Điển hình tiên tiến

Bộ Quốc phòng khen thưởng 150 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Ngày 26/7, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 2396/QĐ-BQP, tặng thưởng Bằng khen đối với 53 tập thể và 97 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. “Gian hàng 0 đồng” của lực lượng vũ trang Quân khu 7 chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Tấn Chí Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, tích cực trong tham gia phòng, chống dịch bệnh như: Tiến hành xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19, cách ly tập trung, vận chuyển và tiêm vắc xin phòng Covid-19, khử trùng, tẩy độc, hỗ trợ vật chất, kinh phí, tổ chức “Gian hàng 0 đồng” giúp người dân... Theo báo cáo của Cục Quân y, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Bộ Quốc phòng đã thiết lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của các tỉnh phía Nam. Cục Quân y đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh hoặc PCR để phát hiện sớm các ca bệnh. Đến nay, phần lớn các đơn vị có ổ dịch đã kiểm soát tốt, toàn quân không phát hiện thêm ca mắc mới. Học viện Quân y đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho 13.000 người và tiêm mũi 2 được 1.000 người trong đợt thử nghiệm đánh giá vaccine Nanocovax giai đoạn 3, bảo đảm an toàn và tiến độ nghiên cứu. Trên địa bàn Quân khu 7, quân đội đã triển khai 55 điểm cách ly công dân với 12.511 giường; thành lập 68 tổ, đội cơ động phòng, chống dịch, 8 tổ chuyên khoa, 51 tổ truy vết và triển khai khu điều trị Covid-19 tại các bệnh viện quân y với trên 230 giường bệnh. Bộ Quốc phòng đã tăng cường 2.360 cán bộ, nhân viên thuộc 11 đầu mối cùng 2 xe xét nghiệm cơ động, 9 máy xét nghiệm và hệ thống xét nghiệm công suất lớn cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Tại Quân khu 9, các cơ quan, đơn vị tổ chức 178 tổ lấy mẫu, xét nghiệm, triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) số 6 Bộ Quốc phòng, hiện đang điều trị 347 bệnh nhân. Các đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 đang sẵn sàng triển khai các BVDCTN Bộ Quốc phòng: Số 4 tại Khánh Hòa, số 3 tại Đà Nẵng và số 7 tại khu vực Tây Nguyên… Phương Thanh

Cả cuộc đời tâm huyết xây dựng quê hương

TĐKT - Cũng như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Lê Thị Đấu (ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã trải qua nhiều mất mát, đau thương trong cuộc sống, người con duy nhất của mẹ đã hy sinh cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Vượt lên tất cả, ở thời bình, mẹ luôn là người công dân mẫu mực, trách nhiệm, luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong xây dựng quê hương, nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đấu cùng người dân đi trên chiếc cầu bê tông do mẹ đóng góp kinh phí xây dựng. Như nhiều gia đình tại vùng căn cứ cách mạng này, cả cuộc đời mẹ Đấu cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Mười lăm tuổi, mẹ tham gia gác đường, nấu ăn cho bộ đội. Chiến tranh loạn lạc, mẹ nhiều lần theo gia đình chạy giặc ra thị trấn Giồng Trôm lánh nạn rồi quay về cùng cán bộ bám đất, giữ làng. Năm 19 tuổi, mẹ lập gia đình nhưng chỉ ba năm sau thì chồng bị bệnh mất, để lại đứa con trai là Lê Văn Be (SN 1954). Từ đó, mẹ một mình vừa nuôi con vừa tham gia cách mạng ở địa phương. Khi anh Be 17 tuổi, mẹ Đấu cho con tham gia cách mạng, cầm súng chiến đấu dù biết rằng đó là đứa con duy nhất của mình. Ba năm sau (tháng 6/1974) mẹ chết lặng hay tin anh Be hy sinh. Gạt nước mắt đau thương, một mình mẹ tham gia cách mạng tại địa phương với tất cả sức lực của mình. Là phụ nữ, mẹ không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng đóng góp công sức đào hầm chông, vận chuyển quân lương cho bộ đội. Đến ngày đất nước thống nhất, mẹ về phần đất hương hỏa của ông bà để lại để trồng trọt, sinh sống. Nay đã ở tuổi 90, nhưng mẹ Lê Thị Đấu vẫn luôn nỗ lực góp sức xây dựng quê hương. Mẹ là người tiên phong, đi đầu trong việc hiến đất, hoa màu, tiền bạc để cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Mẹ quan niệm “cho đi mà không cần phải nhớ”, bởi “cho rồi thôi, nhớ làm gì, miễn sao các công trình hoàn thành, đẹp đẽ như mình mong muốn là tốt rồi”. Do đó, đã hơn 10 năm qua, mẹ cũng không nhớ hết mình đã đóng góp bao nhiêu vào các công trình hạ tầng của địa phương theo chủ trương chung, chỉ biết là, hễ thấy địa phương cần là mẹ luôn sẵn lòng tình nguyện đóng góp. Noi gương mẹ, nhiều gia đình đã học tập và làm theo, tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân địa phương. Trước đây con đường trước cửa nhà mẹ vẫn còn lầy lội, chiếc cầu bắc ngang kênh làm bằng thân cây dừa, cây so đũa nên học sinh đi học rất nguy hiểm. Mẹ phải lấy trấu, tro củi rải cho cầu bớt trơn trượt. Vậy mà, mùa mưa đến mấy đứa nhỏ liên tục bị té, có đứa phải quay về nghỉ học vì bẩn hết quần áo. Thấy vậy, Mẹ bán con heo cộng với tiền dành dụm trong nhiều năm được 5,6 triệu đồng để xây cây cầu bê tông”. Thời điểm năm 1997, số tiền này khá lớn, có thể mua gần hai lượng vàng nhưng mẹ Đấu không suy tính gì cho bản thân mình mà quyết tâm làm để tụi nhỏ đến trường dễ dàng. Việc làm của mẹ rất ý nghĩa, không chỉ giúp học sinh đi học mà việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân trong ấp cũng rất thuận tiện. Làm cầu được hơn chục năm, chính quyền địa phương vận động bà con trong ấp Bình An làm đường bê tông nhằm cùng Nhà nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, mẹ lại tình nguyện đi đầu đóng góp 75 triệu đồng để xây dựng cầu tuyến đường Trần Văn Cuộc, ấp Bình An, xã Châu Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa và học sinh đến trường được dễ dàng hơn. Tháng 7/2019, nhìn thấy đền thờ liệt sĩ xã Châu Bình có biểu hiện xuống cấp, mẹ đã đóng góp 150 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp. Mẹ Đấu cho biết: “Mẹ có thửa đất bán cho đứa cháu hơn 600 triệu đồng nên đóng góp vô để trùng tu xây dựng đền thờ liệt sĩ trong đó có tên của con mình. Mẹ nghĩ, đời mình chỉ có một đứa con, nếu còn sống thì mẹ sẽ chia gia tài là đất hương hỏa của ông bà để lại. Con đã hy sinh rồi nên mẹ góp tiền vô trùng tu đền thờ liệt sĩ như xây căn nhà cho con”. Nhờ đó, đền thờ đã được sửa chữa khang trang, thể hiện được lòng tôn kính của nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tháng 8/2019, mẹ Lê Thị Đấu đã tặng 100 triệu đồng để tôn tạo đình xã Châu Bình, góp phần làm phong phú nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân trong xã. Ngoài ra, mẹ Lê Thị Đấu cũng đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều việc làm thiết thực. Mẹ cùng gia đình đã hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến lộ nông thôn, với tổng số tiền trên 150 triệu đồng. Những đóng góp của mẹ Lê Thị Đấu là cả gia tài của mẹ, kết tinh từ tình thương yêu bao la, từ những ngày tháng gian khổ, chắt chiu, tần tảo. Đóng góp của mẹ không chỉ là số tiền, là hiện vật, góp phần thay đổi diện mạo quê hương mà đó còn là một nghĩa cử cao đẹp, một giá trị tinh thần to lớn, bài học lớn về đức hy sinh, về tấm lòng bao la của người mẹ, luôn nghĩ và làm vì việc chung, vì hạnh phúc của bao người. Gương sáng ấy được tôn vinh, nhân rộng, trở thành bài học quý cho thế hệ trẻ. Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Từ Xuân Tiếng cho biết: “Cả cuộc đời mẹ Đấu lo cho dân, cho nước. Mẹ đã hiến gần như toàn bộ gia sản tích góp để xây dựng quê hương. Bây giờ tuổi đã cao, mẹ đã lo hết mọi chuyện, kể cả chuyện hậu sự khi mẹ mất để không làm phiền bất cứ một ai. Mẹ là tấm gương sáng để mọi thế hệ từ cán bộ đến nhân dân noi theo”. Với những hành động cao cả và ý nghĩa, mẹ được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều bằng khen, giấy khen cho những đóng góp, hy sinh trong kháng chiến cũng như xây dựng quê hương. Tháng 12/2019, mẹ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, thể hiện lòng tri ân, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước trước hành động cao đẹp, đầy hy sinh của mẹ. Trang Lê

Gian nan hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

TĐKT - Đội K52, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai thành lập ngày 5/1/2001 với nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp trên, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là nguồn động viên tinh thần,  khích lệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ trở về Việt Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội K52 gặp không ít khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, có thể phải hy sinh xương máu. Địa bàn Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là đồi núi hiểm trở, phức tạp, nhiều nơi bị thay đổi do thời tiết, dòng chảy và tác động của con người nên rất khó xác định vị trí mộ liệt sĩ theo thông tin được cung cấp. Đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là hành quân bộ, có nơi chỉ hành quân được bằng đường sông. Thời tiết khắc nghiệt, nhiều nơi còn bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh. Phần lớn khu vực xác định có chôn cất hài cốt liệt sĩ ở Campuchia là căn cứ lõm của địch và khu chiếm đóng của "Khơ me đỏ” năm xưa; ở trong nước, người biết thông tin phần nhiều là người của chế độ cũ, do vậy một bộ phận người dân địa phương còn thiếu thân thiện, có tâm lý e ngại khi cung cấp thông tin liệt sĩ cho Đội. Mặt khác, số người biết và nhớ nơi chôn cất liệt sĩ không còn nhiều, có người cung cấp thông tin thiếu chính xác... Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn tự nhủ, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn rất nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ mong mỏi, hy vọng tìm ra thông tin quý giá phần mộ của người thân mình. Nỗi day dứt đó là động lực thôi thúc các cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn trăn trở phải làm gì, làm cách nào để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ trên đất Campuchia và trên địa bàn tỉnh Gia Lai.  Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, Ban chỉ huy Đội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo như: Làm tốt công tác chuẩn bị về con người; chủ động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng tất cả các phương tiện, trang bị trên cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dài ngày, đội ngũ lái xe được bổ túc tay lái, nắm chắc luật giao thông nước Bạn, có khả năng sửa chữa hư hỏng thường gặp và xử lý các sự cố nảy sinh để rút ngắn thời gian thu thập, xử lý thông tin, tăng thời gian và mở rộng địa bàn tìm kiếm. Cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định trong quá trình đưa hài cốt liệt sĩ về nơi tập trung. Ngay từ khi còn ở trong nước, Đội đã đề xuất với Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, liên hệ với các đơn vị, các cựu chiến binh đã chiến đấu trên đất Bạn để thu thập hồ sơ, tư liệu trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sĩ. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân nước Bạn để tranh thủ sự giúp đỡ tìm kiếm thông tin… Từ nguồn thông tin có được, Đội tổ chức phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, đưa vào kế hoạch chi tiết, làm cơ sở quy tập đến đâu, kết luận địa bàn đến đó. Do vậy, đã vận động nhiều đồng chí cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Campuchia dẫn đường tìm mộ liệt sĩ, như trường hợp cự chiến binh Phan Văn Huân 74 tuổi, ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai, đã sang Ôchalong/Stungtreng 2 lần với tổng thời gian 42 ngày tìm kiếm Bệnh viện K70 miền đông Nam bộ, chỉ cho Đội tìm được khu nghĩa trang của bệnh viện và đã quy tập được 99 hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, chỉ huy Đội đã chỉ đạo và tổ chức huấn luyện bổ sung chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra như: Thông tin, công binh dò gỡ mìn, quân y xử lý kỹ thuật 5 biện pháp băng bó cấp cứu, chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc; trinh sát địa hình, sử dụng bản đồ, địa bàn...; động viên cán bộ, chiến sĩ tự giác, tích cực học tiếng Campuchia và tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân nước Bạn theo phương châm người trước bồi dưỡng cho người sau, nghiên cứu, trao đổi những kinh nghiệm, sáng kiến hay như đào hào theo hình chữ chi, dùng thuốn thăm dò... để phát hiện ra những nơi có hài cốt liệt sĩ. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đều nắm vững và thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, biết cách xử trí mọi tình huống nảy sinh khi ở độc lập, cũng như khi ở tập trung. Để công tác khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ có hiệu quả thì việc nắm bắt, thu thập và xử lý thông tin từ việc tiến hành công tác dân vận là rất quan trọng. Nhiều năm qua, Đội đã thường xuyên làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của nước ta và nước Bạn phát triển kinh tế, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bài trừ hủ tục lạc hậu. Đồng thời tham mưu với Bộ CHQS tỉnh và Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Gia Lai tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 5.000 lượt người dân; cấp cứu kịp thời 7 ca bỏng nặng, 15 ca tai nạn giao thông, cứu sống 1 trường hợp nhồi máu cơ tim; giúp hơn 230 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp làm 15 công trình nước sạch cho các làng tại huyện Ô Za Đao, tỉnh Rattanakiri, huyện Tha La, tỉnh Stung Treng, được chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân yêu mến. Từ tình cảm chân thành đó, người dân nước Bạn đã cung cấp cho Đội nhiều thông tin có giá trị; trong đó có 2 người từng là sĩ quan cấp cao của Pôl Pốt tự nguyện dẫn đường cho Đội quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ, 2 người từng phục vụ chế độ Ngụy quyền Sài Gòn sinh sống tại thị xã An Khê/Gia Lai cung cấp thông tin cho Đội tìm kiếm được 1 mộ chung, 62 mộ riêng lẻ... An táng hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Hành trình 20 năm trên đất Bạn, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ đã in trên khắp mọi nẻo đường, hành quân hơn 1 triệu km vượt qua bao con sông, con suối trên những con đường mòn cheo leo trên vách núi, tìm kiếm tại 1.270 buôn làng, phum, sóc của 139 xã/23 huyện/03 tỉnh Rattanakiri, Stung Treng, Preah Vihear của Campuchia; đào bới hơn 95.000m3 đất đá, đào hơn 160km đường hào, trong đó có mộ phải đào gần 200m3 đất, đá ở địa hình đồi dốc với độ sâu hơn 2m, đào đi đào lại nhiều lần mới tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có 1 đồng chí hy sinh, 7 đồng chí bị thương và nhiều cán bộ, chiến sĩ suy giảm sức khỏe bởi sốt rét rừng và các bệnh lý khác do hậu quả của chiến tranh để lại. Sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ, Đội đã nghiên cứu, đúc rút ra “Quy luật chôn cất, mai táng” hài cốt liệt sĩ năm xưa, “Quy luật tìm mộ thứ hai trở lên khi xác định mộ thứ nhất” và các sáng kiến “Đào hào theo hình chữ chi”, “Dùng thuốn thăm dò”…, qua đó đã giảm được thời gian, công sức của bộ đội nhưng không bỏ sót mộ liệt sĩ. Ý chí dũng cảm, tinh thần quên mình của cán bộ, chiến sĩ luôn được thể hiện kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Có lần xuôi dòng Sê Kông về điểm tập kết tại tỉnh Stung Treng, ca nô bị lật, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã quên mình quyết giữ an toàn hài cốt liệt sĩ và bơi vào bờ. Trong một lần khác, do địa hình hiểm trở, lũ quét bất ngờ trong đêm đã cuốn phăng cả lán trại, cán bộ, chiến sĩ phải dầm mưa suốt đêm ôm giữ hài cốt liệt sĩ để tránh thất lạc. Về trong nước, những nơi có thông tin mộ liệt sĩ thường nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Có những thông tin phải đào tìm nhiều chỗ vẫn không thấy. Nhưng với tinh thần “chưa tìm thấy các anh thì cán bộ, chiến sĩ Đội K52 chưa ngừng, nghỉ”, Đội quyết tâm tìm cho bằng được. Từ những cách làm trên, đến năm 2020, Đội đã quy tập được 1.428 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Campuchia hồi hương về nước. Trong đó, tại tỉnh Ratanakiri là 523 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Stung Treng là 402 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Preah vihear là 503 hài cốt liệt sĩ. Trong tổng số 1.428 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy có 1 liệt sĩ có tên và địa chỉ; 42 liệt sĩ có tên, quê quán; 1.385 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Ở trong nước, từ năm 2018 đến năm 2020, Đội đã quy tập được 154 hài cốt liệt sĩ tại thị xã An Khê, huyện Kbang, huyện Đak Pơ và huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Trong đó có 1 liệt sĩ có tên, quê quán, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã được bàn giao cho gia đình và địa phương an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Với những thành tích đã đạt trong suốt 20 năm qua, Đội K52 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương ghi nhận thành tích và tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 5 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 5; 15 bằng khen của UBND tỉnh Gia Lai; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; cùng hàng trăm lượt cá nhân được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, ngày 15/9/2020, Đội K52 đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Minh Phương

Nữ hiệu trưởng tâm huyết với nghề phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật

TĐKT - Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974 là Hiệu trưởng trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là người luôn tâm huyết với hoạt động của trường. Chị chính là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được tôn vinh và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020. Năm 2015, chị được UBND tỉnh Hưng Yên giao nhiệm vụ là Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu. Với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn yêu nghề, tận tuỵ với công việc, yên tâm công tác, phục tùng sự phân công nhiệm vụ của Đảng cũng như các cấp lãnh đạo. Chị Nguyễn Thị Lan nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng Chị luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, kịp thời tham mưu chỉ đạo giải quyết tốt những nhiệm vụ phức tạp ở cơ sở ngay từ khi có dấu hiệu phát sinh. Qua đó, xây dựng được quy chế làm việc cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nghiệm của tập thể, cá nhân, từ đó phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cá nhân, dân chủ trong bàn bạc, thảo luận để tập thể quyết định. Kết quả chị đã xây dựng, ban hành và thực hiện tốt: Quy chế phân cấp quản lý cán bộ… tiến hành phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng đồng chí, phát huy và thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong từng lĩnh vực. Trong công việc, chị quy tụ được quần chúng nhân dân, xây dựng mối đoàn kết thống nhất, nền nếp làm việc khoa học, nghiêm túc trong đơn vị. Phát hiện và phát huy được năng lực của từng cá nhân, từ đó quy tụ thành sức mạnh tập thể. Chị đã đưa tập thể nhà trường thực sự trở thành tập thể sư phạm đoàn kết, gắn bó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành cũng như nhiệm vụ của địa phương giao. Trong những năm qua, chị đã lãnh đạo Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng; tổ chức học văn hóa, học nghề và tạo việc làm; phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho đối tượng bảo trợ xã hội là trẻ em khuyết tật, người tàn tật trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Chị luôn quan tâm, thực hiện đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả công tác. Đặc biệt, thay đổi mục tiêu và phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật mới đó là xây dựng môi trường giáo dục thiết thực đối với trẻ em khuyết tật; giáo dục phải gắn với thực tế cuộc sống, hướng các em đến đích cuối cùng là hòa nhập cộng đồng. Cụ thể hóa mục tiêu đó trong từng chương trình hành động của các phòng chuyên môn trong nhà trường. Vì vậy, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật nhiều năm liền đạt kết quả cao. Đặc biệt, chị đã thành công trong xây dựng thành công mô hình “Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường tự nhiên” của nhà trường với việc: Áp dụng quy trình can thiệp vòng tròn khép kín, trẻ khuyết tật được can thiệp chuyên sâu; tổ chức các hoạt động học văn hóa, học nghề, vui chơi giải trí cho các em như trẻ em bình thường khác. Sau 5 năm triển khai mô hình ‘‘Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường tự nhiên”, 100% trẻ có tiến bộ, nhiều trẻ ra trường đã tự tin trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Qua đó, xây dựng được uy tín, tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường. Chị Lan chụp ảnh lưu niệm trong buổi gặp mặt những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng Kết quả, trong công tác dạy văn hóa: 100% học sinh được tham gia học tập trên lớp, 100% trẻ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; có gần 2.000 lượt trẻ được tham gia tập huấn kỹ năng sống khi hòa nhập cộng đồng; gần 1.960 lượt trẻ được tham gia chơi. Giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ trẻ chơi, can thiệp tại các phòng chức năng, trẻ có không gian chơi bổ ích, vui vẻ, tạo sự hứng thú khi đến trường. 100% trẻ vào trường đều phát triển và tiến bộ, nhiều em đạt được những thành tích tốt. Số học sinh ra trường từ năm 2015 đến năm 2020 là 169 em. Số học sinh hòa nhập trường phổ thông từ năm 2015 đến năm 2020: 36 em. Trong đó có 5 em thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để tiếp tục các bậc học cao hơn. Từ 13 tuổi trở lên, các em được học một số nghề như: May, thêu ren, cơ khí, tin học, làm hoa lụa.... Mặc dù kinh phí dành cho học nghề còn rất hạn hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo, nhà trường đã cố gắng để dạy các em đạt kết quả tốt. Nhiều em đã trưởng thành và phát huy được các nghề đã học có thu nhập từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ/tháng. Một số em đã xây dựng được hạnh phúc gia đình, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội. Nhà trường có 3 giáo viên tham gia hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh đạt giải cao. Số học sinh ra trường tìm kiếm được việc làm trong 5 năm từ năm 2015 - 2020 là 64 em. Chị rất chú trọng công tác chăm sóc, quản lý học sinh, chỉ đạo cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức trong nhà trường thay nhau trực 24/24 giờ để chăm sóc và quản lý các em, đặc biệt đối với các em còn nhỏ chưa biết tự chăm sóc bản thân. Giáo dục cho các em có nếp sống văn minh, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà. Ngoài giờ học, trường còn tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn, thể, mỹ, như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, học múa, học hát, hướng dẫn học sinh xem truyền hình để các em hiểu về xã hội. Giúp các em phát triển về đức, trí, thể, mỹ, tạo điều kiện cho các em hoạt bát, nhanh nhẹn, tự tin trong cuộc sống. Song song với đó là công tác y tế - phục hồi chức năng và dinh dưỡng, chị thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ về chiều cao, cân nặng của trẻ tại trường; 100% học sinh được đảm bảo đầy đủ khẩu phần ăn, 100% học sinh khuyết tật được can thiệp có hiệu quả, tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh. Thực hiện can thiệp sớm về âm ngữ trị liệu đối với trẻ khuyết tật trong trường và trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ sơ sinh đến 6 tuổi ngoài cộng đồng, tư vấn cho cha mẹ các phương pháp, cách can thiệp về âm ngữ để phụ huynh can thiệp sớm cho trẻ tại gia đình. Trong 5 năm từ năm 2015 - 2020, có 306 trẻ được xét nghiệm viêm gan B và 135 trẻ được tiêm phòng vaccine viêm gan B; 79 trẻ được tiêm vaccine phòng sởi – quai bị - rubella; 95 trẻ được tiêm phòng MMR, 166 trẻ được tiêm vaccine phòng ngừa cúm, 100% trẻ được uống sữa tại trường theo chương trình Sữa học đường hoặc theo thực đơn bữa ăn của trẻ; có 258 trẻ được tập vận động; 54 trẻ được tập vật lý trị liệu; gần 300 trẻ được tập âm ngữ trị liệu. Dưới sự chỉ đạo, quản lý của chị Nguyễn Thị Lan, trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2016, nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng công nhận danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2018, nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Riêng cá nhân chị được nhận: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, Ban Thường vụ Huyện ủy. Hồng Thiết        

Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên): Gắn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và phát triển kinh tế - xã hội

TĐKT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng, những năm qua, cán bộ, viên chức (CBVC) trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) luôn suy nghĩ thi đua để đoàn kết hơn, để làm việc tốt hơn, có chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Trường luôn xác định công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) của Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trường Đại học Khoa học thăm và làm việc với Trường Đại học Souphanouvong (CHDCND Lào) PGS. TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học cho biết: Mặc dù đời sống cán bộ còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm phải nâng cao chất lượng đội ngũ, đến nay, Trường Đại học Khoa học đã có đội ngũ các nhà khoa học với 10 phó giáo sư, trên 100 tiến sĩ (tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đạt trên 45%). Đây là kết quả rất ấn tượng vì năm 2015 tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên chỉ đạt 15,7%. Hiện nay, toàn trường có khoảng 50 - 60 tiến sĩ được đào tạo (hoặc cử đi thực tập, hợp tác nghiên cứu) ở nước ngoài có khả năng hội nhập và công bố quốc tế tốt. Điển hình như: TS. Nguyễn Phú Hùng, có nhiều công bố trên các tạp chí hàng đầu thế giới về lĩnh vực ung thư; TS. Mai Viết Thuận, tuy còn rất trẻ nhưng đã có trên 30 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín về lĩnh vực Toán học... Trong trường, một số khoa 100% cán bộ, giảng viên có công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI; một số khoa, ngành 100% giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên... “Có thể nói, hiện nay Trường Đại học Khoa học có đội ngũ các nhà khoa học trẻ, được đào tạo bài bản, ham mê nghên cứu khoa học, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh và Đại học Thái Nguyên giao.”- Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đăng khẳng định. Hội thảo “Phát triển kỹ thuật PCR độ nhạy cao trong chẩn đoán Sars-CoV-2 virus” được tổ chức tại Trường Đại học khoa học Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên của trường, Trường Đại học Khoc học cũng chú trọng đến việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị dạy, học hiện đại. Theo Hiệu trưởng Đăng cho biết, trường mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư 2 dự án tăng cường năng lực trị giá 62 tỷ đồng với nhiều trang thiết bị rất hiện đại. Các lĩnh vực được đầu tư gồm: Kỹ thuật xét nghiệm y sinh, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, phân tích môi trường, hóa phân tích, hóa dược, vật liệu nano và khoa học vật liệu... Trường đang phấn đấu xây dựng 2 - 3 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và đang tích cực phối hợp với Bệnh viện A, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay, trường có 11 khoa chuyên môn, đào tạo 21 ngành bậc đại học, 8 chuyên ngành thạc sĩ, 3 chuyên ngành tiến sĩ với quy mô khoảng 6.000 người học. Hiện trường cũng có gần 500 học viên cao học và nghiên cứu sinh và gần 100 lưu học sinh quốc tế đang theo học tại trường. Trong 5 năm qua, số lượng người học của tỉnh Thái Nguyên theo học các hệ đào tạo của trường khoảng 450 - 500 người học/năm. Sinh viên của tỉnh Thái Nguyên theo học hệ đại học chính quy tập trung vào các lĩnh vực: Luật, Du lịch, Ngôn ngữ Anh, Công tác xã hội, Báo chí, Kỹ thuật xét nghiệm y sinh, Quản lý tài nguyên và môi trường, Hóa dược, Khoa học quản lý, Toán tin... Nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và công bố bài báo quốc tế được trường quan tâm. Trong 5 năm qua, Trường Đại học Khoa học luôn là đơn vị dẫn đầu các trường trong Đại học Thái Nguyên về số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (ISI). Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đăng cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2020, CBGV nhà trường đã công bố trên 300 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus và hàng trăm bài báo quốc tế khác. Tính riêng năm học 2019 - 2020, CBGV nhà trường đã công bố trên 100 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Đặc biệt, lĩnh vực xã hội nhân văn đã có một số công bố thuộc danh mục ISI/Scopus và quốc tế khác... Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, CBGV của nhà trường đã thực hiện 1 tiểu dự án quốc tế, 2 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước; 15 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc quỹ Nafosted (đề tài độc lập tương đương cấp Nhà nước); 23 đề tài cấp Bộ; 13 đề tài, dự án cấp ỉnh; 54 đề tài cấp đại học; 49 đề tài cấp cơ sở và trên 300 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Đã có trên 30 lượt cán bộ, sinh viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi Giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam, Giải thưởng Sáng tạo trẻ Việt Nam – VIFOTEC… Trường Đại học Khoa học tặng 1000 kit xét nghiệm Covid-19 cho tỉnh Thái Nguyên Hiện tại, nhà trường đang thực hiện 2 đề tài đặt hàng với tỉnh Thái Nguyên trị giá trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt là đề tài: “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime” chỉ sau 3 tháng thực hiện đã được nghiệm thu. Sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định với độ nhạy lâm sàng, độ đặc hiệu lâm sàng, độ đặc hiệu phân tích đều đạt 100%; thời gian thực hiện phản ứng dao động từ 54 phút đến 1giờ 10 phút; giá thành dự kiến giảm khoảng 15 - 30% so với một số bộ Kit đang được sử dụng hiện nay. Trường đã bàn giao 20 bộ sinh phẩm tương đương 1000 kit xét nghiệm cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên và đang bàn giao quy trình công nghệ để tỉnh giao cho doanh nghiệp triển khai sản xuất. “Cùng với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học là 2 trường đại học của Việt Nam và là đơn vị thứ tư trong cả nước (2 đơn vị khác là Học viện Quân y, tập đoàn VinGroup) nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Điều này khẳng định năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên nói chung và Trường Đại học Khoa học nói riêng. Tháng 6 vừa qua, trường đã tặng 1.000 kit xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID - 19.” – Hiệu trưởng Đăng cho biết. Ngoài tỉnh Thái Nguyên, trường Đại học Khoa học cũng đang thực hiện 4 đề tài với tỉnh Lạng Sơn, trong đó đã thực hiện 2 dự án bảo vệ môi trường với tỉnh Lai Châu và Bắc Ninh, đã ký kết chuyển giao 3 quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 Bằng sáng chế và bảo hộ độc quyền thương thiệu; có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đã được thương mại hóa... Với những thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trường Đại học Khoa học vinh dự là tập thể 5 năm liên tục đạt tập thể lao động xuất sắc; 2 lần đạt đơn vị xuất sắc trong khối thi đua Đại học Thái Nguyên; 1 lần nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều hình thức khen thưởng khác của các cấp. Tuệ Minh

Các y sĩ, điều dưỡng quên mình chống dịch

TĐKT - Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ, nhân viên y tế hầu hết đều gác lại chuyện riêng tư, xung phong vào điểm nóng để chống dịch. Họ là những chiến binh dũng cảm nguyện một lòng phục vụ nhân dân và người bệnh. Điều dưỡng Trần Thanh Huyền, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh Đến với Bệnh viện dã chiến số 2, thật xúc động khi nghe câu chuyện về những nhân viên y tế quyết gác lại việc riêng của gia đình để sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Một trong số đó là câu chuyện của điều dưỡng Trần Thanh Huyền (42 tuổi), Bệnh viện Răng Hàm Mặt (BV RHM) Trung ương TP Hồ Chí Minh. Dù mẹ phải cấp cứu tại bệnh viện, nhưng ngay sau khi lo liệu cho mẹ tạm ổn, chị Huyền đã lên xe quay trở lại Bệnh viện dã chiến số 2 để cùng chiến đấu với đồng nghiệp. Nhớ lại khoảng thời gian khi nhận được thông tin người thân của mình bị cấp cứu, điều dưỡng Trần Thanh Huyền chia sẻ, đội BV RHM Trung ương được Bộ Y tế điều động tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2. Ngay ngày đầu tiên đến, gia đình thông báo là mẹ chị đang phải cấp cứu. Chị trình bày với Ban Giám đốc Bệnh viện, lãnh đạo tạo điều kiện cho xe cấp cứu để đưa chị về với gia đình. Được biết, mẹ chị Huyền bị bệnh tiểu đường hơn 30 năm, giai đoạn này dễ biến chứng nên bệnh xuất hiện đột xuất. Tuy nhiên sau 1 ngày, sức khỏe của bà ổn định, chị Huyền đã quay lại bệnh viện, cùng đồng đội tham gia chống dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh điều dưỡng Huyền không chỉ có đồng nghiệp mà gia đình cũng luôn ủng hộ và là hậu phương vững chắc để chị hoàn thành tốt công việc của mình. Trong gia đình, mọi người luôn động viên chị cố gắng, giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước khi đi chống dịch, chị cũng cố gắng thu xếp công việc nhà, hai con nhỏ ở nhà cùng ba. Chị dặn cẩn thận các bé, sắp xếp chu đáo việc nhà khi chị vắng nhà. Điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh của BV RHM Trung ương TP Hồ Chí Minh phụ trách hậu cần cho đoàn tại Bệnh viện dã chiến số 2 Không chỉ có điều dưỡng Huyền mà còn rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế khác cũng gác lại chuyện riêng, thậm chí có những người không thể chịu tang người thân hay nhiều năm chưa được về thăm gia đình do chống dịch... Do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn cử 2 năm nay điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh (29 tuổi), BV RHM Trung ương TP Hồ Chí Minh chưa về quê thăm gia đình, cũng từ rất lâu chị không gặp bạn bè, người quen. Đầu tháng 6 khi bùng dịch, theo chỉ đạo của Sở Y tế, BV RHM Trung ương đã thành lập rất nhiều đội lấy mẫu cộng đồng, với tên gọi “những bàn chân không nghỉ” đi khắp TP Hồ Chí Minh. Sau khi có lệnh điều động của Bộ Y tế, chị đã đăng ký vào Bệnh viện dã chiến số 2 để hỗ trợ chống dịch. Trước khi vào Bệnh viện dã chiến số 2, chị Linh đã hình dung ra được công việc và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Chị chuẩn bị luôn tâm lý vừa phải mang khẩu trang dày, vừa phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian rất dài dẫn đến việc khó thở, nóng, mệt. Chị Linh chia sẻ, có những người mới lần đầu chống dịch nên chưa quen, thường khóc vì nhớ nhà, nhớ con, sau khi được động viên, tâm lý cũng dần ổn định, cố gắng chiến đấu, dập dịch để sớm trở về với gia đình”, diều dưỡng Linh chia sẻ. Ngoài ra, mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến số 2 gọi điện cho bệnh nhân 5, 7 lần để tư vấn, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mọi người ở đây từ bệnh nhân đến bác sĩ, nhân viên y tế đều giao tiếp với nhau bằng điện thoại. Nhiều bệnh nhân rất dễ thương, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm các bác sĩ, tình hình bệnh, kết quả xét nghiệm… Có nhiều bệnh nhân tâm sự muốn về nhà vì thực sự họ xa gia đình quá lâu rồi... Làm trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin đồng nghiệp trở thành F0, ai nấy đều đau lòng, đã có suy nghĩ thoáng lên “một ngày nào đó có tới lượt mình hay không?”. Chính vì vậy, các anh em đồng nghiệp tự nhủ với nhau phải cẩn thận, nỗ lực hơn nữa vì người đi rồi thì người ở lại sẽ nhiều công việc hơn. Họ thường xuyên gọi điện, động viên lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tại đây, cứ 5 ngày cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 2 lại xét nghiệm định kỳ một lần. Khi ngồi đợi kết quả, ai cũng lo lắng, thời gian ngồi đợi ai cũng sợ, tự nhắn tin trấn an nhau “chắc sẽ ổn thôi”. Khi có kết quả âm tính mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Họ đều chung suy nghĩ, nhanh chóng hết dịch, mọi người được về nhà bình an, ai cũng khỏe mạnh và không có bệnh nhân tử vong. Mong muốn của điều dưỡng Linh thật giản dị, chị ao ước, khi hết dịch bệnh, chị sẽ mời mọi người đến nhà liên hoan một bữa vì 2 năm nay chị gần như không được giao lưu, gặp gỡ gia đình, bạn bè.  Điều dưỡng Linh luôn mang trong mình tinh thần lạc quan với suy nghĩ: Vì mình đang còn trẻ nên phải cống hiến, làm việc hết mình. Từ việc đi lấy mẫu cộng đồng và hiện tại là chăm sóc các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2, tất cả đều không làm khó được các chị em y sĩ, điều dưỡng tại nơi đây. Nguyễn Hân  

Tạp chí Thi đua Khen thưởng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT - Chiều 16/7, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ Nội vụ, nhằm tôn vinh, biểu dương thành tích của các tập thể, cá nhân đã đạt được trong thời gian qua, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trưởng Ban tổ chức Trung ương cho tập thể, các vụ, đơn vị và cá nhân thuộc Bộ Nội vụ.  Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi lễ Tại buổi lễ, Tạp chí Thi đua Khen thưởng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, tổ chức, phục vụ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh công bố các Quyết định khen thưởng. Đến dự và chủ trì buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Mạnh Khương và ông Lê Văn Phương. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng, các tập thể, cá nhân đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của Bộ, ngành Nội vụ và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, triển khai thực hiện các quy định hiện hành về công tác thi đua, khen thưởng. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Tại buổi lễ, Chánh Văn phòng Vũ Đăng Minh đã công bố các quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Mạnh Khương, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ và ông Lê Văn Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, trong đó có Tạp chí Thi đua Khen thưởng Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen của Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương cho Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh Cũng tại buổi Lễ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã công bố Quyết định tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 2 tập thể; Quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 tập thể, 6 cá nhân; Quyết định tặng Bằng khen của Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương cho 3 cá nhân. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng các tập thể, cá nhân đã được tặng những phần thưởng cao quý. Năm 2020 vừa qua, Bộ đạt được nhiều thành tựu tích cực và kết thúc một năm tốt đẹp. 6 tháng đầu năm 2021, Bộ cũng đã đạt được những kết quả toàn diện. Đó là kết quả của các đơn vị của Bộ, thuộc Bộ trong đó có các cá nhân được khen thưởng ngày hôm nay. Đây chính là vinh dự của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng mong muốn các tập thể, cá nhân cố gắng hơn nữa để đưa sự nghiệp ngành Nội vụ ngày càng phát triển vượt bậc. Bộ trưởng hy vọng, tin tưởng trong thời gian tới sẽ có thêm các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu đóng góp vào vườn hoa thi đua. Hồng Thiết

Người lưu giữ nét đẹp của các làn điệu dân ca

TĐKT - Mặc dù ở tuổi 67 nhưng bà Nguyễn Thị Kim Dung vẫn trẻ trung, năng động, vóc dáng cao ráo, giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt vẫn giữ được nét đẹp thời son trẻ và luôn cống hiến hết mình cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là lưu giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca cho người cao tuổi. Bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, bà sinh tại Vĩnh Phúc, nơi đó cha mẹ bà từ Hà Nội tản cư tránh giặc Pháp. Bà được cha mẹ kể lại rằng, 3 tháng tuổi, trong vòng tay mẹ, bà cùng cha mẹ và hai anh trở về Thủ đô sau ngày giải phóng. Lớn lên và đi học tại Hà Nội chưa được bao lâu, bà lại phải trở lại Vĩnh Phúc sơ tán, tránh máy bay Mỹ đánh phá. Sau đó, bà trở về học cấp III Chu Văn An – Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông, bà thi và trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Bà Nguyễn Thị Kim Dung Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bà tốt nghiệp xuất sắc và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm 2. Sau đó, đến năm 1985, với mong muốn ở gần gia đình, bà đã xin về công tác tại Viện Huân chương nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, bà giữ vị trí là chuyên viên. Tại đây, bà đã luôn nỗ lực hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp đó, bà được giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp cho đến cuối năm 2009 thì bà nghỉ hưu theo chế độ. Trong quá trình công tác, bà đã được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba. Là người nhiệt huyết trong các công tác, dù nghỉ hưu, bà vẫn luôn mong muốn được đóng góp khả năng còn lại của mình cho họat động xã hội. Biết được tài năng và năng lực của bà, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã mời bà về làm việc. Bà đã nhận lời giữ chức vụ Chánh Văn phòng, sau đó bà lại được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm. Làm việc tại đây, bà tham gia nhiều hoạt động: Từ điều hành, tổ chức các sự kiện của Trung tâm cho đến làm các chương trình văn nghệ mở đầu các cuộc hội, họp. CLB Vui ca tham gia biểu diễn văn nghệ  Chính niềm đam mê ca hát đã luôn thôi thúc bà mang tiếng hát dân ca, khả năng hát dân ca của mình đến với tất cả mọi người. Ý nghĩ thành lập nhóm văn nghệ mang tên “Tiềm năng” do thế đã ra đời. Khi thành lập nhóm này, bà đã vận động và được mọi người hưởng ứng. Ngày 2/9/2013, nhóm Tiềm năng được công bố thành lập và đi vào hoạt động, tập luyện rồi biểu diễn. Để nhóm trở nên chuyên nghiệp hơn, bà và một số thành viên theo học ngay lớp dạy dân ca của Nghệ nhân Ưu tú Lê Cần, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát. Bà vẫn nhớ như in, lần đầu tiên Hà Nội giãn cách xã hội vào ngày 1/4/2020, trong lúc mọi người đang lo lắng vì dịch bệnh, đang buồn phiền không được tham gia các chương trình văn nghệ và không được hát, không được giao lưu. Với trách nhiệm là nhóm trưởng cộng với lòng say mê dân ca, bà không chấp nhận phải ngừng tiếng hát. Bà đã vận động mọi người và quyết định đổi tên nhóm thành Câu lạc bộ Vui ca, cho phù hợp với tiêu chí hoạt động. Trong thời gian chưa được tập trung học hát tại lớp, bà đã tập hát trên mạng, dạy hát trên mạng. Bà đã đảm nhận trách nhiệm chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB), điều hành mọi hoạt động của CLB và trực tiếp hưỡng dẫn các hội viên học hát dân ca. CLB đã hội tụ những người yêu thích ca hát, nhất là hát dân ca, tự nguyện tham gia với tiêu chí: Hát để mang lại niềm vui và sức khỏe cho chính mình, cho mọi người. Hát để góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa nước nhà. Theo đó, CLB có các hoạt động như: Học hát theo lớp, theo nhóm, trực tiếp hoặc trực tuyến và hát cho nhau nghe; biểu diễn phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của các tổ chức, địa phương khi có nhu cầu. Để duy trì, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tuần 1 lần tại nhà của bà Dung. Tiết mục của CLB Vui ca biểu diễn tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội Góp phần giữ gìn tiếng hát dân ca, sau gần 8 năm hoạt động, với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ dân ca và dâng tiếng hát cho đời, CLB đã tham gia 98 buổi biểu diễn, 270 lượt tiết mục tại nhiều nơi như: Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người; Trung tâm nuôi dưỡng Người có công; Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô; Làng Hữu nghị Việt Nam; các CLB dân ca, các địa phương như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, quận Tây Hồ, phường Thụy Khuê, Hà Nội… Từ 8 hội viên ban đầu, CLB hiện đã có gần 40 hội viên tuổi từ 56 – 70  đều đã nghỉ hưu, thuộc nhiều lĩnh vực nghề nghiệp và trình độ khác nhau, trong đó có 1 giáo sư, 5 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 10 giảng viên đại học, 5 giáo viên phổ thông, 2 cán bộ cấp vụ, nhiều chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, sĩ quan quân đội và các nhà kinh doanh. Tất cả đều chung cảm nhận sinh hoạt tại CLB Vui ca thật hữu ích, giúp cho mọi người vui, yêu đời, yêu người hơn, khỏe mạnh hơn, lại được góp phần nhỏ vào việc gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới công nhận. Đặc biệt, các hội viên đang góp phần chống dịch Covid-19 hiệu quả, ở nhà mà vẫn có ích. Ngày ngày, trong từng căn nhà của mỗi hội viên CLB Vui ca, lời ca quan họ vẫn được cất lên như gửi tấm lòng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh cái nôi của dân ca quan họ những lời cảm thông, chia sẻ, những lời cầu mong sớm qua mau đại dịch. Khi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà trong suốt quá trình hoạt động và thành lập CLB thì tất cả các kỷ niệm đã ùa về trong bà, bà vẫn nhớ như in buổi biểu diễn phục vụ tại Trung tâm Điều dưỡng Người cao tuổi Thiên Đức. Khi đến hội trường, các cụ đã ngồi đông đủ. Các cán bộ Trung tâm kể lại với bà, các cụ ở đây đã ngồi chờ từ 8h, trước giờ hẹn so với 1 tiếng. Có cụ háo hức chống nạng tự đi, có cụ được y tá hoặc người nhà dìu đến, có cụ được đưa đến bằng xe lăn. Bà và cả đoàn xúc động nhìn các cụ cười móm mém, vỗ tay theo lời hát của đoàn bà biểu diễn. Mặc dù ra về nhưng bà vẫn nhớ mãi cái nắm tay lưu luyến và lời tỏ bày của các cụ thích nghe hát dân ca và lần sau CLB lại đến để hát cho các cụ ở trung tâm nghe. Tiếp đó là nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân, bà và CLB đến thăm, biểu diễn, mang lời ca tiếng hát tặng các nạn nhân chất độc da cam, đang được điều dưỡng tại Làng Hữu nghị Việt Nam, trong đó có hàng trăm cựu chiến binh vừa là thương binh, vừa là nạn nhân chất độc da cam. Cảm nhận được sự lạc quan và nghị lực vượt qua nỗi đau chiến tranh của những người lính Cụ Hồ, bà lại càng khâm phục, biết ơn họ. Tiếng hát của CLB đã bay cao, bay xa đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam, nơi đây nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, điều dưỡng cho các thương binh Hà Nội. Cả Ban Giám đốc và hàng trăm thương binh chờ đón đoàn bà đến, họ đã hát, ngâm thơ, giao lưu cùng đoàn, mặc dù đêm trước nhiều bác thương binh còn đau vết thương suốt đêm không ngủ được. Các hội viên đến với CLB Vui ca vào những thời điểm khác nhau nhưng các thành viên đều để lại những kỷ niệm đẹp về lòng say mê, về nghị lực, về sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm. Bà đã truyền niềm đam mê hát đến các hội viên. Theo như bà kể, CLB có 1 hội viên bị bệnh nặng, phải phẫu thuật và điều trị hóa chất nhưng vẫn cố gắng vượt qua bệnh tật, nhanh phục hồi sức khỏe để quay trở lại với CLB, để mang tiếng hát ngọt ngào cho đời. Cũng có trường hợp đang phải điều trị xạ tại bệnh viện nhưng vẫn tham gia học hát trực tuyến cùng CLB và không bỏ học buổi nào, trường hợp hội viên đó còn truyền cảm hứng, kết nối nhiều bạn bè tham gia CLB. Là người yêu thích âm nhạc và luôn mong muốn gìn giữ nét đẹp của dân ca quan họ đến với người cao tuổi, để luôn sống khỏe, sống có ích cho xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Dung dự định sẽ tiếp tục thu xếp công việc và thời gian để dạy hát miễn phí ngày 2 buổi cho các nhóm của CLB trong thời gian phải hạn chế tiếp xúc do dịch Covid. Khi dịch Covid ổn định, hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường, dự kiến, bà sẽ chuyển CLB sang  địa điểm mới thuận lợi hơn và tiếp tục mời Nghệ nhân ưu tú Lê Cần đến truyền dạy dân ca cho CLB. Đồng thời, tổ chức cho các hội viên luyện tập cách biểu diễn nhiều hơn để tăng sức hấp dẫn của chương trình, nhằm lan tỏa tình yêu dân ca đến mọi người. Hồng Thiết  

Người cán bộ gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, nhẹ nhàng, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động và đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của cấp trên là chân dung của Bí thư chi bộ Lê Hữu Tuất qua lời kể của người dân ở thôn Nguyễn, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Bí thư Tuất trực tiếp kiểm tra, giám sát công trình xây dựng NTM Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn từ năm 2015, là thời điểm địa phương bắt tay ngay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn ở một vùng quê nghèo, lam lũ. Nhưng với nhưng cách làm hay, sáng tạo, người Bí thư chi bộ thôn Nguyễn đã phát huy trí tuệ tập thể, tính tiên phong, guơng mẫu của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ vậy, thôn Nguyễn đã thực sự chuyển mình, đổi thay nhanh chóng, góp phần đưa xã Yên Sơn về đích NTM năm 2017. Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, anh Tuất cho biết: Do đặc thù thôn xa trung tâm xã, khi mới bắt tay xây dựng NTM, đường giao thông trong thôn chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn mới, một số hộ dân chưa hiểu rõ lợi ích của chủ trương nên chưa đồng tình việc hiến đất mở đường. Tôi cùng các đảng viên, hội, đoàn thể trong thôn đi đến từng nhà tuyên tryền, vận động để người dân hiểu rõ và tự nguyện thực hiện”. Khi tư tưởng đã thông, mỗi người dân trong thôn đều hiểu và nhận thức được người hưởng thụ chính là họ nên đã tích cực tham gia ngày công, đóng góp tiền của, công sức. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, hiến công trình để mở rộng các tuyến đường. Sau thời gian kiên trì vận động, tuyên truyền, các hộ trong thôn đã tự nguyện hiến đất với chính sách hỗ trợ xi măng của nhà nước. Thôn cũng huy động nội lực trong nhân dân, con em xa quê, doanh nghiệp đóng tại địa phương làm mới 5 km đường trục chính, đường thôn đảm bảo tiêu chuẩn. Toàn hộ hệ thống mương thoát nước trong khu dân cư đã được xây dựng có nắp đậy kiên cố, hệ thống đèn điện thắp sáng trên các tuyến đường. Chia sẻ về thành công trong công tác xây dựng NTM,  anh Tuất cho biết: Thành tích trong xây dựng NTM được khởi nguồn từ các công tác xây dựng Đảng, từ khâu đột phá, then chốt là công tác cán bộ. Để xây dựng NTM thành công, trước hết, cán bộ, đảng viên phải hiểu, phải nắm bắt chắc nội dung, tiêu chí xây dựng NTM; phải có trách nhiệm, quyết tâm cao, gương mẫu đi đầu để quần chúng noi theo. Với suy nghĩ đó, việc trước tiên, bí thư Tuất đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thôn, xóm học tập, nắm chắc nội dung cơ bản của 19 tiêu chí xây dựng NTM, có kiểm tra, đánh giá, chấm điểm nghiêm túc, chặt chẽ. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp ở thôn xóm, lấy ý kiến dân chủ của nhân dân, thống nhất lộ trình, thứ tự ưu tiên các phần việc, hạng mục đầu tư, xây dựng NTM. Cũng theo anh Tuất, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những “đụng chạm”, nhưng để tạo chuyển biến trong bộ máy, thay đổi lề lối, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM; để được dân tham gia, ủng hộ thì nhất thiết phải làm, phải quyết tâm làm việc với tác phong khoa học, dám nghĩ, dám làm, không ngại việc khó. Người dân nhìn vào cán bộ, đảng viên để thấy họ gương mẫu, đi đầu, “nói đi đôi với làm” hay không. Do vậy, anh thường xuyên yêu cầu ở nơi nào khó khăn, mặt bằng chưa giải tỏa được, bà con còn thắc mắc thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, đồng thời tích cực vận động, giải thích để bà con hiểu. Đó cũng là thành công trong thực hiện “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt” gắn với xây dựng NTM tại thôn Nguyễn. Hiệu quả, cách làm của bí thư Tuất đã lan tỏa sang các thôn khác, góp phần tạo lên một khí thế thi đua sôi nổi, một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thôn trong xã, làm động lực để Yên Sơn về đích sớm trong xây dựng NTM năm 2017. Một trong những kết quả nổi bật khác mà thôn Nguyễn thực hiện được đó là việc chuyển đổi diện tích lúa từ vài héc-ta trước đây của thôn, nay đã phát triển tới 114 ha với những giống lúa như: Tạp giao, thiên ưu, bắp thơm; có 25 hộ chuyển đổi sang mô hình nuôi cá với tổng diện tích 56 ha… góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho xây dựng NTM. Năm 2016, thôn Nguyễn được thành phố chọn để triển khai Đề án “Thí điểm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”, trong đó tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi một số diện tích đất cấy lúa vụ mùa kém hiệu quả sang nuôi cá theo vụ theo hướng bán chuyên canh tại Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Tây (xã Yên Sơn). Mô hình thí điểm trên tại thôn Nguyễn đã khắc phục được tình trạng nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, không gieo cấy vụ mùa. Đến nay, 100% diện tích cấy lúa ở vụ mùa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp nuôi cá và chăn bò, dê. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, anh Tuất cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích xây dựng công trình phúc lợi, làm vỉa hè. “Tuy nhiên, đã xuất hiện khó khăn ban đầu khi ai cũng ủng hộ chủ trương nhưng đóng góp kinh phí, hiến đất thì ai cũng bàn lùi.” - anh Tuất cho biết. Trước thực trạng này, anh đã cùng các đảng viên trong Chi bộ thôn đã gương mẫu đóng góp kinh phí, vận động người thân của mình hiến đất trước; phát động dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa ven đường. Từ đó, phong trào làm vỉa hè đường giao thông nông thôn, ý thức tham gia bảo vệ môi trường đã được nhân dân trong thôn đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy, thôn Nguyễn là thôn đầu tiên hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu của xã Yên Sơn. Không chỉ gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bí thư Tuất đã không quản ngại tuyên truyền tới từng hộ dân về công tác phòng, chống dịch. Kết quả, thôn có số kinh phí ủng hộ 22 triệu 600 nghìn đồng (năm 2020). Đây là số tiền ủng hộ phòng, chống dịch cao nhất so với các thôn trên địa bàn thành phố. Đồng thời con em thôn Nguyễn xa quê đã gửi tặng 1 tấn gạo ủng hộ thành tích chống dịch. Được hỏi về kinh nghiệm xây dựng NTM tại địa phương, anh Tuất khiêm tốn chia sẻ: Cán bộ phải thực sự gần dân, vì dân, sâu sát cơ sở, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Trong triển khai thực hiện, không ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước mà xác định tiêu chí nào thuận lợi, phù hợp với khả năng của thôn thì ưu tiên làm trước; phát huy mọi nguồn lực của địa phương, trong nhân dân cho phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Trong thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục quy hoạch đường hoa, cải tạo nghĩa trang, thành lập tổ nuôi ong…”. Từ năm 2010 đến nay, với vai trò là người đứng đầu chi bộ, anh đã cùng cấp ủy thôn lãnh đạo và xây dựng chi bộ thôn Nguyễn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền. Bí thư chi bộ Lê Hữu Tuất liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Ban Thường vụ Thành ủy tặng 3 giấy khen, Chủ tịch UBND thành phố tặng 2 giấy khen, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tặng giấy khen… Tùng Chi  

Trồng cây ăn quả có múi mang về thu nhập tiền tỷ

TĐKT - Từ quyết định táo bạo chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, tới nay gia đình chị Đoàn Thị Hiên, thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã sở hữu diện tích lớn chanh tứ thời, cam V2, bưởi các loại... Mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Chị Đoàn Thị Hiên Như những người phụ nữ khởi nghiệp khác, chị Hiên gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, quản lý nhân sự, cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò trong gia đình, xã hội. Nhưng được sự hỗ trợ của người thân và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự nỗ lực của bản thân, chị đã từng bước đi tới thành công. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, những năm qua, chị Hiên không ngừng tìm tòi, học hỏi, tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hăng hái tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với cơ cấu vùng miền của xã. Năm 2005, nhận thấy 6 ha trồng cây lâm nghiệp của gia đình kém hiệu quả, chị Hiên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử trên 100 cây chanh tứ thời. Chuyển đổi cây trồng mới, kinh nghiệm chưa có, chị phải học hỏi mô hình cây ăn quả ở các địa phương khác để áp dụng kỹ thuật chăm sóc, đầu tư diện tích của gia đình. Vừa làm vừa từng bước tích lũy kinh nghiệm, sau hơn 10 năm, gia đình chị Hiên đã phủ kín 6 ha đất bằng các loại cây ăn quả, trong đó có 5 ha cây cam V2, diện tích còn lại là chanh tứ thời và bưởi các loại. Năm 2013, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn 20 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng tham gia. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Đoàn Thị Hiên cho thu nhập cao, được nhiều tổ chức, cá nhân tới tham quan, học tập Từ diện tích cam, chanh bố mẹ ban đầu, năm 2020, chị Hiên đã mua, thuê 8 ha đất ở xã Đội Cấn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để trồng thêm và làm vườn ươm cây giống. Bình quân mỗi năm gia đình chị Đoàn Thị Hiên thu hái được 40 tấn quả có múi; chiết, ghép 2 vạn cây giống bán ra thị trường, tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương. Chị cho biết: “Chúng tôi là áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn Vietgap, giá cả ổn định, chất lượng, an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng theo một quy trình khép kín. Trong quá trình tạo ra sản phẩm, không tạo ra khí thải độc hại, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn. Thông điệp của tôi muốn gửi đến khách hàng về công nghệ sản phẩm, đó là “Vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi luôn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn”.” Chị Đoàn Thị Hiên phấn khởi khoe thành quả sau thời gian chăm sóc vườn chanh tứ thời. Ngoài việc làm kinh tế tại gia đình, chị Hiên còn tích cực động viên chị em phụ nữ trong Chi hội tham gia xây dựng phong trào Hội, vận động hội viên thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” theo 4 tiêu chuẩn "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhờ mô hình cũng như sự giúp đỡ của chị Hiên, trên 100 gia đình hội viên hội phụ nữ trong tổ sản xuất đã có kiến thức, có việc làm và thu nhập, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. “Với phương châm “sát cánh cùng người sản xuất, đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu của tôi là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả có múi an toàn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo trong thôn, xã, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tiến tới thành lập hợp tác xã trong tương lai gần.” - Chị Hiên chia sẻ. Chị đang phối hợp với các hội viên khác mở rộng diện tích cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2022, gia đình chị và các hội viên phụ nữ trong thôn sẽ có tổng diện tích cây ăn quả là 73 ha, sản lượng ước đạt gần 1.100 tấn cam, chanh, bưởi các loại, tiến tới thành lập hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong thôn, xã. Phương Thanh      

Trang