TĐKT - Được thành lập sau ngày hòa bình lập lại trên cả hai miền Nam - Bắc, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong và ngoài tỉnh, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Truyền thống vẻ vang từ trong gian khó
Được thành lập từ năm 1949 trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã sớm nhận thức được những nhiệm vụ chính trị hết sức to lớn và nặng nề của mình.
Chính vì vậy, trong lúc tình hình thế giới có nhiều biến động, nhất là khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhà trường đã tích cực trong việc cải tiến, đổi mới các phương pháp giảng dạy để giúp cán bộ, đảng viên giữ vững được lập trường chính trị của mình, tin tưởng và kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, năm 1990, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập trường Trung cấp Hành chính pháp lý và trường Đảng Hoàng Văn Thụ.
Từ đây, không chỉ với trách nhiệm của một trường đào tạo cán bộ cho đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phải làm thêm nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho bộ máy nhà nước ở địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Nhà trường luôn quan tâm làm tốt công tác thi đua, khen thưởng
Với khối lượng công việc ngày một nhiều, các thầy cô giáo của nhà trường đã phải cố gắng không ngừng để hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là khi nhà trường quyết định mở các lớp đào tạo không tập trung tại các huyện trong tỉnh.
Cô Đào Thị Kim Thanh, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, người đã gắn bó với ngôi trường hơn 30 năm nay, cho biết: “Mỗi khi đi công tác ở các huyện miền núi, chúng tôi phải đi xe đạp cả ngày đường mới tới nơi; điều kiện dạy học, sinh hoạt đều thiếu thốn nhưng ai cũng cố gắng truyền “lửa” tới tất cả học viên bằng tình yêu, sự nhiệt huyết và trách nhiệm của một giảng viên chính trị”.
Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, tận tụy, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua những khó khăn để to thắm thêm nên bề dày truyền thống vẻ vang của nhà trường, xứng đáng với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng tri thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên trong và ngoài tỉnh cũng như hợp tác giáo dục quốc tế.
Đổi mới để phát triển
Tiến sĩ Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực trong các năm học 2017, 2018, 2019 như: phong trào thi đua 2 tốt "Dạy tốt, học tốt", phong trào thi đua 4 tốt "Nghiên cứu tốt, phục vụ tốt, quản lý tốt, dạy - học tốt", phong trào thi đua 5 tốt "Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt".
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào thi đua trong toàn tỉnh, xây dựng “Công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng nhà trường kiểu mẫu”.
Gắn với các phong trào thi đua, nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình như: Xây dựng các tập thể kiểu mẫu và cá nhân gương mẫu; công nhận giảng viên giỏi theo 3 cấp độ (có giờ dạy giỏi, dạy giỏi và giỏi); mô hình xây dựng hình ảnh, tác phong người cán bộ, giảng viên; mô hình học tập 3 không (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp rèn luyện khoa học); mô hình giới thiệu sách trong chương trình phát triển văn hóa đọc; mô hình Câu lạc bộ giảng viên trẻ; mô hình bồi dưỡng 3-3-3; mô hình 3 tốt (định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt) trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên…
Biểu dương tập thể lớp kiểu mẫu là hoạt động hiệu quả được nhà trường duy trì nhiều năm qua
Với đặc thù là một cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, ban giám hiệu nhà trường đã chủ trương tiến hành đổi mới phương thức giảng dạy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và làm việc của học viên.
Trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, nhà trường sẽ phát triển theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới. Cụ thể:
5 nhất: Có thể chế tốt nhất; có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn và chất lượng cao nhất; công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện nhất; có đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín nhất; có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhất.
4 trụ cột: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học là trung tâm; đổi mới quản lý là then chốt; đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá; xây dựng môi trường giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
5 định hướng đổi mới: Chuyển nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; từ học kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực; từ học thông qua giáo trình là chủ yếu sang cập nhật kiến thức mới và tổng kết thực tiễn; từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo.
Thành tích đáng tự hào
Là trường duy nhất trong hệ thống các trường chính trị được Bộ Nội vụ giao viết Chương trình bồi dưỡng ngạch cán sự và chuyên viên, năm 2018, nhà trường được Bộ Nội vụ tin tưởng giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá chất lượng 4 chương trình bồi dưỡng: Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự, được hội đồng nghiệm thu của Bộ Nội vụ xếp loại xuất sắc. Đây là cơ hội, giúp đội ngũ giảng viên nhà trường phát triển năng lực từ nghiên cứu đến tư duy cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng.
Năm vừa qua, nhà trường cũng đã hoàn thành vượt mức khối lượng công việc, trong đó có nhiều việc mới, việc khó; hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Theo đó, về công tác đào tạo, bồi dưỡng đã thực hiện với quy mô 144 lớp, với tổng số 14.228 học viên, so với kế hoạch đề ra là 100 lớp với 10.000 học viên, vượt kế hoạch 4.228 học viên với tỷ lệ 42,2%.
Ngoài ra, nhà trường đã chủ động tham mưu, phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào đào tạo 1 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trong công tác giáo dục, đào tạo.
Nhà trường cũng chủ động hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Đồng thời, với phương châm “Xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn” và “sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất được giải pháp”, các hoạt động nghiên cứu khoa học được phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, các khâu quy trình từ đăng ký, thẩm định, giao nhiệm vụ… được chú trọng.
Năm 2018, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có 2 đề tài khoa học cấp bộ xếp loại xuất sắc và 4 đề tài khoa học cấp tỉnh; tổ chức thành công 2 hội thảo khoa học cấp tỉnh và hơn 100 diễn đàn khoa học cấp khoa, cấp trường gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, nhà trường đã xuất bản 7 đầu sách chuyên khảo, tham khảo và giáo trình phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa.
Cũng trong năm này, nhà trường đã được tỉnh giao cân đối nguồn ngân sách để cải tạo cơ sở vật chất hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Chính trị. Theo đó, trường đang triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, học tập: Trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; triển khai phần mềm TD OFFICE trong quản lý, điều hành; cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình như: Nhà truyền thống, thư viện, khuôn viên…, tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên và học viên.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã và đang là đơn vị đáng tin cậy về đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là những hạt giống đỏ tài năng, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã lựa chọn.
Mai Thảo – Ngọc Huyền