TĐKT - Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài Chính Đặng Quyết Tiến, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến và Phó Chánh Văn phòng Ngô Chí Tùng đồng chủ trì họp báo
Được biết, năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần đạt 643.816 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 48.822 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm 2017. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân và tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tài sản bình quân của các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2018 lần lượt là 16% và 6%.
Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 59 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 3.258 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp cổ phần có tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 99.729 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 93% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp cổ phần.
Trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN).
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Đối với tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.
Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).
Bên cạnh đó, tình hình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại: Trong năm 2019 các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.791 tỷ đồng, thu về 3.258 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.279 tỷ đồng, thu về 51.714 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn năm 2019, thoái 2.687 tỷ đồng, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2019, thoái 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng.
Đứng trước tình hình thoái vốn như hiện nay, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật.
Hồng Thiết