Điển hình tiên tiến

Tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện

BTĐKT - Trong nhiều năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành một hoạt động sôi nổi, đầy ý nghĩa với nhiều tấm gương nổi bật. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là cô giáo Trần Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường mầm non xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, đã 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Cô giáo Trần Thị Mỹ Ngọc, vinh dự nhận giấy khen của Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Ninh Bình “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại", nhận thức được tầm quan trọng, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu cứu người, cô giáo Trần Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường mầm non xã Trường Yên đã tích cực hăng hái tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Đến nay, cô đã 15 lần tình nguyện, cho đi những giọt máu của bản thân mình với mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp các số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống. Việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của cô đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, tuyên truyền, vận động người thân tham gia, cô giáo Trần Thị Mỹ Ngọc là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của huyện Hoa Lư. Chia sẻ về lý do tham gia hiến máu tình nguyện, cô Ngọc tâm sự: “Tôi thấy hiến máu nhân đạo là việc làm ý nghĩa, giúp cho được nhiều người, tôi đã vận động bạn bè người thân tham gia cùng, chồng và hai người con của tôi cũng đã tham gia hiến máu nhiều lần, bản thân tôi đã tham gia hiến máu 15 lần. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi làm được việc có ý nghĩa cho xã hội.” Cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Trường Yên cho biết: Cô Ngọc là một tấm gương tiêu biểu, luôn tiên phong, tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, đó là việc làm cao cả, không phải ai cũng có thể làm được. Trong công tác, cô luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của nhà trường, tích cực tham gia các phong trào của nhà trường cũng như địa phương, hòa đồng, thân thiện với đồng nghiệp. Không chỉ có tinh thần tương thân, tương ái, cô Ngọc còn là giáo viên có chuyên môn giỏi, tận tâm với nghề. Cô luôn dành niềm say mê, chủ động tìm hiểu, học hỏi nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, sự tâm huyết và lòng yêu nghề mến trẻ của cô còn được gửi gắm vào những trang giáo án đầy tính sáng tạo. Cô cũng rất khéo tay, thường xuyên chịu khó làm nhiều đồ dùng dạy học để bổ sung và tăng cường cho trẻ có nguồn học liệu, giáo cụ, đồ dùng, đồ chơi phong phú đảm bảo cho trẻ được hoạt động trải nghiệm tích cực và sáng tạo. Cô đã xây dựng được hình ảnh đẹp về cô giáo trong tâm hồn trẻ thơ. Cô cũng là tấm gương chân thực để các bạn bè đồng nghiệp trong trường học tập. Ngoài công việc chăm sóc giáo dục, cô còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, của địa phương. Những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo, hành động đẹp của cô Ngọc đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Những việc làm mang ý nghĩa cao cả, giá trị nhân văn sâu sắc ấy xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết bình dị. Cô giáo Trần Thị Mỹ Ngọc nhiều năm qua đã trở thành tấm gương sáng, tạo sức lan tỏa trong xã hội, được các cấp, các ngành ghi nhận. Năm 2022 cô đã vinh dự nhận giấy khen của Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Ninh Bình. Nguyễn Ánh  

Người giữ nghề rèn truyền thống ở bản Pặt Pháy

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có nghề rèn truyền thống, lò rèn của gia đình ông Vì Văn Xiên, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, vẫn sớm tối “đỏ lửa” trong gần 40 năm qua. Với những bí quyết gia truyền, sản phẩm rèn có độ tinh xảo, sắc và bền, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ông Vì Văn Xiên, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, rèn dao. Lò rèn của gia đình ông Xiên rộng khoảng 30m² ở ngay gần nhà. Ông Xiên chia sẻ: Những năm 1950, ông nội và bố tôi mở lò rèn và sửa chữa dụng cụ lao động cho bà con trong bản. Năm 14 tuổi, tôi học và có thể tự rèn một dụng cụ, như dao, cuốc, thuổng. Năm 2004, bố mất, tôi tiếp tục kế nghiệp nghề rèn. Bây giờ, gia đình chủ yếu rèn các loại dao; để có sản phẩm bền, đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn thép, định hình phôi, nung, rèn, tôi, mài, làm cán... Lò rèn truyền thống trước đây được đắp bằng đất trộn rơm nhào nhuyễn, sau đó để khô tự nhiên; mặt lò võng xuống để đựng than, bên hông lò có một lỗ hình tròn để lấy gió từ bễ thổi vào. Bễ lò rèn dùng bằng 2 thân cây gỗ lớn đục rỗng, có pít-tông như cái bơm dùng hai tay đẩy để thổi gió vào lò. Than dùng để rèn là than gỗ nhãn, gỗ dẻ, sau khi đốt than phải ủ dưới hố đất một tuần mới sử dụng được. Bây giờ, có quạt điện thay bễ kéo tay, dùng than đá và có máy dập phôi thép, giúp một số công đoạn rèn nhanh và tiện lợi hơn. Tùy vào từng loại thép, độ các bon của thép khác nhau mà áp dụng những cách tôi khác nhau, như tôi bằng nước, bùn ao hoặc dầu nhớt; có thể tôi 1 phần lưỡi dao, một nửa lưỡi hoặc tôi toàn bộ dao... Theo ông Xiên, khó nhất trong rèn là việc tôi lưỡi, vì công đoạn này quyết định công cụ có sắc bén, độ bền có cao hay không. Người thợ lâu năm nhìn độ đỏ hồng của màu thép khi nung để quyết định chính xác thời điểm tôi, để lưỡi công cụ sau khi tôi không bị nứt, đạt độ chịu lực tốt khi sử dụng. Vỏ dao, cán dao thường được làm bằng gỗ lát hoa, pơ mu hoặc dâu rừng, bởi những loại gỗ này có vân đẹp, thớ gỗ dai, dễ tạo hình và có độ bền, bóng theo thời gian sử dụng. Cán dao và vỏ dao được gia cố bằng khâu đồng để tăng độ thẩm mỹ. Năm 2022, gia đình ông Xiên mở rộng quy mô lò rèn và đầu tư thêm máy mài, máy chà, máy cắt phôi thép và làm đa dạng các sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng, lò rèn của ông sản xuất từ 30-40 sản dao các loại, tiêu thụ trong tỉnh và bán cho khách ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội..., thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng. Mặc dù các sản phẩm rèn ngoài thị trường ngày một đa dạng, nhưng lò rèn của gia đình ông Vì Văn Xiên vẫn quanh năm đỏ lửa, tiếng búa vẫn vang lên đều đặn mỗi ngày, bởi sản phẩm giữ được uy tín, giúp gia đình có thu nhập ổn định và góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống trên đất Dồm Cang. Theo baosonla.org.vn

Ninh Bình tuyên dương gần 100 Bí thư chi đoàn tiêu biểu

BTĐKT - Ngày 24/3, Tỉnh đoàn Ninh Bình tổ chức chương trình tuyên dương, khen thưởng 93 đồng chí Bí thư chi đoàn tiêu biểu năm 2024. Đây là những cán bộ Đoàn có nhiều thành tích nổi bật trong công tác và phong trào thanh niên; là những điển hình tiêu biểu, xuất sắc trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.    Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn Ninh Bình trao bằng khen cho các đồng chí Bí thư Chi đoàn tiêu biểu năm 2024. Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2024); kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và tiếp nối chuỗi hoạt động hưởng ứng tháng Thanh niên năm 2024. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn có đầy đủ phẩm chất, năng lực, nhiệt huyết để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Trong đó, đặc biệt xem trọng và phát huy vai trò của đội ngũ Bí thư chi Đoàn, với nhận thức chi đoàn “tế bào” của tổ chức Đoàn. Qua gần 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình khóa XIV, Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức được hàng nghìn buổi sinh hoạt, diễn đàn, tọa đàm về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thu hút hàng trăm nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; hàng nghìn công trình, phần việc thanh niên được triển khai, đem lại giá trị thiết thực, làm lợi cho cộng đồng, xã hội; vận động, trao tặng gần hàng chục nghìn suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi nghèo vượt khó vươn lên; hơn 3.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam… Từ thực tiễn phong trào tại các chi đoàn thôn, xóm, phố, trong doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị, đội ngũ Bí thư Chi đoàn đã được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương Bí thư Chi đoàn tiêu biểu, điển hình trên các lĩnh vực với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Phát biểu tại lễ tuyên dương, đồng chí Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá cao công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh cũng như chúc mừng các Bí thư Chi đoàn tiêu biểu đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh bình xét, lựa chọn, tuyên dương tại chương trình. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị, thời gian tới, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn, cán bộ, đoàn viên trong tỉnh cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên và cho thế hệ trẻ; chú trọng tìm kiếm nhân tố, bồi dưỡng và nhân rộng ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các lĩnh vực. Các Bí thư chi đoàn được tuyên dương cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục không ngừng học tập, công tác và rèn luyện, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên… Minh Phương

Tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023

BTĐKT - Tối 23/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB), 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới dự. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 Bùi Quang Huy; cùng đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành của trung ương và các gương mặt được tuyên dương… Năm 2023, những gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng được tôn vinh đều là những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội trên các lĩnh vực, với “khát vọng thanh xuân” cống hiến cho quê hương, đất nước. Các bạn đã đi trên con đường thành công với những nỗ lực, sự dấn thân, sự hi sinh, không ngại khó khăn, gian khổ. Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chụp ảnh cùng các gương mặt trẻ được tuyên dương Tiêu biểu đó là anh Nguyễn Đức Cường (ca sĩ Đen Vâu) - từ một chàng trai là công nhân công ty vệ sinh môi trường ở Quảng Ninh, với tình yêu âm nhạc, Nguyễn Đức Cường đã trở thành Rapper hàng đầu Việt Nam và truyền đi cảm hứng sống và cống hiến cho cộng đồng với nghệ danh Đen Vâu. TS. Bác sĩ Ngô Quốc Duy, Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K, triển khai thành công kỹ thuật cắt tuyến giáp bằng robot qua đường tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Bên cạnh đó là Top 10 Hacker đứng đầu bảng xếp hạng trong chương trình "Tìm kiếm lỗ hổng 2023", Top 100 chuyên gia bảo mật thế giới ở 3 nền tảng bảo mật lớn nhất thế giới Nguyễn Tuấn Anh; bạn Đinh Cao Sơn, Huy chương Vàng Hóa học quốc tế với điểm số xếp thứ 7 thế giới; em Đặng Cát Tiên học sinh lớp 9, “Chủ tịch Quốc hội” Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I… Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khẳng định: 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng được tuyên dương hôm nay chính là minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam. Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát biểu tại buổi lễ Đồng chí Bùi Quang Huy cho rằng: Đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện khát vọng đó cần có sự chung tay, đồng lòng của toàn thể nhân dân, trong đó có một bộ phận cực kỳ quan trọng là những người trẻ. Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các bạn thanh thiếu nhi hãy luôn nuôi dưỡng khát vọng, đặt cho mình một mục tiêu cao cả, nuôi dưỡng quyết tâm và đừng ngần ngại hành động để bước đến khát vọng của mình. Con đường hiện thực hóa khát vọng có thể gập ghềnh, nhiều chông gai, nhưng nếu vượt qua những điều đó, chúng ta sẽ đạt được thành công. Thành công của chúng ta, dù là nhỏ bé, nhưng sẽ là những viên gạch góp phần vào thành công chung của cả đất nước. Đồng chí cũng đề nghị các cấp bộ Đoàn tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, tạo ra môi trường rèn luyện tốt cho thanh thiếu nhi, là người bạn đồng hành cùng thanh thiếu nhi trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới. Danh sách 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 1. Đinh Cao Sơn (lĩnh vực học tập), sinh năm 2005, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). 2. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương (lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo), sinh năm 1989, Trưởng Bộ môn Y học tái tạo, Trưởng phòng Phòng Thí nghiệm sức khỏe não bộ, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quốc Duy (lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo), sinh năm 1989, Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K. 4. Đặng Dương Minh Hoàng (lĩnh vực lao động sản xuất), sinh năm 1988, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. 5. Nguyễn Xuân Lục (lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp), sinh năm 1988, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn WATA. 6. Đại úy Vũ Văn Cường (lĩnh vực quốc phòng), sinh năm 1993, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Pa Thơm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên (hiện là Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên). 7. Đại úy Lê Thế Văn (lĩnh vực an ninh trật tự), sinh năm 1989, Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. 8. Xạ thủ Phạm Quang Huy (lĩnh vực thể dục thể thao), sinh năm 1996, vận động viên thành tích cao đội bắn súng Hải Phòng và Đội tuyển bắn súng Quốc gia Việt Nam. 9. Đặng Cát Tiên (lĩnh vực hoạt động xã hội), sinh năm 2009, học sinh Trường Trung học Cơ sở Thái Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 10. Rapper Nguyễn Đức Cường, nghệ danh Đen Vâu (Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật), sinh năm 1989, ca sĩ tự do. Mai Thảo

Quận Ba Đình: Nhiều mô hình sáng kiến cải cách hành chính thiết thực

BTĐKT - Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian qua, quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình sáng kiến về cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực. Nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến Đến bộ phận Một cửa UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình vào đúng giờ hành chính một ngày giữa tuần của tháng 3, trái lại với suy nghĩ của chúng tôi về cảnh xếp hàng đông đúc, nộp - tiếp nhận và trả hồ sơ, thì không gian ở đây rất trật tự và thông thoáng. Thi thoảng có 1 đến 2 công dân đến giao dịch một số giấy tờ chứng thực hoặc lấy kết quả. Công dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND phường Trúc Bạch Chia sẻ về điều này, công chức tư pháp Nguyễn Thị Minh Phương, thuộc bộ phận Một cửa phường cho biết: Hiện nay, đa số các tổ chức và công dân trên địa bàn đều đã chuyển sang lựa chọn giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến, tương tác với chính quyền thông qua môi trường mạng. Công dân có thể tự thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết ngay tại nhà mà không cần phải đến phường nên công việc ở bộ phận Một cửa bớt áp lực, căng thẳng hơn trước, trong khi số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết ngày càng được nâng lên. “Đó là kết quả quan trọng của phường Trúc Bạch đã đạt được trong quá trình cải cách hành chính, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình sáng kiến “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà””, chị Phương khẳng định. Được biết, để nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, làm chủ các ứng dụng công nghệ, tiền đề hình thành nên những công dân số trên địa bàn, từ năm 2022, phường Trúc Bạch có sáng kiến triển khai áp dụng mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tại 8 tổ dân phố để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn công dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cùng các dịch vụ tiện ích công nghệ số khác như thanh toán không dùng tiền mặt (điện, nước, mua sắm hàng hóa...); đồng thời hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; phòng tránh các hình thức lừa đảo bằng phương tiện công nghệ… Với phương châm kiên trì giải thích, hướng dẫn và kiên quyết không làm thay, làm hộ, Đội cơ động đã giúp người dân (kể cả người cao tuổi) làm chủ các thao tác khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ trên môi trường mạng. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của công dân phường đối với 8 thủ tục đã triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều đạt 100% (không có hồ sơ phải nộp trực tiếp). Tổng số hồ sơ tiếp nhận được phường giải quyết đúng hạn trong năm 2023 là 100%. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2023 của phường luôn được đánh giá cao. Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà của phường Trúc Bạch hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng Ông Vũ Văn Khôi, 73 tuổi, công dân phường Trúc Bạch chia sẻ: Gia đình tôi may mắn đón thêm thành viên mới nhưng vì hoàn cảnh bố mẹ cháu quá bận rộn với công việc nên nhờ ông bà đi làm khai sinh cho cháu. Rất may có Đội cơ động của phường nhiệt tình đến tận nhà để hướng dẫn làm các dịch vụ công qua mạng. Dù khả năng tiếp cận công nghệ số của bản thân còn hạn chế, nhưng với sự kiên trì của cán bộ phường, tôi có thể chủ động nộp hồ sơ khai sinh cho cháu qua Cổng dịch vụ công bằng điện thoại cầm tay mà không phải đến bộ phận Một cửa UBND phường. Tôi thấy cách làm này rất thuận tiện. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tham gia thực hiện các ứng dụng trên không gian mạng không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần giảm tải áp lực rõ rệt cho bộ phận Một cửa khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính, hơn hết, còn mở ra một kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, tiền đề quan trọng giúp vận hành hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và xây dựng xã hội số trong thời gian tới. “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình có 24 tổ dân phố, với khoảng hơn 23 nghìn nhân khẩu, mỗi ngày bộ phận Một cửa tiếp nhận khoảng từ 30 - 40 hồ sơ hành chính. Để thuận tiện cho người dân, phường có sáng kiến áp dụng mô hình “5 thủ tục – 5 giải quyết tại chỗ”. Mô hình vận hành theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ, thụ lý giải quyết, trình lãnh đạo phê duyệt, trả kết quả cho công dân) đối với 5 thủ tục: Chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Bà Cao Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết: “Xuất phát từ mong muốn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, chúng tôi đã nghiên cứu và triển khai mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” để người dân giảm đi lại cũng như thời gian chờ đợi. Theo đó, khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, các bộ phận phối hợp nhịp nhàng để giải quyết nhanh, trình lãnh đạo ký và trả ngay cho công dân”. Nhiều công dân rất hài lòng khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa phường Vĩnh Phúc Tính từ thời điểm ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” (tháng 7/2022) đến hết năm 2023, bộ phận Một cửa của UBND phường Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và giải quyết 5.966 hồ sơ thủ tục hành chính. Số hồ sơ đã trả kết quả trước hạn đạt 98%, không có hồ sơ quá hạn. Mô hình đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với công tác phục vụ hành chính. Hệ thống ghi nhận có 1.116 lượt đánh giá, trong đó 1.089 đánh giá rất hài lòng, chiếm 97,58%, không có kiến nghị, phản ánh nào của người dân, tổ chức liên quan đến thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ làm việc tại bộ phận Một cửa. Bà Nguyễn Thị Hoa, công dân phường Vĩnh Phúc đến bộ phận Một cửa khi đồng hồ đã điểm 11h10. Theo quy định, đây là thời điểm phường ngừng nhận hồ sơ chứng thực ca làm việc buổi sáng. Tuy nhiên, bà vẫn được cán bộ Một cửa tạo điều kiện nhận hồ sơ và giải quyết, trả kết quả trong vòng chưa đầy 10 phút; đồng thời nhẹ nhàng nhắc nhở lần sau nên đến sớm hơn. Bà Hoa chia sẻ: Rất tin tưởng và hài lòng về dịch vụ công tại phường Vĩnh Phúc. Cán bộ không chỉ nhiệt tình mà luôn ứng xử nhẹ nhàng, văn minh và hết lòng giúp đỡ nhân dân. Được biết, không chỉ phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc mà hiện nay, tất cả các phường trên địa bàn quận Ba Đình đang triển khai nhân rộng nhiều mô hình, sáng kiến kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Tiêu biểu như: “Công dân số” của phường Quán Thánh; “Bộ phận làm ngay” của bộ phận Một cửa UBND quận và UBND phường Cống Vị; “Giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ hành chính” của UBND phường Nguyễn Trung Trực; “Quản lý dữ liệu dân cư trên bản đồ số” của UBND phường Liễu Giai... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và triển khai thiết thực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở; sự đóng góp hiệu quả của các mô hình sáng kiến như trên, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính quận Ba Đình đã tăng lên 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 6/30 quận, huyện, thị xã, đạt 95,22%. Mai Thảo        

Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong hoạt động Hội

BTĐKT - Nhiều năm qua, Chi hội phụ nữ xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn được đánh giá là một trong những chi hội mạnh trong phong trào hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phả Lý xã Văn Hán, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thái Minh. Chị Vân luôn nhiệt tình, năng động trong các phong trào, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của chi hội. Chị Nguyễn Thị Vân (áo xanh) đã xây dựng thành công thương hiệu chè Thái Minh (ảnh: Phương Thảo) Thực hiện chức trách của mình, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc, chị Vân đã tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xóm tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên phụ nữ và bà con nhân dân trong xóm; quan tâm tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đặc biệt, chị luôn chú trọng tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để chị em cùng tham gia học tập và thực hiện. Để có thêm kinh phí giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời thiết thực làm theo tấm gương của Bác, chị đã xây dựng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” trong chi hội. Tính đến nay, chi hội đã tiết kiệm được số tiền hơn 38 triệu đồng, cho 11 hội viên nghèo của chi hội xóm Phả Lý vay không lấy lãi để mua cây, con giống phát triển kinh tế. Nhờ những hoạt động thiết thực, chị em phụ nữ xóm đã tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện. Phong trào phụ nữ ở xóm, xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội. Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của tổ chức Hội, chị còn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Trước đây, khi mới xây dựng gia đình ra ở riêng, vợ chồng chị gần như hai bàn tay trắng, chỉ có 1 ngôi nhà cũ chưa đầy 30 m2 trên mảnh đất gần 70 m2 của bố mẹ cho, tài sản gia đình không có gì giá trị. Năm 2006, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống vô cùng khó khăn. Được cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động, chị đã đăng ký tham gia sinh hoạt Hội, nhờ đó chị được giao lưu học hỏi, được tập huấn các kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, chị còn được Hội hỗ trợ giúp vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ kinh phí làm nhà từ nguồn vốn 135 của Chính phủ. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của tổ chức Hội LHPN, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt khó của bản thân, đến năm 2010 gia đình chị đã được công nhận thoát nghèo. Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chị nhận thấy bà con, nhân dân tại địa phương làm nghề chè chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp không có sự liên kết. Chính vì vậy, sản phẩm chè khi bán ra thị trường không được giá cao và thường bị thương lái ép giá. Chị đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giúp chính bản thân mình và bà con trong xóm sản xuất ra những sản phẩm chè vừa đảm bảo an toàn, vừa mang lại kinh tế cao với giá thành hợp lý. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, chị vận động thêm 8 chị em cùng tham gia vào nhóm sở thích trồng chè với mình, đồng thời mạnh dạn đề xuất với Hội LHPN xã để giúp các chị em trong nhóm sở thích và các hộ trồng chè trong xóm được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến và chăm sóc chè, qua đó không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng chè tại địa phương mà còn sản xuất ra những sản phẩm chè ngon, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những năm trước đây. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội, chị tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của địa phương trên mạng xã hội; mang sản phẩm chè tham gia các phiên chợ nông sản an toàn, các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh do các cấp Hội, các cơ quan, ban ngành tổ chức. Cùng với sự nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, chị cùng các chị em trong nhóm sở thích đã sản xuất và tiêu thụ ngày càng hiệu quả, lợi nhuận ngày càng cao. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong nhóm, chị Vân cũng hỗ trợ giới thiệu thêm đầu ra cho sản phẩm chè của các chị em phụ nữ khác trên địa bàn. Năm 2020, với sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội LHPN chị đã đăng ký thành lập Hợp tác xã Thái Minh, gồm có 8 thành viên, do chị làm Giám đốc với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chè và trà hoa các loại. Cùng với hoạt động sản xuất và chế biến, hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu cho vùng sản xuất chè trên địa bàn với hơn 20 ha của gần 80 hộ dân, tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm người dân tại địa phương. Thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Với nhiều nỗ lực của chị cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN cấp xã, từ năm 2020 đến nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Thái Minh đã vinh dự được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (trà đinh ướp hoa mộc, trà Hán Văn) và OCOP 3 sao (trà ướp hoa nhài, Thái Minh trà, trà Matcha Omatine, trà ướp hoa sói, trà sen). Năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp “Đổi mới kỹ thuật trồng và chế biến trà xanh ướp hoa mộc theo định hướng hữu cơ” của hợp tác xã đã được nhận giải triển vọng tại vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn nghiên cứu và sản xuất rất nhiều sản phẩm chè, trà đặc sản như: Chè lộc xuân, chè búp, chè búp non; trà xanh túi lọc, trà tôm nõn, trà hoa cúc trắng, trà đậu biếc… Không những cung cấp sản phẩm chè, trà, hợp tác xã còn có ý tưởng xây dựng những bộ sản phẩm chè, trà có mẫu mã hộp đựng, túi xách, bình pha đẹp, chất lượng; sản phẩm có lô-gô, tem mác để quảng bá đưa ra thị trường, giúp nầng tầm giá trị sản phẩm và thương hiệu. Sản phẩm chè của hợp tác xã Thái Minh cũng được cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội giới thiệu tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm tại các tỉnh. Thu nhập hiện nay của hợp tác xã đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm. Với những đóng góp tích cực trong phong trào hoạt động Hội, đặc biệt là trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Vân luôn được hội viên phụ nữ và nhân dân trong vùng quý mến, tin yêu, được Hội LHPN các cấp ghi nhận. Chị là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của Hội LHPN xã Văn Hán, là người truyền cảm hứng để nhiều chị em học tập, noi theo. Mai Linh  

Công bố 20 đề cử xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023

BTĐKT - Chiều 20/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng xét tặng giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 đã họp báo công bố 20 đề cử tiêu biểu vào vòng bình chọn trực tuyến. Từ 171 đề cử thuộc 10 lĩnh vực, Hội đồng giải thưởng đã bỏ phiếu kín chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực vào vòng bình chọn trực tuyến. Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao đổi với phóng viên báo chí Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đánh giá: Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhằm tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích nổi trội, xuất sắc, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực. Sau 28 năm tổ chức tôn vinh, nhiều gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã phát huy tốt năng lực và uy tín của mình, đạt được những thành công lớn, đóng góp quan trọng cho đất nước. “Nhiều gương mặt trẻ trong số 20 đề cử được giới thiệu năm nay, không chỉ đạt thành tích tiêu biểu trong nước mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, các bạn còn thể hiện được trách nhiệm của bản thân, tạo ra sức ảnh hưởng, sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như trong lĩnh vực học tập có em Phạm Việt Hưng, giành Huy chương Vàng Toán học quốc tế 2 năm liên tiếp (2022 và 2023), được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2022 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2023; em Đinh Cao Sơn, giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023, là thí sinh có điểm số cao nhất đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam và xếp thứ 7 thế giới. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, vận động viên bắn súng Phạm Quang Huy và vận động viên cầu mây Trần Thị Ngọc Yến, những người đã giành nhiều huy chương trong các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế...”, anh Nguyễn Minh Triết nhận định. Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Vũ Gia Luyện, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 bày tỏ: Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" là dấu ấn đậm sâu trong quá trình phát triển của bản thân. Từ sau khi được vinh danh năm 2021 đến nay, hành trình kinh doanh khởi nghiệp của tôi và các đồng nghiệp luôn tràn đầy hứng khởi, không ngừng nỗ lực tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, luôn hướng về những điều tốt đẹp, giúp ích cho đất nước và cộng đồng xã hội. Anh Vũ Gia Luyện, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 chia sẻ tại họp báo Được biết, vòng bình chọn trực tuyến các đề cử giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 26/2/2024. Phương thức bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Dự kiến Lễ tuyên dương "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Đặc biệt, bên cạnh chuỗi sự kiện chính, ngay sau lễ tôn vinh, các gương mặt trẻ sẽ trở thành đại sứ truyền cảm hứng trong các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng giải thưởng cho biết: Ban Tổ chức đã lựa chọn chủ đề Giấc mơ xanh với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như trao tặng cây xanh, tổ chức lễ trồng cây tại đền Hùng… Những hoạt động vì cộng đồng này không chỉ hưởng ứng "Chương trình 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh", mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau. Mai Thảo  

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Ông La Văn Sanh (ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và từ thiện xã hội. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của ông đã và đang phần góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới và cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Ông Sanh sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vào năm 1988,ông theo ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp tại ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Năm 1993, ông xây dựng gia đình và được ba mẹ cho 8 ha đất, trong đó có 4 ha trồng điều năm thứ 3 và 4 ha đất trắng. Có đất, vợ chồng ông tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc điều và đầu tư trồng mỳ xen canh nên hiệu quả kinh tế cao. Tích lũy vốn, ông đầu tư mở rộng diện tích và đã có tổng cộng gần 20 ha đất, trong đó có 15 ha trồng cao su, 3 ha trồng điều, 2 ha trồng tiêu… Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng, học tập sản xuất. Từ đó, ông rút ra kinh nghiệm và đã xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả, với 20 ha trồng cao su, điều, tiêu… mở đại lý thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi năm. Ông La Văn Sanh kiểm tra máng cạo mủ cao su của gia đình Với những uy tín và thành quả trong lao động và sản xuất năm 2010, ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Đồng Xê và là đại biểu HĐND xã Tân Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020. Ấp Đồng Xê có tổng số 205 hộ dân, trong đó gần 130 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào sinh sống. Lúc ông mới đảm nhiệm vai trò trưởng ấp, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của ấp, ông cùng một số người trong Ban điều hành ấp tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng nhà, đồng thời khuyên bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của ấp thì không chỉ nói suông, ông phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả; từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của tấc đất tấc vàng, nhưng gia đình ông đã nhận thấy nếu không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường trục xã sẽ không hoàn thành được. Làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, năm 2021, khi chính quyền có chủ trương xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ đường ĐT741 đi vào dự án khu công nghiệp, dân cư Đồng Phú, xã Tân Hòa có tuyến số 3 và số 4 đi qua. Gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1,42 ha đất với tổng trị giá 13 tỷ đồng để địa phương mở rộng tuyến đường số 4 và đảm bảo cảnh quan nông thôn. Hiện tại, con đường đang thi công, sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, giờ nhìn thấy tuyến đường trước nhà được mở rộng, ông cảm thấy rất phấn khởi trước đổi thay từng ngày của địa phương. Máy cơ giới đang thi công tuyến đường trên mảnh đất do gia đình ông La Văn Sanh hiến đất Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2023, ông vận động người thân trong gia đình tiếp tục hiến 2,4 sào đất, với 260m mặt đường để mở rộng tuyến đường liên xã từ Tân Hòa đi Tân Lợi, trị giá 2 tỷ đồng. Ông nhận thấy, hiến đất cho nhà nước mở đường, người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Đường rộng tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kích thích kinh tế phát triển, giá trị đất tăng lên rất nhiều. Trong những năm gần đây, giá mủ cao su, tiêu, điều tuy có giảm so với các năm trước đây nhưng thu nhập gia đình vẫn ổn định, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của gia đình với tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 2,3 tỷ đồng. Ngoài các việc làm trên gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương. Gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liền. Trong những năm gần đây gia đình đã tham gia ủng hộ nhu yếu phẩm trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ bà con phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ hội viên nghèo khó khăn ăn tết Nhâm Dần 23 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng, tổng trị giá 11.500.000 đồng. Với những đóng góp tích cực cho xã hội, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 và “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, huyện nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2021, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” và năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đồng Phú tặng Giấy khen đạt danh hiệu “Gia đình tiêu biểu” thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nguyễn Thái Đương

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

BTĐKT - Sáng 16/1, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng cho Hội và Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch danh dự của Hội. Dự buổi lễ có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Trung tướng Lê Văn Hân Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam cho biết: Ngày 17/9/2010, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1081/QĐ/BNV về việc thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam. Hội là một tổ chức xã hội với mục đích tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, hỗ trợ các gia đình tiếp cận, thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Chính phủ, thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng thực chứng và giám định ADN; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách và giải pháp thực hiện chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. 13 năm qua, Hội đã xây dựng được một mạng lưới tổ chức gồm 16 Hội cấp tỉnh, 2 văn phòng đặt tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Có 22 chi hội trực thuộc Trung ương Hội và 72 chi hội ở các quận, huyện, tỉnh với hơn 10.000 hội viên trên khắp cả nước. Thực hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Hội và các tổ chức hội trong cả nước đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ; trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ, tổ chức 32 lần trao kết quả; tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt liệt sĩ, có 200 gia đình tìm được hài cốt bằng phương pháp thực chứng; đính chính thông tin trên bia mộ cho hơn 1.000 liệt sĩ; giúp đỡ các gia đình khó khăn đưa hơn 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương; tặng hơn 1.200 căn nhà tình nghĩa (trị giá 60 - 80 triệu đồng/nhà); tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, xe đạp, xe lăn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thân nhân liệt sĩ; kiến nghị cơ quan chính sách các cấp điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ... Hội đã vận động tổng kinh phí của xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp được gần 170 tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Hội, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội HTGĐLS và Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch danh dự của Hội. Nhân dịp Xuân tri ân liệt sĩ - 2024, tại buổi lễ, Hội HTGĐLS đã trao quà tặng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 20 gia đình liệt sĩ. Phương Thanh

Đi đầu trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

BTĐKT - Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), là người năng nổ, nhiệt tình trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn được quý mến bởi tấm lòng thiện nguyện của mình dành cho bà con nghèo, khó khăn. Nhớ nhất là năm 1994, ông Sang cùng với một người bạn thành lập bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Tú (nay là Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú), duy trì đến nay đã được 30 năm. Từ chi phí của cá nhân ông Sang, nguồn vận động từ các mạnh thường quân, các tổ chức trong và ngoài huyện, mỗi ngày bếp ăn từ thiện của ông cung cấp cho người dân từ 180 đến 200 phần cơm, cháo và nước sôi miễn phí, giúp bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân có thể đỡ phần nào chi phí khi phải nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Ông cho biết, mỗi tháng tính riêng gạo để sử dụng nấu cơm cung cấp miễn phí cho bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh là khoảng 1,5 tấn, tổng các chi phí phục vụ cho bếp ăn từ thiện hàng năm có khi lên đến khoảng 1 tỷ đổng. Ông Nguyễn Văn Sang (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân Tuy nhiên, nguồn vận động tài trợ của các nhà hảo tâm đôi lúc không ổn định, ông phải trích tiền lương hàng tháng của bản thân, đồng thời tham gia làm nhân viên thu BHXH, BHYT cho Ủy ban nhân dân thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, đồng thời làm cộng tác viên thu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hoàng Nguyên để có thêm thu nhập duy trì bếp ăn từ thiện của mình. Ông Sang cho biết, trên cương vị trước đây là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, nay là Chủ tịch Hội Người Cao tuổi thị trấn và là cộng tác viên thu BHXH, BHYT, ông đã kiên trì tuyên truyền cho hội viên của mình thấm nhuần ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó vận động con cháu, người thân trong gia đình tích cực hưởng ứng tham gia. Ngoài ra, ông còn trực tiếp tư vấn, tuyên truyền cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện về tính nhân văn, sẻ chia của chính sách BHYT, giúp mọi người vượt qua khó khăn về tài chính khi không may ốm đau, bệnh tất, nhất là những bệnh mạn tính, hiểm nghèo. Bên cạnh đó, ông còn “đến từng nhà, gặp từng người” tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, giúp mọi người hiểu được BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, mang lại lợi ích lớn cho những người lao động tự do, đồng thời có những dẫn chứng cụ thể của những người đang tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương, để họ “thấm” dần, từ đó yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện. Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT thì bản thân ông phải nắm vững chính sách, truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ. Xác định công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bên cạnh được tham gia các buổi tập huấn do cơ quan BHXH tổ chức, ông đã chủ động nghiên cứu Luật BHXH, Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn thực hiện, các tài liệu, chương trình tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung, hoàn thiện vốn kiến thức của bản thân. Quan trọng nhất là phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để mọi người hiểu tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Ông cũng mong muốn sau này tất cả mọi người ai cũng có lương hưu để được an nhàn tuổi già, không phụ thuộc và không là gánh nặng cho con cháu cũng như có được tấm thẻ BHYT để đỡ vất vả khi không may đau ốm. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự nhiệt tình của mình, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa ngày một tăng cao. Riêng người tham gia BHYT hộ gia đình, hàng năm trung bình ông vận động được khoảng gần 1.000 người tham gia BHYT hộ gia đình. Năm 2023, ông vận động được 974 người tham gia với số tiền thu gần 600 triệu đồng. Ông đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn và là gương sáng trong phát triển người tham BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại thị trấn. Ông Nguyễn Văn Sang là tấm gương sáng cũng như bông hoa đẹp về sự cống hiến, đóng góp không mệt mỏi cho cộng đồng, xã hội. Ông là người đã đem chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Song Linh

Trang