Điển hình tiên tiến

Trồng cây ăn quả có múi mang về thu nhập tiền tỷ

TĐKT - Từ quyết định táo bạo chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, tới nay gia đình chị Đoàn Thị Hiên, thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã sở hữu diện tích lớn chanh tứ thời, cam V2, bưởi các loại... Mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Chị Đoàn Thị Hiên Như những người phụ nữ khởi nghiệp khác, chị Hiên gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, quản lý nhân sự, cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò trong gia đình, xã hội. Nhưng được sự hỗ trợ của người thân và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự nỗ lực của bản thân, chị đã từng bước đi tới thành công. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, những năm qua, chị Hiên không ngừng tìm tòi, học hỏi, tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hăng hái tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với cơ cấu vùng miền của xã. Năm 2005, nhận thấy 6 ha trồng cây lâm nghiệp của gia đình kém hiệu quả, chị Hiên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử trên 100 cây chanh tứ thời. Chuyển đổi cây trồng mới, kinh nghiệm chưa có, chị phải học hỏi mô hình cây ăn quả ở các địa phương khác để áp dụng kỹ thuật chăm sóc, đầu tư diện tích của gia đình. Vừa làm vừa từng bước tích lũy kinh nghiệm, sau hơn 10 năm, gia đình chị Hiên đã phủ kín 6 ha đất bằng các loại cây ăn quả, trong đó có 5 ha cây cam V2, diện tích còn lại là chanh tứ thời và bưởi các loại. Năm 2013, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn 20 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng tham gia. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Đoàn Thị Hiên cho thu nhập cao, được nhiều tổ chức, cá nhân tới tham quan, học tập Từ diện tích cam, chanh bố mẹ ban đầu, năm 2020, chị Hiên đã mua, thuê 8 ha đất ở xã Đội Cấn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để trồng thêm và làm vườn ươm cây giống. Bình quân mỗi năm gia đình chị Đoàn Thị Hiên thu hái được 40 tấn quả có múi; chiết, ghép 2 vạn cây giống bán ra thị trường, tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương. Chị cho biết: “Chúng tôi là áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn Vietgap, giá cả ổn định, chất lượng, an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng theo một quy trình khép kín. Trong quá trình tạo ra sản phẩm, không tạo ra khí thải độc hại, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn. Thông điệp của tôi muốn gửi đến khách hàng về công nghệ sản phẩm, đó là “Vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi luôn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn”.” Chị Đoàn Thị Hiên phấn khởi khoe thành quả sau thời gian chăm sóc vườn chanh tứ thời. Ngoài việc làm kinh tế tại gia đình, chị Hiên còn tích cực động viên chị em phụ nữ trong Chi hội tham gia xây dựng phong trào Hội, vận động hội viên thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” theo 4 tiêu chuẩn "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhờ mô hình cũng như sự giúp đỡ của chị Hiên, trên 100 gia đình hội viên hội phụ nữ trong tổ sản xuất đã có kiến thức, có việc làm và thu nhập, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. “Với phương châm “sát cánh cùng người sản xuất, đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu của tôi là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả có múi an toàn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo trong thôn, xã, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tiến tới thành lập hợp tác xã trong tương lai gần.” - Chị Hiên chia sẻ. Chị đang phối hợp với các hội viên khác mở rộng diện tích cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2022, gia đình chị và các hội viên phụ nữ trong thôn sẽ có tổng diện tích cây ăn quả là 73 ha, sản lượng ước đạt gần 1.100 tấn cam, chanh, bưởi các loại, tiến tới thành lập hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong thôn, xã. Phương Thanh      

Người cung cấp thuốc nam miễn phí ở Cần Thơ

TĐKT – Năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ngày ngày ông Mai Văn Phấn vẫn cùng bà Lê Thị Dồi (ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vượt kênh mương, băng đồng ruộng để tìm cây thuốc nam giúp người. Ông Phấn cho biết, trước đây khi còn trẻ, khỏe, cuộc sống nhiều khổ cực nên hai vợ chồng ông bà phải lam lũ, gồng gánh làm đủ thứ nghề từ nuôi vịt chạy đồng, hàng sáo, cấy lúa mướn, dệt chiếu, cắt môn làm dưa, chèo xuồng chở xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu… để bán. Sau khi tích cóp được một số tiền, ông bà chuyển sang nuôi vịt, mua đất vườn trồng cây ăn trái, nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định. Tuy nhiên, ổn định chưa được bao lâu, ông lại ngã bệnh, phải chạy vạy chữa trị khắp nơi. May sao được chữa khỏi bệnh miễn phí bằng thuốc nam, ông bà Năm Phấn thấy việc tìm thuốc cứu người thật ý nghĩa. Bởi vậy, đi làm hễ thấy có cây thuốc là ông bà nhổ, chặt đem về để xắt, phơi. Lâu dần, nhà ông bà trở thành điểm tìm thuốc nam từ thiện. Để nhận dạng được mặt cây thuốc, vợ chồng ông Phấn phải học thêm từ những thầy thuốc và thông qua tư liệu sách, báo… để tìm. Vì cây thuốc thường mọc tại những nơi ít người khai phá nên nhiều lúc ông Phấn phải len vào những lùm cây gai góc, lội vào ao, sình lầy lún đến cổ chỉ để tìm. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như rắn độc cắn, ong chích. Tuy vậy, vợ chồng ông bà vẫn không nề hà, gắn bó với công việc thiện nguyện này cho đến nay. Ông bà Năm Phấn mấy mươi năm tìm thuốc giúp người. Ảnh: Duy Khôi Do lượng cây thuốc ngoài tự nhiên ngày càng ít nên vào năm 2008, ông quyết định đem nhân giống những cây dược liệu khó kiếm như: Cây chó đẻ, óc chó, hà thủ ô, cỏ xướt khô… về trồng ở đất vườn nhà. Nhờ đó, lượng dược liệu lúc nào cũng dồi dào. Trung bình mỗi tháng, ông bà Năm tìm được chừng 50 bao thuốc nam với gần 1 tấn thuốc. Số thuốc này dùng tặng các phòng thuốc nam miễn phí ở Cần Thơ. Nhiều người hỏi mua, ông bà nhất định không bán. Nhiều người biết đến việc làm ý nghĩa của ông bà thì đến xin thuốc về uống hoặc ngâm rượu. Ai nghèo, ông bà lại cho thêm tiền xe ôm, tiền mua rượu về ngâm thuốc. Việc làm ý nghĩa của ông bà lâu nay được bà con trong xóm ủng hộ hết mình. Ai có cây thuốc hay, vị thuốc quý cũng mang đến cho ông bà. Nhiều người đến nhà ông bà mỗi ngày để chặt thuốc nam từ thiện. Thường xuyên nhất là bà Lê Thị Nhân (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lắm (78 tuổi). Mỗi sáng hễ xong việc nhà là hai bà lại rủ nhau đến nhà bà Năm để chặt thuốc. Tuổi già vừa chặt thuốc, vừa rỉ rả chuyện làng xóm, cháu con. Bà Lê Thị Nhân cho biết: “Giờ già yếu, mình làm được gì có ích thì làm”. Không chỉ có láng giềng, ngay cả các con ông bà Năm cũng “nối nghiệp” của cha mẹ. Những người con ở gần hằng ngày đến phụ cha mẹ phơi thuốc. Chị Mai Thị Hẹ, con gái ông bà Năm, nói: “Thấy cha mẹ làm việc thiện mà vui vẻ, lại khỏe mạnh thì anh em tôi ai cũng vui và tranh thủ phụ giúp. Cũng là để dạy dỗ con cái mình lối sống tình nghĩa, đạo đức”. Ngôi nhà ông bà Năm Phấn nằm ven theo con kênh đoạn gần giáp với sông Hậu, có vườn rộng rãi, thoáng mát với đủ loại thuốc khác nhau. Ông bà phơi thuốc trên các tấm đệm, mỗi tấm phơi một loại thuốc: Gừa, rau mác, từ bi, đinh lăng, vông đồng… rất bắt mắt và mùi thuốc cứ thoang thoảng suốt ngày. Dưới bóng râm của mấy gốc bưởi, ông bà Năm cùng bà con lối xóm chặt thuốc nam suốt ngày. Ai nấy mái đầu đều bạc trắng cùng hiệp ý làm việc thiện. Thắc mắc vì sao điểm chặt và phơi thuốc của ông bà lại là một trường học đã không còn hoạt động, mới hay rằng, từ sau năm 1975, thấy các em nhỏ ở địa phương đi học còn khó khăn do đường đến trường xa xôi, trắc trở, ông bà Năm Phấn cho địa phương mượn nền đất ở Xẻo Vĩnh xây trường bằng cây lá. Sau đó, ngôi trường này được dời về xây bằng bê tông kiên cố ở cạnh nhà ông bà Năm. Cách đây 5 - 7 năm, do địa phương đã được đầu tư trường học khang trang, đạt chuẩn nên các em học sinh được dời về học tại đó. Ngôi trường nhỏ cạnh nhà ông bà Năm trở thành nơi làm thuốc giúp người. Ngôi trường đã “kết thúc sứ mệnh” nhưng việc nghĩa của ông bà Năm thì cứ lan tỏa mãi. Bà Năm kể, bây giờ nhiều thế hệ học trò của ngôi trường xưa học hành thành đạt, thỉnh thoảng ghé thăm ông bà, nhắc lại tấm lòng ông bà cụ thảo thơm với lũ trẻ. Nhìn ông bà Năm Phấn tuổi vào hàng thượng thọ lại cực nhọc mỗi ngày với cây thuốc, vị thuốc lại ngẫm chuyện đời: Cực hay sướng, vui hay buồn còn do cách mỗi người nghĩ và lựa chọn để sống. Thục Anh

Vươn lên làm giàu nhờ sự mạnh dạn và ham học hỏi

TĐKT - Siêng năng, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, dám nghĩ, dám làm, đó chính là những điểm chung của những người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Họ là những nhân tố quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân trên địa bàn. Người hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nhà nông Anh Nguyễn Văn Đoàn cư trú tại tổ 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cách đây 20 năm, với 2 bàn tay trắng, từ Nghệ An vào Lâm Đồng làm công nhân, nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sự nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn, đến nay, anh đã gây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mang tên Hợp tác xã Nam Sơn, do anh làm Giám đốc. Anh Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Nam Sơn Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới là tậu được 2 sào vườn tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Có đất, ngày vẫn đi làm thuê, tối tới hai vợ chồng lại tranh thủ xới đất trồng cà rốt, khoai lang. Sẵn có kinh nghiệm tích lũy được từ công việc làm thuê, vợ chồng anh Đoàn nhanh chóng gặt hái được những thành quả lao động. Có được sản phẩm, hai vợ chồng lại thuê xe chở xuống chợ đầu mối Thủ  Đức (TP Hồ Chí Minh) để tìm đầu ra. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, các chủ vựa nông sản đã nhanh chóng gật đầu và đề nghị gia đình anh Đoàn cung cấp nông sản với số lượng lớn, ổn định. Thấy cơ hội làm ăn đã mở, về nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng mở rộng diện tích củ cải, cà rốt và khoai lang, anh cam kết nhận bao tiêu đầu ra. Đến nay, Hợp tác xã chuyên sản xuất cà rốt, khoai lang Nhật, củ cải… thu hút trên 600 hộ dân, thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà tham gia. Tổng sản phẩm mỗi ngày của hợp tác xã Nam Sơn quy ra tiền lên tới 1 tỷ đồng. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt gần 4 tỷ; các hộ tham gia HTX Nam Sơn đều có lãi trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ giúp gia đình và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, trung bình mỗi năm anh Nguyễn Văn Đoàn đóng thuế cho Nhà nước khoảng 200 triệu đồng, xây dựng 10km đường cấp phối, ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện... Vừa qua, gia đình anh còn hỗ trợ 4 tỷ để xây thêm phòng học cho trường tiểu học Nam Sơn. Những năm qua, anh Đoàn còn giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Giúp đỡ cho trên 100 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo. Nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi Với mong muốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo nhiều năm đeo bám gia đình, chị Ka Niếu, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng mạnh dạn tham gia mô hình HTX Nam Sơn. Chị Ka Niếu, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đang chăm sóc cây ớt Từ 1 ha đất sản xuất cà phê khô cằn, năng suất thấp, được sự tư vấn, hướng dẫn của chính quyền, Hội Nông dân xã, chị Ka Niếu đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác, sang trồng các loại rau, củ, quả (cà rốt, củ cải, khoai lang…). Để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo sự ổn định trong việc đầu tư sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm, chị đã chủ động liên kết với HTX Nam Sơn. Đến nay, tổng diện tích sản xuất của gia đình là 20 ha, trong đó đất sản xuất của gia đình là 10 ha, còn 10 ha là đất thuê của bà con trong vùng (với 30 lao động thường xuyên; thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/ tháng/1 lao động và trên 50 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/1 lao động). Từ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của gia đình chị, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở địa phương đã đến học tập kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất, chị nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ để giúp nhiều hộ vượt khó vươn lên. Nhiều gia đình từ việc làm công và với sự hướng dẫn của chị Ka Niếu đã học hỏi thêm kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng vườn nhà mình. Đến nay, toàn thôn có 180 hộ trồng rau, hoa, củ, quả và thực hiện liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm với diện tích 180 ha. Sự nỗ lực vượt lên khó khăn, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp gia đình chị thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ đời sống và sản xuất, con cái được học hành. Vững vàng về kinh tế là yếu tố quan trọng để chị và bà con đồng bào mình cùng đi lên xây dựng cuộc sống ấm no. Bản thân chị và gia đình luôn tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới như: Đóng góp tiền, của cho thôn làm đường giao thông liên thôn. Hàng năm, giúp đỡ 2 đến 3 hộ nghèo, hộ khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Hơn 10 năm qua, gia đình chị liên tục được Hội Nông dân các cấp (từ cơ sở đến Trung ương Hội) công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Anh Đoàn, chị Ka Niếu là hai trong số những gương mặt tiêu biểu minh chứng cho sự mạnh dạn thay đổi và ham học hỏi của những người nông dân thời đại mới. Mô hình phát triển kinh tế của họ chính là kết quả của hướng đi đúng đắn mà tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các mô hình liên kết là động lực quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đưa nông nghiệp Lâm Đồng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Hưng Vũ

Lực lượng An ninh nhân dân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

TĐKT - Sáng 12/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2021) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Buổi kỷ niệm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến giữa điểm cầu Bộ Công an với công an các đơn vị trực thuộc Bộ và công an các tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các Lực lượng vũ trang nhân dân tới dự và phát biểu chỉ đạo. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi kỷ niệm. Cùng dự Lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; toàn thể các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân (ANND) qua các thời kỳ; thân nhân gia đình các anh hùng, liệt sĩ... Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng lực lượng ANND. Cách đây vừa tròn 75 năm, ngày 12/7/1946, lực lượng ANND đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc, khám phá, tiêu diệt tổ chức phản động cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), đập tan cuộc đảo chính của Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp, bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng non trẻ đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đây là mốc son lịch sử chói lọi, đánh dấu chặng đường vẻ vang của lực lượng ANND, trở thành Ngày truyền thống của lực lượng ANND Việt Nam anh hùng. 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng ANND đã kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của Đảng, dân tộc và lực lượng Công an; lập nhiều chiến công và thành tích to lớn, góp phần rất quan trọng làm nên lịch sử và truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân và của dân tộc. Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, chiến công nối tiếp chiến công, đã bồi đắp nên truyền thống vẻ vang của lực lượng ANND: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, dựa vào nhân dân để công tác và chiến đấu; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp, các ngành; không ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao cảnh giác, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, khôn khéo trong đấu tranh với kẻ địch; luôn luôn đổi mới tư duy và biện pháp công tác, mở rộng quan hệ quốc tế về hợp tác an ninh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện tư cách người Công an cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy. Ghi nhận những đóng góp công lao, thành tích to lớn của lực lượng ANND 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng lực lượng An ninh 4 Huân chương Sao Vàng; 39 tập thể được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 32 tập thể, 28 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập; 412 tập thể, 243 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Ba tặng Trung tướng Nguyễn Khắc Khanh; trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Trung tướng Lương Tam Quang, đồng chí Vũ Chiến Thắng, Trung tướng Đặng Ngọc Tuyến. Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng lực lượng ANND; trao Huân chương Quân công hạng Ba tặng Trung tướng Nguyễn Khắc Khanh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, nguyên Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng các đồng chí: Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Trung tướng Đặng Ngọc Tuyến, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân đã bền bỉ, nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt 75 năm qua. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lịch sử của lực lượng ANND là lịch sử anh hùng; truyền thống của lực lượng ANND là truyền thống vẻ vang; thành tích của lực lượng ANND là vô cùng to lớn. Qua tất cả các thời kỳ, trên mọi lĩnh vực hoạt động, dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANND đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng; thể hiện rõ vai trò là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng An ninh cần tập trung thực hiện một số mặt công tác lớn. Trong đó nhấn mạnh, bất luận trong hoàn cảnh nào, lực lượng ANND phải luôn giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ; “chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia; nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; thực hiện hiệu quả các quan điểm, phương châm: An ninh chủ động; phải phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố có thể gây mất ổn định; lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính; an ninh quốc gia phải trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước... Lực lượng ANND phải tiếp tục làm tốt công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; vững pháp luật, tinh thông, sắc bén nghiệp vụ, am hiểu về khoa học - kỹ thuật, tận tụy, sáng tạo, mưu trí và dũng cảm trong chiến đấu. Không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức, nội dung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; không ngừng củng cố nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc... Bên cạnh đó, lực lượng ANND phải làm thật tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ hiệu quả đường lối đối nội, đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu..., hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trước diễn biến tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng Công an từ trung ương đến cơ sở, tập trung lực lượng, khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, lực lượng tuyến đầu vùng dịch không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung kích, làm nhiệm vụ phòng, chống dịch... Nguyệt Hà

Khởi nghiệp từ “Bánh mì 0 đồng” đặc biệt thương nhau

TĐKT -  Hơn 1 tuần nay, hình ảnh những người "bán hàng rong" với trang bị mặt nạ chống giọt bắn, khẩu trang N95, găng tay y tế chở theo sọt bánh mì, vừa đi vừa rao thân thương “Bánh mì Sài Gòn – 0 đồng một ổ. Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”, đã dần trở nên quen thuộc trên nhiều con phố tại TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm nghìn người khó khăn trên địa bàn thành phố đã ấm bụng qua đêm dài trong mùa dịch nhờ những chiếc “bánh mì 0 đồng” đầy nghĩa tình này. Khởi nghiệp từ tình yêu thương sẻ chia chân thành Các thành viên trong nhóm “Bánh mì 0 đồng” đang đi tặng bánh cho người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh Những ngày qua, với số ca nhiễm Covid – 19 liên tục tăng lên hàng ngày, TP Hồ Chí Minh hiện là tâm dịch của cả nước. Từ một thành phố hoa lệ, với những tòa nhà cao ốc chọc trời, những con đường, phố sá sầm uất, đông người qua lại... thành phố Hồ Chí Minh trở nên tĩnh lặng. Không ít người cảm thấy xót xa, nghẹn lòng khi chứng kiến thành phố gánh gồng 10 triệu dân – người anh Hai giàu có của cả nước đang oằn mình trong cơn bão Covid. Vốn là người gốc Hải Phòng nhưng được Sài Gòn chở che, ôm ấp từ năm lên 10 tuổi, Hoàng Đức Huy luôn day dứt khi nhìn thấy quê hương thứ hai của mình “bị bệnh”. Đặc biệt, mỗi ngày đi làm, bắt gặp những người nghèo, ngày ngày dựa vào đường phố mưu sinh, là người bán vé số, những người lượm ve chai, những người khuyết tật, người già cơ nhỡ, người lao động khốn cùng mất việc… đang loay hoay tìm miếng ăn, chốn ngủ qua ngày trên một vài góc phố, hay dưới những cột đèn, gốc cây, Huy không khỏi trăn trở, mong muốn làm được điều gì đó, dù là muối bỏ bể, để đáp lại phần nào ân tình của quê hương thứ hai đối với mình bao năm tháng qua. Để góp sức cùng thành phố - “người anh lớn hào phóng” che chở được cho “những đứa em thơ dại từ mọi miền Tổ quốc về đây kiếm sống mưu sinh”, chàng trai trẻ đã quyết định khởi nghiệp với dự án thiện nguyện “Bánh mì 0 đồng”. Hơn 1 tuần nay, dù bận rộn với công việc chính là một chuyên viên ngành vận tải hàng không Air Cargo, đồng thời là giảng viên trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Hoàng Đức Huy đã nỗ lực cân đối thời gian, vừa đứng ra kêu gọi quyên góp, thành lập nhóm "Bánh mì 0 đồng"; đồng thời tiến hành tổ chức các hoạt động phát miễn phí các suất bánh mì kẹp, xôi và khẩu trang, nước uống đến những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nhiều người tự giác tham gia phụ giúp công việc ý nghĩa của nhóm “Bánh mì 0 đồng” Huy cho biết, anh bắt đầu kêu gọi sự chung tay của bạn bè và cộng đồng xã hội từ ngày 2/7. Ban đầu, hoạt động mới thu hút sự tham gia chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp quen biết nhau và có chung "máu" thiện nguyện. Vào các tối thứ 2, 4, 6, nhóm "Bánh mì 0 đồng" lại tập hợp, khoảng 20 người chia thành đội hậu cần (lo nấu xôi, làm bánh mì) và đội "bán hàng" (di chuyển phân phát bánh theo các cung đường bàn sẵn). Khoảng 18h, mọi người tập trung chia đồ, cho xúc xích, bánh mì, sữa hay xôi thành từng phần. Sau đó, nhóm phân chia tuyến đường sẽ đi, phát đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, găng tay cho thành viên. Khoảng 20h, các chuyến xe lần lượt xuất phát và đến khi nào "bán" hết đồ mới về. Có ngày, khi những chiếc sọt bánh rỗng không cũng là lúc đồng hồ chỉ 0h. Nhưng ai trong nhóm “Bánh mì 0 đồng” cũng cảm thấy vui, khoẻ hơn bao giờ hết. "Có nhiều cô chú, em nhỏ ở gần khu vực nấu đồ ăn cũng nhiệt tình giúp. Mỗi người chia nhỏ công việc, đem về nhà làm để tránh tập trung đông người. Ai cũng hy vọng có thể giúp những mảnh đời kém may mắn hơn mình có được suất ăn đầy đặn". – Huy chia sẻ. Nhiều em nhỏ cũng thể hiện tấm lòng của mình bằng cách tham gia chuẩn bị những phần bánh mì, xôi cho đội “bán rong” Cứ như vậy, mỗi buổi tối, nhóm "Bánh mì 0 đồng" phát được khoảng 1.500 phần, giúp đỡ các xóm lao động bị phong toả do dịch, tiếp tế nhu yếu phẩm. Điều ý nghĩa hơn cả đó là, ngoài tặng đồ ăn, đồ uống, nhóm "Bánh mì 0 đồng" còn gửi đến người dân nghèo những chiếc khẩu trang vải và lời nhắc tuân thủ 5k cùng câu nói động viên ấm áp “Ráng lên nha, rồi dịch sẽ sớm qua thôi”. Đặc biệt, mỗi buổi tối đi "bán rong" bánh mì 0 đồng, Huy đều chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình. Những cảm xúc, những câu chuyện mà các thành viên trong nhóm đều được ghi thành những dòng nhật ký đầy ý nghĩa, hướng con người ta đến những điều tốt đẹp, thấm đẫm tình người. Bản báo cáo bán hàng đặc biệt  Bởi vậy, dù “Bánh mì 0 đồng” mới triển khai đc hơn 1 tuần nhưng đã có rất nhiều người có tấm lòng nhân ái, mạnh thường quân có chung nguyện vọng đồng hành cùng nhóm của Huy. Đến nay, nguồn lực của các nhà hảo tâm mà Huy thường gọi là Shark gửi gắm qua Huy và nhóm thiện nguyện đã lên tới hơn 500 triệu đồng. Số tiền thu được nhóm tổng hợp trong một báo cáo rất chi tiết, công khai hàng ngày trên mạng xã hội facebook của Huy. Huy đang đi phát bánh mì tặng người nghèo ở trên địa bàn thành phố Đọc bản báo cáo bán hàng của nhóm ngày 6/7, chị Đặng Thị Thu Hằng, một nữ kế toán ở Hà Nội chia sẻ: Công việc của tôi từng thực hiện và đọc chắc có đến vài ngàn các thể loại báo cáo bán hàng, báo cáo kết quả kinh doanh, mà chưa bao giờ lại cảm thấy có nhiều cảm xúc như khi đọc báo cáo kinh doanh của Startup “Bánh mì 0 đồng” . “Đây là một bản báo cáo kinh doanh đặc biệt, bởi số vốn được huy động trong thời gian ngắn kỷ lục (4 ngày) với số tiền lớn bất ngờ. Đến nay nhóm đã kêu gọi được 240.202.300 đ tiền mặt; 7000 khẩu trang, 3 thùng cá hộp. Tổng số sản phẩm được nhóm bán ra là: 1000 phần bánh mì + xúc xích + sữa đặc có đường = 9,4 triệu; 420 phần xôi giò muối mè nóng bỏng tay do vợ chồng chị Huyền, anh Thảo và xóm nhà lá Gò Vấp bỏ công bỏ sức nấu ủng hộ (giá vốn nguyên vật liệu: 5.606.000đ). Doanh số bán hàng 0 đồng và mãi mãi 0 đồng; với một lời rao duy nhất “Cô chú anh chị cầm ổ bánh mì ăn chơi! Ráng lên nha, rồi dịch sẽ sớm qua thôi!”” – Chị Hằng nhớ như in những dòng trong báo cáo. Đặc biệt, ấn tượng mà nhiều facebooker khi đọc bản báo cáo kinh doanh ngày hàng ngày của nhóm “Bánh mì 0 đồng” đó là mục “lợi nhuận”. Nó được tính bằng con số: “xấp xỉ 1500 nụ cười cảm ơn, 1500 cái gật đầu, 1500 ánh mắt vui lên của những người nhận; tối hôm qua, họ không bị đói. Những người không nói cảm ơn, đó là vì họ đang ngủ, Huy và các bạn lén để lại bánh mì bên cạnh họ ngay cả khi họ không biết, để sáng mai họ ngủ dậy có cái mà ăn, có cái mà vui để bước vào ngày mới mưu sinh đầy gian khó - thường là mấy chú xích lô, 23h00 là lăn ra ngủ hết ráo dưới những hiên nhà, kệ Sài Gòn mưa hay nắng.” Đội tình nguyện bán dạo “Bánh mì 0 đông” Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn diễn biến với nhiều phức tạp, người lang thang, vô gia cư, lao động đường phố, lao động mất việc ở thành phố sẽ còn đối mặt với muôn vàn khó khăn phía trước. Huy bảo: “Sài Gòn còn bịnh, còn giãn cách, còn có người đói ăn, thì Huy và các bạn sẽ còn đi bán bánh mì 0 đồng dạo, đến sức cùng lực tận thì thôi, vì một Sài Gòn không bao giờ đơn côi và không ai bị bỏ lại phía sau.” -  Huy chia sẻ. Lời nói ấy của chàng trai trẻ đang thức tỉnh biết bao con tim, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Những ngày qua, cả nước đều đang hướng về Sài Gòn thân thương với những việc làm thiết thực, tình cảm chân thành yêu mến. Thật sự đáng trân trọng! Từ ngày 10/7, gói hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập vì Covid-19 được Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai. Nhưng thiết nghĩ, những tấm lòng nhân ái như Huy và các Shark đang đầu tư vào “Bánh mì 0 đồng” vẫn là chiếc phao cứu sinh kịp thời, ý nghĩa, cùng Đảng, Chính phủ và thành phố giúp Sài Gòn mạnh mẽ, tự tin đi qua đại dịch lần này. Mai Thảo

Chỗ dựa vững chắc của trẻ em mồ côi, tàn tật bị bỏ rơi

TĐKT - Ông Nguyễn Hồng Sơn, sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Ông đã luôn tâm huyết, trăn trở với những trẻ em mồ côi, tàn tật, bị bỏ rơi. Ông Sơn cho biết, với nhiệm vụ được giao là tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, dạy nghề cho các cháu mồ côi không nơi nương tựa, trong những năm qua, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã chăm sóc nuôi dưỡng hơn 500 trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, trẻ bị bỏ rơi khôn lớn trưởng thành. Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Sơn Ý thức được vai trò và trách nhiệm của cấp trên giao phó, ông Sơn đã cùng cấp ủy chi bộ, Ban giám đốc có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Đầu năm 2017, được Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao trách nhiệm, với vai trò Giám đốc, ông đã quản lý, chỉ đạo và điều hành mọi hoạt động của đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, có 102 đối tượng được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ em mồ côi. Các em đang độ tuổi đi học. Trong những năm qua, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã không ngừng cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức và giành được những kết quả cao trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Được sự quan tâm của cấp chính quyền, sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh thời gian qua đã nỗ lực hết mình trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục tập trung đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em được đảm bảo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần hướng tới sự phát triển về mọi mặt. Đây thực sự là ngôi nhà chung, là địa chỉ tin cậy góp phần đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện quá trình xã hội hóa nhằm nhân rộng mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trên toàn xã hội. Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn (bên phải) tặng quà cho trẻ em tại làng Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em đạt kết quả tốt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung quy chế của đơn vị đề ra. Bữa ăn của các em thường xuyên được cải thiện, đảm bảo đủ dưỡng chất, đủ định lượng, hợp vệ sinh. Mặc dù khó khăn nhưng với sự nỗ lực của đơn vị cộng với sự giúp đỡ của các cấp các ngành, các tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế, hiện nay, chế độ cho mỗi em luôn đảm bảo gần 1,5 triệu đồng/ tháng. Các nhà ở của các em đều được trang bị máy điều hòa, bình nóng lạnh… Tất cả các em đang nuôi dưỡng tại Làng trẻ em mồ côi được học tập theo độ tuổi, quần áo, sách vở, xe đạp… trang bị đầy đủ. Riêng các em đang theo học THPT trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng được đơn vị trang bị đầy đủ quần áo, tư trang, đồ dùng học tập để đến trường. Bên cạnh đó, Làng trẻ em mồ côi cũng thường xuyên phối kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, liên hệ đội ngũ học sinh, sinh viên, giáo viên, tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ các em trong học tập. Nhờ vậy, kết quả học tập của các em hàng năm được nâng lên, 90% em đạt học sinh khá, giỏi. 100% em có hạnh kiểm xếp loại tốt; các em học lớp 12 đã tốt nghiệp THPT và đậu đại học đạt tỷ lệ 100%. Song song với việc lo đủ về vật chất, ông cũng luôn chăm lo đến đời sống tinh thần cho các em. Ngoài giờ học, lao động, các em được đọc sách báo, đọc truyện, xem ti vi, luyện tập thể thao. Chính vì vậy, các em phát triển toàn diện về mọi mặt, 100% các em có sức khỏe tốt, không có trường hợp nào bị suy dinh dưỡng. Ông còn phát triển mô hình vườn rau ao cá với diện tích 5000 m2, cung cấp 80% năng lượng rau xanh và 30% nguồn thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn hàng ngày cho các em. Với trách nhiệm và lòng yêu thương đối với các em nhỏ ở Làng trẻ em mồ côi, ông ngày đêm trăn trở làm sao để các em có cuộc sống ấm no, có nước máy để sinh hoạt, mùa hè các em không bị nóng, các trẻ khuyết tật có phòng tập trị liệu phục hồi chức năng riêng biệt. Từ những trăn trở đó, năm 2018, ông đã huy động nguồn vốn từ UBND tỉnh Hà Tĩnh xây mới 3 ngôi nhà cho trẻ với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng. Kêu gọi và huy động nguồn hỗ trợ từ tổ chức Brittany’s Hope của Mỹ, số tiền trị giá hơn 1,7 tỷ đồng, đầu tư trang thiết bị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trị giá 150 triệu đồng, hệ thống giường nệm với kinh phí 256 triệu đồng. Đặc biệt, phía tổ chức cũng nhận đỡ đầu cho 47 cháu với nguồn kinh phí trên 700 triệu đồng/năm. Ông nhớ nhất kỷ niệm năm 2019, Ngân hàng Techcombank Việt Nam cũng đã hỗ trợ 6,5 tỷ đồng xây dựng hội trường đa chức năng nhằm phục vụ cho quá trình giao lưu và sinh hoạt của trẻ em, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không dừng lại ở đó, ông còn kêu gọi các tổ chức xây dựng sân bóng đá nhân tạo cho các em mồ côi có chỗ luyện tập thể thao. Ngoài ra, ông cũng là người nắm bắt kịp thời các thông tin về lao động, để giúp các em đến tuổi trưởng thành tìm kiếm cơ hội cho mình. Ông đã có nhiều sáng kiến như: “Nâng cao đời sống cho đối tượng và cán bộ nhân viên” ; “Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được công nhận và áp dụng vào thực tiễn của đơn vị. Có những sáng kiến còn áp dụng cho các đơn vị khác trên địa bàn toàn tỉnh học tập. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của cấp trên giao phó, ông đã cùng cấp ủy chi bộ, Ban Giám đốc có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Làng đã được nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Riêng cá nhân ông được ghi nhận với nhiều danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông cũng chính là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020. Bảo Hân          

Vươn lên làm giàu từ sầu riêng

TĐKT - Anh Trần Tiến Lên, hội viên Hội Nông dân xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được nhiều người biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Lên đã thành công từ mô hình trồng sầu riêng, với thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp nhiều hội viên phát triển mô hình trồng sầu riêng, thu nhập ổn định. Anh Lên bên vườn sầu riêng của gia đình Trước khi trồng sầu riêng, anh sử dụng 8.000 m2 đất vườn tạp của gia đình để trồng cam. Tuy nhiên, nhận thấy giá của loại trái cây này thường không ổn định, anh Lên quyết định chuyển đổi sang cây trồng mới với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy tiềm năng từ cây sầu riêng, năm 2007 anh Lên đã trồng thử nghiệm giống cây này trên mảnh đất của mình.  “Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi gặp nhiều khó khăn, cây kém phát triển. Tỷ lệ đậu trái thấp và khi thu hoạch thì trái chín bị sượng, hoặc đắng... Vườn cây sầu riêng cũng rụng lá hàng loạt do thiếu nước ngọt.”– anh Lên chia sẻ. Để giải quyết vấn đề này, anh Lên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình và cách làm hay, tham gia những lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Sau khi nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây, anh Lên quyết định vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để cải tạo lại hệ thống tưới tiêu cho vườn sầu riêng. Anh Lên cho biết, trước đây, gia đình anh tốn một khoản chi phí để thuê nhân công tưới nước, phun thuốc. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có ai để thuê. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc đến nay, gia đình anh đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm được chi phí, cây phát triển xanh tốt. Trong quá trình chăm sóc cây sầu riêng, anh Lên đã chủ động áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào canh tác, chịu khó tìm tòi, học hỏi về quy trình sử dụng phân, thuốc và cách xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn. Nhờ vậy, năm 2014, vườn sầu riêng cho năng suất khá cao. Sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu lãi 150 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2019, sầu riêng có giá trên 70.000 đồng/kg, vụ này anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng sầu riêng, anh Lên cho biết: “Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng quả, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, chia làm 3 đợt bón tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương cho rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất”. Thành công từ mô hình trồng sầu riêng, năm 2020, anh Lên mở rộng trồng thêm cây gấc, cho thu hoạch mỗi tuần đạt trên dưới 300 kg, thu lãi khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích quanh nhà chăn nuôi thêm 500 con vịt, thu lãi khoảng 90 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn định hướng bà con địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đặc biệt khuyến khích bà con chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh. Anh cũng đề xuất với Hội Nông dân xã hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để có điều kiện sản xuất, buôn bán nhỏ, nhằm ổn định đời sống gia đình. Sau bao năm miệt mài phấn đấu, anh Lên đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình. Anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị, các con được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều năm liền anh Trần Tiến Lên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp. Bảo Linh  

Phát triển kinh tế từ trồng rau thủy canh theo hướng công nghệ cao

TĐKT - Kiên trì, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tự học, tự bồi dưỡng, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, anh Đào Ngọc Sơn (dân tộc Thái) cùng các thành viên của HTX Quyết Tâm đã xây dựng thành công mô hình trồng rau thủy canh và nuôi cá theo quy trình khép kín đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Con đường mà anh muốn theo đuổi là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tạo ra các sản phẩm sạch, cung cấp đến tận tay người tiêu dùng. Rau được anh Sơn sản xuất theo hình thức thủy canh, trồng giàn nhiều tầng Anh Đào Ngọc Sơn cho biết: Thành phố Lai Châu là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu, là nơi tập trung dân cư đông đúc, có nhiều công sở, trường học..., nhu cầu về rau xanh rất lớn, đặc biệt là theo xu hướng của người dân mong muốn được sử dụng các loại rau sạch, an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Thành phố Lai Châu có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá hạn chế so với các huyện khác trong tỉnh, tuy nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi, phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp, nhất là cây rau có thể trồng quanh năm. Diện tích trồng rau hàng năm của thành phố vào khoảng 200ha với sản lượng vào khoảng 1.500 - 2.000 tấn/năm, chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 2/3 nhu cầu của thành phố. Trong khi đó, việc sản xuất rau xanh tập trung vào vụ thu đông, đông xuân hàng năm nên gây tình trạng thừa cục bộ vào thời điểm thu hoạch rộ (tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau). Bên cạnh đó, chủng loại rau không phong phú nên thành phố vẫn phải nhập rau với số lượng lớn từ các địa phương lân cận như: Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc... để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhận thấy những thuận lợi và thực trạng sản xuất rau xanh trên địa bàn thành phố, năm 2018, anh Sơn cùng 8 hội viên đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Quyết Tâm, tại bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu với quy mô 2ha để trồng rau thủy canh, nuôi cá theo quy trình khép kín. HTX áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng “sạch, an toàn”, không dùng hóa chất và phân bón hóa học trong nuôi trồng, đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Anh Đào Ngọc Sơn kiểm tra sự sinh trưởng của rau thủy canh Để sản phẩm làm ra được thị trường và người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ, anh đã chủ động nghiên cứu đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào canh tác phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo ra sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường. Với rau xanh, anh sản xuất theo hình thức thủy canh, trồng giàn nhiều tầng nên tận dụng tối đa được diện tích canh tác, nâng cao năng suất. Trang trại rau thủy canh của anh Sơn khá quy mô, đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Đường đi, lối lại trong nhà lưới được đổ bê tông bằng phẳng. Theo anh Sơn, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân vào nước để tưới cho rau. Anh Sơn sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong bể nước. Thứ nước dinh dưỡng này được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động và theo 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút. Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, không tốn về nhân công, không tốn về nước, có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 đến 3 lần rau trồng bình thường. “Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 1/2018.” - Anh Sơn tiết lộ. Mô hình trồng rau của anh Sơn thu hút nhiều đoàn tới tham quan, học tập Mỗi năm, HTX của anh thu hoạch được khoảng 200 tấn rau gồm: Xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, dưa leo, dưa thơm, cà chua... Ngoài ra, các loại rau già và gốc rau không sử dụng được HTX tận dụng làm thức ăn cho cá, mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn cá. Tổng doanh thu hàng năm đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 300 triệu đồng. HTX tạo việc làm ổn định cho 6 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng và 10 lao động theo mùa vụ. Sản phẩm của HTX được bán lẻ cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị trên địa bàn thành phố Lai Châu và một số huyện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nâng cao thu nhập và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Với những sáng tạo đó, anh tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 3 năm 2018 do tỉnh Lai Châu tổ chức và đạt giải nhì tại hội thi. Để mô hình có hiệu quả được nhân rộng, anh không ngại chia sẻ, giúp đỡ các HTX, tổ hợp tác hay các cá nhân có nhu cầu muốn khởi nghiệp và sẵn sàng trở thành cầu nối để hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các đơn vị, cá nhân cùng phát triển. Ngoài thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Tham gia hỗ trợ, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, ủng hộ rau xanh cho các điểm cách ly tập trung tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Lai Châu với trên 7 tấn rau xanh các loại; ủng hộ 5 tấn rau cho chương trình “Gian hàng 0 đồng” do Tỉnh đoàn Lai Châu; ủng hộ cho hoạt động văn nghệ Chợ đêm San Thàng 5 triệu đồng. Ngoài ra, anh và các thành viên HTX luôn tích cực, thường xuyên tham gia ủng hộ các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện do các cấp, các ngành phát động, thực hiện tốt các hương ước, quy ước của địa phương nơi cư trú. Phương Thanh    

“Cột mốc sống” nơi biên cương

TĐKT - Cận kề độ tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng tinh thần, nhiệt huyết của ông A Ly, Giáo cả Thánh đường Mukarromah (xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chưa bao giờ vơi cạn. Bằng uy tín, đức độ của mình, ông đã khiến bà con đồng bào dân tộc Chăm nơi đây tin tưởng và làm theo, đoàn kết xây dựng đời sống mới, đồng lòng sát cánh cùng chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng gìn giữ biên cương, cột mốc, chủ quyền an ninh biên giới. Cùng giáo dân sống tốt đời đẹp đạo Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, hơn ai hết, Giáo cả A Ly hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm nêu gương của một người đứng đầu giáo dân. “Tôi luôn dặn mình phải sống trọn đạo, đẹp đời, luôn cống hiến hết tâm huyết, trí tuệ, ra sức vun đắp cho đời sống của đồng bào Chăm, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội”, ông tâm niệm. Giáo cả A Ly phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia cho đồng bào dân tộc Chăm tại Thánh đường. Giữ chức Giáo cả gần 5 nhiệm kỳ, ông A Ly điều hành hoạt động của Thánh đường và đời sống tâm linh của đồng bào Chăm một cách quy củ, mọi nghi lễ tôn giáo được thực hiện chuẩn mực, đúng pháp luật. Ông thường xuyên kêu gọi cộng đồng dân tộc Chăm phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trong tuần, ông luôn dành ngày thứ 6 để tuyên truyền cho bà con trên địa bàn không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, các thế lực thù địch gây chia rẽ đoàn kết nội bộ; vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của địa phương. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào giáo dân nơi đây luôn bình dị, hạnh phúc, không hề tồn tại các tệ nạn xã hội. Họ coi việc trộm cắp, bài bạc, mại dâm, gây gổ mất đoàn kết, uống rượu bia… như những điều cấm kị không được phạm phải dù chỉ một lần trong đời. Họ cũng ra sức ngăn ngừa, bài trừ các hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính hoặc phục vụ mưu đồ xấu xa. Mọi vấn đề nảy sinh đều được Ban Giáo cả giải quyết ổn thỏa, rất ít khi phải thông qua chính quyền địa phương. “Cánh tay nối dài” của bộ đội biên phòng Hưởng ứng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới do bộ đội biên phòng (BĐBP) phát động, ông xung phong đi đầu ký cam kết và tuyên truyền, vận động bà con, nhất là những hộ có đất sản xuất gần biên giới, cùng tham gia. Bản thân ông cũng trực tiếp tham gia đi tuần tra bảo vệ biên giới, vệ sinh, phát quang khu vực các mốc quốc giới. Ông nói: “Khi cột mốc còn đứng vững nghĩa là dân xóm làng của chúng tôi, gia đình tôi được bình yên trong vòng tay Tổ quốc. Theo như lời các anh lính biên phòng, biên giới là bức phên giậu thiêng liêng, mình làm giáo cả thì có trách nhiệm cùng con cháu bảo vệ, giữ gìn.”  Ông luôn nhắc nhở người dân trong quá trình lao động sản xuất gần biên giới nếu phát hiện các hiện tượng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, buôn lậu… thì nhanh chóng báo tin cho các lực lượng chức năng xử lý. Giáo cả A Ly cũng khuyên nhủ bà con giáo dân, không vi phạm buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả… Mỗi lần họp dân, hay có lễ, ông đều mời cán bộ biên phòng xuống dự, phối hợp tuyên truyền, từ đó tạo được sự gần gũi giữa cộng đồng dân tộc Chăm với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng. Bên cạnh công tác tuyên truyền cho bà con của mình, Giáo cả A Ly còn thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối thắt chặt tình đoàn kết người dân 2 nước, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự; nhân dân hai bên biên giới sinh sống hòa thuận, đoàn kết. Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết: “Ông A Ly là người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP và người dân hết sức tín nhiệm. Nhờ uy tín của ông, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên gần gũi đồng bào dân tộc Chăm, hiểu hơn về phong tục tập quán, tâm tư, nguyện vọng, đời sống của đồng bào để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản Luật Biên giới Quốc gia đến với người dân, giúp người dân thay đối nhận thức, tư duy làm ăn kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia đối diện”. Sẻ chia yêu thương với đồng bào biên giới Nhận thấy đồng bào Chăm ở xã Khánh Bình điều kiện dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu là làm ruộng, làm thuê, buôn bán nhỏ, ông trực tiếp đứng ra thành lập các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học... để giúp đỡ họ. Với nỗ lực của ông và các thành viên trong Ban Giáo cả Thánh đường Mukarromah, quỹ vì người nghèo đã vận động được 1,5 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cả hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Giáo Cả A Ly (người nhận quà tặng) là 1 trong 40 đại biểu là được vinh danh tại Hội nghị Tuyên dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh, an ninh an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2009 – 2018 Ban Giáo cả đã phối hợp với Đồn Biên phòng cất mới, sữa chữa trên 250 căn nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình nghĩa”, “Mái ấm biên cương”… cho bà con nghèo, trị giá trên 4 tỷ đồng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Khánh Bình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đóng góp quỹ, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn, xây mới, sửa chữa sân trường, phòng học… Ông còn quyên góp vở, tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 1,5 triệu mỗi năm; vận động quỹ mỗi năm 5 triệu đồng để giúp đỡ bà con nghèo mỗi khi bị bệnh, đau ốm. Ngoài ra, ông thường xuyên vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào và vận động nâng cấp trạm y tế xã, quyên góp tiền mua xe cứu thương miễn phí giúp chuyển bệnh nhanh, kịp thời cho bà con mắc bệnh hiểm nghèo. Những hoạt động tích cực đó góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống cho đồng bào. Với những việc làm ý nghĩa của mình, ông A ly đã được tặng thưởng các kỷ niệm chương: “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”, “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, “Vì sự nghiệp dân vận”, là 1 trong 40 đại biểu là được vinh danh tại Hội nghị Tuyên dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh, an ninh an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2009 – 2018. Ngoài ra, ông còn được trao tặng 35 Bằng khen, Giấy khen các loại của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bộ Chỉ huy BĐBP, Công an tỉnh An Giang. Nguyệt Hà  

Giữ yên giấc ngủ cho liệt sĩ

TĐKT - Bước sang tuổi 74 tuổi nhưng ông Hồ Văn Thương, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng (Rạch Bùi, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đã thực hiện việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tròn 25 năm. Với ông Thương, mỗi một ngày còn sức lực chăm sóc mộ liệt sĩ đều là một ngày mà ông cảm thấy lòng mình mãn nguyện và thanh thản.   Ông Thương đã coi liệt sĩ nơi đây như người thân trong gia đình Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Do cuộc sống nơi quê nhà nhiều khó khăn, năm 1989 vợ chồng ông Thương đến Vĩnh Hưng lập nghiệp. Năm 1996, ông Thương xin về làm quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng đến nay. Ông Thương cho biết, nghĩa trang này có hơn 3.200 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó, hơn 2/3 số mộ được quy tập từ chiến trường Campuchia. Ngày nào cũng vậy, ông Thương tỉ mỉ cắt tỉa cây cảnh, nhổ cỏ dại, thắp nhang các phần mộ liệt sĩ. Quản trang là công việc trông có vẻ đơn thuần nhưng sự thật không phải vậy. Mỗi ngày chỉ riêng việc quét tước, nhang khói cho mộ liệt sĩ ông đã mất gần 3 tiếng. Những ngày lễ tất bật đã đành, ngày thường dù mưa hay nắng, ông vẫn có mặt thường xuyên tại nghĩa trang để cắt cỏ, vệ sinh, kiểm tra, chăm sóc các phần mộ… 25 năm làm quản trang, ông thuộc từng vị trí ngôi mộ, tên các liệt sĩ, quê quán, địa điểm các anh được quy tập. Ông còn quen mặt từng người thân đến thăm, từng đơn vị thường xuyên đến cúng viếng vào những dịp rằm, lễ, tết. Ông Thương chia sẻ: “Hàng ngày chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ, tôi đọc tên, quê quán nhiều lần rồi nhớ vị trí. Khi người thân của các liệt sĩ đến hỏi là tôi có thể dẫn ngay đến vị trí các anh an nghỉ”. Với những ngôi mộ chưa rõ họ tên, ông xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được ấm lòng khi người thân chưa tìm thấy. Là người canh giữ nghĩa trang, ông thường xuyên đón tiếp các đoàn khách, thân nhân, đồng đội cũ của liệt sĩ đến thăm, viếng mộ. Từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, ông được nghe những câu chuyện vui, buồn thời kháng chiến. Dần dần, ông thấy mình với những người đến đây như người thân một nhà. Chia sẻ về kỷ niệm khi làm việc tại đây, ông Thương cho biết: “Trong số 1.000 mộ liệt sĩ có danh tính, quê quán, có đến ba phần tư các anh quê ở các tỉnh miền Bắc. Lâu lâu lại có thân nhân liệt sĩ từ xa đến thăm và cương quyết đòi đưa hài cốt về quê nhà, nếu không cho thì họ sẽ tổ chức trộm mộ mang hài cốt về. Những lúc như vậy, tôi phải đưa họ ra nhà khách của huyện nghỉ ngơi, sau đó thuyết phục họ để thân nhân yên nghỉ.” Cũng có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ nghe tin người thân đang yên nghỉ ở nghĩa trang này, từ xa lặn lội vào tận nơi tìm kiếm nhưng không gặp được mộ, có thái độ căng thẳng với quản trang. “Những lúc như vậy, tôi lại dẫn họ ra những ngôi mộ liệt sĩ vô danh giải thích rằng hàng ngày tôi đều chăm sóc, nhang khói mà còn không biết người nằm dưới mộ là ai, quê quán ở đâu thì làm sao có thể hướng dẫn họ tìm được mộ người thân.”- ông Thương chia sẻ. Cũng theo ông Thương, hàng năm, tháng 7 là tháng bận rộn nhất vì đón thêm nhiều hài cốt liệt sĩ được quy tập trên chiến trường Campuchia trở về. Năm nào nhiều, số hài cốt liệt sĩ lên đến vài trăm, năm ít thì vài chục. Ông nhớ như in tháng 7/2017, trong số 21 hài cốt liệt sĩ được quy tập trên chiến trường Campuchia đưa về nghĩa trang, chỉ có 2 trường hợp xác định được tên tuổi. Đó là liệt sĩ Hoàng Thị Kim, quê Bình Phước. Trước đó một ngày, gia đình của liệt sĩ đã đến nghĩa trang, chờ giây phút đón nhận hài cốt người thân sau bao năm nằm lại nơi xứ người. “Hôm ấy có ông Nguyễn Văn Ứng - chồng liệt sĩ Kim và người em gái. Giây phút các bộ hài cốt liệt sĩ được phủ quốc kỳ đỏ thắm trên chiếc xe của Đội K73 từ từ tiến vào nghĩa trang khiến mọi người đều xúc động. Sau nhiều năm, những anh hùng liệt sĩ được về yên nghỉ trong lòng đất mẹ thân thương” - ông Thương nhớ lại.   Ông Thương thắp hương cho mộ liệt sĩ vô danh  Ngoài thời gian chăm sóc nghĩa trang, ông Thương cũng tích cực tham gia vào công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Hễ nghe tin các địa phương trong vùng Vĩnh Hưng, Tân Hưng tìm được hài cốt liệt sĩ, ông Thương lại chuẩn bị đồ đạc theo đoàn công tác đến tận nơi cất bốc, đưa liệt sĩ về an nghỉ. Ông cho biết, từ khi làm việc đến nay, ông đã trực tiếp tham gia quy tập, cất bốc gần 100 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện và ngoài huyện về nghĩa trang an táng. Ông Thương cũng cho biết, trong số hơn 2.000 mộ liệt sĩ vô danh, có hai nấm mộ chung, một ngôi gồm 120 liệt sĩ, một ngôi 23 liệt sĩ, đều được cất bốc về từ chiến trường Campuchia. “Con người ta ai sinh ra mà chẳng có tên tuổi, quê quán, gia đình. Nhưng bây giờ nằm đây mà thân nhân không hay biết để thăm viếng, nhang khói, vong linh họ chắc tủi thân lắm…”- ông Thương bồi hồi. Bởi vậy, mỗi lần gia đình có đám tiệc, ông đều soạn một mâm cơm tươm tất đem qua nghĩa trang thắp nhang mời các anh về dự. Tuổi đã cao, sức đã giảm nhưng ông Hồ Văn Thương vẫn tận tình, chu đáo với công việc. “Người làm quản trang cần nhất phải có cái tâm chân thành. Các anh nằm đây đã phù hộ cho tôi, tôi thấy sức khỏe tốt ra, tinh thần thoải mái, đời thanh thản hơn. Tôi sẽ làm công việc này khi nào còn sức khoẻ, còn sống trên cõi đời này” – ông Thương chia sẻ. Việc làm thầm lặng của ông đã được các cấp, các ngành ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Quân khu 7; 7 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều Giấy khen của huyện. Ông là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020. Hà Nguyệt  

Trang