10 sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2018
03/01/2019 - 15:22

TĐKT - Trong năm 2018 ngành Hải quan đã có nhiều điểm sáng nổi bật về nỗ lực thu ngân sách, xử lý nhiều vụ vi phạm, xây dựng quy chế xử lý kỷ luật cán bộ chặt chẽ, dẫn đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành Hải quan đã bầu chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2018.

Thứ nhất, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng cục Hải quan phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 313.000 tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán, bằng 106,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến số thu thuế của ngành Hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thuế điện tử) đến 31/12/2018 đạt 297.300 tỷ đồng.

Thứ hai, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm. Về công tác kiểm soát hải quan, trong năm vừa qua, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 16.633 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,54 % so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ 417 triệu đồng (tăng 115,61 % so với cùng kỳ 2017). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 133 vụ (tăng lần lượt 21,57% và 95,59% so với cùng kỳ 2017).

Thứ ba,tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra ngày 24/7/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế về chính sách hải quan. Bên cạnh các hoạt động cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế về hải quan. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa…

Thứ năm, ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành hải quan. Mục tiêu quan trọng được Tổng cục Hải quan đặt ra trong Quy chế này là chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức hải quan khi thực thi công vụ…

Thứ sáu, tổ chức Tọa đàm: “Hải quan – Doanh nghiệp: Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành”. Thông qua Tọa đàm, Tổng cục Hải quan đã gửi tới cộng đồng doanh nghiệp thông điệp là chủ đề buổi tọa đàm, đồng thời cũng là tuyên ngôn thực hiện quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp hiện nay và những năm tiếp theo: “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối – Chia sẻ - Đồng hành” trong quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; trong xây dựng, thực hiện, giám sát thực thi pháp luật hải quan.

Thứ bảy, Tổng cục Hải quan dẫn đầu Bảng xếp hạng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính.Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, Tổng cục Hải quan lần thứ hai liên tiếp được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu trên Bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính theo Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT ngành Tài chính năm 2018 (chỉ số ICT Index ngành Tài chính 2018).

Thứ tám, triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM.

Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng hệ thống VASSCM ra phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống VASSCM đã triển khai tại 25/35 Cục Hải quan, tại 65 chi cục Hải quan và cho 276 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho hàng không, kho ngoại quan và các kho bãi, địa điểm khác.

Thứ chín, triển khai đánh giá năng lực công chức chuyên môn nghiệp vụ đang công tác trong 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính. Theo kế hoạch, trong tháng 12/1018 và tháng 1/2019, Tổng cục tiếp tục tổ chức đánh giá năng lực tại các Cục Hải quan tỉnh, TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 6 Vụ/ Cục chuyên môn nghiệp vụ chính của Tổng cục. Dần tiến tới trong năm 2019, 2020 sẽ tiếp tục đánh giá tại các Cục Hải quan còn lại.

Thứ mười, Chính phủ ban hành Nghị Quyết về việc gia nhập công ước ISTANBUL về tạm quản hàng hóa. Đây được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm tạo thuận lợi thương mại với hơn 100 nước thành viên đã gia nhập. Ngoài ra, việc gia nhập Công ước cũng tạo cơ hội cho Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, thể thao, nghệ thuật, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam.

Hồng Thiết