Kinh tế

Trao giải thưởng VietFarm 2018: Tự hào nông sản Việt

TĐKT - Ngày 23/12, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AgroInfo), Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - Xã hội Nông thôn và Miền Núi (CISDOMA) tổ chức Lễ trao giải thưởng VietFarm – Tự hào Nông sản Việt 2018. Giải thưởng VietFarm sử dụng các tiêu chí đồng bộ với tiêu chuẩn VietFarm, một hệ thống tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được khởi xướng bởi Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI). Giải thưởng VietFarm và hệ thống tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các đơn vị sản xuất nhỏ trong nông nghiệp chuẩn hoá quy trình và nâng cao năng lực sản xuất và thực hành nông nghiệp bền vững với chi phí hợp lý, cùng với việc đảm bảo minh bạch và đạo đức và công bằng trong sản xuất. Để nhận diện và tôn vinh các nỗ lực vì một nền nông nghiệp bền vững, Chương trình giải thưởng VietFarm – Tự hào Nông sản Việt được khởi động trong năm 2018. Ban tổ chức đã làm việc nghiêm túc từ khâu lọc hồ sơ đến khâu hướng dẫn tự đánh giá. Hơn 100 đơn vị và nông dân ở khắp các vùng miền đăng ký tham gia. Hội đồng chấm giải đã trực tiếp đi đánh giá thực địa tại 28 đơn vị lọt vào vòng chung kết. Giải thưởng VietFarm 2018 sẽ được công bố trong tuần hàng Hội chợ nông đặc sản vùng miền diễn ra từ 19-25/12/2018 tại 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, với Khu Gian hàng VietFarm với nhiều mặt hàng nông sản của các đơn vị xuất sắc được trưng bày và giới thiệu đến người tiêu dùng, từ các đồ uống như chè, cà phê đến các loại rau củ quả và mặt hàng nông sản thiết yếu (gạo, cà chua, nghệ, tỏi và các loại hoa trái…). Người tham quan Hội chợ có cơ hội tham quan, lựa chọn, trải nghiệm, bình chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn VietFarm. Các đơn vị xuất sắc nhất trong 28 đơn vị lọt vào vòng chung kết đã được vinh danh và nhận cúp Giải thưởng VietFarm – Tự hào nông sản Việt. Tại đây, các đơn vị sản xuất đã giao lưu, chia sẻ về các thách thức trong hành trình sản xuất sạch và ước mơ đưa các sản phẩm chất lượng ra thị trường. Ngoài ra, người tham quan có cơ hội giao lưu trực tiếp, đặt câu hỏi về công việc hàng ngày của người nông dân, thấu hiểu hơn những khó khăn của họ và tạo động lực để người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao. Giải thưởng VietFarm – Tự hào Nông sản Việt là nỗ lực của các chuyên gia nông nghiệp nhằm tôn vinh các tấm gương sản xuất nhỏ điển hình và đi đầu trong áp dụng kiến thức, công nghệ tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Giải thưởng VietFarm còn là cơ hội để các đơn vị sản xuất nhỏ trong cả nước định vị lại chính mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, bứt phá vì một nền nông nghiệp bền vững và trách nhiệm. Minh Phương

Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp

TĐKT - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo Giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A): Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp. Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp có hoạt động M&A, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới giao dịch M&A, các doanh nghiệp có dự định thực hiện hoặc đang trong quá trình thực hiện các hoạt động M&A… Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thêm những thông tin hữu ích để hiểu đúng, nhận diện được các rủi ro pháp lý thường gặp để phòng ngừa và quản lý tốt các tranh chấp. Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo Hội thảo được chia thành ba phiên với các nội dung chính: Cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác; giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý thường gặp; trọng tài thương mại - phương thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp từ giao dịch M&A; cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác. Ngoài ra, Hội thảo cũng là diễn đàn để các luật sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực M&A và trọng tài tại Việt Nam và thế giới chia sẻ các hiểu biết của mình với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn đặc tính của tranh chấp M&A và đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp lựa chọn và sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, thị trường M&A Việt Nam diễn ra sôi động với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo thống kê, trong giai đoạn 2009 – 2018, có 4.353 thương vụ M&A, với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện. "Tuy nhiên, mối quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các rủi ro trong các thương vụ M&A ngày càng nhiều hơn, nhất là rủi ro về mặt pháp lý" - ông Dương nhấn mạnh. Đồng quan điểm với ông Dương, ông Ho Won Lee, Chủ tịch KCAB chia sẻ: cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro về mặt pháp lý cũng tăng lên – nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới đổ bể thương vụ hoặc thậm chí là các quá trình kiện tụng ồn ào và tốn kém sau đó. Do đó, theo đại diện Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần nắm bắt được vấn đề rủi ro, tranh chấp phát sinh cũng như đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp, sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để giảm thiểu chi phí, thời gian... Còn theo ông Heehwan Kwon, Giám đốc KCAB, khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Chỉ như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A. "Điều quan trọng nhất là giải quyết những tranh chấp đó như thế nào để đảm bảo hài hòa, hợp lý lợi ích giữa các bên và sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là giải pháp tốt nhất với nhiều ưu thế nổi trội” - Luật sư Đặng Xuân Hợp, trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh. Hưng Vũ

Thu ngân sách Nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 1.406.136 tỷ đồng

TĐKT - Chiều 21/12, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả công tác trọng tâm năm 2018 của toàn hệ thống. Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh chủ trì và điều hành buổi họp báo. Tại buổi họp báo, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong năm 2018, toàn hệ thống KBNN đã làm tốt công tác thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); điều hành ngân quỹ nhà nước và huy động vốn. Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh phát biểu và điều hành buổi họp báo Cụ thể, trong công tác tập trung nguồn thu, KBNN tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt. Đồng thời, KBNN các địa phương đã thực hiện thông báo và cập nhật danh sách các tài khoản đến cơ quan thu và NHTM nơi mở tài khoản, tuyên truyền và đặt biển báo, chỉ dẫn về địa điểm đặt máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) tại trụ sở các đơn vị KBNN. Tính đến hết ngày 17/12 vừa qua, thu NSNN qua hệ thống KBNN đạt 1.406.136 tỷ đồng. Trong đó, thu trong cân đối đạt 1.278.753 tỷ đồng, bằng 96,93% so với dự toán năm. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2018, thu NSNN có khả năng vượt 5% so với dự toán. Trong công tác kiểm soát chi, ngoài việc thực hiện thanh toán theo một đầu mối, toàn hệ thống KBNN đã áp dụng hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau nên đã rút ngắn được thời gian trong các thanh toán. Với các giải pháp này, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đến ngày 17/12 vừa qua đạt 785.160 tỷ đồng chi thường xuyên, bằng 80,4% dự toán và 244.973 tỷ đồng chi đầu tư, bằng 62,8% so với kế hoạch vốn. Đặc biệt, năm 2018, KBNN đã chủ động triển khai công tác quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) và huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị giao dịch. KBNN kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để vừa đảm bảo mục tiêu cân đối ngân sách vừa duy trì mục tiêu phát triển thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất chung, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Qua đó, KBNN gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ, hỗ trợ tích cực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Với việc sử dụng NQNN cho ngân sách Trung ương vay trong năm 2018 thay cho phát hành TPCP ra thị trường giúp tiết kiệm gần 1.660 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của NSNN, đóng góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững như chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra. Các chỉ tiêu cơ bản về huy động vốn năm 2018: Kỳ hạn phát hành bình quân 12,75 năm (tương đương năm 2017); lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh còn 4,73%/năm (giảm 125 điểm so với năm 2017); kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP cuối năm đạt 6,87 năm (tăng 0,16 năm so với năm 2017), góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững như chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách và người dân trong năm 2019, toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách, nhất là cải cách về thủ tục hành chính cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ. Hồng Thiết

Họp báo Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018

TĐKT - Chiều 14/12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Lễ kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam; 15 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018. Theo đó, ngày 23/12 tới, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông Lê Phụng Thắng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao đổi thông tin với báo chí Tại buổi họp báo, ông Lê Phụng Thắng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Năm 2018,Giải thưởng Sao Vàng đất Việt được triển khai bình chọn và tôn vinh những doanh nghiệp có chỉ số kinh doanh tốt, phát triển ổn định, bền vững, duy trì số lao động, quan tâm đến trách nhiệm đối với người lao động và xã hội. Trong vòng 2 tháng triển khai, gần 400 thương hiệu được lựa chọn, đề cử từ các tỉnh, thành trên toàn quốc đã đăng ký tham gia giải thưởng. Quy trình bình chọn được tiến hành theo ba vòng: Sơ tuyển, Thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và Chung tuyển. Sau vòng sơ tuyển, 250 doanh nghiệp đã được lựa chọn để bước vào giai đoạn thẩm định. Hơn 40 đoàn thẩm định với thành phần là các lãnh đạo các doanh nghiệp có uy tín, chuyên gia trong các lĩnh vực ngành, hàng, kế toán, kiểm toán KPMG và đại diện cơ quan báo chí, truyền hình… đã đi thẩm định thực tế các doanh nghiệp qua vòng sơ tuyển để xác minh tính trung thực và thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Căn cứ và kết quả thẩm định thực tế, Hội đồng chung tuyển toàn quốc giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018 đã lựa chọn những doanh nghiệp xuất sắc nhất để trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018 kèm theo các danh hiệu TOP10/TOP100/TOP200 thương hiệu tiêu biểu Việt Nam. Ông Thắng nhấn mạnh: TOP 200 thương hiệu Sao Vàng đất Việt 2018 đã tạo ra trên 912 ngàn tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách trên 72 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 72 ngàn tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 417 ngàn lao động. Các thương hiệu được bình chọn là TOP10 Sao Vàng đất Việt 2018 đều thuộc các doanh nghiệp hàng đầu: Vingroup, FPT, Hòa Phát, TTC, Traphaco, Thiên Long, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ An Cường, Thủy sản Minh Phú, Cenland. Từ lần trao giải đầu tiên đến nay, Sao Vàng đất Việt đã đi được một chặng đường 15 năm hết sức có ý nghĩa khi gắn liền với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cổ động lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức cho thanh niên, giới doanh nhân trẻ và các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và hội nhập kinh tế quốc tế. Giải thưởng đã khẳng định được giá trị riêng có của nó. Từ công tác tổ chức bình chọn và tôn vinh luôn thể hiện được tính chuyên nghiệp và có những đổi mới với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Năm nay, Giải thưởng có nhiều điểm mới. Thứ nhất, về mặt thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng năm nay, các doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua hình thức đăng ký online. Thứ hai, về tiêu chí bình chọn, đây là năm đầu tiên đầu tiên, Hội đồng bình chọn lựa chọn cách chấm điểm doanh nghiệp thông qua việc xây dựng các nhóm tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp kèm theo trọng số cho từng tiêu chí: Nhóm tiêu chí về quy mô (doanh thu, nguồn vốn, vốn chủ sở hữu, lao động…); nhóm tiêu chí về hiệu quả (lợi nhuận, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu); nhóm tiêu chí về trách nhiệm (nộp ngân sách, lương bình quân…) và một số tiêu chí ưu tiên khác. Với việc bình chọn TOP10, Hội đồng chung tuyển đã bình chọn 20 thương hiệu dẫn đầu các nhóm ngành hàng, sau đó bỏ phiếu bình chọn 15 thương hiệu tốt nhất làm căn cứ để bình chọn TOP10. Với cách làm này, TOP10 Sao Vàng đất Việt 2018 thực sự là những thương hiệu tiêu biểu. Điểm đổi mới thứ ba: Để đảm bảo việc tôn vinh được chính xác, toàn bộ 200 doanh nghiệp sau khi được Hội đồng Chung tuyển lựa chọn đều được gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế để xác minh các thông tin về nghĩa vụ  nộp thuế và nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Năm 2018, Giải thưởng Sao Vàng đất Việt là năm đánh dấu chặng đường 15 năm triển khai thành công để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội. Mai Thảo

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP

TĐKT - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp bất động sản khi áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ - CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Hội thảo Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế và pháp lý hàng đầu, cùng bàn luận về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2018, vai trò của các doanh nghiệp nói chung trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu cấp bách cần tiếp tục cải cách hành lang pháp lý của Việt Nam. Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và mức khống chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng được đưa các diễn giả phân tích, bình luận, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị định 20 được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưaViệt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh  bạch và nỗ lực chống trốn thuế. Mục tiêu là để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong thực tiễn triển khai, Nghị định này đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp.” Theo ông Nguyễn Trần Nam quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc đưa ra cơ sở khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp, nhất là với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Hiện với mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những ngành nghề cần huy động vốn nhiều như bất động sản. Mặc dù môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là về thuế. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay. Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Giám đốc Tư vấn thuế của Công ty Deloitte Việt Nam nhận xét, Chính phủ ban hành Nghị định 20 để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vốn từ bên liên kết; đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập như ngân hàng, tổ chức tín dụng. Thậm chí, hiện nay nhiều quốc gia khi vay liên kết trong nước không bị tính mà chỉ tính khi vay liên kết với nước ngoài. Bên cạnh đó, bà Đinh Mai Hạnh cho rằng, Nghị định có hiệu lực sau hơn 3 tháng ban hành nhưng trên thực tế, cục thuế địa phương đưa ra hướng dẫn khác nhau về thời điểm áp dụng và cách tính chi phí lãi vay vượt mức khống chế đã khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện. Trong khi đó, việc này có tác động rất lớn đến cơ cấu vốn, mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù của các doanh nghiệp. Ngay cả OECD cũng khuyến nghị các nước nên đưa ra lịch trình áp dụng nguyên tắc này một cách hợp lý, thận trọng, cân nhắc đến giai đoạn của doanh nghiệp, mô hình hoạt động, cơ cấu vốn... để doanh nghiệp có đủ thời gian tái cấu trúc tài chính; giảm sự ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao. Nghị định 20 ra đời trong bối cảnh Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết sau khoảng 10 năm áp dụng các Thông tư hướng dẫn; đồng thời có tham chiếu đến 15 Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) của OECD. Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia có thể lợi dụng chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong Tập đoàn với mục đích tránh thuế. Nhưng trên thực tế, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Tổng công ty, Tập đoàn hoặc công ty sử dụng vốn vay lớn trong giai đoạn đầu tư hoặc có nhu cầu vay vốn lưu động thường xuyên. Phương Thanh

Hội thảo "Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách"

TĐKT - Ngày 13/12, tại Hà Nội, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách”. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn đánh giá, thảo luận về tiềm năng và những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm giúp quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ lĩnh vực kinh tế này. GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Tài Chính chủ trì Hội thảo. Toàn cảnh Hội thảo Từ nhiều góc nhìn tiếp cận khác nhau, các chuyên gia đã nhận diện các hình thái khác nhau cũng như tác động của lĩnh vực kinh tế này đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo PGS., TS. Thái Bá Cẩn, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, ở nước ta, các hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, chiếm khoảng gần 30% GDP, tỷ lệ đóng góp trong chỉ tiêu GDP của cả nước năm 2015 là 14, chiếm khoảng gần 30% GDP, tỷ lệ đóng góp trong chỉ tiêu GDP của cả nước năm 2015 là 14,34%. Trong đó, hoạt động tự sản xuất, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%. Nhìn chung khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng có xu hướng “phình to”, bởi theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, quy mô lao động khu vực kinh tế này đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng số lao động phi chính thức năm 2016 là 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015. Trong đó, lao động nữ chiếm trên 7,8 triệu người chiếm 43,5%. Trong 21 ngành kinh tế do Vụ Thống kê dân số và lao động khảo sát, có 4 ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất: Làm thuê trong các hộ gia đình (99%), xây dựng (90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (80%), hoạt động khác (83%). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lao động phi chính thức được đào tạo, gần 98% không được đóng bảo hiểm. Đa số các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế này không có kỹ năng về nghiệp vụ kế toán (ở Hà Nội là 62%, TP Hồ Chí Minh là 79%). Điều này cho thấy, khu vực này là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế nước ta, do vậy, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng mức để khu vực này phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này. Các đại biểu khuyến nghị Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án "Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát", nhằm đo lường đầy đủ khu vực kinh tế chưa quan sát được, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức. Cần sớm chính thức hóa thuật ngữ "khu vực kinh tế phi chính thức" trên phương diện văn bản pháp lý và thông tin thống kê nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp. Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thuộc khu vực này... Các biện pháp hữu hiệu nhằm thu hẹp quy mô khu vực phi chính thức không nhất thiết phải bằng các quy định mang tính chất cấm đoán và "bạo lực" mà phải xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa khiến cho khu vực phi chính thức tồn tại. Theo đó, để có thể khuyến khích các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chính thức, Chính phủ nên tập trung vào các biện pháp dài hạn và căn cơ hơn nhằm tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng: Tập trung vào việc cải thiện hệ thống luật pháp, trong đó trọng tâm là cải cách hệ thống thuế, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện chất lượng thể chế, năng lực quản trị nhà nước; kiểm soát nạn tham nhũng ở khu vực công, trọng tâm là loại bỏ các khoản chi phí không chính thức; ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho phát triển kinh tế dài hạn. Phương Thanh

60 doanh nghiệp lọt Bảng xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2018

TĐKT - Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố Bảng xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động chủ trì họp báo. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi thông tin với báo chí Theo đánh giá, năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia Bảng xếp hạng rất cao. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp có hơn 1.000 lao động trở lên tham gia Bảng xếp hạng chiếm hơn 47%. Số doanh nghiệp có mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng chiếm 70%. Số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 24% và 55% doanh nghiệp có lợi nhuận trên 100 tỷ đồng/năm tham gia Bảng xếp hạng. Sau khi chọn lọc sơ khảo từ các Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương, Ban tổ chức đã chọn ra 168 bộ hồ sơ vào vòng hai với hình thức chấm chéo lấy điểm bình quân. Từ đó, chọn ra được 94 doanh nghiệp vào vòng ba. Các doanh nghiệp được chọn đã được gửi xin ý kiến hiệp y từ các Sở LĐTBXH và LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty. Kết quả, Ban tổ chức đã chọn được 60 doanh nghiệp nhận được nhiều ý kiến khen ngợi từ các đơn vị hiệp y, khảo sát, có mức độ hài lòng của người lao động ở mức cao. Đặc biệt, trong số 60 doanh nghiệp này, sẽ có 30 doanh nghiệp được nhận bằng khen của Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI. Lễ vinh danh các doanh nghiệp vì người lao động sẽ diễn ra vào 9 giờ ngày 15/12, tại 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Hưng Vũ

97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2018

TĐKT - Sáng 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công thương họp giới thiệu Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2018. Theo đó, Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào 19h ngày 20/12/2018. Ban tổ chức giới thiệu về Chương trình Trong giai đoạn 2016 - 2018, Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) đã được triển khai hiệu quả, tập trung vào các hoạt động trọng tâm: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG; nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp; phối hợp với các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng trong xây dựng và phát triển thương hiệu ngành. Số lượng các doanh nghiệp đạt THQG qua các năm: 30 doanh nghiệp (năm 2008); 43 doanh nghiệp (năm 2010); 54 doanh nghiệp (năm 2012); 63 doanh nghiệp (năm 2014); 88 doanh nghiệp (năm 2016), 97 doanh nghiệp (năm 2018). Năm 2018 là đợt tổ chức lựa chọn THQG lần thứ 6, được tiến hành khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc, theo quy trình đã được phê duyệt. Sau khi thông tin về Chương trình được công bố, đã có trên 1.500 doanh nghiệp trực tiếp đăng ký trực tuyến hoặc được các bộ, ngành, UBND các địa phương, các Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương, Hiệp hội ngành hàng... giới thiệu tham gia Chương trình. Ban Thư ký Chương trình THQG đã thực hiện sàng lọc các hồ sơ đăng ký dựa trên 23 biểu mẫu hồ sơ và tài liệu chứng thực. Kết quả, có trên 500 doanh nghiệp đủ điều kiện được Ban Thư ký và các cơ quan chức năng tiếp tục thẩm tra, đánh giá hồ sơ và khảo sát thực địa. Các doanh nghiệp này cam kết thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, môi trường, bảo hiểm xã hội đối với người lao động và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hội đồng các Ban Chuyên gia chấm điểm hồ sơ doanh nghiệp và đánh giá tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên cơ sở ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan: Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty Kiểm toán quốc tế - KPMG. Tiếp theo, Ban Thư ký điều tra mức độ nhận biết thương hiệu và đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam đối với các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm đăng ký; khảo sát thực địa tại các doanh nghiệp được chọn mẫu trên cả nước; tham khảo ý kiến công luận về các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm đăng ký thông qua trang thông tin điện tử của Bộ Công thương. Từ đó, tổng hợp đánh giá chung và lập danh sách đề cử các doanh nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện đạt THQG trình Hội đồng THQG phê duyệt. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng THQG, Bộ trưởng Bộ Công thương - Chủ tịch Hội đồng THQG ban hành Quyết định công nhận danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG năm 2018. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập hóa toàn cầu, các doanh nghiệp THQG vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%. Những đóng góp của các doanh nghiệp đạt THQG vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn. Theo số liệu báo cáo của 81/88 doanh nghiệp đạt THQG lần thứ V - năm 2016, tổng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này đạt trên 718 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 70 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 55 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 300 nghìn lao động tại các doanh nghiệp trên. Các hoạt động từ thiện tại các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 2 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 18 nghìn tỷ đồng. Phương Thanh

Triển lãm Contech Vietnam 2018 thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia

TĐKT - Triển lãm Contech Vietnam 2018 đã kết thúc thành công sau 4 ngày diễn ra tại Hà Nội. Đây là triển lãm quốc tế về xây dựng, công nghiệp mỏ và giao thông - máy móc, thiết bị, công nghệ và vật liệu. Triển lãm được các Bộ Xây dựng, Công thương, Giao thông Vận tải và Khoa học Công nghệ bảo trợ, cùng các tổ chức đối tác, hiệp hội chuyên môn trong nước và quốc tế. Các đại biểu cắt băng khánh thành Triển lãm Contech Vietnam là sự kiện thương mại quốc tế hàng đầu đối với ngành xây dựng, khai khoáng và cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện để các nhà đầu tư, những người làm nghề được tiếp cận, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác và xúc tiến thương mại. Các gian hàng tham gia triển lãm phong phú về nội dung, đa dạng về công nghệ và các sản phẩm trưng bày, tập trung ở các lĩnh vực: Xây dựng công trình gồm công nghệ, giải pháp công nghệ, giải pháp kết cấu và kỹ thuật xây dựng công trình; thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, lắp đặt; tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án; thiết bị kỹ thuật tòa nhà, thiết bị bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy, thông tin viễn thông, quản lý tính năng tích hợp tòa nhà… Lĩnh vực vật liệu xây dựng gồm vật liệu xây dựng, kể cả phục vụ công tác hoàn thiện; công nghệ, giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật sản xuất; thiết bị, máy móc sản xuất vật liệu; vật liệu mới. Lĩnh vực công nghệ giao thông gồm cơ sở hạ tầng giao thông; công nghệ và dự án; công trình giao thông như máy móc xây dựng, phụ tùng và linh kiện/công nghệ an toàn… ; giao thông công cộng; dịch vụ vận tải hàng hóa và hậu cần Lĩnh vực công nghiệp khai khoáng gồm công nghệ và giải pháp khai thác, chế biến khoáng sản; thiết bị, máy móc, phương tiện khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, kể cả dây chuyền thiết bị toàn bộ; công nghệ, thiết bị, máy móc xử lý rác thải; chống ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm đã có các hội thảo chuyên ngành do các bộ, ngành tổ chức: Vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, an toàn, thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ khai thác tiết kiệm tài nguyên ở các mỏ than hầm lò Quảng Ninh; vấn đề môi trường trong ngành khai thác mỏ; công nghệ và sản phẩm bê tông tiên tiến; những ứng dụng mẫu của việc sử dụng cọc ống thép tại Việt Nam… Hồng Thiết

Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt lớn mạnh hơn

TĐKT - Nối tiếp nhiều sự kiện nổi bật như Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi, Chung kết cuộc thi khởi nghiệp Jumping to 4.0, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất tại TP Đà Nẵng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 có chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Diễn đàn đã thu hút gần 400 đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ, chuyên gia tham dự. Nhiều đề xuất vốn, cơ chế Về vấn đề nên có cơ chế đặc thù cho các starup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, đại diện Nhà tài trợ Vàng của Diễn đàn chia sẻ ngân hàng rất muốn sử dụng các sản phẩm công nghệ khởi nghiệp nhưng vướng quy trình mua sắm, đầu thầu... “Vấn đề lúc này không phải là vốn, mà là thị trường, nếu cứ vướng mắc như vậy thì các starup bán sản phẩm cho ai? Ví dụ như muốn triển khai các công nghệ như vi sinh, nano, không người lái… thì bị vướng rất nhiều quy định. Thành thử, nhiều công nghệ mới, hữu ích bị từ chối vì không thể đăng ký và ứng dụng… Tôi nghĩ cần cơ chế đặc thù tháo gỡ cho cả bên mua lẫn bên bán”, ông nói. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Anh Trần Lê Văn (CEO Vexere.com) chia sẻ khó khăn tiếp cận vốn và kêu gọi đầu tư trong quá trình khởi nghiệp. Theo anh Văn, quá trình đầu tư và giải ngân vốn còn chậm. Một vòng gọi vốn kéo dài 6 tháng đến 1 năm với nhiều thủ tục giải ngân nguồn vốn. "Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi phải vay mượn để tồn tại cho đến lúc nhận được tiền nhà đầu tư. Tôi mong muốn các cơ chế, chính sách giải ngân vốn rút ngắn khoảng cách từ lúc ký kết đến lúc vốn đổ về", anh Văn bày tỏ. Bên cạnh đó, diễn đàn còn thu nhận nhiều kiến nghị đối với việc cơ chế chưa thực sự linh hoạt, nhất là trong việc tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài hay thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Tổng Giám đốc Vina Capital Don Lam nhận định các nhà đầu tư trước khi vào đầu tư đã nghĩ đến việc rút vốn, Việt Nam cần có những cơ chế để các nhà đầu tư an tâm bỏ vốn. Ông Don Lam đề xuất việc thành lập một thị trường vốn cho startup. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) nhấn mạnh "Vì vấn đề cơ chế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang mất đi cơ hội để có những bứt phá, để thu hút những phần đầu tư lớn hơn”. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định: "Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là chạy rất nhanh, nên quan trọng nhất là tốc độ. Ta có nhiều người trẻ có khát vọng nhưng môi trường lại chưa bằng các nước hàng xóm". Đồng thời kiến nghị giải pháp tạo "đột phá" gồm mở sàn chứng khoán ASIAN cho các startup tại Việt Nam; có cơ chế phù hợp; giao một Bộ chăm sóc các doanh nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá Ông Vũ Duy Thức, chuyên gia từ Silicon Valey nhìn nhận yếu tố quan trọng để đột phá trong khởi nghiệp sáng tạo là nhân lực. Do đó cần phải có chương trình dạy về khởi nghiệp, sáng tạo, giúp thế hệ trẻ tiếp cận sớm. Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bên cạnh đề án 844 còn đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng đến các mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp… Tại diễn đàn này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có sự kết nối giữa doanh nghiệp với HSSV để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, thành lập các chuỗi nghiên cứu, chuyển giao về khởi nghiệp. Ông cũng cho biết thêm Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường mở thêm các mã ngành liên quan đến lĩnh vực này. Nhìn nhận về sự đột phá, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đột phá là những gì chưa có luật lệ. Muốn có sự muốn đột phá phải có cách tiếp cận mới. Ông dẫn chứng: Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp starup, vậy làm sao có đủ quỹ đầu tư thiên thần để đáp ứng được? “Lời giải là để doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp. Các công ty vừa, lớn hợp tác, đầu tư với các công ty sáng tạo, tất nhiên phải ưu tiên cho họ một số chính sách. Như vậy các starup mới có cơ hội phát triển mình”, ông nói. Ông cũng đề xuất chi tiêu Chính phủ nên tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt công nghệ starup. Các doanh nghiệp nhà nước cũng nên mua sắm, chi tiêu vào đây. “Khởi nghiệp muốn đột phá thì phải tính tới vấn đề toàn cầu. Tôi mong thủ tướng sớm tuyên bố Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam”, ông kỳ vọng. Hoàng Long  

Trang