Điển hình tiên tiến

Tấm gương tỏa sáng giữa đời thường

TĐKT - Một đời làm việc thiện bằng cả trái tim nhân ái, cụ Trần Cang, ngụ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, đã mang hạnh phúc đến cho nhiều người kém may mắn trong cuộc sống. Giờ đây, dù sức khỏe không còn được như xưa nhưng cụ ông gần 100 tuổi ấy vẫn miệt mài trên hành trình thiện nguyện của mình. “Tôi sẽ làm từ thiện tới chừng nào chết, hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nữa thì thôi.” – Cụ nói. Cụ Trần Cang Bước sang tuổi 99, cụ Trần Cang mắt vẫn tinh và trí óc vẫn còn minh mẫn. Cụ nhớ rõ từng hoàn cảnh gia đình mà mình đã từng giúp đỡ và những mạnh thường quân cùng đồng hành với mình trên con đường thiện nguyện.Cụ bảo: “Thấy việc gì có ích cho xã hội thì mình vẫn muốn làm”, bởi với cụ, làm việc thiện đã trở thành công việc thường ngày, “thấy người ta đau khổ là mình muốn giúp thôi”. Bởi vậy, hễ nghe thấy ở đâu có người gặp khó khăn, không quản tuổi cao sức yếu, cụ vẫn lặn lội đến tận nơi để xác minh và tìm cách giúp đỡ họ. Cứ thế, không biết tự bao giờ, ngôi nhà của cụ đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người gặp hoàn cảnh éo le. Ai bệnh tật, khó khăn tìm đến nhà đều được cụ dang rộng vòng tay nhân ái, tận tình giúp đỡ. Công việc từ thiện được cụ Cang thực hiện từ khi còn rất trẻ, tính đến nay đã hơn 50 năm. Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2012, cụ được Đảng ủy, UBND xã Phú Tâm phân công làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã; là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Ủy viên Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng 3 nhiệm kỳ và Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học huyện Châu Thành. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, cụ đã tích cực vận động nhà hảo tâm và nguồn kinh phí của con cháu hỗ trợ để chia sẻ đến những người neo đơn, khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống. Từ năm 2012 đến nay, do tuổi cao nên cụ đã xin nghỉ không tham gia công tác. Trên hành trình thiện nguyện của mình, cụ đã vận động được hơn 17 tỷ đồng, giúp đỡ trên 4.582 lượt người già neo đơn, hộ gia đình khó khăn có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, hộ khó khăn bị thiên tai, hỏa hoạn, học sinh nghèo hiếu học, hộ nghèo… Đặc biệt, đã hỗ trợ trên 2000 hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ 500 người cao tuổi mổ mắt cườm và hỗ trợ nhiều áo quan cho gia đình có người thân qua đời không có khả năng mua áo quan. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, cụ đã nhận nuôi hơn 100 cụ già neo đơn, cung cấp gạo 10 kg/người/tháng, trường hợp nào ốm đau không đi được, cụ mang đến tận nơi. Hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền, lễ Vu lan và lễ tết dân tộc Khmer, cụ hỗ trợ gạo cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ gạo, thức ăn cho những bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện… Đặc biệt, cụ Cang đã tổ chức đưa 37 trẻ khuyết tật và bị bệnh bẩm sinh lên Trung tâm Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, đưa 9 cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị, đưa 10 người đi trị bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy; hỗ trợ 11 người bị tai nạn… Ngoài ra, cụ còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, cấp học bổng cho 103 học sinh nghèo, cấp quần áo hàng năm cho 150 học sinh nghèo… Thực tế, công việc đóng góp từ thiện còn nhiều hơn thế, nhưng do tuổi cao, cụ Cang không thể nhớ hết. Tất cả tiền quyên góp và hỗ trợ đều được cụ ghi chép chi tiết, tỉ mỉ. Vì vậy trong quá trình làm từ thiện của cụ Cang luôn có người đồng hành, bởi họ hiểu, tin tưởng cụvà cùng có chung một tấm lòng muốn giúp đỡ người nghèo khó. Cụ Trần Cang đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc CụCang sinh được 10 người con, các con đều được ăn học đầy đủ, có nghề nghiệp ổn định. Noi theo tấm gương của cụ, tất cả đều tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Cụ quan niệm: “Khi chúng ta biết sống yêu thương người khác và nhận được tình yêu thương thì tâm hồn chúng ta sẽ được bồi đắp trở nên trong sáng, cao đẹp hơn. Niềm tin vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố, vun vén, bay xa hơn, lan tỏa trong cộng đồng”. Với những việc làm thiện nguyện, cụ đã được các cấp, các ngành khen thưởng: 16 Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 10 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Năm 2019, cụ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác xã hội từ thiện. Bằng trái tim nhân hậu, cuộc đời của cụ Cang giống như một “cánh chim không mỏi”, suốt đời cống hiến, tỏa sáng giữa đời thường.Việc làm của cụ đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và gửi thư khen trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2021). Trong thư, Chủ tịch nước viết: “Những việc làm của cụ tiêu biểu cho hàng nghìn việc làm tốt đẹp của người cao tuổi đã và đang âm thầm diễn ra hàng ngày trên đất nước ta, giúp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm đẹp thêm hình ảnh người cao tuổi Việt Nam, gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.” Phương Thanh

Đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi

TĐKT - Tận dụng điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã mạnh dạn đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Mô hình hoạt động hiệu quả đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, có uy tín và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX.   Anh Hoàng A Páo (ngoài cùng bên phải) giới thiệu các sản phẩm của HTX Sinh ra và lớn lên ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, mảnh đất vô cùng khó khăn - địa đầu của Tổ quốc, cũng như bao thanh niên khác, Hoàng A Páo mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ cùngquyết tâm thay đổi cuộc sống của bản thân để góp phần xây dựng vùng cao nguyên đá ngày càng giàu đẹp hơn. Anh từng nghĩ: “Để cuộc sống đồng bào ở đây đổi thay, thoát được cái nghèo và để có một cao nguyên đá giàu đẹp, thì chính những con người hàng ngày đang sống trên đá phải biến những thứ quý giá mà thiên nhiên ban tặng thành những gì có ý nghĩa, để thay đổi cuộc sống của quê hương mình…” Anh cho biết: Trước đây, tại địa phương, các mô hình sản xuất, kinh doanh còn manh mún và nhỏ lẻ; các sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ, thường bị ép giá; các hộ gia đình trong xã chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong những năm qua, thực hiện các phong trào phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo biền vững, anh đã vận động các thanh niên cùng sở thích thành lập HTX với mong nuốn bao tiêu các sản phẩm cho bà con và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Ngày 27/4/2016, HTX được thành lập với 7 thành viên, đã họp và thống nhất xây dựng phương án - kế hoạch, mua máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên 3 nhóm ngành nghề chính:Chế biến, trưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống.   Sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hà Giang Qua hơn 5 năm hoạt động, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng bình chọn sản phẩm tin cậy. Năm 2019, HTX có 2 sản phẩm tham gia thi OCOP đạt 4 sao, đó là sản phẩm rượu ngô men lá Chi San, mật ong bạc hà cao nguyên đá; đồng thời HTX cung ứng sản phẩm mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn mang chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho hệ thống cửa hàng Vinmart.Ngoài ra, HTX đã có các hợp đồng với người dân trên địa bàn về vùng nguyên liệu và các đầu mối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, tại các thành phố lớn như Hà Nội và xuất khẩu. Đến thời điểm tháng 11/2019, HTX đã có các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và tạo công ăn việc làm và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 12 lao động thường xuyên, 24 thành viên; đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.   Hoàng A Páo được mệnh danh là “cao thủ” nuôi lợn đen ở Mèo Vạc Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, A Páo và các thành viên trong HTX luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tạo việc làm và hướng dẫn, cung cấp con giống cho bà con nông dân trong xã, huyện; đồng thời đóng góp quỹ cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, xây dựng các điểm trường, ngày vì người nghèo, làm nhà tình nghĩa… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. “Tuy rằng giá trị kinh tế chưa nhiều, nhưng tôi cũng rất tự hào vì bản thân và HTX đã góp phần vào sự phát triển chung của xã Tả Lủng, để hoàn thành nhanh hơn nữa các mục tiêu, tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình.” – A Páo chia sẻ. Với những thành tích đạt được, trong những năm qua anh Hoàng A Páo và HTX đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức khác. Để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất kinh doanh của HTX trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo A Páo, phải xây dựng được chiến lược kinh doanh, có sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc giữa HTX và người dân để đôi bên cùng có trách nhiệm, cùng có lợi; làm tốt khâu dịch vụ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân; phải tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, làm tốt khâu tiếp thị quảng bá sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. HTX phải là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhằm mục tiêu đưa nông sản từ người sản xuất đến với người tiêu dùng với chất lượng và giá cả nhanh nhất; thông qua hệ thống này, HTX có thể điều chỉnh giá cả theo thị trường và theo mùa, tránh được trung gian ép giá, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, cân đối được cung cầu… Trang Lê

76 công trình, giải pháp tiêu biểu lọt Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021

TĐKT - Từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã lựa chọn ra 76 công trình, giải pháp tiêu biểu vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và triển khai ở địa phương, cơ sở, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số bộ, ngành và thành viên của Mặt trận tổ chức tuyển chọn, công bố, vinh danh các công trình, giải pháp khoa học - công nghệ tiêu biểu trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2016 đến nay, công tác tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được triển khai ngày càng bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước. Các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: Cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh…Những công trình, giải pháp được lựa chọn một lần nữa khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 5 năm triển khai, từ năm 2016 đến 2020, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, công bố 365/772 công trình, giải pháp khoa học công nghệ (năm 2016 là 71 công trình; năm 2017 là 72 công trình; năm 2018 là 73 công trình; năm 2019 là 74 công trình; 2020 là 75 công trình và vinh danh 5 công trình phòng, chống dịch bệnh Covid - 19). Số công trình được tuyển chọn, công bố hằng năm bằng với số năm kỷ niệm Quốc khánh. Lễ công bố hằng năm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9). Tiêu chí, điều kiện các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được giới thiệu, đề nghị tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 gồm: Công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật đã đoạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành, tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức từ ngày 1/1/2019 đến ngày 20/6/2021; các công trình có giá trị khoa học và công nghệ hoặc giá trị ứng dụng thực tiễn cao, giá trị kinh tế cao, đạt hiệu quả trong sản xuất, đời sống; các công trình được các bộ, ngành, tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu, đề nghị; được Hội đồng tuyển chọn đề nghị và Ban Chỉ đạo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thống nhất lựa chọn; đồng thời toàn bộ công trình gửi về có đầy đủ hồ sơ và bảo đảm thời gian theo quy định. Theo đó, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã nhận được 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị; trong đó có 55 công trình, giải pháp khoa học - công nghệ do 11 bộ, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Có 96 công trình, giải pháp khoa học, công nghệ do 36 tỉnh, thành phố giới thiệu bao gồm các tỉnh: Bình Định, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hóa, An Giang, Bạc Liêu, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, TP. Hà Nội, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hậu Giang, Bình Phước. Từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ, Hội đồng tuyển chọn đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và bỏ phiếu kín tuyển chọn 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu và đề nghị công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 cũng tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt giải thưởng quốc tế năm 2020; vinh danh 6 công trình khoa học sáng tạo tiêu biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 76 công trình, giải pháp được chia theo các lĩnh vực như sau: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 15 công trình; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 13 công trình; cơ khí tự động hóa: 9 công trình; giáo dục – đào tạo: 8 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 7 công trình; y tế: 7 công trình; công nghệ vật liệu: 3 công trình. Theo thông tin của Ban tổ chức, hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, việc tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 sẽ được Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp để đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hưng Vũ  

Phụ nữ Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108: Vượt khó, chăm sóc chu đáo cho người bệnh

TĐKT - Bằng sức sáng tạo, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trong công việc, hội viên phụ nữ Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã có mặt tại tất cả các vị trí làm việc của đơn vị để chăm sóc và theo dõi sức khỏe hiệu quả cho gần 7.000 người bệnh/năm và phẫu thuật 4.000 ca/năm. Những nữ điều dưỡng tận tâm Với đặc thù chuyên môn, 100% các hội viên phụ nữ của Viện Phẫu thuật Tiêu hóa được phân công làm nhiệm vụ điều dưỡng tại 3 khoa trong Viện gồm: Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa (B3-A), Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy (B3-B), Khoa Phẫu thuật Hậu môn - Trực tràng (B3-C). Trong những năm gần đây, số lượng người bệnh đến khám, điều trị, phẫu thuật tại bệnh viện có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, với chuyên ngành ngoại tiêu hóa, người bệnh có đặc điểm tuổi cao, nhiều bệnh kết hợp, khi tìm đến Viện thường bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, khối lượng và cường độ làm việc của các nữ điều dưỡng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao.   Phụ nữ Viện Phẫu thuật tiêu hóa tận tâm chăm sóc người bệnh Đối với những điều dưỡng viên ngoại khoa, công việc của họ thường có nhiều yêu cầu chặt chẽ: Phải phối hợp tốt với các đơn vị khác trong bệnh viện để tiếp nhận hoặc sắp xếp lịch phẫu thuật cho người bệnh; phải có kiến thức về bệnh cũng như phương pháp phẫu thuật để làm tốt công tác tư tưởng, động viên người bệnh trước khi phẫu thuật; tuân thủ tuyệt đối quy trình vô khuẩn tại khoa ngoại phòng ngừa nhiễm trùng giữa các vết thương trên cùng người bệnh hoặc người bệnh này với người bệnh khác và cuối cùng là chăm sóc, phục hồi sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật (phục hồi chức năng, chế độ dinh dưỡng…). Với đội ngũ điều dưỡng trưởng, điều dưỡng hành chính thì luôn phải đảm bảo công tác thống kê, báo cáo số liệu chính xác, kịp thời, chất lượng; đảm bảo đạt và vư­ợt chỉ tiêu chuyên môn được giao; duy trì nghiêm các chế độ an toàn chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện. Còn các điều dưỡng viên, chị em luôn có tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh tận tâm, tận tụy. Nữ điều dưỡng buồng bệnh Lê Cẩm Linh cho biết: Hàng ngày, điều dưỡng buồng bệnh sẽ duy trì nội vụ vệ sinh trong buồng, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn trong tất cả các khâu, đặc biệt khi kiểm tra vết mổ, thay băng, thực hiện y lệnh điều trị để nắm chắc tình hình diễn biến bệnh. Còn các điều dưỡng buồng thuốc luôn đảm bảo đủ, kịp thời cơ số thuốc, nhất là nhóm thuốc cấp cứu, thuốc dùng theo giờ, vật tư y tế tiêu hao để sử dụng cho người bệnh đúng, đủ, chính xác về thời gian. “Mỗi một nữ điều dưỡng ở Viện Phẫu thuật Tiêu hóa có những công việc, nhiệm vụ đảm trách khác nhau, song họ luôn phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với người bệnh, mặc dù lượng người đến điều trị lớn nhưng những nữ điều dưỡng vẫn theo sát, cùng nhân viên công tác xã hội của bệnh viện thường xuyên thăm hỏi, giải đáp những thắc mắc, tư vấn tận tình về các thủ tục hành chính cũng như phương pháp tự chăm sóc tại nhà sau khi ra viện.” - Trung tá CN Nguyễn Thị Hằng – Hội trưởng Hội Phụ nữ Viện Phẫu thuật Tiêu hóa cho biết. Điểm sáng trong thực hiện các phong trào Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Hội Phụ nữ Viện Phẫu thuật Tiêu hóa đã tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào “4 tốt”, 100% hội viên phụ nữ đạt 4 tiêu chuẩn của phong trào (gồm: Sức khỏe tốt, phẩm chất tốt, chuyên môn tốt, xây dựng gia đình tốt). Trong phong trào thi đua “5S gắn với 5 không 3 sạch”, Hội đã được bệnh viện giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt thực hiện, tổng kết phong trào hội viên Khoa B3-A được bệnh viện tặng nhận giấy khen và trong Hội thi “Cán bộ Hội Phụ nữ giỏi” Hội Phụ nữ Viện đạt giải Ba. Hội viên phụ nữ của Viện chủ yếu trong độ tuổi còn trẻ nên giàu sức sáng tạo, không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, trong năm qua có 1 hội viên tham dự Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ toàn quốc và xuất sắc lọt vào tốp 45 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi; 1 hội viên đạt giải A báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học trong Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quân và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và bài báo do phụ nữ làm chủ đề tài hoặc nhóm nghiên cứu được đánh giá cao và đăng trong tạp chí, các hội nghị chuyên ngành trong và ngoài bệnh viện. Với sự đóng góp công sức và trí tuệ của các chị em, đến nay, mỗi khoa trong Viện đều đã phát triển được các kỹ thuật mũi nhọn, lập các kỷ lục y học trong nước như: Phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống, điều trị béo phì, giúp người bệnh lấy lại sự tự tin và sức khỏe; kỷ lục một tuần thực hiện năm ca ghép gan, từng bước chinh phục những đỉnh cao về lĩnh vực ghép tạng, mang đến hy vọng sự sống cho nhiều người. Có thể nói, nếu ví hệ thống y tế giống với lĩnh vực hàng không, để có thể lái máy bay đưa người bệnh từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn thì không thể thiếu sự hợp tác giữa bác sĩ với vai trò là phi công và điều dưỡng là các tiếp viên hàng không luôn bên cạnh quan tâm, chăm sóc, bảo vệ cho hành khách. Phụ nữ Viện Phẫu thuật Tiêu hóa với cương vị là những người điều dưỡng đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển của Viện nói riêng và Bệnh viện TWQĐ 108 nói chung, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Mai Hằng            

Truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cán bộ y tế tại TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các Quyết định về việc truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba để tôn vinh 2 cán bộ y tế tại TP Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) và bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh). Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn có 40 năm hoạt động trong ngành Y tế, bắt đầu công tác tại Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè từ năm 1981. Trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Phước Lộc. Từ ngày 20/5, huyện Nhà Bè xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cùng với đội ngũ phản ứng nhanh, bác sĩ Nhẫn và tất cả nhân viên trạm y tế thực hiện nhiệm vụ điều tra ca bệnh, truy vết, và lấy mẫu. Ngày 11/7, bác sĩ Nhẫn có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV- 2 nên được chuyển vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19Thủ Đức điều trị. Dù đội ngũ y, bác sĩ nơi đây tích cực điều trị nhưng bác sĩ Nhẫn không qua khỏi do suy hô hấp, suy tim kèm viêm phổi. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn mất vào ngày 4/8. Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng công tác tại khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) từ tháng 1/2003. Ngày 27/7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng khoa hồi sức tích cực chống độc thành khoa hồi sức Covid-19, điều dưỡng Hằng đã phải xa gia đình, xa hai con nhỏ, lưu trú tại khách sạn sau giờ làm việc căng thẳng. Nữ điều dưỡng Hằng được xác định mắc Covid-19 ngày 31/7, nhập viện điều trị ngày 1/8 và qua đời ngày 13/8. Phương Thanh

Truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 18 cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1458/QĐ-TTg truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 18 cá nhân thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. 18 cá nhân được truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ gồm: 1. Ông Vũ Quốc Cường, địa chỉ thường trú: số 151A, đường Tôn Thất Đạm, Khu phố 6, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; 2. Ông Phan Văn Quang, địa chỉ thường trú: số 170/33, đường Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh; 3. Ông Nguyễn Minh Hải, địa chỉ thường trú: số 671/10, đường Đoàn Văn Bơ, Phường 18, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh; 4. Ông Trịnh Huỳnh, địa chỉ thường trú: số 884/21, đường Đoàn Văn Bơ, Phường 18, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh; 5. Ông Bùi Văn Lanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 6, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh; 6. Ông Lê Văn Út, nguyên cán bộ Hội Chữ thập đỏ Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; 7. Ông Nguyễn Phú Hiếu, địa chỉ thường trú: số 57/3A Tổ79, Khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; 8. Ông Nguyễn Văn Thức, địa chỉ thường trú: số 145/63, đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; 9. Ông Nguyễn Vũ Huy Hoàng, nguyên Chiến sĩ Dân quân thường trực phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; 10. Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 56, thành viên TổCOVID cộng đồng phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; 11. Ông Võ Văn Huệ, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 44, thành viên Tổ COVID cộng đồng phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; 12. Ông Phan Hồng Phong, nguyên Trưởng Khu phố 8, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; 13. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 8, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; 14. Ông Dương Đình Hải, nguyên Bảo vệ dân phố Khu phố 5, phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; 15. Ông Lâm Văn Hiệp, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 130, Khu phố 21, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; 16. Bà Ngô Thị Thu Tâm, nguyên Tổ phó Tổ dân phố 6, Khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; 17. Ông Đinh Chánh Định, nguyên Bảo vệ dân phố Khu phố 5, Phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; 18. Ông Nguyễn Anh Pháp, nguyên Cộng tác viên trật tự đô thị, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có Tờ trình 1115/TTr-TTg đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho 2 cá nhân là ông Trịnh Hữu Nhẫn, Bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyệt Hà  

Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển

TĐKT - Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển (2/9/1976 - 2/9/2021), trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã nêu cao tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt và rèn luyện, xây dựng trường ngày một vững mạnh. Thiếu tướng, TS. Lê Quang Bốn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tiền thân là Tổ giáo dục Phòng cháy thuộc Khoa Cảnh sát nhân dân, Trường Công an Trung ương (năm 1963), Phân hiệu Cảnh sát PCCC thuộc Trường Cảnh sát nhân dân (năm 1971). Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác PCCC trong tình hình mới, ngày 2/9/1976, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 5062-NV/QĐ thành lập Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC. Đây là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực làm công tác PCCC duy nhất ở Việt Nam. Từ đó, ngày 2/9 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của nhà trường. Đoàn công tác Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn thăm, làm việc với trường Đại học PCCC vào năm 2020 Cùng với sự phát triển của đất nước, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế, Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC đã không ngừng phát triển với những tên gọi khác nhau. Năm 1984, trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng PCCC và có khóa đầu tiên đào tạo trình độ Kỹ sư an toàn PCCC ở nước ta. Ngày 14 tháng 10 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 203/1999/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học PCCC trên cơ sở Trường Cao đẳng PCCC. Trường có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; nghiên cứu khoa học về PCCC phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học PCCC luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn khẳng định được vị thế của mình trong nền giáo dục Việt Nam nói chung, trong hệ thống các học viện, nhà trường công an nhân dân nói riêng. Đến nay, nhà trường đã xây dựng, phát triển và tổ chức đào tạo đủ các cấp học và trình độ khác nhau, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông, văn bằng 2, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và là cơ sở duy nhất được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo học viên hệ ngoài ngành công an, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nội dung, chương trình đào tạo, quy định về chuẩn đầu ra của các hệ học, bậc học từng bước được chỉnh lý, bổ sung, hoàn hiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Năm 2021, nhà trường đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá ngoài và cấp Giấy chứng kiểm định chất lượng giáo dục; đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Các giảng viên, học viên Trường PCCC thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ Trong 45 năm qua, nhà trường đã tổ chức đào tạo 25.000 học viên các hệ học, bậc học, trong đó có nhiều học viên của Bộ Công an nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia; nhiều học viên quân đội và học viên dân sự cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội trên cả nước. Các thế hệ học viên tốt nghiệp từ nhà trường đều có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có sức khỏe, nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn xác định phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”; không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, thao tác thực hành; giảng dạy theo tình huống nghiệp vụ; sử dụng giáo án điện tử; sử dụng giáo cụ trực quan trong giảng dạy... Nhà trường đã thành lập 2 “Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ học tập” tại Cơ sở 1 (Hà Nội) và Cơ sở 3 (Đồng Nai) nhằm phục vụ tốt việc đào tạo các môn học chuyên ngành. Bình quân mỗi năm, đã tham gia cứu chữa 40 vụ cháy trên địa bàn Hà Nội, Đồng Nai, trong đó có những vụ cháy lớn, cứu được nhiều người, bảo vệ được nhiều tài sản có giá trị cho nhân dân. Nhà trường đã tham gia nghiên cứu thành công 4 đề tài cấp nhà nước; chủ trì nghiên cứu 56 đề tài cấp bộ, 146 đề tài cấp cơ sở; hoàn thành 478 chuyên đề, sáng kiến cải tiến; biên soạn 278 giáo trình, tài liệu dạy học; xuất bản 143 số Tạp chí PCCC (2000 bản/số); tổ chức 1 hội thảo quốc tế, 12 hội thảo khoa học cấp Bộ về công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã có 1 giáo sư, 9 phó giáo sư, 61 tiến sĩ, 220 thạc sĩ, 1 Nhà giáo Nhân dân, 12 Nhà giáo Ưu tú. Nhà trường đã có 3 cơ sở đào tạo (tại Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai) với diện tích trên 33 ha gồm đầy đủ các hạng mục công trình với nhiều tiện ích khác nhau phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn. Trong quan hệ quốc tế, nhà trường đã duy trì tốt quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới như: Học viện PCCC, Học viện Phòng vệ dân sự của Liên Bang Nga; Học viện Phòng vệ dân sự Singapore; Trường Đại học đào tạo cán bộ chỉ huy Bộ tình trạng khẩn cấp nước Cộng hòa Belarus; Tổng cục PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Nhật Bản; Học viện Vũ cảnh Trung Quốc... Với những cống hiến và kết quả to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cho xã hội, trong 45 năm qua, Trường Đại học PCCC đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân  chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công Hạng nhất, 2 Huân chương Quân công Hạng nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, hàng trăm huân chương, huy chương các loại và nhiều cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an. Phát huy truyền thống vẻ vang 45 năm qua, Trường Đại học PCCC sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung vào một số công tác trọng tâm: Rà soát, sắp xếp, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, xây dựng mã ngành đào tạo phù hợp với xu thế của các nước phát triển và thực tiễn công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam. Xây dựng định hướng đào tạo cán bộ đa năng “biết nhiều nghề và giỏi một nghề”; phù hợp với việc tăng cường cán bộ cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho cơ sở (xã, phường, thị trấn). Chú trọng việc giáo dục lý tưởng nghề nghiệp, việc rèn luyện sức khỏe, bản lĩnh chiến đấu dũng cảm, gan dạ cho học viên; nghiên cứu những yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng, thao tác nghề nghiệp cần có của chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Song song với đó, trường tập trung nghiên cứu các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ về: Chế tạo rô bốt, xe ô tô, xe mô tô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đa năng; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với công trình siêu cao tầng, công trình ngầm sâu dưới lòng đất, trên sông, trên biển; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở xăng dầu, hóa chất, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy điện; chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống biểu tình, bạo loạn, khủng bố và các vấn đề An ninh phi truyền thống… Tích cực phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mang thương hiệu Việt Nam. Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường và các đơn vị trực thuộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo trong từng giai đoạn. Xây dựng quy hoạch các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, quy hoạch các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực PCCC, cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ  theo kịp trình độ phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, nâng cấp nhà trường thành Học viện PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Hồng Thiết                                                                    

Khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời những tấm gương phòng, chống dịch

TĐKT - Ngày 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản số 1115/VPCTN-TĐKT gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước. Văn bản nêu rõ: Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó tiêu biểu đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các cá nhân tự nguyện hoạt động từ thiện, cứu trợ trong nhân dân. Trong cuộc đấu tranh đó đã có nhiều tấm gương hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình. Để kịp thời động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời về những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng với người dân chống chọi với dịch COVID-19. Phương Thanh

Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc tặng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

TĐKT - Sáng 30/8, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức công bố Quyết định của Chủ tịch nước và trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc tặng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự Lễ công bố. Cùng dự, có: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại buổi lễ, đại diện Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) đã công bố Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho các cá nhân là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị (nay là Thứ trưởng bộ Quốc phòng), gồm các đồng chí: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thượng tướng Võ Minh Lương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thượng tướng Vũ Hải Sản; Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giai đoạn 2009 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa được trao tặng phần thưởng cao quý; khẳng định phần thưởng là sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự đóng góp của các đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nguyệt Hà

Trang