Kinh tế

Vinh danh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam

TĐKT - Trong khuôn khổ Diễn đàn “Văn hóa với doanh nghiệp “ năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung ương đoàn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 5/12, Ban tổ chức diễn đàn đã vinh danh 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam. 10 doanh nghiệp được vinh danh gồm: Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty TNHH Coats Phong Phú; Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (Pepsico); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty cổ phần Searefico; Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hoa Binh Group); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT); Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng tôn vinh 6 doanh nghiệp ở các nhóm tiêu chí như: nhóm tiêu chí Phát triển bền vững là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây (BITEX); nhóm tiêu chí Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Ở nhóm tiêu chí đạo đức kinh doanh là Công ty TNHH Minh Long I. Nhóm tiêu chí Trách nhiệm xã hội là các doanh nghiệp: Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC); Tổng Công ty May 10 và TAMDA GROUP a.s. Theo Ban tổ chức, đây là các doanh nghiệp đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Bộ tiêu chí là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Bộ tiêu chí gồm có 2 phần với 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường. Trong mỗi nhóm tiêu chí có các tiêu chí cụ thể và các chỉ số đánh giá, đo lường kèm theo. Nguyệt Hà

Chính thức diễn ra "60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam" năm 2021

TĐKT - Từ 0 giờ đêm ngày 3/12, 60 giờ mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm - Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 chính thức được bắt đầu. Trong khung giờ này, người tiêu dùng cả nước sẽ được thỏa sức mua sắm hàng triệu sản phẩm với mức giá hấp dẫn. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm 2021 về thương mại điện tử khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm tại Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố, hiệp hội, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, cùng đồng hành, tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra từ 0h00 thứ Sáu ngày 03/12/2021 đến hết 12h00 ngày Chủ nhật 5/12/2021. Người tiêu dùng có thể “săn voucher” trên các nền tảng của Online Friday 2021 (website https://onlinefriday.vn, các ứng dụng trên nền tảng di động) cũng như từ các website đối tác và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 300.000 sản phẩm chính hãng có chương trình khuyến mãi và hơn 50.000 voucher giảm giá đã được đưa lên hệ thống. Hệ thống Online Friday 2021 cũng đã kết nối với kho dữ liệu hơn 10 triệu sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử, website b2c thông qua Access Trade Việt Nam. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể sử dụng mã giảm giá chung MUASAMVIETNAM áp dụng tại các website, cửa hàng đã đăng ký chương trình với Bộ Công Thương (https://muasamvietnam.onlinefriday.vn) để được hưởng các ưu đãi từ các doanh nghiệp, nhà bán hàng. Ngày hội mua sắm năm nay thu hút được đông đảo các doanh nghiệp thương mại điện tử, các nhà bán hàng lớn, có uy tín như Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Lazada..., các doanh nghiệp sản xuất, cùng các nhà phân phối hàng chính hãng để triển khai các chương trình giảm giá sâu độc quyền lên đến 100%. Việc tổ chức sự kiện trực tuyến Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021 phát huy lợi thế ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử, áp dụng các giải pháp giám sát và thúc đẩy hàng chính hãng, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt và các giải pháp, dịch vụ do doanh nghiệp, start-up Việt phát triển nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Ngày mua sắm trực tuyến 2021 cũng ứng dụng các giải pháp công nghệ số trên nền tảng Internet và mạng viễn thông để thúc đẩy giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên cơ sở đó, phổ biến, nâng cao trải nghiệm của người dân, người tiêu dùng về những nền tảng công nghệ số được ứng dụng trong thương mại điện tử. Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam sẽ hướng đến nghiên cứu và kết hợp triển khai Ngày hội mua sắm trực tuyến của khu vực, thúc đẩy và bắt kịp cùng xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực. Theo đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử, hướng đến phát triển giải pháp thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử là nền tảng để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến, tạo tiền đề cho việc tổng hợp, đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mại trong thời gian diễn ra chương trình. Trong khuôn khổ Ngày mua sắm trực tuyến 3/12/2021 còn diễn ra Tuần lễ mua sắm trực tuyến từ ngày 27/11/2021 đến ngày 5/12/2021 với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Người dân trên toàn quốc truy cập địa chỉ webiste: https://onlinefriday.vn và ứng dụng Online Friday trên các nền tảng di động để lấy thông tin về các chương trình khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình và mua sắm tại các website, ứng dụng của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Phương Thanh

Tháng 11, Hải quan bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm

TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, do nhu cầu sử dụng thuốc và các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh tăng cao, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình đó để tổ chức nhập lậu, quảng cáo và rao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị Covid-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”. Để chủ động phát hiện, ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản cảnh báo vi phạm trong hoạt động nhập khẩu thuốc điều trị Covid-19, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra lô thuốc trị Covid-19 nhập lập Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu ban hành Công văn 1091/ĐTCBL-Đ1 ngày 29/10/2021 chỉ đạo một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh theo loại hình gia công, tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, ngăn chặn nguy cơ thẩm lậu vào tiêu thụ trong nội địa. Để phục vụ công tác tổng kết Kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới năm 2021 và xây dựng Kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản khảo sát, nắm tình hình địa bàn và kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu hàng hóa và vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới địa bàn khu vực miền Trung từ Nghệ An đến Ninh Thuận và các địa bàn liên quan. Kết quả, tính từ 16/10 - 15/11/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.131 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 481.734 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 97.702 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 3 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ. Một số vụ việc điển hình như: Ngày 31/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo - Cục Hải quan Quảng Trị và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đồng chủ trì phối hợp kiểm tra, phát hiện 1 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép các loại đạn quân dụng. Tang vật vi phạm gồm: 1.464 hộp đạn Sellier & Bellot Rimfire Ammunition CLUB và Đạn CCI 22LR STANDARD VELOCITY TARGET LEAD ROUND NOSE 40GR - 1070FPS (tương đương 73.200 viên), mới 100%. Ngày 18/11, tại kho CFS Vinabridge, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 khám phương tiện vận tải, với lô hàng đóng trong 2 Boxes/cartons đã phát hiện 4 vật phẩm động vật (nghi là sừng tê giác), số lượng 4 chiếc, trọng lượng khoảng 19,5kg. Ngày 13/11, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy; Đội 6 - Cục Điều tra chống buôn lậu; PC04 – Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra thực tế 1 bưu kiện xuất khẩu đi Australia, qua soi chiếu nghi vấn bưu kiện có chứa chất ma túy. Kết quả kiểm tra phát hiện khoảng 4.934 gram tinh thể màu trắng, vàng và tím, qua test nhanh cho kết quả là Amphetamine cất giấu đúc trong sáp nến đựng trong vỏ bằng thủy tinh.  Ngày 20/11, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả - Cục Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 7 đối tượng qua 6 vụ việc có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa không có chứng từ hợp pháp qua biên giới không khai báo hải quan theo quy định. Hàng hóa tịch thu gồm: 6.486 điếu thuốc xì gà các loại. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/11/2021, đã phát hiện, bắt giữ 13.092 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.553 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 12.652 vụ, thu NSNN đạt 276,980 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 155 vụ.      Hồng Thiết

Tháng 11 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,7 tỷ USD

TĐKT - Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 11 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước. Tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14%. Tháng 11 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,7 tỷ USD Với kết quả ước tính trên thì trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 599,11 tỷ USD, tăng mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tháng 11/2021 ước tính thặng dư 100 triệu USD. Nâng mức thặng dư trong 11 tháng đầu năm 2021 lên 225 triệu USD. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 11/2021 có tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 41,1 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước 21,5 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước; nhập khẩu là 19,6 tỷ USD, tăng 14,7%.  Tính trong 11 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI có trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 415,13 tỷ USD, chiếm 69% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước và tăng 24,5 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này ước đạt 219 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020 và trị giá nhập khẩu ước 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%. Bên cạnh đó, số thu NSNN từ ngày 1/11/2021 đến ngày 30/11/2021 đạt 33.696 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/11/2021 đạt 349.889 tỷ đồng, bằng 111,1% dự toán, bằng 105,7% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 23,77% so với cùng kỳ năm 2020. Hồng Thiết

Nhập khẩu lốp xe ô tô nhiều vấn đề cần xử lý nghiêm

TĐKT - Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 10, cơ quan Hải quan phát hiện 6 lô hàng lốp ô tô nhập khẩu có hành vi khai sai mã hồ sơ (HS), đã xác định lại mã HS, tăng thu cho ngân sách nhà nước 1,5 tỷ đồng. Thời gian qua, Trực ban Tổng cục Hải quan tăng cường chỉ đạo các chi cục rà soát đối với hoạt động nhập khẩu mặt hàng lốp xe ô tô có nguy cơ gian lận về khai sai tên hàng, mã số HS làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Lốp xe nhập khẩu Đặc biệt, tập trung kiểm tra đối với mặt hàng khai báo là lốp sử dụng cho các loại xe ô tô tải, ô tô chở khách, xe container, xe sơ mi rơ moóc... theo hướng dẫn tại Công văn số 4389/TCHQ-TXNK ngày 13/9/2021 của Tổng cục Hải quan. Mặt hàng lốp xe ô tô, kích thước chiều rộng không quá 450 mm, mã HS 4011.2010, có thuế suất nhập khẩu ưu đãi 25%, được nhập khẩu sử dụng cho xe khách, xe chở hàng, xe đầu kéo container… Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng lốp xe ô tô từ Trung Quốc khai báo lốp chỉ dùng cho xe đầu kéo để áp mã HS 4011.9010, hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Nhưng thực chất đây là mặt hàng được sử dụng chung cho nhiều loại xe như: Xe đầu kéo container, xe chở khách, xe chở hàng... Chỉ trong tháng 10 vừa qua, Trực ban Tổng cục đã yêu cầu các chi cục xác định lại mã HS của 6 lô hàng lốp ô tô nhập khẩu theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 4389/TCHQ-TXNK. Kết quả kiểm tra, áp đúng mã số HS của các lô hàng đã giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ đồng. Được biết, về bản chất kỹ thuật, lốp ô tô là sản phẩm có yêu cầu cao về đảm bảo an toàn vận hành nên được các nhà sản xuất sản xuất theo các quy chuẩn chung, tại Việt Nam là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô (QCVN 34:2017/BGTVT), trong đó quy định cụ thể về kích thước, cấu trúc, cấp độ tốc độ, khả năng chịu tải, chỉ số áp suất… Do vậy, về mặt kỹ thuật, lốp bơm hơi kích thước chiều rộng không quá 450 mm chủ yếu dùng cho xe chở khách, xe chở hàng, xe đầu kéo container… phải đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 34:2017/BGTVT, phù hợp để áp mã HS 4011.20. Việc doanh nghiệp khai báo nhập khẩu lốp xe ô tô chỉ dùng cho xe đầu kéo, không tuân thủ theo tiêu chuẩn QCVN 34:2017/BGTVT để áp mã HS 4011.90 nhằm trốn thuế là không đủ điều kiện. Việc gian lận của doanh nghiệp trong khai báo đối với mặt hàng lốp ô tô nhập khẩu không chỉ gây thất thu số tiền thuế lớn cho ngân sách nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn về an toàn giao thông trong quá trình sử dụng. Bởi, theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải, quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, lốp sử dụng cho xe tải hoặc xe chở khách (mã HS 4011.20) thuộc nhóm đối tượng phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn, hợp quy. Tuy nhiên, doanh nghiệp khai báo sai mục đích sử dụng, áp mã HS 4011.90 lốp chỉ sử dụng cho xe đầu kéo container nên không chịu sự quản lý của Thông tư 41/2018/TT-BGTVT, dẫn đến không thực hiện công bố hợp quy, không có đơn vị chịu trách nhiệm về việc kiểm tra nhà nước, dẫn đến rủi ro rất lớn về an toàn giao thông trong trường hợp lốp nhập khẩu được sử dụng sai mục đích. Trực ban Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát, tham mưu lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn để làm rõ bản chất hàng hóa và yêu cầu xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về việc kiểm tra chất lượng nhà nước đối với mặt hàng lốp ô tô, cũng như thống nhất trong việc áp mã HS để chống thất thu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh nhập khẩu lốp ô tô. Theo đó, cơ quan Hải quan cũng khuyến cáo đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng lốp ô tô xe tải, xe khách, xe đầu kéo nhập khẩu cần yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp chứng từ chứng minh hàng hóa đã công bố hợp quy, đáp ứng quy chuẩn QCVN 34:2017/BGTVT. Thái Bình (HT)

Thành lập Phân viện Blockchain & Tài sản số đầu tiên tại Việt Nam

TĐKT - Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cùng Liên minh Chuyển đổi số DTS và Học viện Chuyển đổi số IM GROUP vừa công bố thành lập Phân viện Blockchain & Tài sản số đầu tiên tại Việt Nam, bên cạnh các khoa hiện có là Tiếp thị số, Bán hàng số và Chuyển đổi số tổ chức. Phân viện ra đời với sứ mệnh mở đường tiên phong đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng blockchain, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội dẫn đầu về ứng dụng blockchain trong chuyển đổi số. Hình ảnh ông Nguyễn Ngọc Dũng (Chủ tịch VECOM), ông Trương Gia Bảo (Chủ tịch DTS), ông Nguyễn Minh Đức (CEO IM Group) cùng thực hiện nghi thức ra mắt Phân viện Blockchain & Tài sản số đầu tiên tại Việt Nam. Phân viện Blockchain & Tài sản số sẽ đào tạo những kiến thức bài bản, chính thống từ gốc rễ đến nâng cao về blockchain & tài sản số. Học viên tốt nghiệp có đủ kiến thức, kỹ năng thực tế để phát triển ứng dụng công nghệ blockchain theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phân viện Blockchain & Tài sản số xác định giá trị cốt lõi ngay từ đầu là “Thực tế - Đồng hành – Đổi mới sáng tạo”. Chính vì vậy, toàn bộ học viên tham gia các chương trình học tại IM Group được tiếp cận với mô hình huấn luyện thực tiễn: 30% lý thuyết – 70% thực hành, được giảng dạy trực tiếp từ các CEO đã triển khai những dự án ứng dụng blockchain mang tầm cỡ quốc tế. Học viên có được những cơ hội được cọ sát thực tế ngay tại lớp, tích lũy thêm kinh nghiệm phong phú cho bản thân xuyên suốt quá trình học. Qua đó, học viên sẽ nắm vững được toàn bộ những kiến thức, tự tin tham gia các dự án chuyển đổi số doanh nghiệp trên nền tảng blockchain. Phân viện Blockchain & Tài sản số do Tiến sĩ - Nghiên cứu sinh Phan Minh Đạt làm trưởng phân viện, đào tạo 6 bộ môn: Quản trị tài sản số, Pháp lý tài sản số, Giao dịch tài sản số, Chiến lược đầu tư tài sản số, Marketing tài sản số, Blockchain quản trị nhân sự. Ngoài những bộ môn trên, Phân viện Blockchain & Tài sản số có cả chương trình đào tạo dành cho CEO cùng chương trình kinh doanh trên hệ sinh thái sàn. Hình ảnh Tiến sĩ - Nghiên cứu sinh Phan Minh Đạt thực hiện ký kết hợp tác, chính thức trở thành Trưởng Phân viện Blockchain & Tài sản số đầu tiện tại Việt Nam trong buổi lễ ra mắt. Đội ngũ giảng viên, cố vấn Phân viện Blockchain & Tài sản số là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực blockchain và tài sản số. Học viện Chuyển đổi số IM GROUP - đơn vị chủ quản của Phân viện Blockchain và Tài sản số - cũng đã làm việc với các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam như KardiaChain, VNDC, DEHR… để ký kết thỏa thuận hợp tác đồng hành cùng Phân viện Blockchain & Tài sản số nhằm cung cấp những kiến thức thực tế và cập nhật, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ học viên ứng dụng tốt công nghệ blockchain giúp doanh nghiệp Việt chuyển đổi số. Ông Nguyễn Minh Đức (CEO IM Group) và ông Vince Hoang (CEO & Co-founder DEHR Network) cùng thực hiện ký kết hợp tác trong buổi lễ ra mắt. Lãnh đạo Phân Viện Blockchain và Tài sản số cùng các chuyên gia tin rằng với việc được đào tạo bài bản, nội dung giáo trình phù hợp, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực chiến sẽ góp phần giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam không những bắt kịp xu thế hiện nay mà còn có thể dẫn đầu thị trường, kêu gọi được các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế khi ứng dụng công nghệ Blockchain vào các hoạt động của doanh nghiệp. Phương Thanh

Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam nhận Giải thưởng quốc tế về kiểm soát môi trường năm 2021

TĐKT - Ngày 30/11, Lễ trao giải thưởng Kiểm soát môi trường châu Á đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 240 đại biểu đến từ 38 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Tham dự tại điểm cầu Việt Nam có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng. Tại đầu cầu phía Tổng Cục Hải quan Việt Nam Tại lễ trao giải lần này, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa được lựa chọn là một trong những đơn vị nhận giải thưởng Kiểm soát môi trường châu Á năm 2021 với hạng mục Phối hợp (Collaboration). Giải thưởng Kiểm soát môi trường châu Á được quyết định bởi một Ủy ban đánh giá quốc tế bao gồm các chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Ban Thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) xét duyệt hàng năm nhằm công nhận và biểu dương sự xuất sắc trong việc thực thi của các quan chức chính phủ, các tổ chức hoặc đội chống tội phạm môi trường xuyên biên giới. Phạm vi chuyên đề của Giải thưởng bao gồm các nhóm tội phạm môi trường xuyên biên giới như buôn bán trái phép động vật hoang dã, buôn bán bất hợp pháp hóa chất hoặc chất thải nguy hại. Đây là lần thứ sáu Giải thưởng được tổ chức và Giải thưởng năm 2021 được lựa chọn, trao cho những cá nhân và tổ chức thể hiện sự xuất sắc ở một trong 3 hạng mục sau: Hợp tác; đổi mới và lãnh đạo. Lễ trao giải bằng hình thức trực tuyến Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam, Cục Kiểm soát – Hải quan Thái Lan và Cục Chống buôn lậu – Hải quan Hoàng Phố (Trung Quốc) được lựa chọn đồng chiến thắng giải thưởng trong hạng mục Hợp tác. Việc lựa chọn trên được dựa trên sự thành công về hợp tác của 3 đơn vị chống buôn lậu nêu trên trong cơ chế hoạt động của Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn III (Chiến dịch do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc phối hợp đồng sang kiến và triển khai được 3 giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 với phạm vi toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương) với các kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã và cụ thể trong phối hợp, chia sẻ thông tin để phát hiện bắt giữ các lô hàng gỗ trắc thuộc danh mục CITES vận chuyển bất hợp pháp qua nhiều quốc gia trong khu vực và lợi dụng giấy phép của cơ quan chức năng để buôn lậu vào Trung Quốc. Trong đó, Hải quan Thái Lan bắt giữa 2 lô hàng, Hải quan Hoàng Phố - Trung Quốc bắt giữ 29 tấn gỗ Dalbergia và 4 đối tượng, Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực trong xây dựng cơ chế phối hợp, họp bàn trực tuyến nhằm phân tích, chia sẻ thông tin hỗ trợ phát hiện hoạt động vận chuyển trái phép xuyên quốc gia, đồng thời đánh giá, khuyến nghị các phối hợp, quản lý hiệu quả. Trong thư chúc mừng gửi Hải quan Việt Nam, Cơ quan môi trường Liên hiệp quốc  - Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đánh giá cao những nỗ lực của Hải quan Việt Nam nói chung và Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam nói riêng trong các hoạt động phối hợp kiểm soát quốc tế nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động thực vật hoang dã nguy cấp với những sáng kiến chủ động. Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục Hải quan Việt Nam, Lưu Mạnh Tưởng đã thay mặt Tổng cục Hải quan Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Cơ quan môi trường Liên Hiệp quốc UNEP, Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc, Cơ quan Cảnh sát quốc tế - Interpol, Tổ chức Hải quan Thế giới đã lựa chọn Cục Điều tra chống buôn lậu - Hải quan Việt Nam là một trong những đơn vị được nhận giải thưởng về Kiểm soát môi trường năm 2021 với hạng mục Phối hợp. Đây là một niềm vinh dự lớn cho Hải quan Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng đánh giá, giải thưởng này vừa thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường nhưng cũng vừa là động lực thúc đẩy Hải quan Việt Nam nói chung và lực lượng kiểm soát nói riêng phải nỗ lực hơn nữa, tập trung hơn nữa trong cuộc chiến cam go này khi mà hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phức tạp hơn trong bối cảnh đại dịch với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Phó Tổng cục trưởng cũng trân trọng cảm ơn các bạn đồng nghiệp Hải quan Trung Quốc, Hải quan Thái Lan, đã cùng phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, sự điều phối tích cực của RILO AP và UNODC trong chương trình hợp tác đấu tranh với nạn vận chuyển trái phép mặt hàng gỗ thuộc danh mục CITES trong thời gian vừa qua. Cảm ơn các đồng nghiệp hải quan và mạng lưới kiểm soát toàn cầu đã hỗ trợ hải quan Việt Nam cũng như bày tỏ hy vọng và tin tưởng các bên sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ hơn nữa với nhau trong thời gian tới vì chỉ thực sự thành công khi không còn các loài nguy cơ tuyệt chủng nào bị phá hủy hoặc tiêu diệt. Lễ trao giải được thực hiện cùng với các hoạt động kiểm soát khác bao gồm Hội nghị tổng kết Chiến dịch Con rồng Mê Kông III và Hội nghị về mạng lưới Kiểm soát khu vực và liên khu vực về động thực vật hoang dã diễn ra từ ngày 30/11 – 2/12/2021. Đây sẽ là dịp để các cơ quan thực thi pháp luật về môi trường như công an, hải quan, kiểm lâm, tòa án, các tổ chức quốc tế về kiểm soát môi trường trong khu vực và liên khu vực cùng trao đổi thảo luận để tăng cường hiệu quả các hoạt động kiểm soát trong thời gian tới. Hồng Thiết  

Tích cực thí điểm hải quan số, hải quan thông minh

TĐKT - Hiện nay, Cục Hải quan Hải phòng đã và đang tích cực thực hiện nhiều nội dung liên quan, để thực hiện thành công hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan. Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn làm việc với Cục Hải quan Hải Phòng về thực hiện hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn yêu cầu Cục tiếp tục chủ động, sẵn sàng để là một trong những đơn vị đầu tiên của toàn ngành thực hiện thí điểm, tập trung nguồn lực và sẵn sàng triển khai thành công hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan. Theo dó, từ khi có chủ trương của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan về thực hiện hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, đơn vị đã chủ động quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức (CBCC) trong đơn vị; đồng thời thành lập các nhóm chuyên gia nghiên cứu các nội dung liên quan từ tài liệu của Tổng cục Hải quan để tham gia đóng góp nhiều ý kiến từ quy trình thủ tục, giải pháp công nghệ, mô hình thực hiện, cách thức tổ chức triển khai… Đây là nền tảng quan trọng để Hải quan Hải Phòng tiếp tục thực hiện các nội dung công việc liên quan, sẵn sàng thực hiện thí điểm thành công hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. Trước đó, ngày 8/2/2021, Cục Hải quan Hải Phòng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Cục trưởng làm trưởng ban; thành lập các tổ, nhóm nghiên cứu để thực hiện hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. Các tổ, nhóm nghiên cứu sẽ duy trì hoạt động từ khi thành lập đến khi hệ thống đi vào triển khai để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra một cách xuyên suốt. Ngoài ra, Cục Hải quan Hải Phòng đã cử hàng chục cán bộ, công chức tham gia nhóm nghiệp vụ, nhóm kỹ thuật và cả đội ngũ làm việc chuyên trách, bán chuyên trách tại Tổng cục Hải quan. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong quá trình thực hiện thí điểm và triển khai chính thức trong thời gian tới. Từ thực tế hoạt động ở địa phương và trên cơ sở nghiên cứu hệ thống tài liệu do Tổng cục Hải quan xây dựng, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, thực hiện thành công hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan, có những lợi ích cụ thể như: Hoạt động kiểm soát hải quan, thu thuế xuất nhập khẩu, phân tích dữ liệu… hiệu quả hơn; thông quan nhanh hơn; áp dụng thống nhất các quy định của Luật Hải quan; công tác thống kê hải quan chính xác, kịp thời; nâng cao chất lượng dữ liệu… Về lợi ích đối với cộng đồng doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp khai báo thủ tục mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ; thời gian thông quan nhanh sẽ giảm thiểu nhiều chi phí logistics. Đáng chú ý, doanh nghiệp được sử dụng phần mềm miễn phí do cơ quan Hải quan cung cấp; chỉ thực hiện khai báo thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính; dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục liên quan đến hàng hóa…Với khoảng 24.000 doanh nghiệp làm thủ tục thường xuyên tại Hải quan Hải Phòng mỗi năm với hàng triệu tờ khai, kim ngạch hàng chục tỷ USD, lợi ích của Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh mang lại sẽ rất to lớn. Theo nghiên cứu, so sánh thực tế của Hải quan Hải Phòng, hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với các bộ, ngành, bởi được thực hiện thủ tục hành chính trên cùng một hệ thống; được tự động chia sẻ thông tin về các lô hàng xuất nhập khẩu; theo dõi, quản lý hàng hóa từ khi đăng ký tờ khai hải quan đến khi lưu thông trên thị trường… Hồng Thiết

Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường khí

TĐKT - Sáng 30/11, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Gas Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị "Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường tại Hà Nội". Hội nghị "Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường tại Hà Nội". Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thu thập nhiều ý kiến phản biện, góp ý đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ thách thức để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường khí quốc gia. Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng tương đối đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí. Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý Nhà nước nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định cần được thay thế, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý. Vụ Thị trường trong nước cho biết, hoạt động kinh doanh khí hiện nay được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan. Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, diễn đàn về thị trường kinh doanh khí để lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh khí về những bất cập cần sớm xem xét, đánh giá tổng thể và sửa đổi đối với các quy định về kinh doanh khí. Một số bất cập cụ thể: Tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động nhưng chưa được điều chỉnh, một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh, mua bán khí). Chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiến dụng, cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, chạm chiết nạp LPG vào chai trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh. Quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận thương mại... Thiếu quy định về quản lý đối với trạm cấp khí. Việc triển khai công tác kê khai giá, kiểm soát giá không được thực hiện nghiêm túc và khó kiểm tra... Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất trong thời gian tới, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện về kinh doanh khí cần đạt được các yêu cầu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh; loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không ban hành điều kiện kinh doanh trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền; các quy định đưa ra phải đảm bảo yêu cầu rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện và có lộ trình tuân thủ phù hợp. Phương Linh

Công bố Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com

TĐKT - Sáng 30/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố chương trình "Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com". Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT JD.com do Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với Tập đoàn JD và các đối tác xây dựng, với mục tiêu hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả hơn. Đây sẽ là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên nền tảng TMĐT tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn TMĐT quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công Thương, Cục TMĐT và Kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu, từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình. Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của sàn TMĐT và của luật pháp tại nước nhập khẩu, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng TMĐT của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình TMĐT xuyên biên giới B2B2C đã được nhiều quốc gia triển khai thời gian qua. TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Hình thức này sẽ giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đến người dùng cuối tại nhiều thị trường mà không phải qua các khâu trung gian, có thể giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu. TMĐT xuyên biên giới cũng là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham nhập vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Phương Thanh  

Trang