Kinh tế

Lần đầu tiên tổ chức Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019 tại Việt Nam

TĐKT - Từ ngày 12 - 15/12/2019, tại khu Triển lãm Vân Hồ, Hoa Lư, Hà Nội diễn ra Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Festival Đệm và Chăn ga gối quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Lễ khai mạc Festival Festival Đệm & Chăn Ga Gối Quốc tế 2019 được tổ chức bởi Vua Nệm (vuanem.com), quy tụ hàng trăm thương hiệu trong và ngoài nước, cùng với bộ đệm giường Palais Vie De Luxe trị giá lên tới 1 tỷ đồng và chiếc đệm Aeroflow Wave khổng lồ có diện tích 80 m2, cùng những cơ hội mua sắm đệm, chăn ga gối giá tốt nhất từ trước đến nay. Các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước có mặt tại Festival có thể kể đến như: Amando, Hanvico, Everon, Aeroflow, Therapedic, LMG, Dunlopillo, Gummi, Kim Cương, Tuấn Anh, Lotus, Singapore, Canada Home Decor, Doona, Sleeping Comfort…. Tham dự Festival, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm đệm, chăn ga gối giá tốt Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO Công ty cổ phần Vua Nệm, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Festival Đệm và Chăn Ga Gối quốc tế 2019 được tổ chức hứa hẹn mang đến sự độc đáo, mới lạ, giúp người tiêu dùng có góc nhìn đầy đủ về tầm quan trọng của các sản phẩm dành cho giấc ngủ. Đây cũng là cơ hội để người tham dự có thể chọn mua những sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với mức giá ưu đãi. Theo đó, trong 4 ngày diễn ra festival, có hơn 100.000 sản phẩm chính hãng ưu đãi cực lớn, lên tới 50%++. Khách hàng còn được tham dự chương trình vòng quay may mắn, 100% trúng thưởng với tổng trị giá lên tới 2.5 tỷ đồng và có cơ hội nhận 3.000 gối bông miễn phí. Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, Festival Đệm và Chăn Ga Gối Quốc tế 2019 kỳ vọng sẽ trở thành sợi dây kết nối giữa người tiêu dùng và các nhà phân phối, qua đó, giúp khách hàng hiểu hơn về những phát minh, sáng kiến trong ngành đệm để đưa ra những lựa chọn thông minh, phù hợp với sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Phương Thanh

Hải quan thi đua nước rút hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm

TĐKT - Phát huy những thành tích đã đạt được, Tổng Cục Hải quan triển khai đợt thi đua cao điểm nước rút để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Hải quan đẩy mạnh thi đua trong những tháng cuối năm Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2019 ước tính thặng dư 1,05 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 11 tháng năm 2019, cả nước xuất siêu 10,07 tỷ USD, tăng 32,7% so với con số của 11 tháng năm trước. Số thu NSNN tháng 11/2019 đạt 24.583 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 toàn ngành thu đạt 318.061 tỷ đồng, đạt 105,8 % dự toán thu NSNN, đạt 100,8% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.598 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.514 tỷ 741 triệu đồng; số thu NSNN đạt 346 tỷ 388 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 36 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 86 vụ. Trong công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện và trình lãnh đạo các cấp ký ban hành nhiều văn bản pháp luật. Hiện nay nhiều đề án, văn bản pháp luật lớn đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện pháp điển đề mục Hải quan; Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư số 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự thảo: Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 20/4/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC về sở hữu trí tuệ; Thông tư hướng dẫn dự thảo Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS)… Cùng với đó, trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.784 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.854 tỷ đồng; số thu NSNN đạt hơn 448 tỷ; cơ quan Hải quan đã ban hành 45 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 125 vụ. Ngoài ra, công tác kiểm tra sau thông quan tính đến giữa tháng 11 cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn ngành đã thực hiện 3.070 cuộc, trong đó có 1.297 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (đạt 96% so với chỉ tiêu năm 2019, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018), 1.773 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1.640 tỷ đồng, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2018, đã thực thu vào NSNN (bao gồm từ năm 2018 chuyển sang) số tiền là hơn 1.673 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, các mặt công tác trọng tâm khác cũng đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đánh giá thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, các đơn vị trên cơ sở kết quả đã đạt được, rà soát, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các đề án trình Chính phủ. Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị rà soát kỹ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP, bám sát thực tiễn. Cùng với đó là triển khai cụ thể Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vừa được Chính phủ ban hành. Thi đua thực hiện nước rút những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan, Vụ Pháp chế, Cục Kiểm định hải quan phối hợp chặt chẽ để triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý I năm 2020… Trong công tác nghiệp vụ, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thưc tiễn, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới. La Giang  

Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định

TĐKT - Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài Chính Đặng Quyết Tiến, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến và Phó Chánh Văn phòng Ngô Chí Tùng đồng chủ trì họp báo Được biết, năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần đạt 643.816 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 48.822 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm 2017. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân và tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tài sản bình quân của các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2018 lần lượt là 16% và 6%. Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 59 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 3.258 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp cổ phần có tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 99.729 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 93% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp cổ phần. Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN). Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Đối với tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Bên cạnh đó, tình hình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại: Trong năm 2019 các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.791 tỷ đồng, thu về 3.258 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.279 tỷ đồng, thu về 51.714 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn năm 2019, thoái 2.687 tỷ đồng, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2019, thoái 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng. Đứng trước tình hình thoái vốn như hiện nay, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật. Hồng Thiết    

Bộ Tài chính tập trung thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2019

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, những tháng cuối năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục thi đua hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách góp phần nâng cao việc thực hiện thu ngân sách. Được biết, ngay từ đầu năm, cơ quan Thuế và Hải quan đã tập trung triển khai công tác thu, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, phấn đấu thi đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào ngân sách Nhà nước (NSNN); tập trung thu hồi các khoản thuế còn nợ, tăng cường kiểm tra, thanh tra chống thất thu ngân sách. Qua đó đã tác động tích cực đến công tác điều hành và kết quả thu NSNN 11 tháng năm 2019. Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo, điều hành các đơn vị triển khai các nhiệm vụ trong tâm Kết quả, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11 ước đạt 108,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.376,4 nghìn tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 11 ước đạt 91 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.120,3 nghìn tỷ đồng, bằng 95,5% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ dầu thô thực hiện tháng 11 ước đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán ước đạt 0,9 triệu tấn, giá dầu đạt khoảng 64 USD/thùng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 51,54 nghìn tỷ đồng, bằng 115,6% dự toán. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 11 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 200,4 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2018, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 316,5 nghìn tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ năm 2018; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 116,1 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán. Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng đạt gần 1.261,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt gần 231,7 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 96,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2018; chi thường xuyên đạt 895,67 nghìn tỷ đồng, bằng 89,6% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết ngày 25/11/2019, hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 789.350 tỷ đồng chi thường xuyên (đạt 76,4% dự toán) và 245.046 tỷ đồng chi đầu tư phát triển (đạt 57,1% kế hoạch vốn). Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN đã phát hiện 17.125 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và từ chối thanh toán số tiền 72,1 tỷ đồng đối với chi thường xuyên và 80,1 tỷ đồng đối với chi đầu tư phát triển. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tổng số đã phát hành đến ngày 26/11/2019 được 189,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,55 năm, lãi suất bình quân là 4,7%/năm. Cùng với công tác quản lý, điều hành thu chi NSNN, Bộ Tài chính cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác. Đối với công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong 11 tháng đầu năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng. Trong tháng 12, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp và tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát tài chính và kiểm tra công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN năm 2019 tại một số Tập đoàn, Tổng công ty. Đối với công tác quản lý giá cả thị trường, trong tháng 11, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành 2 công văn điều hành giá xăng dầu. Đồng thời, công khai tình hình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và tồn Quỹ bình ổn giá quý III năm 2019… Song song với đó, thị trường bảo hiểm 11 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 140,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị tài sản đạt 456,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4%; đầu tư trở lại nền kinh tế 379,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2019, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 82.106 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 408.853 hồ sơ khai tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý về tài chính 48,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3,88 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 11,8 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.598 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.514 tỷ đồng; số thu NSNN đạt 346,3 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 36 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 86 vụ. Phát huy kết quả đạt được trong những tháng đầu, giữa năm 2019 và trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong 11 tháng vừa qua, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao, từ nay tới hết năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công. Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Thứ hai, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Thứ ba, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương. Thứ tư, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2020 - 2022 sát thực tiễn, khả thi…. Hồng Thiết    

Hội thi nông dân sản xuất cà phê bền vững NESCAFÉ Plan năm 2019

TĐKT - Từ ngày 8 - 10/12, tại TP Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và Công ty Nestle tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ ba năm 2019 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức cà phê”. Ngày Cà phê Việt Nam 2019 là điểm đến hội tụ các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước nhằm gặp gỡ, tìm hiểu, hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh các mặt hàng cà phê, góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam. Chuỗi sự kiện gồm có: Không gian trưng bày cà phê với sự góp mặt của 6 tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La với hàng trăm gian hàng hội tụ các thương hiệu cà phê uy tín chất lượng hàng đầu Việt Nam: Nescafé, Vinacafe, Kingcoffee… Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động tham quan các vườn cà phê bền vững; hội nghị giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê trên thế giới; nông dân giao lưu, thi tài; kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trong nước và thế giới, với sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 quốc gia và gần 200 doanh nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thứ hai từ phải qua) và ông Will Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng, Công ty Nestle Việt Nam (thứ hai từ trái qua) trao giải Hội thi Nông dân bền vững 2019 Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị trường. Những công ty như Nestlé đã tích cực hỗ trợ nông dân. Nhiều tiến bộ đã được áp dụng như: Giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành cà phê. Trong khuôn khổ Ngày Cà phê Việt Nam, Nestlé Việt Nam tổ chức Hội thi Nông dân sản xuất cà phê bền vững. Tham gia hội thi bao gồm 90 nhóm trưởng nông dân xuất sắc tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Hội thi nông dân sản xuất cà phê bền vững là một trong các hoạt động thường xuyên và thường niên của chương trình Nescafe Plan, với mục tiêu tạo sân chơi để các nông dân tham gia dự án từ các địa phương khác nhau có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để học hỏi và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai các thực hành nông nghiệp tốt. Hội thi được cấu trúc thành 3 phần thi: Phần thi lý thuyết, người chơi sẽ trả lời những câu hỏi liên quan đến kiến thức liên quan trong sản xuất cà phề bền vững; phần thi vận động, những người chơi sẽ tham gia thi đoán ý đồng đội; phần thi thực hành là phần thử nếm sản phẩm để giúp người nông dân nhận biết và phân biệt được chất lượng cà phê thông qua những mẫu cà phê bị lỗi, từ đó có ý thức trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cà phê bằng kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nestlé phối hợp tổ chức Hội thi ý nghĩa này, với mục tiêu tạo sân chơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong thực hành nông nghiệp bền vững. Kết thúc hội thi, giải nhất thuộc về đội của tỉnh Lâm Đồng. Mai Thảo .    

10 năm NESCAFÉ Plan gắn kết với nông dân nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam

TĐKT - Trải qua 10 năm triển khai, Hành trình “Gắn kết với nông dân” - Dự án phát triển cà phê bền vững của NESCAFÉ Plan đã và đang khẳng định ý nghĩa và tính hiệu quả của chương trình; góp phần cải thiện sinh kế của nhiều nông dân ở các vùng trồng cà phê; đồng thời đóng góp vào phát triển tăng cường liên kết chuỗi, gia tăng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam.   Dự án toàn cầu NESCAFÉ Plan được Tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới nhằm mục tiêu mang lại những giá trị bền vững cho người nông dân trồng cà phê, cho cộng đồng và cho hành tinh. Dự án cũng thể hiện cam kết của Nestlé nhằm tạo giá trị chung cho chuỗi giá trị cà phê. Trong số các nước đang triển khai dự án, cùng với Brazil, NESCAFÉ Plan tại Việt Nam được đánh giá là dự án có quy mô lớn và thành công nhất. Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, tuy nhiên cà phê Việt Nam gặp phải những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài đó là chất lượng cà phê còn hạn chế do các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học, kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng. Nguồn tài nguyên nước bị khai thác không hiệu quả gây lãng phí. Không có đội ngũ nông dân kế cận… Các chuyên gia nông nghiệp Nestlé hướng dẫn thao tác Nhật ký nông hộ trên ứng dụng. Kể từ khi bắt tay vào triển khai vào năm 2011, NESCAFÉ Plan đã tích cực đưa ra những giải pháp cũng như các hoạt động cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Trong 10 năm qua, đội ngũ các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé đã gắn kết chặt chẽ với nông dân và sát cánh cùng đối tác quan trọng là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) góp phần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến thông qua NESCAFÉ Plan (kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, nhân giống, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tỉa cành, kỹ thuật thu hoach cà phê chín và bảo quản sau thu hoạch…). Đồng thời, góp phần cải tạo diện tích cà phê già cỗi bằng hoạt động phân phối cây giống cho nông dân, cải thiện kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. Về mặt xã hội, dự án đã nâng cao cai trò và vị thế của người phụ nữ, thông qua việc đào tạo đội ngũ nữ trưởng nhóm nông dân, phát triển đội ngũ nông dân kế thừa. 10 năm triển khai dự án, đã có 230.000 lượt nông dân được tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững. Dự án đã giúp 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C. Dự án cũng đã phân phối trên 36 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân. Tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân với kỹ thuật NESCAFÉ Plan. Đặc biệt, dự án đã góp phần xây dựng cộng đồng trồng cà phê bền vững với 274 trưởng nhóm nông dân; cải tạo 36.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh; nâng cao chất lượng hạt cà phê với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới. Qua các hoạt động mà dự án triển khai cũng giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu; đồng thời giới thiệu mô hình xen canh hợp lý góp phần cải tạo đất và tăng thu nhập cho nông dân. Vườn cà phê nhà ông Đức Huề Thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản bền vững, hàng năm, Nestlé thu mua một lượng cà phê lớn, với tổng giá trị lên đến 700 triệu đô la Mỹ. Nhằm kết nối chặt chẽ hơn với người nông dân các chuyên gia của NESCAFÉ Plan cũng đã đưa vào áp dụng phần mềm FARMS để quản lý dữ liệu trực tiếp của mỗi trang trại nhằm hỗ trợ kịp thời cho từng nông hộ. Phần mềm cũng tạo cơ sở dữ liệu về các kinh nghiệm canh tác tốt nhất đối với mỗi nông hộ để các nông hộ khác có thể tìm hiểu và áp dụng trên nông trại cà phê của mình. Với những đóng góp kể trên, công ty Nestlé Việt Nam gần đây đã vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao bằng khen với thành tích xuất sắc đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình hợp tác công tư - PPP, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Nhà đầu tư hạt nhân Nestlé Việt Nam cùng các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt chức năng hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quản trị, thu mua nông sản, tổ chức chế biến và phân phối chuỗi giá trị. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá đây là một trong những mô hình rất tốt và hướng tới sẽ mở”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế thế giới - ASEAN tại Việt Nam (WEF ASEAN). Mai Thảo

Đảm bảo lợi ích của cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

TĐKT - Sáng 11/12, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng. Diễn đàn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các cơ quan ban, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, cùng chia sẻ về những kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp bền vững và vẫn thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng. Toàn cảnh Hội thảo Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân nhấn mạnh: Sự phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường. Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững: Chưa rõ mục tiêu kinh doanh, hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo, chưa xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đi theo lối mòn. “Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” sẽ là cơ hội quý báu để nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Diễn đàn sẽ là nơi lan tỏa đến toàn thể doanh nghiệp Việt về tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp nói riêng, ổn định nền kinh tế nói chung, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Diễn đàn cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể nói lên những quan điểm, ý kiến riêng với các nhà quản lý, đại diện cơ quan, các nhà làm chính sách về những rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy đối thoại Chính phủ - doanh nghiệp một cách hiệu quả, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác. Theo TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, để hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống quản trị theo những mục tiêu cụ thể: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sáng tạo đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng xuất lao động, chú trọng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp phải coi pháp luật là một công cụ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quản trị của mình. Tham gia đóng góp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng nói chung và trong mọi hoạt động doanh nghiệp nói riêng. Để thực hiện tốt 4 mục tiêu trên, doanh nghiệp cần tập trung vào một số kỹ năng quan trọng: Quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing, quản trị rủi ro. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước: Nghiên cứu các thực tiễn quốc tế tốt về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để lồng ghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam; đối thoại, tham vấn thực chất với doanh nghiệp về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; dành các hỗ trợ phù hợp, không trái với cam kết quốc tế cho doanh nghiệp; bảo đảm nguồn lực để thực thi các chính sách đã đề ra; biểu dương, khích lệ các điển hình tốt; hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê phục vụ điều hành, đánh giá chính sách. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn; tích cực đối thoại với các cơ quan Chính phủ nhằm bảo đảm các chính sách đề ra phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp... Phương Thanh

Khai trương Trung tâm thương mại lớn nhất của AEON tại Việt Nam

TĐKT - Tối 5/12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ cắt băng khai trương Trung tâm thương mại AEON MALL Hà Đông. Tới dự, có: Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.  AEON MALL Hà Đông là trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhất của Tập đoàn AEON tại Việt Nam, là một điểm đến lý tưởng tại khu vực phía tây Hà Nội, mang đến cho khách hàng nhiều thương hiệu độc đáo và đa dạng, đồng thời tích hợp công nghệ hiện đại cùng thiết kế thân thiện với môi trường. Hội tụ trong không gian 150.000 m2 của AEON MALL Hà Đông là 221 gian hàng đến từ các thương hiệu trong và ngoài nước. Trong đó, có khoảng 40 thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội: KOI Thé, Dune London, Idoome, Jack &  Jones, Kipling, Typo. Ngoài ra, TTTM cũng dành riêng Góc Bình Minh là nơi lý tưởng để các startups và nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam có điều kiện để phát triển thương hiệu.   Rất đông người dân đến trung tâm thương mại AEON MALL Hà Đông ngày khai trương Với mong muốn đa dạng hóa dịch vụ và xây dựng một trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng ở mọi lứa tuổi, AEON MALL Hà Đông đặt mục tiêu trở thành địa điểm vui chơi giải trí lớn nhất khu vực. Tại đây, khách hàng sẽ được thư giãn trong khu vui chơi Tini Park, Kidzoona and Timezone, và thưởng thức những bộ phim hay nhất từ rạp chiếu phim CGV với phòng chiếu “IMAX” có màn hình cỡ lớn cao gần 13m. Khu vực ăn uống bao gồm 80 nhà hàng đa dạng về ẩm thực các miền với nhiều lựa chọn phong phú như Thai Pattaya, Hongkong Town Grill & BBQ,Texas Chicken và Vua Chả Cá. Hướng đến sự tiện nghi nhất cho khách hàng, AEONMALL Việt Nam tích hợp những thiết bị điện tử và công nghệ hiện đại 4.0. Hệ thống chỉ dẫn bao gồm 42 bảng điện tử cảm ứng được đặt gần khu vực mỗi thang cuốn, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm gian hàng và các tiện ích thuận tiện, chính xác nhất chỉ với một lần chạm. Bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hướng dẫn đỗ xe thông minh, giúp khách hàng giảm thiểu thời gian tìm chỗ đỗ, tránh tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra, công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) được triển khai như là một cách tiếp cận mới, tập trung hơn vào trải nghiệm và công nghệ vận hành thông minh. AEON MALL Hà Đông cũng phát triển cả ứng dụng di động để cập nhật nhanh những thông tin sự kiện và khuyến mãi, khách hàng có thể sử dụng các tính năng khác như chỉ đường trong TTTM, wifi tốc độ cao…   Các đại biểu tham gia cắt băng khai trương trung tâm thương mại AEON Hà Đông Thiết kế tràn ngập sắc xanh của TTTM là nỗ lực của AEONMALL Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và sử dụng hiệu quả, từ đó đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ đời sống địa phương. Cụ thể, hơn 43.000 cây xanh đa chủng loại đã được trồng tại AEON MALL Hà Đông. Các bảng chỉ dẫn điện tử thay thế cho tờ rơi hướng dẫn thông thường. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Tập đoàn AEON là một trong những tập đoàn đa ngành lớn của Nhật Bản, đã có Bản ghi nhớ hợp tác với TP Hà Nội trong việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng thương mại của Tập đoàn tại Hà Nội, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn trên toàn thế giới hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020, 1 tỷ USD vào năm 2025. Với sự hợp tác này, hàng năm, UBND thành phố và Tập đoàn AEON đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại hệ thống phân phối AEON tại Nhật Bản và Việt Nam; cùng với sự ra đời và đi vào hoạt động của các Trung tâm thương mại của Tập đoàn tại Việt Nam.   Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi lễ Về thương mại, AEON Việt Nam đã và đang là đối tác lớn thu mua các sản phẩm của Việt Nam. Từ tỷ lệ hàng Việt dưới 40% trong siêu thị AEON năm 2014, đến nay tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị AEON tăng lên trên 80%. Đã có 2.600 doanh nghiệp Việt Nam trở thành các nhà cung cấp hàng trăm ngàn dòng sản phẩm cho Tập đoàn AEON để tiêu thụ tại Việt Nam và toàn hệ thống. Điều này, thể hiện sự cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam của Tập đoàn và nỗ lực của chính quyền thành phố, các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm đa dạng, nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa nhằm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và thị trường nước ngoài. Việc mở các mạng lưới bán hàng của AEON tại Việt Nam và Hà Nội là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho hơn 1.000 siêu thị AEON trên toàn cầu. Vừa qua, Quỹ môi trường AEON đã tích cực thực hiện cam kết trao tặng cho thành phố 3.000 cây hoa anh đào được trồng tại công viên Hòa Bình; chương trình phủ xanh 35 ha đất trống, đồi trọc tại Vườn Quốc gia Ba Vì trong 3 năm liên tiếp 2014 - 2016… Ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc AEONMALL Việt Nam chia sẻ: “Dựa trên nguyên tắc cơ bản của Tập đoàn bao gồm “theo đuổi Hòa bình, tôn trọng nhân quyền và đóng góp cho cộng đồng địa phương, trong đó lấy khách hàng làm trọng tâm”, AEONMALL Việt Nam đặc biệt tiên phong, đồng hành với khách hàng khu vực phía tây thành phố để đóng góp cho địa phương. Qua những thiết kế mang lại sự tiện nghi và một không gian đậm chất xanh, chúng tôi mong AEON MALL không chỉ là một TTTM thông thường, mà là một điểm đến xanh - sạch - văn minh, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.” Ông Okaba Daisuke - Công sứ kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam đang tràn đầy năng lượng để phát triển, diện mạo đô thị các vùng miền của Việt Nam thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Tôi mong rằng AEON MALL Hà Đông sẽ trở thành địa điểm cung cấp thông tin về văn hóa Nhật Bản giống như AEON MALL Long Biên. Tôi rất mong sẽ có nhiều người dân TP Hà Nội đến với AEON MALL Hà Đông hơn nữa, để có thể cảm nhận một không khí rất “Nhật Bản” trong lòng Hà Nội.” Mai Thảo

Kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm 2019

TĐKT - Tối 5/12, Bộ Công thương phối hợp cùng UBND TP Hà Nội, UBND TP Đà Nẵng, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2019 và khai mạc Tuần lễ trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số tại 3 tâm điểm của 3 TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.   Các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2019 Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Online Friday bước sang năm thứ 6 tại Việt Nam với sự phát triển vững mạnh và ngày càng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người tiêu dùng Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Việc phục vụ chương trình Online Friday của các doanh nghiệp nhằm tham gia hệ thống và xây dựng hạ tầng phục vụ cho việc mua sắm trực tuyến đã và đang chứng minh được sức sống và bắt kịp với xu thế phát triển của thương mại hiện đại trên thế giới. Đến nay chương trình này đã phát triển rất mạnh mẽ với tổng dung lượng trên 3 ngàn doanh nghiệp tham gia và 27 ngàn các mặt hàng sản phẩm chính hãng của các doanh nghiệp đã được giới thiệu và trải nghiệm tới người tiêu dùng. Doanh số của ngày mua sắm trực tuyến năm 2018 đã đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng với 1,8 triệu đơn hàng và với 25 triệu lượt tương tác của người tiêu dùng trên hệ thống của thương mại điện tử và mạng xã hội. Thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến đang ngày càng hiện đại và có điều kiện phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam cũng như góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp tương tác tốt hơn với người tiêu dùng và cắt giảm chi phí, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Với những nền tảng quan trọng của cách mạng 4.0 và kinh tế số đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm và xây dựng thời gian qua, chắc chắn mua sắm trực tuyến sẽ có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. 24 giờ vàng mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam năm nay bắt đầu từ 00h ngày   6/12/2019 với chủ đề “Siêu khuyến mại, hàng chất lượng”, tổng giá trị giải thưởng bằng hiện vật lên tới 2 tỷ đồng. Với công tác tổ chức được chuẩn bị kỹ càng, Online Friday năm nay quy tụ nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Sanhangre..., các doanh nghiệp sản xuất như Oppo, Habeco,… cùng các nhà phân phối hàng chính hãng và các thương hiệu Việt uy tín. Hàng hóa được tung ra dịp này bao gồm các ngành hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang chính hãng, vé máy bay, sách và văn phòng phẩm… Trong đó, sẽ có 50.000 mặt hàng đến từ hơn 1.000 thương hiệu được tung ra với mức giá ưu đãi giảm đến 70% trong dịp này. Ban tổ chức dự kiến, sự kiểm soát chất lượng hàng hóa chặt chẽ và mức ưu đãi lớn này sẽ là động lực để Ngày Online Friday năm nay đạt hơn 2.500 tỷ đồng giao dịch. Đồng thời ngay sau lễ khai mạc, Tuần lễ Trải nghiệm Công nghệ số và Thương mại điện tử - một hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội mua sắm trực tuyến - Online Friday 2018 cũng chính thức diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6/12 đến ngày 8/12. Với mong muốn phổ biến và nâng cao trải nghiệm công nghệ số cho người dùng trong mua sắm trực tuyến, Online Friday năm nay tăng cường các hoạt động trải nghiệm bằng chuỗi sự kiện diễn ra ở 3 tâm điểm sôi động nhất của 3 thành phố lớn là Hà Nội (tại Không gian Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm), TP.Hồ Chí Minh (khu Phố đi bộ Nguyễn Huệ), Đà Nẵng (Khu vực đầu Cầu rồng, công viên Bờ Đông). Từ ngày 5/12 đến 8/12, các không gian trải nghiệm này sẽ sôi động hơn với các gian hàng của hơn 65 doanh nghiệp thương mại điện tử, nhà sản xuất; các chương trình âm nhạc, nghệ thuật hấp dẫn, trò chơi có thưởng tại khu vực sân khấu lớn với phần thưởng đặc biệt là 2 xe ô tô Fadil Plus do Alliex và Vinfast tài trợ. Theo công bố của Ban tổ chức chương trình, năm 2019 sẽ là năm mở đầu cho hoạt động thường xuyên của Bộ Công thương đem đến cho khách hàng, người tiêu dùng trên toàn quốc những chương trình CHỈ CÓ HÀNG CHÍNH HÃNG "EVERY FRIDAY" sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 6/12/2019 trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday (iOS và Android). Phương Thanh

Techfest 2019: Kết nối, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

TĐKT - Tối ngày 4/12, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp cùng VinTech City và Công ty CP truyền thông SUN BRIGHT tổ chức thành công Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2019). Tới dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương. Với chủ đề "Nguồn lực hội tụ",  Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là dịp để kết nối, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm: Công nghệ, tài chính và nhân lực. Techfest năm nay có sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp sáng tạo, hơn 100 quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, hơn 200 diễn giả, chuyên gia quốc tế. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Ngày hội Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để đạt được mức tăng trưởng của nền kinh tế cao hơn, để thoát khỏi bẫy thu nhập thấp, đất nước cần huy động nguồn lực trong dân, nỗ lực cải cách hành chính; cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần sẵn sàng dấn thân, chấp nhận rủi ro để bước mạnh hơn, có ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm mới, có cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra phân khúc thị trường mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Sự thành công bước đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn, tinh thần ấy đã ngấm vào bộ máy chính quyền các cấp và toàn xã hội. Nếu chúng ta sẵn sàng đưa ra được ý tưởng mới, cổ vũ ý tưởng mới, chung tay nhau để ý tưởng mới thành hiện thực thì nhất định sẽ thành công. Techfest năm nay tiếp tục tập trung tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề nhằm thu hút các nguồn lực trong nước, nước ngoài để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra hiệu quả; thảo luận về các xu hướng công nghệ trên thế giới; chia sẻ của các điển hình khởi nghiệp thành công; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp của những nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia hàng đầu. Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Techfest 2019. Sự kiện cũng tạo ra nền tảng kết nối các đối tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với nhau và với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới, là cơ hội để các chuyên gia về công nghệ và khởi nghiệp ĐMST chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến và công cụ hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành một cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam gắn kết và ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài. Không gian tổ chức Techfest 2019 được tổ chức xoay quanh các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm chuyên sâu, theo 12 làng công nghệ, các khu kết nối đầu tư, cuộc thi và các khu trình diễn công nghệ. Đặc biệt, Techfest 2019 có sự vào cuộc và hỗ trợ của VinTech City, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, được hình thành với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam theo mô hình Silicon Valley. Với mục tiêu đó, VinTech City tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Nhân lực công nghệ, sản phẩm công nghệ và hệ sinh thái hỗ trợ. Trong đó, nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh được xem là bước đi chiến lược đầu tiên. Đây là điểm nhấn cho chương trình năm nay. Bên cạnh đó là sự đồng hành hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài nước như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty CP DL TM Công đoàn GTVT - SUNTRAVEL. Phương Thanh

Trang