Phong trào thi đua

Nâng cao chất lượng phong trào thi đua, hướng về cơ sở xứ, họ đạo

TĐKT - Sáng 15/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN) lần thứ tư, nhiệm kỳ 2013 - 2018. Tới dự, có: ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và các vị trong Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chủ tọa Hội nghị. Hội nghị đã tổng kết công tác năm 2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của UBĐKCGVN; giới thiệu nhân sự tham gia bổ sung UBĐKCGVN nhiệm kỳ 2013 – 2018; thảo luận kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 (dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11/2018). Theo báo cáo của UBĐKCGVN, năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hướng về cơ sở xứ, họ đạo. UBĐKCGVN các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa những phong trào thi đua của UBĐKCGVN thành các phong trào thi đua, các mô hình tự quản phù hợp với từng địa phương. Do đó, phong trào được triển khai sâu rộng tới từng địa phương, cơ sở, nơi có đông đồng bào Công giáo và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tiêu biểu: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, tỉnh Nam Định có phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”; tỉnh Vĩnh Long với phong trào “Ấp không có tệ nạn xã hội, xóm đạo bình yên”, Tây Ninh lập 6 mô hình “Giáo xứ an toàn về an ninh trật tự”, TP Hà Nội tiếp tục triển khai phong trào “Xứ, họ đạo tiên tiến”… Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhiều hộ gia đình Công giáo đã đầu tư vốn, công sức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khắc phục khó khăn về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ở khu vực nông thôn, đồng bào Công giáo tích cực đóng góp nhiều tiền, ngày công lao động, nguyên, vật liệu, hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, góp phần làm cho diện mạo quê hương xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đồng bào Công giáo ở khu vực đô thị tích cực thực hiện vệ sinh đường phố, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội… Công tác xã hội, từ thiện với nhiều hình thức phong phú đã trở thành việc làm thường xuyên của đồng bào Công giáo, góp phần giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người bất hạnh, người tàn tật, học sinh nghèo vượt khó… Hoạt động của UBĐKCGVN các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo vai trò, chức năng hoạt động của mình trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, UBĐKCGVN quyết định tặng Cờ thi đua năm 2016 cho 4 tập thể; tặng Bằng khen cho 19 tập thể; tặng Kỷ niệm chương “Đồng hành cùng dân tộc” cho 305 cá nhân… Nguyệt Hà

Huyện Gia Lâm: Lá cờ đầu trong phong trào thi đua năm 2016 của TP Hà Nội

TĐKT - Năm 2016, các phong trào thi đua yêu nước huyện Gia Lâm được triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cấp, các ngành hưởng ứng tích cực, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia thi đua trên tất cả các lĩnh vực; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Gia Lâm đã được TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm qua. Xác định năm 2016 là năm quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020… ngay từ đầu năm, huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực, theo 4 đợt với từng chủ đề cụ thể, thiết thực. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, ngay từ đầu năm, huyện chủ động đề cao thực hiện hiệu quả phong trào thi đua trong cải cách hành chính, công tác tư pháp, giải quyết đơn thư; siết chặt kỷ cương, nền nếp làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua phong trào này, công tác chỉ đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên; tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tiến bộ, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Hiện tại, Gia Lâm đã hoàn thành cơ bản chuẩn hóa thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã; các thủ tục hành chính được thực hiện công khai tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn và trên cổng giao tiếp thông tin điện tử của huyện. Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đảm bảo hiệu quả. Số hồ sơ tiếp nhận tại huyện, giải quyết đúng hạn đạt 98,9%, tại các xã, thị trấn đạt 99,9%.     Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Hiệu quả của phong trào thi đua cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, nền nếp làm việc như động lực thúc đẩy các phong trào thi đua khác đi vào chất lượng. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, quản lý đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, huyện Gia Lâm phát động thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển sản xuất, thu chi ngân sách. Kết quả, huyện hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, kinh tế duy trì mức ổn định và có bước phát triển. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.291.614 triệu đồng, loại trừ kết dư, chuyển nguồn, thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.012.291 triệu đồng, bằng 165,8% dự toán thành phố và huyện giao và bằng 114,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 35 triệu đồng/năm. Năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng, đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp tại các xã, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới được 25,8 tỷ đồng, hiến 1.425,6 m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở rộng đường dân sinh, giao thông nội đồng, làm kênh mương. Huyện tiếp tục tập trung hiệu quả nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt, giữ vững các tiêu chí đạt đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, triển khai xây dựng nông thôn mới tại xã Dương Quang, Kim Sơn. Huyện Gia Lâm được UBND TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2016, huyện có 14 xã, thị trấn giữ vững danh hiệu “chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 4 xã: Kim Sơn, Dương Quang, Dương Hà, Yên Thường đạt “chuẩn văn hóa nông thôn mới” lần đầu. Mới đây, Huyện Gia Lâm vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 Bên cạnh đó, phong trào thi đua triển khai và thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị  2016”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện Gia Lâm được thực hiện nghiêm túc. Công tác quy hoạch, kế hoạch và đầu tư được quan tâm; công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo theo đúng kế hoạch. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nhất là đất đai được quan tâm rà soát, thống kê. Huyện đã hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2016 cấp được 4.233 giấy, bằng 105,8% kế hoạch; phê duyệt 25/25 phương án chi tiết cho 6.942 hộ gia đình, cá nhân, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn diền đổi thửa đạt 100% kế hoạch. Tính đến nay, ý thức thực hiện văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường của nhân dân trong huyện có nhiều chuyển biến, đường làng, ngõ xóm trong khu dân cư sạch đẹp hơn; kỷ cương trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị được nâng lên. Các mô hình văn hóa được xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng địa phương, đơn vị đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.Trên địa bàn huyện có 2 thị trấn giữ vững danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.Tỷ lệ “Gia đình văn hoá” đạt 93,3%; tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt 91,1%; tỷ lệ tổ dân phố, cụm dân cư văn hoá đạt 92,3%.... Mỗi một cơ quan, ngành, đoàn thể  lại cụ thể hóa thành phong trào của riêng đơn vị mình. Tiêu biểu: phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá", phong trào thể dục, thể thao quần chúng; phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm thực hiện chính sách với người có công; phong trào thi đua Quyết thắng, phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, người tốt việc tốt… Từ các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tập thể cá nhân tiêu biểu, trở thành những tấm gương sáng để mọi tầng lớp nhân dân noi theo, được Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đoàn thể trung ương, thành phố và huyện khen thưởng. Năm 2016, huyện Gia Lâm vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2; được TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua. Năm 2017 là năm tiếp theo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm quyết tâm, đoàn kết thi đua thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2017. Trong đó, bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXI đề ra; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhằm xây dựng huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển, giàu đẹp, dân chủ, văn minh. Hưng Vũ

Hình thành thói quen, nếp sống của người Việt trong việc trồng cây, bảo vệ rừng

TĐKT - Ngày 6/2, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" do Chủ tịch nước phát động. Tới dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng đại diện lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố và đông đảo nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.   Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham gia trồng cây Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: trồng rừng, trồng cây, phải 5 năm, 10 năm mới có được lợi ích. Nhưng phá rừng, chặt cây, ngay ngày mai có hậu quả xã hội. Trồng rừng, trồng cây để giảm xói mòn của đất, giảm mất chất màu của đất, giảm việc mất khả năng giữ nước trên rừng, giảm khả năng gây ra lũ lụt. Trồng rừng, trồng cây để tăng khả năng tự làm sạch không khí; thêm nguyên liệu gỗ cho ngành gỗ phát triển phục vụ đất nước; thêm bóng mát cho trẻ em vui chơi, cho người già nghỉ ngơi, thêm hoa quả cho cuộc sống của mỗi gia đình. Không bảo vệ rừng, chặt cây chính là phá đi cơ sở cuộc sống lâu dài của đất nước, tự chặt vào những rường cột của mái nhà Việt Nam. Cần làm cho việc bảo vệ rừng, việc trồng cây ở mọi miền đất nước trở thành thói quen, nếp sống của người Việt Nam. Nếp sống đó cần được thực hành ở khắp nơi, lặp lại mỗi năm vào mùa Xuân vào dịp Tết trồng cây. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với chính quyền, ngành nông nghiệp tổ chức, đánh giá hiệu quả việc trồng cây trong những năm qua, từ đó đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả việc trồng cây hàng năm. Làm sao để đến năm 2020, khi kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Tết trồng cây, việc trồng cây ở cả nước trở thành nếp sống xuyên suốt, đem lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế xã hội và mỗi địa phương… Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày Tết trồng cây với mong muốn trong 10 năm tới đất nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, điều đó góp phần quan trọng vào cải thiện đời sống nhân dân. Với tinh thần đó, ngày 11/1/1960 tại Công viên Thống nhất hàng ngàn nhân dân Thủ đô và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Tết trồng cây đầu tiên. Ngày 14/4/1964, trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và Đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến Miền núi và Trung du, Bác Hồ viết: “Nếu rừng kiệt không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Ngày 31/1/1965, Hà Nội tổ chức tết trồng cây đồng loạt trên tuyến quốc lộ số 3, Bác Hồ cũng đã tham dự. Xuân 1969, lúc đó sức khỏe của Bác đã yếu nhưng Bác vẫn quyết định tham dự kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây được tổ chức tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây) và dịp đó Bác đã trồng 1 cây đa. Từ đó, Tết trồng cây đã thành một phong trào, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui tết, đón xuân, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao cuộc sống của nhân dân. Trần Minh Phượng

Ngành Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ các mặt công tác

TĐKT - Chiều 23/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo Quý IV/2016. Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì họp báo.  Trong Quý IV và cả năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn ngành tập trung đẩy mạnh...      Họp báo Bộ Tư pháp Quý IV/2016 Năm 2017, ngành Tư pháp xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ trung ương đến địa phương. Triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhất là những quy định mới mang tính đột phá của Luật này. Xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2020. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014. Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 - 2024 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo. Tham mưu giúp Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận, cam kết quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế. Hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp đảm bảo đúng tinh thần theo Nghị quyết 36a/NQ - CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.   Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: sau Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, 34/36 đơn vị thuộc Bộ và 60/63 địa phương đã tổ chức xong hội nghị triển khai công tác năm 2017.  Phương Thanh

Rạng Đông khởi động mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2017

TĐKT - Sáng 19/1, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức gặp mặt truyền thống nhằm tổng kết công tác năm 2016, động viên cán bộ, công nhân, viên chức công ty ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2017. Đây đồng thời là dịp để  tri ân các nhà khoa học cộng tác viên tiêu biểu và tôn vinh các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua quý IV/2016. Chương trình gặp mặt truyền thống Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Năm 2016, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Lợi nhuận năm 2016 đạt 188 tỷ, gấp hơn 2 lần lợi nhuận kế hoạch 90 tỷ đồng do Đại hội đồng cổ đông giao và vượt 149% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/ tháng, tăng 14,2% so với năm 2015. Công ty nộp ngân sách 281,4 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Kết quả năm 2016 nối dài thêm truyền thống 27 năm liền doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, thu nhập của người lao động tăng liên tục, đều đặn năm sau cao hơn năm trước một cách ổn định, bền vững. Mục tiêu nâng cao năng suất đã có tiến bộ bước đầu. Năm 2016, doanh thu bình quân trên một lao động đạt 1,246 tỷ đồng/năm, tăng 19,6% so với năm 2015. Mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt giảm chi phí đầu vào đạt kết quả cao. Đặc biệt, sản phẩm chiếu sáng LED có bước phát triển tốt với  sản lượng tiêu thụ năm 2016 đạt 8,562 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 2,3 triệu USD, đóng góp 28% lợi nhuận toàn công ty.    Công ty xác định trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn công ty sẽ vận hành theo mô hình quản trị mới một cách đồng bộ, vừa làm vừa hoàn thiện hệ thống mới, tiến hành từng bước việc chuyển đổi công ty theo mục tiêu: từ công ty tập trung vào quản lý quá trình sản xuất, tập trung vào sản phẩm thành công ty hướng vào thỏa mãn khách hàng, từ thuần túy thương mại hàng hóa mở rộng sang thương mại dịch vụ. Chuyển đổi từ công ty công nghệ sang công ty công nghệ cao, ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với chương trình tự động hóa trang bị rô - bốt ở một số khâu trên các dây chuyền công nghệ, nâng cao hàm lượng tri thức trong sản phẩm và dịch vụ, có năng lực đổi mới, sáng tạo và cải tiến không ngừng ứng phó với mọi biến động. Chuyển đổi Rạng Đông thành công ty chuyên nghiệp với Hệ thống ISO - 9001:2015 là nền tảng, áp dụng Mô hình quản trị chiến lược phát triển bền vững, có hiệu quả, ứng dụng rộng rãi các công cụ hiện đại, không ngừng cải tiến và nâng cao năng suất, xây dựng hệ thống thông tin và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin.   Nhân dịp này, công ty đã phát động cao trào "Thi đua làm theo Bác trong mọi công việc thường xuyên hàng ngày của tất cả mọi người", lập thành tích báo công với Bác Hồ nhân kỷ niệm 53 năm Người về thăm nhà máy, tạo bước khởi động mạnh mẽ trong năm 2017.  Phương Thanh

Nỗ lực nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô

TĐKT - Năm 2016, phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn Thủ đô đã bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, vượt nhiều khó khăn, thử thách, đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, ngày càng hiệu quả. Ngay từ đầu năm đã có 100% liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo 90 đơn vị phát động điểm và hơn 90% các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn phát động thi đua trong CNVCLĐ. Trong đó, tập trung vào phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” và “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các đợt thi đua ngắn ngày chào mừng 86 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp… được thực hiện với các chỉ tiêu thi đua cụ thể, vận động CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký xây dựng các công trình, sản phẩm chất lượng cao, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và 2 cá nhân vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Các cấp công đoàn phối hợp tổ chức các hội thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật, thi tay nghề, lựa chọn và biểu dương công nhân giỏi, biểu dương sáng kiến, sáng tạo Thủ đô nhân dịp Tháng Công nhân năm 2016 và kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Theo báo cáo của các công đoàn cấp trên cơ sở, năm 2016 đã có 31.058 công nhân, lao động được công nhận là công nhân giỏi cấp cơ sở; 1785 công nhân giỏi cấp trên cơ sở; 17.208 cá nhân được tặng danh hiệu Sáng kiến, sáng tạo cấp cơ sở, tăng 107 % so với năm 2015; 1260 cá nhân được tặng danh hiệu Sáng kiến, sáng tạo cấp trên cơ sở, tăng 108 % so với năm 2015. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức biểu dương 126 công nhân giỏi. UBND TP Hà Nội công nhận và cấp bằng sáng kiến, sáng tạo Thủ đô cho 105 CNVCLĐ. Để phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đi vào hiệu quả, thiết thực với tầng lớp CNVCLĐ Thủ đô, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Liên đoàn Lao động huyện tổ chức phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực: đăng ký giao ước thi đua giữa các đơn vị doanh nghiệp, ngân hàng trên địa bàn với các hợp tác xã hỗ trợ vốn, phân bón, nguyên nhiên liệu, giống cây; đảm bảo điện, nước tưới tiêu phục vụ đổ ải; tổ chức hội thảo “Vai trò của công đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới”… Qua đó đã đẩy mạnh phong trào CNVCLĐ thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và công tác khen thưởng trong các tổ chức công đoàn. Tiêu biểu: tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng hoạt động các cụm thi đua Liên đoàn Lao động thành phố và nhân rộng các mô hình mới trong công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức công đoàn”; “Các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” … Qua đó, đã kịp thời đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và bàn biện pháp, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong thời gian tới. 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, lại là năm TP Hà Nội chọn chủ đề công tác là “Năm kỷ cương hành chính”, đòi hỏi thành phố và công đoàn các cấp phải không ngừng nỗ lực, đổi mới, linh hoạt, sáng tạo. Các đơn vị thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội tham gia ký kết Giao ước thi đua năm 2017 Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, các cấp công đoàn Thủ đô cần chủ động, tích cực trong xây dựng đội ngũ CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, làm tốt công tác tham mưu với thành phố tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 32 của Thành ủy (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và đề xuất giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân, hoạt động công đoàn Thủ đô giai đoạn mới. Tổ chức công đoàn với vai trò đại diện cho người lao động cần chủ động tham mưu, đề xuất, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động... Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng trong thời gian tới, cần chú ý ban hành một giải thưởng cho các cán bộ công đoàn vì đây cũng là bộ phận rất quan trọng để triển khai các hoạt động cho công nhân, nhất là các cán bộ công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai các phong trào công nhân gắn với việc thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Riêng với khối công chức, Thủ đô cần nghiên cứu để làm điểm về việc đổi mới các phong trào thi đua, để đáp ứng yêu cầu mà lãnh đạo thành phố giao cũng như yêu cầu trong tình hình mới, góp phần xây dựng được nền hành chính phục vụ, vì dân. Ghi nhận thành tích của các cấp công đoàn Thủ đô trong năm 2016, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và 2 cá nhân vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 21 tập thể được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Mai Thảo

Bộ TN&MT phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020

TĐKT - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký Quyết định 3017/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước ngành TN&MT giai đoạn 2016 – 2020 với chủ đề “Kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển nhanh, bền vững đất nước”. Theo đó, công tác thi đua khen thưởng ngành TN&MT giai đoạn 2016 – 2020 hướng vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.  Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn ngành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ TN&MT về công tác thi đua, khen thưởng. Thứ hai, quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn ngành Chỉ thị số 18/CT-TTg; Chương trình hành động số 28-CTr/BCSĐTNMT, Kế hoạch số 1878/KH-BTĐKT, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2016 - 2020) với nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của từng đơn vị. Gắn phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng cả nước thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiếp tục thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”… Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phân công trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Hội đồng; khẩn trương kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức các phong trào thi đua. Thứ tư, quan tâm, tổ chức thực hiện các lớp tập huấn công tác thi đua, khen thưởng cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành để phổ biến các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng. Thứ năm, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, tinh gọn và hiệu quả. Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng; nhân rộng và tuyên truyền về các điển hình tiên tiến cần được chú trọng. Thứ bảy, bố trí kinh phí và tăng cường tạo lập các nguồn để hình thành Quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật, nhằm tăng cường huy động được sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác đáp ứng yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng. Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ TN&MT chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trưởng các khối, cụm thi đua tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên và theo chuyên đề cho cả giai đoạn, hàng năm, theo đợt, ngắn hạn, trung hạn phù hợp. Phong trào thi đua hướng vào giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, những mặt tồn tại, yếu kém, việc mới, việc khó: bảo vệ môi trường và xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường công tác quản lý điều hành, kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin... Thường trực thi đua, khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hưởng ứng, tham gia, phát huy tối đa mọi nguồn lực, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Tiêu chí cụ thể để đánh giá phong trào thi đua là “5 Không, 5 Có”: Theo đó, 5 Không là: không để nhiệm vụ quá hạn; không vi phạm pháp luật; không vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở và nội quy của cơ quan, đơn vị; không lãng phí tài sản cơ quan; không mất đoàn kết nội bộ. 5 Có là: có Quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch; có sáng kiến đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác; có quan hệ phối hợp, hợp tác tốt trong và ngoài Bộ; có phong trào thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị; có kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao. Về công tác khen thưởng, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ TN&MT chỉ đạo thực hiện đúng quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng sáng kiến, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; bổ sung, hoàn thiện Quy chế hoạt động của các Hội đồng cho phù hợp với quy định mới của Nhà nước, của Bộ. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả; tăng cường khen thưởng các phong trào thi đua theo chuyên đề và thành tích đột xuất xuất sắc, chú trọng đối tượng là tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp và những khu vực có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm khen thưởng những trường hợp cứu người, bảo vệ tài sản và phòng, chống thiên tai... Khích lệ động viên sự tìm tòi, sáng tạo trong việc đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong các phong trào thi đua, có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường. Đối với công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, Bộ TN&MTđề nghị các cơ quan, đơn vị trong ngành cần có kế hoạch tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, để tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu chí chung là gương điển hình tiên tiến phải là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn và cả nước. Phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được tổ chức thực hiện thường xuyên, trong đó cao điểm là các đợt: đợt 1 tính từ năm 2016 đến tháng 8/2017, tổ chức sơ kết phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2017);  đợt 2 sơ kết công tác xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2018 vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948 - 1/6/2018); đợt 3 từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2020, tổ chức tổng kết Phong trào thi đua yêu nước ngành TN&MT và Đại hội Thi đua yêu nước ngành TN&MT lần thứ IV, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực to lớn, tạo không khí hăng hái thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kiện toàn và ổn định tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới toàn diện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong các hoạt động về TN&MT trên phạm vi cả nước góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực TN&MT được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị và cá nhân người lao động trong phạm vi toàn ngành TN&MT. Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thuộc ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khen thưởng. Phạm Ngọc Bách

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

TĐKT - Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng.   Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 Năm 2016, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp đã làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam vô cùng khó khăn đặc biệt là lĩnh vực phân bón. Nhưng với phong trào thi đua yêu nước, cán bộ viên chức, công nhân lao động Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thi đua, hoàn thành một số chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm cho người lao động, lập thành tích xuẩt sắc chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới chào mừng Đại hội Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam lần thứ X và các ngày lễ lớn trong năm. Tập trung động viên cán bộ, viên chức, công nhân, lao động hưởng ứng phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch góp phần cùng Tập đoàn đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Đặc biệt, Tập đoàn cũng đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Một số sản phẩm truyền thống, có thế mạnh (pin, ắc quy, chất tẩy rửa, hoá chất cơ bản, khí công nghiệp) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững được thị trường… Về đầu tư xây dựng, Tập đoàn đã thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án quan trọng như mở rộng nhà máy apatit; dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất xút vảy 120.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Hoá chất Việt Trì Các dự án dở dang như dự án sản xuất axit kết hợp phát điện của Công ty Supe Phốt-phát và Hoá chất Lâm Thao, dự án xây dựng Nhà máy phân lân Văn Điển tại Thanh Hoá… cũng đã được tiếp tục đầu tư. Những dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đã được rà soát để có giải pháp xử lý… Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những cố gắng của Tập đoàn trong năm 2016. Nhưng việc không hoàn thành các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh cho thấy Tập đoàn đang ở thời điểm rất khó khăn, đòi hỏi phải tập trung phân tích kỹ bối cảnh, đánh giá toàn diện các vấn đề để có thể tìm ra giải pháp phù hợp. Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp đã được tập trung thực hiện, song chất lượng còn hạn chế, chưa toàn diện, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh trên thị trường; việc cổ phần hoá tại các đơn vị còn chậm, thực hiện chưa quyết liệt.  Hiệu quả đầu tư xây dựng một số dự án còn thấp, thậm chí yếu kém; cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không hiệu quả… Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Tập đoàn, của từng doanh nghiệp cần được phân tích thẳng thắn với từng lĩnh vực, dự án, từng nhiệm vụ cụ thể.     Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những cố gắng của Tập đoàn trong năm 2016 Với những thành tích đã đạt được, năm 2017, Tập đoàn quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; tiếp tục đôn đốc thúc đẩy việc hoàn thành quyết  toán các dự án đã đi vào hoạt động. Đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị đang gặp khó khăn để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Chú trọng công tác nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, an toàn trong sản xuất và sử dụng; tiến tới chủ động được việc cung cấp một số hoá chất cơ bản cho nền kinh tế. Đổi mới quản trị doanh nghiệp; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Hội đồng thành viên, sự điều hành của Ban Tổng Giám đốc cũng như sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tại Hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức, công nhân, lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện chương trình hành động, mục tiêu kinh tế - xã hội của Tập đoàn năm 2017. Hồng Thiết

Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2017

TĐKT - Chiều 13/1, tại Hà Nội, Công đoàn Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Tới dự, có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng.   Các tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ GTVT Năm 2016, bám sát nhiệm vụ của ngành, các cấp công đoàn ngành GTVT đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua những thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2016.  Công đoàn ngành đã chủ động phối hợp hiệu quả với Bộ GTVT tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Nổi bật: tổ chức thành công hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn GTVT Việt Nam và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết đạt và vượt; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương công nhân lao động xuất sắc tiêu biểu, Hội nghị biểu dương nữ CNVCLĐ tiêu biểu nuôi con khỏe, dạy con ngoan và các hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị sơ kết phong trào thi đua thực hiện văn hóa ứng xử giao tiếp trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành theo phương châm “4 xin”, “4 luôn”; phối hợp tổ chức thành công Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành GTVT, Hội thi Lái xe ô tô giỏi và an toàn ngành GTVT năm 2016; phối hợp tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tình hình đời sống việc làm, chế độ chính sách, thăm hỏi động viên kịp thời CNVCLĐ vượt qua khó khăn phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành năm 2016. Bên cạnh đó, công đoàn ngành GTVT còn chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức nhiều phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hội thi chào mừng 50 năm ngày truyền thống của Công đoàn GTVT Việt Nam (18/11/1966 - 18/11/2016); tổ chức thành công Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; phối hợp với Báo Giao thông tổ chức thành công cuộc thi viết “Đi trước mở đường” nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ người lao động ngành GTVT qua các thời kỳ… Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những kết quả cán bộ, CNVCLĐ ngành GTVT nỗ lực đạt được trong năm 2016. Những kết quả nổi bật của công đoàn ngành trong năm 2016 sẽ tạo đà cho CNVCLĐ của ngành hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ Đại hội IX Công đoàn GTVT Việt Nam, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các đoàn viên công đoàn ngành GTVT đã tham gia và đóng góp to lớn vào những thành tích chung của toàn ngành, nhất là trong xây dựng các cơ chế chính sách quản lý ngành, cải cách hành chính, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát động và thực hiện các phong trào thi đua… Bộ trưởng đề nghị: trong năm 2017, ngành GTVT phải thực hiện nghiêm túc chủ đề chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”. Công đoàn ngành cần tập trung dành nhiều thời gian cho những lĩnh vực, nhiệm vụ còn hạn chế của ngành trong năm 2016. Cụ thể: tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn tại các đơn vị sau cổ phần; kịp thời sâu sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động, nhất là những đơn vị còn nhiều khó khăn để phối hợp với chuyên môn có giải pháp hợp tình, hợp lý giải quyết các kiến nghị chính đáng của người lao động. Đồng thời có đóng góp nhiều hơn vào quá trình cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ GTVT, Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Mai Thảo

Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ

TĐKT – Sáng 12/1, tại Hà Nội Bộ Công an tổ chức Lễ phát động thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân (CAND) bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu ý kiến.   Lễ phát động thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” Ngày 26/10/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường lãnh đạo, nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND trong tình hình mới, yêu cầu tổ chức cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ “ trên toàn lực lượng. Để thực hiện tốt cuộc vận động, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch và đề ra 7 nhóm nội dung, giải pháp: tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nội dung, biện pháp thực hiện cuộc vận động; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong chính quy trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm; xây dựng, thực hiện các tiêu chí về phong cách người CAND có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, tác phong chính quy trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt, các quy định về quy tắc văn hóa ứng xử, về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, năng lực thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức cho các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến về phong cách, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, tư thế, tác phong, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CAND; đẩy mạnh tuyên truyền về phong cách người CAND có bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức thực hiện cuộc vận động. Phát biểu tại Lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: cuộc vận động có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, thủ trưởng công an các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ về xây dựng phong cách, bản lĩnh, rèn luyện đạo đức, lối sống, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Đồng chí yêu cầu công an các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với đơn vị mình; cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy công an các cấp, các học viện, trường CAND cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân nòng cốt trong thực hiện cuộc vận động, lấy kết quả thực hiện cuộc vận động là một trong những tiêu chí đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, bình xét thi đua... Đồng thời mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong chính trị tư tưởng để có giải pháp mang tính đột phá và tập trung thực hiện. Nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí về phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ ở từng lực lượng và từng cán bộ, chiến sĩ phải có bản cam kết của cá nhân mình, công khai nội dung với nhân dân để nghiêm túc thực hiện, có sự giám sát của nhân dân. Phương Thanh

Trang