Điển hình tiên tiến

Dẫn lối về đời cho những người lạc vào “cơn say”

TĐKT - Với thâm niên 18 năm tham gia việc cai nghiện heroin - ma túy cho học viên từ giai đoạn tiếp nhận, phân loại, ông Bùi Văn Chư, Phó Bí thư Chi bộ Y tế, Phòng Y tế và điều trị Methadone Cơ sở cai nghiện Ma túy số I tỉnh Hòa Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã góp phần vào việc cắt cơn ma túy, chữa trị cho 4.600 lượt học viên từ năm 2010 - 2019, giúp họ thoát những “cơn say” ma túy trở lại với cuộc sống đời thường. Ông Bùi Văn Chư là một trong những nhân vật điển hình được biểu dương trong Lễ tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tại Hà Nội. Tâm sự với chúng tôi về những ấn tượng đầu tiên của mình khi trực tiếp tham gia công tác chăm sóc học viên, ông Bùi Văn Chư cho rằng chính những gương mặt hoảng sợ, nép mình sau những bức tường kiên cố của các học viên cai nghiện ma túy vẫn từng ngày đấu tranh với bản thân để thoát khỏi sự hành hạ của cơn nghiện và cố gắng học nghề để sau này có thể trở thành người có ích cho xã hội đã khiến ông mỗi ngày thêm cố gắng giúp họ hoàn thành khóa điều trị. Ông Bùi Văn Chư trong giờ thăm khám cho học viên cai nghiện. Là người tâm huyết với nghề, bản thân ông luôn quan tâm lắng nghe tâm tư học viên và gia đình, nắm rõ bệnh án và tư vấn dùng thuốc Naltrexone chống tái nghiện và thuốc Heantos 4 hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy cho học viên tự nguyện, thuốc có tác dụng cắt cơn êm dịu, học viên đỡ mệt mỏi, tin tưởng và yên tâm chữa trị cai nghiện. “Việc giáo dục truyền thông về bình đẳng giới cho học viên, để họ nâng cao nhận thức và tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân là rất quan trọng. Hơn nữa tôi còn hỗ trợ tư vấn phòng, chống các bệnh lây truyền theo nhóm, tập trung cho học viên phòng tránh và hạn chế bệnh lây truyền như: Lao, viêm gan, nhiễm HIV/AIDS…”, ông Bùi Văn Chư chia sẻ. Hiện nay, bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, phiến hồng, cần sa… có hiện tượng ảo giác là rất nhiều. Họ có những hành động ảnh hưởng bản thân và tính mạng của cán bộ điều trị trực tiếp cho họ, những biểu hiện anh chị cũng hay xảy ra, từ lời nói đến hành động đều mang tính tiêu cực, cộc cằn, thiếu tôn trọng người khác. Học viên nghiện heroin lâu năm, mắc nhiều bệnh lây truyền, bệnh nan y, sức khỏe yếu, tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ 60 - 70% không phối hợp chữa bệnh, liều lĩnh và lười lao động. “Khi điều trị cắt cơn tạm ổn định, họ có thể nhận biết thì lại phát sinh tâm lý chán chường. Không ít học viên lúc này sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết. Do đó, chỉ cần cán bộ trực lơ là thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Nhưng không vì những khó khăn kể trên mà làm cho tôi chùn bước, buông xuôi, mặc kệ. Tôi luôn mềm mỏng động viên họ kịp thời và tự tìm các biện pháp hợp lý, để bảo vệ cho bản thân khỏi các nguy cơ phơi nhiễm HIV và không bị hành hung. Từ đó, đội ngũ y bác sĩ sẽ đem lại cách chăm sóc điều trị hợp lý cho bệnh nhân”, ông Bùi Văn Chư tâm sự. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói: “Học viên trước đây, quen sống tự do, giờ phải ở trong phòng khiến họ vốn đã bứt rứt vì thiếu thuốc, đôi khi trở nên hung hãn, ảo tưởng. Họ dùng tất cả những thứ trong tầm tay mình để tấn công y, bác sĩ chăm sóc. Với một học viên có độ tuổi trung bình từ 20 - 30, sức khỏe bình thường, tay chân lành lặn thì phải có 3 - 4 cán bộ cùng nhân viên y tế mới giữ chặt được tay chân khi họ lên cơn thèm thuốc. Chỉ sau 7 - 10 ngày tỉnh táo lại, họ lại hối hận, tìm gặp bác sĩ để nói lời xin lỗi. Bởi thế, chúng tôi luôn tin bản tính lương thiện vẫn còn tồn tại trong mỗi con người, chỉ là nhất thời họ bị “nàng tiên nâu” chi phối mà thôi”. Điều khó nhất hiện nay khi chữa bệnh cho người nghiện chính là việc một người có thể sử dụng nhiều loại ma túy từ heroin, ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ, bóng cười thậm chí là những chất ma túy tự chế rất độc hại như keo “con chó”... Việc điều trị vì thế phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. “Trước khi chữa bệnh, chúng tôi thường phải kiểm tra rất kỹ người bệnh sử dụng những loại ma túy nào để có phác đồ điều trị phù hợp. Có nhiều học viên thường nói dối, đòi hỏi chúng tôi phải thật gần gũi, tâm sự, họ mới nói thật, nếu không điều trị sẽ không hiệu quả”, ông Chư chia sẻ. Những học viên rất cần sự chia sẻ, đồng cảm của gia đình và các y, bác sĩ. Ngoài công tác chuyên môn, ông Chư và các y, bác sĩ nơi đây còn đồng cảm, chia sẻ với học viên, bởi chữa bệnh cho học viên cai nghiện là chữa bệnh ở tâm. “Đối mặt với khó khăn, tôi vẫn tự nhủ làm điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc làm theo y lệnh của bác sĩ mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, ăn uống, vật chất, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề họ chưa hiểu. Có sự quan tâm toàn diện như vậy, họ mới mau hồi phục. Bên cạnh đó là tinh thần, trách nhiệm của người bác sĩ đối với bệnh nhân, chúng tôi xem họ như người thân của mình. Bởi “cắt cơn” nghiện là giai đoạn khó khăn nhất đối với học viên về cả thể xác lẫn tinh thần”, ông Chư nói. Không chỉ vậy, nhiều học viên khi vào cơ sở không nhận được sự quan tâm của gia đình hoặc bị gia đình bắt đi cai nghiện... nên thường rất bức xúc về tâm lý, thậm chí là có tư tưởng bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân hoặc có các hành vi tiêu cực khác. “Tôi và những y, bác sĩ sẽ là người đầu tiên tiếp xúc, kiểm tra sức khỏe, phân loại đối tượng, xác định bệnh lý... để có hướng điều trị cho mỗi học viên. Rồi cũng chính những thầy thuốc từ từ tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua “cơn đau” của quá trình cắt cơn và tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ suốt quá trình ở cơ sở” - ông Chư nhấn mạnh. Với những thành tích đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020, ông Bùi Văn Chư nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Giấy khen của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, được cấp trên tín nhiệm, nhân dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng. Tố Như      

Lan tỏa lòng tốt trong cộng đồng

TĐKT - Suốt gần 5 năm qua, chị Trương Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chuyên biệt Thiện Tâm (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, kết nối nhiều hoàn cảnh đặc biệt, gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Chị là minh chứng cho bông hoa sống đẹp, sống có ích giữa đời thường. Dành trọn yêu thương cho trẻ chuyên biệt Chị Tâm tốt nghiệp chuyên ngành chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và từng có gần 10 năm giảng dạy tại các trường học của huyện Đắk Mil. Cái duyên đến với công việc thiện nguyện bắt đầu từ năm 2015 khi chị nhận can thiệp miễn phí cho một trường hợp trẻ chuyên biệt ở huyện Đắk Nông. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phụ huynh biết đến và đưa trẻ đến xin học. “Khi số trẻ nhiều hơn, mình và một số bạn tình nguyện viên đã đứng ra thành lập CLB chuyên biệt Thiện Tâm để thu hút nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những em không may mắn. Lớp học hoàn toàn miễn phí nên nhiều người nghĩ mình không bình thường, thậm chí, cho rằng tôi bị điên” – Chị chia sẻ. Cô giáo Tâm luôn dành trọn tình yêu thương cho những trẻ em chuyên biệt Vậy là cứ mỗi tuần vào thứ 7, chủ nhật và 3 tháng hè, CLB chuyên biệt Thiện Tâm tư vấn, can thiệp sớm, trị liệu và phục hồi chức năng miễn phí cho trẻ tự kỷ, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, khiếm thính… Đồng thời, giúp trẻ tự tin hòa nhập với cộng đồng xã hội, được sống và làm việc độc lập. Phụ huynh có trẻ khuyết tật cũng sẽ được trang bị kiến thức về giáo dục tật học để có thể phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục trẻ. Khi thành lập, CLB chuyên biệt Thiện Tâm có 29 học sinh, ở các độ tuổi khác nhau từ 2,5 tuổi đến 15 tuổi. Hiện tại, CLB có 39 học sinh, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Từ tháng 2/2020, chị Tâm thành lập Không gian đọc Minh Anh, là điểm đến miễn phí cho các bé khuyết tật kém may mắn và các bạn thích đọc sách, tìm hiểu, khám phá thế giới sách. Không gian đọc có hơn 2.000 đầu sách với đủ thể loại, trong đó chủ yếu vẫn là sách dành cho trẻ đặc biệt và đã thu hút được hơn 500 lượt bạn đọc. Hết lòng vì cộng đồng Cùng với duy trì lớp học, từ năm 2018 đến nay, chị Tâm đã cùng các thành viên CLB tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn hoạn nạn, thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng khó nhân các dịp lễ, tết với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. “Công tác thiện nguyện mới nghĩ chỉ đơn giản là trao tặng quà, giúp đỡ ai đó nhưng kỳ thực khi bắt tay vào việc mới thấy nhiều khó khăn. Nhưng có làm mới biết, việc từ thiện nhiều khi rất nhạy cảm, nếu không cẩn thận sẽ hỗ trợ nhầm đối tượng hoặc làm giảm ý nghĩa của công việc đang làm.” - Chị Tâm chia sẻ. Thêm vào đó là áp lực từ dư luận, nếu ai không hiểu sẽ nghĩ mình kêu gọi từ thiện để làm lợi riêng hoặc những người ủng hộ vật chất không tin tưởng vào công việc mình đang làm. Thế nên, khi bắt đầu vào công việc, tiêu chí chị đặt ra là phải trung thực, công khai. Trước mỗi chuyến đi, chị đều tìm hiểu kỹ các nguồn tin về đối tượng cần hỗ trợ. May mắn, trên hành trình ấy, chị nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ gia đình, bạn bè và các cộng tác viên tích cực. Có nhiều người cũng muốn làm từ thiện nhưng không có điều kiện để đi, thấy chị làm hiệu quả nên đã gửi gắm vật chất, kinh phí theo mỗi hành trình. Bởi vậy, mỗi chương trình do CLB của chị tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Chị Tâm (thứ 7 từ trái sang) trao quà trong Chương trình Tiếp bước đến trường Bà H’Jớt ở bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil), một trong những người được chị Tâm cùng CLB hỗ trợ, xúc động cho biết: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tôi thì sức khỏe yếu không thể lao động. Tôi hiện đang sống cùng gia đình con gái và 9 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học. Con rể tôi, Y Bi Al lại bị tai nạn lao động gãy cột sống nằm liệt giường nhiều tháng nay. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chị Tâm đã đứng ra kêu gọi, hỗ trợ chi phí điều trị bước đầu cho Y Bi Al và giúp đỡ nhu yếu phẩm cho tôi. Gia đình tôi thực sự biết ơn chị Tâm.” Các chương trình từ thiện đều được chị tổ chức theo đợt, vào dịp khai trường tặng sách vở, áo ấm mùa đông, quà Tết Trung thu, Tết Nguyên đán.. Những nơi chị hướng đến là trẻ em ở vùng cao, điều kiện sinh hoạt, học tập còn nhiều khó khăn. Mỗi tập sách, bộ quần áo giúp các em thêm vững bước đến trường. Có những đợt đồng bào vùng cao gặp khó khăn vì sạt lở do mưa lũ, chị đã nhanh chóng kêu gọi mọi người ủng hộ, chỉ sau vài ngày là có thể lên đường ngay được. Những hoạt động như thiện nguyện: Lễ hội mùa xuân, Hè yêu thương, Tết Trung thu cho em, Ấm áp mùa đng, Đổi rác lấy cây, Chợ nhân đạo… do chị và CLB tổ chức đều thu hút được sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, chị cùng các thành viên CLB đã tổ chức tặng khẩu trang, nước rửa tay cho một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam, xã Long Sơn, Huyện đoàn Đắk Mil, Bệnh viện Đắk Mil… Chia sẻ về những việc làm ý nghĩa của mình, chị Tâm cho biết: “Khi mình trao chọn những món quà cho những hoàn cảnh khó khăn, điều mình đón nhận lại chính là nụ cười, niềm vui, niềm hạnh phúc là sự hân hoan của tất cả mọi người. Do đó sau mỗi một chuyến đi về tôi đều tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa, mình sẽ phải giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hơn nữa.” Với tâm niệm cho đi là hạnh phúc, suốt hành trình thiện nguyện của mình, chị Tâm luôn nỗ lực để mỗi ngày lại có thêm nhiều mảnh đời kém may mắn được sẻ chia, giúp đỡ và từ đó nhân lên lòng tốt trong cộng đồng. Chị đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành, địa phương. Năm 2020, chị vinh dự là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hà Nguyệt

Người đấu tranh cho nỗi đau da cam ở Việt Nam

TĐKT - Tiến sĩ y khoa, GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh là một trong những cá nhân vinh dự được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Xuất thân là một bác sĩ sản phụ khoa, nên ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, bà đã từng phải chứng kiến nhiều trường hợp trẻ sơ sinh Việt Nam bị dị dạng nhưng chưa rõ nguyên do. Mang trong lòng nỗi niềm thương xót trước những sinh linh bé bỏng, bà đã cất công tìm đọc rất nhiều tài liệu y khoa để mong tìm hiểu nguyên do về hiện tượng lạ này. Trong một lần như vậy, bà đã tình cờ đọc được một bản báo cáo khoa học về chủ đề này do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào năm 1974. Sau khi đọc xong, bà bắt đầu nghi ngờ rằng, dường như những trường hợp quái thai ở Việt Nam có liên quan đến hóa chất độc hại do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Để lý giải cho sự nghi ngờ này, năm 1982, bà đã thực hiện một nghiên cứu trên 1000 hộ gia đình ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, những người sống trong vùng bị rải chất độc da cam sinh ra con dị tật cao gấp 3-4 lần. Năm 1983, bà đã cho công bố báo cáo này trên một tạp chí khoa học của Anh. Từ đó, bà bắt đầu quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với người Việt Nam. GS. TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam giúp điều trị vô sinh hiếm muộn Sau này, trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của TP Hồ Chí Minh và Việt Nam, bà đã đấu tranh không ngừng trong việc đưa tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ra thế giới, cũng như nỗ lực đấu tranh đòi công lý và lẽ phải cho họ. Ngày 15/5/2008, Hạ viện Mỹ đã phải mở phiên điều trần với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên! Chúng ta phải làm gì cho các nạn nhân da cam”. Tại phiên điều trần này, bà là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được vào Hạ viện Mỹ để trình bày về vấn đề này. Sau đó, bà còn tham gia 2 phiên điều trần nữa tại Hạ viện Mỹ. Tại phiên điều trần lần thứ ba, đại diện chính quyền Mỹ cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc cải tạo môi trường, khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra. Trước mắt, chương trình hành động giai đoạn 2010 - 2019 do Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về da cam/dioxin sẽ hỗ trợ 300 triệu USD (30 triệu USD/năm) để Việt Nam cải tạo những vùng đất bị ô nhiễm và tái phục hồi môi sinh bị hủy hoại, mở rộng dịch vụ giúp đỡ nạn nhân... Bên cạnh đó, đi đến nước nào bà cũng kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, các nước cho nạn nhân chất độc da cam. Bà đã kêu gọi xây dựng được 13 làng Hòa Bình trên cả nước, đây là nơi chăm sóc và nuôi dạy cho các cháu bị chất độc da cam. Ngoài các hoạt động về chất độc da cam/dioxin, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của đất nước, bà đã cùng tập thể tìm ra biện pháp để tiến hành được nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị, phục vụ thiết thực cho sức khỏe phụ nữ, sức khỏe bà mẹ và sơ sinh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bà còn tham gia phối hợp với các tổ chức ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan bộ, ngành khi có tổ chức các cuộc truyền thông, cũng như triển khai các nội dung hoạt động thực hiện chiến lược Quốc gia về sức khỏe sinh sản, trong giai đoạn 2001 - 2010, nhất là tư vấn sinh sản cho nạn nhân để không sinh ra những các trẻ em bị di chứng da cam. Từ khi nghi hưu đến nay, bà vẫn tham gia công tác đấu tranh, vận động các nước về đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, tham gia các công việc giảng dạy, viết và sửa tài liệu đào tạo, tham gia giám sát, đánh giá cho các dự án của Bộ Y tế cũng như các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hàng năm, bà đã khám bệnh và tặng quà cho đồng bào dân tộc, phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật với hơn 3.000 lượt phụ nữ và trẻ em. Bà Phượng đi bộ đồng hành cũng bệnh nhân chất độc màu da cam Từ năm 2005 – 2009, bà thường tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ khám chữa bệnh cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 2005 đến nay, bà đã trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi và phụng dưỡng 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đến nay chỉ còn hai bà mẹ còn sống. Hàng năm, bà đến khám bệnh, tặng quà trong các dịp lễ, Tết, ngày 27/7... Từ năm 2011 đến nay, bà tài trợ cho 40 nạn nhân chất độc da cam ở 2 xã Nhuận Đức và An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cùng với 10 nạn nhân ở huyện Cần Giờ, 5 nạn nhân ở Đồng Nai, mỗi tháng mỗi người 200 nghìn đồng cùng với quà Tết. Năm 2008 và 2010, bà được đề cử một mình đi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ, Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ về “Trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Năm 2009, bà phát biểu tại Tòa án Lương tâm Thế giới, vạch rõ và tố cáo tội ác đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Paris cùng với các đồng chí lãnh đạo Hội Trung ương. Năm 2009, bà cùng nhóm đối thoại Việt - Mỹ tổ chức một Gala văn nghệ ở TP Hồ Chí Minh quyên góp được tiền, xây dựng được hệ thống cung cấp nước sạch đến tận nhà cho đồng bào Raglai ở A Sầu, A Lưới – Thừa Thiên Huế, rồi một hệ thống nước sạch cũng đến tận nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số làng Ka Du, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, còn cấp cho 6 tỉnh, thành phố mỗi nơi 100 triệu đồng, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, bà được Trung ương Hội cử đi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ cùng với cháu Trần Thị Hoan, yêu cầu họ phải nhanh chóng bồi thường nạn nhân chứ không chỉ rót tiền vào việc tẩy sạch môi trường ở các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Với những nỗ lực đó, năm 2020, bà vinh dự được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Mai Thảo

Góp phần tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt Nam

TĐKT - Là một người khuyết tật không chịu đầu hàng số phận, không khuất phục trước những khó khăn do cuộc sống mang lại, những năm qua, ông Đặng Văn Thanh (sinh năm 1958), Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã làm được nhiều điều ý nghĩa, góp phần thay đổi cuộc sống, tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng ở Thủ đô, lúc mới ra đời, cậu bé Thanh cũng khôi ngô, khỏe mạnh, lanh lợi như các anh chị em của mình, cho đến khi cậu lên hai tuổi. Sau một lần tắm mưa, cậu bị một trận sốt bại liệt không thể đi lại được nữa, muốn di chuyển phải lê, bò do một chân bị liệt, teo tóp. Dù đã được gia đình quan tâm, chạy chữa, nhưng do chiến tranh xảy ra, những ca phẫu thuật không trọn vẹn đã đưa cậu bé Thanh gắn bó với dáng đi cà nhắc suốt đời. Nhớ lại, ông Thanh cho biết: "Thời gian đất nước chiến tranh, gia đình phải đi sơ tán là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời, bởi lúc đó nhận thức về người khuyết tật còn nhiều hạn chế, đi học thì bị bạn bè trêu chọc nên hay tủi thân, mặc cảm. Thế nhưng, bù lại, gia đình thì lại hết mực yêu thương, nên thay vì suy nghĩ mặc cảm, tôi luôn nỗ lực làm sao phải cố gắng học, tích lũy kiến thức để chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình." Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam thường xuyên phát biểu tại các Hội nghị Sau khi học xong phổ thông, ông cùng một số anh em đã thành lập hợp tác xã cơ khí sản xuất ốc phanh xe đạp, cồn bát phuốc trục giữa xe đạp, sau đó sản xuất kẹo dân tộc (kẹo vừng, kẹo lạc)... Đến năm 1987, ông vào làm nhân viên Phòng Tổng hợp Xí nghiệp 202 của người tàn tật quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Với khả năng và nỗ lực vượt bậc, ông lần lượt trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của xí nghiệp, như: Quản đốc Phân xưởng bao bì năm 1990, phụ trách 120 người khuyết tật và thương binh; Trưởng phòng Kinh doanh năm 1992; Trợ lý Giám đốc năm 1994 và chính thức làm Giám đốc Xí nghiệp từ năm 1997 đến năm 2008. Trong suốt quá trình công tác, từ khi làm cán bộ phòng đến Giám đốc Xí nghiệp, ông đã tạo công ăn việc làm với mức thu nhập thuộc loại  khá vào thời điểm bấy giờ cho hàng trăm công nhân đều là thương binh, người khuyết tật; học sinh khuyết tật học nghề được cấp sổ gạo 17,5kg/tháng; học sinh ngoại tỉnh được nhập hộ khẩu Hà Nội; kết nối, giúp hàng chục cặp đôi người khuyết tật đến với nhau xây dựng bến bờ hạnh phúc; cấp hơn 20 căn nhà cho anh chị em công nhân.... Đặc biệt, với quan niệm “không ai có thể làm cho người khuyết tật tốt hơn là tổ chức của chính những người khuyết tật”, ông đã tạo điều kiện để nhóm Vì tương lai tươi sáng - tiền thân của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội - có trụ sở làm việc. Với mong muốn có nhiều cơ hội trợ giúp người khuyết tật hơn, trợ giúp được nhiều người khuyết tật hơn, trong đó phải kể đến việc thay đổi tư duy, nhận thức về người khuyết tật của chính bản thân người khuyết tật và gia đình cùng cộng đồng xã hội, các cơ quan chức năng... ông nghĩ, cần phải có một tổ chức hội chuyên về sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật. Nên năm 2003, ông đã cùng một số cộng sự, với sự trợ giúp của ông Nghiêm Xuân Tuệ khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Bộ LĐTB&XH, thành lập Ban Vận động Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam, nay là Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, ông được bầu là Trưởng ban. Ban đầu, Hiệp hội được thành lập, với 113 tổ chức hội thành viên. Đến nay, sau hơn 20 năm, Hiệp hội đã thực sự trở thành mái nhà chung của các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật, với trên 700 tổ chức hội thành viên. Những cơ sở này đã dạy nghề cho hàng nghìn người và tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 người là thương binh và người khuyết tật không những sản xuất đa dạng các mặt hàng phục vụ xã hội mà hàng năm còn nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Năm 2008, ông từ bỏ vị trí Giám đốc Xí nghiệp 202 với hàng trăm công nhân, có mức thu nhập ổn định để tham gia các hoạt động xã hội phi lợi nhuận, không có lương, không có trợ cấp, tự chủ kinh tế. Ông tâm sự: “Nếu vẫn làm giám đốc, tôi chỉ có thể giúp được một vài trăm thương binh và người khuyết tật, trong khi đó Việt Nam là một quốc gia có nhiều người khuyết tật (theo số liệu chính thức hiện nay là 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,06% dân số). Với vai trò, cương vị mới là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, được tham gia nhiều hội nghị quốc tế và học hỏi tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc..., cùng với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình hoạt động, ông Thanh nhận ra rằng, chỉ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là chưa đủ, mà người khuyết tật còn nhiều quyền khác như giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông, công trình xây dựng.... cũng cần được đảm bảo. Ông Thanh khẳng định: Quyền của người khuyết tật chỉ được hiện thực hóa, người khuyết tật chỉ được hòa nhập vào cộng đồng xã hội bình đẳng và đầy đủ khi bản thân người khuyết tật cùng gia đình, cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực khuyết tật và các chính sách được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả. Trải qua quá trình hoạt động, học hỏi từ nhiều quốc gia, ông cùng các cộng sự đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (tổ chức của và vì người khuyết tật ở cấp quốc gia, là đại diện tham gia các hoạt động quốc tế cũng như đầu mối điều hòa, phối hợp các tổ chức hội của và vì người khuyết tật từ trung ương đến địa phương). Ban Sáng lập để thành lập Liên hiệp hội được thành lập năm 2009 và đến tháng 4/2010 Bộ Nội vụ chính thức có quyết định thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Năm 2011, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp hội, nhiệm kỳ đầu tiên, ông giữ vai trò là Phó Tổng Thư ký, rồi Quyền Tổng Thư ký và đến nay là Phó Chủ tịch Thường trực của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ II, 2017 - 2022. Ông Đặng Văn Thanh, chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, cùng với Ban lãnh đạo Liên hiệp hội ông Thanh đã tích cực thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của và vì người khuyết tật các tỉnh, thành trong cả nước (ban đầu, cả nước có 7 tổ chức hội thành viên ở cấp trung ương; 11 tổ chức hội thành viên là hội người khuyết tật các tỉnh/thành phố. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động Liên hiệp hội đã phát triển thêm 14 tổ chức hội của người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nâng tổng số hội của người khuyết tật lên 25 tổ chức cùng 12 trung tâm, 2 mạng lưới và hàng trăm câu lạc bộ của người khuyết tật); phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức của và vì người khuyết tật tổ chức, điều hành các cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật, thực hiện nhiều dự án liên quan đến người khuyết tật như dạy nghề tạo việc làm, phổ biến chính sách...; tổ chức, tham gia nhiều hội thảo thúc đẩy, giám sát thực hiện, phản biện chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật; khảo sát thực trạng, nhu cầu, mong muốn của người khuyết tật... Hiện nay ông Đặng Văn Thanh còn là thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NCD), thường xuyên được NCD, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế như Unicef mời tham gia đoàn công tác kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc thực thi luật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật... Ông cũng là một trong số những cá nhân có nhiều tâm huyết trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Ông Thanh cũng được mời tham gia là ủy viên, thành viên của nhiều hoạt động, dự án, chương trình nghiên cứu, hoạch định kế hoạch của các cơ quan nhà nước.... Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật, ông Đặng Văn Thanh là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể cho người khuyết tật, cho lĩnh vực khuyết tật. Ông luôn được sự tin tưởng của các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật khi cần những bài tham luận chia sẻ liên quan đến lĩnh vực này. Có thể nói, dù ở cương vị nào, Giám đốc Xí nghiệp 202, hay lãnh đạo một tổ chức cấp quốc gia về người khuyết tật, ông Thanh cũng làm việc hết mình, bền bỉ, kiên trì để đạt mục tiêu và cũng là ước nguyện của riêng mình: Góp phần thay đổi cuộc sống, tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt nam. Mai Thảo

Người bệnh binh “tàn nhưng không phế”

TĐKT - Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Tiến Chức, sinh năm 1938 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là đảng viên, Đội trưởng Đội tự vệ của xã. Từ nhỏ, ông Chức sớm chứng kiến những tội ác của thực dân Pháp và nung nấu lòng căm thù giặc, 15 tuổi đã dũng cảm dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm 2 đồn bốt của địch ở huyện Thanh Liêm. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông Chức tích cực lao động sản xuất và hăng hái tham gia phong trào thanh niên của địa phương, được bầu làm Bí thư đoàn xã. Tháng 1/1965, ông Nguyễn Tiến Chức vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chưa đầy một tháng sau thì lên đường nhập ngũ. Sau khi trải qua khóa huấn luyện sĩ quan cơ yếu, ông được điều vào mặt trận Tây Nguyên. Trong lần nhận nhiệm vụ đi giao hồ sơ, tài liệu cho đơn vị, ông và một đồng đội gặp trận bom B52 của đế quốc Mỹ, đồng đội hy sinh, ông bị thủng màng nhĩ cả hai bên và tổn thương vùng thận do bị hầm sập đè lên. Rời quân ngũ trở về quê hương năm 1973, là thương binh hạng 4/4, bệnh binh 81%, là anh cả trong gia đình có 6 anh em nên cuộc sống của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Chức gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với người lính, không có khó khăn nào không thể vượt qua, ông luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì, làm như thế nào để đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. Ông trải qua nhiều công việc để mưu sinh, nuôi vợ con và xây dựng kinh tế gia đình như làm ruộng, thợ xây, công nhân may… Năm 2000, ông nghỉ việc ở xí nghiệp may, đồng thời mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tiến với số vốn vẻn vẹn 50 triệu đồng. Lúc đầu, công ty có 20 cán bộ, công nhân lao động chuyên trách và huy động 200 lao động hợp đồng theo mùa vụ (chủ yếu là lao động nông nhàn) tiềm lực còn mỏng nên chỉ nhận thầu và thi công các công trình vừa và nhỏ tại địa phương. Với ý chí tự lực, tự cường và phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ là mục tiêu cao nhất, công ty đã từng bước nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Năm 2010, trước sự phát triển lớn mạnh và yêu cầu mở rộng tổ chức sản xuất - kinh doanh theo chuyên ngành, Tổng Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tiến được thành lập với 5 công ty con. Trải qua 4 năm hoạt động, công ty đã không ngừng phát triển, hoạt động đúng hướng, đúng pháp luật. Đến nay, tổng nguồn vốn tự có của công ty trên 180 tỷ đồng, với gần 200 cán bộ, công nhân viên chuyên trách, tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động theo mùa vụ. Tổng doanh thu bình quân 1 năm khoảng 100 tỷ đồng. Nộp thuế cho nhà nước trên 3 tỷ đồng/năm. Trong 10 năm, công ty đã làm nhiều công trình có chất lượng, trong đó làm 2.500 phòng học cho trường phổ thông, hiện đang làm 2 nhà máy nước sạch trị giá 100 tỷ đồng để phục vụ cho 10.000 hộ dân. Có 20 cán bộ, công nhân viên trong công ty đang đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Năm 2010, công ty được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong công việc, ông Chức là vị Tổng Giám đốc luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dám nghĩ, dám làm, có biện pháp, có kế hoạch giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, vận dụng và sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho tập thể, cá nhân, cán bộ công, nhân viên có cuộc sống ổn định. Mặc dù ở tuổi 83 nhưng ông vẫn phát huy tài năng, trí tuệ, cải tiến công nghệ trong phương án xây dựng nhà máy nước sạch. Dự án được thiết kế dự toán trị giá 55 đến 60 tỷ đồng. Bản thân ông sau khi nghiên cứu đã cải tiến thiết bị và công nghệ, giá trị đầu tư còn 18 tỷ đồng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm ấy, ông đã giảm cho nhà nước 48 tỷ đồng, phục vụ nước sạch cho 5.000 hộ dân. Tiếp đó là dự án nước sạch giai đoạn 2 tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, phục vụ 1.000 hộ dân và các cơ quan trong vùng miền núi. Dự án được phê duyệt, tổng mức kinh phí đầu tư 11,5 tỷ đồng. Ông đã đi kiểm tra hiện trường và tuyến đường trên 10 km dốc đồi, nghiên cứu kỹ đặc tính kỹ thuật của thiết bị, công nghệ. Để có kết quả cao, ông mạnh dạn bỏ qua trạm tăng áp mà tăng cường thiết bị tại nhà máy để đưa nước vào cho gần 1.000 hộ trong khu vực và một số hộ ngoài khu vực, giảm cho ngân sách nhà nước 4,5 tỷ đồng. Hai dự án nước sạch của ông đã giảm cho nguồn ngân sách nhà nước tổng 52 tỷ đồng. Hơn hết, luôn nên cao trách nhiệm là Tổng Giám đốc, Bí thư Chi bộ công ty, ông mang hết khả năng, trí tuệ để điều hành công ty với phương châm uy tín, chất lượng, hiệu quả. Để thực hiện phương châm đó, ông luôn xác định bản thân phải gương mẫu, chấp hành tốt tổ chức, kỷ luật, đồng thời động viên, yêu cầu mọi người cùng nghiêm chỉnh thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, ông động viên cán bộ, công nhân viên, thúc đẩy các phong trào thi đua trong công ty. Tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối, phương thức làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đối với hoạt động của công ty, ông luôn duy trì tốt quy chế hoạt động giao ban, nghe báo cáo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, giao nhiệm vụ cho các công ty “con”, thường xuyên xuống hiện trường kiểm tra công việc... Nêu cao trách nhiệm, tình cảm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” và ý thức “Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách”, ông cùng gia đình thường xuyên tham gia đóng góp cho công tác tình nghĩa, từ thiện, nhân đạo. Trong 10 năm qua, ông và công ty đã tặng sổ tiết kiệm cho gia đình có công với cách mạng số tiền 80 triệu đồng, số tiền ủng hộ, làm công tác xã hội lên tới 2,3 tỷ đồng. Những nỗ lực của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thường cao quý: Huân chương Dũng sĩ diệt Mỹ; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì, danh hiệu hội viên Cựu chiến binh sản xuất và kinh doanh giỏi cấp trung ương; Chiến sĩ thi đua cấp bộ; nhiều Bằng khen của tỉnh, Hội Cựu chiến binh. Ông cũng là doanh nhân tiêu biểu và 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được tôn vinh và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hồng Thiết

Nestlé Việt Nam được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia 2020

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định trao Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho Công ty Nestlé Việt Nam, vì đã có thành tích xuất sắc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là công cụ tự đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của mình với các tiêu chí của GTCLQG, để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, xác định hiện trạng của trình độ và chất lượng quản lý, xác định những thành tựu và điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ niềm tự hào khi Nestlé Việt Nam vinh dự được nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 ngay trong năm đầu tiên tham dự : "GTCLQG chính là thước đo phát triển của mỗi doanh nghiệp, là công cụ, động lực để doanh nghiệp phát triển. Việc tham gia giải thưởng này không những giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện mình bằng việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong và ngoài nước." Ông Kloeti Urs, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen, đại diện Nestlé Việt Nam nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 Theo Ông Binu Jacob, các yếu tố chất lượng, an toàn thực phẩm, nghiên cứu và cải tiến, sự phù hợp cho người tiêu dùng và con người, chính là nền tảng tạo ra sự thành công và lợi thế cạnh tranh của công ty cũng như của tập đoàn. Để có được điều đó, Nestlé Việt Nam luôn đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt trong các quy trình quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng, cũng như tuân thủ về an toàn trong lao động, tại mỗi và mọi khâu trong quy trình hoạt động và sản xuất của mình, từ nguyên liệu đầu vào đến khi thành phẩm tới tay người tiêu dùng trong suốt chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là các hoạt động đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ nhân tài và chiến lược phát triển kinh doanh nhạy bén đã giúp doanh nghiệp đạt được các thành tựu như ngày hôm nay. Thành lập từ năm 1995, Công ty Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau. Trong 25 năm hình thành và phát triển, công ty ưu tiên phát triển những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh doanh phù hợp với những lợi ích của xã hội, bao gồm: Giúp cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn; giúp phát triển các cộng đồng thịnh vượng và vững mạnh; quản lý tài nguyên cho các thế hệ mai sau. Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, dựa trên nền tảng khoa học, nghiên cứu và phát triển, Nestlé thường xuyên đổi mới và nâng cao danh mục sản phẩm của mình. Hoạt động nghiên cứu và phát triển tạo điều kiện để Nestlé giải quyết những vấn đề về suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất, béo phì và những vấn đề toàn cầu liên quan đến dinh dưỡng. Tập đoàn Nestlé có mạng lưới nghiên cứu và phát triển rộng nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm, gồm 5 trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu Nestlé, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Tours về cây trồng cùng nhiều cơ sở nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu cùng một đội ngũ đông đảo với hơn 5.000 nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng. Công ty Nestlé Việt Nam cũng 2 lần được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam trao tặng Bằng khen "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" vì các thành tích hoạt động quan tâm chăm lo đời sống của nhân viên, đảm bảo môi trường làm việc hiệu quả, giúp phát huy năng lực của người lao động.                                             Mai Thảo

Tôn Hoa Sen, ống thép Hoa Sen nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia 2019

TĐKT  -  Năm 2018, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An với dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen và Ống thép Hoa Sen đã vinh dự nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Tiếp theo năm 2019, một lần nữa Hoa Sen lại được vinh danh Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, càng khẳng định mạnh mẽ cam kết chất lượng hàng đầu của một thương hiệu Việt. Ông Huỳnh Phan Hiếu – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An (đứng giữa) đại diện công ty nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia Để đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mà cao hơn là Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, các doanh nghiệp phải vượt qua 7 tiêu chuẩn khắt khe bao gồm: Vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động. Trong các năm 2019 và 2020 đã có 116 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó chỉ có 40 doanh nghiệp được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh tạo nên uy tín thương hiệu Hoa Sen trên thị trường. Với việc tiên phong trong đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tất cả các sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường khó tính, như: Tiêu chuẩn ASTM của Mỹ, tiêu chuẩn EN của Châu Âu, tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản, tiêu chuẩn AS của Úc, tiêu chuẩn BIS của Ấn Độ, tiêu chuẩn SNI của Indonesia, tiêu chuẩn SIRIM của Malaysia,… Trong những năm qua với chiến lược linh hoạt, sáng tạo, Tập đoàn Hoa Sen đã từng bước phát triển, lớn mạnh và không ngừng vươn xa, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện đúng các cam kết vàng trong bán hàng “đúng giá - đúng tiêu chuẩn - đúng chất lượng - được bảo hành”. Ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An cho biết: “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia vừa là hình thức tôn vinh, vừa là động lực khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, cải tiến năng suất, chất lượng. Từ đó, các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất, khẳng định uy tín thương hiệu trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sản phẩm tôn Hoa Sen và ống thép Hoa Sen đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia 2019 sẽ là động lực to lớn để Hoa Sen tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và sản xuất những sản phẩm chất lượng, mang giá trị tốt nhất đến cho khách hàng”. Trong năm qua, Hoa Sen liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Thương hiệu Quốc gia cho cả 3 dòng sản phẩm tôn Hoa Sen, ống nhựa Hoa Sen, ống kẽm Hoa Sen lần thứ 5 liên tiếp; Top 50 thương hiệu dẫn đầu 2020; vị trí thứ 18 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2020; nhiều năm liền Hoa Sen được vinh danh trong Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam,… Việc tôn Hoa Sen, ống thép Hoa Sen được vinh danh Giải Vàng Chất lượng Quốc gia một lần nữa khẳng định được vị thế và uy tín của Hoa Sen – thương hiệu dẫn đầu trên thương trường. Xuân Phúc

Người cựu chiến binh có tấm lòng vàng

TĐKT - Ông Bùi Công Hiệp là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 - Mặt trận 479 thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979. Với tâm niệm giúp đỡ và chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ông đã làm giấy trao tặng 2.500 m² đất và căn nhà 3 tầng trị giá 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi. Để các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần”. Đến nay, ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, với số lượng 120 trẻ em từ sơ sinh (mấy ngày tuổi) đến 10 tuổi.   Ông Hiệp bên những đứa con có hoàn cảnh đặc biệt của mình. (Ảnh: HTV online) Lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho các con Với mong muốn các con lớn lên phát triển toàn diện, ông đã đầu tư 7 tỷ đồng xây tòa nhà mới 800m² cùng hồ bơi chuẩn quốc gia để các bé vận động ngoại khóa và ông đang thương thảo với chủ đất rộng 35 hecta để làm nơi đưa các bé lên đó trồng cây xanh vào những dịp rảnh rỗi. “Tôi sẽ dành hết mọi sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở thành những người có phẩm chất tốt để các bé hòa nhập với xã hội khi trưởng thành, nuôi sống bản thân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Bùi Công Hiệp - Giám đốc Cơ sở bảo vệ trẻ em Thiên Thần, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. Để duy trì mái ấm, mỗi năm gia đình ông Hiệp phải chi phí không dưới 9 tỷ đồng. Ông Hiệp khẳng định: “Số tiền đó không ít. Nhưng nếu so số tiền đã bỏ ra trong thời gian qua và tương lai của 100 đứa trẻ, thì không tiếc gì. Vật chất bao nhiêu cũng không thể sánh được”.  Chia sẻ về các hoạt động của mình trong một ngày, ông cho biết, mình bắt đầu ngày mới từ hơn 4 giờ sáng nấu ăn cho các con. Đối với các bé đi học tiểu học ông nấu các món khác nhau cho các bé ăn đổi món hàng ngày. Đối với các bé nhỏ từ 2 đến 5 tuổi, ông nấu cháo theo từng thực đơn riêng. Sau khi cho các bé ăn xong, bé nào phải đi học thì ông tận tay lái xe đưa các con đến trường. Sau đó, ông về lại và xuống bếp tiếp tục dọn rửa, chuẩn bị bữa trưa cho các bé đi học về… Các bé ở mái ấm được học võ vào các ngày thứ ba, năm, bảy; còn thứ hai, tư, sáu học dance sport; riêng thứ bảy, chủ nhật học tiếng Anh. Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, thành người có ích, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, rời khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội, thể thao, âm nhạc, hội họa… và đặc biệt là biết ngoại ngữ và tin học để hội nhập. Ông Hiệp cho biết, ông không đặt nặng vào kiến thức học ở trường. Cái ông quan tâm là các kỹ năng để con sinh tồn, bảo vệ bản thân mình. Còn ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc cho tương lai sau này, các con lớn lên phát triển, hòa nhập với thế giới. Bởi các con muốn có những kiến thức mới mẻ, hiểu biết rộng mở phải có ngoại ngữ để đọc sách báo, tài liệu nước ngoài, tự trau dồi kiến thức để sau này kiếm kế sinh nhai, phát triển bản thân…   Đều đặn 2 buổi sáng, chiều ông Hiệp đưa, đón các con đi học.(Ảnh: PV) Ban đầu chỉ với hai cô bảo mẫu, đến nay mái ấm Thiên Thần đã có tới 10 cô bảo mẫu được ông Hiệp thuê về thay phiên chăm sóc cho các bé. Là người thường xuyên cùng ông Hiệp chăm sóc các bé, cô Võ Dung Hạnh, quản lý mái ấm Thiên Thần cho biết: “Miệt mài chăm sóc các bé đến nay cũng đã được 7 - 8 năm nhưng chưa lúc nào tôi thấy chú Hiệp nghỉ tay và than vãn mệt mỏi khi lo cho các bé”. Ông Nguyễn Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND Quận 9 cho biết: "Ông Hiệp là một gương sáng của quận. Phải thật sự là người có suy nghĩ lớn, luôn vì cộng đồng, xã hội và giàu tình thương mới có được những nghĩa cử như ông Hiệp". Tấm lòng vàng của người cha già Tiếp xúc với chúng tôi là người cựu chiến binh có khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt sáng ngời khi nói về các con của mình, ông Hiệp cho biết, việc gì càng khó khăn ông càng muốn làm, nhất là việc chăm sóc các bé. Ông hay tâm sự với các bé lớn hơn trong mái ấm rằng: “Vùng trời này rộng lắm, nếu đủ sức và đủ lông, đủ cánh, các con cứ bay đi theo ý thích của mình. Khi nào thấy mệt mỏi, chùn chân mỏi gối, hãy về mái ấm này nghỉ ngơi và có thể ở lại bất cứ lúc nào và ở bao lâu tùy thích bởi đó là nhà của các con”. Với suy nghĩ mình như là người cha mẹ ruột thịt của các bé, điều ông Hiệp trăn trở khi nhận nuôi các bé là lo giấy khai sinh và đặt tên cho các con. Theo đó, khi làm giấy khai sinh tên cho các con, ông Hiệp luôn ưu tiên lấy họ các con theo mẹ đẻ hoặc bố đẻ để sau này các bé lớn lên có thể nhận lại cha mẹ hoặc dễ dàng đi tìm cha mẹ mình. Còn đối với những em bé bị bỏ lại trước cổng trung tâm, ông Hiệp tìm những dấu vết và đồ vật trên người bé và cất giữ cẩn thận để sau này bé lớn lên muốn tìm lại mẹ có thể dựa vào đó để đi tìm. Trong trường hợp các bé không có thông tin gì về bố hoặc mẹ, khi đó ông Hiệp mới lấy họ của mình đặt tên cho các con. Theo ông Hiệp, chính quyền địa phương khi biết đến mái ấm Thiên Thần chuyên nhận nuôi các bé mồ côi cũng đã tạo điều kiện để hầu hết các bé ở đây được cấp giấy khai sinh.   Ngôi nhà 3 tầng của ông Hiệp có đầy đủ tiện nghi phục vụ mọi hoạt động vui chơi, giải trí cho các bé.(Ảnh: PV) Khi được hỏi về những dự định sắp tới dành cho mái ấm, ông Hiệp hi vọng: "Tôi sẽ xây dựng trung tâm cho các con học hành, mở trường lớp riêng cho các bé và cả khu vui chơi, sinh hoạt cho các bé lớn nữa. Tương lai, nếu ở đây hoạt động trơn tru, thì tôi sẽ mở thêm một trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Bởi các bé sơ sinh bị bỏ rơi thường chịu nhiều thiệt thòi nhất”. Với tấm lòng thiện nguyện, xuất phát từ trái tim nồng ấm, ông được ví như “ông Bụt” giữa đời thường. Việc làm của ông lay động hàng triệu người trên cả nước khi là nhân vật điển hình của chương trình Việc tử tế, được VTV 24 Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu và năm 2019 ông được Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Ban chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng. Vinh dự hơn cả, năm 2020 ông là một trong 50 điển hình được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những việc làm đầy nhân văn của mình. Tố Như  

Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an tỉnh Thái Nguyên: Tích cực thi đua bảo đảm giữ vững an ninh chính trị địa phương

TĐKT - Những năm qua, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng trinh sát kỹ thuật công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (KTNV), Công an tỉnh Thái Nguyên đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phòng KTNV họp triển khai nhiệm vụ của đơn vị Trung tá Vũ Văn Tuyên, Phó Trưởng Phòng KTNV cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội quốc tế và trong nước vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian qua và những năm tiếp theo đang đặt ra cho lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng công an Thái Nguyên nói riêng là hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi CBCS phải luôn nỗ lực phấn đấu mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Hưởng ứng các phong trào thi đua, hàng năm, cấp ủy, chỉ huy Phòng KTNV luôn chủ động bám sát nội dung kế hoạch phát động của từng phong trào thi đua để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chỉ tiêu, nội dung thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị. Đồng thời phát động, tổ chức cho toàn thể CBCS trong đơn vị thực hiện.  Theo Trung tá Tuyên, việc tập trung thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước đã có tác động trực tiếp, tích cực đến toàn thể CBCS phòng KTNV, giúp cho mỗi CBCS xác định rõ vai trò, trách nhiệm và vinh dự của mình, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng; nỗ lực học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác công an trong tình hình mới.  Bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước được đơn vị tổ chức đồng bộ, chia thành nhiều đợt trong năm, gắn với những ngày lễ kỷ niệm của Đảng, của ngành và của toàn dân tộc... Kết thúc mỗi đợt thi đua, đơn vị đều tiến hành sơ, tổng kết, kiểm điểm, đánh giá ưu, nhược điểm và đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn trong giai đoạn tiếp theo. “Quá trình tổ chức thực hiện đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác, đề xuất biểu dương khen thưởng, từ đó thúc đẩy phong trào thi đua của đơn vị ngày càng phát triển, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”- Trung tá Tuyên cho biết. Cũng 5 năm qua, đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu, công tác xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy của đơn vị; chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, công tác chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, các vấn đề khiếu kiện tập trung đông người, các điểm nóng về an ninh trậ tự... đấu tranh, khám phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn. Một trong những vụ án điển hình mà đơn vị đã phối hợp triệt phá thành công là chuyên án 215M, 117D về ma túy và chuyên án 116C về hành vi hủy hoại tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Với chuyên án này, đơn vị đã phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy, lực lượng phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ 11 đối tượng, thu giữ 203 bánh hê-rô-in, 1 gói ma túy tổng hợp (377 viên), 4.617,14 gram ma túy đá, 1 khẩu súng K59, 2 xe ô tô, 4 điện thoại di động, 1 xe máy và một số vật chứng cùng nhiều tang vật liên quan khác. Ngoài ra, trong 5 năm qua (2015 - 2020), đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thái Nguyên triệt phá hàng chục vụ án khác, bắt giữ hơn 30 đối tượng về hành vi giết người, đánh bạc, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, trốn truy nã và các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác... Mặt khác, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát an ninh, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc tại địa phương. Với những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua, tập thể đơn vị, các đội công tác và CBCS Phòng KTNV được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh và Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên tặng tổng số 70 Bằng khen và Giấy khen các loại, trong đó có 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, nghiên cứu, chú trọng làm tốt công tác xây dựng lực lượng, không cho phép mình bằng lòng với kết quả đạt được mà càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa… đó là tâm niệm của mỗi Phòng KTNV trên hành trình sát cánh cùng toàn lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên, lặng lẽ góp chiến công, giữ vững sự bình yên cho nhân dân. Tuệ Minh  

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Sáng 24/4, tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự lễ đón nhận và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN Trong suốt quá trình 122 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống y tế ở Thanh Hóa. Bệnh viện đã có nhiều đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều dịch vụ kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được 12 ca ghép thận thành công và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ghép thận từ người cho chết não. Cơ sở vật chất của Bệnh viện đã từng bước được đầu tư nâng cấp, trong đó có nhiều loại trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến. Đến nay, Bệnh viện có 3 khoa đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012. Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu, trở thành một trong những Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh hàng đầu của ngành Y tế Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những tập thể tiêu biểu, dẫn đầu các bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc về năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, phản ứng nhanh và hiệu quả cao trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bệnh viện cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước chữa khỏi 1 trong 3 bệnh nhân Việt Nam đầu tiên mắc COVID-19 khi trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và những kết quả, thành tích đã đạt được, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhiều tập thể, cá nhân của Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Đặc biệt, ngày 4/12/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện nói riêng và của ngành Y tế, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói chung. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa xác định y tế là một trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Vì thế, với vai trò là đơn vị dẫn đầu của ngành Y tế Thanh Hóa và là tuyến cuối, trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới cơ chế lãnh đạo, điều hành, phục vụ, phát triển y tế chuyên sâu, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới mục tiêu phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt các tiêu chí bệnh viện hạng đặc biệt, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ.   Theo TTXVN

Trang