Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
TĐKT - Sáng 17/5, tại Hội trường Quân khu 4, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến (ĐHTT) thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có: Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4. Sau 3 năm phát động, CVĐ đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCCT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai toàn diện, đồng bộ. Việc thực hiện tốt CVĐ đã góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân, khắc phục khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua CVĐ, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu đồng chí, đồng đội; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xứng đáng là đội quân chiến đấu lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm TCCT trao Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho các điển hình tiên tiến Sau 3 năm triển khai thực hiện CVĐ, toàn quân đã xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào, mô hình mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân và có hiệu ứng tích cực trong xã hội. Điển hình: Mô hình “Tự soi, tự sửa”, “Thực hiện theo chức trách, nêu gương trong hành động”, “Nêu cao trách nhiệm, chấn chỉnh phong cách”; “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”, “Nâng bước em đến trường”, “Bệnh viện văn hóa”, “Bệnh viện mỗi ngày làm việc sớm hơn 30 phút”, “Ngôi nhà một trăm đồng”, “Thao trường không khói thuốc”, “Cơ quan 5 tốt”, “Chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 tốt”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Đơn vị xanh, sạch, đẹp”, “Thanh niên Quân đội vươn tới những đỉnh cao”, “Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Tại buổi gặp mặt, Bộ Quốc phòng đã tôn vinh và trao Bằng khen cho 127 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc nhất toàn quân trong thực hiện CVĐ. Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao vai trò của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp luôn tích cực, chủ động, sáng tạo, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, làm cho CVĐ thực sự là động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng biểu dương tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, ra sức khắc phục khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, đặc biệt là 127 đồng chí điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho hàng nghìn điển hình tiên tiến trong toàn quân. Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội và cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của CVĐ; nâng cao nhận thức, đề cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong thực hiện CVĐ. Đưa CVĐ phát triển lên một bước mới, rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, thực sự là một trong những động lực to lớn, góp phần xây dựng Quân đội về chính trị, xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức… Nguyên Hải – Phương ThanhĐiển hình tiên tiến
TĐKT - Nhắc đến anh Hoàng Thăng Vích, khu phố Bắc Kỳ, phường Trung Sơn thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ai cũng ngưỡng mộ ý chí và nghị lực của anh. Dù khó khăn, vất vả bao nhiêu nhưng anh không nản chí, luôn nỗ lực hết mình để giữ gìn và phát triển nghề, xây dựng thương hiệu nước mắm Phương Vích, luôn lấy chữ tín đưa lên hàng đầu.
Hơn 20 năm qua, anh Vích là người hiểu hơn ai hết về nỗi vất vả của nghề chế biến nước mắm. Bởi lẽ, trên thị trường có nhiều loại nước mắm, nhưng làm thế nào để khách hàng chấp nhận sản phẩm, dùng và nhớ đến sản phẩm là việc cực kỳ khó… Anh nhớ lại khi bắt đầu xây dựng thương hiệu nước mắm Phương Vích, thị trường ngày ấy tiêu thụ khó khăn, anh phải chở xe đạp đi đến các huyện miền núi xa rao bán nước mắm, chuyến đi cả tuần có khi chỉ đủ tiền mua gạo ăn cho gia đình. Nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cao… nhiều khi gia đình khốn đốn, suýt sạt nghiệp vì nghề. Đa số các gia đình làm nghề lúc đấy chỉ mong đủ ăn.
Anh Hoàng Thăng Vích (ở giữa) đang kiểm tra chất lượng sản xuất nước mắm
Không chịu nhìn cảnh khó khăn, vất vả, anh đưa ra một hướng đi riêng cho gia đình mình là làm sao tự người tiêu dùng nhận ra chất lượng và cái khác biệt của nước mắm gia đình anh và sử dụng một cách quen thuộc, lâu dài. Nói là làm, anh tự tay chuẩn bị mấy chục lít, rồi một mình đi bán dạo khắp các địa phương trong tỉnh. Ban đầu là rao bán, đi cả tuần cũng không bán được lít nào, anh mạnh dạn vào một vài nhà dân tự chào hàng và thăm dò thị trường. Thường những người đi bán dạo hay bán sản phẩm kém chất lượng, để lâu ngày nước mắm sẽ thối nên bà con không tin dùng, tìm hiểu được nguyên nhân như vậy nên anh đã đưa ra đề nghị với các gia đình mà anh đến bán nước mắm là anh sẽ để lại mỗi gia đình một lít dùng thử sau một tháng sẽ quay lại lấy tiền. Sau chuyến hàng trở về, anh đưa ra một quyển sổ dày ghi lại tên, địa chỉ các gia đình mà anh đã để lại nước mắm. Không nản chí, anh lại tiếp tục cuộc hành trình đi đến các địa phương khác với cách thức tương tự để đi tìm thương hiệu cho nước mắm gia đình anh. Như đã hẹn, khi giao nước mắm xong ở các vùng này anh lại quay lại những nơi đã giao hàng từ đợt trước, do chất lượng tốt nên các gia đình đã dùng thử đều chấp nhận, có người còn đứng ra làm đầu mối tiêu thụ… Một năm sau chuyến đi đầu tiên đó, việc sản xuất của gia đình anh đã đi vào ổn định. Anh cũng đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm, chất lượng sản phẩm là cốt yếu, nghề có tồn tại hay không là do chất lượng.
Làm ăn thuận lợi chưa được bao lâu, thì khó khăn lại xuất hiện với anh như một thử thách. Đấy là vào năm 2010, khi đó, giá các mặt hàng tiêu dùng lên cao, nhất là giá xăng dầu, cho nên việc đầu tư cho những chuyến đi càng trở nên tốn kém. Lúc đó, nghề đi biển lại vô cùng khó khăn, ít người đi, nguyên liệu dùng cho chế biến nước mắm khan hiếm, sản xuất không có lãi. Để giữ nghề và giữ khách hàng mà bấy lâu nay vất vả lắm anh mới gây dựng được, anh bàn với gia đình vay mượn duy trì sản xuất, không tăng giá và đảm bảo chất lượng. Do nghề nước mắm phải đầu tư kế vụ, với thời gian dài mới có nước mắm chất lượng, mỗi chu kỳ tính từ khi ủ nguyên liệu đến lúc rút được nước mắm là 2 năm nên vốn đầu tư nhiều, vì vậy khi giá đầu vào cao, vẫn tiếp tục đầu tư là rất mạo hiểm. Trước tình hình đó, anh cho các hộ đi biển tạm ứng trước một số vốn để đầu tư cho chuyến đi và anh đã duy trì giá thành mua đầu vào ổn định cho các hộ đi biển. Cho nên nguồn thu của gia đình anh đảm bảo bình quân trên 400 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Anh đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ với mức thu nhập 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những lao động làm việc tại đây là những trụ cột gia đình có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ cùng có chung một hướng đi cùng anh suốt chặng đường từ khó khăn vất vả đến có thương hiệu trên thị trường. 3 hộ được anh giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo.
Mỗi gia đình làm nước mắm đều có những bí quyết gia truyền riêng, song anh Vích đưa ra một công thức chung “cá tốt, muối tốt, tỷ lệ phù hợp, vệ sinh sạch sẽ cho sản phẩm tốt và anh cũng khẳng định rằng đó là cái “tâm”, cái “cốt” để anh phát triển nghề. Theo anh, dụng cụ sản xuất cũng là một yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm, vậy nên anh đặt riêng loại bể với hình dáng theo thiết kế của anh, được tráng men phía trong để đảm bảo có thể dùng lâu dài và vệ sinh sạch sẽ dễ dàng.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, những tâm huyết của anh đã được đền đáp xứng đáng, thương hiệu nước mắm Phương Vích và đang được thị trường chấp nhận, sản phẩm của gia đình anh có mặt cả ở những địa phương vốn có nghề làm nước mắm nổi tiếng trên khắp cả nước.
Hồng Thiết
TĐKT - Chiều 11/5, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quân thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Dự và chủ trì họp báo có: Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương trình gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quân sẽ được tổ chức từ ngày 16/5 - 17/5 tại Quân khu 4 với các hoạt động: Lễ báo công và tham quan Khu du tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ngày 16/5; giao lưu điển hình tiên tiến tại Hội trường Quân khu 4 ngày 16/5; gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến ngày 17/5 tại Hội trường Quân khu 4. Trong số 127 điển hình tiên tiến tiêu biểu được tôn vinh và tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị, có đại diện các loại hình cơ quan, đơn vị: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quân sự địa phương; các học viện nhà trường; lĩnh vực nghiên cứu khoa học; đại diện lực lượng trực tiếp lao động sản xuất; đại diện đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ.
Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí
Chương trình được tổ chức nhằm đánh giá, ghi nhận những kết quả đã đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện CVĐ. Đồng thời, tạo điều kiện để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; kịp thời tôn vinh, khen thưởng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và quần chúng trong toàn quân giữ vững kết quả đã đạt được, không ngừng phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục thực hiện tốt CVĐ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
CVĐ "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" được Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động từ ngày 26/12/2013, là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (nay là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong thời kỳ mới.
Việc thực hiện tốt CVĐ đã góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân khắc phục khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua CVĐ, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu đồng chí, đồng đội; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xứng đáng là đội quân chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phương Thanh
TĐKT - Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022) đã kết thúc tốt đẹp, bên cạnh nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước của Hội trong 5 năm (2012- 2017), Đại hội còn giới thiệu đến cả nước những bông hoa đẹp là những tấm gương phụ nữ Việt Nam tài sắc vẹn toàn. Trong đó, chị Võ Thị Chút, ở Tiên Phước, Quảng Nam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Tôi vẫn còn nhớ như in lời nói đầy tự hào của chị: Không ai có thể làm được tất cả mọi điều theo ý muốn của bản thân; tình yêu, niềm đam mê và sự sáng tạo trong công việc sẽ giúp chúng ta vượt lên tất cả. Chúng ta có thể tin vào những giấc mơ của mình nhưng chúng ta phải hành động để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Trên con đường đi đến thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng.
Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng trung du miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, vừa học xong lớp 9, chị Võ Thị Chút đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Lớn lên, lập gia đình nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo đuổi chị. Ước mơ xây được ngôi nhà để ở, có chiếc xe máy để đi, con cái được sống sung túc như mọi gia đình đã thôi thúc chị đi tìm lời giải.
Năm 2004, sau khi tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường… do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Chút quyết định khởi đầu sự nghiệp bằng việc nuôi heo theo mô hình chăn nuôi sạch.
Chị Võ Thị Chút ở Tiên Phước, Quảng Nam đang thu mua nguyên liệu quế (Ảnh: Lan Anh)
Chị nhớ lại: “Lúc đó tôi nuôi lợn sạch, cho chúng ăn theo công thức nên con nào con nấy lớn rất nhanh. Thế nhưng mọi người trong xã không ai tin vào mô hình mới này. Để có cơ hội chia sẻ và giúp đỡ mọi người, tôi đã mở quầy bán thức ăn gia súc, hướng dẫn chị em biết cách chăn nuôi lợn sạch. Sau một thời gian, nhiều người trong xã tìm đến học hỏi, có chị bảo là chồng không cho nuôi vì không tin, vậy là cả vợ lẫn chồng dẫn đến nhà tôi để tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi mới. Tiếng lành đồn xa, ngày nào đi làm đồng về cũng có nhiều chị em ghé vào tham quan chuồng trại chăn nuôi lợn sạch của chị; nhiều hộ đã đầu tư làm theo.”
Huyện Tiên Phước, nơi chị sinh sống là một trong những vùng đất trồng quế nổi tiếng tại Quảng Nam với giống quế bản địa có mùi thơm đặc trưng nổi tiếng. Vốn nhanh nhẹn, lại mạnh dạn, chăm chỉ, chị bàn với chồng lấy tiền lãi từ chăn nuôi lợn sạch, vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu đồng, mượn gia đình, bà con, bạn bè gần 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất bột quế.
Thời gian đầu, sản phẩm làm ra tiêu thụ chủ yếu tại TP Tam Kỳ và huyện Tiên Phước, rồi mở rộng sang tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ sau hai năm, chị đã dành dụm và trả xong nợ.
Chị nhận thấy lợi thế của quê hương có nguồn nguyên liệu cây quế dồi dào nhưng các cơ sở sản xuất tại đây mới chỉ dừng lại ở việc chế biến vỏ quế để làm bột, còn lá quế vẫn chưa được tận dụng. Tình cờ, biết có người chở lá và nhánh quế đi bán cho một cơ sở làm hương ở huyện Thăng Bình, chị đã nảy ra ý tưởng sẽ giúp bà con trong xã có thể sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu nhánh và lá quế - những thứ mà lâu nay họ coi như “rác” bỏ đi hoặc làm chất đốt.
Như đang hạn hán gặp mưa rào, những trăn trở của chị đã tìm được hướng đi: năm 2013, khi tham gia hoạt động "Ngày Phụ nữ sáng tạo" do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị được nghe hai đại biểu đến từ huyện Thăng Bình trao đổi về cách làm hương trầm, nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguyên liệu đầu vào, đó là bột quế. Chị chủ động tiếp cận và nhận cung cấp bột quế cho họ. Vui nhất là họ chấp nhận thu mua bột quế làm từ nhánh và lá quế. Tìm được đầu ra cho bột quế, chị bắt đầu thu mua nhánh và lá quế, mở rộng địa bàn thu mua ở một số huyện như Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn.
Chị tâm sự: “Tuy công việc vất vả nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì ý tưởng kinh doanh của mình đã thành hiện thực. Vào mùa, từ tháng 2 đến tháng 7, sau khi mua về là phơi khô, tại nhà tôi lúc nào cũng có 12 nhân công chuyên làm việc này.”
Lúc đầu, cơ sở sản xuất bột quế của chị Chút sản xuất từ 20 - 30 tấn/năm, nhưng đến nay mỗi năm sản xuất gần 400 tấn bột quế và 50 tấn quế chi (phiến) làm thuốc bắc và quế vỏ. Hiện nay, cơ sở của chị đã giải quyết công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng và 100 lao động nữ lúc nông nhàn sau mùa vụ, đó là thu nhặt lá quế ngay trên mảnh vườn của mình, mỗi kg lá quế có giá từ 5.000 đến 7.000 đồng tùy theo lá khô hay vàng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 400 triệu đồng.
Hiện tại, đã có hơn 20 cơ sở lớn, nhỏ hợp tác kinh doanh với chị Chút, đặc biệt là 6 cơ sở lớn ở Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình.
Chị Chút cười tươi bảo: “Có lẽ thành công nào cũng bắt đầu từ những khó khăn nếu như mình không tự nỗ lực phấn đấu. Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là đã giải quyết được đầu ra cho cây quế của bà con nông dân và giữ được thương hiệu đặc trưng của cây quế Tiên Phước.”
Năm 2014, chị được bầu làm Chủ nhiệm Tổ hợp tác kinh doanh các sản phẩm từ quế, đã tạo thêm sức mạnh liên kết, chia sẻ thông tin thị trường và giá cả, đầu ra ổn định cho sản phẩm bột quế quê hương.
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, hơn ai hết, chị Chút thấu hiểu rõ tình cảnh của những phụ nữ khó khăn. Do đó, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị luôn quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ các chị em, tạo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình cho họ bằng việc cho vay tiền không lấy lãi, cho mượn đất trồng cây…
Thành công của chị Chút không chỉ mang lại hạnh phúc cho chính bản thân chị và gia đình mà đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho lao động nữ tại địa phương, góp phần đưa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc đi vào đời sống hiệu quả, thiết thực.
Năm 2014 chị được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; năm 2015 được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam; được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen "Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" (2010 - 2015).
Hưng Vũ
TĐKT – “Chủ động tìm tòi, lựa chọn các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi trên sách, báo để tham khảo và học hỏi” là cách mà chị Bàn Thị Thành, thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã áp dụng và gặt hái được thành công trong hành trình thoát nghèo.
Chị Thành vốn là người dân tộc Dao, xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, có hoàn cảnh rất nghèo khó, tuy vậy, chị luôn cố gắng học hỏi và nuôi ước mơ thoát nghèo. Vì vậy, khi lập gia đình năm 1982, trước tình cảnh gia đình không có đất ruộng, cuộc sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, chị càng quyết tâm phát triển kinh tế hơn bao giờ hết.
Nhớ lại những buổi ban đầu, chị Thành chia sẻ: khát vọng thoát nghèo thì mạnh mẽ nhưng lúc đó trong đầu tôi “rỗng tuếch” về cách làm. Đúng như ông cha ta từng nói “Đói thì đầu gối phải bò”, để có được kiến thức về phát kinh tế, tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của Hội phụ nữ xã tổ chức. Đồng thời, tự bản thân phải tìm tòi các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi trên sách, báo để tham khảo và học hỏi thêm các biện pháp áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi. Với những kiến thức ban đầu có được đã dần giúp tôi tự tin và có kế hoạch bắt tay vào việc thực hiện phát triển kinh tế với hướng lựa chọn chăn nuôi lợn.
Mô hình chuồng trại của gia đình chị Bàn Thị Thành
Nhờ sự năng động, chịu khó, sáng tạo trong công việc, chị được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tân Thành. Sự tín nhiệm của bà con như tiếp thêm cho chị sức mạnh phấn đấu trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động phong trào của Hội.
Năm 1989, vợ chồng chị Thành quyết định vay vốn nuôi lợn phát triển kinh tế gia đình. Trong cái khó, ló cái khôn, vì thiếu thức ăn cho lợn, chị đã trồng cây chuối tây với mục đích làm thức ăn chăn nuôi lợn. May mắn, những buồng chuối trĩu quả đã giúp gia đình chị có thêm nguồn thu nhập khá. Chị nhận thấy, trồng cây chuối tây có lợi ích vừa được ăn, vừa được bán, vừa có thức ăn phục vụ trong chăn nuôi lợn nên đã quyết định trồng chuối tây để sản xuất hàng hoá.
Chị bàn bạc với chồng, con mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội phụ nữ để mua giống, phát triển kinh tế từ cây chuối với diện tích 3 ha trên đất rẫy của gia đình. Đồng thời, chị cũng vận động nhiều chị em khác trong chi hội cùng tham gia trồng chuối tây. Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, gia đình chị đã biết và chia sẻ với mọi người cách trồng trọt đúng quy trình, khung thời vụ, kỹ thuật làm đất, cách bón phân và cách phòng trừ sâu bệnh; biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Sau hai năm, bán chuối, gia đình chị có thu nhập và hoàn trả được nguồn vốn đã vay; đồng thời có thêm chút tiền để mở rộng diện tích trồng chuối tây.
Nhận thức rằng, mở rộng diện tích trồng cây cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị đã chủ động lặn lội đi đến các địa phương khác để kết nối đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự hoạt bát của mình, chị Thành đã đưa sản phẩm chuối tây của gia đình đi tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và Thái Nguyên, sau đó là cả thị trường Trung Quốc. Năm 2000, sản phẩm chuối tây của gia đình chị đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng từ 2- 4 chuyến xe tải/ tuần. Ngoài ra, để giúp các chị em khác tiêu thụ sản phẩm, chị đã thu gom chuối từ các gia đình hộ hội viên phụ nữ đưa đi tiêu thị. Từ đó thu nhập của gia đình chị cũng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước.
Sau hơn 10 năm nỗ lực, cái nghèo đã chính thức chia tay với gia đình chị. Chị đã khai phá và mua được ruộng đất sản xuất; xây được nhà ở kiên cố, con cái chăm chỉ học hành và biết đỡ đần bố mẹ trong việc chăn nuôi và sản xuất.
Năm 2007, Hội phụ nữ xã phát động phong trào phụ nữ phát triển sản xuất, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Với vai trò là thủ lĩnh hội, chị luôn mong muốn giúp chị em trong chi hội thoát nghèo và mở rộng thị trường để phát triển kinh tế. Gia đình chị đầu tư mua xe ô tô trọng tải 3,5 tấn và 70 triệu đồng mua giống cây chuối con đưa đến hỗ trợ cho nhiều chị em có gia đình khó khăn trên địa bàn để họ trồng. Bên cạnh đó, chị tiếp tục động viên và hỗ trợ nhiều hộ ở các địa bàn khác cùng trồng cây chuối tây. Song song với đó, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất cây trồng và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Gia đình chị cũng đã vay thêm vốn của ngân hàng mua thêm 2 xe ô tô tải trọng tải 8 và 15 tấn để tiện cho việc vận chuyển thu mua hàng hóa của nhân dân đem đi tiêu thụ, sinh lời. Từ đó chị cũng có điều kiện hơn để hỗ trợ thêm cho chị em phụ nữ trong thôn.
Trong những năm qua, chị đã hỗ trợ cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, cho vay vốn không lãi, tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động trong thôn, trung bình hàng năm giúp được trên 20 hộ với số vốn, giống trị giá trên 100 triệu đồng. Nhiều chị em trong chi hội đã có thu nhập và ổn định cuộc sống, gia đình thoát nghèo.
Từ những nỗ lực không ngừng của bản thân và gia đình, gia đình chị tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và dịch vụ vận tải, cho đến nay gia đình chị lúc nào cũng nuôi gần 100 con lợn nái, trên 500 con lợn thịt, mua sắm 4 xe ô tô tải chở hàng… đến cuối năm 2015, trừ chí phí, gia đình chị thu nhập trên 1,6 tỷ đồng, trong đó: thu nhập từ chăn nuôi lợn là 720 triệu đồng; thu từ cây lâm nghiệp, trồng chuối:100 triệu đồng; thu nhập từ dịch vụ vận tải: 800 triệu đồng.
Chị Thành chia sẻ: để có được những thành công như ngày hôm nay, ngoài yếu tố may mắn còn là nỗ lực quyết tâm của bản thân tôi và các thành viên trong gia đình. Ngoài việc hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh, bản thân tôi tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh còn khó khăn, ủng hộ phụ nữ nghèo, người cao tuổi… và các cuộc vận động ủng hộ do địa phương, của Hội phụ nữ phát động.
Với những nỗ lực đạt được, chị Thành vinh dự được UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2000 - 2004; “Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn 2010 - 2015; Giấy chứng nhận đạt “Danh hiệu Phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiệm kỳ 2002- 2007”; nhiều năm nay gia đình chị được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, chị Thành vinh dự được Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn lựa chọn tham dự Diễn đàn “Hoa trên thương trường” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; là điển hình“Phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc làm kinh tế giỏi” năm 2016 được Ban chỉ đạo Tây Bắc tặng Bằng khen.
Mới đây, chị Thành vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến vinh dự được báo cáo thành tích tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022).
Mai Thảo
ĐKT - Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là người hết lòng vì công việc và luôn mang bầu nhiệt huyết, tận tụy, hy sinh hết mình với nghề.
Cô Thu tâm sự, cô quê gốc ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An nhưng cô lại sinh ra và lớn lên ở huyện Quỳ Hợp. Năm 1983, cô là người đầu tiên ở huyện Quỳ Hợp thi đậu vào khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, cô tình nguyện trở về Quỳ Hợp để dạy học. Hồi đó, Quỳ Hợp là huyện có nhiều khó khăn, số giáo viên tốt nghiệp Đại học chính quy công tác tại đây chưa nhiều, nhưng cô giáo trẻ Thiên Thu lại chọn cho mình con đường trở về Quỳ Hợp lập nghiệp, dù biết có rất nhiều khó khăn, vất vả.
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, dường như cô đã trải qua và cảm nhận được hết tất cả mọi sự nhọc nhằn, vất vả, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ các thầy cô giáo. Họ lặng lẽ làm việc, tận tụy, hết mình như con ong chăm chỉ, không màng danh lợi, không tính toán thiệt hơn, bởi bên các cô luôn có những cô cậu học trò hồn nhiên, tinh nghịch, đáng yêu. Các em đang mong muốn nhận được từ thầy cô không chỉ các kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật mà còn cả đạo đức, tư cách làm người. Bởi vậy, dù ở cương vị là một giáo viên, một tổ trưởng chuyên môn, một phó hiệu trưởng hay là một hiệu trưởng như hiện nay, cô vẫn luôn xác định cho mình từng mục tiêu cả trước mắt và lâu dài để hoàn thành một cách tốt nhất, cống hiến cho trường, cho tất cả học sinh thân yêu.
Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Hợp
Trong suốt 30 năm đứng trên bục giảng, cô vẫn luôn cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, tác phong của một nhà giáo chân chính, luôn không ngừng học hỏi từ các bậc đàn anh, đàn chị đồng nghiệp của mình để rút ra những bài học kinh nghiệm về phương pháp dạy học, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Mặc dù là nhà quản lý nhưng cô vẫn tích cực giảng bài trên lớp, vui nhất là mỗi lần trên lớp được ngắm những ánh mắt trong veo của học trò dõi theo bài giảng một cách chăm chú. Những lúc như vậy, cô giáo Thu đã quên hết mệt nhọc, căng thẳng và càng lao vào công việc, mạnh dạn tìm tòi, phát hiện. Cô suy nghĩ hằng đêm để làm sao phải thể hiện sáng tạo hơn nữa trong từng bài giảng của mình với mong muốn các em tiếp thu bài giảng tại lớp ngày càng tốt hơn.
Cô vẫn nhớ như in, năm 1987 đến năm 1990, cô đang nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành một giáo viên dạy giỏi ở bậc THPT nhưng do cơ chế thay đổi, cô buộc phải trở về giảng dạy ở bậc THCS. Lúc đấy, việc thay đổi phương pháp, thay đổi cách lên lớp làm sao phù hợp với lứa tuổi THCS là cả một vấn đề. Một lần nữa cô lại phải tìm tòi, học hỏi lại từ đầu để thích nghi kịp với yêu cầu đặt ra. Nhờ sự cố gắng của mình, sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, năm học đó, cô mạnh dạn dự thi và đã giành được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nhờ ý thức tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp giỏi và tự mình sàng lọc để tìm ra phương pháp dạy học tốt nên từ năm 1990 - 2006, cô đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 4 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Với cương vị một cán bộ quản lý bận rất nhiều việc nhưng đối với cô, việc dạy học cho các thế hệ học sinh vẫn là niềm đam mê bởi dường như nghề nghiệp đã ăn sâu vào máu thịt của cô. Cô tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cho trường, cho huyện và năm nào học sinh do cô bồi dưỡng cũng giành được giải cao.
Năm 2006, ghi nhận sự cống hiến của cô, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Quỳ Hợp bổ nhiệm cô làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường THCS Minh Hợp. Để không phụ lòng tin của cấp trên, cô đã cố gắng làm việc tốt, đưa phong trào dạy và học tại nhà trường ngày càng phát triển. Từ đó, Trường THCS Minh Hợp đã trở thành địa chỉ đào tạo đáng tin cậy ở huyện Quỳ Hợp.
Để có được niềm vinh dự ấy, trong quá trình làm việc, cô đã nỗ lực cùng với đội ngũ giáo viên nhà trường tiếp cận, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước nâng cao hiệu quả dạy và học… Để xây dựng tốt đội ngũ của mình, cô đã tổ chức các buổi dạy mẫu, dạy thể nghiệm để rút kinh nghiệm, phát động đội ngũ giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, ưu tiên kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học nhằm từng bước gắn học với hành, nâng cao chất lượng dạy, học. Nhờ đó, số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của nhà trường hàng năm tăng cao, luôn được xếp nhất, nhì huyện. Đến nay, 15 lượt giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 70% giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Với lòng yêu nghề và sự cố gắng của mình trong suốt quá trình công tác, cô Nguyễn Thị Thiên Thu đã được các cấp, các ngành ghi nhận. 25 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện. Trong đó, có 5 lần là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; có 4 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, 5 lần được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô cũng chính là điển hình tiên tiến ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, cô được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen về “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và được tôn vinh danh hiệu “Nữ cán bộ công nhân viên chức tiêu biểu” tỉnh Nghệ An.
Gần 30 năm giảng dạy và làm công tác quản lý giáo dục tại huyện Quỳ Hợp, riêng cá nhân cô có 20 sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 3 cấp huyện, có 4 sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp tỉnh, trong đó có 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A và 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B; có 1 sáng kiến kinh nghiệm được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An công nhận.
Trường THCS Minh Hợp trong 24 năm liên tục là Tập thể Lao động xuất sắc và Lao động tiên tiến. Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và là ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia.
Từ những thành tích của tập thể và cá nhân, cô giáo Nguyễn Thị Thiên Thu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và được đánh giá là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.
La Giang
TĐKT - Vượt qua chính mình, Nguyễn Viết Liêm, lớp 12A1, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDTX) Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã khiến nhiều thầy cô, bạn bè cảm phục khi xuất sắc giành hai giải cao nhất tại Kỳ thi Quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2016 - 2017, đem vinh dự, tự hào cho gia đình và trung tâm.
Sinh ra trong một gia đình nông thôn, bố mẹ đều làm ruộng, những năm đầu phổ thông, Nguyễn Viết Liêm chăm chỉ học tập và thi đỗ vào trường THPT Hiệp Hòa số 1. Bước sang năm học lớp 12, Liêm ham chơi game, thường xuyên bỏ tiết, bê trễ việc học hành. Kỳ thi tốt nghiệp cận kề cũng là lúc lỗ hổng kiến thức lớp 12 khiến em không thể bù đắp được. Liêm bỏ học giữa chừng và ra Hà Nội làm thuê, kiếm sống. Một năm phải tự bươn chải vất vả đã thức tỉnh em rằng không có kiến thức, làm việc gì cũng khó. Được gia đình động viên, Liêm quyết định trở lại và lựa chọn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Hiệp Hòa để hoàn thành khóa học dang dở. Tại đây, Liêm đã không ngừng nỗ lực, tự đặt cho mình nguyên tắc để rèn luyện bản thân, tích cực học hỏi thầy cô, bạn bè. Liêm cho biết, em đã lùi lại sau các bạn cùng lứa 2 năm nên bây giờ là lúc em cần bứt phá, bù lại quãng thời gian bỏ phí đó.
Nguyễn Viết Liêm tích cực học hỏi thầy cô, bạn bè để bù đắp lỗ hổng kiến thức
Là học sinh có tố chất về các môn tự nhiên nên Liêm tiếp cận khá nhanh với phương pháp giải toán trên máy tính. Em dành nhiều thời gian để nghiên cứu môn học này. Khi gặp bài tập khó, em luôn trăn trở, quyết tâm phải giải cho bằng được; khi chưa hiểu và chưa có cách giải một bài toán hay, em không ngần ngại nhờ thầy, cô giáo giảng lại cho đến khi thật hiểu. Liêm cho biết, trước khi tham gia kỳ thi cấp Quốc gia, em đạt huy chương bạc tại cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang tổ chức. Em đứng thứ 3 và là 1 trong 5 học sinh đại diện cho Khối GDTX tham gia kỳ thi cấp Quốc gia. Đây là tiền đề giúp Liêm thêm tự tin, nỗ lực khẳng định mình. Trên cả niềm mong đợi của gia đình, thầy cô, bạn bè, Liêm đã xuất sắc đạt huy chương vàng tại kỳ thi Kỳ thi Quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2016 - 2017 được tổ chức tại Hải Phòng. Ngoài ra Liêm còn đóng góp tích cực để đoàn Bắc Giang đạt giải ba đồng đội. Với nỗ lực đó, em là một trong hai thí sinh được Ban tổ chức trao giải thí sinh xuất sắc toàn quốc.
Nguyễn Viết Liêm xuất sắc đạt huy chương vàng tại kỳ thi Kỳ thi Quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2016 - 2017 được tổ chức tại Hải Phòng
Thầy giáo Nguyễn Văn Hưng dạy toán tại Trung tâm, cũng là người trực tiếp bồi dưỡng cho Liêm tham dự kỳ thi giải toán trên máy tính Casio nhận xét: “Em Liêm là học sinh có năng khiếu về các môn tự nhiên, khả năng tư duy và sử dụng máy tính khá thành thạo. Trực tiếp bồi dưỡng môn Toán cho Liêm trước kỳ thi, tôi tin là em sẽ đạt giải, nhưng cũng khá bất ngờ khi em đạt giải cao nhất”.
Liêm chia sẻ về phương pháp học của mình là luôn nắm vững các kiến thức được thầy cô truyền đạt ở trên lớp, sau đó vận dụng kiến thức được học để áp dụng giải bài tập. Cùng với đó, tích cực giải đề và lên mạng tìm các phương pháp giải chuyên sâu. Muốn có được kết quả tốt trong học tập, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên ôn luyện, học hỏi thầy cô, bạn bè. Còn đối với kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, thời gian ôn luyện rất ngắn, hầu như em chỉ ôn luyện cho mình kỹ năng và kiến thức cơ bản. Chia sẻ về kinh nghiệm làm sao để bài thi đạt điểm cao nhất, theo Liêm khi thi phải bình tĩnh, tự tin. Trước khi làm, phải xem qua tất cả các bài, rồi lần lượt giải từ dễ đến khó. Để làm tốt bài thi giải Toán trên máy tính, ngoài việc phải nắm chắc lý thuyết còn phải rèn cho mình kỹ năng bấm máy cẩn thận. Giải toán trên máy tính không quá khó nhưng cần độ chính xác cao, cần kết hợp cả phương pháp giải và việc hoàn chỉnh bài bằng thao tác máy tính và cuối cùng là luyện tốc độ, phải phân bố thời gian đều cho từng câu hỏi để đủ thời gian làm bài.
Thầy giáo Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm phấn khởi cho biết: “Một học trò của Trung tâm vào được đội tuyển dự thi Quốc gia đã khó, đạt được giải cao lại càng khó hơn. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, Trung tâm có học sinh đoạt giải cao và lại là giải nhất ở môn Toán cấp Quốc gia. Điều này khẳng định chất lượng giáo dục của Trung tâm đang ngày càng được nâng lên”.
Không chỉ đam mê môn toán, Liêm còn thích nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Đầu năm học, em tham gia Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, với mô hình sử dụng năng lượng dư thừa tạo ra điện. Được biết, Liêm là học sinh duy nhất của hệ GDTX tham gia dự thi, đây là năm đầu tiên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Hiệp Hòa có học sinh tham gia và đạt giải khuyến khích.
Chia sẻ về dự định tương lai, Liêm cho biết em đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và đăng ký vào trường Đại học Bách khoa, bởi em rất yêu thích các môn tự nhiên, sự sáng tạo trong khoa học kỹ thuật. “Chưa bao giờ là muộn nếu bạn muốn làm lại và hãy bắt đầu từ hôm nay” là thông điệp Liêm gửi đến các bạn cùng trang lứa khi luôn cố gắng rèn luyện để hướng tới tương lai bằng con đường tri thức.
Phương Nhung
TĐKT - Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt, bằng nghị lực và ý chí của người lính, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính ở thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu để mọi người học tập.
Năm 1973, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bính lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1981, tham gia quân tình nguyện tại Campuchia, ông bị thương và trở về quê hương, với tỷ lệ thương tật 21%; bệnh binh 61%. Dù thường xuyên đau ốm khi trái gió trở trời nhưng người thương binh ấy vẫn nỗ lực vươn lên, tạo dựng cuộc sống no ấm. Những năm đầu về quê, cuộc sống vất vả vì gia đình đông anh em, con nhỏ nhưng bằng quyết tâm của người lính được rèn giũa trên chiến trường, ông đã vượt qua tất cả khó khăn của cuộc sống mưu sinh. Ông Bính cho biết: “Trong cuộc sống hay công việc, tôi luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy là phải biết cần kiệm. Cần kiệm để tích lũy, để có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình một cách căn cơ, bài bản ”.
Ông Bính chăm sóc vườn cây
Với gần 7 sào vườn tạp, hoang hóa, ông Bính bắt tay vào cải tạo đất. Lúc đầu ông trồng thử quýt, táo, vải nhưng hiệu quả không cao. Với suy nghĩ cần thay đổi cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm 90, được Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hưng Yên, nhận thấy cây bưởi có nhiều ưu thế hơn so với những cây ăn quả đang trồng, lại rất phù hợp với chất đất nên ông quyết định chuyển đổi chọn loại cây trồng này. Do đó, ông đã mạnh dạn phá bỏ hàng chục cây vải thiều để thay thế bằng 84 cây bưởi Diễn. Mày mò học kinh nghiệm chiết bưởi, ông nhân giống lên 140 cây bưởi Diễn và trồng thêm 40 cây bưởi da xanh. Nhờ biết áp dụng đúng kỹ thuật, nên bưởi Diễn của gia đình sai quả, chất lượng ngon, mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. 5 năm gần đây, toàn bộ số bưởi của gia đình được Công ty Thực phẩm Văn Lâm, Hưng Yên bao tiêu. Mỗi năm gia đình ông Bính thu hơn 100 triệu đồng từ vườn bưởi. Ngoài ra, ông Bính còn đầu tư chuồng trại nuôi từ 5000 - 7000 nghìn con chim cút thịt, cút sinh sản; nuôi bò, lợn rừng. Từ chăn nuôi, gia đình ông cũng thu lợi từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông tâm sự, mỗi khi vết thương tái phát, cơn đau hành hạ, ông thấy nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhất là những đồng đội bị hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh hay ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng. Vì vậy, còn sức khỏe, mình còn cố gắng, không phải chỉ cho mình mà còn cho gia đình, bạn bè, cho đồng đội.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Bính luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng đội về giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hiệp Hòa nhận xét: “Anh Bính là một thương binh, bệnh binh gương mẫu, vượt khó vươn lên. Mô hình làm kinh tế của thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính thật sự đã đem lại hiệu quả thiết thực và là tấm gương điển hình về ý chí vươn lên thoát nghèo để mọi người học tập”.
Vượt lên thương tật với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, ở tuổi 62, thương, bệnh binh Nguyễn Văn Bính đã thỏa nguyện với cuộc sống hiện tại. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Phương Nhung
TĐKT - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống (1/5/1947 - 1/5/2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Tới dự, có: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47/SL về tổ chức Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam, trong đó có cơ quan Chính trị Cục. Theo đó, Phòng Địch vận, Ban Dân vận thuộc Phòng Tuyên truyền - Huấn luyện là những cơ quan tiền thân của Cục Dân vận ngày nay cũng được thành lập.
70 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, Cục Dân vận và ngành Dân vận Quân đội không ngừng lớn mạnh về tổ chức, lực lượng; luôn tích cực, chủ động, nhạy bén tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng,Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân thực hiện tốt công tác dân vận; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành thắng lợi cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Thượng tướng Lương Cường trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Cục Dân vận
Với những thành tích xuất sắc đó, Cục Dân vận đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 2 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Lao động, 4 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chúc mừng những thành tích, đóng góp quan trọng của đội ngũ làm công tác dân vận toàn quân trong 70 năm qua. Thượng tướng Lương Cường yêu cầu Cục Dân vận và đội ngũ làm công tác dân vận toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Đồng thời đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn, tiếp tục đổi mới cơ chế, huy động các nguồn lực cho công tác dân vận, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với các cuộc vận động, các phong trào do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và địa phương phát động... góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phương Thanh
TĐKT - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Sơ kết và gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng điển hình tiên tiến 3 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Dự Hội nghị có: Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu.
Ba năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và nội dung CVĐ, có nhiều chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện CVĐ trên các mặt công tác; đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn Đảng bộ. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu của CVĐ, những nội dung xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; thấy rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ Tổng Tham mưu, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hiến kế, lập công, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện (tỷ lệ đơn vị vững mạnh toàn diện hàng năm đạt trên 90%).
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam và Thiếu tướng Hồ Thanh Tự chụp ảnh cùng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động
Thông qua CVĐ, đã có hơn 1.800 lượt tập thể, gần 16.000 lượt các nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và quân đội khen thưởng. Nhiều chương trình hoạt động, việc làm có ý nghĩa được nhân rộng: ủng hộ “Quỹ Ngày vì người nghèo” 3 tỷ 475 triệu đồng; ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” 3 tỷ 792 triệu đồng; phụng dưỡng 38 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng 96 nhà tình nghĩa, 14 nhà đồng đội tặng các già đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện CVĐ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tổng Tham mưu thời gian qua, nhất là những cá nhân được tuyên dương tại Hội nghị. Để tiếp tục đưa CVĐ đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả ngày càng thiết thực, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các các cơ quan, đơn vị trong toàn Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quán triệt nghiêm túc và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; gắn thực hiện Cuộc vận động với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), các cuộc vận động khác...; tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý chỉ huy của cán bộ chỉ huy các cấp. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu của Cuộc vận động cho phù hợp với từng đối tượng và thực tế của đơn vị; tổ chức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đăng ký phấn đấu thực hiện CVĐ gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp để CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; kịp thời sơ kết, đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm; đồng thời làm tốt công tác động viên, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong cơ quan, đơn vị.
Nhân dịp này, Bộ Tổng Tham mưu đã trao Bằng khen tặng 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Đức Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 137
- 138
- 139
- 140
- 141
- …
- sau ›
- cuối cùng »