Hà Nội thi đua ái quốc

Công đoàn Hà Nội trao thưởng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”

TĐKT - Sáng 25/11, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã đến thăm và trao danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô”, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo năm 2021 cho 15 người lao động Công ty TNHH Canon Việt Nam (trực thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội). Cùng dự chương trình đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ thành phố; lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Được biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên năm nay LĐLĐ thành phố không tổ chức lễ tuyên dương công nhân, lao động đạt các danh hiệu trên như mọi năm, mà giao về các cấp Công đoàn trao thưởng. LĐLĐ Thành phố chọn một số đơn vị để đến trao trực tiếp. Trong đó có Công ty TNHH Canon Việt Nam – một trong những doanh nghiệp có phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo nổi bật nhất trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Theo báo cáo, năm 2021, toàn thành phố có 60.500 công nhân, lao động được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở; 3.655 công nhân, lao động được công nhận Công nhân giỏi cấp trên cơ sở. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3,4,5 đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 chiếm tỷ lệ trên 35%; một số công nhân lao động đạt các giải tại Hội thi tay nghề khu vực và quốc tế. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Ban thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã lựa chọn quyết định tặng Bằng công nhận cho 100 công nhân, lao động đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô. Đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố trao danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” ghi nhận những nỗ lực của những người lao động trực tiếp của Công ty TNHH Canon Việt Nam. Đã có 63.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 4.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 525 sáng kiến và đề tài khoa học các cấp, Hội đồng sáng kiến LĐLĐ thành phố đã xét chọn và công nhận 50 “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2021 tiêu biểu và tặng Bằng khen cho 50 cá nhân có thành tích trong phong trào “ Sáng kiến, sáng tạo” năm 2021. Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã chia sẻ với những khó khăn mà Ban Lãnh đạo và người lao động tại công ty phải đối mặt và vượt qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, thích ứng linh hoạt của công ty trong công tác phòng, chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động. Ông Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ thành phố trao Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2021 cho người lao động Công ty. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng ghi nhận và đánh giá cao Công đoàn và đoàn viên, người lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng như LĐLĐ thành phố phát động với tinh thần chủ động, trách nhiệm. Từ đó, người lao động đã hăng say lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, góp phần tích cực vào sự phát triển của công ty. Trực tiếp trao Bằng Công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2021 và Bằng khen của LĐLĐ thành phố cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ Thủ đô năm 2021, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã chúc mừng và động viên người lao động tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong công việc, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất; đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa đoàn viên, người lao động với Ban lãnh đạo Công ty; tiếp tục quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của người lao động. Từ đó, kịp thời phối hợp với Ban Lãnh đạo Công ty để triển khai tốt công tác chăm lo và có những chế độ phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động; đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Thay mặt người lao động tại Công ty được biểu dương, khen thưởng, anh Phạm Thành Dũng bày tỏ: “Chúng tôi xin cảm ơn tổ chức Công đoàn Thủ đô và Ban Lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện, cơ hội, môi trường tốt để người lao động phát huy được năng lực của bản thân, đóng góp nhiều sáng kiến, sáng tạo cho công ty. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng hơn nữa để góp sức vào sự phát triển chung của công ty và của tổ chức công đoàn”.  Dự buổi trao, ông Minoru Nimura - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết thành công trong suốt chặng đường 20 năm hoạt động của Canon Việt Nam là sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, đặc biệt là sự hỗ trợ của công đoàn trong phát động phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo. Ông  đánh giá cao về tinh thần hưởng ứng phong trào sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên, người lao động trong Công ty. Ông cho biết, Công ty trân trọng từ những ý tưởng, sáng kiến nhỏ nhất của người lao động, để qua đó động viên kịp thời, giúp người lao động ngày càng nỗ lực cống hiến trí tuệ cho Công ty, sức mạnh của Công ty được xây lên từ sự sáng tạo, cố gắng của từng đoàn viên, người lao động. Hưng Vũ

“Linh hồn” của Đội Cảnh sát hình sự quận Thanh Xuân

TĐKT - Gần 25 năm gắn bó với ngành là chừng đó thời gian Trung tá Luyện Huy Hoàng gắn bó với địa bàn quận Thanh Xuân (TP Hà Nội). Từ một cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đến Phó Trưởng Công an phường Khương Mai rồi Phó Đội trưởng Đội Điều tra trật tự xã hội (CSHS) Công an quận Thanh Xuân, người chiến sĩ cảnh sát hình sự Luyện Huy Hoàng đã khám phá được nhiều vụ án quan trọng, góp phần giữ vững an ninh trật tự và mang lại sự bình yên cho nhân dân. Nhưng anh cho rằng, đó không phải là những chiến công mà là trách nhiệm với nghề, là món nợ với nhân dân mà anh và đồng đội phải trả. Gian nan làm án trong mùa dịch Đến gặp Trung tá Luyện Huy Hoàng khi anh vừa nhận được lệnh lên đường đi bắt đối tượng đang lẩn trốn tại Đà Nẵng. Vừa lo ký duyệt chồng hồ sơ, phân công nhiệm vụ cho từng anh em trong Đội, anh vừa liên hệ với đơn vị xét nghiệm PCR phục vụ cho chuyến công tác đặc biệt vào sáng sớm mai. Anh bảo: Những chuyến công tác đột xuất như thế này đã trở thành món ăn không thể thiếu với anh em CBCS chúng tôi. Dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành nghề tạm hoãn, tạm dừng, còn nghề điều tra phá án vẫn âm thầm diễn ra không có ngày nghỉ. Nhưng đó là khó khăn chung của tất cả CBCS trong ngành, ai đã chọn thì chắc chắn sẽ phải vượt qua. Trung tá Luyện Huy Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Điều tra trật tự xã hội Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội Với suy nghĩ, một vụ án được khám phá là các anh trả đi được một món nợ cho người dân, hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề, Trung tá Luyện Huy Hoàng và đồng đội đã đánh thành công rất nhiều chuyên án. Anh từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, Công an thành phố và UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, trong 2 năm qua 2020 - 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Đội CSHS luôn nỗ lực bám sát địa bàn, phát hiện sớm và điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án quan trọng, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự và mang lại sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn quận Thanh Xuân. “Để đảm bảo cho tiến độ điều tra cũng như đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, Trung tá Hoàng và nhiều CBCS Đội CSHS hầu như không về nhà mà ăn, ngủ ngay tại đơn vị” - Trung tá Đào Minh Ngọc, Đội trưởng Đội CSHS cho biết. Kể về một vụ án mới được Trung tá Luyện Huy Hoàng và CBCS Công an quận Thanh Xuân khám phá, làm rõ trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Trung tá Đào Minh Ngọc cho biết: Đó là vụ án cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 23/6/2021 tại số 260 đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong làm ăn, đối tượng Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1998; có hộ khẩu thường trú tại Hà Nam) đã rủ bạn bè lên kế hoạch, gài bẫy, truy đánh gây thương tích 2 đối tượng là thợ sửa chữa cửa cuốn của công ty đối thủ; sau đó chiếm đoạt 1 xe mô tô Wave của nạn nhân. Kết quả giám định thương tích của 1 trong 2 đối tượng bị đánh là 3%. Tiếp nhận vụ việc, Cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành xác minh, làm rõ và triệu tập đối tượng Dũng cùng đồng bọn đến trụ sở làm việc. Tại đây, các đối tượng đã khai nhận hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, có 2 đối tượng được triệu tập nhưng vắng mặt tại nơi cư trú. Quá trình trinh sát, cơ quan điều tra phát hiện, ngày 9/9/2021, một trong hai đối tượng đó đã xuất cảnh trái phép sang Campuchia nhưng bị Đồn Biên phòng Lò Gò thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh bắt giữ và đưa đi cách ly y tế tập trung ở tỉnh Tây Ninh. Mặc dù đang trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời điểm đó, Hà Nội đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16; giao thông hàng không tạm dừng hoạt động…, xác định vai trò quan trọng của đối tượng trong vụ án cũng như trong toàn bộ hành vi phạm tội của ổ nhóm, đồng chí Luyện Huy Hoàng đã nhận nhiệm vụ chỉ đạo và trực tiếp cùng các trinh sát quyết tâm vào Tây Ninh để phối hợp trong việc bắt giữ đối tượng. Sau 3 ngày đêm (từ 27 - 30/9) không nghỉ, thay nhau lái xe xuyên suốt Bắc Nam, anh Hoàng và đồng đội đã áp giải đối tượng về cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân để làm việc. “Nhìn các anh em CBCS trở về phờ phạc sau 3 ngày đêm liên tiếp làm nhiệm vụ, tôi thực sự không khỏi xót xa, nhưng cũng rất đỗi tự hào. Việc bắt giữ đối tượng trong thời gian dịch bệnh đã giúp cho quá trình điều tra vụ án không lâm vào bế tắc, có cơ sở để xử lý các đối tượng liên quan khác trong ổ nhóm.” - Trung tá Đào Minh Ngọc bộc bạch. Trước đó, vào tháng 6 năm 2020, Trung tá Hoàng và đồng đội cũng đã khám phá thành công vụ án “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng và mua bán trái phép súng săn” có tính chất phức tạp và quy mô lớn. Các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh, sử dụng hình thức mua bán, trao đổi bằng công nghệ trên hệ thống internet; giao hàng thông qua các đơn vị vận chuyển có uy tín như Vietel post, bưu điện và xe tuyến. Các kho súng và linh kiện được các đối tượng ngụy trang dưới các biển kinh doanh dịch vụ ăn uống hoặc rửa xe, đặt ở các khu dân cư đông người trong thành phố. Vượt qua những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, Trung tá Hoàng cùng đồng đội đã nhiều ngày đêm theo dõi, mật phục, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để thâm nhập, phá đường dây, đưa các đối tượng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đoàn kết lực lượng, cùng “trả nợ” cho nhân dân Không chỉ trong mùa dịch mà trong bất kỳ thời điểm nào việc “làm án” của những người lính hình sự cũng luôn đầy chông gai. Gần 25 năm trong nghề, Trung tá Luyện Huy Hoàng đã thấm thía những khó khăn của công việc “mò kim đáy bể” này đem lại. Nếu không yêu, không đam mê thì khó lòng gắn bó. Theo anh, ngoài sự mưu trí, thông minh, sáng tạo trong điều tra truy xét, người CSHS phải thực sự có lòng dũng cảm. Dũng cảm khi đối mặt với những tội phạm nguy hiểm, cộm cán; dũng cảm trước những cám dỗ của thực tế cuộc sống, để giữ vững bản lĩnh, phẩm chất của người công an nhân dân… Tự hào về người đồng nghiệp của mình, Trung tá Đào Minh Ngọc, Đội trưởng Đội CSHS quận Thanh Xuân chia sẻ: “Là Đội phó, đồng thời là Phó Bí thư chi bộ phụ trách công tác xây dựng lực lượng của Đội CSHS – một đơn vị có đến hơn 60% là CBCS trẻ tuổi, Trung tá Hoàng luôn giữ vững phẩm chất chính trị đạo đức trong sáng và ý thức rõ trách nhiệm nêu gương trong toàn CBCS.” Trung tá Luyện Huy Hoàng đang hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ “Đồng chí Hoàng là một cán bộ thực sự có năng lực, nhiệt huyết với nghề. Đặc biệt, trong anh còn có sự nhạy cảm khi định hướng điều tra, vì vậy làm án rất hiệu quả. Trong những năm qua, anh lập được nhiều chiến công xuất sắc trong công tác, có nhiều cống hiến quan trọng góp phần vào thành tích chung của Đội CSHS – một đơn vị mũi nhọn của Công an quận Thanh Xuân” – Trung tá Đào Minh Ngọc khẳng định. Còn với những CBCS trẻ như Thượng úy Nguyễn Anh Ngọc: “Trung tá Hoàng không chỉ là người thầy, người chỉ huy gương mẫu mà còn là “linh hồn” của cả Đội. Anh thường xuyên chia sẻ, uốn nắn, bảo ban chúng tôi cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn đời sống hàng ngày.” Nhưng khi được hỏi về những chiến công của mình, Trung tá Hoàng vô cùng khiêm tốn. Anh cho rằng: Những vụ án mà anh và đồng đội khám phá được không phải là chiến công mà đó là trách nhiệm với nghề, là món nợ với nhân dân mà những người chiến sĩ phải trả. Gần 25 năm gắn bó với ngành, anh bảo: “Sợ nhất là mở mắt ra đã có án, thậm chí có lúc 3 đến 4 vụ án xảy ra cùng một lúc, áp lực và day dứt vô cùng. Nhưng có lẽ, điều anh day dứt nhiều nhất trong nhiều năm làm nghề đó là: Nguyên nhân xảy ra các vụ án đa số đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong đời sống hàng ngày không được giải quyết, giải tỏa sớm. Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, song nhiều lúc đặt bút ký đề xuất ra lệnh bắt cả nhà, chỉ trừ lại đứa con nhỏ, tôi quặn lòng xót xa.” Ngoài ra, theo Trung tá Luyện Huy Hoàng: Với vị trí là cửa ngõ giao thông quan trọng ở phía Tây thành phố, nơi có tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh như quận Thanh Xuân; tình hình an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Trong những năm qua, tội phạm trộm cắp chiếm hơn 50% tổng số vụ xảy ra trên địa bàn quận. Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm cắp đó có một phần mất cảnh giác của một bộ phận nhân dân. Vì vậy, anh mong rằng, trong thời gian tới, quần chúng nhân dân sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật của mình cũng như những kỹ năng xử lý vấn đề trong cuộc sống. “Mỗi người cố gắng quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn; mỗi người bình tĩnh hơn một chút… thì sẽ ngăn chặn được nhiều hậu quả đau lòng xảy ra. Như vậy, công việc của anh em CBCS sẽ vơi bớt đi những áp lực, khó khăn. Chúng tôi sẽ xóa hết được “nợ” với nhân dân.” – Trung tá Hoàng chia sẻ. Mai Thảo  

Tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” cho người lao động ngành Công Thương và huyện Gia Lâm

TĐKT - Chiều 23/11, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã đến thăm và trao danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô” năm 2021 cho người lao động trực thuộc LĐLĐ huyện Gia Lâm và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội. Dự chương trình có các đồng chí: Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ thành phố; Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ thành phố; lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội. Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, báo cáo với lãnh đạo LĐLĐ thành phố về việc triển khai phong trào sáng kiến, sáng tạo tại đơn vị, đồng chí Ngô Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, phong trào sáng kiến, sáng tạo được phát động tại công ty từ năm 2005. Người lao động có sáng kiến trong quá trình lao động sản xuất, giúp giảm lãng phí, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc sẽ kịp thời được động viên, khen thưởng. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng (đứng giữa) trao khen thưởng cho người lao động tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. “Phong trào sáng kiến, sáng tạo đã trở thành phong trào thi đua rất sôi nổi từ trong các phân xưởng, phòng, ban. Những sáng kiến, sáng tạo của người lao động đã được áp dụng vào các dây chuyền sản xuất và có giá trị làm lợi lớn cho công ty. Hàng năm, người lao động tại công ty đều được LĐLĐ thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận các đề tài cải tiến. Đặc biệt, từ năm 2019, công ty đã đưa các đề tài cải tiến tham gia cuộc thi cải tiến toàn cầu và có nhiều đề tài đã được ghi nhận. Điều đó chứng minh rằng, sau 15 năm triển khai, các đề tài cải tiến của người lao động không chỉ được trong nước ghi nhận mà còn được quốc tế ghi nhận”, ông Ngô Ngọc Vinh nhấn mạnh. Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc triển khai phong trào sáng kiến, sáng tạo tại công ty; đồng thời nhấn mạnh thông qua việc phát động và triển khai phong trào thi đua này, tổ chức Công đoàn đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, động viên kịp thời của Ban lãnh đạo công ty đối với những lao động có sáng kiến, sáng tạo thông qua chế độ lương, thưởng; đồng thời bày tỏ mong muốn Ban lãnh đạo công ty tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ người lao động bằng những hành động thiết thực để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài và nỗ lực cống hiến vì sự phát triển chung của công ty. “Mong rằng Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam tiếp tục quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của người lao động. Từ đó, phối hợp với Ban lãnh đạo công ty để triển khai tốt công tác chăm lo và có những chế độ phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.” - Đồng chí Lê Đình Hùng nhấn mạnh. Tại đây, lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội đã trao 1 Bằng Công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2021, 1 Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2021 và 2 Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ Thủ đô năm 2021 cho người lao động của Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội trao khen thưởng cho người lao động tại Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long Dịp này, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố cũng đã trao 1 Bằng Công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2021, 3 Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2021 và 1 Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ Thủ đô năm 2021 cho người lao động tại Công đoàn Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long. Vinh dự được tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2021, anh Lưu Trường Thành, người lao động của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đã xúc động bày tỏ lời cảm ơn đến tổ chức Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện để người lao động có môi trường tốt để có thể phát huy được sáng kiến, sáng tạo. Đặc biệt, Công đoàn và công ty đã kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với người lao động có sáng kiến, sáng tạo, đây chính là nguồn động viên to lớn để người lao động duy trì, phát huy hoạt động cải tiến và đưa ra nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình làm việc. Thục Anh

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

TĐKT - Sáng 23/11, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1971 - 2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đến dự có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; lãnh đạo các cơ quan trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội gửi lẵng hoa chúc mừng. Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC tiền thân là Công ty San nền trực thuộc Cục Xây dựng Hà Nội, được thành lập năm 1971, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, kiến thiết Thủ đô. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng lớn mạnh. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Từ chỗ chỉ là công ty thi công xây lắp, đến nay, UDIC đã trở thành một trong bốn Tổng Công ty chủ lực trực thuộc UBND TP Hà Nội, một doanh nghiệp mạnh và thương hiệu uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng. Hiện nay, UDIC có 37 công ty thành viên, trong đó có 6 công ty liên doanh với nước ngoài. Vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty đạt trên 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 8.000 tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, tổng doanh thu của Tổng Công ty đạt trên 16.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động... Phát huy vai trò là một trong những đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng hạ tầng đô thị, trong những năm qua, UDIC đã thực hiện nhiều dự án, công trình có ý nghĩa kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng, để lại nhiều dấu ấn như: Các khu đô thị mới: Trung Yên, Yên Hòa, Nam Thăng Long; đường Vành đai 3, đường dẫn cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường 5 kéo dài, bệnh viện Bạch Mai, trụ sở Công an thành phố và các nhiệm vụ chính trị khác được thành phố giao... Các công trình, dự án do Tổng Công ty xây dựng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi cảnh quan, tạo diện mạo đô thị đẹp, văn minh, hiện đại của thành phố. Ngoài hai lĩnh vực then chốt là đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng, Tổng Công ty còn đa dạng hóa ngành nghề trong sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng - tư vấn đầu tư xây dựng - thương mại và dịch vụ; trong đó có thương hiệu khóa Việt Tiệp của Công ty CP khóa Việt Tiệp trong gần 50 năm qua đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong nước mà xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Đồng chí Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nguyễn Văn Luyến và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Tuyên. Bên cạnh việc tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, UDIC còn luôn quan tâm đến công tác an sinh và trách nhiệm xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao. Những cống hiến, đóng góp của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động UDIC qua các thời kỳ đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Cúp Thăng Long, Cúp Thánh Gióng, Top 10 nhà thầu uy tín... Ghi nhận những thành tích và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Tổng công ty UDIC, tại buổi lễ, UDIC đã được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba cho hai cá nhân là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nguyễn Văn Luyến và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Tuyên. Mai Thảo

Cô học trò nhỏ cố gắng nỗ lực giành nhiều thành tích cao

TĐKT - Là con út trong gia đình, có bố là họa sĩ, mẹ làm kế toán, em Đinh Phương Thảo, học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam luôn ý thức được tình yêu thương, chăm lo của bố mẹ, anh trai. Ngay từ bé, em đã luôn cố gắng nỗ lực học tập tốt và đạt nhiều thành tích cao trong học tập, văn hóa, văn nghệ. Em là học sinh xuất sắc của lớp và là gương mặt tiêu biểu của trường. Em Đinh Phương Thảo với thành tích đã gặt hái nhiều thành tích cao Khi được hỏi về đứa con gái ngoan, chị Phương, mẹ của Phương Thảo xúc động nhớ lại: “Phương Thảo có biệt danh là Pink. Khi sinh ra, con chỉ vẻn vẹn 2,2kg, rất bé nhỏ, điều đó làm cho bố mẹ vô cùng lo lắng cho con về sức khỏe và thể chất. Khi lên 4, đến tuổi đi mẫu giáo, con là một cô bé rất nhút nhát, đi đâu cũng bám lấy mẹ và không thích chốn đông người.” Vì sát sao với con nên chị Phương đã sớm nhận thấy sự yêu thích với môn nghệ thuật múa trong con. Cô giáo dạy mẫu giáo đã giới thiệu Thảo đến CLB Sao Tuổi thơ cho em học thử. Vào lớp học múa, em thích lắm nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc xem mẹ có ngồi chờ mình ở ngoài không. Vào lớp học, Thảo học múa rất nhanh và cô giáo cũng nhận thấy được năng khiếu đặc biệt của em. Trong quá trình học, cô giáo vừa dạy múa, vừa giúp Thảo mạnh dạn khi đứng trước tập thể lớp. Múa là môn nghệ thuật mà Phương Thảo đam mê nhất Nhận thấy điểm yếu của con là thiếu tự tin và nhút nhát, chị Phương đã cố gắng lựa chọn chương trình biểu diễn nhỏ để con thử sức, nhưng chỉ cần đến chỗ casting mà không thấy bạn nào quen là em đứng khóc và đòi về không casting nữa. Lúc đó, mẹ em thật sự bối rối nhưng vẫn phải cố gắng trấn an cô con gái nhỏ.  Đồng thời tiếp tục đăng ký cho em tham gia, dần dần em đã chịu hợp tác và hòa đồng cùng các bạn. Để em kiên trì và bình tĩnh hơn, chị Phương luôn dành hết thời gian bên con và động viên con rất nhiều. Chị vẫn nhớ, có một lần con được chọn biểu diễn nhảy nhưng thế mạnh của con là múa. Con nhảy thử một lúc thì không theo được các bạn và lại đứng khóc, nhất quyết không tham gia. Lúc về nhà, chị đã giải thích với con và động viên con đừng bao giờ nản chí, bỏ cuộc khi mình chưa cố gắng hết sức. Mặc dù không biết nhảy nhưng chị vẫn cố gắng thể hiện sự quyết tâm tập nhảy với con. Cuối cùng, Thảo đã nói với mẹ: “Xin cho con tham gia biểu diễn tiết mục đó”. Buổi quay “nhảy cùng Bi Bi” hôm đó, Thảo là một trong 5 bạn nhảy tốt nhất và điều đó cũng làm cho cô chủ nhiệm CLB, các bạn vô cùng bất ngờ. Điều này đã mang lại sự tự tin cho Phương Thảo tới tận sau này. Bây giờ, Phương Thảo không những tự tin biểu diễn trên tất cả các sân khấu lớn, nhỏ mà có đủ bản lĩnh nhảy múa, làm các động tác khó. Khi mẹ bận đi làm, Phương Thảo tự tin đi cùng các bạn, tự trang điểm, tự thay trang phục và hoàn toàn chủ động trong mỗi buổi biểu diễn, có trách nhiệm trong công việc của mình. Chị Phương hoàn toàn yên tâm về con, điều mà trước đây chị không bao giờ tin con của mình có thể làm được như vậy. Mặc dù, năm nay Phương Thảo mới bước vào lớp 6 nhưng em đã có một bề dày thành tích đáng nể, khiến mọi người luôn ngưỡng mộ: Năm 2020 đạt giải “Quán quân Liên hoan dân vũ quốc tế”; giải A Liên hoan “Nghệ thuật Chèo không chuyên Hà Nội”; giải A1 liên hoan “Nghệ thuật múa không chuyên thành phố Hà Nội”; giải khuyến khích cấp thành phố “Chiến sĩ nhí Thủ đô phòng, chống Covid-19”; giải nhất quận “Liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non thiếu nhi Thủ đô”... Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các chương trình  truyền hình như: “Vì ngày mai tươi sáng” ; “Nhảy vì sự tử tế”; “Chạy vì trẻ em Hà Nội”; “Điều ước thứ 7”; “Thương lắm miền Trung”; “Ơn nghĩa sinh thành”;  Tết Hòa ca nhí ... và các chương trình biểu diễn khác như tham gia làm người mẫu nhí và đóng một bộ phim ngắn về Tết với NSUT Minh Phương. Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như: Trao tặng quà từ thiện cho điểm trường tiểu học, THCS Đức Xuân - Bắc Quang – Hà Giang; biểu diễn từ thiện tại Bệnh viện Nhi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K, gây quỹ cho trẻ em nghèo... Tuy tham gia nghệ thuật nhưng việc học tập của em vẫn được ưu tiên lên hàng đầu. Em chỉ tham gia các hoạt động văn nghệ khi đã học và làm xong hết các bài tập về nhà. Mỗi khi có buổi tập ở CLB, đi học về, em lại tranh thủ làm bài tập luôn, sau đó mới đến CLB để tham gia các chương trình. Phương Thảo tươi cười (bên trái) tích cực trong công tác thiện nguyện tại vùng cao Phương Thảo chia sẻ, khi tham gia các chương trình, điều vui nhất là em được trải nghiệm,  giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng, được lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi thơ. Ở đó, em cũng rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại. Những chương trình từ thiện, giúp em hiểu được sự khó khăn vất vả của những nhân vật, của các bạn nhỏ có số phận không may mắn, từ đó cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống và thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Em luôn tâm niệm, phải học tập thật tốt để có thêm cơ hội giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình. Điều này đã lưu lại trong em nhiều kỷ niệm quý giá. Phương Thảo vẫn nhớ như in, kỷ niệm khi tham gia chương trình “Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên TP Hà Nội năm 2020”. Nhóm của em đã biểu diễn bài múa “Văn Miếu Môn”, đạo cụ là 2 cái khung sắt chạy bằng bánh xe mà em phải đu lên và đẩy đi đẩy lại rất nhiều lần trên sân khấu. Bánh xe bon nhanh và góc bánh xe rất sắc, nếu không nhịp nhàng đẩy và trèo lên khung kịp thời thì bánh xe có thể sẽ phi vào chân, và điều đấy đã xảy ra với em trước giờ biểu diễn, mặc dù khi tập cả đội đã rất chú ý. Gót chân của em bị chảy rất nhiều máu, mất cả một mảng da, đã vậy em còn phải đi giày múa, trèo lên khung sắt và làm động tác rất khó. Mặc dù, giày cọ sát vào vết thương rất đau, em vẫn thản nhiên bước lên sân khấu như chưa có chuyện gì xảy ra và diễn tâm huyết, hết mình. Cả đội hoàn thành bài múa một cách xuất sắc trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. Chào khán giả xong và bước xuống sân khấu với cái chân tập tễnh, lúc đó em mới thấm được cái đau mà lúc diễn em không để ý. Một phụ huynh đã nhanh chóng đi mua băng y tế về băng cho em. Kỷ niệm đó đã theo mãi trong em khi cả đội giành được giải A trong chương trình. Luôn bận rộn và gặp không ít khó khăn nhưng Phương Thảo luôn nỗ lực, cố gắng hàng ngày. Có được nghị lực như thế bởi từ bé, em mơ ước được diễn trên sân khấu lớn, được lên truyền hình để ông bà nội, ông bà ngoại ngồi ở nhà cũng được nhìn thấy em trên tivi. Hơn hết em luôn cố gắng nỗ lực được tham gia nhiều chương trình hay, ý nghĩa để có cơ hội được giúp cho nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Năm 2021, Phương Thảo được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt TP Hà Nội. Hồng Thiết

Hà Nội trao hỗ trợ đợt 5 chương trình “Sóng và máy tính cho em” năm học 2021 - 2022

TĐKT - Chiều ngày 19/11/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ đợt 5 chương trình “Sóng và máy tính cho em”, năm học 2021 - 2022 cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Tại chương trình, 500 bộ máy tính, máy tính bảng và gần 20.000 khẩu trang đã được các tổ chức trao tặng ngành Giáo dục Hà Nội để gửi tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Cụ thể: Tập đoàn Công nghệ CMC trao 400 máy tính (số máy tính trao thuộc số máy tính đơn vị đăng ký ủng hộ đợt 1); Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Pacific Construction Group) trao tặng 100 máy tính bảng và gần 20.000 khẩu trang y tế. Lãnh đạo Sở GDĐT và đại diện các đơn vị tài trợ trao tặng máy tính cho đại diện 10 huyện để gửi tới các học sinh khó khăn Tiếp nối chương trình, ngành Giáo dục Hà Nội đã trao hỗ trợ đợt 5 năm học 2021 - 2022 cho 500 em học sinh của 10 huyện có hoàn cảnh khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến, gồm các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín và Phú Xuyên. Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tại chương trình, ban tổ chức đã trao trực tiếp cho 5 em học sinh khó khăn đại diện cho 500 em học sinh được nhận trong đợt này; trao 500 máy tính và máy tính bảng cho 10 Phòng GDĐT huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín và Phú Xuyên, mỗi đơn vị 40 máy tính và 10 máy tính bảng để gửi tới các học sinh; trao tặng 10.000 khẩu trang cho ngành Giáo dục huyện Ba Vì - nơi hiện nay học sinh lớp 9 đang đi học trực tiếp. Đồng chí Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở và đồng chí Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở trao máy tính cho đại diện các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Ba Vì Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, Sở GDĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức 5 đợt trao hỗ trợ với tổng số 686 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng thiết bị học tập trực tuyến. Tính đến thời điểm này, đã có 6.914 học sinh thuộc các đơn vị, trường học của TP Hà Nội được nhận thiết bị học trực tuyến từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, với tổng giá trị trên 23 tỷ đồng. Số học sinh nhận được thẻ sim Vinaphone với tài khoản data miễn phí để học sinh học trực tuyến là gần 400 học sinh. Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trần Thế Cương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bày tỏ lời cảm ơn các đơn vị, các nhà hảo tâm bằng những tình cảm quý báu đã giúp ngành, giúp các em học sinh khó khăn trong thời gian qua. “Thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội - đơn vị thường trực của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; cảm ơn Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã hỗ trợ gần 200 máy tính cho các em học sinh; VNPT Hà Nội đã kích hoạt gần 400 sim data cho các em học sinh, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục để kích hoạt hơn 2000 sim cho học sinh chưa có sóng; cảm ơn 2 đơn vị tài trợ Tập đoàn Công nghệ CMC và Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương đã tài trợ 500 thiết bị cho chương trình trao đợt 5 ngày hôm nay” – đồng chí Trần Thế Cương nói. Tại chương trình, Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương cũng tuyên dương nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em” như Phòng GDĐT quận Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, trường THPT Tây Hồ, THPT Tùng Thiện, THPT Thạch Thất, THPT Bắc Thăng Long, THPT Đống Đa, THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa… Đồng thời, đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để giúp đỡ các em học sinh có điều kiện học tập trực tuyến trong mùa dịch. Thục Anh

Trường THCS Khương Mai – Quận Thanh Xuân – TP Hà Nội: Ghi dấu ấn bằng sự đổi mới, sáng tạo

TĐKT - Sau 10 năm thành lập, trường THCS Khương Mai đã có những bước tiến dài, khẳng định vị trí nhất định trong sự nghiệp giáo dục quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Năm học 2021 - 2022, khi hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì những đổi mới, sáng tạo vẫn in đậm, là điểm tựa để ngôi trường tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp giáo dục quận Thanh Xuân nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung. Tập thể sư phạm nhà trường Trường THCS Khương Mai được thành lập từ năm 2011. Kiên định với mục tiêu giáo dục, bồi dưỡng học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ và các kỹ năng cơ bản, trở thành những công dân toàn cầu, nhà trường đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, từng bước phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm đầu tiên đi vào hoạt động, trường mới chỉ có 4 lớp học với 86 học sinh thì theo thời gian, được sự tín nhiệm và tin tưởng của nhân dân trên địa bàn phường Khương Mai, năm học 2021 - 2022, trường đã có 29 lớp với 1315 học sinh. Việc đảm nhận trọng trách giáo dục cho hơn 1.000 chủ nhân tương lai của đất nước là những nhà giáo nhiệt huyết với nghề, với tương lai của thế hệ trẻ, thích ứng nhanh nhạy với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa giáo dục, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong tình hình mới. Tiết học Trải nghiệm sáng tạo Nhà giáo Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm học vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bủa vây, trường đã có những thay đổi kịp thời để triển khai hiệu quả kế hoạch giáo dục. Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo thực hiện các hoạt động giáo dục lấy học trò làm trung tâm theo đúng các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của ngành. Bên cạnh đó, nhằm hướng tới việc đi đầu trong xu thế hội nhập phát triển đa ngôn ngữ, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh chiến lược dạy học ngoại ngữ 2: Tiếng Nhật, tiếng Hàn nghiêm túc, có hiệu quả. Ngoài ra, nhà trường đã triển khai thực hiện tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục STEM; kiểm tra đánh giá thường xuyên, nghiêm túc theo các văn bản chỉ đạo của ngành.  Một trong những nội dung không thể thiếu được đó nguồn học liệu mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Vì vậy, nhà trường tổ chức thực hiện mỗi giáo viên soạn giảng và nộp 1 bài giảng Elearning, 5 giáo án điện tử/năm đóng góp vào kho học liệu điện tử của nhà trường. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học. 100% giáo viên sử dụng thành thạo phương tiện dạy học hiện đại, khai thác được các tư liệu trên mạng để thiết kế bài sinh động, phong phú; tổ chức ngày hội công nghệ thông tin cấp trường nghiêm túc, hiệu quả”.             Chương trình chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020 – 2021 Cũng theo lãnh đạo nhà trường, điểm nhấn đáng chú ý trong năm học này là việc triển khai hiệu quả những mô hình mới. Có thể kể tới mô hình “Ngày nói tiếng Anh” vào thứ 2 hàng tuần, khuyến khích học sinh và giáo viên thực hiện giao tiếp bằng tiếng Anh, tổ chức các hoạt động ngoài giờ bằng tiếng Anh. Trong thời gian học trực tuyến tại nhà do dịch bệnh, học sinh tự quay video nói tiếng Anh theo chủ đề… giúp nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh nhà trường. Hay mô hình “Tư vấn tâm lý học đường” tập trung vào những nội dung tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện… đã góp phần ổn định đời sống tâm hồn, tình cảm và giúp học sinh thực hiện được nguyện vọng, ước mơ của mình. Chương trình tuyên truyền giáo dục pháp luật: Tìm hiểu về quyền trẻ em, luật trẻ em Những nỗ lực đổi mới, sáng tạo đã được đền đáp xứng đáng. Trường tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu quận Thanh Xuân về tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT. Đặc biệt, số lượng học sinh giỏi các cấp tăng cao: Đạt 13 giải trong các kỳ thi Toán (mở rộng) mang tầm cỡ Quốc gia, quốc tế; 15 giải các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật cấp Quận, cấp Thành phố. Cùng với đó là 5 giải cấp Quốc gia, 2 Huy chương Vàng cấp Thành phố, 13 giải cấp Quận tại các cuộc thi thể thao, văn nghệ. Kết quả này là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển toàn diện của học sinh Trường THCS Khương Mai. Vinh danh học sinh đạt thành tích xuất sắc Từ những thành tích bước đầu trong sự nghiệp trồng người, Trường THCS Khương Mai nhiều năm liền được tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến và đặc biệt năm học 2020 - 2021, vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen có những thành tích nổi bật trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Góp phần quan trọng vào thành công vượt bậc của Trường THCS Khương Mai là cô Hiệu trưởng Lê Thúy Quỳnh. Thời gian qua, với tầm nhìn của một nhà cán bộ quản lý, một người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển giáo dục, cô đã thổi làn gió đổi mới, phát triển vào mọi mặt hoạt động, mang đến những khởi sắc toàn diện cho nhà trường. Trong năm học 2021 - 2022 với nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 còn đó những diễn biến phức tạp, học sinh vẫn phải xa trường lớp, bạn bè, thầy cô và nhà trường vẫn phải căng mình cùng phường Khương Mai nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” đồng thời duy trì hoạt động giảng dạy trực tuyến một cách hiệu quả nhất. Song với một niềm tin vững chắc trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng làm tốt sứ mệnh dạy tốt, học tốt, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục vượt khó, kiến tạo những thành tích mới, góp phần phát triển, nâng cao vị thế Trường THCS Khương Mai trong hệ thống giáo dục THCS quận Thanh Xuân, Thủ đô Hà Nội. Tố Quyên

Hà Nội: Tuyên dương 90 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu năm 2021

TĐKT - Tối 18/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2021, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự chương trình có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen và Biểu trưng cho các thủ khoa Năm 2021 là năm thứ 19 liên tiếp Hà Nội tổ chức tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời là sự ghi nhận, biểu dương đối với kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô. Sau 19 năm, đã có 1.969 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND thành phố. Nhiều thủ khoa đã bước đầu có những thành công trong sự nghiệp, có khát vọng cống hiến và đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Trong 90 thủ khoa tiêu biểu được tuyên dương năm 2021, 76 thủ khoa có kết quả học tập đạt loại xuất sắc; 14 thủ khoa có kết quả học tập đạt loại giỏi; 34 thủ khoa là đảng viên. Đặc biệt, có 16 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu. Đơn cử như thủ khoa cả “đầu vào” và “đầu ra” Nguyễn Đình Thắng (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); thủ khoa Đỗ Thị Thu Hằng (Trường Đại học Dược Hà Nội) là tình nguyện viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ theo dõi sức khỏe từ xa cho người dân nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; thủ khoa Bùi Việt An (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ năm 2019... Các thủ khoa thực sự là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm trao Bằng khen và Biểu trưng cho các thủ khoa. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh biểu dương và chúc mừng thành tích mà các thủ khoa đạt được. “Chương trình tuyên dương thủ khoa năm nay diễn ra đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Hà Nội luôn có chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế… Đây cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố, nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ Tuyên dương Khẳng định 90 thủ khoa được biểu dương, tôn vinh là nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, là tài sản quý của Thủ đô và đất nước, Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ: “Tôi được biết, trong những bạn thủ khoa tuyên dương ngày hôm nay, có nhiều bạn đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt, có bạn tham gia trực chốt trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Các bạn đã góp một phần sức trẻ của mình, cùng Thủ đô đẩy lùi dịch bệnh”. Nhấn mạnh Thủ đô đang bước vào thời kỳ phát triển mới, với sự kỳ vọng to lớn về một đô thị phát triển nhanh, thông minh, xanh và bền vững, nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh mong rằng, mỗi thủ khoa xuất sắc luôn cháy trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hãy phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, làm tốt hơn nữa trong khả năng của mình để xứng đáng với truyền thống vẻ vang, góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng, các thủ khoa xuất sắc được tuyên dương sẽ kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp tục rèn đức, luyện tài; tiếp tục học tập và làm theo lời Bác, viết tiếp những trang vàng thành tích của thế hệ thủ khoa đi trước, làm rạng danh non sông đất nước, xứng đáng là những thủ khoa xuất sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng. Thay mặt 90 thủ khoa được tuyên dương, thủ khoa Học viện Ngân hàng Nguyễn Thị Minh Hạnh xin hứa sẽ kế thừa xứng đáng và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực của đời sống, góp phần hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển của Thủ đô. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục được đón nhận sự quan tâm, động viên nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước đối với thế hệ trẻ, để có thêm nhiều cơ hội cống hiến sức trẻ, tri thức, khẳng định mình và chinh phục những mơ ước, khát vọng của tuổi trẻ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố đã trao Bằng khen, biểu trưng cho các thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2021. Thục Anh    

“Chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Những ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, cứ mỗi tối, khi xóm phố lên đèn, người ta lại thấy bóng dáng ông Bí thư Chi bộ 18 (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) Lương Văn Định cần mẫn đi tuần tra quanh các ngõ ngách của khu dân cư. Là một thành viên mẫn cán của Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, ông bảo rằng tăng cường kiểm tra, giám sát như vậy để tuyệt đối không cho xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”, góp phần giữ vững “vùng xanh”, đẩy lùi dịch bệnh. Ông Lương Văn Định, Bí thư Chi bộ 18, thành viên Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội Bắt đầu tham gia công tác tại địa phương từ năm 2003, ông Lương Văn Định cũng gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì công việc chung và được mọi người tin tưởng, yêu mến. Gần 20 năm gắn bó với công tác xã hội, ông là chiếc cầu nối cho chính quyền phường đến gần hơn với bà con nhân dân khu phố, là cánh tay đắc lực giúp người dân tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào của địa phương. Trong đợt dịch Covid-19 này, ông tiếp tục là một “chiến sĩ” tiên phong trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Vừa là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, vừa là Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng Khu dân cư 18, thành viên Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, ông thường xuyên sâu sát, bám nắm địa bàn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ai cũng lo lắng, không dám ra khỏi nhà, nhưng người cán bộ tận tụy ấy vẫn ngày đêm không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, xông pha cùng phường, khu phố tham gia chống dịch. Bao nhiêu công việc đè trên vai ông, từ việc nhắc nhở, động viên người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đến việc gửi thư mời tiêm vaccine, đến từng nhà rà soát, lập danh sách hỗ trợ khó khăn, nắm bắt nhu cầu người dân rồi phản ánh thông tin đến UBND phường để kịp thời giúp đỡ người dân nghèo khó... Qua công tác tuyên truyền, ông đã vận động nhân dân hỗ trợ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 số tiền là 31,8 triệu đồng. Riêng bản thân ông và gia đình đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch 1,5 triệu đồng. Ông cho biết: “Từ sáng sớm ngày 24/7/2021, sau khi nhận được Chỉ thị số 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, các đoàn thể tại khu dân cư đã họp bàn để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi đó, nhiệm vụ quan trọng cần triển khai ngay là nhanh chóng thiết lập "vùng xanh" trên địa bàn”. Khu dân cư 18 được phường đánh giá là khu có nguy cơ rất cao, bởi nơi đây có hơn 20 công ty hoạt động với lượng người ra vào đông. Để tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch trong thời điểm đó, Khu dân cư số 18 đã thành lập chốt trực "vùng xanh" với sự tham gia của Tổ Covid cộng đồng gồm 31 người, trong đó có 20 đồng chí cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt. Ngoài ra, Khu dân cư số 18 cũng thành lập 1 tổ phản ứng nhanh (có nhiệm vụ nhanh chóng phối hợp với Tổ Covid cộng đồng để tiến hành khoanh vùng, kiểm soát khu vực cách ly khi phát hiện có ca lây nhiễm) với thành viên là 5 đồng chí CCB. Tổ Covid cộng đồng tổ chức phân công trực từ 5h sáng đến 22h đêm, chia thành 4 ca/ngày, mỗi ca trực kéo dài khoảng 4 tiếng. Bất kể trời nắng hay mưa, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng đều có mặt đúng giờ để thực hiện nhiệm vụ. Tới hết đợt giãn cách, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng Khu dân cư 18 đã đóng góp được tổng cộng 500 công gác (1 công tương đương 8 tiếng). Cổng ngách 93/73 Hoàng Văn Thái là một trong những mô hình hiệu quả được ông Định triển khai để bảo vệ vùng xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Không chỉ cùng các thành viên Tổ Covid cộng đồng ứng trực tại các ngõ ngách, ông Định còn luôn nhắc nhở, đôn đốc nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên tổng vệ sinh, mang khẩu trang khi ra đường và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Ông chia sẻ: “Một trong những yếu tố giúp việc kiểm soát dịch thành công là Tổ Covid cộng đồng đã theo dõi sát số người từ các vùng dịch trở về địa phương. Thành viên của tổ đã động viên người dân khai báo y tế và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà theo đúng quy định. Khi nhận được thông tin người dân có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, Tổ Covid cộng đồng đến tận nhà động viên, giúp đỡ các đối tượng thực hiện các biện pháp cách ly để bảo đảm an toàn mọi mặt, ổn định tinh thần cho người dân sống trong khu vực...” Một trong những mô hình hiệu quả đã được ông Định cùng bà con Khu dân cư 18 thực hiện đó là xây dựng cổng ngách để phòng, chống dịch. Ngách 93/73 Hoàng Văn Thái thuộc địa bàn Khu dân cư 18 trước đây được gọi là “ngõ rác”, nhiều người vô ý thức vứt rác bừa bãi đầu ngách, gây mùi hôi thối, mất vệ sinh môi trường. Chi bộ, tổ dân phố đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không ăn thua. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cùng Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề này, vận động nhân dân đồng thuận xây dựng cổng ra vào đầu ngách, vừa hạn chế người qua lại, bảo vệ vùng xanh, vừa chấm dứt được tình trạng vứt rác bừa bãi. Từ đó tới nay, ngách 93/73 luôn sạch đẹp, xóa bỏ hẳn chân rác tồn tại lâu năm. Ông Lê Văn Huynh, Phó Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu dân cư 18 nhận xét: “Đồng chí Định là một người cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động năng nổ, hoàn thành xuất sắc các công việc, nhiệm vụ được giao. Chúng tôi là đảng viên, nhân dân khu phố rất tin tưởng và tín nhiệm đồng chí.” Với những việc làm thiết thực, ông Lương Văn Định cùng Khu dân cư 18 đã phát huy tốt vai trò của mình góp phần tích cực vào việc ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh trên địa bàn, bảo vệ vững chắc “vùng xanh” an toàn. Những việc làm của ông đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người dân, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết, sẻ chia, đồng thời cổ vũ, động viên các lực lượng vượt qua khó khăn, cùng nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh, đưa đất nước ta trở lại nhịp sống bình thường. Phương Thanh  

Trái tim nhân hậu “không tuổi”

TĐKT - Gần nửa cuộc đời gắn bó với các hoạt động “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Nguyễn Thị Tố Tâm (phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) được bà con lối xóm và những người nghèo khó biết đến với trái tim nhân hậu “không tuổi”. Bà nguyên là Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Chi hội phó Hội Chữ thập đỏ phường Nhân Chính được bà con yêu mến, tin tưởng, nghe theo. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm trong căn nhà bà đang sinh sống Dù ở tuổi 83, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Tâm vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và hoạt bát; vẫn đi đến từng góc phố, ngõ hẻm, kêu gọi người dân, những nhà hảo tâm. Bà còn đến các bệnh viện để giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi nghỉ hưu đến nay cũng phải ngót nghét hơn 30 năm, bà liên tục tham gia các hoạt động tổ dân phố rồi sau đó tham gia nồi cháo Đoàn kết. Bà bảo, từ khi còn đang công tác tại Nhà máy Dệt kim Hà Nội, bà đã mê làm từ thiện. Bà vẫn nhớ như in, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính ngày đó, dân cư chủ yếu là làm nông nghiệp, đất chuyển đổi nhiều nên mọi thứ rất phức tạp. Lúc đó, một mình bà đảm đương rất nhiều công việc như: Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải; Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ rồi tham gia công tác mặt trận, phụ nữ... Với suy nghĩ đơn giản, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng nhưng muốn mọi người vì mình thì trước tiên mình hãy vì mọi người trước, bà luôn sống với mọi người bằng cái tâm, cái đức, được bà con quen mặt, yêu mến. Bởi thế, khi thành lập Tổ dân phố, bà con đề cử bà làm Tổ trưởng. Bà kể, ngày đó bà vất vả lắm, vì chồng bà sau khi nghỉ hưu lại ốm đau triền miên. Bà vừa đi viện chăm chồng, vừa lo công việc của tổ dân phố. Có nhiều hôm bà mang cả sổ sách vào bệnh viện, vừa chăm chồng, vừa giải quyết công việc của khu phố. Nhưng bà bảo, vẫn may mắn vì chồng bà cũng là người yêu công tác thiện nguyện. “Ngày đó, khi đọc sách báo, thấy có trường hợp nào nghèo khó đăng lên báo, ông ấy lại bảo tôi đến ngay tòa soạn để xin ủng hộ”. Bà Tâm nhớ lại. Có những kỷ niệm khi bà kể tưởng chừng chỉ mới hôm qua, hôm nay thôi bởi bà nhớ rõ từng chi tiết. Những cuộc hòa giải giữa người vợ, người chồng, con và bố về tranh chấp đất đai rồi về tình cảm riêng tư, họ còn kéo nhau lên tận phường, bà vẫn ôn tồn giải thích và tìm mọi cách hóa giải những mâu thuẫn hàng ngày như thế. Có nhiều vụ kéo dài mất vài ngày mới xong. Những công việc tưởng chừng như không tên mà bà ít khi nhắc đến ấy đều được bà làm trơn tru. Vụ nào có bà Tâm hòa giải là nhà đó “êm ru” , “dĩ hòa vi quý”. Sau thời gian chống chọi với bệnh tật năm 2013, chồng bà qua đời. Dù buồn lòng nhưng bà vẫn tích cực trong các hoạt động; đồng thời còn tham gia thêm nồi cháo từ thiện. Hơn 8 năm qua, không kể ngày mưa hay nắng, bà thường xuyên đóng góp cùng những tổ chức thiện nguyện tại đình làng Quan Nhân, trực tiếp điều hành chung các hoạt động của Tổ cháo khu dân cư Đoàn Kết, thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ, để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn trong và ngoài địa bàn. Cụ thể, hàng tuần trực tiếp tham gia nấu 100 lít cháo chay và 100 lít cháo thịt tặng bệnh nhân tại 4 bệnh viện cố định (thứ 7 phát tại Bệnh viện Da Liễu Trung uơng, Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; chủ nhật phát tại Bệnh Viện K Tân Triều. Bà còn ủng hộ thường niên cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại khu dân cư, mỗi tháng 500 nghìn đồng và 10kg gạo; ủng hộ thường niên kinh phí nấu cháo và sinh hoạt đến đội cháo Từ Tế 7.000.000 đồng/tháng, nhóm Bát Cơm Vàng 500.000 đồng/tháng, nhóm cháo Thịnh Quang 500.000 đồng/tháng. Năm 2021, do diễn biến Covid-19 phức tạp, không đến được bệnh viện, có trường hợp nào khó khăn bà lại ủng hộ bằng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm (mặc áo dài trắng đứng giữa) tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2018 Mặc dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà bà vẫn nhớ như in các hoạt động mình đã tham gia. Vừa nói, bà vừa giở từng trang, mở từng cuốn sổ ghi chi tiết các cá nhân, tổ chức ủng hộ một cách cẩn thận như cuốn nhật ký. Bà cho hay, năm 2014, khi mới kêu gọi ủng hộ, tổng kinh phí kêu gọi cũng chỉ lên tới con số 12.200.000 đồng/năm. Còn hiện tại, khi biết đến bà là người gắn với nồi cháo từ thiện thì con số đó đã tăng lên gấp nhiều lần: 84 đến 100 triệu đồng/năm. Cùng với đó, bà cũng luôn nhiệt tình tham gia những hoạt động vệ sinh môi trường, bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép, làm vườn hoa, tường hoa để xóa những tụ điểm rác thải lâu ngày, cùng với những hoạt động thiết thực của chị em phụ nữ. Với bà, những câu chuyện ngày xưa, những kỷ niệm khi kể lại, nhớ lại, giờ vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí. Sâu thẳm trong đôi mắt sáng ấy, là những hoài niệm vui vẻ và đầy tự hào của cuộc đời. Nhìn khuôn mặc phúc hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói từ tốn, bà Nguyễn Thị Tố Tâm giống như người sinh ra mang “Sứ mệnh làm từ thiện”, ở đâu khó lại có bà. Bà tâm niệm “có nhiều, thì mỗi người được một bát cháo, còn có ít, thì mỗi người một thìa cháo, quan trọng là mang được đến tận nơi cho người khó, làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm”... Thầm mong có thêm thật nhiều những tâm hồn cao thượng, những con người bình dị, thật thà, chất phác như bà Tâm để mỗi ngày tỉnh dậy, ta thấy cuộc đời này còn có bao điều tuyệt vời biết bao. Hồng Thiết      

Trang