TĐKT - Ngày 6/6, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác quyền Sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức "Hội thảo Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ".
Toàn cảnh Hội thảo
Diễn giả của Hội thảo là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những liên quan đến hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam; bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: Hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam; bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ.
Từ những ý kiến, kiến nghị và đề xuất mà các doanh nghiệp đưa ra, các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế chính sách trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cùng nhau chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Vấn nạn hàng giả không chỉ xảy ra ở nước ta mà còn là vấn nạn chung trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển. Ở nước ta, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp.
Người tiêu dùng rất lúng túng trước một thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, nhưng thật, giả khó lường. Có thể thấy hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, từ hàng tiêu dùng đến vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm…
Nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước do thất thu thuế; cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng do ảnh hưởng uy tín thương hiệu, giảm thị phần; cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài do môi trường cạnh tranh không lành mạnh; nạn hàng giả còn gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, chống hàng giả không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng của nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và toàn xã hội. Có thể nói, chống hàng giả vừa là công việc cấp bách, vừa là công việc lâu dài.
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu (Đại học Thương mại Hà Nội) chia sẻ quan điểm rằng: Việc chống hàng giả, hàng nhái cần phải được thực hiện từ tư duy đến hành động. Nói đến vấn đề chống hàng giả, chúng ta cần phải tiếp cận từ góc độ tư duy và thay đổi ngay từ trong tư duy; thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, của các cơ quan chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta không thể chống được hàng giả.
Phương Linh