Kinh tế

Tổng cục Hải quan thông tin chi tiết về lô hàng nguyên liệu nhôm trị giá 4,3 tỷ USD của một công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu

TĐKT - Theo thông tin mới nhất của Tổng Cục Hải quan ngày 4/11 cho biết, thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về việc tại cuộc họp với các bộ, ngành ngày 28/10/2019, Tổng cục Hải quan có nêu vụ việc liên quan đến việc cơ quan hải quan phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) trong việc giám sát chặt chẽ lô hàng nguyên liệu nhôm trị giá 4,3 tỷ USD của một công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu để ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ. Về việc này, Tổng cục Hải quan có thông tin chính thức như sau: Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính: KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu là doanh nghiệp chế xuất, do đó, hàng hóa xuất, nhập khẩu của công ty thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế  XNK số 107/2015/QH13 ngày 06/04/2016, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016. Theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, Điều 80 Thông tư số 38/2015/TT-BTC gồm: Công ty Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (bãi Công ty PTSC, bãi TH Thị Vải), Công ty TNHH dịch vụ kho vận PTL, Công ty Cổ phần Thành Chí. Từ năm 2015 đến 30/9/2019, tổng lượng nhôm nguyên liệu nhập khẩu là hơn 2,44 triệu tấn, xuất khẩu 400.000 tấn. Tính trung bình hàng năm công ty nhập khẩu 488.000 tấn/năm, trong khi đó, xuất khẩu chỉ 80.000 tấn/năm (bằng 16,3% lượng nhập khẩu hàng năm, bằng 40% năng lực so với công suất thiết kế). Riêng hoạt động nhập khẩu đã giảm hẳn trong năm 2019, tính đến 30/9/2019, lượng nhập khẩu là hơn 64.435 tấn, tương đối phù với lượng sản phẩm xuất khẩu trung bình hằng năm. Hiện nay, công ty đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Úc, Nga, Mexico, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấnđộ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ… Hàng hóa thuê tại kho bãi ngoài của công ty được Chi cục giám sát chặt chẽ bằng hình thức camera giám sát tại cổng ra vào và toàn bộ khu vực bãi, bãi thuê có tường rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài, có cán bộ công chức tuần tra, giám sát thường xuyên. Hồng Thiết  

Bộ Tài chính công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2020 trình Quốc hội

TĐKT - Nhằm cung cấp thông tin về dự toán ngân sách Nhà nước cho người dân một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 trình Quốc hội”. Báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin, số liệu cơ bản nhất về các căn cứ vĩ mô cơ bản xây dựng dự toán, mục tiêu, nhiệm vụ NSNN năm 2020, cũng như dự toán thu chi ngân sách, cân đối ngân sách, cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Báo cáo giúp người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin do được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu thông qua các biểu đồ, đồ họa Báo cáo cũng cung cấp thêm các thông tin về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2020 - 2022 và giải pháp triển khai thực hiện, làm căn cứ để xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Bằng ngôn ngữ và hình thức thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu thông qua các biểu đồ, đồ họa, báo cáo giúp người dân bình thường, ngay cả những người nắm ít kiến thức về tài chính - ngân sách đều có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về NSNN. Thông qua đó, người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và có thể đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN đến Quốc hội thông qua các Đại biểu quốc hội. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai báo cáo NSNN dành cho công dân hàng năm là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế. Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán NSNN năm 2020 trình Quốc hội được Bộ Tài chính đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, phát hành ấn phẩm và công bố rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hồng Thiết  

VNPT đẩy mạnh cung cấp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt

TĐKT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, đưa ra thị trường thêm nhiều dịch vụ tài chính số, trong đó có việc thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt. Qua đó, góp phần thực hiện “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media Nguyễn Sơn Hải (ở giữa) tại Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thôngViệt Nam lần thứ 24 Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media Nguyễn Sơn Hải, đơn vị được Tập đoàn VNPT giao nhiệm vụ triển khai cung cấp dịch vụ tài chính số, một trong những giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt mà VNPT đưa ra triển khai là giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect. Đây là giải pháp đăng nhập an toàn, đơn giản bằng cách kết hợp người dùng với điện thoại di động của họ. Với Mobile Connect, người dùng có thể đăng nhập nhanh chóng vào các trang web và ứng dụng mà không cần phải nhớ mật khẩu và tên người dùng. Người dùng chỉ cần ấn vào nút "Ok" hoặc nhập mã pin là có thể đảm bảo được bảo mật mức 3, 4. Giao thức này cũng có thể khắc phục được các lỗ hổng bảo mật của các giao thức khác, đảm bảo việc bảo mật thông tin cá nhân, chia sẻ thông tin cá nhân khi có sự đồng ý tường minh của người dùng trên điện thoại di động và đồng thời nó cũng có khả năng bao phủ rộng, không chỉ ở Việt Nam mà tới cả 3 tỷ thuê bao của hơn 800 nhà mạng trên thế giới. VNPT cũng sẽ sử dụng eKYC (định danh điện tử) vào thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt nhằm xác minh danh tính của khách hàng, đối tượng phục vụ, đánh giá sự phù hợp, cùng với những rủi ro tiềm ẩn. eKYC là phương thức xác định duy nhất một cá nhân hoặc một tổ chức dựa trên các dữ liệu điện tử. Đối với khu vực Công, eKYC có thể được ứng dụng để cải thiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng chất lượng phục vụ trong các hoạt động, dịch vụ công của chính quyền, trong các hoạt động y tế, bảo hiểm và trong giáo dục. eKYC sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để bóc tách thông tin trên giấy tờ cá nhân, xác minh ảnh chân dung và ảnh giấy tờ cá nhân, chống giả mạo ảnh chân dung gửi lên hệ thống, lưu trữ và xác minh tư liệu, cung cấp SDK iOS và Android để tích hợp trên Mobile App… Một giải pháp khác VNPT đang hướng tới là triển khai Cổng thanh toán dịch vụ công (Payment Connect). Với Payment Connect, VNPT sẽ cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán (ngân hàng, cổng trung gian thanh toán…). Việc triển khai Cổng thanh toán dịch vụ công sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Hiện nay, VNPT đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử VNPT Pay, hệ thống thanh toán với nhiều tính năng, dịch vụ tiện ích độc đáo, giúp thỏa mãn mọi nhu cầu thanh toán trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng. VNPT Pay đã được tích hợp vào tất cả các điểm chạm của khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT (di động VinaPhone, Internet cáp quang, cố định, dịch vụ truyền hình), sẵn sàng phục vụ cho gần 30 triệu người dùng của VNPT để thanh toán các hóa đơn, điện nước, vé xem phim, vé máy bay, mua bảo hiểm, nạp tiền điện thoại… một cách nhanh chóng. Cũng theo ông Hải, VNPT sẽ đẩy mạnh cung cấp thanh toán dịch vụ công qua VNPT Pay. Hiện, VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với 55 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. Theo đó, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh, thành, qua đó giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với dịch vụ Hành chính công mức độ 4, VNPT Pay đang thực hiện triển khai tại Ninh Bình và Quảng Bình, đã nghiệm thu và sẵn sàng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Tại Hà Giang, VNPT cũng đang thực hiện kết nối kỹ thuật và dự kiến sớm cung cấp dịch vụ trong thời gian tới. Đối với các công ty điện, nước, y tế, giáo dục…, VNPT đã và đang cung cấp thanh toán trực tuyến trên kênh của VNPT Pay cũng như kênh của nhà cung cấp dịch vụ. Cùng với đẩy mạnh triển khai VNPT Pay, VNPT cũng đã xây dựng Đề án Mobile Money gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với mong muốn sớm được phê duyệt. Đồng thời, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ VNPT (gồm VnEdu, VNPT HIS, Hành chính Công Igate…) sẵn sàng cung cấp Mobile Money (chuyển tiền và nhận thanh toán thông qua điện thoại di động) ngay khi được cấp phép. Mobile Money có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, vận chuyển, dịch vụ công. Đặc thù các khoản thanh toán dịch vụ công là các khoản thanh toán có giá trị vừa và nhỏ, thêm vào đó tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp. 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Trong khi đó, mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đã trên ngưỡng 100%, là điều kiện thuận lợi để triển khai Mobile Money. Dự kiến, nếu Đề án được phê duyệt, tới năm 2020, VNPT sẽ phủ dịch vụ Mobile Money tới 100.000 điểm bán của VNPT, tiến tới thương mại điện tử và merchant chấp nhận thanh toán. Với hàng loạt những nỗ lực trên, VNPT hy vọng các giải pháp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt này sẽ góp phần hữu hiệu trong việc thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Hồng Thiết

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam tiếp và làm việc với Đoàn cấp cao của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ

TĐKT - Ngày 1/11, tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn cấp cao của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do bà Bonnie Glick - Phó Tổng Giám đốc USAID toàn cầu làm trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi tình hình hợp tác giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ trong khuôn khổ Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại và các biện pháp kiểm soát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp, cụ thể là phòng, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại buổi làm việc Ngay sau buổi làm việc, bà Bonnie Glick đến thăm ga hàng hóa Nội Bài để tìm hiểu về các biện pháp quản lý của Tổng cục Hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang hết sức nỗ lực trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đồng thời xác định cách thức hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề chuyển tải bất hợp pháp, đang là vấn đề được quan tâm trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Quang cảnh buổi làm việc Nhận thấy tác động tiêu cực của hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả các Cục Hải quan, bao gồm các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, tăng cường công tác giám sát hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác khác và bảo vệ hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt cơ quan Hải quan cũng nhận định, nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Việt Nam hiện nay tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, vì vậy, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam được áp dụng. Bà Bonnie Glick - Phó Giám đốc USAID toàn cầu cùng đoàn công tác kiểm tra tại kho hàng ALS Trước tình hình trên, vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan theo Luật Hải quan là rất quan trọng nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trong Tổng cục nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa. Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn xem xét chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa để kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa. Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Chính phủ ban hành với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đề án đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Thông qua Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, USAID hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan Hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên. Trong thời gian triển khai, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại sẽ hợp tác với Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan nhằm giải quyết tình trạng gian lận xuất xứ và xác định, điều tra chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Dự án Tạo thuận lợi Thương mại sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo đầu tiên về nội dung này, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11/2019, tập trung vào trao đổi kinh nghiệm, đồng thời rà soát những quy định pháp lý liên quan tại Việt Nam và Hoa Kỳ.   Trên cơ sở hợp tác giữa các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ và trong khuôn khổ của Dự án, hai bên sẽ thiết lập cách thức hợp tác, trao đổi nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo thực chất trong triển khai các hoạt động. Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn USAID toàn cầu đã đến khảo sát tại kho ALS (khu vực kho nhập). Hồng Thiết    

Khởi động mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa và cao su Việt Nam

TĐKT - Triển lãm quốc tế Công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị, máy móc ngành nhựa và cao su (Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2019) do Công ty Informa Markets và Công ty Messe Düsseldorf Asia phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội. Sáng 1/11, tại Hà Nội, Ban tổ chức đã họp báo thông tin về triển lãm Sự kiện hứa hẹn sẽ mang đến những sản phẩm, thiết bị và các giải pháp công nghệ mới nhất; đồng thời mở ra cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác và giúp các doanh nghiệp bắt nhịp với những xu hướng mới nhất trong ngành nhựa Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Triển lãm có quy mô 3.300 m2, dự kiến thu hút 200 doanh nghiệp nhựa và cao su đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 6 nhóm gian hàng quốc tế gồm: Áo, Hàn Quốc, Qatar, Singapore, Trung Quốc, Ý, trưng bày và giới thiệu hàng loạt thiết bị, máy móc hiện đại, những giải pháp tân tiến nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển ngành công nghiệp nhựa. Các thương hiệu và nhóm gian hàng lớn sẽ góp mặt tại Triển lãm: QINGDAO JINSANYANG, ZHEJIANG SANCHENG, POLYONE CORPORATION, PIOVAN GROUP, LKM GROUP – JAPAN, KRAIBURG TPE, BOTECO THAI BINH DUONG, STARLINGER RECYCLING, REIFENHAUSER, WITTMANN BATTENFELD. Trong khuôn khổ Triển lãm, hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Công thức cho sự phát triển bền vững của ngành nhựa” diễn ra vào sáng 28/11 sẽ mang lại cho các doanh nghiệp và khách tham dự góc nhìn thực tế về lợi ích khi tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, vai trò của các doanh nghiệp nhựa và tương lai của nhựa tái chế. Hội thảo hy vọng sẽ trở thành diễn đàn chia sẻ đa phương giữa các doanh nghiệp nhựa, các doanh nghiệp tái chế và các cơ quan ban, ngành Nhà nước về vấn đề phát triển bền vững ngành nhựa. Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu đa ngành (MESLAB) sẽ mang đến đề tài: “Vận hành và hạch toán kinh tế cho dự án phát triển sản phẩm ngành nhựa” – diễn ra vào ngày 29/11. Hội thảo sẽ chia thành hai buổi chia sẻ với các nội dung cần thiết cho doanh nghiệp mới có hướng đi sản xuất về ngành nhựa. TS. Trần Anh Tuấn – CEO của MESLAB sẽ chủ trì buổi hội thảo và có nhiều chia sẻ hữu ích xoay quanh việc quản lý dự án cho doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa và cao su tại Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn với mức tăng trưởng bình quân 12 - 15% mỗi năm, là nguyên vật liệu và thành phần quan trọng, khó thay thế trong ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy vậy, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với "ô nhiễm trắng" khi lượng tiêu thụ nhựa xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN và thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được khởi động, đặt ra mục tiêu tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín, tránh tạo ra phế thải, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường. Ngành nhựa và cao su cần có một bước tiến mới trong việc cải tiến công nghệ và phương pháp sản xuất, đảm bảo sản phẩm từ nhựa có thể tối ưu hóa khả năng tái chế cũng như kích thích việc sử dụng nhựa tái chế. Đây được xem là mũi tên trúng hai đích: Vừa phát triển được nguồn cung mới về nguyên liệu nhựa, vừa thể hiện vai trò tích cực trong phát triển bền vững của nền kinh tế. Phương Thanh

Big C tăng cường tìm kiếm, hỗ trợ hàng Việt

TĐKT - Ngày 31/10, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông lâm thủy hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019. Cơ sở Miến gạo Loan Hảo (Quảng Trị), Hợp tác xã bưởi da xanh Bông Trang (Tân Uyên, Bình Dương), Trang trại Chiến Thắng - sản xuất rau củ quả và trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), Hợp tác xã trồng trọt và xuất khẩu Hiệp Nguyên (Đà Lạt), Hợp tác xã nông sản sạch An Lập (huyện Bàu Bàng, Bình Dương)… là đại diện 200 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia kết nối, hợp tác với chuỗi bán lẻ hiện đại Big C. Đại diện bộ phận thu mua của Big C (bên trái) kết nối với Cơ sở sản xuất miến Loan Hảo tại Hội nghị kết nối cung cầu ở Bình Dương Tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Bình Dương, đại diện bộ phận thu mua của Big C (ngành hàng FMCG và thực phẩm tươi sống), đã trực tiếp trao đổi với các nhà cung cấp tiềm năng; thảo luận về giá cả; chia sẻ để nhà cung cấp tiềm năng cải tiến lại về bao bì, mẫu mã phù hợp hơn với kênh bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, đại diện Big C còn tận tình cung cấp địa chỉ công ty, địa chỉ email, số điện thoại… để đại diện của hơn 100 gian hàng triển lãm là các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, hộ nông dân… thuận tiện nhất đưa hàng hóa thâm nhập vào chuỗi bán lẻ hiện đại Big C và GO! nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm nay. Hoạt động trên là một trong số hơn 10 chương trình trình kết nối, đẩy mạnh tìm kiếm hàng Việt trong 10 tháng đầu năm 2019 của Big C, thành viên của  Central Retail Việt Nam. Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết: Với mong muốn phát triển bền vững tại Việt Nam, Central Retail Việt Nam luôn cam kết “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”. Big C Việt Nam có hệ thống phân phối rộng lớn với 37 cửa hàng trên toàn quốc, có mặt tại 22 tỉnh, thành và phục vụ hơn 70 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Trong những năm qua, Big C đã không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam bằng những chương trình hành động cụ thể. “Chúng tôi cử cán bộ thu mua trực tiếp tham dự “Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông lâm thủy hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019”, nhằm đẩy mạnh thu mua hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và hộ nông dân, qua đó khẳng định cam kết của chúng tôi về việc hỗ trợ hàng Việt nói chung”, đại diện Big C nhấn mạnh. Hồng Thiết    

Growtech Vietnam 2019: Cơ hội tiếp cận xu hướng công nghệ mới ngành nông - lâm - ngư nghiệp

TĐKT - Sáng 31/10, tại Trung tâm Triển lãm ICE, Hà Nội, Triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp - Vietnam Growtech 2019 do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (NATEC) và Công ty Cổ phần ADPEX, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (AGROTRADE) phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc. Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Triển lãm năm nay có quy mô hơn 250 gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến sẽ thu hút 10 ngàn lượt khách, trong đó có trên 6000 khách chuyên môn tới tham quan và giao dịch. Triển lãm được tổ chức với mong muốn góp phần củng cố sự phát triển công nghệ của nền nông - lâm - ngư nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị sử dụng cao, nâng cao năng suất canh tác cho người dân. Với sự góp mặt các sản phẩm của các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông minh như: Hà Lan, Isarael, Pháp, New Zealand, Ý, Chile, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ..., triển lãm năm nay là địa chỉ tin cậy để hỗ trợ xúc tiến thương mại giữa nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, triển lãm có sự hiện diện của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, thông qua các chương trình hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Những thương hiệu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm ngành nông nghiệp cũng góp mặt trong triển lãm: Công ty Eplusi đến từ Cần Thơ, Công ty Hachi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Máy nông nghiệp... Tại Triển lãm, người xem cũng được trực tiếp chứng kiến nhiều sáng chế nổi bật của các nông dân, kỹ sư Việt Nam: Máy gieo hạt tự động thế hệ mới, máy rửa củ quả tự động của kỹ sư Lê Thanh Trị tại Lâm Đồng; máy cấy không động cơ và máy cấy động cơ điện của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa; máy trồng cây tự động, máy đóng bầu ươm công nghiệp của anh Hát "sáng chế"; máy xúc lúa, cà phê vào bao, máy vét bùn của nhà sáng chế Hoàng Văn Liêm đến từ Cần Thơ... Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định: Sự kiện này sẽ góp phần tạo ra môi trường liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài, giúp cho các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp nông nghiệp, hội nông dân, các hợp tác xã Việt Nam có cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ Triển lãm, diễn ra các diễn đàn, hội thảo chuyên đề tập trung giới thiệu sự phát triển thị trường, công nghệ mới, ứng dụng phổ biến và hiện đại nhất trong ngành nông nghiệp: Hợp tác Việt - Úc nhằm tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường. Song song với hoạt động trưng bày là dịch vụ kết nối giao thương. Để kết nối các đơn vị tham dự triển lãm với các đơn vị tới tham quan triển lãm nhằm tìm kiếm sản phẩm, làm đại lý, nhà phân phối, đầu tư, hợp tác phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế, Ban tổ chức đã tạo ra kênh kết nối từ trước triển lãm để thiết lập các cuộc giao dịch thuận lợi, hiệu quả. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 31/10 - 2/11. Phương Thanh

Tập đoàn Hoa Sen công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4 đạt 84 tỷ đồng, lũy kế NĐTC 2018 – 2019 đạt 361 tỷ đồng

TĐKT - Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 niên độ tài chính (NĐTC) 2018 – 2019 (từ 01/7/2019 đến 30/9/2019). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4 đạt 84 tỷ đồng và lũy kế  NĐTC 2018 – 2019 đạt 361 tỷ đồng. Thép cán nguội và tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen không bị áp thuế chống lẩn trốn thuế, chống bán phá giá của Mỹ Doanh thu thuần quý 4 của HSG đạt 6.350 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gộp của HSG tăng 107 tỷ đồng tương đương 15%, từ mức 724 tỷ đồng tăng lên 831 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu việc này là do HSG chủ động tái cơ cấu sản phẩm, tập trung vào những thị trường, mặt hàng có biên lợi nhuận cao, mức lợi nhuận gộp biên đã tăng từ mức 8,45% lên mức 13,09% so với cùng kỳ nên dù doanh thu thuần có giảm nhưng lợi nhuận gộp của HSG vẫn tăng. Nhiều loại chi phí cũng giảm đi đáng kể, đáng chú ý nhất là chi phí tài chính giảm 152 tỷ đồng, tương đương 43%, trong đó chi phí lãi vay giảm 49 tỷ đồng, tương đương 21%. Việc này xuất phát từ việc HSG giảm lượng hàng tồn kho làm giảm dư nợ vay ngân hàng dẫn đến giảm chi phí lãi vay. So với đầu NĐTC 2018 – 2019, hàng tồn kho của HSG đã giảm 2.192 tỷ đồng. Đồng thời, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối thành công cũng làm giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Cụ thể chi phí quản lý doanh nghiệp quý 4 giảm 15 tỷ đồng, tương đương 10% và chi phí bán hàng giảm 77 tỷ đồng, tương đương 16% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh quý 4 NĐTC 2018 – 2019 ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 101 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 84 tỷ đồng. Tổng kết NĐTC 2018 - 2019, HSG đạt 28.034 tỷ đồng doanh thu, giảm 19% và 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 12% so với NĐTC 2017-2018. Đại diện HSG cho biết nguyên nhân chính của việc sụt giảm này là do sản lượng bán hàng giảm. Cụ thể, trong NĐTC 2018 - 2019, tổng sản lượng bán hàng của HSG đạt 1.489.200 tấn, giảm 20% so với NĐTC 2017 - 2018. Thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Tại thị trường nội địa các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với nhau do cung lớn hơn cầu. Trong khi đó thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi xu hướng bảo hộ thương mại của các quốc giá trên thế giới. Đồng thời, một nguyên nhân quan trọng khác là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho giá HRC giảm đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. HSG cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm trong NĐTC 2018 - 2019 là cân đối lại cơ cấu tài chính. Kết quả, dư nợ ngân hàng bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn vào cuối NĐTC 2018 – 2019 là gần 9.700 tỷ đồng, đã giảm gần 4.650 tỷ đồng so với đầu NĐTC. Điều này góp phần làm cho chỉ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức 2,78 lần xuống còn 1,77 lần. Dư nợ ngân hàng giảm cũng làm cho cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu của HSG cải thiện đáng kể từ mức 3,13 lần ở đầu niên độ giảm còn 2,13 lần ở cuối NĐTC 2018 – 2019. Xét trong bối cảnh ngành thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp tôn thép đều sụt giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, cắt giảm sản xuất thì kết quả kinh doanh của HSG duy trì ở mức có lãi đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Như vậy, sau 1 năm thực hiện tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, cân đối lại cơ cấu tài chính, quản lý hàng tồn kho chặt chẽ, giảm các khoản phải thu, tập trung vào các thị trường và sản phẩm có biên lợi nhuận cao thì Hoa Sen đã chuẩn bị các điều kiện và nền tảng tốt nhất để sẵn sàng vượt qua những khó khăn và nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới. Môi trường kinh doanh ngành thép trong nước cũng bắt đầu có những dấu hiệu tích cực hơn. Bộ Công thương Việt Nam vừa ban hành mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôn màu nhập khẩu Trung Quốc 2,53% - 34,27% và Hàn Quốc là 4,71% - 19,25%, có hiệu lực từ ngày 24/10/2019. Nhiều nhận định cho rằng, việc này sẽ trực tiếp tác động rất tích cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn màu, đặc biệt là những doanh nghiệp có hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp và thị phần lớn như HSG. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần của HSG hiện đang đứng đầu và cách biệt lớn so với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tại Việt Nam với hơn 32% thị phần. HSG đã đầu tư hoàn thiện hệ thống sản xuất 10 nhà máy đặt tại cả ba miền Bắc – Trung - Nam và hệ thống 536 cửa hàng trực thuộc trên toàn quốc. Điều này giúp HSG giảm được chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp HSG phát triển trong dài hạn. Xuân Phúc

EVN và VNPT hợp tác trên nhiều lĩnh vực

TĐKT - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thỏa thuận hợp tác và ký bàn giao phần mềm VNPT E-Cabinet cho EVN. Phó Tổng giám đốc VNPT Tô Dũng Thái (bên phải, hàng đầu) và Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (bên trái, hàng đầu) ký bàn giao phần mềm VNPT E-Cabinet cho EVN VNPT đã ký kết nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ cho EVN và các đơn vị trong Tập đoàn, như: Cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng hình thức tin nhắn cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam; cung cấp thuê bao di động Vinaphone cho Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh; cung cấp SIM đo xa, SIM đóng ngắt (recloser) cho các đơn vị điện lực trên 63 tỉnh, thành phố… Các bộ phận chuyên môn của hai Tập đoàn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn. Các chuyên gia của VNPT đã hỗ trợ, tư vấn cho Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) các giải pháp về trục tích hợp ESB và giải pháp về thiết lập EVN’s Cloud. EVN cũng đã cung cấp điện ổn định, tin cậy, phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của VNPT trên mọi miền đất nước; chia sẻ hạ tầng kỹ thuật với VNPT… Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long bày tỏ sự ấn tượng trước việc EVN ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản trị, sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Đồng thời cho biết, VNPT sẵn sàng đồng hành cùng EVN trong việc tiếp tục thực hiện chuyển đổi số. Lãnh đạo 2 Tập đoàn cũng trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung cấp công tơ điện tử và giải pháp thu thập dữ liệu công tơ điện; hợp tác chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông, CNTT và nghiên cứu phương án thiết lập hệ sinh thái nhằm chia sẻ dữ liệu, tăng giá trị cho các dữ liệu hiện có của hai Tập đoàn. Tại buổi lễ, lãnh đạo 2 Tập đoàn cũng ký bàn giao phần mềm VNPT E-Cabinet cho EVN. Sản phẩm E-Cabinet (phòng họp không giấy) của VNPT được nhiều đơn vị trong nước đánh giá cao về chất lượng và khá phù hợp với nhu cầu của EVN. Hiện VNPT đã chuyển giao và hoàn thành cài đặt cho EVN trong tháng 10/2019. Hồng Thiết  

Tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

TĐKT - 9 tháng đầu năm 2019, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và đã thu  được nhiều kết quả khả quan. Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Trường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; pháo nổ; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam”… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp cuối năm Với đặc điểm đường biên giới trải dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, nên các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với nhiều chủng loại hàng khác nhau. Cụ thể, trên tuyến biên giới phía Bắc mà trọng điểm là địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang..., lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng vận chuyển trái phép các mặt hàng: Hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đồ điện tử... Trong khi đó, trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã... và buôn bán, vận chuyển ma túy. Còn trên tuyến biên giới Tây Nam Bộ, trọng điểm là các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang..., các đối tượng buôn bán, vận chuyển chủ yếu vẫn là các mặt hàng thuốc lá, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng… Không chỉ ở khu vực biên giới, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép cũng diễn biến phức tạp tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế. Trong đó, các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; các bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn… là tâm điểm của các vi phạm. Cùng đó, trên các tuyến đường biển, cảng biển, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng: Xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển miền Trung và vùng biển phía Nam. Với những nỗ lực không ngừng, 9 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng thường trực đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018). Phát huy kết quả đạt được trong những tháng cuối năm Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng vi phạm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam… Làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý hàng vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách. Thứ hai, tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài. Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.  Thứ ba, trong những tháng cuối năm, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng vi phạm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam,… Thứ tư, tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài. Chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tổ giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hồng Thiết

Trang