BTĐKT - Giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức trong triển khai các công trình, dự án. Với vai trò là tổ trưởng tổ tuyên truyền GPMB, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội luôn tận tâm với công việc, tận tụy với nhân dân. Không chỉ kiên trì vận động, thuyết phục, chị còn là người đồng hành, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân dân tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc, trở thành điểm tựa quan trọng trong việc thúc đẩy các công trình giao thông trọng điểm của thành phố hoàn thành đúng tiến độ.
Gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng
Con đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, đi qua địa bàn phường Láng Thượng, là một trong những dự án quan trọng của thành phố Hà Nội và quận Đống Đa được triển khai thực hiện từ năm 2019. Việc triển khai xây dựng tuyến đường được xác định giúp cho việc giao thương đi lại của người dân được dễ dàng hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công tác GPMB gặp không ít khó khăn do sự không đồng thuận từ một số hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều người bày tỏ lo ngại về quyền lợi và bồi thường không thỏa đáng, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc di dời.
Chị Hà cùng các thành viên trong tổ công tác GPMB đến vận động ngoài giờ làm việc tại gia đình bà Hà Thị Kim Yến
Ngoài ra, khối lượng đất đai cần giải phóng lớn, với nhiều hồ sơ và giấy tờ phức tạp, đã tạo ra áp lực không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý và thẩm định bồi thường, làm ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công dự án.
Giữa bối cảnh khó khăn đó, chị Hà cùng những người làm công tác GPMB đã nỗ lực không ngừng để tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, việc tìm ra một giải pháp hài hòa, công bằng cho tất cả các bên liên quan là một thách thức lớn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và nỗ lực từ nhiều phía.
Với vai trò là thành viên Hội đồng GPMB quận Đống Đa, thành viên tổ công tác GPMB, Tổ trưởng tổ tuyên truyền GPMB phường Láng Thượng, ngay từ những ngày đầu, chị cùng các ban, ngành, đoàn thể đi đến từng tổ chức, từng hộ gia đình để nắm tình hình. Qua đó, xây dựng phương án tuyên truyền, vận động cho từng trường hợp để các tổ chức và người dân đồng thuận, ủng hộ dự án.
Ông Phạm Huy Thông, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi, thành viên tổ công tác GPMB phường Láng Thượng cho biết, thực tế khi triển khai dự án, có những trường hợp từng chửi bới không hợp tác với các thành viên tổ tuyên truyền GPMB; có người viết đơn thư, thuê luật sư khởi kiện các cơ quan nhà nước về quy hoạch, quy trình, giá bồi thường GPMB. Thậm chí, có những lúc bế tắc vì không thể liên lạc được với chủ sử dụng đất do họ đang ở nước ngoài.
Mong muốn sớm hoàn thành con đường mới giúp nhân dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, với trách nhiệm được giao, chị Hà không quản ngại mưa gió vất vả, cùng tổ công tác đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền và giải thích. Chị đã có nhiều sáng kiến hay, tổ chức các cuộc họp, đối thoại giữa hộ dân với Hội đồng GPMB quận, thông qua dự thảo phương án và đơn giá bồi thường, giúp người dân hiểu rõ hơn về dự án.
Đặc biệt, chị Hà không chỉ thuyết phục người dân bằng lời nói mà còn hỗ trợ họ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, quy trình hành chính trong GPMB. Nhờ đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Trần Duy Tuyết - bà Trần Thị Nê, những người cao tuổi, thu nhập thấp, bệnh nặng, hay trường hợp gia đình ông Trần Xuân Khang phải chịu thiệt thòi khi nhà đất bị thu hẹp, đã đồng tình ủng hộ dự án sau khi được chị kiên trì giải thích và hỗ trợ tối đa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng nhất cho họ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà toàn bộ 16 tổ chức và 65 hộ đồng thuận, 2 hộ phải cưỡng chế; dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đã hoàn thành đúng thời hạn, chính thức thông xe, trở thành một tuyến giao thông huyết mạch, mang lại tiện lợi cho cư dân.
Chị Hà đại diện cho cán bộ và nhân dân phường Láng Thượng trao tiền ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão Yagi
Khâm phục tinh thần trách nhiệm của chị Hà, anh Hoàng Quang Khải, Bí thư phường Láng Thượng chia sẻ: Chị Hà đi tuyên truyền, vận động người dân không có thời gian cố định, bất cứ khi nào nhận được tin là người dân có mặt ở nhà thì chị tranh thủ đến luôn, hoặc thấy người dân mở cửa tiếp thì chị vào làm việc ngay, kể cả lúc đó đã hết giờ hành chính hay ngày thứ bảy, chủ nhật, chị không nề hà. Đặc biệt, chị rất chịu khó nghiên cứu, học hỏi nên nắm rất chắc chuyên môn để giải thích, chỉ rõ các căn cứ pháp lý, từ đó tuyên truyền hiệu quả đến bà con.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Hà bộc bạch: “Làm công tác vận động đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự linh hoạt. Ngoài sự kiên trì, đôi khi phải khéo léo pha chút hài hước, lúc lại cần sự mềm mỏng, nhưng vẫn phải giữ được tính quyết đoán khi cần thiết. Có những lúc tôi thật sự đồng cảm với người dân - Hà Nội là nơi đất chật, người đông, giá trị từng tấc đất rất lớn. Khi giải phóng mặt bằng, nhiều người cảm thấy tiếc nuối, xót xa. Nhìn thấy họ khóc, tôi cũng không kìm được lòng mà khóc theo. Bị người dân trách móc, thậm chí nặng lời, cũng là chuyện bình thường, nhưng điều quan trọng là đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu. Chỉ khi thực sự hiểu, mình mới có thể vận động và tuyên truyền một cách hiệu quả.”
Chiếc cầu nối đoàn kết, nhân ái
Không chỉ là người tiên phong trong công tác giải phóng mặt bằng, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chị Hà còn là “cầu nối” tận tụy, mang những tấm lòng hảo tâm và các mạnh thường quân đến gần hơn với những hoàn cảnh khó khăn. Sinh ra, lớn lên và gắn bó nhiều năm với phường Láng Thượng, chị hiểu rõ từng ngõ ngách, từng gia cảnh và những mảnh đời cần giúp đỡ. Với chị, mỗi câu chuyện khó khăn là một động lực để kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ, tạo cơ hội để người dân có thể vượt qua khó khăn, tự lập và vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vào sự kiên trì và tâm huyết của chị, đến nay, trên địa bàn phường không còn hộ nghèo.
Chị luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Gần đây nhất, khi cơn bão Yagi ập đến, chị đã vận động nhân dân trên địa bàn cùng chung tay đóng góp gần 1,5 tỷ đồng. Con số này không chỉ là minh chứng cho sự đoàn kết, mà còn là biểu hiện của một cộng đồng luôn sẵn sàng sẻ chia dưới sự dẫn dắt của một người cán bộ tận tụy và giàu lòng nhân ái.
Chị Hà luôn gương mẫu trong ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai và cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
Với những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, chị Hà đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Gần đây nhất, chị vinh dự được Chủ tịch UBND quận Đống Đa tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc đột xuất trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Với chị, đây là động lực để chị tiếp tục tận tâm hơn với nghề. Song với chị, phần thưởng quý giá nhất chính là niềm vui và sự đồng thuận của người dân, khi họ có thể an tâm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới, với những con đường khang trang đã hoàn thiện.
Đến nay, phường Láng Thượng đang tiếp tục đón thêm những công trình hạ tầng mới và chị Hà tiếp tục được tin tưởng giao nhiệm vụ trong công tác vận động GPMB. Bên những chồng hồ sơ dày cộp của dự án mới, chị cẩn thận lên kế hoạch chi tiết cho từng phương án, không ngừng nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để công trình sớm hoàn thành. Tin rằng, trong dự án tới, những con đường mới sẽ lại được thông xe với sự đồng thuận của nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Láng Thượng nói riêng và thành phố nói chung, với những công trình hạ tầng hiện đại, phục vụ cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của người dân./.
Mai Thảo
Hà Nội thi đua ái quốc
BTĐKT - Gần 25 năm gắn bó với lực lượng Công an nhân dân, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (nguyên Trưởng Công an phường Láng Thượng), không chỉ là người chỉ huy kiên định mà còn là tấm gương sáng trong thực hiện nhiệm vụ “vì dân”. Sự tận tụy và trách nhiệm của anh vừa được ghi nhận khi anh được vinh danh là một trong 10 gương mặt Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024.
Những dấu ấn từ địa bàn Láng Thượng
Tốt nghiệp Cao đẳng Cảnh sát nhân dân năm 2001, anh Nguyễn Anh Tuấn về nhận công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Đống Đa. Hai năm sau, anh xuống cơ sở làm cảnh sát hình sự, cảnh sát khu vực tại Công an phường Khâm Thiên. Năm 2011, anh được bổ nhiệm là Phó trưởng Công an phường Khâm Thiên.
Về Láng Thượng công tác từ năm 2015, với vai trò là Trưởng Công an phường, anh đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024
Phường Láng Thượng, một địa bàn có diện tích rộng, quá trình đô thị hóa nhanh và dân cư đông đúc, từng là trọng điểm về an ninh trật tự. Khi nhận nhiệm vụ Trưởng Công an phường vào năm 2015, Trung tá Tuấn đã đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi đặc điểm rộng lớn của địa bàn và dân cư đông đúc, với gần 4 vạn nhân khẩu. Đặc biệt, trên địa bàn còn có nhiều trường đại học và bệnh viện, khiến việc quản lý an ninh trật tự tiềm ẩn khá nhiều phức tạp. Trong khi lực lượng Công an phường khá mỏng, song với tinh thần trách nhiệm cao, anh luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Công an phường, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Với suy nghĩ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, anh cùng cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để mâu thuẫn nhỏ kéo dài gây phức tạp về an ninh trật tự. Việc sát sao với người dân và địa bàn của lực lượng công an đã giúp giải quyết nhiều vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Đặc biệt, với sự nhạy bén, anh còn phát hiện và điều tra, triệt phá được nhiều vụ án liên quan đến tội phạm ma túy và hình sự, gây xôn xao dư luận, góp phần giữ vững trật tự an ninh địa phương. Tiêu biểu như vụ trọng án xảy ra ngày 29/7/2016 tại số nhà 866 đường Láng hay phá một đường dây đẻ thuê ở bệnh viện….
Một đóng góp nổi bật khác của Trung tá Nguyễn Anh Tuấn trong thời gian công tác tại phường Láng Thượng khác, đó là việc anh trực tiếp chỉ đạo và thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Trước nhiệm vụ cấp bách này, anh đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo để đảm bảo tiến độ. Với địa bàn đông dân cư như Láng Thượng, anh đã huy động toàn bộ lực lượng công an phường, làm việc xuyên đêm, tổ chức các buổi cấp CCCD lưu động, nhất là vào những giờ thuận tiện cho người dân như buổi tối hay cuối tuần. Đặc biệt, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp CCCD của anh đã giúp Láng Thượng trở thành đơn vị cán đích đầu tiên trong cấp CCCD gắn chíp đảm bảo “đúng, đủ, sống, sạch”. Sáng kiến của anh cũng được nhân rộng ra toàn thành phố.
Phường Láng Thượng từ một phường trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự đến nay đã được chuyển hóa thành địa bàn ổn định về an ninh trật tự; tội phạm về hình sự, ma túy năm sau giảm so với năm trước; không còn hoạt động mại dâm cũng như hoạt động của các đối tượng hình sự bảo kê chăn dắt, chứa chấp gái dịch vụ trên địa bàn. Do vậy, Công an phường luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tập thể Công an phường Láng Thượng liên tục đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng trở lên, trong đó có 5 năm liên tục (từ 2017 đến 2021) được tặng Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thông tin với phóng viên
Người chỉ huy tài ba và nhiệt huyết
Không chỉ “tròn vai” ở địa bàn phường láng Thượng, từ tháng 12/2023, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn được phân công trở thành Trưởng Công an phường Láng Hạ. Phát huy tinh thần vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ, anh tiếp tục mang mưu trí và sức sáng tạo của mình phục vụ sự nghiệp bảo vệ bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, bằng phương pháp tiếp cận khoa học và kiên trì tuyên truyền, sát dân, anh cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ công an phường Láng Hạ đã thực hiện và cấp CCCD điện tử cho hơn 5.000 học sinh từ 6 đến 14 tuổi.
Đặc biệt, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn như luồng sinh khí mới, với quan niệm rằng: “Niềm vui, hạnh phúc của người dân chính là niềm vui của mình”, anh đã lan tỏa ngọn lửa đoàn kết, cống hiến đến với tập thể anh em cán bộ chiến sĩ công an phường Láng Hạ.
Trung tá Nguyễn Đức Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Láng Hạ, nhận xét rằng Trung tá Nguyễn Anh Tuấn là người bản lĩnh, luôn kiên định và cương trực trong mọi quyết định. Anh không chỉ xuất sắc về mặt nghiệp vụ mà còn là người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ, tìm cách khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để mang lại những kết quả tốt nhất cho đơn vị.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn luôn quan tâm chia sẻ, giúp đỡ các đồng nghiệp về chuyên môn
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn là tấm gương sáng của sự tận tụy, trách nhiệm và bản lĩnh trong lực lượng Công an nhân dân. Gần 25 năm công tác, anh không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đồng đội và người dân về lòng yêu nghề và tinh thần phục vụ. Từ những vụ án lớn đến những giải pháp sáng tạo trong công tác quản lý, anh luôn đặt lợi ích của cộng đồng và sự an toàn của nhân dân lên hàng đầu. Anh được vinh danh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024 không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Trung tá Tuấn, mà còn là lời khẳng định về tấm lòng, tài năng và tâm huyết mà anh đã cống hiến suốt chặng đường sự nghiệp.
“Niềm vui và hạnh phúc của nhân dân chính là nguồn động lực lớn nhất để anh tiếp tục gắn bó với nghề, vượt qua mọi khó khăn và cống hiến cho sự bình yên của Thủ đô.” – Trung tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Mai Thảo
Xây dựng mái nhà chung cho các doanh nghiệp do thương binh và người khuyết tật Thủ đô làm chủ
BTĐKT - Các doanh nghiệp do thương binh và người khuyết tật thành lập đã trở thành những cánh tay nối dài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Họ không chỉ là những đơn vị kinh doanh, mà còn là biểu tượng của nghị lực và tinh thần vượt khó. Với sự đồng hành của chính quyền thành phố và các ban, ngành, Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, trở thành mái nhà chung cho những doanh nghiệp này. Hiện nay, Hội có 58 hội viên, bao gồm 54 doanh nghiệp và 4 cá nhân, với tổng số hơn 300 lao động, cùng chung tay xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, đã trải qua ba nhiệm kỳ hoạt động, Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hà Nội đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Dưới sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp hội viên đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều thương binh, người khuyết tật, giúp họ tự tin hòa nhập xã hội. Ông Dương Minh Đỗ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hà Nội Trong nhiệm kỳ III (2018 - 2023), Hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung vào việc khai thác thế mạnh của từng đơn vị, đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp và mở rộng thị trường trong nước lẫn quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh dịch vụ, giúp tạo thêm nhiều việc làm và góp phần phát triển kinh tế Thủ đô. Điển hình là các doanh nghiệp như Công ty CP Thương binh Thành Luân, Công ty TNHH dịch vụ thương mại, vận tải Hà Cầu - Thăng Long, Công ty CP Thương binh 27-7 và Công ty CP Nhân đạo HAVICO… Bên cạnh thành tựu sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp còn đặc biệt chú trọng đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động là thương binh, người khuyết tật. Tuy nhiên, việc hòa nhập vào cơ chế thị trường vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về kỹ năng nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Những hạn chế này đã làm giảm cơ hội việc làm ổn định cho người lao động và khiến một số sản phẩm chưa đạt được thương hiệu mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, vòng quay vốn còn thấp và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao là những bài toán khó cần giải quyết trong tương lai. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp của Hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Thu nhập của cán bộ, nhân viên tại các đơn vị cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần ổn định và được cải thiện, mang lại thu nhập tốt hơn cho người lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện, đóng góp không nhỏ cho cộng đồng, như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và các đợt lũ lụt miền Trung. Tiêu biểu là Công ty TNHH dịch vụ thương mại, vận tải Hà Cầu - Thăng Long, đã ủng hộ hàng nghìn kg gạo, khẩu trang và tiền mặt để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Công ty cũng xây dựng và tôn tạo các công trình tưởng niệm liệt sĩ, đền, chùa với số tiền gần 1 tỷ đồng. Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hà Nội nhiệm kỳ (2024 - 2029) Ông Dương Minh Đỗ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hà Nội, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp do thương binh và người khuyết tật thành lập không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn là minh chứng cho ý chí và khát vọng vượt lên nghịch cảnh của những người lính cụ Hồ và những người yếu thế trong xã hội. Các doanh nghiệp này đã góp phần xây dựng một Thủ đô không chỉ giàu mạnh về kinh tế mà còn đầy tính nhân văn. Trong nhiệm kỳ tới, Hội đề ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm hỗ trợ các hội viên phát triển bền vững hơn nữa, từ việc đẩy mạnh khởi nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý, đến mở rộng hợp tác với các đối tác. Những định hướng này sẽ giúp Hội tiếp tục là mái nhà chung, nơi kết nối và phát triển các doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật Thủ đô, góp phần xây dựng một Hà Nội giàu đẹp và văn minh hơn. Mai ThảoĐiểm hẹn Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc và Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài 2024
BTĐKT - Chiều 22/10, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức họp báo giới thiệu về Liên hoan các ban nhạc toàn quốc và Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024. Đây là hai sự kiện văn hóa đặc sắc nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024 do UBND thị xã Sơn Tây tổ chức, nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt. Ban Tổ chức chia sẻ thông tin về Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024 Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn nâng tầm áo dài thành biểu tượng văn hóa trong các hoạt động ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch, đồng thời khẳng định áo dài là nét văn hóa độc đáo của người Việt. Cuộc thi cũng tìm kiếm những gương mặt phụ nữ Việt Nam hội tụ đủ sắc, tâm, tài để quảng bá áo dài ra quốc tế, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nhấn mạnh rằng: Sơn Tây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và di sản. Việc tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024 sẽ giúp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của vùng đất xứ Đoài, qua đó thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Cuộc thi sẽ trải qua hai vòng chính: Vòng bán kết diễn ra ngày 23/11 tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây với 100 thí sinh trình diễn áo dài. Đêm chung kết, dự kiến tổ chức ngày 24/11, sẽ có 30 thí sinh tranh tài qua các phần thi trình diễn áo dài, trang phục dạ hội và phần thi ứng xử. Danh hiệu Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024 sẽ được trao cho người chiến thắng cùng phần thưởng trị giá 2 tỷ đồng, bao gồm 150 triệu đồng tiền mặt, cùng 4 giải Á hậu. Trước đó, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2024 sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến 2/11 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây. Sự kiện quy tụ các ban nhạc đại diện cho các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc cả công lập và ngoài công lập trên toàn quốc, nhằm mang đến cho người dân những chương trình hòa tấu âm nhạc phong phú, đa dạng và chất lượng cao. Mỗi ban nhạc sẽ trình diễn 4 tiết mục, bao gồm 2 tiết mục hòa tấu và 2 ca khúc, trong đó phải có ít nhất 1 ca khúc về Hà Nội. Ban Tổ chức sẽ chia các đơn vị tham gia liên hoan thành 2 bảng: Bảng A dành cho các ban nhạc thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, bảng B dành cho các ban, nhóm nhạc không chuyên và tư nhân. Chương trình công diễn các tiết mục đặc sắc sẽ được tổ chức vào 20h ngày 2/11 tại sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Cả hai sự kiện hứa hẹn tạo nên không khí văn hóa nghệ thuật sôi nổi, góp phần phát triển phong trào văn hóa cộng đồng và quảng bá hình ảnh của thị xã Sơn Tây đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hưng VũBTĐKT - Sáng 22/10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; biểu dương “Người tốt, việc tốt” và Tổng kết Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước năm 2024. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tới dự.
10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW cùng các kế hoạch của Thành ủy Hà Nội và chương trình hành động của UBND thành phố đã mang lại nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô.
Các phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, phương pháp chỉ đạo sáng tạo, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và thực tiễn ngành. Phong trào “Người tốt, việc tốt” trở thành một trong những hoạt động thi đua tiêu biểu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu chỉ đạo
Qua cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, ngành đã phát hiện và tôn vinh hàng trăm cá nhân với những đóng góp đặc biệt, bình dị nhưng mang đậm giá trị nhân văn, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Trong giai đoạn 2014 - 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội liên tục nhận được các phần thưởng cao quý, như Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND thành phố. Cuộc thi viết về gương điển hình đã ghi nhận 286 cá nhân đạt danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp cơ sở và 65 cá nhân cấp thành phố.
Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô là một trong số ít sở, ngành của thành phố được UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua; 2 cá nhân được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Đặc biệt, năm 2024, toàn ngành tích cực triển khai các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Qua phong trào thi đua, năm 2024, toàn ngành đã có 6 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố khen tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt"; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khen tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp cơ sở cho 17 cá nhân.
Tại hội nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã biểu dương, khen thưởng các cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu - những "chiến sĩ trên mặt trận an sinh xã hội".
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của thành phố cho 6 cá nhân
Dịp này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đã phát động phong trào thi đua năm 2025, kêu gọi toàn ngành tiếp tục sáng tạo, đổi mới nhằm hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các lĩnh vực như: Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình chính sách và công tác trợ giúp xã hội; chú trọng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc tốt”, nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa của người Hà Nội văn minh, hiện đại; từ đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 và cả giai đoạn tiếp theo.
Mai Thảo
Mô hình “Dân vận khéo” trong cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên vườn hoa
BTĐKT - Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, việc cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa ở Thủ đô Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và cộng đồng nhân dân. Mô hình "Dân vận khéo" đã trở thành một phương pháp hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại, từ tình trạng lấn chiếm không gian công cộng đến vệ sinh môi trường. Vườn hoa Đại học Công đoàn, có vị trí đặc biệt, giáp ranh với trường đại học Công đoàn, từ lâu đã trở thành nơi một số hộ dân sống ở khu vực lân cận bày bán hàng nước chè, lấn chiếm không gian đi bộ và gây mất vệ sinh, trật tự đô thị. Những hộ dân này đều có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc vào thu nhập từ việc kinh doanh nhỏ lẻ này. Vườn hoa Đại học Công đoàn được gắn biển mô hình “Dân vận khéo” Trước thực trạng này, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân phường Quang Trung, quận Đống Đa đã nhận thấy, đây là một vấn đề tồn tại cần phải giải quyết triệt để để đảm bảo hiệu quả cho dự án cải tạo, nâng cấp vườn hoa. Qua khảo sát, đã có 5 trường hợp bày bán trong khuôn viên vườn hoa và số lượng khách hàng chủ yếu là sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Việc xử lý tình trạng vi phạm này gặp nhiều khó khăn do sự tồn tại lâu dài và điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh. Vào đầu năm 2024, quận Đống Đa đã đưa ra chủ trương cải tạo, nâng cấp Vườn hoa Đại học Công đoàn theo chỉ đạo của thành phố và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, mở ra cơ hội để phường và quận giải quyết các vấn đề tồn tại. Các tổ chức như Công an phường, Mặt trận Tổ quốc, cùng với các đoàn thể và cán bộ khu dân cư đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi mô hình kinh doanh. Các giải pháp đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các cấp ủy, chi bộ và các cán bộ cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Cụ thể, mô hình chuyển đổi kinh doanh được triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, bao gồm: Tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang mô hình chạy xe ôm công nghệ hoặc giúp việc theo giờ, phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động. Đồng thời, bố trí không gian bán hàng mới, đảm bảo không gian kinh doanh không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và không làm mất vệ sinh, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết không hoạt động trong khuôn viên vườn hoa. Sự kiên trì của chính quyền và các lực lượng chức năng đã giúp quá trình cải tạo diễn ra suôn sẻ. Nhờ vậy, vào ngày 9/10/2024, dự án cải tạo, nâng cấp Vườn hoa Đại học Công đoàn đã chính thức hoàn thành và được gắn biển công trình “Dân vận khéo”, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Vườn hoa Đại học Công đoàn đã được khoác chiếc áo mới, khang trang, sạch đẹp hơn với bồn hoa, thảm cỏ được quy hoạch lại cho sinh động kết hợp các loại hoa nhiều màu sắc để thu hút người dân tới vui chơi, giải trí; lát lại gạch nền bằng đá cubic, vỉa hè xung quanh vườn hoa lát bằng gạch terrazzo để bảo đảm độ bền và thẩm mỹ; bổ sung ghế đá kết hợp với bó bồn cây, giàn hoa bằng thép sơn giả gỗ tại một số vị trí để tạo điểm nhấn cho vườn hoa; cải tạo hệ thống chiếu sáng; chỉnh trang lại nhà vệ sinh công cộng, bổ sung hệ thống cấp nước; lắp đặt hệ thống thùng rác cố định xung quanh vườn hoa để giữ gìn vệ sinh. Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội kịp thời biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên vườn hoa Đại học Công đoàn Dự án không chỉ tạo ra một không gian xanh đẹp, sạch cho sinh viên và người dân, mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và trật tự đô thị trong cộng đồng. Mô hình dân vận khéo này đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn. Được biết, không chỉ công trình này mà thời gian qua, trên địa bàn quận Đống Đa, bằng những cách làm bài bản, sáng tạo đã còn có nhiều mô hình dân vận khéo khác được triển khai thực hiện thành công, mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân. Chỉ tính trong năm 2024, toàn quận Đống Đa có 546 mô hình dân vận khéo, trong đó cấp thành phố có 2 mô hình, cấp quận có 84 mô hình và cấp cơ sở có 460 mô hình. Mai ThảoLan tỏa những tấm gương phụ nữ cống hiến xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại
BTĐKT - Chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), sáng ngày 16/10, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô thi đua xây dựng TP Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại”. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tới dự và phát biểu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tặng hoa các nhân vật tham gia chương trình giao lưu Phát biểu khai mạc chương trình, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ Thủ đô trong việc góp phần xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO vinh danh. Tại chương trình, 6 gương mặt tiêu biểu trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh, kinh doanh và lực lượng vũ trang đã chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình nỗ lực và cống hiến của mình. Nhà giáo Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, chia sẻ về tâm huyết xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, an toàn và văn minh. Bà mong muốn mỗi trường học tại Thủ đô sẽ trở thành một “ngôi trường hạnh phúc,” nơi học sinh được học tập trong môi trường tràn đầy tình yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm đối với cộng đồng. Nghệ nhân Bùi Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, bày tỏ lòng tự hào về việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống đúc đồng, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống của Hà Nội. Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang phát biểu khai mạc chương trình Bà Phạm Thị Thanh Huyền, hội viên nông dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, với những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, chia sẻ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ thành phố để phát triển mô hình sản xuất của mình. PGS.TS.BS Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, với 3 bằng sáng chế và nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, cũng chia sẻ niềm đam mê cống hiến cho khoa học và cộng đồng. Bà nhấn mạnh rằng công việc nghiên cứu khoa học chính là niềm vui, là động lực để tiếp tục phát triển và cống hiến. Trung tá Bùi Thị Hạnh, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Đống Đa), tự hào về những đóng góp của mình và đồng đội trong việc đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ Thủ đô hòa bình và an toàn. Bà cam kết sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, đã thành lập Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ, một mô hình mới giúp hỗ trợ quản lý, đảm bảo an ninh tại các khu nhà trọ, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân… Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cống hiến, hy sinh và quyết tâm của 6 tấm gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu tham gia giao lưu tại chương trình. Ông khẳng định, những câu chuyện đầy ý nghĩa từ các tấm gương phụ nữ Thủ đô đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng; từ đó xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mai ThảoBTĐKT - Ngày 16/10, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" và tổng kết 10 năm cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đồng thời biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội; ông Nguyễn Quang Hiếu - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy; ông Mai Trọng Thái - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận; cùng lãnh đạo các phòng, ban, ngành và đại diện các phường, các cá nhân tiêu biểu được khen thưởng.
Trao danh hiệu người tốt, việc tốt cấp thành phố cho các cá nhân
Trong 10 năm qua, công tác thi đua - khen thưởng của quận Nam Từ Liêm đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, việc khen thưởng đã tập trung vào mọi đối tượng, nhất là người lao động trực tiếp, tạo động lực khuyến khích họ phấn đấu trong các phong trào thi đua.
Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” cũng được tổ chức định kỳ, trở thành một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình tham gia của cán bộ, công chức và nhân dân.
Trong giai đoạn 2014 - 2024, toàn quận đã có 700 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp quận, 150 cá nhân được trao danh hiệu cấp thành phố, cùng hơn 1.500 bài viết tham gia dự thi.
Tại hội nghị, 3 gương mặt tiêu biểu đã tham gia giao lưu, chia sẻ những bài học quý báu về lòng nhân ái, tinh thần cống hiến; đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ, khuyến khích mọi người tiếp tục phấn đấu và lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng.
Giao lưu với các gương người tốt, việc tốt năm 2024
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường THCS, THPT Marie Curie, đã chia sẻ về triết lý sống mà thầy tâm đắc và truyền cảm hứng qua thông điệp “3L” – làm lá lành. Thầy nhấn mạnh: "Hãy làm một chiếc lá lành trong cuộc đời". Theo thầy Khang, chỉ khi mỗi người có đủ điều kiện, vững vàng như một chiếc lá lành thì mới có thể giúp đỡ, đùm bọc những người khác - những chiếc lá rách. Đây là cách để mỗi cá nhân trở thành một phần tích cực của cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Với sự giản dị và sâu sắc trong lời nói, thầy Khang đã khuyến khích mọi người không chỉ sống tốt cho bản thân mà còn giúp đỡ những người xung quanh.
Là người đã nhiều năm liên tục tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, từ việc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong phường cho đến các chiến dịch hiến máu nhân đạo, bà Chu Thị Minh Tâm, hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Đình 2 cho rằng: Việc giúp đỡ người khác không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là niềm vui và động lực sống, giúp bà cảm nhận được giá trị thực sự của cuộc đời.
Ghi nhận những kết quả đạt được, tại hội nghị, 6 tập thể được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW; 8 cá nhân được trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024 cấp thành phố và 124 cá nhân được trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp quận. Ban Tổ chức đã khen thưởng 10 cá nhân đạt giải trong Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt quận Nam Từ Liêm năm 2024.
Dịp này, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Chủ tịch UBND quận Mai Trọng Thái đã phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2025, kêu gọi các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Nam Từ Liêm và Thủ đô.
Mai Thảo
Hà Nội phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2024
BTĐKT - Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024 bắt đầu từ ngày 17/10 đến 18/11. Theo đó, Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2024 do Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 16/10 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, số 91 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Gặp mặt báo chí thông tin về chương trình Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết: Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024 sẽ là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân thể hiện “Tinh thần tương thân, tương ái”, bằng những hành động thiết thực, cụ thể chia sẻ, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chung tay thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có cơ hội thay đổi cuộc đời và có cuộc sống tốt hơn. Đây cũng chính là hành động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Trong khuôn khổ chương trình lễ phát động, Ban Tổ chức sẽ công bố hoàn thành 714 nhà Đại đoàn kết trong chương trình xóa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố; trao hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ với tổng trị giá 13 tỷ 355 triệu đồng; trao hỗ trợ sinh kế tới các hộ nghèo với tổng trị giá 3 tỷ 140 triệu đồng. Đồng thời, tuyên dương 16 tập thể có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2023. Buổi lễ sẽ có sự tham gia của các lãnh đạo đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, cùng nhiều đại diện tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các nền tảng số khác. Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc, tích cực chung tay giúp đỡ người nghèo và tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố năm 2024. Mọi sự ủng hộ sẽ được công bố tại Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội thành phố năm 2024. Thông tin ủng hộ xin liên hệ: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, số 29 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Tên tài khoản: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội - Quỹ “Vì người nghèo”. Số tài khoản: 3761.0.9057259.91046 tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Hoặc tài khoản ngân hàng: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Số tài khoản: 1500201116868 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Hà Nội. Số tài khoản: 1126 1526 6666 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - chi nhánh Hà Nội. Hưng VũBTĐKT - Sáng 14/10, Sở Xây dựng Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống thành lập ngành Xây dựng Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà tới dự.
Sở Xây dựng Hà Nội, tiền thân là Sở Công chính, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/10/1954. 70 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, song ngành Xây dựng Hà Nội đã nỗ lực khắc phục, không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Sở Xây dựng Hà Nội.
Từ những năm đầu sau giải phóng, dù còn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng yếu kém và dân cư thiếu thốn, Sở Công chính đã nhanh chóng khôi phục và phát triển, xây dựng hàng trăm công trình quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Giai đoạn 1965 - 1975, nhân viên của ngành không chỉ thi công mà còn tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1975, Sở chính thức mang tên Sở Xây dựng Hà Nội, tiếp tục đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đất nước thống nhất.
Sau năm 1986, với chính sách đổi mới, ngành đã thích ứng linh hoạt với nền kinh tế thị trường, triển khai nhiều dự án phát triển nhà ở và cơ sở hạ tầng, đưa Hà Nội trở thành một trong những thành phố hiện đại nhất Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Sở đã tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, duy trì sự tăng trưởng với nhiều kết quả cụ thể. Sở đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố triển khai 19 chỉ tiêu và 56 nhiệm vụ trong chương trình chỉnh trang đô thị; thẩm định 924 dự án, công trình, đảm bảo an toàn về kết cấu công trình và quản lý chi phí theo quy định; cụ thể hóa các quy trình ISO, rút ngắn thời gian thực hiện thẩm định giảm từ 5,57% đến 25% so với quy định; cấp 205 giấy phép xây dựng tương đương 5,7 triệu m2 sàn xây dựng. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh: Tỷ lệ số công trình có vi phạm đến hết năm 2023 giảm còn 2,51%, đến nay chỉ còn 1,41%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng đạt gần 100%, tỷ lệ hài lòng của người dân về dịch vụ công vượt 95%....
Sở cũng tích cực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, với hệ thống cấp nước sạch đạt tổng công suất 1,6 triệu m³/ngày đêm và 100% hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đang được đầu tư mạnh mẽ, dự kiến đạt tỷ lệ xử lý khoảng 50% vào năm 2025. Từ năm 2021 - 2025, thành phố đã xây dựng mới 30 công viên, vườn hoa và tiếp tục xây dựng, cải tạo, nâng cấp 110 công viên, vườn hoa. Hệ thống đường dây viễn thông và điện lực được hạ ngầm tại 111 tuyến phố góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp....
Ghi nhận những đóng góp quan trọng đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
Tại buổi lễ, Sở Xây dựng tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của toàn ngành mà còn là động lực để cán bộ, công nhân viên Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Thủ đô “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, hướng tới mục tiêu hiện đại và văn minh.
Mai Thảo
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- …
- sau ›
- cuối cùng »