Đi trước, đón đầu và xây dựng tốt tiêu chí trường học hạnh phúc
TĐKT - Ngôi trường thân thiện, khang trang, sạch đẹp từ cổng trường cho đến phòng học và nói không với dạy thêm, học thêm, đấy là cảm nhận và ấn tượng đầu tiên khi đến với trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã triển khai mô hình học hạnh phúc cũng đã khá lâu rồi, với mục tiêu an toàn, yêu thương, tôn trọng và trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền lợi cho học sinh. Theo đó, việc xây dựng, kiến tạo mô hình trường học hạnh phúc phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và là một điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại mà các nhà trường phải không ngừng nỗ lực thực hiện. Đối với nhà trường, trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội. Hiệu trưởng trường Phan Đình Giót cô Nguyễn Thị Kim Ngọc phát quà cho các em học sinh tại lớp học Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, người học cần có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường, những người có trách nhiệm như cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất. Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời. Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quan đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò. Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương; thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho họ sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế có thể nói trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Trong ngôi trường hạnh phúc đó, tất cả mọi thành viên đều phải thấy hạnh phúc. Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo; ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của Hiệu trưởng. Bản thân cô Ngọc hiệu trưởng nhà trường tâm đắc với câu nói “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Trong một khía cạnh nào đó, người giáo viên sẽ thấy mình hạnh phúc khi được trân trọng, khi mọi người thấy được thành quả mà mình gieo trồng, thấy được những giá trị của công việc mình đã làm. Mỗi thành công nho nhỏ mà hàng ngày người giáo viên có được từ những bài dạy, từ những hoạt động giáo dục là một niềm vui, niềm hạnh phúc thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề. Song niềm vui đó càng được nhân lên khi nó được mọi người biết đến và trân trọng. Để đạt mục tiêu này, trường tiểu học Phan Đình Giót đã chú trọng việc phát hiện, tôn vinh và biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động giáo dục. Các em học sinh trường tiểu học Phan Đình Giót trong giờ học Cô Ngọc cũng nhấn mạnh, để việc khen thưởng trở thành động lực, thành niềm vui, niềm tự hào của mỗi người giáo viên, việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương khen thưởng được nhà trường đặc biệt chú ý trong từng tháng, từng hoạt động. Hàng tháng nhà trường luôn luôn chọn ra những cá nhân tiêu biểu để tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Cùng với đó, trong từng phong trào thi đua, nhà trường đều quy định các tiêu chí và mức khen thưởng, chính vì vậy các thành viên trong hội đồng sư phạm luôn tích cực hưởng ứng, tạo thành các đợt thi đua gối sóng liên tục trong năm. Không chỉ có giáo viên mà học sinh của các lớp cũng rất tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua. Trước mỗi một cuộc vận động, một phong trào, các em đều rất có ý thức tham gia và mong muốn được khen thưởng, chính vì vậy các em rất hào hứng. Đôi khi phần thưởng không lớn nhưng lại có giá trị tinh thần rất cao, các em hào hứng, tự tin, thích được khẳng định mình, thích được mọi người công nhận... Trong thời gian qua, nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công trong các hoạt động và các phong trào thi đua. Với những nỗ lực của ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh, đội ngũ nhà trường đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những tấm gương có sức lan tỏa trong cộng đồng giáo viên, thúc đẩy phong trào thi đua hai tốt, đồng thời còn có sức lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh. Tất cả đều cảm nhận được niềm vui khi đến trường, cả giáo viên và học sinh đều hạnh phúc, vui vẻ, tạo hứng thú cho hoạt động dạy và học, phát huy tính sáng tạo từ đó góp phần nâng cao hiệu quả làm việc. Hồng ThiếtHà Nội thi đua ái quốc
TĐKT - Nhớ lời Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp trong vai trò là Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn không ngừng xây dựng và bảo đảm cho chi bộ, khu dân cư thực sự là một khối đoàn kết thống nhất. Bằng trí tuệ và sự mẫu mực của mình, ông đã tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân khi thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Nhiệt huyết vì một cuộc sống xanh
Vốn là người từ nơi khác chuyển về nên từ năm 2010 ông Tuấn mới chính thức trở thành công dân của khu dân cư số 3, phường Hạ Đình. Tuy khoảng thời gian 10 năm chưa phải là dài nhưng bằng lối sống mẫu mực, trách nhiệm và sự hiểu biết sâu rộng, ông được nhân dân nơi đây tín nhiệm, bầu giữ các vị trí nòng cốt trong các hoạt động ở khu dân cư.
Nhắc đến ông là nhắc đến câu lạc bộ từng hoạt động rất hiệu quả với tên gọi “Sống xanh”, được thành lập ngày 31/3/2010. Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ, ông đã có nhiều phương pháp hay để nhân rộng mô hình hoạt động này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (thứ hai từ phải sang) đang trò chuyện với nhân dân, nắm bắt tình hình trong khu dân cư
Từ 2 nhóm với 16 thành viên do Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) vận động và tổ chức trên địa bàn khu dân cư số 3, sau 1 năm, câu lạc bộ đã phát triển thành 34 nhóm “sống xanh” với 304 thành viên, phủ rộng khắp 8 khu dân cư của toàn phường. Các thành viên đã cùng nhau triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững ở khu dân cư.
Với các hoạt động “xanh nhà” cụ thể, các thành viên thuộc câu lạc bộ “sống xanh” đã hình thành được thói quen rất tốt trong cộng đồng dân cư như: Thói quen phân loại rác thải tại nhà, tiết kiệm điện, nước sạch, xây dựng ngôi nhà an toàn, thói quen tiêu dùng thông thái… Chỉ sau 1 năm triển khai, trung bình mỗi tháng, một gia đình thành viên của nhóm “Sống xanh” đã tiết kiệm giảm được 60 kg rác, 9KW/h điện, 2m3 nước, 90 túi nilon, 2,5 viên than, 1,5 kg gas, 100% gia đình các thành viên đều có chậu rau sạch, chậu cây cảnh và đều có làn nhựa thay thế túi ni lông khi đi chợ.
Đặc biệt, với sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, ông Tuấn chủ động phối hợp với Trung tâm ACCD triển khai các hoạt động thiết thực, góp phần làm xanh cộng đồng, cụ thể như: Kẻ vạch sơn trên mặt hè đường Khương Đình, đổ bê tông sân chơi ông cháu, mua cầu trượt, xích đu cho các cháu nhỏ; trang bị bàn ghế cho nhà hội họp; làm đường đi bộ đến trường cho các cháu học sinh tiểu học… Qua đó, đã tạo lập được cảnh quan không gian cộng đồng “sáng, xanh, sạch, đẹp” trên địa bàn khu dân cư số 3.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 khẳng định: Khu dân cư số 3 đạt được những kết quả như hôm nay có sự đóng góp quan trọng của bác Tuấn Bí thư. Ông là một cán bộ mẫu mực, gương mẫu khi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong quan hệ với mọi người, ông giản dị, chân thật, gần gũi, sống hài hòa và ngay thẳng nên ai cũng yêu quý.
Gương mẫu, trách nhiệm trong công tác đoàn thể
10 năm tham gia các hoạt động ở khu dân cư số 3 thì có đến 3 nhiệm kỳ liên tiếp ông Tuấn giữ vai trò là Bí thư chi bộ. Ông luôn kết hợp với tập thể chi ủy, chi bộ, Ban Công tác mặt trận, cán bộ tổ dân phố và các chi hội đoàn thể coi trọng xây dựng và bảo đảm cho chi bộ, khu dân cư thực sự là một khối đoàn kết thống nhất, tính đồng thuận xã hội cao trong các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn bên những bức tranh tường trong khu dân cư
Nhiều năm nay, khu dân cư số 3 luôn được xếp vào tốp đầu trong phong trào thi đua của phường Hạ Đình. Hàng năm, khu dân cư đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Cụ thể là: Thu các loại quỹ vận động đạt từ 138% đến 162 %; thuế nhà đất, quỹ biển đảo, quỹ phòng, chống thiên tai, phí rác thải đều đạt 100%; ủng hộ cải tạo giếng cổ 18,3 triệu đồng, công đức cải tạo đình Vòng 120 triệu đồng; khu dân cư không còn hộ nghèo; hàng năm đều có từ 98% đến 99,5 % gia đình văn hóa; 100% (2/2) tổ dân phố văn hóa; có 6 thanh niên lên đường nhập ngũ. Khu dân cư số 3 luôn được lãnh đạo, chính quyền phường chọn làm mẫu, làm thí điểm về “Khu dân cư tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; các ngày lễ kỷ niệm lớn; tổ bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII và Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021; thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử được UNND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; làm mẫu về xây dựng tổ dân phố văn hóa “5 không”. Chi bộ khu dân cư số 3 liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu từ năm 2012 - 2019.
Không chỉ vậy, đảm nhiệm vai trò là Trưởng khối Dân vận Đảng ủy, ông đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả. Qua sự quan tâm, sâu sát của ông, hai mô hình hay được chọn làm điểm của phường là: Mô hình “Tổ khăn ấm chung tay vì cộng đồng”, vận động các bà, các chị mua len đan 4.000 chiếc khăn, mũ, 15 áo len, 80 chăn len, hơn 600 đôi dép và hàng nghìn quyển vở tặng cho các cháu học sinh nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc; mô hình “Tuyến ngõ văn minh bền vững” ở ngõ 100 đường Nguyễn Xiển, cùng Tổ dân vận số 7 soạn thảo nội quy thực hiện các tiêu chí của tuyến ngõ văn minh, làm 34 giá treo cờ, vạch sơn làm dải phân cách dành cho người đi bộ chiều dài 400m, quét sơn 6 cột điện…
Ngoài ra, ông còn tích cực triển khai làm thí điểm thành công mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không”; thực hiện vận động xã hội hóa quét xóa rác tường 3.200m2; làm 375 giá treo cờ, đổ bê tông 700m2 sân chơi, sơn lại nhà hội họp khu dân cư, làm 1 giàn hoa, mua 5 ghế đá, 1 xích đu, 1 bập bênh, 2 cầu trượt cho các cháu nhỏ.
Ông bảo, công việc ở khu dân cư tuy rất nhiều nhưng nếu luôn chủ động và lên kế hoạch làm việc một cách khoa học bài bản, chí công, vô tư sẽ là bí quyết để mỗi công bộc của nhân dân tạo được uy tín và hiệu quả công việc.
Năm nay đã gần 80 tuổi, dù không còn đảm nhận vai trò là Bí thư chi bộ nhưng ông Tuấn vẫn luôn nặng lòng với các công việc chung của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú cho Đảng, đủ năng lực và phẩm chất để gánh vác công việc của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hạ Đình, một trong những người từng nhận được sự dìu dắt của ông, cho biết: Sự giản dị, chân thật, gần gũi, sống hài hòa và trách nhiệm của ông Tuấn đã giúp tôi trưởng thành và thêm yêu công việc “vác tù và hàng tổng” của mình.
Với những thành tích đó, ông Nguyễn Văn Tuấn vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
Mai Thảo
Tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho công nhân, viên chức, lao động Thủ đô
TĐKT - Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân, lao động. Song, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, phối hợp với chính quyền, cùng với tinh thần trách nhiệm, vượt khó, sáng tạo, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Trong đó, công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Đã có 3.024 doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (đạt 82,04%) và 99,7% đơn vị có Ban Thanh tra nhân dân. 3.445/3.445 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCC, VC) (đạt 100%) và 2.632/4.250 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 61,93%). 2.997 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đạt 56,94% và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT, nhiều quyền lợi cốt lõi đã được công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng đưa vào TƯLĐTT có lợi cho người lao động. Công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động được thực hiện hiệu quả với việc tặng quà cho 75.000 công nhân, lao động (CNLĐ) và con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 50 tỷ đồng. Trong đó: LĐLĐ thành phố đã chi trên 7,6 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ Tết; hỗ trợ trên 95.000 vé xe ô tô đưa CNLĐ về quê đón Tết; chủ động triển khai chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn” với nhiều hoạt động, nội dung phong phú, hình thức đa dạng. CNVCLĐ Thủ đô gói bánh chưng tại chương trình Tết Sum vầy năm 2021 Đặc biệt, Công đoàn thường xuyên nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh; phối hợp với chính quyền, chuyên môn xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho CNLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật. Các cấp Công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 67.970 CNLĐ các doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên, người lao động các trường ngoài công lập bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, tai nạn lao động với số tiền trên 37 tỷ đồng. Phong trào thi đua được tổ chức rộng khắp gắn với việc thực hiện chủ đề năm 2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam và TP Hà Nội; vận động CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký xây dựng các công trình, sản phẩm chất lượng cao chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước (có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến cấp trên cơ sở”; LĐLĐ thành phố xét tặng Bằng công nhận “Sáng kiến CNVCLĐ Thủ đô” cho 50 cá nhân có sáng kiến xuất sắc nhất). Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương thức và nội dung. Đẩy mạnh tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp Công đoàn Thủ đô. Đồng thời tuyên truyền trong CNVCLĐ Thủ đô thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu trong hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ Thủ đô LĐLĐ TP Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành lập mới, củng cố và duy trì hoạt động của 47 “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” , 92 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; tổ chức giải bóng đá CNVCLĐ Cúp Báo Lao động Thủ đô lần thứ VI thu hút sự tham gia của 22 đội; tổ chức sôi nổi các hoạt động hội khỏe, hội thao, giải thể thao, ngày hội văn hóa thể thao ... đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh đạt vượt chỉ tiêu đề ra với 421 CĐCS thành lập mới (đạt 104,99%), 29.170 đoàn viên kết nạp mới (đạt 111,55%). Chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp ngày càng được nâng cao. Vai trò của tổ chức Công đoàn tiếp tục được khẳng định trong các doanh nghiệp, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị. Công đoàn các cấp đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đã giới thiệu 7.438 đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp và có 4.658 người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động chăm lo, hỗ trợ mái ấm công đoàn cho đoàn viên, người lao động Thủ đô luôn được quan tâm Năm 2021, là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp; thực hiện chủ đề Năm “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở” của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới, phát triển” của thành phố, tin tưởng rằng, với truyền thống của mình, các cấp công đoàn TP Hà Nội tiếp tục thể hiện ý chí quyết tâm, năng động sáng tạo, đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo đời sống công nhân, viên chức, người lao động, thực sự là chỗ dựa tin cậy để người lao động chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; góp phần xứng đáng vào xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Theo đó, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn thành phố Hà Nội, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội giao; phấn đấu có từ 95% trở lên đoàn viên, CNVCLĐ nơi có tổ chức Công đoàn được Công đoàn cùng cấp phổ biến thông tin, tuyên truyền, quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn các cấp. 100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị CBCC,VC; 70% trở lên số doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại và xây dựng được quy chế dân chủ tại nơi làm việc. 100% LĐLĐ quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức Hội nghị đối thoại với CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại đơn vị (còn hiệu lực thực hiện); phấn đấu có ít nhất 45% bản TƯLĐTT đạt loại B trở lên. Trong năm ký mới ít nhất 300 bản TƯLĐTT... 70% trở lên CNVCLĐ đạt tiêu chuẩn “Nếp sống văn hóa công nghiệp”, 70% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “Đạt chuẩn văn hóa”.... Ngọc ÁnhNgành Giáo dục Hà Nội thăm hỏi, tặng quà thầy trò tại điểm cách ly trường tiểu học Xuân Phương
TĐKT - Sáng 2/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã đến thăm, tặng quà các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh trường tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Đoàn đã trao tặng nhà trường 2 chiếc máy giặt và 20 thùng đựng rác thải y tế. Đây là địa điểm cách ly tập trung được quận Nam Từ Liêm thành lập để cách ly các học sinh, giáo viên do có liên quan đến ca bệnh Covid-19 là học sinh lớp 3E của nhà trường. Đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng nhà trường 2 chiếc máy giặt và 20 thùng đựng rác thải y tế. Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương Lê Thị Tuyết Lan cho biết, hiện có 56 học sinh diện F1, 2 em nhỏ là con của giáo viên, 10 giáo viên diện F1, 3 nhân viên, 10 phụ huynh diện F1, 36 phụ huynh diện F2 đang thực hiện cách ly tập trung tại trường. Ngoài ra, trực tại trường 24/24h còn có Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, nhân viên kế toán và các cán bộ quân đội, công an, bảo vệ, y tế. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà chia sẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ngành Giáo dục Hà Nội xin gửi lời chúc sức khỏe đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đang cách ly tại trường tiểu học Xuân Phương. Món quà nhỏ thể hiện tấm lòng của thầy trò Thủ đô mong có thêm sự hỗ trợ thiết thực để các thành viên trong khu cách ly khắc phục khó khăn, vững tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, chung tay cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch để ổn định cuộc sống... Xúc động trước sự quan tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan cho biết, nhà trường đã sắp xếp bố trí 17 phòng, mỗi phòng 4 gia đình học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất được nhà trường phối hợp với phụ huynh đảm bảo đầy đủ. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly, nhà trường đã được UBND quận Nam Từ Liêm lắp 16 bình nước nóng. Còn Ban chỉ huy quân sự quận đảm bảo các bữa ăn chất lượng trong suốt quá trình thực hiện cách ly. Cán bộ y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt và nhắc nhở các thành viên đảm bảo tốt qui định phòng, chống dịch. “Mặc dù ở trong khu cách ly nhưng khi có cô giáo, bố mẹ và các bạn ở cùng, tinh thần của các con đã ổn định, vui vẻ. Các giáo viên dạy môn thể dục, âm nhạc cũng cách ly cùng nên học sinh cũng được tham gia các hoạt động ngoài trời nhưng vẫn đảm bảo việc giãn cách theo quy định. Hiện nay đã có rất nhiều tổ chức tặng sách, bánh kẹo, bánh chưng, đồ chơi cho học sinh đề động viên tinh thần các con… Ban Giám hiệu cũng sẽ phối hợp với các cô để tổ chức cho các con đón một cái Tết ý nghĩa ở trong khu cách ly trên tinh thần đảm bảo nghiêm túc yêu cầu phòng dịch. Việc học của học sinh được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, học mà chơi theo hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo chuyên môn. Điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh; quyết tâm phòng dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng”, Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan cho biết thêm. Hưng VũTĐKT - Luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, thương người như thể thương thân, gần 20 năm nay là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ ở khu dân cư số 10, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiêu luôn sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, bằng tấm lòng chân thành và uy tín của mình, bà đã vận động được nhiều gia đình trong khu dân cư cùng tham gia Tổ Tâm thiện, chung tay lan tỏa yêu thương.
Từng có thời gian dài công tác trong ngành quân đội lại nhiệt tình, tốt tính nên khi về hưu, được vận động tham gia công tác chữ thập đỏ ở địa phương, bà Kiêu rất sẵn lòng. Công việc của một Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ dù không một đồng hỗ trợ, lại “ngốn” không ít thời gian nhưng bà luôn nhiệt huyết.
Bà cho biết, những buổi đầu nhận nhiệm vụ, để chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn, bà thường gửi gắm tấm lòng của mình theo các hoạt động của nhiều nhóm từ thiện khác nhau: Lúc thì 500 nghìn theo nhóm cháo phát tại bệnh viện; khi thì 1 triệu cho học sinh vùng cao; có lúc vận động thêm cả con cháu hoặc một số nhà hảo tâm được cả vài triệu đồng cho đồng bào vùng lũ... Cứ thế, bà bị cuốn theo các hoạt động thiện nguyện, bén duyên với vai trò là chiếc cầu nối nhân ái.
Bà Nguyễn Thị Kiêu, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu dân cư số 10, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, bà nhận thấy, người dân ở khu dân cư số 10 rất chân thành và tình cảm, đa số là những người công tác trong ngành quân đội nên sự yêu thương đùm bọc, tình đồng chí, đồng đội và trách nhiệm xã hội được mọi người đề cao. Họ luôn sẵn lòng hỗ trợ nếu ai đó cần... Mong muốn xây dựng một mô hình nhân đạo riêng của khu dân cư, năm 2017, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu dân cư số 10, bà Kiêu đã mạnh dạn đứng ra họp các chi hội lại để thành lập Tổ Tâm thiện.
Đầu tiên Tổ Tâm thiện chỉ có 9 người tham gia, trong đó gia đình bà có 3 người, mỗi tháng ba mẹ con bà đóng 200 nghìn đồng/người, còn lại các thành viên khác người 50 nghìn, người 100 nghìn.
Với suy nghĩ “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, sự quan tâm, giúp đỡ được Tổ Tâm thiện ưu tiên cho việc thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những đối tượng khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, các cháu mồ côi, khuyết tật ngay ở khu dân cư của mình. Sau 3 tháng thành lập, lần đầu tiên, dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Tổ Tâm thiện đã tổ chức tặng quà cho các hộ khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo với 22 suất quà trị giá 15,5 triệu đồng, góp phần làm ấm áp thêm không khí Xuân ở khu dân cư số 10.
Bà Nguyễn Thị Kiêu cùng đoàn thiện nguyện gửi gắm tấm lòng của mình và của những mạnh thường quân khác đến đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020.
Thấy các hoạt động của Tổ Tâm thiện thiết thực và nhân văn, ngày càng có nhiều hội viên tham gia. Năm 2017, số thành viên trong Tổ Tâm thiện tăng lên 42 người. Do đó, nguồn quỹ hỗ trợ cũng dần lớn lên, số lượng người được hỗ trợ vì thế cũng tăng lên, tạo không khí đầm ấm, gắn bó trong khu dân cư. Bất kỳ gia đình nào có việc đột xuất như đau ốm, đi viện, không may gặp hoạn nạn, Tổ Tâm thiện cũng sẵn sàng đến thăm hỏi, động viên; đồng thời trích ra một phần quỹ để hỗ trợ. Bà Kiêu bảo: “Của ít, lòng nhiều. Chủ yếu là động viên nhau về tinh thần, giúp mọi người có khó khăn thêm động lực để vươn lên. Chứ tiền thì không có nhiều.”
Năm 2017, Tổ cũng đã tặng 21 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo trị giá 9,1 triệu đồng. Năm 2018, Tổ đã thăm hỏi, tặng 15 suất quà trị giá 7, 6 triệu đồng. Năm 2019, tổ đã thăm hỏi, tặng 36 suất quà trị giá 15,1 triệu đồng cho người bị mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ khuyết tật… tại địa phương...
Bà Kiêu vui mừng: Vui nhất là, đến nay ngày càng có nhiều gia đình tham gia cả nhà, đều đặn đóng góp những đồng tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình vào Tổ Tâm thiện, mang niềm vui đến cho người khác. “Hiện đã có gần 50 gia đình có nhiều thế hệ trong khu dân cư tham gia Tổ tâm thiện. Ai cũng đóng góp, có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, người có 5 trăm, 1 triệu, người có mấy chục nghìn nhưng tích tiểu thành đại, tôi đều nhận và ghi chép, tổng hợp lại đầy đủ.”– Bà Kiêu chia sẻ.
Ông Hàn Ngọc San, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10 cho biết: “Bà Kiêu ở đây được lòng bà con lối phố lắm. Lòng nhiệt tình và nhân ái của bà, cả khu ai cũng biết, không chê vào đâu được. Bà là người cực kỳ có trách nhiệm, có việc gì đột xuất ở khu này cũng không vắng mặt bà và các thành viên Tổ Tâm thiện. Bằng tấm lòng nhân ái của mình, bà đã đưa phong trào Chữ thập đỏ trở thành một trong những phong trào nòng cốt ở địa phương”.
Ông San vẫn nhớ như in trường hợp con trai gia đình bà Thu ở trong khu dân cư, do gia đình khó khăn nên dù biết mình có bệnh nhưng không đi khám hay chữa trị thường xuyên. Đến khi biến chứng, phải đi cấp cứu, gia đình cũng chỉ có vài trăm nghìn đồng. “Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, bà Kiêu đã vận động các thành viên trong Tổ Tâm thiện cũng như người dân trong khu dân cư số 10, mỗi người một ít góp lại. Thế là chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, bà đã quyên góp được 6 triệu đồng, giúp con trai bà Thu được cấp cứu kịp thời và được cứu sống. Hiện nay, anh đã lấy vợ và có hai đứa con.”
Ngoài các hoạt động của khu dân cư, Tổ Tâm thiện còn vươn đi xa, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền đất nước. Khi đồng bào huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở đất, Tổ tâm thiện đã trích 5 triệu đồng cùng với Hội Chữ thập đỏ phường trao đến tay những người dân bị ảnh hưởng. Riêng bản thân bà tặng 2 suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Năm 2017, Tổ đã trích 5 triệu đồng góp vào với Hội Chữ thập đỏ của phường để đi từ thiện ở Thái Nguyên. Năm 2018, Tổ ủng hộ đồng bào nghèo ở Lào Cai, Sơn La 5 triệu đồng; ủng hộ xã Sơn Lương, Văn Chấn, Yên Bái 6 triệu đồng. Năm 2019, tổ đã ủng hộ đồng bào ở Mường Lát, Thanh Hóa 5 triệu đồng; ủng hộ học sinh ở trường Tiểu học và Mầm non xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu 6 triệu đồng.
Bà Kiêu bảo: “Tổ Tâm thiện cũng vừa ủng hộ đồng bào miền Trung 5 triệu đồng. Ngày mai, tôi được các thành viên trong Tổ cử đi đại diện để trao quà đến bà con.”
Vừa rảo bước nhanh, vừa trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Kiêu trên một đoạn đường ngắn trong khu dân cư số 10, chúng tôi có dịp cảm nhận rõ hơn về tình cảm của những người dân ở khu dân cư số 10 dành cho bà. Cô bán hàng xén đang ngồi nhặt dưa, thấy bà đi qua vội đánh ánh mắt và nở nụ cười tươi chào chị “Đi đâu đấy chị Kiêu?”. Cô thợ may đang cặm cụi với đường kim mũi chỉ, thấy bóng bà lướt qua cũng vội chào: Cô Kiêu ơi, khu dân cư có việc gì vui à? Rồi cả một anh bộ đội trẻ tuổi, thấy bà Kiêu từ xa, đã nở nụ cười tươi rồi cất tiếng chào lễ phép...
Bà Kiêu bảo: “Người với người sống là để yêu thương nhau. Vì vậy, còn sức khỏe, tôi vẫn còn tham gia công tác nhân đạo này”. Thiết nghĩ, cuộc sống của chúng ta hôm nay cần nhiều lắm những tấm lòng như vậy. Với những thành tích đó bà Kiêu đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
Mai Thảo
TĐKT - 24 năm kể từ khi thành lập, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã có được một diện mạo mới bề thế, văn minh, hiện đại, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện… Thành quả đó thật đáng trân trọng và tự hào. Trong bức tranh chung đầy sống động ấy, có một mảng màu sáng đẹp nổi trội được tạo nên từ các phong trào thi đua yêu nước.
Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và càng khó khăn, càng phải thi đua, năm 2020, mặc dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, chính quyền, Đảng bộ và nhân dân quận Thanh Xuân đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tích cực thi đua vượt qua mọi khó khăn, vừa triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội; góp phần quan trọng vào hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo quận Thanh Xuân luôn đổi mới, quyết liệt, khẩn trương, chắc chắn và hiệu quả.
Phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được quận Thanh Xuân triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2020, kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 85.478 tỷ đồng (tăng 8,6 % so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 47.493 tỷ đồng (tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2019); giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ ước đạt 37.985 tỷ đồng (tăng 10,5 % so với cùng kỳ năm 2019). Quận đã cấp mới, cấp đổi 1.105 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tăng 1,8 % so với cùng kỳ năm 2019).
Đặc biệt, quận đã chủ động xây dựng 3 kịch bản thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 phục vụ chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng, xây dựng và triển khai phương án thu - chi ngân sách đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch bệnh; đồng thời, triển khai các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2020. Tổng thu ngân sách ước cả năm 2020 đạt 4.512 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao. Chi ngân sách đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của quận.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bảo vệ môi trường năm 2020
Phong trào thi đua trong lĩnh vực quản lý theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng được quận Thanh Xuân tập trung chỉ đạo, đạt hiệu quả tốt. Năm 2020, quận Thanh Xuân có 8 dự án, công trình trường học kịp thời đưa vào sử dụng, phục vụ năm học mới 2020 - 2021; hoàn thành công trình và tổ chức Lễ gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp quận Thanh Xuân lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trường THPT Khương Đình. Quận cũng hoàn thành công tác khảo sát đầu tư xây dựng năm 2021.
Phong trào thi đua quản lý đất đai, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được chú trọng, bộ mặt đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai từ quận tới cơ sở; có: 57.580/62.282 hộ gia đình đăng ký đạt “Gia đình văn hóa”, đạt 92%; 301/314 Tổ dân phố đăng ký đạt “Tổ dân phố văn hoá”, đạt 95,8%. Đặc biệt, triển khai nhân rộng mô hình Tổ dân văn hóa “5 không”, đến nay, toàn quận có 33 tổ được công nhận Tổ dân phố văn hóa “5 không” năm 2020 (tăng 10 tổ so với năm 2019).
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân và trường Tiểu học Khương Mai được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì
Đáng chú ý, năm học 2019 - 2020, với quyết tâm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phong trào dạy tốt - học tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy học được ngành Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân thực hiện rất tốt. Công tác quản lý giáo dục hiệu quả, bắt nhịp nhanh với phương thức dạy học mới (dạy học trực tuyến), góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, tiếp tục giữ vững vị trí “tốp đầu” ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Năm 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2014 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2020, quận Thanh Xuân được UBND TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua An toàn thực phẩm 5 năm, giai đoạn (2016 - 2020); đồng thời được công nhận là vùng an toàn bệnh dại đầu tiên của TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Quận Thanh Xuân là đơn vị được TP Hà Nội đánh giá cao vì đã triển khai tích cực và có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, UBND quận đã thực hiện kịp thời, quyết liệt, nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố và quận ủy, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên dịch bệnh luôn được kiểm soát tốt.
Quận đã kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được 3,6 tỷ đồng tiền mặt; gần 372 triệu đồng ủng hộ qua tin nhắn và nhiều hiện vật khác. Các khoản kêu gọi hỗ trợ cũng như gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn quận đều được triển khai chi trả đảm bảo kịp thời, đúng quy định tới các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; hộ cận nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Quận Thanh Xuân vinh dự có 5 tập thể và 5 cá nhân được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.
Quận Thanh Xuân được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích tốt trong triển khai cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2020
Từ các phong trào thi đua đã phát hiện nhiều hành động đẹp, việc làm tốt, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được nhân dân ghi nhận, các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Năm 2020, quận đã khen thưởng 894 tập thể và 2219 cá nhân Riêng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, quận đã khen thưởng 106 tập thể, 325 cá nhân. Qua đó, đã kịp thời động viên các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, góp phần tạo không khí hào hứng, phấn khởi, cổ vũ tinh thần cán bộ, công chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, nhờ triển khai có hiệu quả Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2020, 80 cá nhân tiêu biểu đã được phát hiện, được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” quận Thanh Xuân; 30 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Quận Thanh Xuân vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích tốt trong triển khai cuộc thi viết.
Thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Thanh Xuân nỗ lực đạt được trong năm 2020 đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung, nhiều dấu ấn của cả nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định: 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu của quận đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội V đề ra; tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 8%/năm, dịch vụ tăng 9,64%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận 5 năm đạt 26.595 tỷ đồng, bình quân tăng 19,65%/năm. Liên tục 6 năm liền (2015 - 2020) ngành Giáo dục và Đào tạo quận xếp thứ nhất ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô; có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đạt chất lượng cao).
Thanh Xuân là quận đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không”, bước đầu đạt kết quả tích cực, được sự đồng thuận trong nhân dân. Chỉ số cải cách hành chính của quận 3 năm liền (2016, 2017, 2018) xếp thứ 5/30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm được nâng lên; tỷ lệ điều tra khám phá vụ án, đối tượng hình sự bình quân đạt tỷ lệ 81,73%/năm (vượt 6,73% chỉ tiêu đề ra)…
Thành quả đó mang đậm dấu ấn quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả từ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện và các mô hình, phong trào thi đua. Những kết quả toàn diện đã đạt được là nguồn động lực to lớn cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân vững tin và phấn khởi tiếp bước trên con đường xây dựng, phát triển quận Thanh Xuân trong giai đoạn mới (2020 – 2025)./.
Hưng Vũ
TĐKT - Với mong muốn tạo ra một sân chơi khoa học, lành mạnh bổ ích và lí thú, nơi học sinh có thể trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực bản thân, đề cao tinh thần hợp tác và rèn luyện kỹ năng sống, chiều 20/1, trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội đã tổ chức Ngày hội STEM 2021 dành cho học sinh khối THPT.
STEM là viết tắt của khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics). Đây là mô hình giáo dục hiện đại được triển khai tại nhiều nước Âu – Mỹ.
Mô hình sáng tạo của học sinh trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội tại Ngày hội STEM 2021
Ngày hội STEM đã được nhà trường lên kế hoạch, phát động toàn khối trung học từ đầu năm học. Trong cả học kỳ một, các sản phẩm vận dụng khoa học công nghệ được các em tự tay làm ra trong các tiết học được bảo quản, hoàn thiện để chờ đợi trưng bày trong ngày hội. Thông qua sự tính toán chính xác các thông số kỹ thuật trước khi thiết kế, các em đã thấy được vai trò của khoa học trong ứng dụng thực tế và hiểu được giá trị của việc vận dụng lý thuyết trong thực hành. Đồng thời học sinh cũng biết viết thuyết trình, các bản mô tả để người xem có thể hiểu hơn về “đứa con tinh thần” của mình, về những nguyên lý khoa học ứng dụng.
Mô hình sáng tạo của học sinh trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội tại ngày hội STEM 2021
Các phần mềm sáng tạo nổi bật có thể kể tới: Máy tăng âm đơn giản - mạch cảm biến âm thanh, cảm biến nhiệt độ, cảm biến tốc độ, mạch báo mực nước, máy phát điện, động cơ điện, máy bắn đá, tên lửa nước, máy hút bụi mini; các sản phẩm sáng tạo độc đáo như: Dầu dừa, nước rửa bát, dầu gội đầu... Mô hình máy thủy lực, ô tô… hay lược đồ Việt Nam.
Ở cấp độ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học. Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.
Thục Anh
TĐKT - Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu với lòng nhiệt huyết trong công việc, đó là ấn tượng lớn nhất khi gặp bà Phạm Thị Trọng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Thọ, phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Bà không chỉ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, mà còn nhiệt huyết đối với các nhiệm vụ chính trị của tổ dân phố. Nhất là việc bà vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào của Hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chung sức xây dựng tổ dân phố ngày càng giàu đẹp, văn mình.
Bà Phạm Thị Trọng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Thọ
Mặc dù ở tuổi 64 nhưng bà Phạm Thị Trọng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn là người sống trách nhiệm, có tâm, yêu nghề. Bà tâm sự, trước khi nghỉ hưu bà làm tại Công ty Cổ phần Dệt Mùa đông, nhiều năm liền bà là chiến sĩ thi đua, thợ giỏi ngành Dệt. Dù làm công việc gì bà cũng luôn tỉ mỉ, chịu khó. Khi dạy học sinh học nghề, không những dạy cách làm, bà còn dạy phong cách, lý lẽ sống.
Sau khi nghỉ hưu, chính quyền, người dân tại khu vực bà sinh sống tin yêu, tín nhiệm đã bầu bà giữ chức Bí thư Chi bộ khu dân cư Thọ, phố Chính Kinh, phường Nhân Chính. Trong công việc, bà đi vào chi tiết, cụ thể, lấy hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu, tập trung vào những việc mới, việc khó với cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở. Bà luôn tâm niệm, dù làm việc gì đi chăng nữa cũng cần phải gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, đó là “bí quyết” được bà vận dụng từ thực tế.
Điều đặc biệt, bà không bao giờ ngại việc khó. Bà thường xuyên sâu sát, gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương. Chính điều này đã góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa nhân dân với tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các cấp.
Hơn hết, nói là phải làm, phân công phải kiểm tra trực tiếp mới thành công. Trong tất cả các công việc, bà đều lăn lộn vào làm cùng mọi người. Như thời điểm xóa, dỡ bỏ các biển quảng cáo và quyên góp quỹ vì người ngèo, quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 cũng như mới nhất là quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung…, trong mọi hoạt động đều có sự góp mặt của bà Trọng. Dù ở vai trò nào, bà cũng luôn chủ động, tích cực vào cuộc theo đúng tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng, chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và thành phố.
Khi trên địa bàn có nhiều hộ chưa hiểu bản chất cũng như ý nghĩa của các cuộc vận động, bà nắm bắt tâm tư, động viên người dân tham gia. Kết quả, bà đã tuyên truyền nhân dân tham gia, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh của MTTQ phường là 6 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Trọng (áo trắng bên phải) tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện
Khi tham gia tổ trưởng tổ hòa giải, bà luôn là người tích cực trong công tác hòa giải từ việc tranh chấp đất đai đến việc giải quyết ly hôn của các cặp vợ chồng. Chưa có việc gì trong phố, phường là bà không giải quyết được. Tất cả các việc bà đều đến tận nơi, giải quyết từ những việc nhỏ nhất. Đơn cử, việc bà đã vận động người dân trong các ngõ phố xóa bỏ bậc tam cấp lên xuống để mang lại mỹ quan cho ngõ phố.
Để làm tốt công việc, vận động người dân nghe theo đó là điều không hề đơn giản bởi phải nói làm sao hợp với lòng dân. Đối với bà Trọng, không có gì có thể làm khó được bà bởi bà đã phân tích được điều hay, lẽ phải, hợp lý và lựa lời để nói cho vừa ý người dân. Hơn hết, bà gần dân, làm đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những năm trước, tại khu phố của bà, có những trường hợp gia đình nấu nhựa sơn cửa, gây ra các mùi ô nhiễm tại khu dân cư. Khi người dân phản ánh đến bà, bà đã nhiều lần vận động một cách hợp tình, hợp lý để chủ hộ hiểu được sự ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến các hộ dân lân cận. Sau nhiều ngày, chủ hộ đã đồng ý dỡ bỏ cơ sở nấu nhựa để mang ra khỏi khu dân cư.
Gia đình bà có 12 phòng cho thuê, với tinh thần lá lành đùm lá rách, mong muốn bằng việc làm thiết thực của mình giúp đỡ cho những người lao động trong đợt dịch Covid-19, bà đã quyết định giảm giá thuê mỗi phòng là 1 triệu/tháng vào các tháng 3, 4, 5, tổng số tiền giảm là 36 triệu đồng và không lấy tiền đặt cọc cho những người thuê nhà. Có nhiều gia đình đến thuê nhà, chung sống cố định tại đó 5-7 năm là chuyện bình thường, bởi ở đó, bà luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người lao động, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Luôn chung tay, góp sức trong mọi hoạt động, các con phố nơi bà Trọng sinh sống khang trang, sạch đẹp, đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ không hề có biển dán quảng cáo cũng như các bậc thang xây dựng chen lấn lối đi. Khu phố càng trở nên văn minh, lịch sự. Có được điều đó, chính là nhờ sự góp phần không hề mệt mỏi của bà Phạm Thị Trọng. Tuy nhiên, muốn nhận được sự thống nhất cao của bà con nhân dân trước hết người bí thư chi bộ phải gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, quan tâm chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của đảng viên nhân dân, từ đó có những cách làm phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân bà và gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua của phố, phường. Có như vậy, người dân mới nghe, làm theo, công tác tuyên truyền, vận động cũng từ đó mà hiệu quả hơn.
Những nỗ lực của bà luôn được lãnh đạo cấp trên cũng như người dân trong khu phố ghi nhận, đánh giá cao. Bà đã được nhận các Giấy khen về phong bảo vệ trào an ninh Tổ quốc của Quận; Giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội; Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội… Nhiều năm liền bà là Đảng viên xuất sắc.
Hồng Thiết
TĐKT – Ngày 23/1, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức chương trình “Tết Sum vầy” cho đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) Thủ đô nhằm thực hiện phương châm “Tất cả người lao động đều có Tết, vui Tết”.
Tới dự chương trình có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành thành phố và gần 1.000 công nhân, lao động Thủ đô.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng 5.000 suất quà Tết cho công nhân, viên chức, lao động Thủ đô
Năm 2021 là năm thứ 7 LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức chương trình “Tết sum vầy”. Đây là hoạt động có ý nghĩa và đầy tính nhân văn đối với NLĐ vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đồng thời là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), mừng đón Xuân mới - Xuân Tân Sửu năm 2021.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: LĐLĐ thành phố đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tới 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các công đoàn cơ sở trực thuộc; chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang, bảng lương, kế hoạch trả lương, các khoản phúc lợi khác, sớm công khai để người lao động biết và giám sát thực hiện; rà soát người lao động có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và vận động các doanh nghiệp cùng tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Chương trình bốc thăm trúng thưởng tại Tết Sum vầy 2021
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do tác động, ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, thu nhập của người lao động; nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, có trên 165.000 công nhân, lao động trên địa bàn thành phố đã bị mất việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút.
Trước tình hình đó, với phương châm “Tổ chức Công đoàn Thủ đô luôn đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động”, LĐLĐ thành phố đã chủ động tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thành lập 5 tổ công tác và xây dựng 3 kịch bản ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động. Đồng thời, chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền đồng cấp có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Riêng các cấp Công đoàn Thủ đô, bằng từ nguồn ngân sách Công đoàn và “Quỹ Xã hội Công đoàn”, đã hỗ trợ 67.970 công nhân, lao động các doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với số tiền trên 37 tỷ đồng. Vận động các chủ nhà trọ nơi tập trung đông công nhân được miễn, giảm giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, giám sát thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân và công nhân, lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuyên truyền, vận động công nhân, lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tự nguyện nghỉ việc không lương, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm mức lương hàng tháng… Chính nhờ sự chia sẻ này của công nhân, lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động vượt qua đại dịch.
Từ nguồn ngân sách của Công đoàn và kêu gọi xã hội hóa, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã hỗ trợ tặng các doanh nghiệp: 1.287.000 khẩu trang y tế, 95.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, 318 máy đo thâm nhiệt, trị giá 15,8 tỷ đồng.
Thành ủy - HĐND - UBND thành phố đã quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố 5.000 suất quà, tổng số tiền 2,5 tỷ đồng cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, tính đến nay, LĐLĐ TP Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp trao trên 80.000 suất quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, tặng trên 90.000 vé xe, hỗ trợ phương tiện đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Số tiền hỗ trợ cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn Tết Tân Sửu năm 2021 ước tính trên 60 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu thăm gian hàng giảm giá cho người lao động tại chương trình
Riêng LĐLĐ TP Hà Nội chi trên 10 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 50 “Mái ấm Công đoàn”, trị giá 2 tỷ đồng; trao hỗ trợ 5.500 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng; tặng 1.300 vé xe ô tô đưa công nhân, lao động về quê đón Tết cho công nhân, lao động tại các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; thăm hỏi, trao tặng quà cho 1.640 công nhân, lao động tại 18 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; các công đoàn cơ sở là các đơn vị phục vụ Tết, gặp mặt đoàn viên công đoàn, công nhân lao động đầu Xuân mới… thuộc Công đoàn ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội; Tổng Công ty Vận tải, Thương mại Hà Nội và Công đoàn các Khu Công nghiệp Chế xuất Hà Nội…; trao tặng 17 suất quà cho đoàn viên trực thuộc công đoàn ngành giáo dục Hà Nội là vợ các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ công tác tại biên giới, biển đảo, 500 suất quà cho các cháu là con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Hỗ trợ 802 công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trực thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình.
Tại Chương trình “Tết Sum vầy” này, LĐLD TP Hà Nội trao trực tiếp 800 suất quà trị giá 1,6 tỷ đồng và 126 giải thưởng, trị giá trên 210 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Đánh giá cao chương trình "Tết sum vầy" do LĐLĐ TP Hà Nội thực hiện trong những năm qua, phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, đây chính là thể hiện sự quan tâm sâu sát của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích cho người lao động Thủ đô và cả nước với phương châm “Không để đoàn viên, công nhân, lao động không có Tết”, “Ở đâu có công nhân, lao động gặp khó, ở đó có tổ chức công đoàn”.
Nhấn mạnh những thành tựu toàn diện mà Hà Nội đạt được có sự đóng góp quan trọng của lực lượng đoàn viên, công nhân, lao động Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu trong năm 2021, các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, hàng đầu, thường xuyên là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tiếp tục đồng hành, sát cánh, động viên công nhân, lao động Thủ đô phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phấn đấu nâng cao tay nghề, góp phần tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định; phát triển doanh nghiệp, xây dựng đất nước.
Dịp này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trao tặng 5.000 suất quà với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng của thành phố cho công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.
Mai Thảo
Hà Nội có số thí sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhiều nhất cả nước
TĐKT - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021. Theo đó, TP Hà Nội có 139 thí sinh đạt giải, nhiều nhất cả nước, với 11 giải nhất, 45 giải nhì, 50 giải ba và 33 giải khuyến khích. Ảnh minh họa Cụ thể: 11 giải nhất ở các môn: Toán (2 giải), Vật lí (2 giải), Hóa học (4 giải), Lịch sử (1 giải), Địa lý (1 giải), Tiếng Anh (1 giải); 45 giải nhì ở các môn: Toán (5 giải); Vật lý (5 giải); Hóa học (7 giải); Sinh học (6 giải); Tin học (2 giải); Lịch sử (4 giải); Địa lý (6 giải); Tiếng Anh (9 giải); Tiếng Trung (1 giải). 50 giải ba ở các môn: Toán (4 giải); Vật lý (6 giải); Hóa học (4 giải); Sinh học (6 giải); Tin học (7 giải); Ngữ văn (2 giải); Lịch sử (5 giải); Địa lý (3 giải); Tiếng Anh (6 giải); Tiếng Pháp (6 giải); Tiếng Trung (1 giải). 33 giải khuyến khích ở các môn: Toán (2 giải); Vật lý (4 giải); Hóa học (3 giải); Sinh học (2 giải); Tin học (1 giải); Ngữ Văn (2 giải); Lịch sử (6 giải); Địa lý (2 giải); Tiếng Anh (3 giải); Tiếng Nga (3 giải); Tiếng Pháp (4 giải), tiếng Trung (1 giải). Với kết quả trên, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021. Thục AnhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 37
- 38
- 39
- 40
- 41
- …
- sau ›
- cuối cùng »