Điển hình tiên tiến

Hải Phòng khen thưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố trong vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”

TĐKT – Với thành tích xuất sắc trong đấu tranh phá vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" từ nước ngoài về Việt Nam, vừa qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã được UBND thành phố biểu dương, khen thưởng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định, phối hợp tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn khu vực biên giới, là lực lượng chủ trì trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hàng năm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã tổ chức hàng trăm lượt phương tiện kịp thời cứu sống nhiều ngư dân và thuyền viên gặp nạn. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố còn làm tốt công tác đấu tranh với tội phạm trên biển, đặc biệt vào lúc 1h15 ngày 12/7, tại cầu cảng số 2, cảng Nam Hải Đình Vũ, quận Hải An, lực lượng Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1969, ở xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), thuyền viên một tàu biển, đang vận chuyển số lượng kim cương và các sản phẩm trang sức bằng vàng từ Hồng Kông về đến Cảng Nam Hải Đình Vũ để giao cho Nguyễn Hào Nam (sinh năm 1982, ở phường Đồng Hòa, quận Kiến An) đưa đi tiêu thụ. Qua kiểm đếm chi tiết, tang vật thu giữ gồm: 1.760 viên kim cương, 481 sản phẩm trang sức (gồm dây chuyền, hoa tai, nhẫn, vòng đeo tay) bằng vàng 18K; trị giá lô hàng ước khoảng 15 tỷ đồng. UBND TP Hải Phòng khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phá vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" từ nước ngoài về Việt Nam Ghi nhận thành tích của các cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã gửi Thư khen Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng đã lập được thành tích xuất sắc trong vụ án nêu trên, góp phần vào thành tích chung của lực lượng Biên phòng trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Ngày 10/8/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ký Quyết định số 2242/QĐ-UBND về việc Thưởng 100.000.000 đồng cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố. Chiều 16/8, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam đã đến biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phá vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" từ nước ngoài về Việt Nam. Ghi nhận và đánh giá cao công tác nắm chắc tình hình, nắm vững về nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng Biên phòng đã góp phần phá án thành công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác để chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh xã hội, trật tự an toàn khu vực biên giới. Hoàng Việt

Bắc Giang – điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT – Từ chỗ là tâm dịch lớn nhất của cả nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của trung ương và các địa phương, hơn 1 tháng qua, Bắc Giang không phát hiện F0 trong cộng đồng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội đã trở lại bình thường trong tình hình mới. Bắc Giang trở thành một điểm sáng, là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang vì thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 Từ đầu tháng 5/2021, Bắc Giang đã phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có khi biến chủng mới SARS-CoV-2 lây lan trong các khu công nghiệp với tốc độ rất nhanh. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Nhiều khu vực đã phải cách ly, phong tỏa, giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ; an toàn, sức khỏe và đời sống của người dân, nhất là công nhân lao động bị ảnh hưởng lớn. Phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tập trung toàn lực, quyết liệt, thần tốc ngăn chặn, kiểm soát dịch hiệu quả. Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: Ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, tỉnh đã tập trung kích hoạt nhiều biện pháp: Thường xuyên thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh để người dân biết, cảnh giác, tự giác khai báo y tế và giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa 6 huyện, dừng hoạt động 4 khu công nghiệp. Thực hiện các giải pháp “4 tại chỗ”. Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện an toàn sản xuất phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, chỉ đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Giang đã luôn bám sát tình hình, có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch. Các sở, ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo và có hiệu quả các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, truy vết thần tốc. Trong hơn 2 tháng chống dịch, toàn tỉnh đã lấy gần 2 triệu mẫu xét nghiệm; bố trí 326 khu cách ly tập trung, tổ chức cách ly tập trung cho trên 41.200 người. Tỉnh đã thiết lập và vận hành 18 bệnh viện đã chiến, điều trị cho 5.779 bệnh nhân COVID-19. Bắc Giang đã huy động toàn bộ lực lượng với khoảng trên 15.000 người gồm y, bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã tiếp nhận hơn 665 tỷ đồng cả bằng tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến nay đã được kiểm soát hoàn toàn. Đã có trên 99% bệnh nhân ra viện. Toàn tỉnh đã tiêm được trên 330.000 liều vắc xin, (đạt 18,3% dân số toàn tỉnh). Bắc Giang cũng đã cử 6 đoàn công tác (258 cán bộ y tế) tham gia hỗ trợ các tỉnh miền Nam phòng, chống dịch COVID-19... Toàn tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gẫy chuỗi cung ứng; đồng thời đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường với trên 270.000 lao động. Đặc biệt, ngành y tế Bắc Giang đã có giải pháp giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp đạt mức thấp nhất cả nước thông qua việc giảm 50% công lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm mẫu gộp. Mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, đảm bảo đa mục tiêu. Nhờ đó, đến nay, Bắc Giang vẫn giữ ở mức tăng trưởng khá, thu ngân sách tốt. Trong tâm dịch, tỉnh vẫn đạt năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay với trên 215.000 tấn với mức giá cả phù hợp và không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang là đã đưa các ca F0, F1 vào điều trị kịp thời, phong tỏa nhanh. Hệ thống chính trị vào cuộc hiệu quả. Tỉnh đã có nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tại chuyến thăm và làm việc với tỉnh sáng 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang. Đây là nguồn động viên to lớn để Bắc Giang tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, chữa lành những vết thương do Covid-19 gây ra để ổn định xã hội. Phương Thanh

Y, bác sĩ Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Xô hết mình tại Trung tâm hồi sức tích cực Tiền Giang

TĐKT - Xen lẫn tiếng máy móc tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang là những tràng ho dài, khản đặc không ngớt của các bệnh nhân COVID-19. Nơi đây, các y, bác sĩ hiện đang chiến đấu giành giật sự sống cho 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch. 2 lần xung phong vào “điểm nóng” Chỉ mới vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch tại Bắc Giang chưa được bao lâu, BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lại tiếp tục lên đường vào “điểm nóng” Tiền Giang. Đây là lần thứ hai anh xung phong vào tâm dịch. BS Thành chia sẻ, là một chiến sĩ áo trắng, anh không quản ngại khó khăn, xác định đây cũng sẽ là một chuyến đi trường kỳ nhưng khi Bệnh viện có lời kêu gọi, anh lại tiếp tục xung phong lên đường tiếp sức cho miền Nam. BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tại Tiền Giang Bước ra khỏi khu vực điều trị với chiếc áo ướt đẫm mồ hồi, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi của mình, bác sĩ  cho biết: Bác sĩ vừa tham gia trực tiếp công tác điều trị, vừa đào tạo công tác chuyên môn cho các nhân viên y tế tại trung tâm. Nhân lực tại địa phương mỏng, đặc biệt số lượng bác sĩ hồi sức và điều dưỡng còn ít; bên cạnh đó Trung tâm mới được thành lập, sự đồng bộ phối hợp giữa các khâu chưa được nhuần nhuyễn nên còn nhiều khó khăn. Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chi viện cho Tiền Giang gồm 9 người, trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Hằng ngày anh và đồng đội phối hợp với các nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức của tỉnh tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, thăm khám và làm thủ thuật ở tầng cao nhất trong mô hình tháp điều trị. Đợt dịch lần thứ 4 và cũng là đợt dịch có diễn biến phức tạp nhất tính đến nay với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục, mặc dù biết đây là chuyến đi dài và đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng với sự động viên to lớn từ gia đình và bệnh viện, anh như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến này. Ngày nào vợ và con cũng gọi điện hỏi thăm, dặn dò anh phải giữ gìn sức khỏe. Thông tin trên báo đài cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm của đợt dịch thứ 4, vợ anh mặc dù lo lắng nhưng luôn động viên chồng cố gắng, bảo vệ bản thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình. Quyết tâm chữa trị cho bệnh nhân Trung tâm Hồi sức tích cực đầu tiên của Tiền Giang thuộc tầng thứ 3 của tháp điều trị hiện đang thu dung 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch, trong đó hơn 20 bệnh nhân đang thở máy dòng cao HFNC, đến nay đã có 5 bệnh nhân hồi phục và được “hạ tầng” thành công, chuyển xuống các bệnh viện dã chiến. Dưới cái nắng oi ả của miền Tây Nam bộ, không khí căng thẳng bao trùm bên trong phòng họp tại tầng 2 của Trung tâm hồi sức, nơi các y, bác sĩ cân não đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân nặng nhất tại đây. BS Lê Quang Phương -  Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, người cũng đã hai lần xung phong vào tâm dịch chia sẻ: Bệnh nhân 24 tuổi, khi được chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực đã phải thở mặt nạ oxy túi, “bão cytokine” khiến bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, sau khi thở oxy túi không hiệu quả. Ngay lập tức, các bác sĩ ở đây cho bệnh nhân chuyển qua thở bằng máy HFNC. Sau khoảng nửa ngày, nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân vẫn tiếp tục giảm, hình ảnh X quang cho thấy hai phổi đã trắng mờ, tổn thương nặng. Nhận thấy tình hình chuyển biến xấu, các bác sĩ đã can thiệp thở máy xâm nhập. Các y, bác sĩ đã nỗ lực điều chỉnh dần trên máy thở cùng với đó tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp thở máy, hiện tại tình hình bệnh nhân đã được cải thiện, SPO2 (nồng độ oxy trong máu) khi nhập viện chỉ từ 40 - 50%, hiện tại đã được 90%. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì thở oxy 100% và lọc máu liên tục, trường hợp này mặc dù tuổi còn trẻ nhưng có thể trạng béo phì, thừa cân, hiện tại vẫn chưa thể nói trước được điều gì, đội ngũ y bác sĩ tại đây vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến ca bệnh và đưa ra những phương án điều trị phù hợp. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều ca bệnh diễn biến nặng gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, nhưng không vì thế mà các y, bác sĩ tại Trung tâm nản lòng. Bác sĩ Phương khẳng định: “Vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn và không thể nói trước được điều gì, các nhân viên y tế chỉ có thể nỗ lực hết mình để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, bản thân tôi cũng đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch, nếu có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, tức là cũng sắp hết dịch và tôi cũng sớm được về đoàn tụ cùng gia đình.” Đồng hành cùng các bác sĩ trong đoàn chi viện, điều dưỡng Phạm Quốc Huy - Khoa Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tâm sự: “Ở đây các bệnh nhân đều là những ca bệnh nặng phải thở máy, các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với người nhà... đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi, bởi vì được đến những cơ sở điều trị mới, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác nhau và học hỏi thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, về phía địa phương cũng hết sức nỗ lực cùng với đoàn trong công tác chăm sóc, điều trị, khiến mọi việc đều thuận lợi”. Nhận được sự chi viện kịp thời của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, BSCKII Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đồng thời cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực xúc động: Bệnh viện đã kết hợp chặt chẽ với Trung ương trên tinh thần hết lòng cứu chữa cho người bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đã hướng dẫn các nhân viên y tế, bác sĩ ở đây cách chăm sóc, điều trị bằng máy thở, nhờ thế mà nhiều bệnh nhân đã có tiến triển tốt. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người bệnh được chuyển tuyến, hạ tầng điều trị thành công. Đã có những tiếc nuối, xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi, nhưng cùng với đó là niềm vui, sự hạnh phúc khi có nhiều bệnh nhân được cứu sống, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật sự mong manh, nhưng các y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cùng các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang luôn nỗ lực từng giây, từng phút quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nguyễn Hân  

Quân khu 7: Dốc toàn lực cho “mặt trận” phòng, chống dịch

TĐKT - Sau 20 ngày thực hiện chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, nắm chắc tình hình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa mọi nguồn lực với nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp đạt nhiều kết quả thiết thực. Những “Gian hàng 0 đồng” thắm đượm tình quân dân Kể từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chung tay cùng lãnh đạo, chính quyền các địa phương, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã ban hành Chỉ thị 660, lãnh đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 cho biết: “Quân khu 7 có 7/9 tỉnh, thành phố đã thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội; mọi mặt đời sống xã hội bị ảnh hưởng to lớn, sức khỏe, tính mạng của nhân dân đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh tổng hợp, ý chí tự lực, tự cường, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn quân khu. Trong đó, lực lượng y tế, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 là nòng cốt, bước đầu đạt được những kết quả rất quan trọng.” Thấm nhuần Chỉ thị 660, LLVT Quân khu 7 đồng loạt triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ người dân, mang nặng nghĩa tình, ấm áp như: “Thăm, tặng quà các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch”, “Gian hàng không đồng”, “Gian hàng lưu động không đồng”, “Phiên chợ không đồng”, “Cây ATM gạo”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tặng sản phẩm tăng gia sản xuất... Các chương trình 1.000, 5.000, 100.000 phần quà, đơn hàng thiết yếu 0 đồng đã kịp thời hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh với tổng trị giá trên 275 tỷ đồng, trong đó có trên 96 tỷ đồng tiếp nhận từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gần 180 tỷ đồng từ nội lực của các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu. Cùng với hỗ trợ lương thực, thực phẩm, LLVT Quân khu với sự chi viện của trên, đã dốc toàn lực cho “mặt trận” phòng,chống dịch. Trên địa bàn Quân khu đã thành lập 55 điểm cách ly tập trung phòng, chống dịch (18 điểm quân sự), tổ chức tiếp nhận, cách ly công dân hơn 77 ngàn người; điều động hơn 6.000 y, bác sĩ hỗ trợ các địa phương trên địa bàn Quân khu phòng, chống dịch; điều động hơn 60.000 bộ đội, dân quân các địa phương tham gia phối hợp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các tổ, chốt, điểm cách ly, khu vực phong tỏa, tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccnie, kiểm soát dịch trên địa bàn và tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại 445 chốt liên ngành phòng, chống dịch trên tuyến biên giới. Quân khu đã chủ trì thành lập các Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A, 5B và 5C, tham gia thành lập bệnh viện dã chiến 5D, đã tiếp nhận, điều trị gần 1.600 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đặc biệt, trong những ngày này, trước nhu cầu bức thiết của người dân, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai lực lượng đón nhận tro cốt của đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 mà người thân chưa có điều kiện, nhận về bảo quản, thờ cúng và được chuyển giao đến tận các hộ gia đình. LLVT Quân khu phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, điều tiết, hỗ trợ đưa hơn 2 triệu người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng; huy động gần 1.300 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 348 lượt phương tiện các loại giúp dân thu hoạch mùa màng, vận chuyển, tiêu thụ hơn 1.000 tấn lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả. Những việc làm ý nghĩa trên đã được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ LLVT Quân khu 7 trong lòng nhân dân. Sơ kết giai đoạn 1 chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân Chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho 1 tập thể; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 1 cá nhân; đề nghị Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 17 cá nhân; Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19. Trung tướng Trần Hoài Trung cho biết: Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống, tính mạng nhân dân, LLVT Quân khu 7 xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của trên về công tác dân vận, chống dịch; quán triệt sâu sắc Chỉ thị 660 và tăng cường đẩy mạnh chiến dịch cao điểm giúp dân thiết thực và hiệu quả. Đưa việc thực hiện Chỉ thị 660 bước vào giai đoạn 2 với nỗ lực, trách nhiệm và hiệu quả cao hơn. Cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đảm bảo hài hòa giữa đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế và phòng, chống dịch, trong đó công tác phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu, cố gắng thiết lập và mở rộng thêm nhiều “vùng xanh”; tham mưu tháo gỡ những khó khăn, tránh chồng chéo, máy móc, cứng nhắc trong thực hiện phòng, chống dịch. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho bộ đội và nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của LLVT Quân khu phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, cả hệ thống chính trị và toàn dân, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng, chống dịch bệnh, coi đây là kỷ luật thời chiến, cán bộ chủ trì phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trong đơn vị. Không được chủ quan, lơ là, dựa dẫm vào cấp trên, vào ngành y tế. Tiếp tục làm tốt công tác tăng gia sản xuất, huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ nhân dân cả về vật chất, tinh thần. Chia sẻ, chăm lo thật tốt cho các lực lượng, bảo đảm an toàn tham gia phòng, chống dịch. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng, lan tỏa các mô hình hay… Tiếp tục chú trọng đấu tranh trên mạng xã hội, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chia rẽ sức mạnh đoàn kết quân - dân, ảnh hưởng đến công tác chống dịch... Nguyệt Hà

Đưa cây dược liệu lên sàn thương mại

TĐKT - Nhìn thấy “mỏ vàng” từ nguồn cây dược liệu tự nhiên như cà gai leo, giảo cổ lam, ba kích, hà thủ ô…, gia đình anh Hoàng Văn Luân, chị Ma Thị Miên (thôn Phiêng Bang, xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu để khai thác tiềm năng sẵn có này tại địa phương. Vườn dược liệu cà gai leo của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu Cây dược liệu vốn là một trong những thế mạnh địa phương của xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Cũng như nhiều vùng núi cao khác trên cả nước, hạn chế về địa hình, giao thông và tiếp cận công nghệ của người dân tại đây khiến cho việc khai thác thế mạnh kinh tế này gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm lặn lội hái thuốc, chế biến thuốc và mang ra chợ bán, nhìn thấy tiềm năng dồi dào từ nguồn tài nguyên tự nhiên này, chị Ma Thị Miên cùng chồng đã đi đến một quyết định táo bạo là thành lập HTX dược liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc. Tuy nhiên, câu chuyện làm giàu không hề suôn sẻ. HTX có 25 thành viên, trong đó có 23 người là nữ. Toàn bộ thành viên HTX là người dân tộc Tày và Dao, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật và các kênh truyền hình, truyền thông, mạng xã hội rất hạn chế. Không có bất kỳ kiến thức gì về quản trị sản xuất, truyền thông sản phẩm, phân phối thị trường, chỉ bằng ý chí làm giàu và những bí kíp đông y gia truyền trong tay, anh chị vừa làm vừa từng bước mày mò tìm đường. Anh Luân cho biết: “Thời gian đầu, sản phẩm làm ra phải mang đi chào hàng tại các chợ truyền thống với lượng tiêu thụ rất thấp, nguồn vốn quay vòng đã ít lại càng ít hơn. Hạn chế về khoa học kỹ thuật khiến cho sản phẩm đầu ra kém phong phú, khả năng tiếp cận khách hàng đã khó lại càng khó hơn.” Anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu giới thiệu sản phẩm của HTX Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Kạn, anh chị được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, nhờ đó có thể đầu tư mở rộng công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, khi ấy, sản phẩm vẫn chỉ được phân phối theo phương thức truyền thống. Thu nhập của xã viên chỉ vào khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tháng 6/2019, được tiếp sức từ dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0”, chị Miên và các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khác được tham gia tập huấn với các chuyên gia trong và ngoài nước về cách thức áp dụng công nghệ thông tin để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp liên kết HTX sản xuất với các đối tác thương mại điện tử khác để đưa sản phẩm lên bán tại các sàn này. Ứng dụng những gì đã được tập huấn, chị Miên nhanh chóng đưa sản phẩm lên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như sendo, shopee, voso.vn. Nhờ đó, lượng sản phẩm tiêu thụ đã tăng đột biến. Nhờ tăng doanh số bán hàng, thu nhập của 25 thành viên HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu cũng gia tăng, có tháng lên đến 8 tiệu đồng. Đây là mức thu nhập mơ ước đối với các chị em dân tộc thiểu số vùng cao. Anh Hoàng Văn Luân trình bày mô hình tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2019 Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã được in nhãn mác, địa chỉ cụ thể, rõ nguồn gốc xuất xứ, được thị trường biết tới và chấp nhận. Một số sản phẩm từ cây dược liệu của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2018: Cà gai leo dạng túi lọc có giá 50.000 đồng/hộp; 1 loại chiết xuất thành cao riêng cây cà gai có giá 190.000 đồng/lọ và 1 loại cao cà gai kết hợp cà gai, bàn tay ma đỏ (mừng phi) và cây cỏ ngọt có giá 240.000 đồng/lọ, trọng lượng 100g. Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác như: Ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu… Sản phẩm dược liệu của HTX đã có một số đơn vị bao tiêu, điều này tạo động lực mạnh mẽ để HTX phát triển. Từ hiệu quả kinh tế, cây dược liệu giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Luân cho biết: Bên cạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong mỗi sản phẩm, HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu đang tập trung mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi và các loại máy móc để đáp ứng các quy chuẩn trong sản xuất xây dựng phương án sản xuất, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp và góp phần giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương. Nguyệt Hà

Người bác sĩ quân đội hết lòng chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19

TĐKT- Mặc dù đã được nghỉ hưu nhưng Thiếu tá, Bác sĩ Trần Văn Thành sau 25 năm phục vụ trong Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tình nguyện xung phong vào điểm nóng để điều trị cho bệnh nhân Covid – 19. Bác sĩ, Thiếu tá Trần Văn Thành Bác sĩ Thành cho biết, dù nghỉ hưu nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh, trong ông lại sôi sục ý chí và nung nấu quyết tâm đi điều trị cho người nhiễm COVID-19. Chính ý chí này đã thôi thúc ông không ngừng khi ông được đọc lá thư ngỏ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Không ngày nào ông không nghĩ tới các y, bác sĩ đang gồng mình chống dịch. Trong lòng ông luôn mong muốn một điều sẽ góp một phần nhỏ bé đẩy lùi Covid-19 và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Nguyện vọng cháy bỏng của Thiếu tá, BS Thành được đáp ứng. Trong những ngày vừa qua ông đã luôn miệt mài cùng với các đồng nghiệp của mình chăm sóc tận tình, chu đáo cho hơn 170 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong khu cách ly, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại trường THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Bác sĩ Thành cùng đồng nghiệp hướng dẫn tập thể dục. Từng lời kêu gọi của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong bức thư kêu gọi chung tay hỗ trợ phòng, chống COVID-19, ông Thành đã nhớ rất rõ. Từng câu, từng chữ được ông khắc cốt ghi tâm như: “Các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP Hồ Chí Minh”. Tại khu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Thành cùng đồng nghiệp ngoài lo công việc chuyên môn thăm khám bệnh, còn lo đời sống tinh thần cho bệnh nhân. Hàng ngày, các y bác sĩ tiếp thêm tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh thông qua các bài hát sôi động được phát qua loa. Các bài tập thể dục theo nhạc cũng được thực hiện định kỳ cho các bệnh nhân làm theo, nâng cao thể lực của mình. Lúc đầu, khi biết Bác sĩ Thành sẽ xa nhà chưa xác định ngày về, ngày nối ngày sẽ chăm lo các ca nhiễm COVID-19, người thân của bác sĩ cũng có chút lo âu. Nhưng với tinh thần của bác sĩ quân y, bác sĩ Thành đã nêu cao quyết tâm rằng: Việc làm này là mệnh lệnh từ trái tim, Tổ quốc đang cần mình. Các bệnh nhân đang cần mình. Mình có kinh nghiệm sẽ dốc cạn tâm sức để làm việc nếu không thì day dứt khôn nguôi. Trong khu chăm sóc người nhiễm COVID-19, Bác sĩ Thành cứ rưng rưng: Mắt tôi cứ cay đi mỗi lần nhìn thấy người già lẫn trẻ đều bị nhiễm. Khi ấy lòng thương đồng bào trỗi dậy mãnh liệt. Tôi quyết điều trị tốt nhất cho họ để mong sao dịch sẽ sớm được khống chế. Không được về nhà thì ngay tại đây, những người nhiễm COVID-19 cũng như là người thân vậy.” Ở khu cách ly, điều trị, mỗi ngày bác sĩ Thành đều động viên, khích lệ những người mắc COVID-19. Ông cho biết: Mình là bác sĩ, có nhiều năm làm trong môi trường quân đội nên tinh thần vững vàng. Hiểu thêm tâm lý người bệnh nữa. Vậy nên “đã thông” cho họ rất dễ. Khi hiểu được các lợi ích của việc thực hiện nghiêm quy định điều trị và chăm sóc thì người nhiễm sẽ thoải mái. Bên cạnh đó, các bài hát tươi vui phát to lên, mọi người đều nghe và cảm thấy tinh thần tốt hơn. Hiện gần như toàn bộ người nhiễm tại đây không còn ai bất an nữa. Tinh thần họ rất vững vàng rồi. Hơn nữa, mỗi ngày y, bác sĩ đều thăm khám, phát thuốc đến 2 lần liền. Các cô giáo trên địa bàn còn nấu nước chanh sả gửi vào cho nhân viên y tế và người nhiễm COVID-19 dùng nên tinh thần mọi người ở đây cũng đã được động viên liên tục. La Giang

Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dê kết hợp cá lồng

TĐKT- Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát huy lợi thế về địa hình và khí hậu, cộng với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Đinh Văn Lâm (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dê sinh sản và cá lồng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về cuộc sống trước kia, anh Lâm cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tiền Phong, cuộc sống sau khi xây dựng gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Khi đó, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đường giao thông đi lại còn khó khăn, do đó thu nhập của gia đình rất thấp, không được ổn định. Không chấp nhận với cuộc sống như vậy, được sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, anh Lâm đã đăng ký tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi cá lồng trên mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình và kỹ thuật chăn nuôi dê do Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện Đà Bắc tổ chức. Đồng thời, anh Lâm tự nghiên cứu thêm kiến thức từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình điển hình tiên tiến hiệu quả trong và ngoài huyện. Sau khi nắm được kỹ thuật cơ bản, năm 2010, anh Lâm đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư chuồng trại, lồng bè để chăn nuôi dê và cá thương phẩm. Tuy nhiên, với nguồn vốn ít ỏi nên quy mô sản xuất ban đầu mới chỉ là nhỏ lẻ. Để thực hiện hóa ước mơ làm giàu, từ năm 2015 anh Lâm đã vay thêm vốn ngân hàng và người thân để mở rộng quy mô sản xuất. Với phương châm vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, tìm tòi kiến thức chỉ dẫn chăn nuôi dê trên tivi, báo, đài, đặc biệt trên các trang mạng internet, chỉ sau đợt nuôi đầu, anh đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Từ đó, đàn dê của gia đình không ngừng tăng số lượng. Qua mỗi đợt sinh sản, dê lớn nhanh. Lúc cao điểm, đàn dê của anh lên tới trên 130 con. Hiện nay mô hình chăn nuôi dê đã cho thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 70 - 80 con dê thịt và dê giống, cho lợi nhuận từ 150 - 170 triệu đồng/năm. Theo anh Lâm chia sẻ, mô hình chăn nuôi dê của anh phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất. Thành công bước đầu với mô hình nuôi dê, anh Lâm quyết định mở rộng thêm mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà. “Năm 2016, thấy được hiệu quả của việc nuôi cá, gia đình tôi quyết định vay thêm vốn đầu tư 8 lồng cá, tập trung nuôi các giống cá thương phẩm như: Cá chép giòn, cá trắm đen...”- anh Lâm cho biết. Do nguồn vốn ít ỏi, anh Lâm đã tự thiết kế lồng, nhập giống để phát triển sản xuất và học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá từ các chủ bè đi trước và tìm đầu ra cho cá. Đến nay, sản lượng cá đạt từ 4,5 tấn - 5 tấn cá/năm. Sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 250 - 270 triệu đồng/năm. “Với chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Đà thuận lợi, việc nuôi cá lồng trên sông của gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống gia đình tôi đã giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.” - anh Lâm vui mừng chia sẻ. Ngoài 2 mô hình trên, anh Lâm còn đầu tư mở xưởng đóng thuyền. Chia sẻ về ý tưởng thành lập xưởng, anh Lâm cho biết:  “Do đặc thù xã Tiền Phong là xã lòng hồ sông Đà, việc đi lại của bà con nơi đây rất vất vả, tôi đã bàn bạc với gia đình đầu tư mở xưởng đóng thuyền để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã và các xã lân cận, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện.”- anh Lâm cho biết.  Bên cạnh đó, để chia sẻ kinh nghiệm và phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà cho người dân địa phương, anh Lâm còn phát triển thêm việc sản xuất lồng cá. Doanh thu từ hoạt động đóng thuyền và lồng cá hàng năm đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khảng 250 - 300 triệu đồng/năm. Từ các mô hình sản xuất của gia đình, anh thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, từ năm 2019 gia đình anh còn nhận giao, khoán 7 ha đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng phòng hộ sông Đà. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Lâm còn tích cực hỗ trợ người dân địa phương. Từ năm 2016 đến nay, gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Lâm cũng thường xuyên và tích cực giúp bà con kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn và giúp bà con nuôi các loại cá đem lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ đầu ra cho các loại sản phẩm, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu. Từ 2016 đến nay, anh Lâm và gia đình đã giúp đỡ được 2 hộ trên địa bàn xóm Đoàn Kết về con giống, nguyên vật liệu đóng thuyền, lồng cá để phục vụ sản xuất và thoát nghèo; giúp trên 20 hộ khác tại các xã lân cận về con giống và kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cá lồng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  Ngoài ra, gia đình anh luôn nhiệt tình tham gia ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện do địa phương phát động như: Ủng hộ quỹ ngày vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ Hội Người cao tuổi, quỹ phòng, chống bão lũ, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt miền Trung. Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2018 đến nay anh và gia đình đã đóng góp trên 20 ngày công và nhiều nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, với số tiền trên 20 triệu đồng. Với những đóng góp của mình, anh Lâm vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình công nhận Nông dân xuất sắc tỉnh Hòa Bình năm 2019 và Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen đã có thành tích xuất trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Tùng Chi  

Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy công an hy sinh khi làm nhiệm vụ

Ngày 4/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định về việc truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy Phan Tấn Tài, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an Quận 6, Công an TP Hồ Chí Minh) đã lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Quyết định về việc trao tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho đồng chí Đại úy Phan Tấn Tài. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, khoảng 18 giờ 50 ngày 2/8, Tổ tuần tra liên phường gồm 4 cán bộ chiến sĩ (trong đó có Thượng úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch thì phát hiện một thanh niên tên Hứa Hán V. (sinh năm 1994, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) ra đường không cần thiết, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra giấy tờ, phát hiện nghi vấn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nên đã yêu cầu đối tượng về trụ sở Công an phường 11, Quận 6 để giải quyết. Trên đường đi, đối tượng không chấp hành, phóng xe bỏ chạy nên tổ tuần tra đuổi theo. Trong quá trình truy đuổi, V. có dấu hiệu ép xe khiến xe của Thượng úy Phan Tấn Tài lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân trên đường Lò Gốm, phường 8, Quận 6. Đồng chí Phan Tấn Tài được đưa đi cấp cứu nhưng đến 21h30 cùng ngày không qua khỏi. Riêng đối tượng V., sau khi xảy ra sự việc đã bỏ trốn. Đến 21h40 cùng ngày, đối tượng đến Công an phường 11 để trình diện. Qua test nhanh, V. dương tính với chất ma túy. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Quận 6 tạm giữ hình sự Hứa Hán V. về hành vi chống người thi hành công vụ để tiến hành điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng chí Phan Tấn Tài (29 tuổi, quê quán Long An); cấp bậc: Thượng úy; cán bộ trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quận 6 (hiện đang được trưng dụng tăng cường cho Công an phường 10, Quận 6 để phòng chống dịch COVID-19). Đồng chí Tài đã được đào tạo cơ bản nghiệp vụ của ngành Công an tại Trường Trung học Cảnh sát Nhân dân II. Bản thân đồng chí là con trai trong gia đình có 3 con, còn độc thân, hiện đang sinh sống cùng cha mẹ. Kể từ khi TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Tài đã trực chiến tại đơn vị 24/24, không quản ngại khó khăn, gian khổ để cùng các lực lượng chức năng tham gia thực hiện công tác phòng ngừa và ngăn chặn dịch COVID-19 trên địa bàn Quận 6. Sự hy sinh của đồng chí Phan Tấn Tài là sự mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, lực lượng Công an Quận 6 nói riêng và Công an TP Hồ Chí Minh nói chung. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, cả nước và lực lượng Công an nhân dân đang cố gắng, nỗ lực chung sức chung lòng kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19 thì sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Tài là tấm gương sáng về ý chí cách mạng, tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, là nguồn động lực, thôi thúc cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo vpctn.gov.vn  

Thủ tướng đề nghị truy tặng Huân chương Chiến công cho Thượng úy công an hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ vừa có Tờ trình số 1065/TTr-TTg đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Thượng úy Phan Tấn Tài, Cán bộ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận 6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an, đã lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thượng úy Phan Tấn Tài Theo Công an TPHCM, khoảng 18 giờ 50 ngày 2/8, Tổ tuần tra liên phường gồm 4 cán bộ chiến sĩ (trong đó có Thượng úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch. Trên đường tuần tra, Tổ công tác phát hiện một thanh niên tên Hứa Hán Võ (sinh năm 1994, ngụ quận 6, TPHCM) ra đường không cần thiết, vi phạm quy định phòng chống dịch. Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra giấy tờ, phát hiện nghi vấn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nên đã yêu cầu đối tượng về trụ sở Công an Phường 11, Quận 6 để giải quyết. Trên đường đi, đối tượng không chấp hành, phóng xe bỏ chạy nên tổ tuần tra đuổi theo. Trong quá trình truy đuổi, Võ có dấu hiệu ép xe khiến xe của Thượng úy Phan Tấn Tài lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân trên đường Lò Gốm, Phường 8, Quận 6. Đồng chí Phan Tấn Tài được đưa đi cấp cứu nhưng đến 21h30 cùng ngày không qua khỏi. Riêng đối tượng Võ, sau khi xảy ra sự việc đã bỏ trốn. Đến 21h40 cùng ngày, đối tượng đến Công an Phường 11 để trình diện. Qua test nhanh, Võ dương tính với chất ma túy. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an Quận 6 tạm giữ hình sự Hứa Hán Võ về hành vi chống người thi hành công vụ để tiến hành điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đoàn lãnh đạo TPHCM và quận 6 động viên gia đình Thượng úy Phan Tấn Tài Đồng chí Phan Tấn Tài (29 tuổi, quê quán Long An); cấp bậc: Thượng úy; cán bộ trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6 (hiện đang được trưng dụng tăng cường cho Công an Phường 10, Quận 6 để phòng chống dịch COVID-19). Đồng chí Tài đã được đào tạo cơ bản nghiệp vụ của ngành Công an tại Trường Trung học CSND II, bản thân đồng chí là con trai trong gia đình có 3 con, còn độc thân, hiện đang sinh sống cùng cha mẹ. Kể từ khi TPHCM áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Tài đã trực chiến tại đơn vị 24/24, không quản ngại khó khăn, gian khổ để cùng các lực lượng chức năng tham gia thực hiện công tác phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quận 6. Sự hy sinh của đồng chí Phan Tấn Tài là sự mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, lực lượng Công an quận 6 nói riêng và Công an TPHCM nói chung. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, cả nước và lực lượng Công an nhân dân đang cố gắng, nỗ lực chung sức chung lòng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 thì sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Tài là tấm gương sáng về ý chí cách mạng, tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, là nguồn động lực, thôi thúc cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./. Theo baochinhphu.vn

Các đơn vị quân đội “thần tốc” cùng nhân dân phòng, chống đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

TĐKT - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, quân đội luôn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu trong việc tham gia phòng, chống dịch. Tại đợt dịch thứ 4, toàn quân tiếp tục triển khai “thần tốc”, huy động một lượng lớn nhân lực, phương tiện, trang bị, vật chất, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng y tế, công an…quyết tâm ngăn chặn, khống chế đại dịch, bảo vệ đời sống, sức khỏe, tính mạng nhân dân. Những cuộc hành quân “thần tốc” vào tâm dịch Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 tại nước ta, tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội được coi là những “mặt trận nóng bỏng”. Trước diễn biến dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu phức tạp, mức độ lây lan lớn, trên diện rộng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã triển khai cuộc họp gấp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Tại cuộc họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các công việc cụ thể, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y, giám đốc các bệnh viện quân y khẩn trương triển khai lực lượng “thần tốc” lên đường hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Ngay sau vài giờ đồng hồ nhận lệnh, với tinh thần “thần tốc ra trận”, các đơn vị như: Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bệnh viện Quân y 105, 354 (Tổng cục Hậu cần)…đã lập tức triển khai lực lượng, phương tiện hành quân ngay trong đêm để chạy đua với thời gian, cùng địa phương khống chế đại dịch đang lây lan mạnh mẽ. Trước đó, ngay khi dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu kích hoạt đồng bộ, toàn diện các biện pháp PCD ở các cấp, không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị; rà soát, chuẩn bị khu cách ly tập trung, sẵn sàng thực hiện việc cách ly quân nhân nếu bị nhiễm bệnh.Đồng thời, lập tức điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trang bị đầy đủ thiết bị phòng độc cơ động, xe chuyên dụng, phối hợp với lực lượng y tế địa phương tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại các khu công nghiệp, các xã, thôn, xóm, bệnh viện, khu cách ly công dân và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn.   Bác sĩ Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Bắc Giang Với vai trò xung kích trên tuyến đầu, từ đêm 13/5, Bệnh viện Quân y 110 đã cử 2 đoàn với 520 lượt cán bộ y, bác sĩ hành quân đến vùng tâm dịch, xuyên đêm sát cánh cùng nhân dân địa phương lấy hơn 35 nghìn mẫu sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Sau đó, trong đêm 17/5, các tổ lấy mẫu, xét nghiệm của Học viện Quân y và lực lượng, phương tiện xét nghiệm hiện đại của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng tức tốc lên đường hỗ trợ lực lượng y tếtại chỗ lấy mẫu, làm xét nghiệm. Đồng thời, hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 và số 2 Bộ Quốc phòng cũng được thiết lập khẩn cấp để vừa thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa sẵn sàng tăng cường các tổ xét nghiệm tại các địa phương. Ngoài các lực lượng này, các bệnh viện và các tổ, đội quân y cơ động của nhiều đơn vị khác cũng đã mang theo trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế chi viện cho vùng dịch. Tại Bắc Giang, các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng của địa phương, của ngành y tế triển khai cấp bách các biện pháp PCD. Trung đoàn 831 đã cử 3 tổ công tác phối hợp với lực lượng y tế địa phương thiết lập 3 bệnh viện dã chiến; tổ chức phục vụ khu cách ly y tế tại đơn vị và tham gia bảo đảm cho hơn 3.000 người tại điểm cách ly Khu công nghiệp Vân Trung với hơn 3.000 người cách ly… Với tinh thần “quân với dân một ý chí”, Sư đoàn bộ binh 3 đã tổ chức xuất quân, điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chung tay cùng địa phương chống dịch. Đoàn công tác chia thành 10 tổ, tăng cường phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn tham gia lập chốt phòng, chống dịch, giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm an toàn trong các khu cách ly tập trung; tham gia cùng lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 thành lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1, số 2; cử lực lượng phục vụ gồm 200 nhân viên, chiến sĩ, bảo đảm hơn 20.000 suất cơm, vận chuyển đến các địa điểmđể cung cấp cho người đang cách ly, điều trị Covid-19. Sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, đơn vị Không chỉ có các lực lượng tại chỗ và các đơn vị, bệnh viện quân y, trong đợt dịch lần này, đóng góp của những người lính hóa học cũng hết sức quan trọng. Ngay trong chiều 29/5, sau khi nhận chỉ thị từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hóa học đã nhanh chóng điều động 15 xe đặc chủng, khí tài hiện đại nhất cùng 120 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc hành quân tới Bắc Giang để hỗ trợ địa phương khử trùng, tiêu độc nhằm dập dịch Covid-19. Khi đến nơi, mặc dù trời đã tối, các đơn vị khẩn trương hiệp đồng với lực lượng phòng hóa của Quân khu 1, Quân đoàn 2 tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở 2 huyện Lạng Giang và Tân Yên (Bắc Giang) và hôm sau, các đơn vị chia thành nhiều mũi tiếp tục khử trùng, tiêu độc ở các địa bàn khác. Trước đó, Binh chủng Hóa học đã cử 2 đơn vị thuộc Lữ đoàn 86 cùng Tiểu đoàn 905 khử trùng, tiêu độc ở các huyện Quế Võ, Gia Bình và Thuận Thành (Bắc Ninh). Đặc biệt, trước sự bùng phát trên diện rộng của dịch tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các tỉnh phía Nam, Binh chủng Hóa học đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức phun khử khuẩn trên diện rộng các địa bàn, nhất là các vùng dịch. Điển hình là, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Lữ đoàn phòng hóa 87 và Tiểu đoàn phòng hóa 38 trên địa bàn đã phun khử khuẩn toàn bộ TPThủ Đức, sau đó, tiếp tục chiến dịch phun khử khuẩn toàn bộ các quận huyện ở TP Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hà Nội, sáng 26/7, Binh chủng Hóa học phối hợp với chính quyền địa phương đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm, sau đó triển khai trên các địa bàn có dịch bùng phát khác của thành phố để phòng dịch Covid-19. Đây được đánh giá là lần đầu tiên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh lây lan. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị thuộc Binh chủng Hóa học đã huy động hơn 1.300 lượt bộ đội cùng 210 lượt phương tiện tổ chức phun khử khuẩn trên các địa bàn vùng dịch với tổng diện tích gần 4,9 nghìn hec-ta, hơn 2,3 nghìn km đường giao thông các loại. Theo Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, muốn khống chế dịch đợt này, việc quan trọng nhất là phải truy vết kịp thời, ngăn chặn đà lây, từ đó khoanh vùng dập dịch. Thực hiện yêu cầu trên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, kịp thời tham mưu với các cấp tập trung chỉ đạo xét nghiệm các địa bàn trọng điểm, trong các khu cách ly, phong tỏa và các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao, đồng thời chỉ đạo các địa phương lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng. Tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia truy vết; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo Sở Y tế tỉnh phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tăng cường, bảo đảm hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm... Một lực lượng khác không thể không nhắc tới đó là những chiến sĩ dân quân tự vệ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đã huy động hơn 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ PCD tại hơn 1.200 chốt PCD và gần 200 khu cách ly tập trung. Lực lượng này đã phối hợp với các tổ Covid cộng đồng đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác PCD; hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế ngay trong lúc dịch Covid-19 phức tạp. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, lúc cao điểm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia quản lý, phục vụ tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thiết lập 288 chốt PCD, điều động gần 700 cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ tham gia cùng với công an, y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ. Trên địa bàn Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp với bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường 574 dân quân tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam-Campuchia, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và PCD. Lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức 28.506 đồng chí bộ đội và dân quân tham gia PCD tại 3.320 tổ, chốt, khu vực phong tỏa và các điểm cách ly trên địa bàn. Đối với địa bàn Quân khu 9, lực lượng vũ trang cũng chủ động tham gia tích cực cùng địa phương PCD. Quân khu đã điều động bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng các trang bị, tàu thuyền tăng cường cho 434 tổ, chốt trên tuyến biên giới PCD Covid-19; tham gia phục vụ 18 điểm cách ly tập trung công dân để tiếp nhận cách ly hơn 2.300 công dân. Ngoài các lực lượng trực tiếp xông pha trong tuyến đầu hỗ trợ các địa phương chống dịch, tại đợt dịch thứ 4, các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nổi bật trong đó phải kể đến những đóng góp “thầm lặng” của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Từ nhiều ngày qua, kể từ khi dịch bùng phát, Bộ đội Biên phòng đã triển khai, thành lập hàng ngàn chốt, trạm kiểm soát, phòng, chống dịch trên địa bàn biên giới đất liền, trên biển. Hiện nay, trên tuyến biên giới trên đất liền, trên biển, lực lượng biên phòng đang duy trì 1.971 tổ chốt với 13.542 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng, trên 30 tàu thường xuyên tuần tra trên vùng biển, kịp thời phát hiện hàng nghìn trường hợp xâm nhập trái phép. Tại vùng dịch thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An); trước tình hình dịch ngày một phức tạp, ngay tối 19/6, bộ đội phòng hóa Quân khu 4 phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An triển khai phun thuốc khử khuẩn trên diện rộng ở địa bàn thành phố Vinh. Lực lượng hóa học của toàn quân khu đã chia thành các tổ để phun khử khuẩn toàn thành phố Vinh với tinh thần khẩn trương, cùng với chính quyền địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn quân khu đã cử nhiều lực lượng, tổ công tác đến các địa phương giúp nhân dân PCD Covid-19.   Các đơn vị thuộc Quân khu 7 tổ chức “Gian hàng 0 đồng” phục vụ nhân dân vùng dịch Diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang là mối quan tâm, lo ngại của nhiều người. Trước diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn phía Nam, trước khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, với sự chủ động của mình, Bộ Quốc phòng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do đồng chíThượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn vào thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội và giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền địa phương PCD Covid-19. Ngay khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã thành lập Ban chỉ đạo PCD Covid-19 và thành lập Ban chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự quân khu để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong toàn quân khu thực hiện tốt công tác PCD Covid-19. Quân khu kích hoạt toàn bộ hệ thống PCD Covid-19 tại các đơn vị trong toàn quân khu ở mức độ cao nhất. Cùng với đó, quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp với lực lượng biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường hàng nghìn bộ đội, dân quân phối hợp với bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và PCD. Đồng thời, lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia PCD tại 3.320 tổ, chốt, khu vực phong tỏa và các điểm cách ly trên địa bàn. Quân khu phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng thành lập 5 đội phun khử khuẩn, sẵn sàng cơ động tham gia khử khuẩn trên địa bàn. Quân khu đã chuẩn bị 311 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận hơn 87.000 người. Từ khi dịch bùng phát đến nay đã tiếp nhận, cách ly gần 116.000 công dân; triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5, quy mô 500 giường, hiện đã tiếp nhận điều trị 432 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, Quân khu tiếp tục triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, quy mô 500 giường bệnh đặt tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương). Quân khu chỉ đạo các bệnh viện quân y trực thuộc chuẩn bị 39 tổ PCD với 156 cán bộ và 39 xe cứu thương, sẵn sàng triển khai khi có lệnh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7 tăng cường cho địa phương hàng trăm cán bộ, nhân viên, hỗ trợ tiêm vaccine tại quận 2, TP Thủ Đức hàng chục nghìn mũi an toàn; lấy mẫu xét nghiệm tại phường Phú Hữu, phường Tân Phú (TP Thủ Đức) hàng chục nghìn người. Các đơn vị lực lượng vũ trang quân khu sẵn sàng phương án nhường doanh trại, nơi ăn, ở, sinh hoạt để phục vụ nhiệm vụ cách ly khi có yêu cầu. Trong lúc dịch giã, quân khu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Siêu thị 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”... để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động quân nhân tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa. Những việc làm thiết thực, thắm tình quân dân đó đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong tình hình mới. Ngoài lực lượng tại chỗ, Bộ Quốc phòng đã huy động 1.360 cán bộ, nhân viên quân y, kỹ thuật viên xét nghiệm của 11 đầu mối đơn vị mang theo 9 máy xét nghiệm SARS-CoV-2 và 2 xe xét nghiệm lưu động vào trực tiếp hỗ trợ các tỉnh phía Nam PCD. Lực lượng vận tải quân sự toàn quân đã huy động tối đa phương tiện tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho các khu vực bị phong tỏa, cách ly, bảo đảm đời sống cho người dân. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong PCD Covid-19 mà Bộ Quốc phòng vừa được Chính phủ tin tưởng, giao nhiệm vụ đó là trực tiếp tham gia điều hành, triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. Trong chiến dịch này, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao triển khai tổ chức Sở chỉ huy BCĐ chiến dịch, Văn phòng điều hành chiến dịch; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn, truyền hình trực tuyến; xây dựng hệ thống kho bảo quản vaccine; tiếp nhận, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng tại các địa phương; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, thiết kế “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm…Với sự chủ động, triển khai quyết liệt, đến nay, các cơ quan, đơn vị được giao tham gia chiến dịch đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng kế hoạch đã xác định. BQP phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành thiết lập Sở chỉ huy chiến dịch và Văn phòng đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng và Cục Quân y để chỉ đạo, điều hành, tổng hợp các số liệu về chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc. Trong thời gian ngắn, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã thiết kế “Sổ sức khỏe điện tử”, hiện đơn vị đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng chức năng, tiện ích để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ tốt nhất chiến dịch. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã rà soát, thiết lập được 8 kho bảo quản vaccine tại 7 đầu mối quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, dự kiến sẽ tiếp nhận, bảo quản khoảng 113 triệu liều vaccine các loại. Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) xây dựng kế hoạch vận chuyển, cấp phát vaccine đến các điểm tiêm tại các quận, huyện trên toàn quốc với tổng số hơn 1.300 xe. Đội ngũ lái xe phục vụ chiến dịch tiêm chủng hiện đang được tuyển chọn và tập huấn về chuyên môn để bảo đảm vận chuyển an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, hàng hóa. Hiện tại, Lữ đoàn 971, Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải) đã tổ chức các chuyến vận chuyển vaccine đầu tiên từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất về các kho của Bộ Y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với hơn 3 triệu liều, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại nhiều địa bàn, diễn biến hết sức khó lường, Học viện Quân y đã mang lại tín hiệu vui khi đơn vịđược chọn làm điểm để thử nghiệm và hiện đã hoàn thành tiêm cho 13.000 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine phòng COVID-19 Nano Covax do Công ty Cổ phần Nanogen sản xuất. Kết quả này đã tạo nên sự lạc quan, hi vọng rất lớn vào việc nước ta sẽ chủ động được nguồn vaccine tại chỗ để tiêm phòng cho người dân, tiến tới tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19. Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, “cuộc chiến” với “giặc” Covid-19 vẫn còn hết sức cam go, song có thể khẳng định, những kết quả trong công tác PCD của nước ta đến thời điểm này là rất đáng khích lệ. Có được kết quả ấy, lực lượng quân đội có đóng góp hết sức quan trọng, nhất là những người lính xung kích trên tuyến đầu. Hình ảnh những người lính không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn có mặt tại các vùng dịch, điểm nóng đã trở thành điểm tựa tin cậy, vững chắc của chính quyền, nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần quân đội luôn xung kích, đi đầu trong mọi tình huống, góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới./. Thượng tá Nguyễn Thị Tố Loan Phòng Thi đua - Khen thưởng, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam  

Trang