Sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2021), 40 năm Ngày thành lập Nhà xuất bản CAND (10/2/1981 - 10/2/2021), 10 năm Ngày phát sóng Kênh Truyền hình CAND (11/12/2011 - 11/12/2021) và đón nhận Huân chương Lao động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Báo CAND; trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Nhà xuất bản CAND; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Truyền hình CAND vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của lực lượng CAND, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Báo CAND, Nhà xuất bản CAND và Truyền hình CAND đạt được trong thời gian qua, nhấn mạnh các phần thưởng cao quý vinh dự đón nhận hôm nay một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ chiến sỹ, những người làm báo chí, xuất bản CAND.
Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí, xuất bản và toàn thể đội ngũ những người làm báo tiếp tục lực lượng tiên phong trên mặt trận thông tin, truyền thông về an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, bảo đảm trật tự, an toàn, công bằng xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Công an Nhân dân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
"Tinh thần chung là mỗi người dân là một chiến sỹ an ninh đồng hành và cộng tác với các đồng chí; tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động của Truyền thông CAND cũng như tăng khả năng tiếp cận với những người dân, cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước yêu cầu báo chí - xuất bản CAND phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phân tích và làm rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch nhằm tạo ra sức "đề kháng" mạnh mẽ cho cán bộ chiến sỹ và Nhân dân chống lại các hiện tượng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
"Trong môi trường không gian ảo, rất nhiều hình thức tội phạm mới tấn công vào tâm lý, thông tin xấu, độc, gây tác dụng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của xã hội. Các đồng chí phải là người đi đầu, đi sâu phân tích các xu hướng, có các bài phân tích sâu sắc, làm sáng tỏ, từ đó giúp người dân nâng cao năng lực cảnh giác, hình thành các thói quen tốt, có ích cho tiến bộ chung của toàn xã hội. Công tác chính trị, tư tưởng - công cụ mềm này có vị trí rất quan trọng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành Công an", Chủ tịch nước căn dặn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Cục Truyền thông Công an nhân dân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Ngày 1/11/1946, Báo "Công an mới" - tiền thân của Báo CAND chính thức phát hành số đầu tiên, hoà vào dòng chảy sôi động của báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua 75 năm, dù tên gọi và nhiệm vụ ở từng giai đoạn khác nhau song Báo đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc, được xác định là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia. Báo có số lượng phát hành lớn trong toàn quốc với các ấn phẩm có thương hiệu riêng, như: Báo CAND hàng ngày, An ninh thế giới, Văn nghệ Công an...
Cách đây 40 năm, Nhà xuất bản CAND ra đời và đến nay đã xuất bản hàng triệu ấn phẩm góp phần tổng kết tri thức, kinh nghiệm về lý luận nghiệp vụ và thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND, trong đó có Từ điển CAND Việt Nam; Bách khoa thư CAND, hệ thống giáo trình các trường CAND...
Ngày 11/12/2011, Kênh Truyền hình CAND phát sóng chính thức, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí CAND trong xu thế truyền thông hiện đại. Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về an ninh trật tự của Việt Nam, phát sóng 24/24h theo chuẩn HD trên tất cả các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình Internet và truyền hình số vệ tinh. Sau 10 năm phát sóng, Truyền hình CAND đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vị trí là một kênh truyền hình chính luận trong lòng khán giả, được xác định là một trong 7 kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, với hơn 300 phút tự sản xuất mới mỗi ngày, bao gồm 23 chuyên mục, 9 bản tin.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của Bộ Công an, đồng thời để phù hợp với xu thế của báo chí truyền thông hiện đại, Báo CAND, Nhà xuất bản CAND, Truyền hình CAND đã được hợp nhất trong một "mái nhà chung" là Cục Truyền thông CAND.
Theo TTXVN