TĐKT - Nhớ lời Bác Hồ dạy, điều cốt lõi trong công tác giáo dục đó là “làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái dở, cái xấu thì mất dần đi”, hơn hai mươi năm trong ngành, dù là lúc cầm phấn đứng trên bục giảng hay ở vị trí quản lý của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) luôn chọn cho mình lối sống mẫu mực, cần mẫn gieo những mầm sống đẹp từ những công việc bình dị hàng ngày.
Xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc…
Hơn 3 năm nay, chẳng quản ngày nắng hay ngày mưa rét, sáng nào mỗi giáo viên trường Tiểu học Tô Hoàng cũng cố gắng đến sớm hơn, trau truốt trang phục, ngoại hình cũng như chuẩn bị cho mình một tâm thế vui vẻ, hạnh phúc nhất, sẵn sàng ở cổng trường để đón những học sinh thân yêu của mình vào lớp. Những nụ cười thân thiện, những câu chào lễ phép được trao đi giữa giáo viên - phụ huynh - học sinh đã trở thành một thói quen đẹp trong suốt 3 năm qua. Đó là một trong rất nhiều “hạt mầm xanh” mà cô Phương đã nỗ lực “gieo” kể từ khi về trường Tiểu học Tô Hoàng đảm nhận vai trò là “người thủ lĩnh”.
Cô giáo Nguyễn Thu Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hoàng
Cuối năm 2017, khi mới về trường Tiểu học Tô Hoàng nhận công tác, nhận thấy thực trạng có rất nhiều phụ huynh vào tận lớp để đón con, điều đó tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự và an toàn cho học sinh; gây khó khăn trong việc quản lý cơ sở vất chất của nhà trường… cô Phương đã nhanh chóng bắt tay vào họp bàn và phổ biến, triển khai phương án mới “Lập rào chắn, đón, trả học sinh”. Theo đó, mỗi buổi sáng, các thầy cô giáo theo lịch phân công của ban giám hiệu nhà trường, thay phiên nhau đi sớm và trực ở cổng để đón học sinh vào trường; buổi chiều dẫn học sinh xuống khu vực chờ đón, trả theo thời gian quy định. Các phụ huynh sẽ được bố trí một khu vực để đón con em mình, không được tự do đi vào tận cửa lớp như trước đây.
Cô Nguyễn Phương Anh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn cho biết: Dù quy định mới có sự hợp lý và khoa học hơn hẳn, song do không được đón con, cháu theo ý mình, nhiều phụ huynh bức xúc; vất vả vì phải đi sớm, về muộn hơn so với trước nên cũng có không ít giáo viên thiếu mặn mà với việc triển khai thực hiện phương án mới...
Đặt sự an toàn của học sinh và sự an tâm, tin tưởng của các bậc phụ huynh lên trên hết, cô Phương kiên trì giải thích, vận động và kiên quyết đưa quy định mới đi vào thực tiễn. Đặc biệt, để chia sẻ, đồng hành với các đồng nghiệp, mỗi sáng, cô Phương thường xuyên có mặt từ rất sớm trước cổng trường, cùng với các thầy cô khác đón học sinh, gật đầu mỉm cười chào từng con. Đến nay, hàng ngày nhìn thấy niềm vui hân hoan, thái độ chào hỏi lễ phép của các học trò; sự cởi mở, thân thiện hơn giữa phụ huynh với thầy cô giáo khi trao đổi, phối hợp giáo dục con trẻ... ai ai cũng thấy tự hào và càng cảm nhận rõ hơn những giá trị thực sự của nỗ lực thay đổi thói quen tưởng chừng rất đơn giản ấy của cô hiệu trưởng.
Các cô giáo Trường Tiểu học Tô Hoàng đang đón các học sinh ở cổng trường
…trường học nhân ái
Không chỉ nỗ lực mang đến niềm vui, sự hạnh phúc cho cả thầy và trò mỗi ngày đến lớp, đến trường, cô Phương còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng môi trường nhân ái cho học sinh.
Với mỗi giáo viên, phụ huynh và học sinh của trường Tiểu học Tô Hoàng, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là thời điểm họ không bao giờ quên. Bởi, đó là năm cả trường đón Tết ấm áp và đầy nghĩa tình.
Trong trí nhớ của cô Đàm Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, đó là thời điểm những tháng đầu hiệu trưởng Nguyễn Thu Phương mới về trường nhận công tác. Dù phải tiếp nhận rất nhiều nhiệm vụ mới, bộn bề công việc, song khi được bàn giao danh sách những giáo viên, học sinh, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong trường, cô Phương đã dành sự quan tâm đặc biệt.
Đôi chân cô tìm đến tận nhà của học sinh, nằm sâu trong một ngõ hẻm của đường phố Bạch Mai, để thực sự thấu hiểu khái niệm của 1 ngôi nhà chật hẹp - nơi mà chưa đầy chục mét vuông, chỉ đủ trải một manh chiếu cho 4 người cùng ngủ. Cô cũng trực tiếp đến tận các bệnh viện mà học trò Bạch Khải Hưng điều trị ung thư để thấu hết những cơn đau mà em và gia đình đang phải trải qua…
Từ đó, cô Phương phát động phong trào “Tết yêu thương”, nhằm gây quỹ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đó. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra e ngại bởi cho rằng, gia đình phụ huynh học sinh ở đây đa phần khó khăn, tiền đóng học cho con em họ còn chưa lo nổi, huống chi là ủng hộ từ thiện. Không cẩn thận, hoạt động gây quỹ từ thiện lại bị hiểu sai, trở thành vấn đề “lạm thu”, ảnh hưởng đến danh tiếng nhà trường…
Cô Phương “thắp lửa” nhân ái thông qua các phong trào nhân đạo từ thiện, san sẻ yêu thương
Sẵn sàng đối mặt với những luồng ý kiến trái chiều, cô Phương mang trái tim ấm nóng, chân thành của mình đặt vào những cuộc họp bàn, lấy kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh. “Tâm huyết sẻ chia, giúp đỡ những học sinh đặc biệt khó khăn ấy của cô đã trở thành lý lẽ thuyết phục nhất, vận động được nhiều giáo viên, phụ huynh trong trường thay đổi cách nghĩ và nhiệt tình ủng hộ phong trào.” – Chị Đồng Thị Thơm, phụ huynh học sinh lớp 4C chia sẻ.
Ngay lần đầu tiên phát động đó, gần 1.000 tấm lòng vàng - là giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh trong và ngoài nhà trường đã tự nguyện chung tay ủng hộ. Nhờ đó, hơn 30 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ một cái Tết yêu thương, ấm áp. Đặc biệt, nhà trường cũng đã gửi tặng 30 triệu đồng hỗ trợ học sinh bị bệnh ung thư Bạch Khải Hưng.
Trân trọng hơn, sau hoạt động trao yêu thương ấy, đích thân cô hiệu trưởng đã soạn và trao đi gần 1000 lá thư cảm ơn tới những mạnh thường quân đã chung tay, ủng hộ phong trào. Đồng thời, chia sẻ công khai trên các trang mạng xã hội zalo, facebook về những hoạt động của nhà trường, kèm theo những con số rõ ràng, minh bạch. Qua đó, đã giúp gần 1200 cô cậu học trò nhỏ bé trường Tiểu học Tô Hoàng có được bài học thực tế, ấm áp nhất về sự sẻ chia; đồng thời lan tỏa đến cộng đồng xã hội những việc làm nhân văn, tốt đẹp.
Cũng với những cách làm gương mẫu, xuất phát từ trái tim, cô Phương còn là người thắp sáng phong trào “Hiến máu nhân đạo” ở trường. Bằng những hiểu biết của người có kinh nghiệm hơn 20 lần hiến máu, cô Phương nhiệt tình tư vấn đến mọi người cách thức hiến máu an toàn; ý nghĩa nhân văn của của lượng máu hiến đối với những người bệnh.... Nhờ đó, đến nay, năm nào các chỉ tiêu về hiến máu nhân đạo của nhà trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, được Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng ghi nhận, khen thưởng.
Mỗi một người tốt, việc tốt đều là một bông hoa đẹp, được cô hiệu trưởng viết thư, biểu dương trước toàn trường
Đặc biệt, cô Phương là người rất quan tâm đến phát triển phong trào “Nghìn việc tốt” trong học sinh. Bất kỳ cô cậu học trò nào nhặt được của rơi, trả người đánh mất; biết giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn; biết làm đồ dùng tái chế và trồng nhiều cây xanh, bảo vệ môi trường,... đều được cô hiệu trưởng trân trọng gửi thư khen. Cô Phương cho rằng: “Đó cách làm đơn giản nhưng thiết thực nhất để nhân lên nghìn việc tốt. Hạt sẽ thành cây, cây sẽ thành rừng. Dù sau này, các học trò nhỏ bé ấy làm nghề gì thì trước hết các em phải là những người tử tế. Các em - những mầm xanh khỏe khoắn của đất nước, bên cạnh làm chủ tri thức còn phải là những đại sứ giàu lòng nhân ái và tràn đầy yêu thương”.
Từ những viên gạch nhỏ ấy, đến nay, phong trào “Tết yêu thương”, “Trung thu cho em”, “Nghìn việc tốt” và “Hiến máu nhân đạo” liên tục được duy trì và trở thành một hoạt động được tổ chức thường niên; đã góp phần kiến tạo môi trường giáo dục nhân ái ở ngôi trường 26 năm tuổi này.
Hạt nhân gắn kết
Tuy mới gắn bó hơn 3 năm học, đó chưa phải là một thời gian dài công tác nhưng với mỗi đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh, cô giáo Nguyễn Thu Phương như người thân, luôn gần gũi, tạo ra nguồn năng lượng sống tích cực, gắn kết mọi người cùng hướng về một đích – đó là xây dựng mái nhà Tô Hoàng đoàn kết, chất lượng.
Tập thể trường Tiểu học Tô Hoàng là điển hình tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh
Là người quản lý, đứng đầu nhà trường, nhưng cô Phương luôn lắng nghe ý kiến của mọi người trước khi đưa ra một quyết định nào đó, nhìn nhận thấu đáo mọi chuyện và giải quyết trên tinh thần dân chủ, quan tâm và cùng sẻ chia khó khăn. Với những giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, cô không ngần ngại chỉ bảo tận tình. Với tâm niệm "Có giáo viên giỏi sẽ có học sinh giỏi", "Không có thầy tốt thì mọi quyển sách hay cũng không phát huy hết ý nghĩa", cô hiệu trưởng đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tổ chuyên môn. Cô trực tiếp tổ chức và giúp đỡ các giáo viên xây dựng các buổi sinh hoạt chuyên đề, các tiết thi giáo viên dạy giỏi.... Những phương pháp dạy học mới như "Bàn tay nặn bột", "Kĩ năng sử dụng bản đồ",… được ứng dụng rộng rãi trong từng môn học, từng tiết học tại trường. Dưới sự dẫn dắt của cô Phương, tất cả giáo viên trong trường đều ý thức và dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng để mỗi tiết học đạt kết quả tốt nhất.
Gánh trên vai trọng trách quản lý một trường tiểu học có tới hơn 1.000 học sinh với 28 lớp, cô Phương thường xuyên phải giải quyết những vấn đề phát sinh ngay cả khi đã hết giờ làm việc. Không tránh khỏi những áp lực nhưng cô Phương vẫn luôn tràn trề sức sống.
Được biết, không chỉ trong phạm vi nhà trường mà nhiều năm nay, cô luôn duy trì đều đặn các hoạt động thiện nguyện cộng đồng ý nghĩa khác như: Tham gia nấu cơm cho Bếp cơm 5K vào thứ bảy hàng tuần, góp phần chung tay gửi đến những bệnh nhân còn khó khăn những bữa ăn ngon, rẻ, chất lượng nhưng thấm đẫm tình người; cùng các thành viên khác trong câu lạc bộ “Cùng em vững bước” đi khảo sát và kêu gọi ủng hộ xây dựng được 13 ngôi trường cho những học sinh vùng sâu, vùng xa; tích cực ủng hộ cho giáo viên và học sinh của Ngôi nhà nhân đạo Finado dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo huyện Sóc Sơn; quyên góp ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ đồng bài miền Trung bị lũ lụt...
Những việc cô làm đang âm thầm truyền cảm hứng, “truyền lửa” cho những người cầm phấn đứng trên bục giảng; những thế hệ măng non của đất nước, cùng nỗ lực phấn đấu gieo những mầm sống đẹp hơn nữa trong cuộc sống.
Mai Thảo