Kinh tế

Tập đoàn Hoa Sen: Quý I niên độ tài chính năm 2021-2022 lợi nhuận sau thuế đạt 638 tỷ đồng, đạt 112% so với cùng kỳ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I niên độ tài chính 2021-2022 (từ 01/10/2021 đến 31/12/2021). Theo đó, sản lượng tiêu thụ tháng quý I niên độ tài chính 2021-2022 Tập đoàn Hoa Sen đạt 604.518 tấn, đạt 113% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 16.934 tỷ đồng, đạt 186% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 638 tỷ đồng, đạt 112% so với cùng kỳ. Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home Quý I niên độ tài chính 2021-2022 của HSG (từ 01/10/2021 đến 31/12/2021) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong giai đoạn đầu thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động của nền kinh tế Việt Nam từng bước mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mảng xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen vẫn đạt kết quả ấn tượng. Sản lượng xuất khẩu tôn mạ trong quý I niên độ tài chính 2021-2022 của HSG duy trì trên 115 nghìn tấn/ tháng, dẫn đầu và chiếm khoảng 40% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam. Trong niên độ tài chính 2021-2022, HSG sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới giàu tiềm năng và phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu. Năm 2022 được dự báo sẽ là một năm triển vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ tôn thép tiếp tục tăng mạnh hơn. HSG nhận định tình hình kinh tế - xã hội nói chung và nhu cầu của người tiêu dùng nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể, tác động nhiều mặt đối với phương thức kinh doanh truyền thống của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, tại thị trường nội địa, bên cạnh các mặt hàng sản xuất và kinh doanh truyền thống, HSG tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nội thất, phát triển Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home, đẩy mạnh bán hàng trên kênh online qua trang website thương mại điện tử và app Hoa Sen Home. Tính đến cuối tháng 12/2021, HSG đã đưa vào hoạt động hơn 80 siêu thị Hoa Sen Home trên cả nước, từng bước nâng cao hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn sản xuất và kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng và nội thất số 1 tại Việt Nam, đưa những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Xuân Phúc

Sắp diễn ra Hội thảo “Second Home lên ngôi và xu hướng nhà lắp ghép”

TĐKT - Được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, King Broker sẽ tổ chức Hội thảo “Second Home lên ngôi và xu hướng nhà lắp ghép”. Hội thảo dự kiến diễn ra vào ngày 27/1/2022 tại Khánh Hòa. Du nhập vào Việt Nam không lâu, xu hướng “Second Home” đã trở thành một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19. Second Home là mô hình mang lại khả năng sinh lời kép. Nhà đầu tư vừa có thể ở, vừa có thể khai thác kinh doanh như cho thuê. Mặt khác, Second Home còn có thể giúp chủ sở hữu tích lũy nguồn tài sản. Cùng với sự lên ngôi của mô hình đầu tư Second Home, những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, giải pháp nhà lắp ghép ngày càng trở nên tối ưu hơn và đang dần trở thành xu hướng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Nhiều ưu điểm giúp nhà lắp ghép đang là một phân khúc mới rất tiềm năng trên thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là khi kết hợp với đầu tư Second Home. Vậy nhưng nhà lắp ghép – Một lựa chọn tối ưu, hiện đại liệu có phải là xu hướng mạnh mẽ thời gian tới? Pháp lý nước ta quy định thế nào về mô hình xây nhà lắp ghép? Đây cũng đang là những trăn trở khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Dự buổi hội thảo có các vị khách mời: TS. Nguyễn Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; PSG.TS Trần Đình Thiên – Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS)Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chairman LP Group; lãnh đạo các sở, ban, ngành Tỉnh Khánh Hòa và Huyện Cam Lâm cùng 200 khách mời là các nhà đầu tư tham dự. Cũng tại buổi Hội thảo, các chuyên gia – khách mời sẽ cùng bàn luận, phân tích về tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng và đầu tư BĐS tại Cam Lâm. Đây là huyện ven biển nằm giữa thành phố Nha Trang và Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cam Lâm mới được biết đến là "thiên đường nghỉ dưỡng mới của cả nước" khi sở hữu bờ biển Bãi Dài - 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh với rất nhiều resort đẳng cấp quốc tế, 15 resort đã đi vào hoạt động và gần 20 resort đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện cùng thị trấn cổ Cam Đức và đặc sản Xoài Cam Lâm; Tôm Hùm Bình Ba… Bên cạnh đó, Cam Lâm nằm cạnh cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, có bến du thuyền và cảng nước sâu cho thuyền du lịch 30.000 tấn, là nơi hội tụ của các tuyến đường giao thông trọng điểm quốc gia đi qua như cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc Nam. Với nhiều ưu thế, Cam Lâm đang được đầu tư mạnh để sớm trở thành tâm điểm du lịch, dịch vụ của cả nước. Đặc biệt lần đầu tiên vấn đề pháp lý liên quan đến xây dựng nhà tiền chế và nhà lắp ghép được chia sẻ chuyên sâu bởi Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch hãng luật LP Group. Xen kẽ các phần tọa đàm, ông Trịnh Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch King Broker chính thức thông báo ra mắt và trao quyết định Bổ nhiệm Giám đốc King Broker Khánh Hòa. PT  

Cuộc thi “LogiChain 2021” - Cú hích cho nguồn nhân lực logistics Việt Nam

TĐKT -  Là cuộc thi giải Case Study về logistics và chuỗi cung ứng đầu tiên tại miền Bắc với quy mô toàn quốc, “LogiChain 2021” đã chính thức khép lại vào ngày 21/1 vừa qua. Cuộc thi do Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng CLB Logistics và Chuỗi cung ứng LSC. Đêm Chung kết “LogiChain 2021” được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kết hợp hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom, đồng thời phát sóng trực tiếp trên Fanpage LogiChain và CLB Logistics & Chuỗi cung ứng LSC Cuộc thi khi nhận được sự bảo trợ chuyên môn từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và sự tham dự, cố vấn của ban giám khảo, khách mời là những chuyên gia đang công tác tại các tập đoàn đầu ngành. Chủ đề của cuộc thi tập trung vào việc phân tích tình huống và hướng tới một ĐẠI CHIẾN LƯỢC cuối cùng giữa các đội thi về lĩnh vực Chuỗi cung ứng. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc đêm Chung kết cuộc thi Phát biểu khai mạc đêm Chung kết, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ: ”Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta cơ hội nhận ra tầm quan trọng của ngành Logistics và Chuỗi cung ứng đối với nền kinh tế quốc dân cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành”. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, “LogiChain 2021” đã và đang hoàn thành sứ mệnh tìm ra những nhân tố tài năng, triển vọng cho ngành Logistics và Chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong tương lai. Qua đó, cuộc thi mang lại một sân chơi bổ ích, thiết thực cho những bạn trẻ có đam mê với ngành, thỏa sức trình bày những ý tưởng đột phá, sáng tạo trong quá trình vận hành logistics trong nước. Đội BLACK SWANS với các thành viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam giành giải Quán quân cuộc thi Cuộc thi đã thu hút hơn 500 bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên cả nước. Trải qua 2 vòng thi đầy cam go, 4 đội thi với 15 gương mặt đại diện đến từ ba miền Tổ quốc đã được tham gia vào đêm Chung kết. Tranh tài tại Vòng Chung kết, trải qua 3 phần thi kịch tính kéo dài gần 5 tiếng - Trắc nghiệm dưới hình thức Gamification, Giải Case Study ngắn và Giải Case Study Đại chiến lược, các đội thi đã đem đến cho người xem những giây phút nghẹt thở, kịch tính xuyên suốt chương trình. Cuối cùng, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ngôi vị cao nhất của cuộc thi “LogiChain 2021” đã chính thức gọi tên đội BLACK SWANS với các thành viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam. Giải thưởng Á quân gọi tên đội RANDOMEE. Đồng thời, giải thưởng Quý quân đã thuộc về hai đội LOGICHICKS và TO SOMETHING. PT

Vinh danh 29 thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng Việt Nam lần thứ IV

TĐKT – Sáng 22/1, tại Hà Nội, Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Lễ vinh danh “Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng Việt Nam lần thứ IV - năm 2021” do bạn đọc Báo Xây dựng bình chọn. Chương trình này nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần của Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị. Đồng thời nhằm kịp thời ghi nhận đánh giá chỉ số tin và dùng của cộng đồng xã hội đối với những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ ngành Xây dựng có những đóng góp tích cực, hiệu quả vì quyền lợi khách hàng, vì sự phát triển và hội nhập của ngành Xây dựng nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Lãnh đạo Báo Xây dựng trao giải thưởng cho các thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng Dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng đã phối hợp với các sở, hiệp hội, hội trong ngành Xây dựng phát động cuộc bình chọn “Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng lần thứ IV - 2021” thông qua hình thức bình chọn công khai, trực tiếp của người tiêu dùng trên Cổng Thông tin điện tử: www.thuonghieuxaydung.com.vn. Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã phát huy được sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, gia tăng hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận và hòa nhập nhanh với nền cơ chế thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Nhiều thương hiệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã đạt được những bước tiến vượt bậc về chất lượng công nghệ được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao như: Tập đoàn GFS, Công ty DELTA, Tổng Công ty HUD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vianconex, Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC… Chương trình đã nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng xã hội, của các thương hiệu hoạt động trong ngành Xây dựng. Với gần 100 thương hiệu hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Xây dựng tham gia như: Vật liệu xây dựng, bất động sản, quy hoạch - kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật… Dựa trên số điểm bình chọn công khai trên Cổng Thông tin điện tử: www.thuonghieuxaydung.com.vn ban tổ chức ghi nhận đã có hơn 5 triệu lượt bình chọn. Dựa trên kết quả bình chọn, chương trình đã lựa chọn được 30 thương hiệu có số lượt bình chọn, đánh giá cao nhất. Chương trình bình chọn Thương hiệu tiêu biểu ngành Xây dựng đã giúp các doanh nghiệp xây dựng nâng cao uy tín doanh nghiệp với thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ trong ngành đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung vào các vấn đề xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, phát triển ngành Xây dựng, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kịp thời phản ánh sự đánh giá, ghi nhận của cộng đồng, của người tiêu dùng đối với những doanh nghiệp, thương hiệu/sản phẩm/dịch vụ trong ngành Xây dựng thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thị trường trong nước cũng như hướng tới thị trường xuất khẩu. Ban tổ chức đánh giá cao những thương hiệu được độc giả, người tiêu dùng bình chọn tiêu biểu trong lĩnh vực hoạt động ngành; nỗ lực, sáng tạo trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp; hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2021; thực hiện tốt chế độ chính sách với người lao động; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; có doanh số tiêu thụ của thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ đạt mức tăng trưởng tốt; có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng và phát triển hàng hóa… Việc vinh danh thương hiệu tiêu biểu có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành Xây dựng và nền kinh tế Việt Nam. Thông qua việc tôn vinh các doanh nghiệp ngành Xây dựng, Ban tổ chức mong muốn doanh nghiệp cần có tầm nhìn thương hiệu rõ ràng, phù hợp với mục tiêu, chiến lược định vị sản phẩm, có lời hứa thương hiệu và định vị thương hiệu rõ ràng, thuyết phục, phù hợp thị trường. Gắn với đó là những chiến lược, hành động để bảo vệ thương hiệu thông qua bảo hộ các tài sản trí tuệ. Năm 2022 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, Việt Nam sẽ tập trung cho các hoạt động quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước. Tăng cường giao dịch thương mại trong nước gắn với củng cố, gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm, tạo đà xuất khẩu. Khi thị trường trong và ngoài nước bùng nổ về nhu cầu hàng hóa thì các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm Việt được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phương Thanh

Thương mại điện tử đứng vững và tiếp tục tăng tốc trong đại dịch

TĐKT – Dưới tác động của dịch Covid-19, trong bối cảnh toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đó là kết quả được thể hiện trong Báo cáo Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố. Làn sóng thứ nhất của thương mại điện tử Việt Nam diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của đại dịch Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020. Làn sóng thứ nhất đã tạo đà cho sự phát triển tiếp theo của thương mại điện tử. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. Năm 2020, Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch Covid-19. Khi bắt đầu đợt dịch đầu tiên vào tháng 2, đã có những lo ngại dịch bệnh sẽ tác động lớn tới đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử cho năm này cũng như cả giai đoạn năm năm tiếp theo 2021 – 2025. Tuy nhiên, diễn biến thực thế cho thấy bức tranh khá lạc quan. Báo cáo “Việt Nam: Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19” của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố ngay sau đợt dịch đầu tiên từ tháng 2 đến tháng 4 cho thấy sự xuất hiện làn sóng thương mại điện tử với hai tín hiệu quan trọng. Tín hiệu thứ nhất là người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tín hiệu thứ hai là số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021, Việt Nam trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và là một trong những đợt dịch bệnh nặng nề từ khi đất nước thống nhất. Toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, bao gồm thương mại điện tử. Để nắm bắt những đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử trong đợt dịch thứ tư, tháng 10 năm 2021 VECOM đã khảo sát nhanh gần 60 doanh nghiệp tiêu biểu liên quan tới thương mại điện tử thuộc năm lĩnh vực, bao gồm bán lẻ trực tuyến, logistics và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị số, giải pháp kinh doanh số. Giai đoạn khảo sát từ tháng 6 tới tháng 9 năm 2021. Trong khó khăn nghiêm trọng, thương mại điện tử tiếp tục đứng vững và trải qua Làn sóng thứ hai. Trong làn sóng này, cả hai đặc điểm về người tiêu dùng và thương nhân rõ ràng hơn Làn sóng thứ nhất. Thứ nhất, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống. Theo báo cáo của VECOM, số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn giai đoạn tháng 6 – 9/2021 so với cùng kỳ năm 2020 đều tăng với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% tới 50%. Thậm chí các đơn hàng cũng tăng từ 8% đến 10% so với kế hoạch từ đầu năm. Thứ hai, nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ tư. Thương nhân đã sử dụng nhiều công cụ số để có thể duy trì mối quan hệ với khách hàng, bán hàng online. Các sàn thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân. Toàn bộ hoạt động thương mại điện tử bị tác động tiêu cực trong đợt dịch thứ tư nhưng với hai đặc điểm nổi bật trên có thể thấy Làn sóng thứ hai sẽ tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong cả giai đoạn 2021 – 2025. PT

Năm 2021: EVNSPC thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo cấp điện và chống dịch hiệu quả

TĐKT - Năm 2021, miền Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi dịch Covid-19. Mặc dù phải chịu tác động rất lớn do dịch bệnh, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống người dân tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Năm qua, Tổng công ty đã đảm bảo cung cấp điện cho 326 điểm cách ly tập trung; 416 cơ sở y tế, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 1.204 trạm, chốt kiểm soát dịch. Tổng công ty cũng đã giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền 1.203 tỷ đồng chia sẻ khó khăn với khách hàng. Trong năm, EVNSPC đã ứng dụng hiệu quả các giải pháp họp trực tuyến, làm việc từ xa, văn phòng không giấy tờ, chữ ký số, cung cấp dịch vụ trực tuyến, giao dịch điện tử, chăm sóc khách hàng đa phương tiện. Điều này đã giúp Tổng công ty và các đơn vị thành viên vận hành bộ máy hiệu quả, duy trì xuyên suốt mọi hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tổng Giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVNSPC đã hoàn thành 100% khối lượng công việc năm 2021 và đạt trên 92% so với kế hoạch EVN giao đến hết năm 2022. Hiện nay, các hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã được ứng dụng triệt để trên nền tảng di động thống nhất như: Digital Office, BI-EVNSPC; EVNSPC Home; kiểm tra chất lượng điện năng; kiểm tra lưới điện; quản lý an toàn; ứng dụng Nhánh rẽ khách hàng để cảnh báo mất điện phục vụ sửa chữa điện... Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành biểu dương nỗ lực và thành tích đạt được của EVNSPC đạt được trong năm 2021 EVNSPC cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và thiết lập hạ tầng tự động hóa trong vận hành, điều khiển lưới điện. 100% số lượng trạm biến áp 110kV của Tổng công ty đã vận hành theo chế độ không người trực. 100% các gói thầu được thực hiện các hình thức đấu thầu rộng rãi và đánh giá, chấm điểm qua mạng. Toàn bộ các dự án lưới điện từ 110 kV được áp dụng phần mềm quản lý tiến độ tiên tiến; triển khai giám sát nhà thầu, nhân lực, trang thiết bị ra, vào tại công trường qua hệ thống camera thông minh... Lãnh đạo EVN trao tặng bức tranh ghi nhận đóng góp của EVNSPC vào thành tích chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam Tổng công ty đã triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng với nhiều trải nghiệm tiện ích để thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh và điều kiện bình thường mới. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao tặng Cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho các tập thể của EVNSPC đạt thành tích xuất sắc năm 2021. Năm 2021 cũng là năm rất đặc biệt với EVNSPC trong hoạt động an sinh xã hội. EVNSPC đã chi cho các hoạt động an sinh xã hội lên đến 81 tỷ đồng. Thực tế, trong đợt đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn ra nặng nề tại các tỉnh phía Nam, EVNSPC là một trong những tổng công ty điện lực lớn đi đầu trong công tác từ thiện, an sinh xã hội. Cụ thể, Tổng công ty đã chi 65 tỷ đồng để tài trợ mua hệ thống oxy, máy thở, trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ luôn máy tính, máy in cho các đơn vị phòng chống dịch tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Ngoài   số tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, trong năm nay, EVNSPC đã tài trợ xây dựng 245 căn nhà tình nghĩa, tình thương tại 21 tỉnh thành trên địa bàn cung cấp điện của Tổng công ty với tổng mức hỗ trợ 12,25 tỷ đồng. Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân tặng Cờ thi đua của EVN cho các tập thể của EVNSPC đạt thành tích xuất sắc năm 2021. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Tổng công ty Điện lực miền Nam, là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 nhưng là năm đầu tiên hồi phục sau đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, EVNSPC tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo đó, EVNSPC cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như: Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo đầu tư các dự án theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao để vận hành thị trường điện theo lộ trình được Tập đoàn chỉ đạo và phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và đảm bảo an toàn lao động; đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu: Điện sản xuất thực hiện 85 triệu kWh tăng 4,9% so với ước thực hiện năm 2021; điện thương phẩm 81 tỷ 790 triệu kWh, tăng 7% so với ước thực hiện năm 2021; tiết kiệm điện 2% sản lượng điện thương phẩm; giá bán điện bình quân thực hiện cao hơn kế hoạch EVN giao; tỷ lệ điện dùng để phân phối điện 3,82%; suất sự cố 110 kV, đối với SSC thoáng qua đường dây 110 kV là 0,794 vụ/100km/năm, SSC kéo dài đường dây 110 kV là 0,794 vụ/100km/năm, SSC trạm biến áp 110 kV là 0,150 vụ/TBA/năm; độ tin cậy cung cấp điện MAIFI 2,21 lần, SAIDI 277 phút, SAIFI 2,62 lần; năng suất lao động theo điện thương phẩm 3,96 triệu kWh/LĐ; theo khách hàng là 459 khách hàng/LĐ; về đầu tư xây dựng dự kiến đầu tư khoảng 11.159 tỷ đồng./. Mai Thắng

Chính thức công bố Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021

TĐKT - Sáng 13/1, BambuUP - Nền tảng Kết nối đổi mới sáng tạo mở chính thức công bố Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 (Báo cáo), đồng thời Giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo mở tiêu biểu. Báo cáo được xây dựng và phát hành bởi BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Bộ Khoa học và Công nghệ. Bản đồ khởi nghiệp lĩnh vực Martech được thể hiện trong Báo cáo Được khởi động từ tháng 8/2021, sau hơn 4 tháng triển khai với sự đầu tư công phu, Báo cáo đã hoàn thiện với những thông tin vô cùng giá trị về hệ sinh thái khởi nghiệp, các xu hướng và các giải pháp nổi bật. Tính tới thời điểm hiện tại, Báo cáo đã nhận được hơn 800 Startup ghi danh và hơn 2.000 lượt đăng ký đón đọc. Báo cáo có sự cố vấn nội dung bởi hơn 50 chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế hàng đầu Việt Nam. Báo cáo đã đưa ra bức tranh về đầu tư vào thị trường công nghệ tại Việt Nam. Trong 2 năm qua, mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nhưng số lượng giao dịch tăng lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 108 thương vụ đầu tư. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng thương vụ đầu tư đạt mức cao kỷ lục ở vòng 500 nghìn USD - 3 triệu USD, gấp 2.58 lần so với cùng kỳ năm 2020. Có sự dịch chuyển trong tỷ lệ phân bổ đầu tư ở các giai đoạn, tăng tỷ trọng đầu tư vào các vòng 500 nghìn USD - 3 triệu USD và vòng 3 triệu - 10 triệu, trong khi giảm đầu tư vào các startup gọi vốn giai đoạn pre-seed và seed.   Báo cáo đã xây dựng Bản đồ khởi nghiệp Việt Nam 2021 với 4 trụ cột chính: Kinh doanh, con người, xã hội và công nghệ. Điểm nhấn đặc biệt của Báo cáo là bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn diện, đa chiều trong các lĩnh vực kinh tế nổi bật: Tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, martech & salestech, logistics & chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, nông nghiệp, du lịch và lữ hành, blockchain & crypto. Trong mỗi lĩnh vực, Báo cáo nêu lên những thách thức phải đối mặt, những xu hướng đột phá công nghệ chính và các công ty công nghệ đang cung cấp giải pháp nổi bật tại Việt Nam. Bên cạnh công bố Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, các giải pháp công nghệ mới mẻ, nhiều tiềm năng phát triển từ các startup Việt Nam tiêu biểu cũng đã được giới thiệu tại chương trình. Đây là các giải pháp đột phá ứng dụng trong các lĩnh vực trọng điểm: Fintech, Agtech & Foodtech, Salestech & Martech, Traveltech, Healthcare,... Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO của Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP, chủ trì Dự án chia sẻ về kế hoạch xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt: “Sứ mệnh của Nền tảng Kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP là giúp mọi người, mọi doanh nghiệp đều có thể cập nhật, tiếp cận và triển khai ĐMST một cách dễ dàng. Chúng tôi sẽ cung cấp những kết nối và tư vấn ĐMST không giới hạn về phạm vi địa lý và thời gian. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối việc liên tục ĐMST là con đường duy nhất để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Kiến thức nhân loại đang được nhân đôi cứ sau 12 tiếng đồng hồ. Hãy tự hỏi mình: Bạn đã đủ nhanh và đủ phù hợp cho tương lai chưa?” Đại diện Ban cố vấn nội dung Báo cáo, ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia tư vấn, đào tạo về Chiến lược, Marketing và Đổi mới sáng tạo cho rằng: “Báo cáo là một tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các doanh nghiệp và chuyên gia. Kỷ nguyên mới của quản trị nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng đều hướng tới việc lấy con người làm trọng tâm, đề cao lý tưởng tồn tại của tổ chức kinh doanh (purpose) như một sự kết nối hữu cơ của tổ chức kinh doanh đó với cộng đồng và xã hội. Những đổi mới sáng tạo mang tính chất cải tiến nhỏ (incremental) đang dần ít tạo lợi thế hơn so với những đổi mới sáng tạo triệt để (radical) hay thậm chí là làm mới cả mô hình kinh doanh (business model innovation) dựa trên sự kết nối sâu sắc với lý tưởng tồn tại của tổ chức (purpose). Xuyên suốt giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để định hình lại kết nối xã hội của tổ chức mình, thiết kế ra những đổi mới sáng tạo sâu sắc, hàm chứa các giá trị chân thành, tử tế, hướng tới cộng đồng và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững”. Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản cho rằng: “Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 đã thể hiện những nỗ lực ban đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy sự vươn lên mãnh liệt của các doanh nghiệp; tinh thần ĐMST không chỉ thấy ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn. Bối cảnh quốc tế đang ngày càng thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở”. Phương Thanh

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp

TĐKT – Ngày 11/1, Chương trình Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp – GRAFT Challenge Vietnam2021 do Chính phủ Australia tài trợ đã có buổi tổng kết, đưa ra công bố về hành trình chinh phục Việt Nam của 9 giải pháp công nghệ. Sự kiện trực tuyến Tổng kết chương trình GRAFT GRAFT Challenge Vietnam 2021 là chương trình tìm kiếm các giải pháp công nghệ nông nghiệp để giải quyết thách thức cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam, được thực hiện bởi Beanstalk - một doanh nghiệp đổi mới có trụ sở tại Australia hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và MBI Innovation Challenges (MBI). Đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và tiếp cận tốt hơn thị trường trong nước và quốc tế. Đây là ưu tiên của chính phủ Việt Nam và Chương trình Aus4innovation. Tuy nhiên, rào cản về chi phí đầu tư, tâm lý e ngại rủi ro cùng công tác chuyển giao công nghệ chưa theo kịp thực tiễn là một số khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp thường loay hoay trong việc đưa giải pháp công nghệ vào cuộc sống. Hiểu được khó khăn này, GRAFT tập hợp các giải pháp công nghệ mới nhất trên toàn cầu, chọn lọc ra 9 công ty tiềm năng và kết nối với mạng lưới tại các địa phương để cùng giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Thông qua một chương trình chuyên sâu kéo dài 15 tuần, các giải pháp công nghệ đã nhận được sự tư vấn từ hơn 40 cố vấn kỹ thuật và thương mại, đồng thời tham gia vào mạng lưới kết nối với 30 đối tác nông nghiệp hàng đầu Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm và đưa ra kế hoạch chuyển giao công nghệ. Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết, đổi mới sáng tạo là một trong 3 trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay. Trong đó, đổi mới sáng tạo đã được triển khai thành các sáng kiến cụ thể trong chương trình nghị sự hợp tác giữa hai quốc gia. Cũng theo ông Mark Tattersall, trong ngành nông nghiệp, các giải pháp về công nghệ vô cùng quan trọng, giúp có thể tăng cường năng suất lao động cũng như có thể tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các doanh nghiệp và những người tham gia vào ngành nông nghiệp. Chương trình GRAFT Challenge Vietnam là một chương trình quan trọng trong toàn bộ danh mục hợp tác giữa Việt Nam và Australia. Chương trình một lần nữa đã xác định tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hai quốc gia. Tại sự kiện, ông Justin Ahmed, Trưởng Chương trình GRAFT, cho biết: GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công - tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo. GRAFT là một “bến đỗ" được thiết kế để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu trên thế giới thâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau hơn 3 tháng hoạt động, chương trình GRAFT Challenge Vietnam đã đi đến hồi kết và đạt được những thành công nhất định. Đến nay, Chương trình đã chọn được 9 doanh nghiệp quốc tế có giải pháp công nghệ tiên tiến sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, để trình diễn và chuyển giao vào Việt Nam. Nhờ những thành công bước đầu, GRAFT được lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp và chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam công nhận và vinh danh  như một ví dụ điển hình về mô hình hỗ trợ kết nối khơi thông dòng chảy công nghệ, tạo dựng một hệ sinh thái vững mạnh về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiến sĩ Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam (IPSARD) cho biết: “GRAFT là một dự án rất ấn tượng, tạo được hiệu quả một cách bền vững với các giải pháp công nghệ sáng tạo có tính khả thi cao dựa trên sự tích hợp và tăng cường hợp tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp loại bỏ các rào cản lâu nay trong việc số hóa nông nghiệp”. Phương Thanh

Karofi chính thức gia nhập thị trường điều hòa không khí

TĐKT - Với 4 sản phẩm điều hòa thông minh đầu tay vừa được ra mắt trong tháng 1/2022, chuyên gia máy lọc nước Karofi chính thức công bố gia nhập thị trường điều hòa không khí. Các sản phẩm này được phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích hành vi thói quen sử dụng điều hòa để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt, sở hữu những tính năng vượt trội như lạnh nhanh, lạnh sâu, tiết kiệm điện, vận hành bền bỉ, êm ái, công nghệ thông minh 4 tự động… Karofi giới thiệu các sản phẩm điều hòa thông minh đầu tay Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc điều hành Karofi Group cho biết, đây là một trong hai ngành mũi nhọn của Karofi khi tập trung vào giải pháp chăm sóc không khí, bám sát sứ mệnh “Bảo vệ, tăng cường sức khỏe và chất lượng sống của mọi người trong môi trường nước và không khí”, trên con đường thực hiện mục tiêu đạt Top 3 tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2040. Những tính năng cốt lõi được Karofi tập trung đáp ứng nhu cầu thực dụng nhất của người dùng Việt: Khả năng làm lạnh nhanh “Bật phát mát luôn” chỉ sau 30s, lạnh sâu, với dàn tản nhiệt mạ vàng, có kích thước lớn hơn đến 20%, cục nóng lớn nhất phân khúc. Nhiệt độ gió ra ở cửa giàn lạnh có thể giảm xuống đến 10 độ C chỉ sau 5 phút. Điều hòa Karofi còn được ứng dụng công nghệ thông minh (tự động khởi động lại khi mất điện, cảm biến nhiệt thông minh Feeling tự động điều chỉnh nhiệt độ, tự động làm sạch Clean, tự động cảnh báo lỗi…) nâng tầm tiện nghi, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Sản phẩm được áp dụng công nghệ Inverter giúp máy có khả năng tiết kiệm điện, vận hành êm ái với độ ồn chỉ 26dB tương đương tiếng “lá rơi”. Karofi tuyên bố chế độ bảo hành hấp dẫn nhất thị trường 1 đổi 1 sản phẩm điều hòa trong 3 năm và bảo dưỡng miễn phí trong 2 năm, nhằm giúp người dùng “an tâm sống khỏe” khi sử dụng sản phẩm điều hòa mang nhãn hiệu này. Trong đợt ra mắt lần này, 4 sản phẩm điều hòa không khí Karofi bao gồm dòng tiêu chuẩn và dòng công nghệ Inverter với công suất làm lạnh 9000BTU và 1200BTU. Theo tiết lộ của đại diện doanh nghiệp thì sản phẩm điều hoà không khí Karofi sẽ đi vào phân khúc trung – cận cao cấp, giá thành phù hợp với giá trị sản phẩm và túi tiền của người Việt nhưng cam kết chất lượng sản phẩm luôn ở mức độ tương đương với những sản phẩm cao cấp đến từ Nhật, Hàn… Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc điều hành Karofi Group “Vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong lĩnh vực lọc nước, năm 2021 Karofi được xếp hạng là thương hiệu số 1 thị phần và được yêu thích nhất (theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu Techsci). Có lợi thế chuyên sâu trong ngành, thấu hiểu tâm lý, tính cách, thói quen của người dùng Việt trong suốt 16 năm, kết hợp thế mạnh về R&D sẵn có, sở hữu hệ thống phân phối 7200 điểm bán trên toàn quốc và trung tâm dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp. Đầu tư cho lĩnh vực này, hãng này cho biết đã xây dựng một mô hình nhà Trải nghiệm điều hòa với diện tích 500m2 để nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá sản phẩm. Đây chính là bàn đạp để thương hiệu này quyết tâm “thắng thế trên sân nhà” khi thị trường điều hoà nội địa đang mất thị phần cho các thương hiệu ngoại nhập.” -  Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết. Việt Nam với dân số năm 2021 lên đến gần 100 triệu dân, cùng với tỷ lệ cơ cấu dân số vàng (dân số trong độ tuổi lao động) chiếm đến 64% đang là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á. Trong lĩnh vực điều hòa, Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, cơ cấu dân số vàng chiếm 64%, điều kiện sống, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, cùng với tỷ lệ hộ gia đình chưa sửa dụng điều hòa lên đến hơn 50% giúp quy mô thị trường điều hòa tại Việt Nam được đánh giá có thể lên tới quy mô 2,4 tỷ USD vào năm 2023, đứng thứ 3 ở châu Á. Đây chính là cơ hội lớn để Karofi tự tin với chiến lược kinh doanh mở rộng này. Phương Thanh

Khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022

TĐKT - Ngày 4/1, tại Hà Nội đã tổ chức Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022. Được biết, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và là kênh đầu tư hấp dẫn. Tính đến cuối năm 2021, vốn hóa thị trường đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và xấp xỉ đạt gần 100% GDP. VN-Index lần đầu vượt mốc 1.500 điểm vào ngày 26/11, đánh dấu đỉnh lịch sử về chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022 Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 là năm chúng ta phải “vật lộn” với nhiều thử thách do đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, năm 2021 khép lại với kết quả rất tích cực. Dù dịch bệnh, nhưng GDP vẫn tăng trưởng khoảng 2,59%, Việt Nam giữ vững và ổn định được kinh tế vĩ mô, các vấn đề như lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái... vẫn giữ được ở mức bình thường. Thu hút đầu tư tăng nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và chứng khoán. Năm 2021, thu ngân sách trên thị trường chứng khoán được gần 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này của năm 2020 chỉ là 5.200 tỷ đồng. Năm 2021, các chỉ số chứng khoán tăng lên vùng đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng tăng mạnh mẽ, liên tục là những phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên hơn 2 tỷ USD. Tài khoản chứng khoán mở mới năm 2021 bằng 4 năm trước đó cộng lại. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán năm 2021 tăng 25% so với năm 2020, đặc biệt là phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn có những “lỗ hổng” cần phải “bịt” lại. Nếu doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, vốn ít, không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, đến nền kinh tế đất nước. Do vậy, đây là vấn đề cần hoàn thiện khung pháp lý để chấn chỉnh điều này. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành chứng khoán nỗ lực để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhằm siết lại các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo để đảm bảo sự minh bạch và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch tại sàn TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã được xử lý triệt để, phục vụ kịp thời nhu cầu đầu tư tăng cao vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục cải tiến hệ thống thì trong tương lai gần có thể sẽ tiếp tục xảy ra nghẽn lệnh. Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chỉ đạo HOSE, cùng với Công ty cổ phần FPT luôn chủ động để không xảy ra nghẽn lệnh giao dịch. Theo Bộ trưởng, năm 2022, nền kinh tế vẫn đứng trước thách thức đại dịch tiếp diễn và lạm phát tăng cao. Vì vậy, ngành chứng khoán luôn phải chủ động để đạt được mục tiêu của mình. Do đó ngành Chứng khoán tiếp tục hoàn thiện thể chế cũng như chiến lược phát triển để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch. Về vấn đề xây dựng, hoàn thiện bộ máy, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã được thành lập và cần hoàn thiện theo hướng sắp xếp về tổ chức, bộ máy linh hoạt, hiệu quả nhất. “Bộ máy tốt, con người tốt thì sẽ đạt được thắng lợi. Vì vậy, ngành chứng khoán tập trung cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chuyên môn hóa cao” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu ngành chứng khoán tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. La Giang      

Trang