Điển hình tiên tiến

Làm tốt công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

TĐKT - Sáng 26/4, tại Hội trường Học viện Chính trị, Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống (29/4/1999 - 29/4/2019). Thiếu tướng Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Học viện Chính trị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự là cơ quan nghiên cứu lý luận và thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, những vấn đề về công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm của Đảng. 20 năm qua, Viện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, triển khai toàn diện, đồng bộ có chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan, quan điểm của Đảng và sự phát triển của khoa học xã hội nhân văn quân sự… Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện có 1 giáo sư, 16 phó giáo sư, 8 tiến sĩ, 19 thạc sĩ. Qua 20 năm, Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự đã triển khai nghiên cứu thành công 179 đề tài khoa học các cấp; 15 chuyên đề tổng kết lý luận - thực tiễn theo yêu cầu của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương; triển khai 14 công trình nghiên cứu cơ bản; biên soạn và xuất bản 156 đầu sách chuyên khảo, 315 chuyên đề khoa học, 235 bộ giáo trình, tập bài giảng; tham gia 17.500 hội đồng khoa học, hướng dẫn 950 học viên sau đại học; tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học. Với những thành tích đạt được, Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Học viện Chính trị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Viện Khoa học xã hội Nhân văn Quân sự. Nguyệt Hà

Người mang con chữ đến với dân tộc Mông ở Hang Kia

TĐKT - Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hang Kia B (xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) luôn tận tâm, hết mình với các em học sinh là đồng bào dân tộc. Không chỉ vậy, chị còn là người đóng góp lớn trong việc xóa mù chữ và thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ người Mông.   Cô Hà Thị Hằng, thay mặt trường TH&THCS Hang Kia B nhận quà tặng của đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội) năm 1990, chị Hằng được phân công về làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng ở một trường Trung học cơ sở thuộc xã khó khăn trên địa bàn huyện Mai Châu. Với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, chị Hằng đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2018, chị nhận được quyết định điều động đến công tác tại trường Tiểu học và THCS Hang Kia B đặt tại xóm Thung Mặn. “Hang Kia là một xã đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện hơn 60 km. Từ trung tâm xã đến bản Thung Mặn khoảng 10 km, chỉ có một con đường mòn độc đạo xuyên qua núi đá. Người dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu còn duy trì, là địa bàn điểm nóng về ma túy. Nơi trường tôi mới tiếp nhận công tác, tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều, bậc tiểu học tỷ lệ bỏ học tới 37,5%, bậc THCS lên đến 66%.”- chị Hằng chia sẻ. Để nắm bắt được tình hình và có những giải pháp phù hợp, chị không quản ngại khó khăn đi hàng chục ki-lô-mét đường rừng, tranh thủ thời gian đến các gia đình người Mông ở các xóm để trò chuyện với các cháu nhỏ, các chị em phụ nữ, tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống của bà con. Chị tâm sự: “Thực sự khi đi khảo sát cuộc sống của người dân nơi đây, tôi thấy quá nhiều những khó khăn, bất cập. Người dân đến 60% không biết nói tiếng phổ thông, trong đó phần lớn là phụ nữ. Tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm 58,35% dân số. Việc sinh đẻ không có kế hoạch dẫn đến có trường hợp cha mẹ không nhớ nổi tên con, không biết chữ chỉ biết điểm chỉ...”. Sau khi khảo sát tình hình, chị bắt xây dựng kỷ cương, nền nếp nhà trường, tạo điều kiện, khích lệ, động viên cán bộ, giáo viên xa nhà khắc phục mọi khó khăn, nhiệt tình công tác. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa cán bộ, giáo viên nhà trường với cấp ủy, chính quyền và bà con dân bản để ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ. Cùng với đó, chị cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy học, linh hoạt trong sử dụng phương pháp. Động viên đội ngũ giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các giờ giảng với hình ảnh trực quan, sinh động, gần gũi, phù hợp với tâm lý học sinh để tạo hứng thú cho các em trong học tập. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. “Các em được trải nghiệm nấu ăn, làm nộm, làm nem rán - là những món ăn mà người Mông không có thói quen chế biến. Nhiều em lần đầu tiên được biết đến đường ăn, cà chua, đậu phụ nên hoạt động này đã đem lại nhiều điều mới lạ, thích thú cho các em, làm cho các em nhớ trường, nhớ lớp và thích đi học hơn.”- chị Hằng chia sẻ. Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học và làm thay đổi nhận thức cũ của người dân, chị Hằng còn tích cực tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Hang Kia đến từng xóm, bản, hộ gia đình làm công tác vận động nhân dân đi học. Thường xuyên tổ chức các buổi lao động công ích giúp đỡ gia đình phụ huynh, tìm các nguồn tài trợ tự nguyện để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo chị Hằng, muốn khắc phục triệt để tình trạng học sinh bỏ học, điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân. Muốn trẻ đi học, trước hết, những người cha, người mẹ phải biết chữ, nói được tiếng phổ thông, như thế mới có thể tuyên truyền, vận động con cái mình đi học. Bởi vậy, chị Hằng và tập thể nhà trường đã đề xuất ý tưởng mở lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn và đã được cấp ủy, chính quyền xã, huyện cùng Phòng, Sở Giáo dục và Đạo tích cực ủng hộ, giúp đỡ. Với tỷ lệ người dân không biết nói tiếng phổ thông trong xã chiếm tới 60% và đa số là phụ nữ, chị Hằng và nhà trường đã xác định đây là đối tượng nhà trường cần hướng tới trong việc vận động. Chị cho biết, việc tuyên truyền được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất và trực tiếp giúp đỡ được người dân. Đơn giản như khi biết trong bản có dịch gà bị bệnh tụ huyết trùng, chị Hằng cùng các thầy cô trực tiếp mang thuốc trị dịch đến một số gia đình và để người dân tự đọc cách điều trị. Khi thấy họ lúng túng không thể đọc được, chị Hằng và các giáo viên tranh thủ vừa hướng dẫn, vừa giải thích những tác hại của việc không biết chữ. Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý chị em phụ nữ Mông rất yêu văn nghệ, thích múa hát, chị Hằng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, dạy múa cho chị em, hướng dẫn chị em tập hát theo chữ trên điện thoại di động. “Nhiều chị em rất muốn hát nhưng không đọc được chữ, tủi thân, khóc vì không biết chữ.”- chị nhớ lại. Vì vậy, khi thấy nhà trường đề xuất việc học chữ, chị em phụ nữ trong bản tích cực hưởng ứng. Thời gian đầu có 86 người theo học trên tổng số 300 hộ gia đình. “Việc vận động người dân tham gia học là một khó khăn, nhưng khi tổ chức các lớp học còn khó khăn gấp bội. Do các chị em là lao động chính trong gia đình, ngày bận việc nương rẫy nên các lớp được mở vào buổi tối. Lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều chị hơn 30 năm nay chỉ biết cầm cuốc, cầm dao nên tay chai cứng rất khó viết chữ; nhiều chị con nhỏ mới 2, 3 tháng tuổi, khi đi học phải địu con trên lưng ngồi học; nhiều chị mắt yếu, không nhìn rõ chữ…”- chị Hằng chia sẻ.  Nhưng với sự nhiệt tình, tận tâm của chị Hằng và các giáo viên các chị em rất tích cực tham gia. Có những chị chồng đến bế con cho vợ học, con lớn đến bế em cho mẹ học, những em nhỏ đã biết chữ đến kèm cho mẹ. Với những đóng góp tích cực từ cô hiệu trưởng Hà Thị Hằng, năm học 2018 - 2019, trường TH&THCS Hang Kia B có 76 học viên đến lớp. Chị em phụ nữ xã đã biết nói tiếng phổ thông; biết đọc chữ để chữa bệnh cho lợn, gà; biết chăm sóc con cái khi ốm đau… Các chị em mạnh dạn hơn trong giao tiếp; biết quý trọng thầy cô giáo; biết đọc sách, báo, biết tính toán trao đổi, mua bán; biết ký tên thay vì điểm chỉ, biết lắng nghe tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước... Cũng trong năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cả 2 khối TH&THCS xã Hang Kia đạt 100%, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Vào dịp tết cổ truyền dân tộc Mông năm 2019, học sinh không nghỉ học, sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi, học sinh đến lớp đầy đủ. Tuệ Minh

Công ty Điện lực Thanh Hoá kỷ niệm 55 năm Nhà máy Điện Hàm Rồng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Vừa qua, Công ty điện lực Thanh Hoá (PC Thanh Hoá) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày khánh thành Nhà máy Điện Hàm Rồng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là một sự kiện trọng đại đối với các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty, là niềm vinh dự, tự hào được đóng góp một phần công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư thường trực, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Công ty Điện lực Thanh Hóa Cách đây 55 năm, PC Thanh Hoá được Bộ Thủy Lợi - Điện lực ra quyết định thành lập ngày 6/4/1961. Trải qua quá trình hình thành và phát triển đến nay, ngành điện Thanh Hóa đã qua 4 lần đổi tên. Nhưng dù bất cứ tên gọi nào, PC Thanh Hóa vẫn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đất nước. Ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư thường trực, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Trịnh Xuân Như - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Nhớ lại những ngày đầu thành lập, ông Trịnh Xuân Như - Giám đốc PC Thanh Hóa cho biết, PC Thanh Hoá được thống nhất từ 4 cơ sở phát điện trong tỉnh gồm: Nhiệt điện Lô Cô - Hàm Rồng; Thủy điện Bàn Thạch; Nhiệt điện Cổ Định và Nhiệt điện Hàm Rồng với tổng công suất 6.060 kW. “Đặc biệt, khi nhà máy nhiệt điện Hàm Rồng đi vào hoạt động, ngành điện nơi đây đã ghi một dấu mốc quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh. Thế nhưng, là nhà máy chủ lực cho việc sản xuất điện, nên vào thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, cụm nhà máy điện Hàm Rồng lại bị bom đạn đánh phá liên tục. Tuy nhiên, bằng lòng yêu nước, các cán bộ công nhân viên tại đây đã vừa sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu để bảo vệ thành quả Hàm Rồng”, ông Như nói. Ban lãnh đạo Công ty đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Nhớ lại thời kỳ đó, nhiều cán bộ của nhà máy Hàm Rồng chia sẻ: “Dù khó khăn, chúng tôi vẫn vừa sản xuất vừa thực hiện phương châm, địch đánh phá đến đâu, ta khắc phục, sửa chữa đến đó để dòng điện luôn toả sáng.” Không chỉ chiến đấu bảo vệ nhà máy, những người thợ điện xứ Thanh còn hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các chiến trường ác liệt. Trong số 214 công nhân tham gia nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, đã có 9 người đã anh dũng hy sinh. Ngày gặp nhau trong Lễ kỷ niệm 55 năm nhà máy nhiệt điện Hàm Rồng anh hùng, không ít người đã rớt nước mắt khi kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ, với đầy vất vả và hi sinh. Nhờ những nỗ lực đó của cả tập thể, năm 1971, mạng lưới điện của tỉnh Thanh Hoá được nối liền với điện lưới toàn miền Bắc. Thanh Hoá xây dựng thêm 5 cụm điện diezen có tổng công suất trên 2.000 kW, phục hồi Nhà máy điện Hàm Rồng nên sản lượng điện tăng dần từ 8.292.041 kWh năm 1965 tăng lên 25.193.807 kWh năm 1975. Sau khi non sông quy về một mối, dù còn khó khăn, nhưng ngành điện cả nước đã quyết tâm bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới với một tinh thần quyết liệt. Đặc biệt, vào những năm 80, PC Thanh Hóa đã được đầu tư đáng kể, xây dựng lưới điện, các trạm biến áp từ 35 kV đến 220 kV; xây dựng mở rộng mạng lưới điện đến vùng nông thôn, nông trường, xí nghiệp và các điểm cơ khí nhỏ, hợp tác xã nông - lâm - ngư nghiệp, phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế; chính trị, an ninh - quốc phòng trong tỉnh. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể thì nhu cầu sử dụng điện ở Thanh Hoá cũng vì thế mà tăng cao. Ngành điện nơi đây đã phải xác định rõ mục tiêu “Điện phải đi trước một bước” vì đây chính là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cá nhân nhận Bằng khen của Bộ Công thương Vì thế, trong những năm qua, ngành điện đã đầu tư trên 39.009 tỷ đồng để phát triển hệ thống điện. Trong đó, 31.259 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy phát (Thủy điện Trung Sơn và Nghi Sơn 1); 4.100 tỷ đồng cho lưới điện truyền tải và phân phối; đầu tư cho lưới điện trung, hạ áp 3.614 tỷ đồng và nhiều hạng mục quan trọng khác; đẩy mạnh áp dụng công nghệ nhằm nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời nỗ lực xóa các bản “trắng điện”. Hiện, PC Thanh Hoá cũng đang quản lý bán điện trực tiếp cho 755.073 khách hàng tại 27 huyện, thị, thành phố. Bên cạnh những thành tích về quản lý vận hành, sản xuất, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện, ông Trịnh Xuân Như, Giám đốc PC Thanh Hóa cho biết, PC Thanh Hóa cũng đã hoàn thành tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể; đào tạo nguồn nhân lực; chăm lo đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho cán bộ, công nhân viên cũng như tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Nhờ đó, PC Thanh Hoá luôn nhận được sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. UBND tỉnh tặng PC Thanh Hóa bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết, Sáng tạo, Phát triển bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước” Luôn nỗ lực chiến đấu trong thời chiến, hăng say sản xuất trong thời bình, PC Thanh Hoá đã nhận được trao tặng rất nhiều phần thưởng cao quý từ Đảng và Nhà nước như: Huân chương Chiến công hạng Ba cho Tự vệ Nhà máy Điện Hàm Rồng (1965); Huân chương Quân Công hạng Ba (1967); Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất (1968, 1996)… Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Nhà máy Điện Hàm Rồng anh hùng, cán bộ, công nhân viên PC Thanh Hóa vinh dự đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Công ty Với tinh thần “Thắp sáng niềm tin, vì niềm tin của bạn”, PC Thanh Hóa sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành mọi kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cấp điện ổn định và chất lượng cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng đội ngũ công nhân, lao động của Công ty vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa quê hương, đất nước. Bình Minh

Đại tá Nguyễn Đình Ba – tấm gương sáng của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam

TĐKT - Hơn 30 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Đại tá Nguyễn Đình Ba (sinh năm 1964), Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Gia Trung luôn chủ động, nỗ lực sáng tạo không ngừng, đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân, được nhân rộng và phổ biến trong toàn lực lượng. Năm 2019, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tiếp nối truyền thống vì nước quên thân Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – nơi từng chịu sự tàn phá khốc liệt nhất của chiến tranh, năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Ba đã sớm mồ côi mẹ bởi bà đã anh dũng hy sinh khi tham gia làm nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chính hoàn cảnh thiệt thòi đó đã tôi luyện, làm nên một Nguyễn Đình Ba mạnh mẽ, tự lập và tràn đầy tình yêu thương. Đầu quân vào ngành công an (năm 1984), trước các hoạt động phản động của tổ chức Fulro trải dài ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, anh được phân công về Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum làm nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác chống Fulro và quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi đây. Với bản lĩnh và tài trí, anh đã giúp nhiều người dân lầm lỡ trở về với chính nghĩa, về với bản làng và người thân của mình. Mang theo những kinh nghiệm thực tiễn ấy, năm 1986, anh về công tác tại Trại giam T15 thuộc Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay là Trại giam Gia Trung thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an). Trại đóng trên địa bàn 4 xã của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – một địa điểm nóng phức tạp về dân tộc, tôn giáo, với tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60% dân số; bao gồm 13 bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số Bana và Tày sinh sống. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định do hoạt động chống phá của bọn phản động Fulrô lưu vong, tin lành Đề ga, tà đạo Hà Mòn... Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung (thứ ba từ phải sang) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trại giam Gia Trung được giao quản lý số lượng lớn phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án, tiền sự. Đặc biệt, tình trạng phạm nhân móc nối với đối tượng bên ngoài đưa điện thoại di động, vật cấm vào trại giam cất giấu, sử dụng nổi lên phức tạp, nhức nhối; làm phát sinh các yếu tố, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn trại giam. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ của trại không tăng, địa bàn rộng nên công tác quản lý, giám sát phạm nhân gặp không ít khó khăn. Với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp cùng sức sáng tạo không ngừng, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã tham mưu cũng như tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, góp phần xây dựng trại giam trở thành nơi tu dưỡng nhân cách, làm lại cuộc đời cho nhiều phận người không may vướng vào vòng lao lý. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, với vai trò là người đứng đầu Trại giam Gia Trung, anh cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết xây dựng đơn vị liên tục 10 năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, trong đó năm 2015 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, các năm 2009, 2011, 2013, 2018 được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an. Đặc biệt năm 2015, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Sáng tạo trong đánh thức những mầm thiện Hơn 30 năm gắn bó với nghề cảnh sát trại giam, với anh đây là một nghề đặc biệt, tuy chịu nhiều gian nan, vất vả, thậm chí phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân, nhưng nó mang lại cho anh nhiều xúc cảm. Mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh chính là động lực để anh tiếp tục công việc nơi đất trại đầy gian nan. Anh cho biết: Làm nghề này, thường xuyên va chạm tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, với những tội phạm, những người đã hoặc đang mang trong mình những mầm ác; nếu không có đạo đức tốt và lập trường quan điểm vững vàng thì rất dễ bị sa ngã hoặc bị những yếu tố tiêu cực chi phối. Bên cạnh việc vững vàng, kiên định, chí công vô tư, người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát trại giam còn rất cần có một tấm lòng nhân ái, vị tha. “Phạm nhân dù phạm tội gì đi nữa thì trong họ luôn còn một phần lương tri của con người; bởi vậy công việc của người cán bộ cảnh sát trại giam không chỉ đơn thuần là quản lý phạm nhân mà cần phải đánh thức được mầm thiện trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại.” - anh Ba chia sẻ. Vì vậy, những năm qua, bằng trái tim của một người cán bộ hết lòng mong muốn sự hoàn lương ở các phạm nhân, anh đã áp dụng sáng tạo nhiều giải pháp đem lại hiệu quả cao trong quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân như: Tổ chức chương trình đối thoại giữa giám thị, cán bộ quản giáo với phạm nhân theo định kỳ tháng, quý, 6 tháng, một năm để phạm nhân nêu lên những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng và phản ánh những ưu, nhược điểm của cán bộ. Qua đó, xóa đi sự mặc cảm giữa người vi phạm pháp luật với người quản lý thi hành án phạt tù, tạo thêm niềm tin và tinh thần tự giác cải tạo trong phạm nhân. Lớp dạy nghề thêu cho phạm nhân nữ ở Trại giam Gia Trung Bên cạnh đó, anh còn có những sáng kiến thấm đậm chất nhân văn trong tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, bằng việc cho mời thân nhân những phạm nhân cải tạo tốt đến đơn vị tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tạo không khí thân tình, cởi mở, để phạm nhân coi trại giam như ngôi nhà thứ hai, từ đó vươn lên cải tạo tốt. Anh có sáng kiến xây dựng Quỹ tấm lòng vàng để giúp đỡ, tặng quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết... Qua đó, giúp phạm nhân và thân nhân gia đình họ hiểu rõ hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của gia đình, sự đồng thuận của xã hội trong việc công tác quản lý, giáo dục phạm nhân sớm trở lại hòa nhập với cộng đồng. Cùng với đó, nhằm trang bị cho phạm nhân học tập được một nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã quan tâm, chú trọng trang bị kiến thức văn hóa, dạy nghề cho các phạm nhân. Trại giam Gia Trung đã phối hợp cùng với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mang Yang tiến hành phổ cập văn hóa tiểu học; liên kết với trường Trung cấp nghề Gia Lai, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây nguyên để dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. 5 năm qua, đã có 29 phạm nhân sau khi ra trại được nhận vào làm tại các cơ sở, công ty, doanh nghiệp trên đại bàn tỉnh. Với các phương pháp quản lý, giáo dục sáng tạo, thiết thực đó, nhiều năm qua, hàng ngàn phạm nhân thuộc Trại giam Gia Trung đã tự giác tham gia mọi hoạt động giáo dục cải tạo. Nổi bật trong công tác này là đã làm chuyển biến nhận thức của từng phạm nhân, từ mặc cảm đến yên tâm và tự giác chấp hành cải tạo, nhiều phạm nhân có mức án cao 20 năm đến chung thân không còn tư tưởng chống đối hoặc âm mưu trốn khỏi nơi giam giữ. Từ năm 2012 đến nay, trại giam Gia Trung đã có trên 9.000 lượt phạm nhân được các cấp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, hàng trăm phạm nhân được đặc xá ra tù trước thời hạn. Đáng nói là, những mô hình, sáng kiến của Đại tá Nguyễn Đình Ba trong giáo dục cải tạo phạm nhân đã được nhân rộng, học tập trong toàn lực lượng, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc Đơn vị đóng quân trên địa bàn rộng ở Tây nguyên còn nhiều khó khăn, lại phức tạp về tôn giáo nên tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Nhận thức được điều này, bên cạnh làm tốt công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, Đại tá Nguyễn Đình Ba còn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế rừng vừa tăng thu nhập cho đơn vị, vừa cải tạo môi trường sinh thái. Đồng thời, xây dựng nên mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tại địa phương, tạo được tình cảm tốt đẹp, gắn bó quân dân ngày càng thắm thiết, tạo nên thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn nơi đơn vị đóng quân. Hàng năm, Trại tổ chức trồng hàng trăm héc ta cây keo mang lại thu nhập cao. Từ năm 2008 đến nay, Trại đã trồng được gần 500 héc ta cây cao su, hiện đã có hơn 200 héc ta đến kỳ khai thác mủ, phục vụ cho công tác lao động dạy nghề phạm nhân và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của đơn vị. Đồng thời, có thêm điều kiện hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng nhà đại đoàn kết, trường học, nhận nuôi trẻ mồ côi, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào, vận động trẻ em bỏ học đến trường... Hơn 30 năm không ngừng cống hiến trong nghề cảnh sát trại giam, anh vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ Công an, các cấp các ngành tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2007), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2013),  Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2015), Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2016). Từ năm 2009 đến nay, anh liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2014, 2017 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND”. Mới đây, năm 2019 anh vinh dự là 1 trong 6 đồng chí thuộc Bộ Công an được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Đây là nguồn khích lệ, động viên để người những người chiến sĩ Cảnh sát trại giam nói chung và cá nhân Đại tá Nguyễn Đình Ba nói riêng tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, giúp những đối tượng lầm đường, lạc lối về lại với cuộc đời. Mai Thảo

Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Sáng 23/4, tại Hà Nội, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (23/4/1959 - 23/4/2019). Tới dự, có: Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng Cục Chính trị BĐBP Ngày 23/4/1959, Cục Chính trị BĐBP và 5 phòng trực thuộc Cục Chính trị là Phòng Tuyên huấn, Phòng Tổ chức, Phòng Cán bộ, Phòng Bảo vệ An ninh, Phòng Dân vận (nay là Phòng Vận động quần chúng) được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một lực lượng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây và BĐBP ngày nay. Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, Cục Chính trị BĐBP không ngừng hoàn thiện tổ chức, biên chế, hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn tình hình trên các tuyến biên giới, yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng để chủ động làm tốt công tác tham mưu đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, nội dung công tác Đảng, công tác chính trị trong BĐBP. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP; giữ vững và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong BĐBP; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, bám trụ nơi biên giới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, BĐBP còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... Những năm gần đây, nhiều mô hình, cách làm hay như: “Phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Thầy thuốc quân hàm xanh, thầy giáo quân hàm xanh, chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh...”; nhiều chương trình ý nghĩa, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”… được Cục Chính trị triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cục đã tham mưu cho Đảng ủy BĐBP chỉ đạo các đơn vị thành lập gần 1.600 tổ tự quản, hơn 39.700 hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và gần 14.900 tổ tự quản an ninh - trật tự, tạo “phên giậu lòng dân” vững chắc; đồng thời chủ trì, tham mưu xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, công trình dân sinh tặng đồng bào biên giới... Với những đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng BĐBP, Cục Chính trị BĐBP vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Cục Chính trị BĐBP vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Phương Thanh

Làm giàu từ trồng cây mai ghép

TĐKT - Ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) khi nhắc đến mai là mọi người nghĩ ngay tới vườn mai của gia đình ông Trần Văn Đây, chủ vườn mai tại Ấp 4, xã Nhơn Đức. Nhờ biết kết hợp nhiều cách làm, vườn mai của ông Đây luôn có những cây mai đẹp, lạ và cho thu nhập ổn định. Ông Đây bên những cây mai ghép của mình Tiếp nhận vườn cây cảnh của gia đình từ năm 1970, với niềm đam mê và yêu thích cây cảnh, ông Đây bắt đầu chọn cây mai chiếu thủy để chăm sóc. Sau đó, ông chuyển sang trồng cây sứ, hoa lan. Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm với các loại cây cảnh khác nhau, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Qua tìm hiểu sách báo ông biết cây mai ghép là loại cây có xu hướng phát triển, mang hiệu quả kinh tế. “Nếu như hoa mai thường chỉ có 5 cánh, thì mai ghép có thể tới 12 đến 24 cánh. Cánh tròn đều và đẹp hơn... được khách hàng rất ưa chuộng trong mỗi dịp Tết.”- ông Đây cho biết. Đây cũng chính là động lực giúp ông quyết tâm phải trồng thành công giống mai đặc biệt này. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ ghép mai không cao, cây cho ra hoa chưa đúng thời vụ. Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, ông Đây tự tìm tòi qua sách, báo, tryền hình và trực tiếp đi thăm quan, học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương. Theo ông, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bởi mỗi lần đi, ông không chỉ đến để ngắm, mua mai về trồng mà còn là cơ hội để cho ông học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức trồng trọt. Ông cho biết, cây mai ghép là cây mai cảnh, do đó khâu chăm sóc khá cầu kỳ. Nhiều người mua cây mai ghép về trồng do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên mai hay bị chết. Do cây còn nhỏ, các năm đầu có thể rụng hơn 50% nụ hoa, nhưng đến lúc cây già khoảng 2 đến 3 năm trở lên sẽ đậu được nhiều hoa hơn. Cũng theo ông Đây, muốn mai tốt, ra hoa nhiều vào năm sau, phải chăm sóc mai ngay sau Tết. Qua rằm tháng giêng, cần đem mai ra ngoài trời, bắt đầu thực hiện các giai đoạn chăm sóc, tạo dáng. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm, tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng 7 âm lịch, không nên tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa. Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, canh bông, lặt lá cho phù hợp... Hiện nay, vườn nhà ông có hơn 800 cây mai ghép đã ghép hoàn chỉnh với đủ kích cỡ và đủ kiểu dáng khác nhau, ngoài ra còn hơn 300 gốc mai ghép nguyên liệu chưa hoàn chỉnh, hơn 100 cây sứ cảnh. Với giá trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/cây, mỗi năm sau khi chăm sóc thành phẩm ông bán khoảng 500 - 600 cây. Không chỉ giỏi trong nghề trồng mai,ông Đây còn thường xuyên tham gia chia sẻ kinh nghiệm trồng mai với nông dân, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ông còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cách chăm sóc, hướng dẫn trồng mai ghép người dân làm kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với những đóng góp của mình, ông Trần Văn Đây đã vinh dự được bình chọn là “Người nông dân tiêu biểu” TP Hồ Chí Minh và được UBND thành phố tặng Bằng khen. Chia sẻ về quá trình chăm sóc vườn mai, ông Đây cho biết: Làm nghề nào cũng thế, nhất lại là nghề trồng cây cảnh, phải có niềm đam mê, yêu nghề và chịu khó. Việc chăm sóc mai ghép cũng giống như chăm con mọn vậy, do đó người trồng phải thật có tâm với nghề, như vậy mới đạt được kết quả tốt. Tùng Chi

Báo Biên phòng kỷ niệm 60 năm thành lập

TĐKT - Sáng 22/4, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Báo Biên phòng (22/4/1959 - 22/2/2019). Tới dự, có Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP. Báo Biên phòng nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh BĐBP. Ngày 22/4/1959, tờ Tin Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), tiền thân của Báo Công an nhân dân vũ trang và Báo Biên phòng ngày nay được thành lập; số đầu tiên, được in 6 trang bằng li-tô, khổ rộng 20x30cm, mỗi tháng ra 3 kỳ. Sự kiện quan trọng này đánh dấu sự ra đời tờ báo đầu tiên của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP). Từ đó, ngày 22/4/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của Báo Biên phòng. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Báo Biên phòng luôn giữ vững định hướng chính trị, thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, thông tin kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, của Quân đội, của lực lượng BĐBP và những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, báo có nhiều loạt bài điều tra, phóng sự, nhiều bài chuyên luận cổ vũ những nhân tố mới, những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các đơn vị trong toàn lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phục vụ đông đảo bạn đọc. Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Biên phòng các thời kỳ đều không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hiện nay, Báo Biên phòng chính thức có 3 ấn phẩm: Báo Biên phòng, Phụ trương An ninh biên giới và Báo Biên phòng điện tử. Các ấn phẩm này có nội dung phong phú, hấp dẫn được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và tìm đọc. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong giai đoạn 2001-2019, Báo Biên phòng đã chủ động, sáng tạo, triển khai các chương trình rất thành công và hiệu quả, thực sự có sức lan tỏa mạnh trong toàn xã hội, như các chương trình: Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản, Biên cương thắm tình hữu nghị, Nâng bước em đến trường, Giao lưu quốc phòng biên giới Việt – Trung... Các chương trình trên đã vận động được gần 200 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân hưởng ứng giúp đỡ hỗ trợ gia đình chính sách, người có công, người nghèo ở các khu vực biên giới, hải đảo. Với những đóng góp trong 60 năm qua, Báo Biên phòng đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 2 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 5 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 10 giải báo chí quốc gia, 38 Bằng khen của các ban, bộ, ngành Trung ương, của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Báo Biên phòng được Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen. Bích Nguyên

Người thổi luồng sinh khí mới cho mảnh đất Nguyên Bình

TĐKT  - Với mong muốn khoác chiếc áo mới cho vùng đồi núi hoang sơ, nghèo khó - huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, anh Hoàng Mạnh Ngọc (sinh năm 1971), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, dành nhiều tâm sức gây dựng nên một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái trên đỉnh Phja Đén, được nhiều người thán phục. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng, được các tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tham quan thực tế và đánh giá cao. Đưa cây chè Kolia đi khắp thế giới Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều là nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng mà không đủ ăn, Hoàng Mạnh Ngọc đã sớm nuôi trong mình mong ước được thoát khỏi đói nghèo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình. Đại diện Đoàn đại biểu Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tặng quà lưu niệm cho anh Hoàng Mạnh Ngọc (bên phải) Sau khi xuất ngũ, anh bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống và rất thành công trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng vì luôn đau đáu về ước mơ phát triển nông nghiệp trên mảnh đất quê hương, nên anh thường xuyên mày mò tìm đọc các tài liệu liên quan đến nông nghiệp sạch, rồi mời các chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan đến tìm hiểu, khảo sát các điều kiện tự nhiên của huyện Nguyên Bình. Qua đó, anh nhận thấy, đất Phja Đén khá màu mỡ vì chưa từng canh tác. Ngoài ra, với điều kiện sương mù, độ ẩm cao, chênh lệch ngày đêm lớn là một trong những yếu tố rất thích hợp với phát triển cây chè ô-long – một loại chè đang được ưa chuộng trên thế giới. Kể từ đó, Hoàng Mạnh Ngọc càng củng cố thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, đầu tiên là tập trung vào phát triển cây chè. Nghĩ là làm, năm 2011, anh cùng một số bạn bè thành lập công ty TNHH Kolia – cái tên gợi nhớ đến một địa danh xinh đẹp của nơi đây được người Pháp khai phá từ thế kỷ trước, để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp nông nghiệp, anh Ngọc đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì nơi đây chưa được đầu tư nhiều về cơ sở sản xuất. Vốn liếng trong tay có giá trị nhất với anh chỉ là niềm tin có thể khai thác được ở Nguyên Bình tiềm năng kinh tế để làm giàu mà chưa ai dám thực hiện. Khó khăn đầu tiên là vốn đầu tư đã khiến anh cùng các cộng sự không ngừng trăn trở và lo lắng vì với nguy cơ rủi ro cao của nông nghiệp, nhiều ngân hàng thường e ngại cho các doanh nghiệp mới thành lập được vay vốn hoặc nếu có vay thì phải chịu áp lực lãi suất hàng tháng rất cao. Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, Hoàng Mạnh Ngọc cùng những người có cùng đam mê làm nông nghiệp sạch của Kolia đã tự góp được 50% vốn đầu tư để quyết tâm đầu tư sản xuất. Từ đó, tự tay anh cùng mọi người dẫn nước từ đầu nguồn về, lắp các trạm điện hạ thế, khai phá, vỡ đất để mở đường, trồng rau tự cung cấp, ươm từng giống cây trong những chiếc lán nhỏ để trồng thử nghiệm, thu gom những mẻ phân hữu cơ của các hộ dân dưới bản để bón cho cây. Đồi chè sạch trên núi Phja Đén xanh ngút ngàn Sau nhiều năm xây dựng thành công mô hình khép kín, anh còn đầu tư thêm khu nuôi bò, thỏ, ngựa để có nguồn phân ủ dồi dào. Đồng thời, vừa trồng chè, anh Ngọc vừa xây xưởng chế biến, chỗ ở cho công nhân, để chè hái về được chế biến ngay. Trong thời gian đó, anh cũng đào thêm ao nuôi cá và trữ nước suối dẫn về. Những ngày đầu đầy gian nan đó không làm phai nhạt đi ý chí của Ngọc mà ngược lại, ngày càng thôi thúc anh vượt qua khó khăn, tiếp tục chặng đường làm giàu mà mình luôn ấp ủ. Sau khoảng thời gian trồng chè thử nghiệm thành công, anh bắt đầu phổ biến và kêu gọi người dân trồng chè. Mỗi một vụ chè, anh kiên trì đồng hành cùng người dân bằng cách mời các chuyên gia đến tập huấn về cách thức trồng trọt, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ hiện đại và tìm thị trường bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất. Đến nay, diện tích trồng chè của Kolia ngày càng được mở rộng. Hiện, công ty đang trồng 10 loại chè nổi tiếng của thế giới. Các sản phẩm chè của Kolia đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Sau khi thành công bước đầu với mô hình trồng chè, công ty TNHH Kolia còn mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Phja Đén, biến nơi đây thành điểm đến du lịch thiên nhiên lý tưởng cho các du khách ưa chuộng nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và thưởng thức những loại trà hảo hạng của thế giới được trồng từ đất Nguyên Bình như Ô long và Đông Phương mỹ nhân. Anh tiếp tục thực hiện dự án trồng rau và hoa ôn đới như: Hoa ly, tuy lip, lay ơn, súp lơ, đậu Hà Lan. Các sản phẩm này được trồng quanh năm, một mặt để tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Cao Bằng, một mặt để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch trong mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của anh. Sản phẩm chè Kolia đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới Doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc cũng chủ động đầu tư hệ thống điện và nước hiện đại để đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất và phục vụ du lịch một cách tốt nhất, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi du khách khi tới vùng đất xinh đẹp, nguyên sơ này. Sự đầu tư thông minh ấy đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm tại huyện Nguyên Bình. Ông Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình phấn khởi cho biết, mô hình kinh tế làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái của Công ty Kolia đã góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch đến với Nguyên Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới khoảng 38000 lượt khách tới huyện tham quan. Riêng số lượng khách đến với Kolia khoảng từ 6000 – 10000 lượt khách (năm 2017) và hơn 10.000 lượt (năm 2018). Đặc biệt, với mong muốn biến nơi đây trở thành vùng đất giàu có, trù phú, Hoàng Mạnh Ngọc đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng đến làm việc tại cơ sở sản xuất cũng như tự sản xuất tại vườn, ruộng của mình theo tiêu chuẩn đã cam kết với công ty: Tuân thủ đúng quy trình và công nghệ, kỹ thuật sản xuất, không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật khi không có sự hướng dẫn của công ty. Mảnh đất hoang vu Nguyên Bình với khoảng 85% là người dân tộc thiểu số đang ngày một thay da đổi thịt, người dân làm giàu trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình, khiến cuộc sống ngày một được ổn định và khấm khá hơn. Nối dài những hy vọng phát triển Doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện đề tài bảo vệ các giống lan rừng và trồng cây dược liệu. Thời gian tới, Kolia sẽ nhanh chóng triển khai dự án này và mời các chuyên gia đến làm việc cùng người dân để đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Giữa một vùng đất quanh năm có mây mù bao phủ, ít ai có thể ngờ rằng chỉ với ý chí của một người xuất thân từ chính quê nghèo ấy, Nguyên Bình lại đang nhanh chóng cựa mình để phát triển. Lần đầu tiên tại huyện miền núi này xuất hiện mô hình nông nghiệp sạch được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc khi có cả những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chè của thế giới và Việt Nam đến cùng nghiên cứu, khảo sát và tập huấn cho bà con nông dân sản xuất. Có mặt tại nơi đang thay đổi từng ngày ấy, ông Nông Văn Trường phấn khởi cho biết: “Đầu tư vào nông nghiệp là điều ít người có đủ bản lĩnh và tự tin để làm được. Chính vì vậy, địa phương hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho Kolia có cơ hội tiếp tục mở rộng và phát triển để nhân lên cơ hội được đổi đời, thoát nghèo cho người dân nơi đây”. Anh Hoàng Mạnh Ngọc (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc trong chuyến tham quan mô hình Trong thời gian tới, huyện Nguyên Bình dự định sẽ triển khai thêm mô hình du lịch homestay; đồng thời đang tiến hành hợp tác với huyện Ba Bể (Bắc Kạn) để xây dựng những tuyến đường mới, thuận tiện cho việc đi lại và kết nối các điểm du lịch giữa hai tỉnh, nhằm tăng thêm lượng du khách đến với Cao Bằng nói chung và huyện Nguyên Bình nói riêng. Theo đó, huyện đã kêu gọi, báo cáo với tỉnh để có những chính sách ưu tiên trong thuế đất cho các doanh nghiệp như Kolia. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp được sử dụng đất trong thời gian dài, khuyến khích bà con có đất canh tác chưa đem hiệu quả nên hợp tác với doanh nghiệpmở rộng diện tích sản xuất, hạn chế việc trồng nhỏ lẻ mà trồng thành vùng tập trung, có doanh nghiệp hỗ trợ thu mua, tiêu thụ theo cam kết ban đầu. Với lòng quyết tâm muốn làm giàu cho quê hương bằng chính tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của mình, Hoàng Mạnh Ngọc đang ngày càng chứng tỏ được sự đúng đắn khi dám đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ và gian khổ như nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. Ý chí mạnh mẽ và quyết đoán ấy cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, những chính sách khuyến khích kịp thời và hợp lý của Đảng và Nhà nước cũng như sự tin tưởng của bà con nơi đây sẽ là nguồn động lực giúp anh tiếp tục thành công và trở thành cánh chim đầu đàn làm giàu cho quê hương bằng chính tiềm năng sẵn có của vùng đất này. Ngọc Huyền

Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT - Sáng 20/4, tại Hà Nội, Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống (23/4/1959 - 23/4/2019). Tới dự, có: Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh BĐBP. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục Trinh sát BĐBP. Trong suốt chặng đường 60 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng BĐBP, Cục Trinh sát BĐBP đã có sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát BĐBP đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng phấn đấu, kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Trinh sát Biên phòng đã luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát BĐBP đã lập được nhiều chiến công và thành tích xuất sắc; nhiều cán bộ của Cục Trinh sát BĐBP đã phấn đấu trưởng thành và trở thành lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tư lệnh BĐBP và các cơ quan, đơn vị. Từ năm 2009 đến nay, Cục Trinh sát BĐBP đã chỉ đạo trinh sát các đơn vị tích cực, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, đi sâu thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Lực lượng Trinh sát BĐBP đã thu thập, nghiên cứu, xử lý 151.901 tin (55.957 tin giá trị), kịp thời tham mưu, báo cáo cấp trên và các cơ quan chức năng, phục vụ kịp thời công tác chỉ huy, chỉ đạo. Thường xuyên tăng cường 30 - 40% quân số tại các địa bàn trọng điểm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các lực lượng, đơn vị có liên quan. 10 năm qua, Cục Trinh sát BĐBP tổ chức thực hiện có hiệu quả 517 kế hoạch nghiệp vụ, 9 chuyên án; đấu tranh, bắt giữ, xử lý tổng số 1.748 vụ/10.960 đối tượng vi phạm pháp luật về tôn giáo, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ; thu giữ 15.281 tài liệu, 11.077 đĩa VCD và DVD, 3 USB, 2.400 tờ rơi, 77 ra-đi-ô (kèm thẻ nhớ), 1.459 khẩu súng, 3.063 viên đạn các loại, 6.576 kíp nổ, 2.179kg thuốc nổ, 2.520 hạt nổ, 210 m dây cháy chậm, 3 quả lựu đạn; ngăn chặn 782 vụ/910 hộ/4.333 khẩu người Mông di cư tự do; triệt phá 9 đường dây, bắt 45 đối tượng tổ chức đưa đón, ngăn chặn 16 vụ/95 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia; phối hợp bóc gỡ 2 nhóm/16 đối tượng, giáo dục kiểm điểm 35 đối tượng tái hoạt động “Tin lành Đề-ga” trên khu vực biên giới; ngăn chặn, xử lý 146 vụ/khoảng 42.600 lượt người dân tuần hành, biểu tình gây rối an ninh trật... Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến thay mặt Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích to lớn và sự trưởng thành vượt bậc mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát BĐBP đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt 60 năm qua. Đồng chí mong muốn cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát BĐBP thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm: Quán triệt và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, triển khai đồng bộ các mặt công tác. Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới toàn diện phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả các mặt công tác trinh sát Biên phòng, nhất là công tác nghiệp vụ cơ bản. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với lực lượng trinh sát các địa phương, các đơn vị có liên quan tích cực, chủ động xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ; xác lập, đấu tranh các chuyên án, vụ án; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia tại các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, Cục Trinh sát BĐBP cần chủ động tham mưu cho Đảng ủy BĐBP xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trinh sát và xây dựng lực lượng trinh sát trong tình hình mới. Tập trung xây dựng lực lượng Trinh sát Biên phòng vững mạnh toàn diện theo phương châm: “Tinh gọn - sắc bén - tinh thông - chuyên nghiệp”…   Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Cục Trinh sát BĐBP trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, say mê, tận tụy, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao… Nhân dịp này, Cục Trinh sát BĐBP vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyệt Hà

Phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019

TĐKT - Sáng 20/4 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) và Quỹ Giáo dục Bảo Sơn tổ chức Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019. Giải thưởng Bảo Sơn nhằm tôn vinh các tác giả/nhóm tác giả sở hữu các sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng có hiệu quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Giải thưởng được tổ chức thường niên và bắt đầu được trao từ năm 2011. Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019 Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, kiêm Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn chia sẻ: “Giải thưởng khoa học cần đủ tiềm lực để tạo ra động lực, khuyến khích người làm khoa học, người nhận giải cảm thấy được đền đáp xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Trên cơ sở đó, Giải thưởng Bảo Sơn mong muốn tôn vinh các nhà sáng chế, phát minh và nhà khoa học có tâm huyết, trí tuệ đã cống hiến các công trình có giá trị thực tiễn phục vụ đời sống. Giải thưởng góp phần động viên và bù đắp một phần sức lao động mà các nhà khoa học đã bỏ ra, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.” Năm 2019 là năm thứ 8 Giải thưởng Bảo Sơn được phát động, xét thưởng cho 5 lĩnh vực:  Cải cách giáo dục - đào tạo; xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế bền vững; y – dược học, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; văn học. Đây cũng là năm có sự thay đổi đặc biệt trong tiêu chí lựa chọn trao giải, mở rộng xét trao thưởng cho các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sáng chế đã được áp dụng hiệu quả trong cuộc sống, làm lợi cho người dân, cộng đồng hoặc đất nước và mang lại giá trị kinh tế cao. Đối tượng tham gia Giải thưởng là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (tính tròn theo năm dương lịch, đến hết thời điểm nộp hồ sơ xét tặng Giải thưởng), có công trình đã được ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. Các công trình nghiên cứu khoa học đã đạt các giải thưởng trong hệ thống giải thưởng khoa học - công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ và giải thưởng của các Hiệp hội Trung ương không được đăng ký tham dự Giải thưởng Bảo Sơn. Tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng, tác giả, tập thể tác giả không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ. Về tiêu chí công trình tham dự Giải thưởng, Ban Tổ chức cho biết: Các công trình khoa học hoặc sáng chế đã được ứng dụng trong thực tế có giá trị khoa học hoặc giá trị kinh tế cao, thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo hoặc các giải pháp công nghệ, tư vấn chính sách có tính sáng tạo cao; sách do một nhà xuất bản có uy tín ấn hành hoặc các chứng nhận khác có thẩm quyền... Các công trình khoa học đã được ứng dụng, hướng tới việc giải quyết các vấn đề do thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam đặt ra và mang lại giá trị kinh tế, văn hóa trong đời sống, xã hội. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trên toàn quốc làm lợi cho người dân, cộng đồng hoặc đất nước, mang lại giá trị kinh tế cao, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật đó đã được áp dụng có hiệu quả trong cuộc sống. Được biết, mỗi lĩnh vực xét trao giải cho 1 công trình nghiên cứu xuất sắc nhất, với mức thưởng tương đương 50.000 USD theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm trao Giải thưởng, kèm theo Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Cúp Bảo Sơn. Địa chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Thời gian nhận hồ sơ: từ ngày 1/5/2019 đến ngày 30/9/2019. Phương Thanh

Trang