TĐKT - Ngày 8/6, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 (VBS 2018) với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách”.
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất năm tại Việt Nam về xây dựng chính sách, nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain. Sự kiện thu hút sự tham gia trực tiếp của trên 500 đại biểu và hàng nghìn người biết tới sự kiện trên môi trường trực tuyến.
Khai mạc Diễn đàn VBS 2018
Nhiều nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, giảng dạy và kinh doanh hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chất lượng, logistics, truy xuất nguồn gốc… đã tham gia trình bày và thảo luận tại Diễn đàn.
Các diễn giả nhận định: Công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo ra công nghệ nền tảng tương tự như công nghệ TCP/IP đối với sự phát triển của Internet.
Có thể hiểu blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WWF), nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán tới năm 2025 có 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain. Cũng vào năm đó sẽ có những chính phủ thu thuế thông qua công nghệ này.
Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều khái niệm về Blockchain khác nhau và cách hiểu khác nhau về nó. Với 3 phiên thảo luận chính, VBS 2018 giúp nhiều tổ chức, cá nhân nhận định và hiểu rõ hơn bề blockchain cũng như những chính sách của nhà nước với công nghệ nổi bật này.
Tại phiên thứ nhất, với chủ đề “Tổng quan về blockchain – nền tảng của nền kinh tế số”, các diễn giả chia sẻ tại sao blockchain sẽ tạo ra sự đột phá cho kinh tế - xã hội, những hoạt động liên quan tới giao dịch và dữ liệu cần tới tính minh bạch, chia sẻ và an toàn thông tin.
Phiên 2 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ blockchain trong một số lĩnh vực” sẽ cho thấy rõ một ứng dụng nổi bật của blockchain là tiền mã hóa (cryptocurrency) đã được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và truyền thông quan tâm trong những năm gần đây. Các đại biểu cũng đã thảo luận về những thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực logisitics; truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; giới thiệu một số ứng dụng của blockchain trong các lĩnh vực khác như fintech, bảo hiểm, y tế, dịch vụ công…
Sau khi thảo luận tình hình ứng dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam như logistics và hoàn tất đơn hàng, truy xuất nguồn gốc nông sản, VBS 2018 trao đổi các vấn đề xây dựng chính sách và pháp luật.
Việt Nam đang đứng ở đâu và sẽ đứng ở thứ hạng nào trên thế giới trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain vào hoạt động kinh tế? Từ thực tiễn phát triển Internet có thể thấy thời gian để công nghệ này thâm nhập vào kinh tế xã hội khá dài và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa to lớn. Các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật đã có sự chuẩn bị như thế nào để khai thác lợi thế của blockchain? Cần có sự phối hợp ra sao giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…? Đó chính là nội dung của phiên thứ 3: “Chính sách thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain”.
Nhân dịp này, tại Diễn đàn, VECOM đã tổ chức lễ ra mắt Chi hội Blockchain. Chi hội là nơi quy tụ các hội viên của VECOM cũng như mọi tổ chức, cá nhân quan tâm tới nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain. VECOM kỳ vọng trong ba năm, từ 2018 – 2020, Chi hội sẽ góp phần tích cực vào việc ứng dụng công nghệ blockchain vào nhiều lĩnh vực kinh tế.
Phương Thanh