Kinh tế

Ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2% năm 2018

TĐKT - Sáng 4/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%, ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2). Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng. Cụ thể, Bộ đã hoàn thành 3 dự án Luật: Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, ngành xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 22 Bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình bộ phận một cửa. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã nền nếp hơn. Vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể. Qua đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan); đứng thứ 20/190 nền kinh tế. Công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước bằng quy hoạch cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, quy hoạch vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên cả nước, đã có 58/63 địa phương được phê duyệt; 16/16 khu kinh tế ven biển, 17/26 khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng; 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt, tương đương 805 đồ án. Tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; 58/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; 27/63 địa phương phê duyệt quy hoạch cấp nước; 20/63 địa phương phê duyệt quy hoạch thoát nước. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển đô thị; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có nhiều chuyển biến quan trọng, từng bước bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí. Công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản được thực hiện có hiệu quả, duy trì tăng trưởng của thị trường. Thị trường vật liệu xây dựng được phát triển hài hòa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tập trung phát triển các vật liệu mới, thân thiện môi trường; từng bước giải quyết vấn đề xử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện… Trong năm 2018, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ngành Xây dựng theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả mà ngành xây dựng đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tiếp tục đổi mới, tập trung thực hiện có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, hộ nghèo; thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đồng thời, quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất và đầu tư xây dựng… Phương Thanh

Ngành nông nghiệp: Cần tháo gỡ “nút thắt” để tăng trưởng bứt phá

TĐKT - Sáng 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017. Song, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung - cầu còn bất cập. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính  phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ những “nút thắt” trong ngành nông nghiệp để trên cơ sở đó, có những giải pháp tháo gỡ và tăng trưởng bứt phá hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch hơn so với năm 2018, một mục tiêu rất khó khi con số hiện nay đã ở mức cao. Phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Thủ tướng đặt chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp 2019 phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD và đề nghị cán bộ, công chức ngành nông nghiệp suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo để "đạt cao hơn mục tiêu đưa ra”. Gợi mở một số giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng định hướng cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân, tránh bệnh thành tích.   Đi liền với đó là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, trong đó có xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như cá tra, gạo. Đặc biệt chú trọng vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp… Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. Phương Thanh

10 sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2018

TĐKT - Trong năm 2018 ngành Hải quan đã có nhiều điểm sáng nổi bật về nỗ lực thu ngân sách, xử lý nhiều vụ vi phạm, xây dựng quy chế xử lý kỷ luật cán bộ chặt chẽ, dẫn đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành Hải quan đã bầu chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2018. Thứ nhất, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng cục Hải quan phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 313.000 tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán, bằng 106,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến số thu thuế của ngành Hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thuế điện tử) đến 31/12/2018 đạt 297.300 tỷ đồng. Thứ hai, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm. Về công tác kiểm soát hải quan, trong năm vừa qua, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 16.633 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,54 % so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ 417 triệu đồng (tăng 115,61 % so với cùng kỳ 2017). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 133 vụ (tăng lần lượt 21,57% và 95,59% so với cùng kỳ 2017). Thứ ba,tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra ngày 24/7/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới. Thứ tư, hoàn thiện thể chế về chính sách hải quan. Bên cạnh các hoạt động cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế về hải quan. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa… Thứ năm, ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành hải quan. Mục tiêu quan trọng được Tổng cục Hải quan đặt ra trong Quy chế này là chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức hải quan khi thực thi công vụ… Thứ sáu, tổ chức Tọa đàm: “Hải quan – Doanh nghiệp: Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành”. Thông qua Tọa đàm, Tổng cục Hải quan đã gửi tới cộng đồng doanh nghiệp thông điệp là chủ đề buổi tọa đàm, đồng thời cũng là tuyên ngôn thực hiện quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp hiện nay và những năm tiếp theo: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành” trong quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; trong xây dựng, thực hiện, giám sát thực thi pháp luật hải quan. Thứ bảy, Tổng cục Hải quan dẫn đầu Bảng xếp hạng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính.Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, Tổng cục Hải quan lần thứ hai liên tiếp được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu trên Bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính theo Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT ngành Tài chính năm 2018 (chỉ số ICT Index ngành Tài chính 2018). Thứ tám, triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM. Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng hệ thống VASSCM ra phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống VASSCM đã triển khai tại 25/35 Cục Hải quan, tại 65 chi cục Hải quan và cho 276 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho hàng không, kho ngoại quan và các kho bãi, địa điểm khác. Thứ chín, triển khai đánh giá năng lực công chức chuyên môn nghiệp vụ đang công tác trong 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính. Theo kế hoạch, trong tháng 12/1018 và tháng 1/2019, Tổng cục tiếp tục tổ chức đánh giá năng lực tại các Cục Hải quan tỉnh, TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 6 Vụ/ Cục chuyên môn nghiệp vụ chính của Tổng cục. Dần tiến tới trong năm 2019, 2020 sẽ tiếp tục đánh giá tại các Cục Hải quan còn lại. Thứ mười, Chính phủ ban hành Nghị Quyết về việc gia nhập công ước ISTANBUL về tạm quản hàng hóa. Đây được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm tạo thuận lợi thương mại với hơn 100 nước thành viên đã gia nhập. Ngoài ra, việc gia nhập Công ước cũng tạo cơ hội cho Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, thể thao, nghệ thuật, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam. Hồng Thiết

Sự kiện tiêu biểu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam năm 2018

TĐKT – Sau tất cả những khó khăn và thách thức phải đối mặt, năm 2018, ngành Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tiếp tục nỗ lực để vượt qua và gặt hái những kết quả tích cực. Tạp chí Thi đua Khen thưởng cùng bạn đọc xin điểm lại những sự kiện tiêu biểu của ngành Đường sắt trong năm vừa qua. Luật Đường sắt sửa đổi chính thức có hiệu lực Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2018, có vai trò quan trọng, tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Luật Đường sắt sửa đổi, bổ sung một số quy định, mở ra hành lang pháp lý thông thoáng. Đặc biệt ưu đãi để phát triển đường sắt và cơ chế thu hút vốn đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong phát triển lĩnh vực đường sắt. Quốc hội thông qua nguồn vốn 7.000 tỷ đồng Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho đường sắt hạn chế trong khi việc huy động từ xã hội hóa đường sắt rất khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài Nhà nước thì việc Quốc hội đồng ý thông qua gói vốn đầu tư trung hạn 7.000 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020 cho ngành Đường sắt được ví như một cú hích khởi đầu cho việc từng bước triển khai thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện có. Với gói 7.000 tỷ đồng này, ngành Đường sắt sẽ sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng tốc độ và tải trọng đồng đều trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam và đảm bảo kiểm soát an toàn giao thông đường sắt trong giai đoạn 2017 - 2021. Qua đó, tăng năng lực thông qua và sản lượng, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu. Tổ chức thành công Hội nghị Tổng giám đốc Đường sắt OSJD Trong các ngày từ 16 – 19/4/2018, Tổng công ty ĐSVN đăng cai tổ chức thành công Phiên họp thứ 33, Hội nghị Tổng giám đốc các đường sắt thuộc Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) tại TP Đà Nẵng. Đây là Hội nghị quốc tế với quy mô lớn, song với sự chuẩn bị chu đáo, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, nước chủ nhà (Tổng công ty ĐSVN) đã để lại nhiều ấn tượng tốt, tiếp tục khẳng định tiềm năng phát triển của ngành đường sắt cũng như đất nước Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng hợp tác, giao thương với bạn bè quốc tế… Hội nghị Tổng giám đốc Đường sắt OSJD lần thứ 33 Tổng công ty ĐSVN chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và  hiệu quả quản lý vốn nhà nước, từ tháng 10 năm 2018, 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thuộc 5 bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giao thông vận tải (trong đó có Tổng công ty ĐSVN), được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sự chuyển giao này được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và bước phát triển mới cho doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh ĐSVN Nhằm nâng cao uy tín và vị thế của ngành Đường sắt Việt Nam, trong năm 2018, Tổng công ty ĐSVN đã đẩy mạnh truyền thông, vận động tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội đối với các dự án Đường sắt, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ mới của ngành trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, Tổng công ty ĐSVN cùng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng chương trình “Dặm dài đất nước”, đưa hình ảnh đường sắt đến gần hơn với khán giả trên cả nước. Chương trình “Dặm dài đất nước” phát hàng tuần trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam Công nghiệp Đường sắt khởi sắc Cùng với sự chuyển mình của ngành đường sắt những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp Đường sắt cũng có nhiều đột phá khi liên tiếp cho ra mắt những đoàn tàu thế hệ mới được thiết kế và sản xuất trong nước như đoàn tàu thế hệ 3, toa xe VIP hai giường... Đây là tín hiệu khả quan, cho thấy quyết tâm đổi mới, từng bước làm chủ công nghệ, lấy khoa học công nghệ là nền tảng, làm tiền đề cho những chiến lược mang tính bứt phá của ngành đường sắt trong tương lai.   Toa xe VIP hai giường Sẵn sàng hợp tác, cộng đồng lợi ích vì sự phát triển của xã hội Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác với các Tập đoàn, Công ty lớn như Vietel, Mobifone, SASCO, Điện Quang, Vietcombank… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích và trải nghiệm mới như ví điện tử Momo, Amazing Rail Tour... Việc liên kết này mang tính chiến lược quan trọng, vì nó không chỉ giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả tiềm năng của nhau, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. VNR và Mobifone ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện Mai Thảo

Chương trình 135 làm thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi

TĐKT - Ngày 28/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Chương trình 135 - Dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại Hội thảo Trước đó, ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Đây là một chương trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế - xã hội cải thiện đời sống cho đồng bào ở các vùng này, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng ở những địa bàn xung yếu của đất nước. Trải qua 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước ghi nhớ như một “thương hiệu” đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh, suốt 20 năm qua, Chương trình 135 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tiêu biểu: Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đầu tư với hàng nghìn công trình (đường giao thông liên thôn xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng…). Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của UBDT nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Được coi là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, chương trình là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội và áp dụng chính sách an sinh đặc thù, là mô hình để các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư hỗ trợ, cũng như kinh nghiệm giảm nghèo trên bình diện quốc tế. UBDT trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 19 cá nhân Qua từng giai đoạn, Chương trình 135 được thực hiện theo mô hình khác nhau, với mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Có thể nói, Chương trình 135 cũng như các chính sách dân tộc đã đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1999 - 2005 giảm 4,5%/năm; từ 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/năm… Việc phổ biến, học tập các mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, năng suất cao, tăng cường khuyến nông khuyến lâm, kết hợp với hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao. Đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, tập huấn thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng, đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động của Chương trình. Thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Y Thông mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và người dân. Từ đó, giúp Chương trình 135 trong các năm tiếp theo, gần nhất là giai đoạn 2021 - 2025, được triển khai thực hiện thành công, tiếp tục đóng góp những thành tựu và dấu ấn đối với công cuộc giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước. Nhân dịp này, để ghi nhận đóng góp cho sự nghiệp giảm nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, UBDT đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 19 cá nhân thuộc các bộ, ngành đã có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Phương Thanh

Xây dựng doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam xanh bền vững

TĐKT - Chiều 28/12, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân dự và phát biểu ý kiến. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Chương trình lần này được tổ chức nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, môi trường trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận để có hướng đi phù hợp trong việc xây dựng thương hiệu Việt Nam xanh bền vững và tâm thế sẵn sàng trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, các doanh nghiệp có cơ hội kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng về những vướng mắc cơ chế trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư công nghệ mới. Đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, chính sách và hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, đơn cử như tiêu thụ sản phẩm xanh. Trong Chương trình, một số doanh nghiệp đã giới thiệu giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường: Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho công trình; giải pháp xử lý rác thải tại Việt Nam; giải pháp quản lý vận hành các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường… Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của ô nhiễm môi trường do áp lực phát triển kinh tế và thuộc vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, việc các doanh nghiệp chủ động, ý thức giảm thiểu ô nhiễm là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Đây là tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời là cơ sở để người dân tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp. Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, là lợi thế của Việt Nam; đồng thời chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các–bon thấp. Doanh nghiệp cần thể hiện vai trò tiên phong, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, xây dựng được các hệ thống quan trắc, giám sát nước thải, khí thải hiện đại; đầu tư các hệ thống dự báo, cảnh báo tác động của môi trường đến cộng đồng xung quanh… Đồng thời, doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức, mô hình hoạt động sản xuất, gắn sản xuất, kinh doanh với tiêu dùng xanh; xây dựng văn hóa các – bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hài hòa với môi trường. Đây là thời điểm để thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, xây dựng mô hình tăng trưởng xanh nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội về liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải nhà kính thông qua sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần và tiến tới xóa bỏ năng lượng hóa thạch. Từ năm 2015, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chương trình thường niên “Doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia”. Qua 3 lần tổ chức, chương trình đã truyền cảm hứng, ý thức cho một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, doanh nhân về ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Phương Thanh

Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

TĐKT - Trong năm qua, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều mặt chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Họp báo chuyên đề chiều 27/12 về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan năm 2018 Trước tình hình trên, với quyết tâm "tích cực, chủ động” trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp. Qua đó, đã chủ động kiểm soát được tình hình, chủ động phát hiện và đấu tranh triệt để với các phương thức, thủ đoạn mới, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, bóc gỡ thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần tích cực đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước. Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/12/2018, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan (tăng 9,54 %); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.702 tỷ đồng (tăng hơn 115,6 %); thu ngân sách đạt 350,966 tỷ đồng (tăng 4,83 %) so với cùng kỳ năm 2017. Cơ quan Hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ. Riêng về ma túy, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ vi phạm liên quan đến chất ma túy, thuốc gây nghiện hướng thần và xuất nhập khẩu tiền chất (tăng 115 vụ, tương đương tăng 113,86% so với cùng kỳ năm 2017). Thu giữ: 54.021,81 gram và 444 bánh Heroin; 128.166,87 gram, 364.258 viên và 185 túi, gói ma túy tổng hợp; 176.176 gram ma túy đá; 104,833 kg Cocain; 2.500 kg lá Khát; 3.800 kg tiền chất... Năm 2018, số vụ vi phạm pháp luật Hải quan tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý hơn là trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao. Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế... Mặt hàng vi phạm đa dạng bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng... Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong thời gian qua, các đối tượng đã vận chuyển ma tuý đã chuyển hướng trong cách vận chuyển, để lẫn ma tuý trong hàng hoá, vận chuyển qua các phương tiện, qua nhiều chặng để qua mắt các cơ quan chức năng. Đơn cử, ngày 11/12/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo – Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị kiểm tra, kiểm soát phát hiện 1 phương tiện vận tải hành khách có cất giấu ma túy trong 2 chiếc loa thùng do 1 đối tượng người Lào thuê vận chuyển về Việt Nam.  Qua theo dõi, phương tiện đến Bến xe Miền Đông– TP Hồ Chí Minh, bắt quả tang 2 đối tượng nhận 2 chiếc loa có chứa ma túy. Tang vật thu giữ: 19 kg ma túy tổng hợp dạng đá. Lý giải khi phát hiện có ma tuý mà không bắt ngay tại cửa khẩu, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu cho biết, trong đấu tranh chống ma tuý cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng đặc biệt là Công an và phải xác định và bắt được đúng đối tượng, đường dây lớn. Trong thời gian qua, lực lượng Hải quan đã phối hợp với các lực lượng phòng, chống ma tuý triệt phá được nhiều ổ nhóm, đường dây lớn. Từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu dự báo tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, các đơn vị tăng cường cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo kịp thời phân tích thông tin, xác định trọng điểm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan. Tại những tuyến địa bàn nổi cộm, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tập trung vào những mặt hàng trọng điểm: Tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; tăng cường công tác phòng, chống ma tuý và quản lý tiền chất giai đoạn 2018 - 2020; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hồng Thiết

Bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

TĐKT - Ngày 24/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương chủ trì tổ chức Hội thảo Thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Doãn Thị Thu Thủy cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại; đồng thời giải đáp những vướng mắc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, qua đó tăng cường khả năng xuất khẩu qua con đường chính ngạch những mặt hàng có thế mạnh sang thị trường Trung Quốc. Bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam. Các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản luôn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; trong đó, kể đến các sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu: Tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, cua, ghẹ, bạch tuộc.. Riêng khu vực Tây Nam, Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên) có nhu cầu lớn với cá hố. Ngoài ra, Vân Nam cũng là địa phương có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản lớn, tuy nhiên do khó khăn về khâu vận chuyển và thời gian thông quan nên Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả thị trường này. Khu vực Tây Nam (bao gồm cả Quảng Tây và Vân Nam) và miền Trung, Trung Quốc là các địa phương có ngành sản xuất giày dép không phát triển, chủ yếu tiêu dùng các sản phẩm giày dép thông thường và yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm không quá cao, do vậy các sản phẩm giày dép của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường khi được tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này. Hiện kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 3,38 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2018 đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc với 22,9% (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD). Hiện Việt Nam đang đàm phán thêm các sản phẩm: Na, chanh leo, bưởi, măng cụt và quả roi. Quảng Tây và Vân Nam dự kiến vẫn là các địa phương nhập khẩu chủ yếu các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam trong thời gian tới. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường Trung Quốc. Qua đó, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; các kênh phân phối. La Giang

Lần thứ 4 Habeco được vinh danh “Thương hiệu quốc gia”

TĐKT – Mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa được vinh danh là một trong 97 doanh nghiệp tiêu biểu, có sản phẩm Bia Hà Nội đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 6 – do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công thương tổ chức xét chọn. Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Habeco có sản phẩm được vinh danh “Thương hiệu Quốc gia”. Habeco là một trong ba doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam. Với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống, Habeco là đơn vị nòng cốt điều tiết công tác sản xuất và lưu thông sản phẩm bia trên thị trường. Các giá trị cốt lõi của Chương trình Thương hiệu Quốc gia gồm “Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”, theo đó thương hiệu Bia Hà Nội đã đáp ứng toàn bộ các tiêu chí này. Ông Ngô Quế Lâm – Tổng Giám đốc HABECO nhận biểu trưng và hoa kỷ niệm do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao tặng tại Lễ công bố Thương hiệu Quốc gia 2018. Định hướng phát triển những năm tiếp theo, Habeco xác định chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp là nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, kiện toàn hệ thống bán hàng và hợp tác với các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới trong việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu tại thị trường trong nước và khu vực. Trong năm 2018, Habeco cũng vinh dự nhận được các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế như Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam 2018, Top 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam, Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt xuất sắc, Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018, Giải thưởng Thương hiệu xuất sắc thế giới – BrandLaureate Special Edition World đối với ngành hàng thực phẩm đồ uống tại Việt Nam... Những giải thưởng này đã góp phần đánh dấu sự trưởng thành của Habeco – doanh nghiệp bia nội hàng đầu Việt Nam mạnh mẽ bước vào sân chơi đẳng cấp, chuyên nghiệp trong giai đoạn hội nhập cạnh tranh. Đây cũng chính là động lực để Habeco tiếp tục phấn đấu và phát huy nhiều hơn nữa, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh cùng những cam kết hướng đến cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Mai Thảo

Khai trương siêu thị Fujimart đầu tiên tại Việt Nam

TĐKT - Chiều 23/12, tại Hà Nội, Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã khai trương siêu thị FujiMart. Nghi lễ cắt băng khai trương siêu thị Fuji mart Siêu thị có diện tích 1.061 m2 (trong đó diện tích khu vực bán hàng là 914 m2), gần ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn - Nguyễn Thượng Hiền. Tại đây bày bán hàng nghìn sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và Nhật Bản. Với tiêu chí đem sự “Fresh Everyday - Tươi ngon mỗi ngày” của từng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, FujiMart áp dụng những bí quyết hoạt động cùng công nghệ của các siêu thị ẩm thực hàng đầu của Nhật Bản, nhất là trong khâu kiểm soát và bảo đảm thực phẩm tươi ngon cùng phong cách phục vụ khách hàng tận tâm. Bên cạnh đó, khách hàng còn được thưởng thức các món ăn của Nhật Bản và Việt Nam được chế biến ngay tại chỗ. Kinh doanh siêu thị là lĩnh vực hợp tác tiếp theo trong thỏa thuận hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực mà Tập đoàn BRG cùng Tập đoàn Sumitomo, một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, đã ký từ năm 2016. Tại Lễ khai trương, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết: “Chúng tôi mong muốn sẽ đem đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị về phong cách mua sắm Nhật Bản cùng với danh mục hàng hóa an toàn, tiêu chuẩn và tốt cho sức khỏe của cộng đồng. Thông qua mô hình siêu thị FujiMart, BRG và Sumitomo cùng mong muốn đem đến cho người dân Việt Nam những sản phẩm, thực phẩm ngon, bổ dưỡng và an toàn”. Được thành lập dưới sự hợp tác của hai tập đoàn hàng đầu BRG và Sumitomo, siêu thị FujiMart mới là sự cộng hưởng sức mạnh của kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành bán lẻ của Sumitomo tại Nhật Bản và nước ngoài cùng sự am hiểu thị trường sâu sắc từ phía BRG. Thông qua mô hình siêu thị FujiMart, cả BRG và Sumitomo cùng mong muốn đem đến cho người dân Việt Nam những sản phẩm, thực phẩm ngon, bổ dưỡng và an toàn nhất. Ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng Giám đốc FujiMart Việt Nam cho biết, việc hợp tác giữa hai tập đoàn tại Việt Nam là cách thức cộng hưởng sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành bán lẻ Việt Nam. Mô hình siêu thị FujiMart sẽ là sự pha trộn hoàn hảo giữa ẩm thực Việt và văn hóa phục vụ Nhật, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, thực phẩm ngon, bổ dưỡng và an toàn. Với mục tiêu trở thành siêu thị số một của người dân Việt Nam. FujiMart sẽ được biết đến là một mô hình vận hành siêu thị tuyệt vời tại Việt Nam bằng cách đem đến những giá trị cốt lõi của Nhật Bản đến Việt Nam. Chẳng hạn, siêu thị sẽ thực hiện nguyên tắc "5S" vốn là kim chỉ nam cho ngành sản xuất, bán lẻ và dịch vụ tại Nhật Bản để phục vụ tốt nhất người tiêu dùng Việt Nam. "5S" được hiểu là Seiri (Loại bỏ tối đa vật phẩm không cần thiết); Seiton (Sắp xếp các sản phẩm tại những vị trí cần thiết sau khi thực hiện Seiri); Seisou (Sạch); Seiketsu (Luôn giữ sản phẩm sạch thông qua thực hiện Seiri, Seiton và Seisou) và Shituke (Kỷ luật). Hồng Thiết

Trang