TĐKT - Dù cảnh nhà không mấy dư dả nhưng trong suốt 20 năm tham gia công tác xã hội, tổng số tiền làm từ thiện của bà Hà Thị Nhụ, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã lên đến hơn chục tỷ đồng.
Việc làm của bà Nhụ đã chứng minh rằng cơ cực cuộc đời có thể buộc chặt đôi vai nhưng không thể trói được nhân cách sống của những người có trái tim nhân hậu.
Chặng đường kết nối và lan tỏa yêu thương
Khi đã ở tuổi ngoài 70, người cựu thanh niên xung phong Hà Thị Nhụ vẫn hàng ngày leo lên leo xuống hàng chục lần cầu thang của khu nhà tập thể 5 tầng cũ kỹ để đi làm từ thiện. Ngôi nhà giản dị, rộng chừng 45 mét vuông, với những vật dụng thiết yếu nhất cho một gia đình bình thường sinh hoạt. Mấy chục năm nay, đây là nơi sinh sống của bà và vợ chồng người con trai thứ hai bị câm điếc do di chứng chất độc da cam từ người chồng thương binh. Thế nhưng, trên môi bà, nụ cười luôn thường trực, khuôn mặt luôn tràn đầy sự lạc quan, phấn chấn, vui vẻ.
Chúng tôi hỏi bà có mệt không khi tuổi đã cao mà hàng ngày vẫn leo lên leo xuống cả chục lần như thế? Bà chỉ cười đôn hậu: “Tôi đi miết nên quen rồi, chẳng thấy mệt mỏi gì cả. Có hôm bị ốm sốt, đang nằm ở nhà nghỉ ngơi mà có người gọi điện bảo tặng ít bút, sách vở cho các cháu học sinh, tôi bật dậy đi ngay”.
Hàng ngày, dù tuổi cao nhưng bà Nhụ vẫn leo lên leo xuống nhiều lần để đi tham gia các hoạt động từ thiện
Có lẽ, chính trái tim nhân hậu và đôi chân không biết mệt trên hành trình nhân ái đã tiếp thêm sức mạnh để bà có được sức khỏe dẻo dai như vậy.
Chia sẻ về lý do đến với những hoạt động nhân đạo, từ thiện, bà Hà Thị Nhụ kể: “Trước đây, tôi làm thanh niên xung phong, sau đó chuyển về ngành giao thông, công tác ở đơn vị 168 thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình công tác ở đơn vị, nhờ sự năng nổ, nhiệt tình, tôi được là chiến sĩ thi đua, rồi được phân nhà về đây”.
Lấy chồng, rồi có con, bà Nhụ lại không may mắn khi chồng bị nhiễm chất độc da cam và di chứng sang các con. Con trai lớn của bà có tật ở mắt, người con trai thứ hai bị câm điếc bẩm sinh, chỉ có cô con gái út là may mắn không bị ảnh hưởng gì. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, hơn ai hết, bà Hà Thị Nhụ hiểu rõ nỗi vất vả, buồn tủi của những số phận không may mắn, nghèo khó. Vì vậy, khi thấy trong xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, người dân ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa bị thiên tai, trẻ em không được đến trường… luôn thôi thúc bà làm những việc hữu ích giúp mọi người.
Bà Nhụ không còn nhớ nơi đầu tiên mình đến tặng quà là ở đâu và năm nào, chỉ biết rằng từ chỗ âm thầm làm một mình bằng số tiền ít ỏi tích cóp từ lương hưu, đến nay đã có nhiều nhà hảo tâm tìm đến với mong muốn được sẻ chia cùng bà trên hành trình ấm áp nghĩa tình này. Có người hỗ trợ vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có người hỗ trợ lên đến cả tỷ đồng… Tất cả những tấm lòng đó được bà tiếp nhận với sự trân trọng, minh bạch.
Trong 20 năm qua, bà Nhụ đã có hàng trăm chuyến đi về khắp các vùng quê hỗ trợ tiền, xe lăn, mì tôm, quần áo, sách vở, máy lọc nước… cho các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nhân dân các vùng bị thiên tai, bão lụt, các trường học vùng sâu, vùng xa, cựu thanh niên xung phong... “Lý do để nhiều người tin và chuyển tiền cho tôi làm từ thiện là bởi tôi luôn minh bạch trong các khoản tiền vận động, quyên góp, đưa tiền, hàng đến các địa chỉ thực sự cần hỗ trợ”, bà Nhụ chia sẻ.
Nhiều năm bà giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, chồng, con và hàng xóm mới biết bà tham gia hoạt động từ thiện. Lý giải về điều này, bà Nhụ nói: “Tôi không xem những việc làm của mình là to tát mà chỉ coi đây là việc nghĩa nên làm. Đi và chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con, tôi thấy mình càng phải cố gắng hơn nữa để giúp được ngày càng nhiều hơn người nghèo, động viên họ có động lực vươn lên”.
Cứ sau mỗi chuyến đi từ thiện về, bà lại nảy ra một ý tưởng mới cho hành trình thiện nguyện tiếp theo của mình. Nhiều nhà hảo tâm còn cảm ơn bà Nhụ vì đã kỳ công đi khảo sát thực tế để việc từ thiện đúng người, đúng địa chỉ. Biết bà tâm huyết với công việc này nên ngoài các nhà tài trợ giúp đỡ tiền, vật chất còn có nhiều người tình nguyện hỗ trợ bà phương tiện chuyên chở, kho chứa, bốc vác hàng… bởi có những chuyến đi bà mang theo hàng vạn quyển vở, hàng tấn gạo để tặng bà con nghèo.
Sẻ chia là hạnh phúc
Hành trình đi từ thiện của bà cũng gặp nhiều gian nan bởi chủ yếu là đến vùng sâu, vùng xa, có những chuyến đi từ 4h sáng đến 10h đêm mới tới nơi nhưng các tình nguyện viên chưa một ai nản chí. Ngược lại, họ luôn sẵn lòng đồng hành cùng bà trong những chuyến đi tiếp theo.
Bà Nhụ đứng đợi xe buýt để đi đến điểm phân loại quần áo từ thiện tặng nhân dân các tỉnh vùng cao
Dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho công tác thiện nguyện nhưng cuộc sống riêng của bà Hà Thị Nhụ còn gặp nhiều khó khăn. Là gia đình thuộc diện chính sách, mẹ chồng bà là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 anh chồng và 1 em chồng là liệt sĩ; chồng, con trai bị nhiễm chất độc da cam, con dâu không có việc làm ổn định. Nhà bà ở trên tầng 5 của khu tập thể cũ đã xuống cấp. Hàng xóm nhiều người khuyên bà làm đơn đề nghị phường hỗ trợ chế độ cho đối tượng chính sách để sửa chữa nhà, nhưng bà Nhụ chần chừ mãi.
Bà tâm sự: “Có nhiều người nói, tôi đi xin được hàng chục tỷ đồng, sao không xin về cho gia đình sửa chữa nhà để con cháu ở cho đỡ khổ. Rồi nói tôi đi làm từ thiện mà vẫn để con trai phải đi nhặt sắt vụn mỗi ngày, tôi chỉ cười. Con đi làm là việc của nó. Dù tật nguyền cũng phải lao động chứ sao sống dựa mãi vào sự bao bọc của người thân được. Đi làm gì là việc của các con. Tôi chỉ xin cho những hoàn cảnh khó khăn. Tiền tài trợ cho hoạt động từ thiện tôi luôn ghi chép cẩn thận, rạch ròi”.
Mãi đến đầu năm 2019, cán bộ phường Thanh Xuân Nam nắm được tình hình, đến kiểm tra thực tế và đề nghị quận hỗ trợ gia đình bà 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Không chỉ làm từ thiện, bà Hà Thị Nhụ còn có 10 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận và hiện nay đang làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Thanh Xuân Nam. Trên lĩnh vực công tác nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài ra, vào thứ ba và thứ năm hàng tuần, bà còn tham gia nấu cơm từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tại Viện Bỏng Quốc gia. Bà Nhụ bảo, nấu cơm từ thiện không chỉ là đi làm phúc mà còn cho bà cơ hội học cách làm từ thiện của người khác để áp dụng cho bản thân mình. Vì vậy, gần nửa năm nay, bà Nhụ đang là nhà tài trợ chính trong hoạt động nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào thứ tư và thứ năm hàng tuần.
Trên chặng đường 19 năm qua, bà Nhụ luôn cảm ơn những người bạn đồng hành đã âm thầm đứng sau tài trợ tiền cho bà trong các chuyến đi từ thiện để nối dài những yêu thương, chia sẻ. Với những đóng góp quý báu đó, nhiều lần bà Hà Thị Nhụ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong khen thưởng. Bà vinh dự được UBND TP Hà Nội bốn lần tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” các năm 2015, 2017, 2018, 2020.
Ngọc Linh