nay tương đối cao và đồng đều. Ngoài các thí sinh đến từ các trường nghệ thuật trên địa bàn thành phố, còn có nhiều thí sinh không chuyên khác cũng có chất giọng tốt, tự tin thể hiện cá tính âm nhạc. Kết thúc vòng thi bán kết, từ 70 thí sinh, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 10 thí sinh xuất sắc nhất bước tiếp vào vòng thi chung kết. Trước khi diễn ra vòng thi chung kết, 10 thí sinh này đã tiếp tục được tập  luyện, đào tạo kỹ năng trình diễn, tư vấn chọn bài cùng ban nhạc… với sự hướng dẫn của các nhạc sĩ, ca sĩ có chuyên môn cao. Nằm trong chuỗi sự kiện là Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ VIII – 2018 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 9/10/2018. Đơn vị tham gia gồm có 10 nhà hát, đoàn nghệ thuật biểu diễn các loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, kịch nói. Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018, Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2018”; “Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ III – 2018” là những hoạt động văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa, đồng thời là hoạt động trọng tâm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018). Hồng Thiết

Phát động hai cuộc thi bảo vệ nguồn nước

TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số đơn vị phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi ý tưởng giáo dục bảo vệ nguồn nước và thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề "Mizuiku - Em yêu nước sạch". Lễ phát động cuộc thi diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 1.300 thiếu nhi. Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu cùng thiếu nhi vẽ bức tranh với chủ đề về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nước sạch - nguồn tài nguyên quý giá. Ngoài ra, Ban tổ chức đã ra mắt, giới thiệu tới các đại biểu và giáo viên chương trình giáo dục trực tuyến về bảo vệ nguồn nước trên trang học tập trực tuyến (Elearning) http://mizuiku-emyeunuocsach.vn. Lễ phát động hai cuộc thi Cuộc thi ý tưởng giáo dục bảo vệ nguồn nước và thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề "Mizuiku - Em yêu nước sạch" nhằm lan tỏa hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục thiếu nhi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và là sân chơi cho thiếu nhi phát huy tính sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ của mình về nước sạch và sử dụng nguồn nước sạch qua những tác phẩm hội họa. Đồng thời, đây là cơ hội để giáo viên, sinh viên tình nguyện đã tiếp cận với chương trình "Mizuiku - Em yêu nước sạch" góp phần chung tay xây dựng chương trình giáo dục bảo vệ nguồn nước cho học sinh bằng ý tưởng sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Cuộc thi ý tưởng giáo dục bảo vệ nguồn nước được phát động dành cho đối tượng là giáo viên và sinh viên tình nguyện tham gia chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch” từ năm 2015 đến nay. Giáo viên khối tiểu học, trung học cơ sở tham gia tập huấn và được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn trực tuyến trên website http://mizuiku-emyeunuocsach.vn. Giáo viên, sinh viên tình nguyện sau khi tham gia tập huấn các nội dung trong khuôn khổ chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch” do Hội đồng Đội Trung ương và Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức hoặc tham gia học tập trực tuyến trên website http://mizuiku-emyeunuocsach.vn xây dựng đề cương chương trình giáo dục cho thiếu nhi về tầm quan trọng của nước sạch đối với môi trường và cuộc sống của con người; giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ nguồn nước sạch; truyền tải thông điệp lên án những hành động, việc làm thiếu ý thức, lãng phí nước sạch, làm ô nhiễm nguồn nước; khuyến khích, động viên những hành động bảo vệ nguồn nước. Người tham gia dự thi viết đề cương mô tả hoạt động giáo dục về bảo vệ nguồn nước, đánh máy trên khổ A4, bao gồm: Mục tiêu của hoạt động; đối tượng thụ hưởng; thời gian triển khai; mô tả chi tiết về hoạt động giáo dục. Cuộc thi thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề "Mizuiku - Em yêu nước sạch" dành cho đối tượng là thiếu niên, nhi đồng từ 6 đến 15 tuổi đang sinh hoạt, học tập tại hệ thống các nhà thiếu nhi cả nước. Khuyến khích Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tuyên truyền và tổ chức cho các em thiếu nhi có khả năng và nguyện vọng tham gia cuộc thi. Thiếu nhi tham gia cuộc thi vẽ tranh cần bám sát chủ đề “Mizuiku - Em yêu nước sạch”, có thể lựa chọn các nội dung về ý nghĩa của nguồn nước sạch với cuộc sống; phải làm gì để bảo vệ nguồn nước; phê phán những hành động, việc làm thiếu ý thức, lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước; cổ vũ những hành động đẹp thiết thực bảo vệ nguồn nước; hành động của thiếu nhi để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn nước. Bài dự thi được vẽ trên giấy trắng khổ A3 với các loại màu tự chọn: Chì, bột màu, sáp màu, sơn dầu, màu nước, bút dạ màu hoặc các chất liệu khác.                             Hai cuộc thi được tổ chức từ 20/9/2017 đến hết tháng 11/2018. Thục Anh  

Triển lãm trực tuyến "Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu

TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Lễ công bố triển lãm trực tuyến "Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu". Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2018), đồng thời thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản đã ký kết cách đây tròn một năm. Trong khuôn khổ triển lãm, gần 50 di sản tư liệu, tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu được chọn từ khối tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, các Trung tâm Bảo tồn, Viện Nghiên cứu, cơ quan thông tấn... của hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ được công bố, giới thiệu rộng rãi. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Lễ công bố Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết: Triển lãm “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ” là kết quả của sự hợp tác năng động, hiệu quả và nỗ lực của hai bên trong công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia của hai cơ quan Lưu trữ hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt, đây là triển lãm trực tuyến đầu tiên do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản hợp tác thực hiện với mong muốn sẽ mang đến cho công chúng những lợi ích thiết thực, nghiên cứu thuận tiện qua những hình ảnh trực quan sinh động của gần 50 tài liệu lưu trữ tiêu biểu được lựa chọn công phu. Trong đó có những tài liệu lưu trữ quý, hiếm lần đầu tiên được công bố, tái hiện những dấu mốc quan trọng trong lịch sử trao đổi và hợp tác giữa hai nước trong hơn 1.000 năm qua. Triển lãm trực tuyến được thể hiện bằng ba thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, sẽ giúp công chúng dễ dàng tiếp cận với những thông tin chính thống, nguồn sử liệu quý giá về lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bố cục triển lãm gồm bốn phần chính: Chương I: Thời kỳ sơ khai (khoảng thế kỷ thứ 8). Chương II: Sơ kỳ cận đại (thế kỷ 16 - 19). Chương III: Thời kỳ cận đại và hiện đại (đầu thế kỷ 20). Chương IV: Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác cũ - Cơ hội mới. Hồng Thiết

Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018

TĐKT - Chiều 19/9, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội họp báo công bố nội dung chương trình hòa nhạc mang tên “Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018”, sự kiện văn hóa lớn thường niên nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP Hà Nộivà Vietnam Airlines. Được biết, dàn nhạc Giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO), một trong những dàn nhạc đẳng cấp nhất thế giới sẽ một lần nữa trở lại Việt Nam, trình diễn đêm duy nhất tại quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, trong khu vực phố đi bộ (Hà Nội). Họp báo Chương trình hoà nhạc Trước đó, hồi tháng 3 năm ngoái, công chúng yêu âm nhạc Thủ đô đã có 105 phút thưởng thức âm nhạc đỉnh cao do hơn 90 nghệ sĩ tài năng bậc nhất thế giới biểu diễn. Đặc biệt, Quốc ca của Việt Nam với bản phối đặc biệt do các nghệ sĩ biểu diễn đã nhận được sự tán dương và ngưỡng mộ của đông đảo người xem. Chương trình năm nay dự kiến diễn ra trong 105 phút dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng tài năng Elim Chan. Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 là hoạt động, sự kiện văn hóa nổi bật của TP Hà Nội trong năm 2018, không chỉ là cầu nối giới thiệu Hà Nội như một điểm đến dành cho những người yêu nghệ thuật mà còn khẳng định hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội văn minh, văn hiến, giàu truyền thống luôn đón nhận, hòa nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của thế giới. Được thành lập năm 1904, London Symphony Orchestra (LSO) quy tụ những nhạc công tài năng và có cùng quan điểm nghệ thuật. LSO đem âm nhạc đỉnh cao đến với khán giả đại chúng - đây chính là giá trị mà dàn nhạc hướng đến. Và trong suốt hơn 100 năm qua, nó luôn là kim chỉ nam cho dàn nhạc phục vụ những người yêu âm nhạc. Hiện nay, Dàn nhạc đang hoạt động với sự nhiệt huyết của 95 nghệ sĩ tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới và tiếp tục biểu diễn thể loại âm nhạc điêu luyện, đẳng cấp. Mỗi năm, LSO có hơn 70 buổi trình diễn tại quê nhà và hơn 70 chương trình hoà nhạc lưu diễn quốc tế thường kỳ. LSO hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có những nhạc trưởng xuất sắc thế giới như: Sir Simon Rattle trong vai trò Giám đốc Âm nhạc; các nhạc trưởng: Gianandrea Noseda, Daniel Harding, Micheal Tilson Thomas và Andre Previn. Không chỉ nổi danh với dàn nhạc, LSO còn được biết đến với chương trình giới thiệu và đào tạo âm nhạc LSO Discovery, thông qua đó đem công việc của LSO giới thiệu đến hơn 60.000 người mỗi năm. LSO còn sở hữu nhãn ghi âm riêng - LSO Live, được thành lập năm 1999 và không ngừng mang âm nhạc cổ điển đến với hàng triệu người yêu nhạc trên khắp thế giới. La Giang

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá Thủ đô Hà Nội

TĐKT- Ngày 19/9, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” nhằm mục đích từ những góc tiếp cận khác nhau, thêm một lần nữa phân tích, khẳng định những giá trị to lớn tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học. Trong đó, nhiều tham luận đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm trong thời gian qua. Các tham luận được chia ra làm 3 nhóm nội dung: Những vấn đề chung; giá trị tiềm năng của di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử văn hóa (với 5.922 di tích). Hơn thế nữa, trong bảng tổng các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội, chúng ta thấy có đủ 4 loại di tích được phân định tại Luật Di sản Văn hóa (2001), Luật bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa (2009). Đó là các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Hội thảo Khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá thủ đô Hà Nội Thời gian qua, ngành văn hóa và thể thao Hà Nội đã cố gắng tới mức tối đa để bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại. Hà Nội là một trong những địa phương gặt hái được nhiều kết quả có tính thuyết phục trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch… Tuy nhiên, làm thế nào để công tác bảo tồn, tôn tạo của Hà Nội hiệu quả, có thể phát huy được giá trị di tích là điều mà các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học dành nhiều thời gian bàn thảo. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích, Hà Nội cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò quản lý các cấp, giáo dục cộng đồng thêm yêu di sản mình đang có. Thời gian tới, Hà Nội nên phát huy giá trị các di sản bằng nhiều hình thức, trong đó nên gắn hoạt động của các khu di sản với các lễ hội, các sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước, đặc biệt là các sự kiện hướng tới mốc kỷ niệm 1010 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, Hà Nội. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng: Hà Nội cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bề vững, TP Hà Nội cần có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu và di sản văn hóa để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Đối với các khu di sản có quy mô như chùa Hương, Cổ Loa…, cần ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, viễn thám trong công tác quản lý, bảo tồn. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị di sản, Ban quản lý các khu di sản cần đẩy mạnh công tác marketing, nghiên cứu thị trường. Hồng Thiết

Khen thưởng huấn luyện viên, vận động viên Điền kinh Việt Nam đạt thành tích cao tại ASIAD 2018

TĐKT - Chiều 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương, trao thưởng huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV) đội tuyển Điền kinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao Châu Á năm 2018 (ASIAD 2018). Các nhà tài trợ trao thưởng cho đội tuyển Điền kinh Việt Nam Tại buổi lễ, Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Hoàng Vệ Dũng nêu rõ: Đội tuyển Điền kinh Việt Nam tham dự ASIAD 2018 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng, phá 3 kỷ lục quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á giành được Huy chương Vàng ở môn điền kinh tại ASIAD 2018. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Điền kinh Việt Nam giành được Huy chương Vàng quý giá ở môn nhảy xa. Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mong muốn, sau kỳ Đại hội này các HLV, VĐV Điền kinh Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần thi đấu kiên cường, nâng cao trình độ chuyên môn, hướng tới giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội khác trong nước và quốc tế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn đánh giá cao thành tích mà Đội tuyển Điền kinh Việt Nam giành được tại ASIAD 2018. Ông mong muốn trong thời gian tới, Điền kinh Việt Nam cần tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Mặt khác, Điền kinh Việt Nam cần cố gắng vượt qua những khó khăn, duy trì thành tích thi đấu nhằm hướng tới giành thành tích cao hơn trong tương lai. Với những thành tích đã đạt được tại ASIAD 2018, ngoài tiền thưởng "nóng" ngay tại Indonesia khi giành được huy chương, Đội tuyển Điền kinh Việt Nam tiếp tục nhận được sự động viên to lớn từ các nhà tài trợ.  Tại buổi lễ, Câu lạc bộ G7 trao thưởng cho đội tuyển Điền kinh Việt Nam 200 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hoàng Thành thưởng 100 triệu đồng; Công ty Giải pháp Sáng kiến 1C và Tập đoàn Thái Bình Dương, mỗi đơn vị thưởng 50 triệu đồng; nhãn hàng Lining thưởng 20 triệu đồng. Công ty du lịch Vietravel thưởng riêng cho VĐV Bùi Thị Thu Thảo 200 triệu đồng và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu 50 triệu đồng vì thành tích đạt Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ. Ông Nguyễn Trung Hinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thưởng riêng cho VĐV Bùi Thị Thu Thảo và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu 1000 đô la Mỹ. Phương Thanh

Tổng kết Giải đua xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018

TĐKT - Chiều 16/9, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Gala tổng kết Giải đua xe đạp VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018. Đây là giải đua xe đạp thành công nhất tại Việt Nam từ trước đến nay về chuyên môn và cách thức tổ chức. Giải đua năm nay đạt kỷ lục về độ dài của chặng. Nếu như trước đây chặng dài nhất là 198 km thì giải này có chặng đua là 242 km (Quảng Nam - Quy Nhơn). Về tốc độ trung bình trước đây la 37 - 39 km/ giờ thì nay là 42 - 43 km/giờ và cao điểm là 48,5 km/ giờ. Quang cảnh Gala tổng kết giải xe đạp VTV cúp Tôn Hoa Sen 2018 Trong số 84 tay đua kỳ này có 46 cua-rơ ngoại, 38 cua-rơ Việt Nam. Kết quả chung cuộc về cá nhân và đồng đội không một tay đua hay đội Việt Nam nào giành được giải. Điều an ủi lớn nhất là trong các chặng đầu, các tay đua Việt Nam đã đạt được một số kỳ tích. Ở chặng 5, cua-rơ Nguyễn Đắc Thời (Tập đoàn Lộc Trời - An Giang) bất ngờ vượt lên giành áo Vàng và áo Trắng sau 5 chặng. Nguyễn Thanh Tùng (Quân khu 7) là tay đua trẻ (19 tuổi) đầy tiềm năng đã mặc áo trắng 3 chặng và về nhì 2 chặng. Tay đua gạo cội, niềm tự hào và hy vọng của làng đua xe đạp Việt Nam Lê Văn Duẩn 1 lần về nhất chặng và 2 lần về nhì. Anh cũng đoạt được một số giải sprint. Lê Nguyệt Minh thì không về nhất chặng nào. Còn những giải sprint khác, các cua-rơ nội, ngoại thay nhau nắm giữ. Nhưng giải đua đã thổi một làn gió mới cho làng đua xe đạp thành tích cao tại Việt Nam. Các cua-rơ Việt Nam đã mạnh dạn vươn lên bứt phá ganh đua với làng đua xe đạp thế giới, nếu được đầu tư đúng mực và chiến thuật bài bản thì chắc chắn sẽ có kết quả mỹ mãn. Chặng 12 của giải diễn ra sáng 14/9, vòng quanh TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với quãng đường  hơn 51 km. Sau nhiều chặng đua dài và leo đèo, dốc, đây là cơ hội để các tay đua thả lỏng nhằm chuẩn bị cho hai chặng cuối. Chặng đua này còn là cơ hội để những chuyên gia nước rút thi thố tài năng. Đồng thời đây là thời điểm tốt nhất để thay đổi thứ hạng đồng đội. Ngay khi xuất phát, PNG Indonedia đã bùng lên bứt phá nhằm giành vị trí cao. Tuy nhiên chiến lược không thành công. Tại đích đến, tay đua trẻ Hàn Quốc Im Jaeyeon đã chiến thắng và giữ vững chiếc áo Xanh, đạt tốc độ trung bình 45,5 km/h. Tuyển thủ Quốc gia và vua nước rút Việt Nam Lê Nguyệt Minh về nhì. Áo Vàng vẫn thuộc về tay đua Hà Lan. Về đồng đội không có xáo trộn. Các sprint chặng này, không có cua-rơ Việt Nam nào đứng tốp đầu. Vòng ski tại Buôn Mê Thuột Đắk Lắk Chặng 13 xuất phát từ Đắc Mil (Đắk Nông) về Đồng Xoài (Bình Phước), lộ trình dài 183 km. Đây là chặng đua có lộ trình đẹp nhất: Đường tốt, không có đèo Chỉ có dốc đi xuống và có vài đoạn cua nhỏ. Thời tiết mát mẻ, đường vắng là cơ hội tốt để thay đổi các danh hiệu và bảng tổng sắp. Đây là chặng áp cuối nên các tay đua dồn hết sức để đạt danh hiệu, nhất là các điểm nước rút (Sprint). Cua-rơ giành áo Đỏ của mùa giải 2017 là Junrey Navarra (Philippine Navy)  xuất sắc giành chiến thắng ở cả 3 điểm Sprint chặng này. Khi còn không tới 40 km tới đích, tốp đông phía sau đã tăng tốc mạnh mẽ để bắt kịp tốp 1 có phần đuối sức. Với chiến thuật hợp lý và khả năng bứt tốc mạnh mẽ, cua-rơ Im Jaeyeon Hàn Quốc một lần nữa là người xuất sắc nhất về đích đầu tiên tại đích đến tại Trung tâm Thể dục - thể thao Đồng Xoài (Bình Phước) để giành chiến thắng chặng 13. Sau 3 chặng về nhất liên tục, tay đua Hàn Quốc này giữ được áo Xanh. Về tiếp theo chặng này là Nguyễn Thành Tâm và Lê Nguyệt Minh. Hạng 4 là Trần Nguyễn Duy Nhân (Quân khu 7)  và Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) hạng 5. Áo Vàng chung cuộc vẫn thuộc về David van Eerd (Hà Lan), Sarda Javier Perez (Tập đoàn Lộc Trời) giữ áo Đỏ, còn người giữ áo Trắng (cua-rơ trẻ xuất sắc nhất) vẫn là Purnomo Setiawan (PGN - Indonesia). Đáng chú ý là chặng này có đến 4/5 cua-rơ  Việt Nam về đích sớm nhất. Về hạng 5 Lê Văn Duẩn. Nhưng do anh vi phạm nội quy nên bị xếp cuối bảng tổng sắp. Bứt phá về đích tại Đồng Xoài, Bình Phước Chặng 14, chặng đua cuối cùng của Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018 với lộ trình từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) đi TP Hồ Chí Minh có độ dài 136 km. Đây là chặng đua với lộ trình ngắn. Ngay từ vạch xuất phát 14 cua-rơ nhanh chóng tách tốp và đua tranh các giải thưởng dọc đường. Người giành chiến thắng ở sprint 1 là Im Jaeyeon (Korail Cycle Team), Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) giành sprint 2. Tại đích đến ở Dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), cua-rơ Im Jaeyeon (Korail Cycle Team) là người xuất sắc về đích đầu tiên với thời gian 3 giờ 12 phút 28 giây để giành chiến thắng ở chặng đua cuối cùng. Về đích tiếp theo lần lượt là các cua-rơ Jan Paul Morales (Philippine Navy), Rick Nobel (NCCT - Lào) và Arin Iswana (PGN - Indonesia). Về đích trong top 2 nhưng David van Eerd vẫn bảo vệ thành công chiếc áo Vàng của mình. Cua-rơ người Hà Lan chính là chủ nhân của giải thưởng cá nhân danh giá nhất của Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2018 với phần thưởng 200 triệu đồng. Áo Chấm đỏ thuộc về Sarda Perez Javier (Tập đoàn Lộc Trời) và áo Trắng thuộc về Purnomo Setiawan (PGN - Indonesia). Ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VTV và ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Thường trực điều hành Tập đoàn Hoa Sen trao các giải cao nhất Ở giải thưởng đồng đội, chiến thắng đã thuộc về đội đua PGN - Indonesia. Cua-rơ Sarda Perez Javier (Tập đoàn Lộc Trời) giành giải Vận động viên ấn tượng. Bài: Trần Lê  Ảnh: Hoài Huy

Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2018

TĐKT - Ngày 15/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo giới thiệu Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2018. Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ đồng chủ trì buổi họp báo. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh nằm trong các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018). Đồng thời, là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và nét độc đáo của thiên nhiên, con người Yên Bái với nhiều hoạt động du lịch độc đáo tạo thành chuỗi sự kiện hấp dẫn khách du lịch. Ban tổ chức thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2018 Năm 2018, nối tiếp thành công của những năm qua, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò sẽ diễn ra từ ngày 21 - 25/9/2018, tái hiện chuyện tình "Hoa ban trắng” và Lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải có chủ đề "Mù Cang Chải - Đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là thông điệp gửi tới du khách gần xa: Hãy về với vùng đất đất tổ của người Thái đen, vùng đất Mường Lò "Gạo trắng, nước trong” với những làn điệu dân ca, dân vũ thiết tha, mời gọi để đắm mình vào những điệu xòe ngây ngất men say, xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2018 tôn vinh danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải và các giá trị văn hóa dân tộc Mông, chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang. Thiên nhiên và con người Mù Cang Chải đã làm nên một danh thắng tuyệt vời với sắc xanh của núi, màu vàng của những sóng lúa bậc thang – bậc thềm tiến lên sự no ấm, hạnh phúc vững chãi. Nét văn hóa đặc sắc, vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang đã làm nên một Mù Cang Chải đẹp và luôn hấp dẫn du khách mỗi khi đến nơi đây. Đặc biệt, năm 2018 là năm tổ chức kỷ niệm 5 năm Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng” tại đèo Khau Phạ của Câu lạc bộ dù lượn Vietwing Hà Nội với nhiều hoạt động trình diễn bay đôi hóa trang hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, năm 2018, tỉnh Yên Bái tổ chức hoạt động "Yên Bái - Trải nghiệm hành trình di sản” với nhân vật trải nghiệm thực tế của Nguyễn Liên Phương - Á hậu 1, Hoa hậu Đại sứ du lịch Thế giới 2017 và một số nhân vật nổi tiếng; hoạt động của nhóm trình diễn xe địa hình với thành viên Câu lạc bộ xe Offroad Việt Nam, Câu lạc bộ xe Pickup, các câu lạc bộ xe trên cả nước (có khoảng gần 100 xe bán tải tham gia đoàn trình diễn). Điểm mới và hấp dẫn của các hoạt động lễ hội năm nay là tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa dân tộc để du khách được trải nghiệm, cảm nhận và hòa mình vào không gian lễ hội. Ban tổ chức cũng đổi mới trong hình thức thể hiện các kịch bản, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đồng thời có nhiều hoạt động lần đầu tiên được tổ chức sẽ tạo ra nhiều thú vị, hấp dẫn, sân chơi bổ ích và giao lưu với du khách. Mai Thảo

Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018)

TĐKT - Ngày 15/9, tại Trung tâm Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn học (Hà Nội) đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018); đồng thời công bố kỷ lục quốc gia về Ngày hội Lục bát. Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức. Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải Lục bát Kim cương Xuất phát từ ý tưởng, đề xuất của nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ, cuộc thi Thơ Lục bát độc đáo với tên gọi “Tổ quốc và Đạo pháp” được phát động từ năm 2012, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, cố vấn chuyên môn và giám khảo, website Lục bát Việt Nam cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan thường trực. Trong 6 năm qua, đã có gần 2.000 tác giả, gửi hơn 10.000 tác phẩm dự thi. Sau 5 lần sơ kết, Ban Tổ chức đã trao 56 giải thưởng cho 56 tác giả đến từ mọi miền đất nước; trong đó có 20 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 36 giải “Lục bát Trăng bạc”. Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Thế Phiệt, Chánh Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, cho biết: Lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống dân tộc mà còn là hồn quê, văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Lục bát là di sản vô giá, độc đáo mà cha ông để lại cho hôm nay và mai sau. Cách đây 10 năm, Nhà thơ Đặng Vương Hưng – một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc đã khởi xướng và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục bát Việt Nam và vận động đề xuất Thơ Lục bát là Quốc Thi, tiến tới công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông Phiệt đánh giá cao cuộc thi kéo dài 6 năm và coi đó như là một trong những cố gắng để làm tốt hơn nữa cho việc phát triển thơ lục bát. Tổng kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 4 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 4 giải “Lục bát Trăng Bạc”; đồng thời, tổng kết 6 năm và trao giải Lục bát Kim Cương. Các giải “Lục bát Trăng Vàng” được trao cho: Tác giả Nguyễn Quỳnh Anh (Ninh Bình) với chùm thơ “Viết về Vị Xuyên” và "Nhớ những ngày đông”; Nguyễn Xuân Môn (Kon Tum) với chùm thơ 2 bài “Hàng sáo” và “Quê tôi”; Nguyễn Văn Song (Hưng Yên) với chùm 2 bài “Mùa đông nhớ mẹ” và “Nhà quê”; Vương Đoàn Trọng (Hà Nội) với bài thơ “Nhớ xưa”. Giải “Lục bát Kim Cương” được trao cho 2 tác giả: Trần Kê Hoàn (Nam Định) với chùm 2 bài “Lục bát Vu lan”, “Chị” và Lam Bình (Hà Nội) với chùm 2 bài “Phật tâm”, “Chiều du cư”. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tặng Bằng Tuyên dương Công đức cho cá nhân thuộc ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Tổ quốc và Pháp” Tại buổi lễ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức tặng nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ - hai thành viên Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp”. Ông Hoàng Thái Tuấn Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Phát triển Kỷ lục miền Bắc đã công bố 2 kỷ lục Quốc gia mới, nhân kỷ niệm 10 năm tổ chức Ngày hội Lục Bát và xuất bản Bộ sách Lộc Phát. Ngày hội Lục bát Việt Nam năm Mậu Tuất - 2018 là dịp để các tác giả, bạn đọc yêu thể thơ truyền thống của dân tộc gặp gỡ, giao lưu; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị hồn quê từ ngàn đời truyền lại cho hôm nay và mai sau; đồng thời, chung tay góp sức vận động, quảng bá, đề xuất để thơ Lục bát sẽ trở thành Quốc Thi của Việt Nam, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong khuôn khổ Ngày hội có các hoạt động: Thi trình diễn thơ Lục bát; giao lưu bạn thơ các câu lạc bộ thơ; lễ dâng thơ; đọc Chúc văn ngày hội; lễ phát lộc Thơ Lộc phát; tổng kết và trao thưởng Cuộc thi Thơ “Tổ quốc và Đạo pháp”; trao thưởng Trình diễn thơ Lục bát năm Mậu Tuất – 2018. Phương Thanh - Mai Thảo

Trang