Hà Nội thi đua ái quốc

Khâm Thiên vượt qua nỗi đau của “Đêm B52”

TĐKT - Đến phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) trong không khí những ngày cả Thủ đô hướng đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", được trò chuyện cùng những nhân chứng trong trận rải bom B52 lịch sử diễn ra vào đêm ngày 26/12/1972 tại chính con phố này; được tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của mảnh đất và con người phố Khâm Thiên hôm nay….chúng tôi  - những người trẻ tuổi càng thêm khâm phục, biết ơn và trân trọng hơn hạnh phúc, hòa bình mà chúng ta đang có được. Cách đây 50 năm, vào khoảng 22 giờ ngày 26/12/1972, đêm thứ chín trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không”, nhiều tốp máy bay B52 của không quân Mỹ đã ồ ạt thả bom khu vực Khâm Thiên. Khoảng một nghìn quả bom đã trút xuống. Vệt bom kéo dài hơn 1.000 m đã tàn phá 17 khối phố, trong đó các khối phố 42, 44, 45, 46 và 47 bị san phẳng. Cả khu phố chìm trong khói lửa. Trạm y tế, cửa hàng lương thực, thực phẩm, chợ Khâm Thiên, đình Tương Thuận, nhiều cơ sở sản xuất và gần 550 ngôi nhà đã bị bom phá hủy. 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng... Gần 300 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ đã chết, hơn 260 người bị thương. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con, 66 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 112 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, đau thương chồng chất. Hình ảnh người mẹ ôm con chết đứng do sức ép của bom B52 ngay chân cầu thang ngôi nhà số 47 Khâm Thiên sau đó đã được các họa sĩ tạc lại, trở thành dấu tích lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cả dân tộc ta. Ông Vũ Xuân Trường thắp nén nhang, tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống trong Đêm B52 tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên Đứng trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên (số 47, 49, 51 phố Khâm Thiên), thắp nén nhang, tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống trong đêm B52, ông Vũ Xuân Trường, 72 tuổi, ở số 339 Văn Chương, xúc động, hồi tưởng lại với chúng tôi về ký ức buồn năm ấy. Lúc đó, ông mới là chàng thanh niên hai mốt, hai hai tuổi. Là cảnh sát khu vực Khối 47, Đồn số 42, Công an Khu phố Đống Đa, TP Hà Nội, ông được phân công phụ trách từ 250 - 300 hộ dân ở Khối 47. Ông Trường cho biết: Bắt đầu từ ngày 18/12/1972, không quân Mỹ đã liên tục rải bom ở khu vực Hà Nội. Vì vậy, tối nào ông cùng các chiến sĩ khác trong đơn vị cũng đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động nhân dân đi sơ tán, nhắc nhở người dân vào các hầm trú ẩn cá nhân, gia đình hay hầm công cộng mỗi khi có báo động. Sau đó, đến khoảng 10 giờ đêm, tất cả các chiến sĩ phải quay trở về đồn để báo cáo cụ thể tình hình cho chỉ huy, xem khu vực mình quản lý có bao nhiêu người già, trẻ em, số người đã đi sơ tán và ở lại. Đêm 26/12/1972, vẫn làm công tác ấy như mọi ngày, nhưng ông Trường chưa kịp quay trở về Đồn thì xảy ra trận rải bom khủng khiếp ấy. May mắn thoát chết, nhưng ông thực sự đau xót khi chứng kiến toàn bộ cảnh tang thương của phố Khâm Thiên năm ấy. Ông Trường còn nhớ: “Sau loạt tiếng nổ ầm ầm, rung cả chuyển đất trời và những luồng ánh sáng tung tóe, tôi bò ra khỏi hầm và xót xa khi nhìn thấy nhà cửa toàn khu phố đã trở nên đổ nát, chìm trong khói lửa. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng người dân kêu cứu vọng lại. Chẳng màng đến những bom nổ chậm hay bom bi, trèo qua đống đất đá, lần theo tiếng kêu cứu, tôi cùng các chiến sĩ thẳng một mạch xuống với dân.” Đã 50 năm trôi qua, nhưng ông Trường vẫn nhớ như in thời đểm chạy tới cứu bà Nguyễn Thị Thuận (vợ ông Trương Minh Tư) quản đốc phân xưởng Xí nghiệp 1 Đồng Quang – nơi chuyên xay bột nếp phục vụ cho chiến đấu và cung cấp cho nhà máy Dược phẩm thời bấy giờ. Đêm hôm trước, Xí nghiệp vừa nhập về 10 tấn gạo nếp vào kho nên bà Thuận phải ở lại trông nom kho gạo. Đêm 26/12, bom nổ trúng kho gạo ở hầm đầu hồi, khoét bay 10 tấn gạo và còn khoét sâu thêm 1 hố bom to như 1 cái giếng làng. Bà Thuận tuy bị kéo xuống miệng hố bom 2 mét, nhưng may mắn sống sót. Chính ông Trường đã phát hiện và trực tiếp cõng bà Thuận lên khỏi miệng hố bom ra đầu Cống Trắng để chờ xe cứu thương. Đêm hôm đó, ông Trường không nhớ hết trên lưng mình đã cõng, cứu bao nhiêu người ra Cống Trắng. Ông bảo, không hiểu sao lúc đó mình lại khỏe đến vậy. Cứ cứu hết người này, đến người khác, cho đến khoảng 1 - 2 giờ sáng mới quay về Đồn. Sau đêm B52, liên tục gần 1 tháng trời, ông Trường cùng các chiến sĩ còn sống tiếp tục nhiệm vụ chăm lo cho dân, cùng nhân dân khắc phục, ổn định cuộc sống để đón Tết. Nhiều năm nay, bà Phượng vẫn giữ thói quen trở về ngôi nhà số 68 Khâm Thiên để thắp hương tưởng nhớ về tổ tiên, về người anh liệt sĩ và những người đã khuất trong đêm B52 năm 1972 Cùng chung tâm trạng xúc động khi kể lại cho chúng tôi nghe về những gì mắt thấy, tai nghe trong đêm rải bom B52 của không quân Mỹ năm 1972 tại con phố Khâm Thiên, bà Nguyễn Bích Phượng, 75 tuổi, trú tại số 68 Khâm Thiên chia sẻ: Ngày đó, tôi làm y tá của Bệnh viện Đường sắt, ban ngày trực chiến, tối được về nhà với mẹ. Bố tôi mất sớm, tôi ở cùng mẹ và 4 người anh, em trai. Nhưng một người anh trai của tôi đã hy sinh ở chiến trường; một anh thì đi bộ đội, còn hai em trai là sinh viên, ở lại trường. Chỉ có hai mẹ con tôi ở nhà vào đêm hôm ấy. Bà Phượng nhớ lại: “Tầm 10 giờ đêm, tôi nghe có tiếng còi báo động; cùng đó là xuất hiện những tiếng ì ì đầy áp lực của những chiếc máy bay chở bom chao lượn trên bầu trời. Hai mẹ con tôi nhanh chóng chui vào gầm cầu thang trú ẩn, nhưng càng lúc, tiếng ì ì ấy càng gần, cứ thúc vào lồng ngực, vào tim chúng tôi đến nghẹt thở. Sau đó là liên tiếp những tiếng bom nổ ầm ầm rồi những đợt lửa tóe sáng, làm bật tung các cánh cửa của ngôi nhà.” Sau trận rải bom, may mắn hai mẹ con bà vẫn còn sống nhưng ngôi nhà thì mất toàn bộ mái, cửa giả bung hết. Nhiều người hàng xóm thân quen của gia đình bà đã ra đi mãi mãi vào đêm hôm đó. Hôm nay, ngồi trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian ở tầng hai, số 68 phố Khâm Thiên, chỉ tay về phía những vết nứt dài trên bức tường bạc màu cùng cánh cửa cũ kỹ, bà Phượng nghẹn ngào những ký ức buồn. Bà cho biết, tuy hiện nay bố mẹ đã không còn, bà và các anh em cũng đã có gia đình riêng và định cư ở nơi khác, nhưng sáng nào cũng vậy, người phụ nữ 75 tuổi này đều đặn trở về căn nhà cũ để thắp hương cho tổ tiên, cho linh hồn người anh liệt sĩ và tưởng nhớ về những người đã khuất trong đêm B52 ngày ấy. Bộ mặt mới khang trang, sầm uất của phố Khâm Thiên hôm nay 50 năm trôi qua, cùng với thời gian và sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của UBND, các đoàn thể chính trị - xã hội nhân dân phường Khâm Thiên đã đứng dậy, vượt qua thương đau, mất mát, tạo dựng cuộc sống mới. Ông Hoàng Quang Khải, Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên cho biết: Dù ở bất kỳ thời điểm nào, trong chiến tranh hay hòa bình, người dân phố Khâm Thiên luôn đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ, chính quyền phường Khâm Thiên luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, không ngừng cải thiện vật chất và tinh thần. Hiện nay, phường Khâm Thiên không có hộ nghèo, thu nhập của người dân được nâng cao. Các phong trào thi đua, hoạt động xã hội trên địa bàn phường phát triển mạnh. Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được tặng cường, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác phòng cháy, chữa cháy thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; không có điểm nóng, không xảy ra khiếu kiện. Ông Hoàng Quang Khải cho hay, năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của UBND phường, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân toàn phường, tình hình kinh tế xã hội của phường Khâm Thiên đạt kết quả tốt. Tính đến hết tháng 10/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn phường đạt 8.134.364.000đồng/ 7.619.000.000 đồng, đạt 106.8%. Đến nay, 11/11 tổ dân phố hoàn thành 100% các loại quỹ dân nguyện. Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện các chính sách đối với người, gia đình có công với cách mạng và chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Trong Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ vừa qua, phường Khâm Thiên đã trao 149 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 700.000đ, 149 suất quà cho 100% thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trên địa bàn phường. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Hà Nội - chiến thắng Điện Biên phủ trên không”, phường phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu tặng 37 quà cho các gia đình bị thiệt hại, tổn thất trong chiến dịch năm 1972./. Mai Thảo

Cục Thuế thành phố Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023

TĐKT - Chiều 20/12, Cục Thuế thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác thuế năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023. Tới dự có: Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Năm 2022, nhận thức được rõ thách thức trong công tác thu ngân sách, ngành Thuế Thủ đô đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch được giao. Theo đó, dự kiến tổng thu ngân sách năm 2022 đạt kết quả khả quan. Năm 2022, ước thực hiện 303.989 tỷ đồng, đạt 107,9% dự toán, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2021. Cơ cấu thu tiếp tục chuyển dịch theo hướng bền vững, nâng tỷ lệ thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và giảm dần các khoản thu liên quan đến tài nguyên, đất đai. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trao Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Cục Thuế thành phố Hà Nội Ngoài ra, các mặt công tác thuế khác cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức mới, linh hoạt và hiệu quả; thể hiện thông qua việc các gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất đã đến được với các doanh nghiệp, người nộp thuế đủ điều kiện. Công tác hiện đại hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung bằng những ứng dụng, nền tảng mới, đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030. Công tác thu hồi nợ đạt hiệu quả, đặc biệt là thu các khoản nợ từ đất đai, qua đó góp phần vào kết quả chung của toàn ngành về thu ngân sách. Uớc thu hồi nợ thuế và xử lý 9.038 tỷ, trong đó, nợ nghĩa vụ tài chính về đất là 1.685 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân, tập thể của Cục Thuế thành phố Hà Nội Năm 2023, Cục Thuế thành phố Hà Nội được giao dự toán thu ngân sách 325.902 tỷ đồng, tăng 7,2% so với ước thực hiện năm 2022. Để phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 6 nhóm giải pháp; trong đó, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách; kiến nghị tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách… Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, năm 2023, Cục Thuế thành phố Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý thuế; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế. Thu từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 dự báo sẽ khó khăn. Vì vậy, Cục Thuế tập trung đánh giá, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ngay từ thời điểm này. Đồng thời, tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị thành phố, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Hà Minh Hải gợi ý Cục Thuế đăng ký đề án chuyển đổi số với hộ kinh doanh và chuyển đổi số trong quản lý nợ, từ đó giúp quản lý nợ giảm về nhân lực và rủi ro. Cùng với đó là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội với phương châm 5 bước: “Biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa”. Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hoàn thành vượt mức thu ngân sách trong năm 2023. Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; tăng cường quản lý thuế đối với kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”. Tại Hội nghị, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Trường được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 3 tập thể được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 tập thể và 8 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hưng Vũ  

Hà Nội hỗ trợ người lao động khó khăn, thiếu việc làm, mất việc, bị nợ lương dịp Tết Nguyên đán 2023

TĐKT – Những tháng cuối năm 2022, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tình hình lạm phát kéo dài ở nhiều quốc gia, cùng với những diễn biến phức tạp của chính trị, kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, dẫn đến người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với đoàn viên, góp phần ổn định an sinh xã hội, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do thiếu việc, mất việc làm, bị nợ lương ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm hỏi, tặng Túi an sinh cho người lao động Theo đó, đối tượng áp dụng cụ thể là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ TP quản lý hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn nhưng đã thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, NLĐ có quan hệ lao động ký hợp đồng lao động trước 1/10/2022, có đủ một trong những điều kiện sau: Đang bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ sau ngày 1/10/2022 do doanh nghiệp gặp khó khăn; đoàn viên, NLĐ bị nợ lương ít nhất 3 tháng do doanh nghiệp khó khăn hoặc chủ bỏ trốn. Mức hỗ trợ nhóm đối tượng này là 1 triệu đồng/người. Đối với đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở không bố trí được tiền thưởng năm, thưởng Tết cho người lao động (hỗ trợ 500.000 đồng/người); bị cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, bị ngừng việc có thu nhập bình quân tháng 10 và tháng 11/2022 dưới mức lương tối thiểu vùng (hỗ trợ 500.000 đồng/người). Tuy nhiên, đoàn viên và người lao động được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ Tết (bằng tiền) theo Kế hoạch 60/KH-LĐLĐ ngày 27/10/2022 sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ này. Được biết, kinh phí hỗ trợ các trường hợp được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của LĐLĐ TP Hà Nội, được chuyển khoản về các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thực hiện. Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ; ổn định quan hệ lao động, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị các cấp Công đoàn khẩn trương chỉ đạo Công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp, bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở lập danh sách đủ điều kiện gửi đề nghị về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trước ngày 31/12/2022. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát, thẩm định, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện gửi về LĐLĐ TP Hà Nội trước ngày 5/1/2023. Sau đó, LĐLĐ TP Hà Nội xem xét ban hành quyết định hỗ trợ trước ngày 10/1/2023, tuyệt đối không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chính sách để trục lợi... Các hoạt động hỗ trợ đến với đoàn viên, NLĐ phải thực hiện xong trước ngày 16/1/2023 (25 tháng Chạp năm Nhâm Dần). Hưng Vũ

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông Thủ đô những tháng cao điểm cuối năm

TĐKT - Năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Do vậy, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở GTVT, lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội đã triển khai thực hiện và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch, đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa trên địa bàn thành phố như: Phục vụ kỷ niệm ngày 30/4, 01/5 và 02/9, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, phục vụ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV... Tiếp nối những thành tích đạt được, tháng 11/2022, Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trong đó tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông Thủ đô những tháng cuối năm. Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết: “Chỉ tính riêng tháng 11 vừa qua, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) 1.452 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt VPHC 4.304.850.000 đồng, tạm giữ 22 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn 111 trường hợp, đạt 125,94% chỉ tiêu bình quân tháng đã đề ra. Lũy kế 11 tháng năm 2022, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính 15.362 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt VPHC 47.965.090.000 đồng (Ban hành 14.900 Quyết định xử phạt VPHC, phạt tiền 46.827.340.000 đồng), tạm giữ 163 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX 1.305 trường hợp, tước tem kiểm định ATKT & BVMT 115 xe ô tô tải), đạt 97,86% chỉ tiêu đề ra năm 2022. Công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT được chú trọng. Thanh tra Sở GTVT Thành phố tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an đảm bảo trật tự ATGT phục vụ công tác tổ chức giao thông trên tuyến phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) và tuyến phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Đông). Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức giao thông, phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực các dự án thi công công trình trọng điểm của thành phố (Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, quận Hoàng Mai). Bố trí lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Hà Nội tại 51 vị trí. Duy trì công tác phối hợp với các phòng, ban chức năng trực thuộc Sở, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nắm bắt tình hình về trật tự giao thông, trật tự đô thị tại các điểm nút giao thông, khu vực, tuyến đường có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông để kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở phương án giải quyết. Thanh tra Sở đã xây dựng phương án phối hợp với Ban Duy tu để thông tin các sự cố về giao thông, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố; đảm bảo kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố”. Với điểm tựa là những kết quả nổi bật đạt được trong 11 tháng đã qua, trong tháng cuối năm 2022, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ kiên trì bám sát chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và kế hoạch hoạt động, chương trình công tác trọng tâm năm 2022, để đảm bảo trật tự ATGT Thủ đô cuối năm ở mức cao nhất. PV

Mê Linh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Tối 9/12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh đã tổ chức trọng thể Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới dự. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mê Linh đã tích cực thi đua lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 1/19 tiêu chí (an ninh trật tự). Sau hơn 10 năm, huyện đã bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp. Sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đến hết năm 2022, toàn huyện có 75 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao… Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng huyện Mê Linh Đến nay 16/16 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí; huyện đạt 9/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010). Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 96,77%. Toàn huyện chỉ còn 20 hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố, chiếm tỷ lệ 0,03%. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao… Ghi nhận những nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trao Bằng công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và nhân dân huyện Mê Linh. Dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng công bố quyết định công nhận Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng, biểu dương những kết quả đạt được của huyện Mê Linh, đồng thời, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra phương hướng: Xây dựng nông thôn mới của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là những định hướng quan trọng để Thủ đô Hà Nội nói chung, huyện Mê Linh nói riêng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Cũng theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, cùng với huyện Đông Anh và Sóc Sơn, huyện Mê Linh được định hướng theo hướng phát triển đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng Để thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Mê Linh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, huyện cần khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp và thương mại dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị huyện Mê Linh tập trung ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; từng bước xây dựng “Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn huyện; đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng xứng tầm với điều kiện và lợi thế của huyện, từng bước tạo nguồn thu và tăng thu nhập cho người dân… Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao; coi xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nhằm hướng tới mục tiêu chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Hưng Vũ    

Chủ tịch Hội trẻ đẹp, tài năng của phường Kim Giang

TĐKT - Đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Kim Giang khi tuổi đời rất trẻ, chị Nông Thanh Hà gặp không ít khó khăn, áp lực. Thế nhưng, bằng sự trách nhiệm, nhiệt tình, trẻ trung và tâm huyết, chị đã khiến công tác Hội phụ nữ trên địa bàn phường ngày càng phát triển và ghi dấu ấn với nhiều công trình ý nghĩa… Nữ Chủ tịch Hội tài năng, tâm huyết Dáng người nhỏ bé, gương mặt luôn nở nụ cười tươi rạng rỡ và đặc biệt là đôi tay nhanh thoăn thoắt sắp xếp giấy tờ, tài liệu là những ấn tượng đầu tiên của tôi về nữ Chủ tịch Hội LHPN của phường Kim Giang. Cô gái trẻ sinh năm 1988 ấy không chỉ là thủ lĩnh công tác Hội mà còn kiêm luôn công tác của Văn phòng Đảng ủy phường. Khối lượng công việc nhiều kèm theo những áp lực lớn nhưng chị luôn nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý mọi việc với nụ cười tươi tắn gây thiện cảm với mọi người. Chị Nông Thanh Hà Chị Nông Thanh Hà cho biết, chị công tác ở phường Kim Giang từ năm 2014 và kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Mỗi vị trí đều để lại trong chị những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Đi kèm với đó, chị cũng trau dồi cho mình những kinh nghiệm quý báu để bản thân trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Là thủ lĩnh Hội ở tuổi đời khá trẻ, khi mà dưới chị, Chi hội trưởng các chi hội đa phần đều là các cô, bác tuổi hưu, chị Hà ban đầu khá căng thẳng. “Tôi cũng có băn khoăn, lo lắng, sợ mình ít tuổi hơn trong công tác trao đổi, điều hành nhỡ đâu có lời không làm các cô vừa ý”, chị Hà thổ lộ. Coi khó khăn là động lực, chị luôn tự dặn mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để làm tốt hơn. Trong khó khăn tìm ra điểm bứt phá, chị Hà học hỏi được ở các Chi hội trưởng lớn tuổi rất nhiều từ sự nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội. Sự nhiệt tình của các cô như truyền lửa để người nữ thủ lĩnh bứt phá mạnh mẽ hơn. “Tôi rất trân trọng và nể phục các cô. Từ đó, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để đề ra những chương trình hành động hay, phù hợp, thiết thực, có giá trị với các hội viên”, chị Hà chia sẻ. Chị Hà cùng các cán bộ Hội đến tặng quà đỡ đầu thường xuyên cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN phường, chị Hà luôn nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm cao trong công việc, hàng năm lãnh đạo, chỉ đạo Hội LHPN phường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tấm gương đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Dấu ấn đậm nét nhất của nữ thủ lĩnh Hội LHPN phường Kim Giang có lẽ phải kể đến những hoạt động của chị trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Bằng vai trò, trách nhiệm của mình, chị Hà đã tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và nhân dân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch. Chị trực tiếp cử 63 hội viên tham Tổ Covid cộng đồng, trực tại 13 chốt vùng xanh, vận động nhắn tin, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch do UBMTTQ phát động trên 370 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội LHPN phường Kim Giang vận động xã hội hóa với số tiền gần 40 triệu đồng để tặng 100 suất quà cho hội viên phụ nữ, hội viên câu lạc bộ đồng cảm có hoàn cảnh khó khăn số tiền 22 triệu đồng, ủng hộ suất tráng miệng buổi trưa cho các lực lượng hỗ trợ điểm tiêm số tiền gần 10 triệu đồng. Chị Hà tham gia hỗ trợ bếp ăn phục vụ khu cách ly Muốn mọi người đồng lòng, hưởng ứng, bản thân mình phải là tấm gương đi đầu, trách nhiệm. Ý thức được điều đó, cá nhân chị đã ủng hộ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường 1 thùng khẩu trang, 2 thùng nước sát khuẩn, 2 thùng găng tay trị giá 7 triệu đồng . Nhớ lại khoảng thời gian cao điểm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, chị Hà chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian không thể quên đối với tất cả người dân Thủ đô cũng là lúc cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm vô cùng lớn. Từ việc hỗ trợ các suất ăn trong khu cách ly, tuyên truyền,vận động người dân thực hiện nghiêm các chỉ thị phòng, chống dịch, tuyên truyền tiêm vắc-xin đều có sự tham gia trách nhiệm, nhiệt tình của hội viên phụ nữ”. Hình thức liên lạc qua điện thoại, các nhóm zalo được Hội LHPN phường Kim Giang duy trì và phát huy hiệu quả khi thực hiện các nhiệm vụ của Hội. Các chị đã tham gia trực tiếp và cử hội viên hỗ trợ bếp ăn phục vụ khu cách ly tại nhà A1 Kim Giang với số lượng trung bình gần 1000 suất ăn/ngày, từ ngày 28/8/2021 đến 26/9/2021. Bên cạnh đó, cán bộ hội viên tích cực tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc-xin, xét nghiệm phòng, chống Covid-19 cho nhân dân trên địa bàn phường. Bất cứ khi nào có chỉ đạo, Hội lại vào cuộc lập tức với tinh thần trách nhiệm cao nhất. chị Hà không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu ngày chị làm việc đến tận nửa đêm. Rồi không biết có bao nhiêu đêm 1-2 giờ sáng nhận điện thoại, chị lại tất tả lên đường. Những khó khăn, vất vả ấy dường như chẳng là gì khi cô gái trẻ chứng kiến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phường được thực hiện có hiệu quả. Đa số người dân có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời. Không chỉ vậy, chị còn tuyên truyền vận động hội viên tham gia ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ vùng dịch với số tiến trên 120 triệu đồng. Chị Hà chia sẻ: “Bản thân tôi chỉ là một cá nhân rất nhỏ bé trong tổ chức, cộng đồng. Vì vậy, tôi nỗ lực hết sức để góp sức mình thực hiện nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, chung sức cùng cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”. Lam Anh

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

TĐKT - Đến ngõ 387 Vũ Tông Phan hỏi thăm bà Nguyễn Thị Sáng (hội viên Chi hội 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không ai không biết. Không chỉ là người phụ nữ đôn hậu, khéo nuôi dạy con cái, bà Sáng còn là một hội viên gương mẫu của Chi hội 8. Bà rất năng nổ, tích cực trong công tác Hội nói chung và các hoạt động tình nguyện, từ thiện nói riêng. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Để thực hiện lời dạy của Bác, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam đều phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện để trở thành một bông hoa ngát hương trong khu rừng hoa rực rỡ của nước nhà. Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương về nghị lực sống, về sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong gian khổ để nở hoa thơm cho đời. Biết bao người có những đóng góp thầm lặng, có đạo đức, lối sống cao cả. Những việc làm của họ khiến những người xung quanh khâm phục, ngợi ca và luôn lấy đó là một mẫu người để học tập và noi theo. Bà Nguyễn Thị Sáng là một trong số đó. Bà Nguyễn Thị Sáng Sinh ra và lớn lên từ phường Khương Đình - một vùng ngoại ô của Hà Nội xưa, bà Sáng kể làng bà có nghề làm thiếc nổi tiếng với những người thợ lành nghề, hay lam hay làm. Tuy nhiên, sau này cùng với sự phát triển sôi động của thành phố, từ làng lên phố, làng thiếc nổi tiếng năm xưa giờ đã trở thành một khu phố buôn bán sầm uất nhất nhì của Thủ đô khiến đời sống người dân nơi đây có nhiều thay đổi. Thế nhưng, sự thay đổi của nền kinh tế thị trường không khiến lòng nhiệt tình, lòng nhân ái của con người gốc quê như bà mai một. Hễ có điều kiện, bà Sáng sẵn lòng cùng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Bà kể, từ năm 1996, sau khi nghỉ việc công nhân nhà máy cao su về nhà, bà đã tham gia vào công tác hội phụ nữ ở địa phương. Đã có nhiều năm bà đứng chân trong Ban Chấp hành của Hội với các hoạt động sôi nổi, tạo dấu ấn khi đó. “Sau này tuổi tác cao nên tôi nghỉ Ban Chấp hành, chỉ tham gia công tác Hội với tư cách là một hội viên bình thường”, bà Sáng kể. Dù vậy, hễ có phong trào, hoạt động nào do hội phát động, bà đều năng nổ, nhiệt tình tham gia. Đặc biệt là các hoạt động từ thiện, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, ủng hộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, khi cả nước gồng mình lên để chống dịch Covid -19, bà cùng các hội viên khác trong Hội Chữ thập đỏ phường cặm cụi không kể ngày, đêm. “Cho đi để nhận lại yêu thương”, đó là câu nói khi được hỏi và chia sẻ. Năng động, nhiệt tình và nhân ái là những gì có thể thấy từ con người bà. Nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương, bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện ở các nơi khi được biết đến, trong điều kiện có thể và cho phép, bà luôn sẵn lòng chung tay. Với tinh thần sẻ chia, nhiệt tình trong công tác thiện nguyện, bà Sáng luôn được người dân trong tổ dân phố nói riêng và nhân dân phường Khương Đình nói chung yêu mến và kính trọng. Bà Sáng rất năng nổ, tích cực với các hoạt động ở địa phương Bà Nguyễn Thị Sáng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, gần gũi, giúp đỡ những người xung quanh và những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. “Cho đi là cho chính mình”, đó là phương châm trong các hoạt động từ thiện của bà. Là hội viên phụ nữ Chi hội 8, bà cũng như gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của phường, khu dân cư, tổ dân phố và của chi hội phụ nữ; hàng năm gia đình bà đều đạt gia đình văn hóa, bà luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa thể thao của chi hội và tích cực đóng góp trong các chuyến đi từ thiện. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho nhiều gia đình vì mất việc làm, không kinh doanh buôn bán được, bà đã bàn bạc thống nhất với gia đình miễn giảm tiền thuê phòng cho các hộ thuê tháng 3,4/2020; tổng cộng số tiền giảm trong 2 tháng là 20 triệu đồng.  Từ ngày 24/7/2021, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các gia đình lao động ngoại tỉnh về thuê trọ để sinh sống, bà đã giảm giá thuê trọ 2,5 triệu đồng mỗi phòng cho 6 hộ thuê trong 2 tháng với tổng trị giá là 30 triệu đồng. Nhờ đóng góp của những người như bà Sáng, phường Khương Đình hiện không còn hộ nghèo, các gia đình neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo đều được chính quyền, các đoàn thể địa phương hỗ trợ kịp thời. Từ những hành động đẹp của bà Sáng, tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái" trong nhân dân được phát huy mạnh mẽ, người dân sống có trách nhiệm hơn, chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước... Với những đóng góp ý nghĩa với cộng đồng, bà Sáng được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp thành phố năm 2021. An Vũ        

Hà Nội: Khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai

TĐKT - Sáng 3/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai. Dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cùng đại diện lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, địa phương liên quan. Đại biểu khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, có tổng kinh phí đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố với thời gian thi công từ năm 2022 đến 2027 (5 năm), trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.000 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 2.900 tỷ đồng... Toàn đoạn nâng cấp, mở rộng có chiều dài 21,7 km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), tiếp giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Từ mặt cắt đường hiện có rộng từ 6 - 10 mét, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 50 - 60 mét, tương đương 4 - 6 làn xe. Trên tuyến có 7 cầu đường bộ và 1 cống hộp; 4 nút giao chính gồm nút giao Ba La (giao với Quốc lộ 21B), nút giao với đường Vành đai 4, nút giao với đường trục Bắc - Nam và nút giao với Quốc lộ 21. Trong 4 nút giao này, riêng nút giao Ba La được thiết kế đồng mức. 3 nút giao còn lại là khác mức. Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với Quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai. Dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Đồng thời, sẽ tăng cường liên kết, giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và nước bạn Lào. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ Để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng khi áp lực công tác giải phóng mặt bằng cực lớn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai ngay các nhiệm vụ. Cụ thể, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật và bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố Hà Nội phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; quản lý chặt chẽ chất lượng công trình theo đúng quy định. Cùng với đó, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp, tổ chức triển khai ngay các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… đồng thời bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực thi công, tuyên truyền tích cực để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân xung quanh khu vực dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho dự án theo tiến độ thực hiện. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết bảo đảm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình bảo đảm chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn trong lao động. Hưng Vũ

Nữ cán bộ “hạt nhân” của công tác xã hội tổ dân phố

TĐKT - Đến phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tìm gặp bà Tạ Thị Thanh, thật bất ngờ khi người dân nơi đây biết đến bà không chỉ bởi bà là một hội viên phụ nữ Chi hội 8 nhiệt tình, trách nhiệm mà còn là người có tấm lòng thơm thảo, tích cực với các hoạt động thiện nguyện nhiều năm qua… Người phụ nữ nghĩa tình, nhân ái Sinh ra và lớn lên trên quê hương Khương Đình, vùng ngoại thành của Hà Nội xưa, dẫu khó khăn, vất vả, dẫu quanh năm với dưa, cà, mắm, muối, người dân nơi đây vẫn luôn chan hòa lòng nhân ái, nghĩa tình. Có lẽ bầu sữa văn hóa ấy của quê hương đã nhen nhóm và nuôi dưỡng trong tâm hồn bà lòng nhân ái, luôn hết lòng vì người khác, nhất là với những số phận kém may mắn trong xã hội. Gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi tắn, bà Thanh cởi mở chia sẻ: “Mình khó khăn quá thì không nói làm gì. Nhưng mình có điều kiện một chút, hơn biết bao người có hoàn cảnh khó khăn mà đứng ngoài cuộc thì thật đáng trách. Những khách trọ của tôi và bao lao động nhập cư nơi đây đều khổ. Vì vậy, giúp được gì cho họ tôi rất sẵn lòng”. Bà Tạ Thị Thanh Nằm giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp và xô bồ, con ngõ 509 Vũ Tông Phan nơi bà Thanh và gia đình đang sinh sống là nơi tập trung rất đông lao động nhập cư từ các tỉnh, thành về đây. Điều đáng nói, chủ yếu những người lao động ở đây đều làm các công việc chân tay như làm nghề buôn bán đồng nát, hàng rong, chạy xe ôm, chở hàng với nguồn thu nhập bấp bênh. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, bà Thanh thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ họ trong cuộc sống, công việc. Ngoài mấy phòng trọ lớn, gia đình bà có gần chục phòng cấp bốn cho thuê khá cũ với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng. Bà Thanh chia sẻ: “Nói thật với cô, giờ mấy ai ở Hà Nội đi ở nhà thuê 1 triệu đồng/tháng. Phải khó khăn lắm họ mới ở nhà của mình. Họ khó khăn đến vậy rồi, mình không giúp họ thì còn giúp ai nữa?”. Nghĩ là làm, bà Thanh thường xuyên miễn giảm tiền nhà cho các khách thuê trọ. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho nhiều gia đình vì mất việc làm, gia đình bà có 8 phòng cho thuê trọ và bà đã giảm 100% tiền thuê phòng trong 2 tháng, mỗi phòng 1,5 triệu đồng, tổng số tiền giảm là 24 triệu đồng. Từ ngày 24/7/2021, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các gia đình lao động ngoại tỉnh về thuê trọ để sinh sống, bà đã tiếp tục giảm giá 10 phòng cho thuê trong 2 tháng 7,8/2021, số tiền 20 triệu đồng. Ai rồi cũng sẽ làm giống như tôi Là hội viên Chi hội phụ nữ 8, bà Thanh và gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào của phường, khu dân cư, tổ dân phố và của chi hội phụ nữ. Hàng năm gia đình bà đều đạt gia đình văn hóa, bà luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, hàng năm bà dành một số tiền để làm từ thiện thông qua các chuyến đi của Hội Chữ thập đỏ phường. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, những đóng góp đầy ý nghĩa của bà Thanh. Tuy nhiên, nói về những việc làm của mình, bà Thanh khiêm tốn tâm sự: “Những gì tôi đã làm chỉ là rất nhỏ bé so với đóng góp của nhiều người khác, tôi đã được nhận nhiều từ cuộc sống, từ mọi người, nên tôi nghĩ, nỗ lực để đóng góp một phần bé nhỏ của mình cho xã hội là điều cần làm và nên làm”. Bà Thanh thường xuyên cùng các hội viên phụ nữ vệ sinh đường làng ngõ xóm Điều đáng nói, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ miễn giảm tiền phòng trọ cho lao động nghèo, bà Thanh còn tích cực cùng các hội viên của Chi hội phụ nữ 8 tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện. Trong đợt dịch, Ủy ban MTTQ phường Khương Đình rà soát, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua theo dõi và rà soát các trường hợp khó khăn trên địa bàn phường, đặc biệt là những lao động tự do mất việc làm, người thuê trọ bị mắc kẹt ở Thủ đô không về được quê gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, có hơn 1.000 trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 này cần được hỗ trợ. Bà Thanh đã sử dụng địa điểm nhà mình làm điểm hỗ trợ các tổ trực chốt trực chống dịch, làm nơi tập kết hàng hóa, vật phẩm để đi trao cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Trực tiếp được nhận phần quà từ tay nhà tài trợ là gạo, rau, những lao động tự do hết sức phấn khởi và hân hoan. Bởi nhiều ngày ở nhà chống dịch, nguồn sống của họ phải trông chờ vào sự quan tâm của phường Khương Đình và các nhà tài trợ. “Tôi quê ở Đà Nẵng ra Hà Nội thuê nhà trọ, làm nghề phụ thợ may, ông xã phụ vôi vữa nhưng ba tháng liền nghỉ làm vì Covid. Không đi làm nên nhà có gì ăn nấy và được phường, các tổ dân phố cho quà cứu trợ. Khi được nhận những thực phẩm này, những người lao động phổ thông xa quê như chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng” - chị Trương Thị Bé (thuê trọ tại tổ dân phố 21, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) xúc động chia sẻ. “Tôi mong mình có nhiều sức khỏe để làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa, giúp ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh”, bà Thanh bộc bạch. Tố Nhi    

Nữ chiến sĩ công an nhân dân tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện

TĐKT - Mang trên mình màu áo của người chiến sĩ công an nhân dân, chị Trịnh Thị Lý luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình là phụng sự và hết lòng vì nhân dân. Vì vậy, dù trong công việc ở đơn vị hay cuộc sống sinh hoạt ở khu dân cư, mọi người đều nhìn thấy ở cô gái trẻ trung, năng động ấy tinh thần tình nguyện, hăng say với những việc thiện để sẻ chia với cộng đồng… Sự sẻ chia đến từ tấm lòng nhân hậu Những ngày cuối năm, công việc cơ quan bộn bề, ngổn ngang nhưng chị Lý vẫn cố gắng bớt chút thời gian dành cho chúng tôi một cuộc gặp gỡ, chia sẻ ngắn. Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi cùng cách trò chuyện mạch lạc, khúc chiết của chị tạo nhiều thiện cảm với những người đối diện. Hỏi ra mới biết, chị Lý không chỉ là người năng nổ, tích cực với hoạt động từ thiện ở nơi cư trú (Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mà còn là một cán bộ phụ trách công tác Hội phụ nữ rất năng nổ, tháo vát ở cơ quan, đơn vị. Chị Trịnh Thị Lý (ở giữa) cùng đồng nghiệp đan khăn tặng trẻ em vùng cao Công tác trong ngành công an, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau trong xã hội, nghề nghiệp đã cho chị thấu hiểu nhiều hơn với những người xung quanh mình. Trong lòng chị luôn chất chứa rất nhiều tâm tư, tình cảm với những đối tượng yếu thế, trẻ em thiệt thòi vì mồ côi cha, mẹ hoặc người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn chốn thị thành. Xuất phát từ sự thương cảm ấy, chị Lý luôn mong muốn có thể đóng góp thật nhiều để sẻ chia phần nào đó khó khăn, vất vả với họ trong cuộc sống. Từ suy nghĩ dẫn dắt đến hành động, trên vai trò, cương vị công tác của mình, chị là người phát động và khởi xướng nhiều chương trình tình nguyện, từ thiện hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như: Tặng quà, nhu yếu phẩm cho người lao động ngoại tỉnh không thể trở về quê trong đợt dịch Covid-19, tặng quà, quần áo ấm cho trẻ em, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bà con nông dân các tỉnh thành tiêu thụ nông sản… Chị Lý cùng đồng nghiệp chuẩn bị các phần quà tặng trẻ em vùng cao trong một chuyến công tác Khó có thể kể hết những chương trình, hoạt động từ thiện mình đã từng tham gia nhưng chị Lý lại nhớ như in những hoàn cảnh, phận đời khó khăn trên mỗi hành trình của mình. Chị chia sẻ: “Điều đó ám ảnh, thôi thúc mình phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để góp sức vì cuộc sống cộng đồng”. Nhân lên những hành động đẹp Không chỉ tích cực với hoạt động ở cơ quan, đơn vị, chị Lý là một công dân ưu tú, gương mẫu, một tấm gương tiêu biểu của bà con Khu dân cư số 8, phường Khương Đình. Đặc biệt trong đợt dịch Covid- 19 vừa qua, chị đã chung tay ủng hộ những gia đình khó khăn, gia đình có người tham gia tuyến đầu chống dịch với nhiều hoạt động nổi bật. Chị đã ủng hộ cho Khu dân cư số 8, phường Khương Đình 100 suất quà, mỗi suất quà trị giá 200 nghìn đồng, với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Các suất quà chủ yếu là các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày như gạo, mì tôm… Ngoài ra, trong tháng 9/2021 chị còn tổ chức tặng 12 suất quà cho các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng, tổng số tiền là 24 triệu đồng. Ngay sau đó, tháng 11/2021 chị tổ chức chuyến đi thiện nguyện tặng quà cho trẻ em khó khăn tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (một huyện nghèo, khó khăn nhất tỉnh Quảng Bình). Trong chuyến đi, đoàn đã tặng 90 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng với tổng số tiền là 45 triệu đồng; đặc biệt tặng quà cho 2 gia đình bị mắc bệnh hiểm nghèo mỗi gia đình 2 triệu đồng tiền mặt. Chị Lý và đồng nghiệp tặng quà, nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Đối với Tổ dân phố, khu dân cư, chị luôn hòa đồng, tích cực tham gia các phong trào do Tổ dân phố, Khu dân cư phát động như gói bánh chưng cho người nghèo vào dịp cuối năm. Không chỉ bản thân tích cực, hăng hái, chị còn chia sẻ những việc làm ý nghĩa của mình với các con và khuyến khích con tham gia bằng cách chia sẻ các phần thưởng, học bổng của mình cho bạn nghèo. Chị tâm sự: “Có 2 con trai nên tôi cũng luôn đau đáu phải làm sao để giáo dục các con có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Từ việc làm của mình, tôi mong các con sẽ hiểu mình vô cùng may mắn và hạnh phúc so với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Từ đó, các con sẽ có ý thức để nỗ lực, học tập rèn luyện tốt hơn góp sức cho cộng đồng”. Chia sẻ về nữ cán bộ công an gương mẫu của địa phương, bà Vũ Thị Thanh Thúy – Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình cho biết: “Chị Trịnh Thị Lý là công dân gương mẫu của địa phương. Đối với các hoạt động của khu dân cư, tổ dân phố, chị đều rất nhiệt tình, hăng hái tham gia. Sự nhiệt tình ấy như truyền lửa cho tất cả mọi người để ai cũng muốn góp sức mình cho các hoạt động chung”. Với những hành động và việc làm cao đẹp của mình, chị Trịnh Thị Lý vừa được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2022. Gia Bảo

Trang