BTĐKT - Dù đã ở tuổi ngoài thất thập nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1954), ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có ý định ngơi nghỉ chân tay. Bà lựa chọn hưởng thụ tuổi hưu trọn vẹn, ý nghĩa bằng cách mỗi ngày làm thêm được nhiều việc giúp ích cho gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng xã hội.
Vì vậy, dù gặp không ít những khó khăn, vất vả nhưng bà đã không quản ngại đi tìm hiểu, học hỏi và xây dựng thành công mô hình trang trại giun quế GHT và mô hình sản xuất men vi sinh IMO, vừa mang đến nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho người dân Thủ đô, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đặc biệt, bằng tấm lòng nhân ái và lối sống thiện lương, bà đã giúp đỡ nhiều mảnh đời éo le vươn lên làm chủ cuộc sống.
Gây dựng thương hiệu thực phẩm sạch GHT
Bà Liên từng là một quân nhân làm việc tại Nhà máy Z153 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sau gần 30 năm công tác, năm 2003, bà được Nhà nước cho về nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá.
Với bản chất là người lính năng nổ, hay lam, hay làm nên khi về hưu, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, bà Liên lại đau đáu tìm một công việc thật ý nghĩa, mang lại giá trị cho gia đình và xã hội để làm.
Đúng thời điểm đó, báo chí truyền hình phản ánh rất nhiều về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên trong đầu bà đã nuôi ý tưởng xây dựng một mô hình làm nông nghiệp nho nhỏ cung cấp thực phẩm sạch dùng trong gia đình.
Một lần, xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên truyền hình, bà Liên bị lôi cuốn bởi những công dụng hữu ích của con giun quế. Từ chỗ nuôi ý tưởng làm thực phẩm sạch phục vụ cho gia đình, bà đã quyết định bán nhà ở Đông Anh, về Sóc Sơn mua đất đầu tư xây dựng một trang trại nuôi giun quế, kết hợp chăn nuôi lợn, gà và trồng cây. Mô hình của bà lựa chọn hoạt động theo một vòng tuần hoàn khép kín: Giun quế cho lợn ăn - phân lợn nuôi giun quế - phân giun mang bón cây trồng.
Theo đó, vừa thu mua phế thải hữu cơ (cám gạo, bã bia, bã đậu) và phụ phẩm nông nghiệp như phân trâu, bò, lợn, gà… để nuôi giun; bà vừa đầu tư chuồng trại để nuôi 100 con lợn.
Bà Nguyễn Thị Liên hạnh phúc khi được tự tay thu hoạch những mẻ giun quế
Hằng ngày, mỗi con lợn được bà cho ăn 100 gram giun quế, nhằm cung cấp đủ lượng protein và kháng sinh tự nhiên để tăng cường sức đề kháng. Giun sau khi chế biến được trộn với cám gạo hoặc bắp nghiền, đậu nành, bã bia… được nấu chín trong nồi hơi để làm thức ăn hằng ngày cho đàn lợn. Bà Liên chỉ phải cho lợn ăn ngày 2 bữa, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tiết kiệm công sức lẫn thức ăn đầu vào.
So với cách nuôi thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi lợn bằng giun quế của bà Liên lâu và kỳ công hơn nhiều. Tuy nhiên, thịt của chúng có hương vị đặc biệt, thơm ngon nên đàn lợn, gà của trang trại bà Liên nuôi đến đâu khách đặt hàng đến đó, mặc dù giá bán có cao hơn giá thị trường từ 20 - 30%.
Thấy sản phẩm lợn nuôi ăn giun quế được thị trường đón nhận mạnh mẽ, dần dần, bà mở rộng chuồng trại chăn nuôi từ 100 con lợn ban đầu lên 300 - 400 con mỗi lứa. Những khi lợn hơi rớt giá hoặc gặp dịch bệnh thì lợn trong trang trại của bà Liên vẫn khỏe mạnh và giữ được giá bán. Để khẳng định chỗ đứng cho sản phẩm sạch của gia đình trên thị trường, bà đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho giun quế GHT, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu năm 2017; đồng thời đăng ký sản phẩm thịt lợn GHT và xúc xích GHT đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao 2022 của TP Hà Nội.
Đến nay, bà Liên đã có 5 trang trại nuôi lợn, trong đó có 4 trang trại kết hợp nuôi giun quế ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đều đặn mỗi tuần trang trại GHT của bà cung cấp khoảng 60 con lợn, mỗi con từ 70 – 80 kg cho các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Ngoài ra, hàng ngày theo đặt hàng của khách, trang trại GHT còn chế biến xúc xích, lạp sườn, giò lụa.
Được biết, ngoài các sản phẩm trên, hàng tháng bà còn cung cấp cho thị trường hơn 100 con gà, vài nghìn quả trứng gà, vịt; bán một số lượng không nhỏ giun quế giống, giun quế đông lạnh, bột địa long dùng làm nguyên liệu chế biến thuốc; cung cấp phân giun cho nhiều cơ sở trồng cây trên cả nước. Ước tính, doanh thu từ mô hình trang trại GHT khoảng 500 – 600 triệu đồng/ tháng.
Chia sẻ về mô hình này, bà Liên cho rằng: Lợi nhuận mang lại từ mô hình nông nghiệp sạch GHT tuy không cao nhưng cái lợi lớn nhất mà bà đạt được sau tất cả những nỗ lực, đó chính là: Đã đóng góp được nguồn thực phẩm sạch không chỉ cho gia đình, bạn bè mà còn cho cả cộng đồng xã hội.
Khởi xướng phương pháp IMO sạch môi trường
Không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch GHT cho cộng đồng, bà Liên còn được coi là người đi đầu trong thực hiện phương pháp xử lý rác thải IMO ở huyện Sóc Sơn.
Chia sẻ về cơ duyên biết đến phương pháp này, bà Liên cho biết: Năm 2014, một người con trai của bà không may mắc bệnh nặng, nằm liệt giường. Thương con phải chịu mùi hôi khó chịu của người nằm lâu trên giường bệnh, bà đã tìm tòi, nghiên cứu nhiều cách để cải thiện môi trường không khí trong nhà. Năm 2020, qua giới thiệu của người quen, bà Liên biết đến nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế do thầy Hoàng Sơn Công sáng lập. Qua đây, bà biết đến phương pháp phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa (IMO).
Bà Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm chăn nuôi tại Festival nông sản Hà Nội năm 2023
Theo hướng dẫn, bà Liên bắt tay vào thử nghiệm IMO bằng công thức đã có gồm các nguyên liệu vừa rẻ, vừa có sẵn trong căn bếp của mỗi gia đình, gồm: Đường, sữa chua, men tiêu hóa, men rượu, nước lã, quả chuối, quả đu đủ, cám gạo. Bóp nát tất cả chúng vào với nhau. Sau 3 ngày, dung dịch khử khuẩn IMO hoàn thành, mang lại hiệu quả như ý muốn. Nhờ dung dịch IMO đó, căn phòng con trai bà không còn mùi tanh hôi như trước nữa.
Từ thành công đó, bà Liên bắt tay vào việc làm phân hữu cơ từ các chất thải hữu cơ hằng ngày trong gia đình để chăm sóc vườn phong lan, cây cảnh, vườn rau…. Tất cả rác nhà bếp, thậm chí rác ở trang trại nuôi lợn đều được tập trung vào một chỗ, sau đó thêm IMO. Rác sau khi phân hủy, không còn mùi hôi thối.
Vì vậy, không chỉ căn nhà nơi cả gia đình bà sinh sống mà cả khuôn viên trang trại nuôi giun cùng hàng trăm con lợn, gà luôn có không khí sạch sẽ, thoáng mát tự nhiên.
Đặc biệt, không giữ làm bí quyết riêng của gia đình, bà còn tích cực chia sẻ, tuyên truyền và hỗ trợ cho các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cũng như người dân về mô hình xử lý rác thải bằng phương pháp IMO. Qua đó, góp một phần quan trọng làm giảm áp lực cho bãi rác Nam Sơn đang ngày càng bị quá tải.
Mô hình “Sản xuất chế phẩm IMO để xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” của bà Nguyễn Thị Liên được công nhận là sáng kiến đạt giải nhì tại cuộc thi “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2021. Năm 2022, bà Liên là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.
Trái tim nhân hậu của người lính
Không chỉ kiên trì và quyết liệt theo đuổi và chinh phục các mục tiêu mới, bà Nguyễn Thị Liên còn được mệnh danh là người lính có trái tim nhân hậu.
Với quan niệm, cho đi là còn mãi, từ năm 2015 đến nay, bà Liên dùng toàn bộ phần lương hưu của mình để hỗ trợ cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Cường với số tiền cố định là 1 triệu đồng/hộ/tháng; từ năm 2022 hỗ trợ 1 bé mồ côi số tiền 6 triệu đồng/năm; từ tháng 9/2023 tiếp tục hỗ trợ cho 5 chị em bị mồ côi cả cha lẫn mẹ ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với số tiền 1 triệu đồng/tháng thông qua Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Nậm Tha… Bất kỳ một chương trình từ thiện nào của địa phương, bà cũng nhiệt tình tham gia, không nề hà.
Bày tỏ sự trân trọng, biết ơn với bà Liên, em Nguyễn Thị Thu Hương, ở xã Phú Cường, một cô bé thiệt thòi, khi sinh ra bố mẹ đã bỏ nhau, mẹ thì bệnh nặng,em phải sống cùng bà ngoại, chia sẻ: Bà Liên giống như chiếc cầu nối để em đến với con đường tri thức. Từ năm em học lớp 8 đến nay, bà thường xuyên hỗ trợ gia đình em 1 triệu đồng/tháng. Bà đã định hướng, đồng hành cùng em suốt một chặng đường dài.
Vừa qua, khi em cầm trên tay tấm bằng loại giỏi Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến khoe với bà, bà vẫn còn động viên em tiếp tục học lên nữa. Nhưng để sớm gánh vác việc gia đình, đỡ đần gánh nặng cho bà Liên, Hương đã tìm việc làm và đang dần ổn định cuộc sống.
Hưng Vũ