TĐKT - Với tinh thần dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như nhanh nhạy bắt kịp xu thế thị trường, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mô hình bưởi da xanh của anh Huỳnh Tấn Thảo ở ấp Bình Chánh (xã Tấn Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho tổng lợi nhuận đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Mô hình trồng bưởi da xanh của anh là một trong những mô hình được đánh giá cao và có ưu thế vượt trội được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.
Trước đây, anh Thảo làm nghề cắt tóc. Anh có một tiệm cắt tóc nhỏ ở chợ Gò Cát (Mỹ Phong, TP Mỹ Tho). Vừa làm nghề cắt tóc, vợ chồng anh vừa làm thêm nghề nông để trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi đó, gia đình có 5 công đất để trồng lúa. Công việc mặc dù vất vả nhưng theo anh Thảo, thu nhập rất bấp bênh, các con ngày một lớn lên nên cuộc sống rất khó khăn.
Gắn bó với nghề cắt tóc gần 10 năm, nhận thấy thu nhập từ công việc này khó để làm giàu, năm 2012, anh Thảo đã quyết định vay vốn cải tạo 5 công đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh và cũng không làm tiếp nghề cắt tóc mà tập trung đầu tư cho vườn bưởi.
Chia sẻ lý do dẫn đến quyết định này, anh Thảo nhớ lại: Có một ngày khi đang làm việc trong tiệm cắt tóc, có anh hàng xóm gần nhà hỏi xin tôi 2 tờ giấy báo để bọc tiền. Số tiền 90 triệu đồng đó là tiền anh ấy vừa mới bán 1,7 tấn bưởi. Thời điểm đó 90 triệu là con số rất lớn. Trước đó, tôi chưa bao giờ được thấy số tiền lớn như vậy. Sau đó, tôi trò chuyện với anh ấy và được anh ấy chia sẻ nhiều về mô hình trồng bưởi của gia đình. Lúc ấy tôi nghĩ mình cũng có đất mà chưa biết sử dụng có hiệu quả, hay mình cũng thử mạnh dạn thay đổi.
Nghĩ là làm, anh Thảo về bàn với vợ chuyển hết 5 công đất trồng lúa sang trồng bưởi. “Lúc đó, nhiều người trong xóm nói tôi khùng vì đang trồng lúa đã lên liếp mà lại bỏ hết để chuyển sang trồng bưởi 100% diện tích. Mọi người bảo bao công sức vậy mà vứt bỏ.” - anh Thảo chia sẻ.
Trong thời gian đầu trồng bưởi, để có kiến thức cũng như cách chăm sóc, kỹ thuật trồng cây, anh Thảo chịu khó học hỏi qua sách, báo, mạng internet. Không những vậy, nghe ở đâu có mô hình hay, cách làm hiệu quả, dù ở tỉnh nào anh cũng tìm đến để học hỏi.
Theo anh Thảo, chất lượng quyết định sản phẩm, do vậy anh luôn tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật trồng bưởi từ cách chọn giống đến chăm sóc, bón phân, thuốc. Anh cũng tích cực tham gia lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do các cấp Hội Nông dân tổ chức. Mỗi khi nghe bạn bè hay các chú, các bác nói về kinh nghiệm, bí quyết trồng bưởi, anh Thảo đều ghi chép lại cẩn thận để áp dụng vào mô hình gia đình.
Để có thêm thu nhập trong thời gian chờ thu hoạch bưởi, anh Thảo đã dùng biện pháp lấy ngắn nuôi dài, kết hợp trồng bưởi xen canh với trồng bí hồ lô, đu đủ, chuối… Những loại cây này cho anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Đồng thời, anh cũng gieo thêm hạt đậu xanh với mục đích vừa để cải tạo đất vừa đem lại thu nhập, giúp anh xoay vòng vốn nhanh. Với 2 lần bán hạt đậu xanh anh thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.
Sau hơn 3 năm miệt mài chăm sóc, năm 2015, cây bắt đầu cho quả. Anh bán tại vườn được 15 tấn với giá dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Với gần 500 gốc bưởi sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm mô hình đã mang về cho gia đình anh từ 300 – 400 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bưởi da xanh, anh Thảo cho biết, trong quá trình canh tác, anh chú trọng lựa chọn cây giống tốt, áp dụng các kỹ thuật công nghệ vào chăm sóc và phòng trị sâu bệnh kịp thời trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm và hướng dẫn khoa học. Do đó, vườn bưởi của anh luôn tươi tốt, cho năng suất cao.
Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh của anh đã 2 lần đạt chứng nhận VietGap. Theo anh Thảo, trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, nông dân cần tuân thủ rất nhiều nguyên tắc như: Ghi chép nhật ký sản xuất, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, xây dựng kho chứa thuốc và vật tư nông nghiệp. Bù lại, bưởi da xanh truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Vườn bưởi da xanh của anh Thảo hiện được địa phương lựa chọn xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cho địa phương. Dự kiến cuối năm 2021, anh Thảo sẽ đăng ký sản phẩm đạt chuẩn Global GAP. Sau đó sẽ tự thành lập khu du lịch sinh thái miệt vườn bưởi da xanh, vừa quảng bá thương hiệu bưởi, vừa phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Thảo đã vận động nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang mô hình trồng bưởi da xanh an toàn. Anh luôn tích cực đứng ra chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng công nghệ vào thâm canh giống cây trồng hiệu quả này cho bà con.
Bằng ý chí, nghị lực, chịu khó, làm giàu từ chính đôi tay, anh Huỳnh Tấn Thảo thật sự là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi để mọi người học tập và làm theo.
Tuệ Minh