Điển hình tiên tiến

Tạp chí Tổ chức Nhà nước đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Ngày 18/3, tại Hà Nội, Tạp chí Tổ chức Nhà nước long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đến dự, có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Trần Anh Tuấn; Nguyễn Trọng Thừa; Triệu Văn Cường; Nguyễn Duy Thăng; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Cùng dự, có các đồng chí: Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn; Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang; Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long; Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (TCTCNN) Trần Nghị; nguyên Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập TCTCNN qua các thời kỳ; cán bộ công chức, viên chức thuộc Bộ và Tạp chí… Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1990 - 2020), Tạp chí Tổ chức Nhà nước luôn hoàn thành tốt vai trò là cơ quan báo chí trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tổ chức và chức năng diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận, nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động của nền hành chính nhà nước. Từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước đã đăng tải nhiều ấn phẩm để thông tin, tuyên truyền, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Bộ Nội vụ trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về cải cách bộ máy nhà nước, các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2001 và Hiến pháp năm 2013…, qua đó làm nổi bật thành tích, cống hiến của Bộ Nội vụ trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ nhà nước. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tạp chí Tổ chức Nhà nước Ghi nhận những kết quả đã đạt được, TCTCNN vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Quyền Tổng Biên tập TCTCNN được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 đơn vị và 5 cá nhân thuộc TCTCNN được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quyền Tổng Biên tập TCTCNN Trần Nghị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Cũng tại Lễ đón nhận, Quyền Tổng Biên tập TCTCNN Trần Nghị đã được nhận Quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hai tập thể thuộc Tạp chí nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chúc mừng TCTCNN đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. 30 năm xây dựng và phát triển, TCTCNN đã có nhiều đổi mới tích cực, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, vị trí và chức năng giúp Bộ Nội vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tổ chức nhà nước; là diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận, nghiệp vụ về tổ chức, hoạt động của nền hành chính nhà nước. Các ấn phẩm của Tạp chí ngày càng phong phú về nội dung và hình thức, phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ; góp phần tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển của Bộ, ngành Nội vụ. Thứ trưởng đề nghị TCTCNN tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả chức năng giúp Bộ trưởng thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tổ chức nhà nước. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ Tại buổi lễ, Tổng Biên tập TCTCNN Trần Nghị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đồng thời cám ơn Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã tin tưởng giao nhiệm vụ và hứa sẽ làm đúng, đủ với quyền hạn của Tổng Biên tập Tạp chí. Đồng chí mong muốn lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đồng hành cùng Tạp chí trong thời gian tới. Hơn 30 năm qua, những phần thưởng mà TCTCNN giành được là nhờ sự chỉ đạo của các bậc tiền bối đi trước, TCTCNN sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa trong thời gian tới. Một số hình ảnh tại buổi lễ Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các cá nhân Quyền Tổng Biên tập Tạp chí TCNN Trần Nghị nhận quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Thay mặt Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa chúc mừng Tạp chí TCNN Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Tạp chí Hồng Thiết

Gặp mặt Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2020

TĐKT - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức Gặp mặt Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2020. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt. Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao Quyết định thăng quân hàm, nâng lương và bảo lưu thành tích cho các Gương mặt trẻ tiêu biểu. Năm 2020, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Quân đội được triển khai toàn diện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo. Tuổi trẻ toàn quân đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, ra sức thi đua, xung kích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và toàn quân, góp phần giữ vững và tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng” được triển khai thực hiện hiệu quả trong toàn quân, làm chuyển biến tích cực những khâu yếu, mặt yếu, việc khó, nhất là trong huấn luyện, phòng, chống đại dịch COVID-19, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, học tập và nghiên cứu khoa học, lao động, sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả tiếp tục được nhân rộng và phát huy. Phong trào Sáng tạo trẻ và “Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” được phát triển cả về quy mô và chất lượng; có 535 công trình thuộc 39 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia, trong đó 280 công trình được trao giải. Từ các hoạt động, các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực và được các cấp khen thưởng. Năm 2020, cấp trên trực tiếp cơ sở đã tuyên dương gần 2.000 gương mặt trẻ tiêu biểu; cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tuyên dương 313 gương mặt trẻ tiêu biểu; Hội đồng cấp toàn quân đã bình chọn 10 gương mặt trẻ tiêu biểu và 18 gương mặt trẻ triển vọng (trong đó 1 đồng chí được bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; 2 đồng chí được bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng). Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại buổi gặp mặt. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc của 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu, 18 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân được bình chọn, tôn vinh; đồng thời gửi tới tuổi trẻ toàn quân lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Quân đội, trong đó có việc kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thanh niên Quân đội. Đây là điều kiện, thời cơ thuận lợi để tuổi trẻ cả nước, trong đó có tuổi trẻ quân đội rèn luyện, cống hiến, đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại tướng Lương Cường trao hoa và quà của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tặng các Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2020. Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cơ quan chính trị, tổ chức Đoàn các cấp và tuổi trẻ toàn quân tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội thời kỳ mới một cách toàn diện, hiệu quả và thiết thực; tập trung quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn về công tác thanh niên; phát huy tốt trách nhiệm quản lý, điều hành, chăm lo xây dựng, tổ chức Đoàn vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng và sự tiến bộ, trưởng thành của thanh niên. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác; phấn đấu năm 2021 có nhiều cá nhân tiêu biểu được để cử, bình chọn, tuyên dương, với thành tích xuất sắc, vượt trội hơn những năm qua. Tổ chức Đoàn các cấp cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, tri thức khoa học, trình độ quân sự, nếp sống văn minh, trọng danh dự, nghĩa tình, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật nghiêm; thực sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chủ, thích ứng nhanh với thực tiễn; triển khai hiệu quả phong trào “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các phong trào do Trung ương Đoàn phát động và các phong trào Thi đua Quyết thắng… “Các gương mặt trẻ được vinh danh lần này phải tiếp tục phấn đấu, giữ vững vai trò hạt nhân, nòng cốt trong phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ quân đội, tuyệt đối không được thỏa mãn, dừng lại. Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn đặt niềm tin và mong muốn tuổi trẻ toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, có hoài bão lớn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, lập nhiều thành tích, chiến công, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu. Tại buổi gặp mặt, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao quyết định thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn và tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp đối với 4 đồng chí đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2020; Đại tướng Lương Cường và Thượng tướng Phan Văn Giang trao hoa và quà của Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng tặng các Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2020. Phương Thanh – Nguyên Hải

Tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng năm 2020

TĐKT - Chiều 17/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2020. Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP chủ trì Lễ kỷ niệm. Tới dự, có: Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, các đồng chí cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại điểm cầu Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh BĐBP và 47 điểm cầu các tỉnh, thành biên giới, Học viện Biên phòng; 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu, 9 Gương mặt trẻ triển vọng BĐBP năm 2020. Trao thưởng cho các Gương mặt trẻ triển vọng BĐBP năm 2020 Tổ chức đoàn trong BĐBP được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng. Thời kỳ ấy, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP rất nặng nề, tuy trang bị còn rất thô sơ và thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi, hẻo lánh... nhưng cùng với toàn lực lượng, đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên Công an nhân dân vũ trang trước đây, nay là BĐBP đã xung kích, đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng. Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên BĐBP luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, xung kích, sáng tạo, cống hiến và trưởng thành cùng lực lượng; đồng thời theo dòng chảy liên tục của thời gian, lớp lớp các thế hệ thanh niên BĐBP kế tiếp nhau, tiếp bước xứng đáng các thế hệ cha anh đi trước. Tinh thần của tuổi trẻ BĐBP từ những ngày đầu “một tấc không đi, một ly không rời”, đến những phong trào “Tuổi trẻ Công an nhân dân vũ trang giết giặc lập công”, phong trào “Thanh niên BĐBP xung kích làm chủ đường biên”, “Tuổi trẻ BĐBP tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, gần đây là phong trào “Tuổi trẻ BĐBP dũng cảm, xung kích, sáng tạo vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” đã trở thành mạch nguồn liên tục, thôi thúc các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên BĐBP luôn sẵn sàng xả thân, hi sinh vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trao thưởng cho các Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2020 Lịch sử 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP đã khẳng định: Dù trong giai đoạn cách mạng nào, tuổi trẻ BĐBP luôn là lực lượng xung kích, đi đầu, trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; mưu trí, dũng cảm trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm; dũng cảm trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Xung kích tham gia xây dựng khu vực biên giới với nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu như “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng” xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; tích cực thực hiện phong trào học tập, nghiên cứu khoa học; huấn luyện và rèn luyện; góp phần quan trọng cùng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng xây dựng nên truyền thống anh hùng của BĐBP, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của lực lượng BĐBP. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả, sự đóng góp quan trọng của các tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên BĐBP, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên, những tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tin tưởng rằng với tinh thần dũng cảm, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các cấp, tuổi trẻ BĐBP trong thời gian tới sẽ phát huy xứng đáng truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của tuổi trẻ Quân đội và truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP; công tác đoàn và phong trào thanh niên BĐBP sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tạo sự chuyển biến tích cực, vững chắc trong mỗi tổ chức đoàn và từng đoàn viên, thanh niên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh. Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu, 9 gương mặt trẻ triển vọng năm 2020. Phương Thanh  

Lớp học mang niềm vui và hy vọng sống cho những trẻ đặc biệt

TĐKT - Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) hơn 12 năm qua đã mang niềm vui và cố gắng truyền những năng lượng tích cực nhất cho những học trò bất hạnh mắc bệnh nan y tại Bệnh viện Ung Bướu, TP Hồ Chí Minh. Bởi, cô biết thời gian của các em đôi khi chỉ đếm được bằng ngày. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, cô Đinh Thị Kim Phấn học Sư phạm và xung phong lên Tây Nguyên dạy học cho đồng bào dân tộc Ê Đê suốt 12 năm tại xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn tại đây hiểm trở, an ninh phức tạp, không điện nước, xa chợ và bệnh viện… nhưng cô Phấn vẫn trụ lại, cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với đồng bào và mang tâm huyết của mình giảng dạy cho các em vùng cao. Thời gian đó cô đã lập gia đình và sinh con tại đây. Nhưng mất mát lớn nhất của cô diễn ra năm 1989 khi đứa con trai đầu lòng mới 8 tuổi ra đi vì căn bệnh sốt rét. Hơn một năm cô đau khổ, ân hận và mất phương hướng vì không cứu chữa cho con trai kịp thời. Cô xin chuyển công tác về quê nhà tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh và năm 2011 cô về hưu tại trường Tiểu học Đuốc Sống. Năm 2007, cô đã có dịp trò chuyện với Thúy, một em bé bị ung thư và sau đó em đã mất. Chính vì buổi gặp ấy, cô tình nguyện tham gia Chương trình “Ước mơ của Thúy” của báo Tuổi trẻ. Tiêu chí của chương trình là chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhi ung thư trong thành phố. Thấu hiểu tâm trạng của một người mẹ khi mất con, cô Phấn rất đồng cảm với những người mẹ ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Niềm vui cuối tuần của các con mỗi khi được đến lớp Năm 2009, lớp học chữ tại Bệnh viện Ung Bướu ra đời với 45 em học sinh lớp 1. Cô cho rằng sự gắn bó với lớp học chữ của các con đang nằm điều trị tại đây là duyên định mệnh. Cô Phấn nhớ lại: “Ngày đầu tiên tôi vào lớp học, tôi thấy toàn các em trọc đầu không à… thì một cảm giác rờn rợn sau sống lưng. Rờn rợn ở đây không phải là mình ghê sợ, mà là không biết khi mình chạm vào các em, các em có làm sao hay không. Vì đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trẻ bị ung thư, pha lẫn một chút thương xót. Tôi bắt đầu hành trình nghề giáo mới của tôi như vậy”. Cô Phấn và các tình nguyện viên mang hy vọng sống cho các em. Cô Phấn đã gắn bó được hơn 12 năm, mỗi năm nhận vào trên 100 học sinh, đến nay đã có khoảng 1.000 em đến lớp. Những năm đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn vì các em vừa học, vừa điều trị. Nhiều em sớm chia tay với cô giáo vì căn bệnh nghiệt ngã của mình. Cô và các bạn đồng nghiệp đã vượt qua những cú sốc tâm lý để tiếp tục dạy các em. Lớp học dần dần phát triển, từ chỉ có lớp 1 ban đầu đến lớp 2, 3, 4, 5. Những năm sau đã dạy đến lớp 9, nhưng đông nhất vẫn là các em lớp 1. Ban đầu, cô Phấn dạy chữ cho những đứa trẻ ung thư ngay tại phòng bệnh, rồi dần dần bệnh viện bố trí riêng cho khoa Nội 3 một căn phòng nhỏ làm nơi sinh hoạt chung. Có đứa mang cả bình truyền vào lớp học, miệt mài say sưa nghe các cô truyền kiến thức. Hàng ngày, bên cạnh cô Phấn của có khoảng 6 giáo viên và nhiều em sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ. Hàng tuần, lớp hoạt động vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7. Các em được học 2 môn chính là Toán và Tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn được học hát, múa, nhảy, chơi trò chơi… Các em đến đây được thỏa mãn “cơn khát” học chữ, được vui cùng cô giáo và bạn bè, sống trong khung cảnh trường lớp để quên đi bệnh tật của mình. Các con ở đây đa số là ung thư máu, ung thư xương, hoặc là hạch. “Cô mong rằng cứ mỗi sớm mai thức dậy, khi mở toang cánh cửa ra thì đó là một ngày tốt lành, cô sẽ nhận được tin vui chứ không phải là một cú điện thoại báo tin một em nào đó đã ra đi. Với cô, một ngày tốt lành đó, cô sẽ làm được rất nhiều việc. Cô sẽ gắn bó lâu dài với lớp học, sẽ làm được nhiều việc cho các em và mang đến cho các em niềm vui và hy vọng vào cuộc sống trong cuộc chiến đấu giành sự sống của mình”, cô Phấn tâm sự. Cô lặng thầm lưu giữ kỷ vật và trao lại cho gia đình các em sau khi mất như một cách ghi nhận sự tồn tại của các em trên cõi đời này. Có những thời điểm, cô Phấn phải về quê nhà của các em đã mất để đưa tang từ: Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Bình Phước đến Mỹ Tho, Bến Tre, Rạch Giá, Kiên Giang… Có khi là về để trao lại kỷ vật cho gia đình. Kỷ vật là quyển vở hay những album hình ảnh mà cô có dịp lưu trữ. Ánh mắt của các em tràn ngập hy vọng sống và mơ ước được đến trường như bao bạn khác. Nhiều người nói với cô Phấn rằng người ta dạy học để thấy được thành quả của mình, thấy học sinh trưởng thành là thế hệ tương lai của đất nước. Trong khi những đứa trẻ của cô lại ở trong bệnh viện, chỉ sống được vài tháng, vài năm rồi chúng thay nhau từ giã cõi đời. Những cuốn vở chỉ viết được vài trang nguệch ngoạc, những con số, bài viết đang viết dở… Nhưng đối với cô Phấn, đây không phải là công việc “dã tràng xe cát”, bởi cô và các đồng nghiệp đã đồng hành và gắn bó với nơi này suốt bao năm qua. Ngày nắng, cũng như mưa, lớp học không có nghỉ hè, cô đã chạy đua với thời gian cùng các em. Bởi các em cần con chữ đến những giây phút cuối của cuộc đời. Cô Phấn nhớ khi mới dạy có một tuần lễ đầu tiên, có tin một em ra đi, Lúc đó, cô cũng hơi bàng hoàng thôi, vì cô mới dạy và chưa có nhiều gắn bó với em ấy. Nhưng rồi, lần lượt các em thay nhau ra đi, có những lúc đến lớp vắng hẳn còn vài em thôi. Mới đây, điển hình nhất là bé Ngọc Chi, em vừa nhắn tin cho cô: “Thứ 7 cô ơi em đi học nhé, em nhớ cô lắm”. Hôm ý, cô chụp vội cùng em một tấm ảnh riêng 2 cô trò, nhưng không ngờ đầu tuần sau, Ngọc Chi đã hôn mê sâu rồi em ra đi. Bé mới 11 tuổi thôi và có “thâm niên” đến 10 năm ở bệnh viện. Bé bị ung thư máu, vào lớp học của cô từ năm lên 5 tuổi và đến tận bây giờ, năm nào bé cũng được giấy khen ở lớp học của cô. Ước mơ của em là mong muốn được đi học và sau này làm bác sĩ để chữa cho các bạn có bệnh giống em. “Đối với các em, không biết bao giờ sẽ ra đi và buổi học nào là buổi học cuối cùng”, cô Phấn nghẹn ngào nói. Đối với cô Phấn, được nhìn thấy các con khỏe mạnh từng ngày, là niềm vui sướng không diễn tả nổi. Cô vẫn nhớ như in, cậu học trò Lý Lâm Huyền ngày ấy là cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn. Lâm Huyền bị ung thư máu từ năm lớp 3 đến năm lớp 9. Quê em ở tận Cà Mau, dù xa xôi nhưng cha mẹ đều ròng rã lo cho con chữa bệnh. Nhờ sự chữa trị tận tình của y, bác sĩ, em đã khỏi bệnh và giờ khi đứng trước mặt, cô Phấn ngỡ ngàng trong giây lát vì không nhận ra cậu học trò ngày nào. Cậu học sinh Lý Lâm Huyền ngày nào đã chuẩn bị vào đại học Hiện cậu học sinh Lý Lâm Huyền đang học lớp 12 trường THPT Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Mới đây, Lâm Huyền đến tận lớp học để thăm cô. Hai cô trò không ngăn nổi xúc động, ôm chầm lấy nhau và hỏi han, tâm sự không ngớt. Cô Phấn phấn khởi tâm sự: “Lâm Huyền muốn nhờ cô tư vấn nên chọn thi đại học trường gì. Nghĩ đến em, lòng cô dạt dào niềm vui. Cô vẫn không tin em đạt được thành quả học tập và sức khỏe vượt bậc như ngày hôm nay. Cây đang ra hoa, kết nụ. Hãy tin vào tương lai tươi sáng, Lâm Huyền của cô nhé”. Đúng như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho cô, Kim Phấn đã gắn liền cuộc đời cô với bục giảng hơn 33 năm qua, cô mang trong mình tấm lòng của một người bà, người mẹ, một cô giáo có trái tim nhân hậu để chăm sóc các em có hoàn cảnh đặc biệt như chính con đẻ của mình. Bởi với cô, cho đi không cần nhận lại và sau này cô mong sẽ truyền lại nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ có thể tiếp bước cô.  Với những cố gắng không mệt mỏi và tràn đầy nhiệt huyết, cô Đinh Thị Kim Phấn được Thành ủy TP Hồ Chí Minh biểu dương là cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 - 2018 và đặc biệt vào tháng 11 năm 2020 cô vinh dự là 1 trong 50 cá nhân điển hình về các việc làm xã hội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tố Như

Người lính “duyên nợ” với những cảnh đời bất hạnh

TĐKT - Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại quê hương Cao Bằng, rồi theo cha mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp, năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ, trải qua nhiều đơn vị công tác, anh đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm tốt công tác dân vận, là cầu nối những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó là Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Trung Hải, hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cư M’gar, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk. Được cấp trên giao phụ trách công tác tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thượng úy Nguyễn Trung Hải có nhiều cơ hội đến các buôn làng, gặp nhiều hoàn cảnh éo le để tìm cách giúp đỡ. Sau những lần đi tác nghiệp thực tế, anh Hải đã chứng kiến rất nhiều trường hợp khó khăn đột xuất, bệnh hiểm nghèo. Mỗi khi phát hiện những hoàn cảnh éo le, khổ cực, anh lấy thông tin, hình ảnh rồi đến các cơ quan chức năng của địa phương liên hệ, tìm cách giúp đỡ. Anh còn viết bài phản ánh sự khó khăn ấy, gửi cộng tác với các cơ quan báo chí trên địa bàn nhằm kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tập thể, cá nhân hảo tâm. Thượng úy, QNCN Nguyễn Trung Hải khảo sát hoàn cảnh nhà cựu chiến binh Y Hát Rya ở buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar vào tháng 6-2016. Tiêu biểu có thể kể đến một số hoàn cảnh được giúp đỡ như: Xây nhà tình thương tặng bà Lê Thị Tơ ở tổ dân phố (TDP) 6, thị trấn Quảng Phú trị giá 80 triệu đồng; huy động kinh phí hỗ trợ cô giáo trẻ mắc bệnh hiểm nghèo Trần Thị Huyền Trang ở TDP 6, thị trấn Quảng Phú trên 300 triệu đồng; hỗ trợ em Tống Văn Thanh (17 tuổi) ở thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp kinh phí phẫu thuật mắt hơn 50 triệu đồng... Trong 5 năm qua, Thượng úy Hải đã làm cầu nối giữa báo chí với các nhà hảo tâm, giúp đỡ cho hơn 300 gia đình có hoàn cảnh éo le, mắc bệnh hiểm nghèo tại địa phương vươn lên trong cuộc sống, tặng hơn 50 con dê, heo giống; huy động kinh phí xây dựng 13 căn nhà tình thương; vận động cá nhân, doanh nghiệp quyên góp tặng hơn 2.000 suất quà gồm: Tiền mặt, gạo, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo cho những gia đình chính sách, người nghèo vào dịp lễ, Tết... với trị giá số tiền trên 3,5 tỷ đồng. Thượng úy, QNCN Nguyễn Trung Hải đến bệnh viện trao tiền các mạnh thường quân ủng hộ nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện huyện Cư M’gar tháng 5/2017. Nhớ lại những trường hợp mình đã từng giúp đỡ, anh Hải hay bất cứ ai trong nhóm Từ thiện Cư M’gar không tin vào mắt mình với cô giáo mầm non Đinh Thị Lệ Bình trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar khi gặp lại đã khỏe mạnh, vượt qua bạo bệnh và hiện nay đang làm quản lý của một trường mầm non tư thục. Năm 2015, cô giáo Bình bị tai biến, liệt nửa người, mất khả năng nói. Chồng cô Bình đi chăm vợ lại bị tai nạn, nên cả hai đều phải nằm viện điều trị. Gia đình nghèo, từ tiền thuốc trị bệnh đến lo ăn học cho các con chỉ trông chờ vào tiền đi lượm ve chai, sắt vụn... do mẹ chồng cô giáo Bình kiếm được. Tháng 9/2015, Thượng úy QNCN Nguyễn Trung Hải phát hiện, đến tặng tiền và viết bài: “Hoàn cảnh đáng thương của một cô giáo mầm non” đăng trên Báo Đắk Lắk và nhận được sự phản hồi, giúp đỡ tích cực của nhiều bạn đọc. Nhờ đó, gia đình cô giáo Bình có đủ tiền để điều trị bệnh. Không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Trung Hải và nhóm Từ thiện Cư M’gar còn tặng gia đình cô giáo Bình cặp heo giống theo mô hình trao “cần câu”... Cô giáo Bình xúc động chia sẻ: “Lúc bị tai biến, tôi phải nằm một chỗ. Nhà nghèo, không có tiền chạy chữa, nhiều lúc tôi chỉ nghĩ mình chết sớm ngày nào, gia đình đỡ khổ ngày đó. Nhưng từ khi được anh Hải giúp đỡ, động viên và làm cầu nối để mọi người quan tâm, giúp đỡ, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Tôi quyết tâm, cố gắng luyện tập, dần phục hồi và vượt qua bệnh tật với ước muốn đền đáp tình cảm mà mọi người dành cho mình”. Gần đây nhất là hỗ trợ cháu Hoàng Thị Giáng Hoa học lớp 9D, Trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Kuếk gần 40 triệu đồng điều trị do tai nạn giao thông. Hoàn cảnh thật thương tâm khi mồ côi bố, mẹ bỏ đi, 3 chị em Hoa sống với ông bà nội già yếu, là hộ nghèo duy nhất của thôn. Hoa bị tai nạn khi đang đi học về trên đường liên xã, em bị gãy 10 cái răng, gãy tay trái, gãy hai xương hàm, đa chấn thương. Ông nội đưa cháu Hoa nhập viện, nhưng không có tiền để chi phí cho ca phẫu thuật. Nhờ mọi người giới thiệu, ông tìm đến đồng chí Hải nhờ giúp đỡ.  Chỉ sau ba ngày, Hải đã huy động được số tiền gần 30 triệu đồng và liên hệ một cơ sở nha khoa ở TP Buôn Ma Thuột xin làm răng giả miễn phí cho cháu. Bác Hoàng Văn Thành (70 tuổi) ông nội của Hoa xúc động cho biết: “Nếu không gặp được chú Hải giúp đỡ thì vợ chồng tôi không biết xoay xở ra sao nữa, vì số tiền để lo chữa trị cho cháu quá lớn, trong khi ông bà đã già yếu không làm được gì để kiếm tiền cả”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho Thượng úy, QNCN Nguyễn Trung Hải Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar cho biết: “Đồng chí Nguyễn Trung Hải là điểm sáng đầu tiên của huyện trong công tác kêu gọi từ thiện. Với sự khách quan, công tâm, ghi chép cụ thể danh sách những người ủng hộ rồi trao đầy đủ số tiền, quà đến những người được giúp đỡ nên đồng chí Hải tạo sự tin tưởng, chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, Nguyễn Trung Hải còn tích cực hiến máu cũng như vận động nhân dân hiến máu cứu người trong các chương trình, hoạt động hiến máu nhân đạo... Những việc làm này góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương”. Thượng úy, QNCN Nguyễn Trung Hải chia sẻ: “Chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh đổi thay sau khi được trợ giúp cũng như sự tin yêu của thủ trưởng đơn vị, đồng đội và nhân dân, cùng các mạnh thường quân, tôi lại càng cố gắng phấn đấu, lan tỏa công tác xã hội nhân đạo, để thực hiện tốt hơn những việc làm thiện nguyện, để có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn. Qua đó, góp phần phát huy hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”. Với những nỗ lực của mình, năm 2020, Thượng úy, QNCN Nguyễn Trung Hải được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Đầu tháng 1/2021, đồng chí Nguyễn Trung Hải được nâng quân hàm trước niên hạn từ Trung úy lên Thượng úy. Tố Như

Nữ tu sĩ tâm huyết với trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

TĐKT - Nhắc đến cái tên Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào, nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Kiên Giang coi như là người cha, người mẹ, là chỗ dữa vững chắc của chúng. Với vai trò là Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang, ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nữ tu sĩ Nguyễn Thị Anh Đào không chỉ tạo cho các em không khí ấm áp của một gia đình mà còn tạo cho các em một môi trường học tập, phát triển toàn diện. Năm 2020, cô vinh dự là một trong 50 tấm gương thầm lặng vì cộng đồng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang vốn là cơ sở từ thiện của Phật giáo tỉnh Kiên Giang, do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn sáng lập và điều hành từ năm 2002, với sứ mệnh tiếp nhận, nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ nhằm mở ra cơ hội cho các em được học hành để sau này trở thành những người có ích cho xã hội.   Sau nhiều năm nỗ lực tạo dựng, hoạt động giáo dục tại Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang đã đi vào nền nếp, thực hiện được việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cả 5 cấp học: Giáo dục mầm non; bậc tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông và bậc đại học. Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào (thứ 5 từ trái sang) tiếp nhận ủng hộ do Đoàn từ thiện trao gửi Là người được tin tưởng giao trọng trách tiếp quản vị trí quản lý nhà trường, 5 năm qua, với vai trò là Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm, Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào luôn chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ giám thị và cán bộ, nhân viên, luôn duy trì những thành quả mà thế hệ trước đã dày công vun đắp; đồng thời, không ngừng đổi mới phương pháp quản lý các em học sinh phát triển toàn diện đức – trí – văn – thể - mỹ. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, dưới sự quản lý của Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào và Ban Giám đốc, Trung tâm đều có kế hoạch phối hợp với Ban Giám hiệu trường Tiểu học Tân Hưng triển khai thực hiện chương trình cải cách giáo dục theo mô hình Trường học mới (VNEN), giúp trẻ phát triển kỹ năng, chủ động, tích cực trong học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tạo cơ hội cho học sinh được học tập trong điều kiện cụ thể nhằm hỗ trợ cho các em phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Hằng năm, Trung tâm đều tuyển chọn 10 em học sinh giỏi toàn diện tham dự Trại hè “Ước mơ hồng” các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, năm học 2015 - 2016, Trung tâm có em Phạm Tuấn Kiệt là học sinh lớp 6 đã giành giải nhất cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi Giải toán qua Internet. Hưởng ứng phong trào xây dựng Điểm trường xanh – sạch – đẹp và an toàn của ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang, năm học 2013, Ban Giám đốc Trung tâm cùng thống nhất với Ban Giám hiệu trường Tiểu học Tân Hưng nỗ lực phấn đấu xây dựng Điểm trường “xanh – sạch – đẹp và an toàn” theo 10 tiêu chí của ngành giáo dục và đã được công nhận, đồng thời duy trì giữ vững danh hiệu cho đến nay. Suốt 18 năm qua, dưới sự quan tâm sâu sắc của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn và sự nỗ lực không ngừng của Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Thường trực cùng các thầy cô giáo và cán bộ giám thị, hàng tuần, Trung tâm đều tổ chức các giờ sinh hoạt về “đạo đức” với tinh thần “trải rộng tấm lòng” để các em có thể cởi mở, trò chuyện và giao tiếp với các thầy, cô. Đồng thời, các nội dung về kỹ năng sống, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tự lập… cũng được lồng ghép trong các giờ sinh hoạt. Thông qua đó, trẻ cảm nhận được không khí trong một gia đình lớn, thân thiện, gần gũi. Dần dần các em rũ bỏ được những mặc cảm tự ti, nỗ lực hoàn thiện chính mình và hòa nhập với môi trường hiện tại. Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào cho biết, qua gần 20 năm hoạt động, đã có gần 100 em từ Trung tâm bước chân vào ngưỡng cửa các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trong và ngoài tỉnh. Phân nửa trong số đó đã vào đời, có công ăn việc làm ổn định, vì mọi chi phí học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của các em đều được Trung tâm đài thọ cho đến ngày các em ra trường. Như vậy, tính cả 5 cấp học: Mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học và đại học, Trung tâm đang cưu mang nuôi và dạy trên 200 trẻ em thiệt thòi ở mọi lứa tuổi. Cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang trong 18 năm qua đã thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục hơn 1000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã chung tay giải quyết an sinh xã hội tại địa phương thông qua việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Đồng thời, bản thân các em cũng được đảm bảo trọn vẹn Quyền Trẻ em theo quy định của pháp luật, bởi vì về mặt tâm sinh lý, các em thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, rất dễ mắc vào các tệ nạn nếu không được chăm sóc, giáo dục. Do vậy, khi các em được học tập và sống trong môi trường giáo dục lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần, chắc chắn các em sẽ trưởng thành và trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Với tâm huyết của người sáng lập Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Thích Nữ Huệ Tánh Nguyễn Thị Anh Đào trong vai trò là người kế nhiệm đã luôn trân trọng gìn giữ và phát huy giá trị thực sự ý nghĩa của đạo pháp. Với nữ tu sĩ này, “Được tu học và làm việc tại Trung tâm là niềm vui và hạnh phúc. Đặc biệt, hạnh phúc hơn khi được chứng kiến ngày càng có nhiều em tiến bộ, tự tin, vượt lên những khó khăn của bản thân, đón niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống hòa nhập”./. Mai Thảo    

Hội Chữ thập đỏ huyện Gò Công Tây: Sợi chỉ đỏ kết nối những tấm lòng nhân ái

TĐKT - Nhiều năm qua, dù là cầu nối hay trực tiếp tổ chức thực hiện, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đều thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, từ thiện; tích cực kêu gọi sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Võ Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Gò Công Tây cho biết: 5 năm qua, nhiều phong trào thi đua được Hội CTĐ huyện Gò Công Tây thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ huyện Gò Công Tây đạt gần 35 tỷ đồng. Tiêu biểu là phong trào tương thân tương ái đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Hội đã triển khai vận động cán bộ Hội và người dân chung tay giúp đồng bào miền Trung khôi phục cuộc sống sau bão lũ. Cụ thể, Hội đã tổ chức đoàn thăm, tặng quà trực tiếp cho 100 hộ nghèo tại huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) trị giá 60 triệu đồng. Hội CTĐ huyện Gò Công Tây đã vận động các tổ chức, cá nhân, bệnh viện trong, ngoài huyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo Bên cạnh đó, Hội cũng vận động, tiếp nhận, trao 50 xe lăn và 15 xe lắc cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam với trị giá trên 200 triệu đồng. Các cấp Hội cũng đã vận động xây dựng 55 căn nhà tình thương CTĐ trị giá hơn 1,7 tỷ đồng và huy động 1.255 ngày công của cán bộ - thanh niên xung kích CTĐ xây nhà cho đối tượng neo đơn, khó khăn... “Cũng trong 5 năm qua, Hội đã tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân, bệnh viện trong, ngoài huyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và vận động mổ mắt đục thủy tinh thể miễn phí cho 62.956 lượt người bệnh nghèo với tổng kinh phí thuốc 600 triệu đồng và mổ mắt trên 14 tỷ đồng. Đồng thời, vận động hiến máu nhân đạo với 2.595 đơn vị máu được các bệnh viện sử dụng cứu người. Hiện Hội có một đội ngũ 154 hội viên ở đều khắp các xã, thị trấn sẵn sàng hiến máu tình nguyện khi có yêu cầu của ngành Y tế…”- ông Nhân cho biết. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình “Thắp sáng ước mơ”, Hội CTĐ huyện đã trợ giúp 10.000 quyển vở trị giá 80 triệu đồng, trao 500 suất học bổng trị giá 250 triệu đồng cho các học sinh vượt khó học tốt. Ngoài ra, các chương trình, dự án hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được Hội CTĐ thực hiện hiệu quả. Cụ thể, Hội CTĐ huyện vận động Công ty Kinh doanh vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ 20 hộ dân ở 2 xã Thạnh Trị và Bình Tân 40 triệu đồng để nuôi dê… Riêng năm 2020, Hội đã vận động được 866 phần quà Tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam trị giá trên 365 triệu đồng; vận động xây mới 8 căn, sửa chữa 3 căn nhà tình thương với tổng trị giá 349 triệu đồng; phối hợp cùng Hội Khuyến học và Huyện Đoàn tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” trao học bổng, tập, vở cho 127 học sinh nghèo vượt khó học tốt, trị giá 135 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội CTĐ trường học cũng đã tích cực vận động, trao tặng hơn 7.000 phần quà, học bổng trị giá trên 1,6 tỷ đồng giúp học sinh nghèo hiếu học. Ngoài ra, Hội CTĐ huyện và 13 xã – thị trấn còn vận động được 621/400 đơn vị máu; hỗ trợ 275 trường hợp mổ mắt miễn phí với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức cho 2.036 lượt người dân được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí với tổng số tiền trên 161 triệu đồng; cung cấp trên 13.000 suất ăn trị giá hơn 136 triệu đồng, phục vụ miễn phí cho bà con nhân dân và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện đa khoa Gò Công Tây… Thời gian tới, Hội CTĐ huyện Gò Công Tây sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, là cầu nối vững chắc cho các nhà hảo tâm và những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội theo phương châm “Chữ thập đỏ, vì mọi người - ở mọi nơi”. Tùng Chi

Chỗ dựa vững chắc của những số phận éo le

TĐKT - Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu (tỉnh Nam Định) là một tấm gương sáng vì cộng đồng. Nhiều năm qua, ông trở thành người cha, người mẹ, là chỗ dựa vững chắc cho nhiều đứa trẻ bất hạnh. Cuộc sống, tình yêu của những đứa trẻ ngây thơ tội nghiệp, của những mảnh đời bất hạnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của vị linh mục này. Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu tỉnh Nam Định được Thánh Giám mục Diaz Sanjurjo An thành lập năm 1852, nơi luôn rộng mở đón nhận trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật về nuôi dưỡng, giáo dục, không phân biệt lương giáo. Theo linh mục Phạm Ngọc Oanh, vào giai đoạn đầu, Cô nhi viện Thánh An được gọi là “Nhà Thiên Thần”, chỉ có ba dãy nhà được xây cất với mục đích thu lượm và đem về nuôi dưỡng những trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, bị bỏ rơi vì cha mẹ mất sớm hoặc gia cảnh quá túng thiếu. Các em nhỏ đều không có ai bảo lãnh. Nhà Dục Anh nuôi cho ăn học, dạy nghề để các em có thể sống tự lập, xây dựng gia đình khi các em trưởng thành. Nhưng, đến thời kỳ nước ta cấm đạo, cả ba dãy nhà bị phá bình địa, gỗ gạch cũng bị tịch thu đem đi xây nhà cho người khác. Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu (tỉnh Nam Định) Năm 1866, Đức Cha Bamabas Cézon Khang (1861 - 1880) lại tái thiết. Năm 1880 Đức Cha Emmanuel Rianno Hòa xây dựng thêm. Đến năm 1914, Đức Cha Munagorri Trung (1907 - 1936) cho xây dựng lại toàn bộ cơ sở chắc chắn hơn, rộng rãi hơn, gồm: Một nhà hai tầng, 3 nhà một tầng. Trung bình mỗi năm, Nhà Dục Anh đón nhận được khoảng 2000 em nhỏ. Năm 1993, được sự ủy thác của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Nhất, ban lãnh đạo Cô nhi viện đã củng cố và hoàn thiện đội ngũ những anh chị em thiện nguyện để phục vụ tại đây. Linh mục Phạm Ngọc Oanh đảm nhận vai trò là Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu. Trước hiện trạng những ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng vì thời gian và gió bão, từ năm 1995, linh mục Phạm Ngọc Oanh cùng ban lãnh đạo đã tiến hành nâng cấp và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mới, để có đủ tiện nghi nuôi dạy các em nhỏ cho phù hợp. Trước những nhu cầu ngày càng nhiều, Ban Giám đốc Cô nhi viện Thánh An thấy rằng: Không một tổ chức nào có đủ khả năng để đón nhận tất cả các em về nuôi, mà phải nghĩ đến phương thức kêu gọi mọi người hợp tác dưới chủ đề: “Cộng đồng trách nhiệm” - nghĩa là kêu gọi mọi người, mọi tổ chức cũng như chính cha mẹ và họ hàng các em cùng chia sẻ trách nhiệm lo cho các em. Vì thế, Nhà Dục Anh được tổ chức như một “Trung tâm bồi dưỡng tinh thần nhân đạo” có chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức riêng một phân ban nuôi dạy trẻ em không phân biệt lương giáo. Đặc biệt, để có lợi tức đảm bảo cho việc nuôi dưỡng cũng như huấn nghệ cho các em lớn, nơi đây đã tổ chức những tổ sản xuất như: Dệt chiếu, cắt may, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, Nhà Dục Anh cũng tổ chức những khóa đào tạo nhân sự để phục vụ tại Trung tâm và tương lai cho các địa phương như: Y tế, giáo dục, dạy nghề. Học viên được nhận trong các khóa tại Trung tâm là những anh chị em thiện nguyện, có tinh thần phục vụ cao, muốn góp công sức vào tổ chức nhân đạo, sau khi kết thúc khóa đào tạo, các học viên sẽ tình nguyện thay nhau phục vụ tại Trung tâm. Khi về địa phương, các học viên này có thể cộng tác với phân chi Hội Đồng Thập Tự. Linh mục Phạm Ngọc Oanh đang vui vẻ trò chuyện với mọi người Nhờ sự sáng tạo, linh hoạt của linh mục Phạm Ngọc Oanh, sự quyết tâm, chung tay của những tấm lòng vàng, nên từ năm 1999 đến tháng 8 năm 2020, với phương thức tổ chức đó, Trung tâm bồi dưỡng tinh thần nhân đạo đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công tác nhân đạo. Nhờ đó, hiện tại, Cô nhi viện Thánh An đã phát triển lên với 35 chị em nữ tu đang nuôi dưỡng khoảng 150 người. Trong đó, gần 30 em đang học phổ thông; 12 cháu học mẫu giáo, 14 em dưới 4 tuổi, đặc biệt có 25 em bị khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, bại liệt, thần kinh, đao. Ngoài ra, còn có thêm 5 người già yếu, mất sức. Từ năm 2007, Cô nhi viện còn mở cửa tiếp nhận trường hợp những thiếu nữ mang thai đơn thân không nơi cư trú, nhằm tạo điều kiện cho họ có nghị lực vượt qua khó khăn để tiếp tục cuộc sống, giúp cho những trẻ em có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Cô nhi viện Thánh An còn hỗ trợ nuôi dưỡng tại cộng đồng (tức là những em mồ côi, khuyết tật còn bố mẹ hoặc người thân) 550 em, mỗi em 40.000 đồng/tháng. Các em được nuôi tại Cô nhi viện và tại cộng đồng không phân biệt tôn giáo, xa gần. Trong đó, có những em thuộc các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai (tính đến tháng 11 năm 2003). Ngoài ra, hàng năm, Cô nhi viện Thánh An đều trợ cấp gạo hàng tháng cho các ông bà đau yếu, nghèo khó, không nơi nương tựa, không phân biệt lương giáo, mỗi người 10 kg/tháng, thuộc các làng: Bùi Chu, Liên Thủy, Trung Linh, Ngọc Tiên, Bách Tính, Quần Cống và Bắc Câu trong giáo phận Bùi Chu. Sau bao nhiêu năm gắn bó với công việc vô cùng vất vả, gian truân ấy, niềm hạnh phúc nhất với linh mục Phạm Ngọc Oanh đó chính là được nhìn thấy nhiều em nhỏ lớn lên, có nghề nghiệp ổn định, có tổ ấm gia đình riêng; được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của những người già khốn khổ... Đặc biệt, được nhìn thấy nhiều em nhỏ lớn lên từ Cô nhi viện bước chân ra hòa nhập tốt với xã hội nhưng vẫn không quên được nơi này. Mỗi lần trở về đây, họ lại ôm nhau khóc nức nở bởi như trở về với tuổi thơ đầy kỷ niệm, về với mái ấm và tình yêu thương. Thục Anh  

MEDLATEC - 25 năm nỗ lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng

TĐKT - 25 năm hình thành và phát triển, MEDLATEC luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn bứt phá để đi đến thành công và lấy tiêu chí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng đưa lên hàng đầu. Dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi - Từ ý tưởng táo bạo đến sự thừa nhận của cộng đồng Vào thập niên 90 của thế kế kỷ trước, người dân nước ta lúc đó có thói quen có bệnh là đến viện xếp hàng chờ khám. Tuy nhiên, BS Nguyễn Anh Trí ngày ấy sau chuyến du học tại Nhật Bản lại có ý tưởng táo bạo triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi với mong muốn mang đến người dân dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà tiện ích, nhanh chóng, nhưng người dân lúc đó còn nghi ngại và xa lạ. GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC Sau 25 năm phát triển, với những giá trị mang lại cho cộng đồng, đến nay dịch vụ đã khẳng định được vị thế, thương hiệu và giá trị cho xã hội cũng như được người dân cả nước tin tưởng sử dụng. Song vì trách nhiệm trước cộng đồng, “cha đẻ” của sáng kiến ấy – GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Xét nghiệm là nòng cốt, dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà là chủ lực nhằm phục vụ được nhiều nhất, hiệu quả nhất cho cộng đồng”. Lấy mẫu tại nhà tưởng chừng là công việc đơn giản, nhưng đây là khâu tiên quyết chất lượng xét nghiệm, chính vì vậy, GS Nguyễn Anh Trí luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên: “Lấy mẫu xét nghiệm tận nơi cần coi là một công nghệ, vì đây là khâu quyết định chất lượng xét nghiệm chính xác, phải thực hiện nghiêm ngặt tại MEDLATEC”. Quán triệt tinh thần của người sáng lập, theo thời gian, dịch vụ không ngừng gia tăng tiện ích qua việc ứng dụng thành công công nghệ 4.0 vào quản lý tiến trình dịch vụ từ khi lấy mẫu đến trả kết quả và tư vấn, đáp ứng được trên 600 danh mục xét nghiệm của đầy đủ các chuyên khoa, phí dịch vụ thu theo giá niêm yết, kết quả chính xác, nhanh chóng… nhưng vẫn duy trì phí 10.000 đồng/địa chỉ lấy mẫu và kết quả từ năm 1996 đến nay. Từ ý tưởng táo bạo đưa một dịch vụ y tế còn xa lạ ở Việt Nam, nhưng đến nay đã trở thành một dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận nơi quen thuộc, thậm chí không thể thiếu của người dân tại Hà Nội và các tỉnh, thành cả nước. Hàng năm, MEDLATEC đã phục vụ được hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ lấy mẫu tại nhà, riêng năm 2020 là 1,6 triệu khách hàng trên toàn quốc. “Phủ xanh con đường MEDLATEC” Tiền đề là Phòng Xét nghiệm lâm sàng tổng hợp với nhân lực chỉ có 3 cán bộ, trang thiết bị còn đơn giản, thủ công, nhưng với định hướng đúng đắn, sáng suốt của Ban lãnh đạo, MEDLATEC đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, trở thành bệnh viện đa khoa tư nhân hàng đầu cả nước. Nằm trong hệ thống y tế của MEDLATEC còn phải kể đến chuỗi văn phòng phủ khắp nội, ngoại thành Hà Nội và các chi nhánh trải dài khắp cả nước. Tính đến nay, tập đoàn đã có mặt tại gần 50 tỉnh, thành. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển “phủ xanh con đường MEDLATEC”, tập đoàn dự kiến hết năm 2022 phủ khắp 63/63 tỉnh, thành trên cả nước để tất cả người dân đều được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng và tiện ích. Cùng với lĩnh vực y tế, về lĩnh vực văn hóa, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) thành lập năm 2008 đã trở thành đơn vị tư nhân đầu tiên nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phát huy một loại hình di sản đặc biệt - di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Đến nay, MEDDOM đã nhận được sự tin tưởng, gửi gắm niềm tin của các nhà khoa học và tạo giá trị cho cộng đồng về việc gìn giữ di sản của quốc gia, dân tộc qua tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học. 6 tập thể xuất sắc của Tập đoàn MEDLATEC nhận Bằng khen của Bộ Y tế Với định hướng phát triển đa lĩnh lực, MEDLATEC đã tái cấu trúc và chuyển sang mô hình MED-GROUP thông qua việc đầu tư đa ngành. Mô hình này đánh dấu tập đoàn khoác lên mình tấm áo mới của sự bản lĩnh, cũng như khẳng định vị thế của sự phát triển bền vững. Theo đó, các công ty thành viên, các lĩnh vực hoạt động đã được thiết lập trong tập đoàn để mang các giá trị cho cộng đồng gồm: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (viết tắt MEDDOM), Dược phẩm (MEDAZ Pharma), Trang thiết bị (MEDAZ), Văn hóa (MEDDOM), Xây dựng (MEDICONS), Công nghệ và Dịch vụ y tế số (MED-ON) hay Công nghệ và Dịch vụ (MEDCOM). GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí trao phần quà đặc biệt của riêng giáo sư cho các cán bộ có những góp đặc biệt cho sự phát triển của tập đoàn Nằm trong chiến lược nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng với chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhất các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa Tiên Dương tại thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội có tổng diện tích khoảng 30.000 m2. Dự án này chính thức được khởi công xây dựng năm 2022, có quy mô từ 500 - 1.000 giường bệnh theo mô hình bệnh viện khách sạn với cơ sở vật chất khang trang, cùng khuôn viên cây xanh, cảnh quan tạo sự thư thái và thoải mái cho bệnh nhân/khách hàng khi khám, điều trị tại đây. Đến đầu năm 2025, bệnh viện sẽ đi vào vận hành modul đầu tiên. Là một trong những địa chỉ y tế tư nhân uy tín được người dân cả nước tin tưởng và trao gửi niềm tin chăm sóc sức khỏe, trong thời gian qua, MEDLATEC đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao từ các cấp quản lý và đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Cờ Thi đua của Bộ Y tế trao tặng (năm 2020), Cờ Thi đua của Chính phủ (năm 2019), Cúp Thăng Long, Cờ Thi đua của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2018)… 25 năm - một hành trình tự hào vượt qua mọi khó khăn, gian nan để chuyển mình và khẳng định mình của MEDLATEC. Dẫu biết chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, song phát huy truyền thống văn hóa và những thành quả đạt được, MEDLATEC luôn có niềm tin sâu sắc sẽ bứt phát, tạo dựng những trang vẻ vang trong hành trình mới có mục tiêu xuyên suốt “phát triển trong sự hài hòa”, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, nhân viên gắn với quyền lợi cộng đồng. Hồng Thiết  

Người phụ nữ tận tâm chăm sóc những mảnh đời cơ nhỡ

TĐKT - Chị Nguyễn Thị Hồng, ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), sinh năm 1968, là Chủ cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo. Chị được biết đến là người dốc hết lòng, tận tâm chăm sóc những mảnh đời cơ nhỡ. Chị Hồng cho biết, gần 10 năm nay, gia đình chị đã tận tình, chăm sóc và giúp đỡ, nuôi dưỡng những cụ già lang thang, bệnh tật, không nơi nương tựa, không người chăm sóc. Mặc dù ban đầu chị cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thuyết phục chồng vì chăm sóc và nuôi người già thường gặp nhiều rủi ro như bệnh tật, nguy cơ tử vong cao nhưng chị không bỏ cuộc. Chị vẫn nhớ như in kỷ niệm vào năm 2005, chị bắt gặp một cụ già ngồi ở bờ sông khóc, thấy cảnh tượng đó, chị vội chạy vào hỏi, thì cụ trả lời, trước đó, cụ làm giúp việc cho nhà người ta nay cụ lớn tuổi làm việc không hiệu quả nên chủ nhà không cho làm nữa. Cụ không chồng, không con, không nhà cửa, cụ không biết phải đi đâu về đâu. Thương cảm trước hoàn cảnh của cụ, chị đã mời cụ về nhà chị ở. Bà cụ mừng vui khôn xiết. May thay chồng chị không phản đối. Sau đó chị liên tiếp dẫn thêm các cụ về nhà mình chung sống, 4 năm liền 4 cụ đã sống chung với gia đình chị. Sau đó chị lại gặp một cụ già bán vé số kiếm sống qua ngày, đang ở nhà trọ không người thân, chẳng may cụ lâm cơn bạo bệnh, tai biến và liệt toàn thân, không vợ con, không người chăm sóc. Trước hoàn cảnh tội nghiệp của cụ, chị không thể bỏ qua, thâm tâm chị không đành để cụ cô đơn một mình không nơi nương tựa như vậy, chị đã thuyết phục chồng cất một căn nhà lá, rồi ngăn làm hai để một bên đưa bốn cụ hiện đang ở trong nhà chị qua đó dễ bề chăm sóc, còn một bên chị đưa cụ già bị tai biến về nuôi dưỡng. Sau khi chồng đồng ý, ủng hộ, chị đã khẩn trương nhờ mọi người giúp sức, trong 2 ngày thì căn nhà lá mọc lên cạnh bên nhà chị. Chị đã đưa các cụ qua và đón cụ liệt giường về nuôi dưỡng. Chị Nguyễn Thị Hồng (Ngồi giữa) chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với các cụ già Khi đã có một căn nhà riêng dành cho các cụ, để thể hiện tình yêu thương và được tận tay mình chăm sóc các cụ, mỗi ngày, chị dậy từ 3 giờ sáng đi nấu nước pha ấm rồi lần lượt đến từng phòng dìu các cụ ra tắm rửa, vệ sinh cho sạch sẽ. Sau đó, chị cho các cụ ăn uống. Cụ nào bị bệnh thì sẽ được khám và cấp thuốc uống kịp thời. Hằng ngày, chị ở bên các cụ chia sẻ những nỗi buồn, chăm sóc các cụ giống như chăm sóc người thân của mình. Lần lượt có nhiều cụ bị mù, rồi cụ bị liệt tiếp tục được chị đưa về nhà. Chị lại tiếp tục nhờ bà con làm thêm những căn nhà lá để có nơi chăm sóc các cụ giống như chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh. Vì các cụ mỗi người một bệnh, mỗi người một tuổi nên chăm sóc rất là cực nhọc. Lúc đấy, chồng chị đã vào cuộc và đồng tình giúp đỡ chị. Chị như được tiếp thêm nghị lực và sức mạnh vì có thêm đồng minh. Cứ cụ nào không có nhà cửa, không nơi nương tựa chị lại tiếp tục nhận về chăm sóc. Hiện chị đã chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 76 cụ già lang thang không nơi nương tựa, trong đó có 37 cụ nằm một chỗ. Hầu hết các cụ đều bệnh tật, có trường hợp bệnh tuổi già như lãng tai, mất trí nhớ; có trường hợp bị bệnh thần kinh lúc tỉnh, lúc mê, có trường hợp phải sống đời sống thực vật... Những giây phút tỉnh táo mà được chị Hồng đến thăm thì cụ nào cũng vui mừng ra mặt. Ai cũng muốn chị ở lại chơi lâu một chút để trò chuyện, hỏi han. Các cụ có quê từ khắp mọi miền của đất nước, mỗi người có một hoàn cảnh thương tâm khác nhau, có trường hợp không vợ con nhà cửa, trường hợp bị con bỏ rơi, cũng có trường hợp con cháu quá nghèo nên phải đem “gửi” vào đây… Mỗi người đến đây ở mang theo một tâm sự riêng. Nỗi đau về tinh thần khiến họ đôi khi không được bình thường. Hơn nữa, người già thường hay tính nết thất thường. Nhiều lần chị đưa các cụ đi tắm, khi vào các cụ không chịu mặc đồ mà bắt chị phải xin lỗi, thậm chí có lần các cụ còn đánh chị nữa. Nhưng chị không hề trách vì các cụ đang bị bệnh, không làm chủ được bản thân nên mới có hành động như vậy… Bằng tình yêu thương, sự điềm đạm trong cách ứng xử của chị Hồng, chị đã cảm phục được những cụ già khó tính và càng làm cho họ thêm yêu quý chị. Không chỉ chăm sóc các cụ già neo đơn, nhiều năm qua, chị Hồng cùng gia đình và người thân còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác, như: Phát cơm miễn phí, hỗ trợ gạo cho những đối tượng có hoàn cảnh nghèo khó, tham gia nhiệt tình các chương trình do chính quyền địa phương phát động. Từ năm 2008, chị bắt đầu mở bếp ăn từ thiện để phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nhơn Trạch, mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 180 suất cơm. Ngoài ra, vận động gia đình và bà con tham gia hiến máu tình nguyện được 75 đơn vị máu. Lúc đầu, chị chỉ nhận được sự ủng hộ của chồng và các con nên làm từ thiện bằng những đồng tiền dành dụm được của gia đình. Về sau, thấy việc làm của chị có ích cho xã hội nên cha mẹ hai bên cũng đồng tình, tiếp đến là anh em, bà con lối xóm và cuối cùng là sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Khi nhiều người tình nguyện cùng tham gia công tác từ thiện, tiếng lành đồn xa, gần đây các mạnh thường quân, đoàn bác sĩ từ thiện ở TP Hồ Chí Minh và một số nơi lân cận cũng thường về ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình. Sau một thời gian, bà con khắp nơi về ủng hộ rất nhiều lương thực, thực phẩm. Vì vậy, ngoài việc nấu cơm, cháo phát miễn phí tại bệnh viện thì chị Hồng còn tiếp tục mở rộng phục vụ thêm trường THPT Nhơn Trạch, trường Tiểu học Phú Hữu, trường THCS Dương Văn Thì. Đến nay, số lượng cơm, cháo được phát mỗi tuần lên đến hàng ngàn suất. Ngoài ra, chị còn nhiệt tình tham gia các chương trình do địa phương phát động như: Ngày Quốc tế Thiếu nhi, làm đường giao thông nông thôn, Ngày Thương binh Liệt sĩ, phát gạo cho người nghèo… Làm từ thiện là ước mơ mà chị ấp ủ bấy lâu với tâm nguyện dốc lòng nỗ lực, tận tâm, tận sức chăm sóc cho những mảnh đời khó khăn cơ nhỡ, tích dưỡng tạo phúc cho bản thân và làm việc có ích cho xã hội. Sau này, bản thân chị còn có tâm nguyện hiến xác cho Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để được phục vụ các công trình nghiên cứu cho ngành Y khoa Việt Nam. Ghi nhận những cống hiến mà chị và gia đình đã nỗ lực hỗ trợ, cưu mang cho người nghèo và các hoạt động xã hội, chị Nguyễn Thị Hồng đã được UBND tỉnh Đồng Nai tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong “Chiến dịch Giọt máu hồng”. Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ; Giấy khen của UBND huyện Nhơn Trạch; Giấy khen của UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nhơn Trạch. Hồng Thiết  

Trang