Thắp sáng “ngọn lửa” thi đua yêu nước
17/09/2021 - 10:55

TĐKT - Trải qua 74 năm hình thành và phát triển, ngành Thi đua, Khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trong từng giai đoạn, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.     

Những mốc son lịch sử

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng.

Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL, đặt ra Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ. Viện Huân chương có nhiệm vụ: Tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương.

Đây là dấu mốc quan trọng, đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của Viện Huân chương, Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đến năm 1983, theo Nghị định số 160-HĐBT ngày 23/12/1983,Viện Huân chương là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác khen thưởng trong cả nước.

Ngày 8/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT về việc sửa đổi tổ chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội; đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước, với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng. Từ đây, công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về tổ chức các phong trào thi đua thống nhất với thực hiện khen thưởng trong một tổ chức Nhà nước.

Nhằm đẩy mạnh và thống nhất quản lý công tác thi đua, khen thưởng, ngày 25/8/2004, theo Nghị định số 158/2004/NĐ-CP, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được thành lập trên cơ sở Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Chính phủ và là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Ngày 8/8/2007, thực hiện sự sắp xếp lại tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2007/NĐ-CP chuyển giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua khen thưởng là động lực và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”; “Thi đua là thực hiện tốt công việc hàng ngày”, thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đoàn kết, tích cực thi đua lao động sáng tạo, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, tổ chức lại, phân công thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo các cụm, khối thi đua; đồng thời đôn đốc các cụm, khối thi đua, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm tới; chấm điểm, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua hàng năm.

Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương

Ban đã tham mưu xây dựng các kế hoạch của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tham mưu cho các đồng chí thành viên Hội đồng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng hàng năm.

Với những nỗ lực, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, hệ thống các văn bản thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng đã có nhiều đổi mới và ngày càng hoàn thiện. Các Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Chỉ thị số 34 – CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng… và hàng chục nghị định, thông tư, hướng dẫn khác liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng được hoàn thiện và đi vào cuộc sống đã đánh dấu bước phát triển mới và những thành  quả đáng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua Khen thưởng trong cả nước nói chung và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nói riêng.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; mới đây nhất là phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ban đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng kịp thời thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội; khen thưởng thành tích đột xuất; khen thưởng quá trình công tác; khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ khen thưởng chặt chẽ, chính xác, công khai, kịp thời; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động.        

Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, giới thiệu các điển hình tiên tiến ngày càng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, trả lời đơn thư công dân; phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, có nền nếp. Công tác văn thư, lưu trữ, tổng hợp liên tục được cải tiến, nâng cao hiệu quả. Cùng với đó, Ban thường xuyên quan tâm tới việc nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức, đào tạo những chuyên gia, công chức giỏi trong lĩnh vực thi đua khen thưởng. Công tác tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi đua khen thưởng những năm qua đã có những bước tiến mới, đánh dấu bằng việc triển khai Dự án “Hệ thống quản lý tài liệu điện tử ngành Thi đua, Khen thưởng”, dự án “Thí điểm triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến và an toàn an ninh thông tin”, xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử...

Hoạt động hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng được đẩy mạnh. Ban đã tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm về thi đua, khen thưởng tại các nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Úc, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... Những đợt nghiên cứu, khảo sát ở các nước đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng trong nước nâng cao nhận thức, tầm nhìn và tư duy, tham mưu, hoạch định, đề xuất với Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương những chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua 74 năm hình thành và phát triển, ngành Thi đua, Khen thưởng đã có những bước tiến dài, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của dân tộc và đất nước. Thi đua, khen thưởng đã có tác dụng động viên, tạo động lực và nêu gương cho toàn xã hội, nhất là khen thưởng thường xuyên, đột xuất được kịp thời, gắn với tổng kết phong trào, nhân rộng điển hình tiên tiến, đã động viên khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới và khó.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang ấy, các công chức, viên chức và người lao động tại các vụ, đơn vị của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương vẫn đang ngày đêm cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng  và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Phương Thanh