Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
14/03/2017 - 00:00

TĐKT – Sáng 14/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Dự  chương trình có:  TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI; Đại sứ Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ – Trưởng nhóm nghiên cứu PCI và đại diện lãnh đạo  63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp dân doanh, nước ngoài…

Được thực hiện năm thứ 12 liên tiếp, báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng PCI 2016, TP Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.  Lần lượt đứng vị trí thứ hai và ba trong bảng xếp hạng là Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm).  Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,72 điểm) đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất. Các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

PCI 2016 cho thấy nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Kết quả điều tra PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

Điều tra 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010. Các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp.

Báo cáo PCI năm nay dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp đối với vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.

Minh Phương