Điển hình tiên tiến

Người nhiệt huyết và cống hiến cho xã hội

TĐKT- Anh Lê Hồng Mạnh, sinh năm 1964, quê đội 5, thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một người nhiệt huyết và luôn cống hiến cho xã hội. Anh đã từ bỏ ước mơ được làm chủ doanh nghiệp để về làm Trưởng phòng kinh doanh của Hội Người mù Sơn Tây ( Hà Nội). Tốt nghiệp trường Trung cấp xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng số 11 khi tuổi đời còn khá trẻ (19 tuổi), chàng thanh niên Mạnh khi đó ấp ủ bao ước mơ, hoài bão vì được học và làm đúng nghề mình yêu thích, hơn nữa ở thời điểm đó (1983) nghề xây dựng đã được đánh giá cao bởi thu nhập ít nghề sánh kịp. 5 năm công tác trong lĩnh vực xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng số 11 (1983 - 1988) cũng là thời điểm anh Mạnh “bén duyên” với nghề làm tăm. Cuối năm1988, khi nhà nước xóa bỏ bao cấp, anh Mạnh xin nghỉ và mở xưởng sản xuất tăm cho riêng mình. Sở dĩ anh đi theo nghề làm tăm mà không theo ngành xây dựng vì anh thấy rằng, nếu mở xây dựng thì chỉ tạo công ăn việc làm cho thanh niên khỏe mạnh, còn người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, đặc biệt là người khuyết tật ở quê anh sẽ không có việc làm thêm để tăng thu nhập. Sau gần 2 năm mày mò, tìm kiếm, hiện nay, công nghệ làm tăm của anh Mạnh đang sử dụng đã và đang mang lại hiệu quả cao, tăm sạch 100%. Những gói tăm của xưởng anh Mạnh làm ra được thị trường ưa chuộng vì giá thành rẻ, chất lượng tốt và đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Anh Lê Hồng Mạnh, Trưởng phòng kinh doanh Hội Người mù Sơn Tây Công việc đang trên đà phát triển thì mọi người bất ngờ khi anh quyết định dừng công việc kinh doanh của mình lại để nhận lời làm Trưởng phòng kinh doanh cho Hội Người mù Sơn Tây với mức lương gần như không có. Tuy nhiên, lý do mà ít ai biết đó là lá thư của một hội viên Hội Người mù Sơn Tây gửi cho anh với nội dung đầy xúc động: “Anh Mạnh thân mến! những người mù, khiếm thính… như chúng tôi được gọi chung là những người khuyết tật. Người khuyết tật đi đâu, làm gì cũng đều phụ thuộc vào người khác nên chúng tôi cảm thấy mình như một gánh nặng cho xã hội. Để giúp cho những người khuyết tật bớt mặc cảm và để chúng tôi được thấy mình là những người còn có ích cho xã hội thì mong anh hãy về Hội Người mù Sơn Tây để giúp Hội, giúp chúng tôi phát triển”. Đến giờ khi kể lại, anh Mạnh vẫn không khỏi xúc động và trân trọng tình cảm mà những người khuyết tật dành cho mình. Nhưng bài toán đặt ra ở đây là nếu anh dừng xưởng của mình thì cuộc sống của những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xưởng của anh sẽ ra sao? Từ đó, anh Mạnh quyết định thuê người quản lý xưởng và trực tiếp về Hội Người mù Sơn Tây để vận hành bộ máy mới.  Công việc tại Hội Người mù Sơn Tây có thể nói là rất vất vả, bởi theo anh Mạnh, để dạy cho người lành làm tăm, làm chổi đã khó, hướng dẫn những người khuyết tật, trong đó có khiếm thị thì quả là khó vô cùng. Nhưng bằng tình yêu, sự kiên trì, anh đã từng bước giúp họ nhanh chóng bắt kịp công việc. Để hỗ trợ thêm đầu ra cho sản phẩm ở đây, anh Mạnh quyết định chuyển một số đơn hàng của xưởng mình sang cho Hội. Ngoài công việc thường ngày, anh Mạnh vẫn dành thời gian để đi vận động các tổ chức từ thiện, hỗ trợ quà, tiền… cho hội viên Hội Người mù Sơn Tây và cá nhân anh Mạnh cũng trực tiếp ủng hộ quà, tiền cho các Hội người mù: Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức... Từ khi có công việc làm ổn định, nhiều hội viên của Hội Người mù Sơn Tây không chỉ tự nuôi sống được bản thân mà còn phụ giúp kinh tế gia đình, có nhiều người đã lấy vợ, lấy chồng, sinh con... Đặc biệt, năm 2014, ngôi nhà chung của hội viên Hội Người mù Sơn Tây đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp và cá nhân anh Mạnh đã ủng hộ 30 triệu đồng để thêm kinh phí xây dựng. Để ghi nhận và biểu dương những việc anh Mạnh đã làm vì người khuyết tật, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã tặng anh Kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù; Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì trẻ em tàn tật; Bằng khen của Hội Người mù Việt Nam; Bằng khen UBND huyện, xã… Nhưng đối với anh,  phần thưởng vô giá chính là tình yêu, sự kính trọng và lòng biết ơn của những người khuyết tật Sơn Tây dành cho mình. Hồng Thiết

Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 4/3, Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec tổ chức Lễ kỷ niệm 21 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Trong suốt hành trình 21 năm phát triển, đồng hành với công tác chăm sóc sức khỏe người dân, Medlatec đang ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, nhất là về dịch vụ bác sĩ gia đình. Năm 2016, Medlatec được TP Hà Nội ghi nhận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xã hội hóa y tế và là đơn vị y tế tư nhân đi tiên phong trong công tác xây dựng phòng khám bác sĩ gia đình và trình “Đề án Xây dựng thí điểm mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế xã, phường giai đoạn 2017 - 2018”. Bác sĩ gia đình góp phần giảm bớt gánh nặng về thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, giảm sự quá tải bệnh viện, đồng thời tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân cũng như cho ngành bảo hiểm y tế… Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã biểu dương, đánh giá cao mô hình xét nghiệm, nhất là dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe tại nhà và trả kết quả xét nghiệm qua mạng, cho kết quả nhanh, chính xác mà Bệnh viện Medlatec đang triển khai. Với những đóng góp tiêu biểu vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, liên tiếp nhiều năm liền Medlatec nhận được Bằng khen, Cờ thi đua TP Hà Nội và của Bộ Y tế. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 21 năm thành lập, Medlatec vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào to lớn của tập thể cán bộ nhân viên Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec, đồng thời là nguồn cổ vũ, khích lệ động viên cán bộ nhân viên tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và tô thêm những điểm sáng của nền y tế nước nhà trong sự nghiệp phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp này, 6 tập thể, 5 cá nhân của Bệnh viện Medlatec cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác y tế năm 2016. Mai Thảo – Hồng Thiết

Tuyên dương "Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng" năm 2016

TĐKT - Sáng 2/3, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2016. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2017), 58 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2017), 28 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2017), góp phần đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tới dự, có: Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy BĐBP;  Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương. Các gương mặt trẻ BĐBP tiêu biểu năm 2016 được tuyên dương, khen thưởng tại buổi lễ Tại buổi lễ, 10 gương mặt trẻ triển vọng và 10 gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP đã được biểu dương, khen thưởng. Các gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016 của BĐBP là những cán bộ, đoàn viên luôn phát huy tốt tính năng động sáng tạo, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ trẻ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; có nhiều thành tích trong thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Đảng, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Nhiều gương mặt tham gia ngăn chặn và trực tiếp phá nhiều án ma túy, tội phạm nguy hiểm; tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; giúp dân xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Nhiều đồng chí được giải cao trong các kỳ hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức... Những năm qua, dù ở các vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau, thanh niên BĐBP luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và hạnh phúc của nhân dân. Thời gian gần đây, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, tuổi trẻ BĐBP đã xung kích, trực tiếp nhận đỡ đầu và thường xuyên hướng dẫn, kèm cặp 2.844 học sinh khu vực biên giới, hải đảo có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, trong thành tích chung của tuổi trẻ BĐBP có đóng góp quan trọng của 20 điển hình được tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng lần này. Mỗi thành tích, mỗi chiến công của các gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng là sản phẩm kết tinh của tinh thần say mê, kiên trì học tập, xung kích, chủ động khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và hạnh phúc của nhân dân. Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu là một trong những hoạt động thường niên của BĐBP nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ những tấm gương thanh niên tiêu biểu; phát hiện, xây dựng, nhân rộng gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến và các mô hình hoạt động hiệu quả của tuổi trẻ BĐBP. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Phương Thanh

Trao danh hiệu cho 99 Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú ngành Quân y

TĐKT - Chiều 27/2, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (TTND), Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) lần thứ 12 năm 2017 cho các thầy thuốc quân y vừa được Nhà nước phong tặng. Tới dự, có: Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; PGS, TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Tại buổi lễ, thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng  tặng hoa cho 8 TTND, 91 TTƯT. Họ là những thầy thuốc quân y hết lòng, hết sức phục vụ bộ đội và nhân dân. Một số đồng chí đã qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có uy tín với thương binh, bệnh binh, với bộ đội, nhân dân, với đồng nghiệp; có nhiều thành tích trong công tác quản lý y tế, điều trị, phòng, chống dịch bệnh, đào tạo, huấn  luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời chiến, thời bình, cũng như các tình huống khẩn cấp. Họ là những tấm gương tiêu biểu của đội ngũ cán bộ quân y trong giai đoạn hiện nay, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tích cực luyện rèn y đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên môn kế cận, xây dựng ngành Quân y ngày càng vững mạnh. Đến nay, qua 12 đợt xét tặng, Quân đội đã có 101 TTND và 1529 TTƯT, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số các TTND, TTƯT của cả nước. Đây là nguồn cổ vũ to lớn đối với ngành Quân y, đồng thời chứng tỏ sự cống hiến của các cán bộ, nhân viên ngành Quân y trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò của ngành Quân y trong hệ thống y tế nước nhà. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa cho 8 TTND. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương thành tích của ngành Quân y, của các thầy thuốc quân y và đặc biệt là của 8 TTND và 91 TTƯT trong toàn quân đã được Chủ tịch nước phong tặng đợt này. Thượng tướng Trần Đơn mong rằng các TTND, TTƯT tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu tu dưỡng đạo đức, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đạt được những đỉnh cao mới trong khoa học, trong thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu cao quý đã đạt được. Trước mắt là củng cố toàn ngành, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho ngành Quân y năm 2017 và những năm tiếp theo, đặc biệt là hưởng ứng việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các TTND, TTƯT phải luôn gương mẫu, là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp trẻ; làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ kế cận; thực hiện tốt truyền thống kết hợp quân dân y, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với lực lượng y tế nhân dân; nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ ngoại ngữ để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Thượng tướng Trần Đơn đề nghị các cấp lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các bệnh viện, học viện, nhà trường… có kế hoạch sử dụng, phát huy tối đa khả năng và tiềm năng của các TTND, TTƯT. Luôn chú ý quan tâm, bồi dưỡng cho lực lượng đáng quý này thông qua các chế độ, chính sách phù hợp và khả thi, nhất là đối với các đồng chí đang công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đồng chí làm việc trong các chuyên ngành còn nhiều khó khăn như y học quân sự, y học dự phòng, pháp y, phòng, chống HIV/AIDS… Nguyệt Hà

Người bác sĩ lặng lẽ cống hiến cho nghề

TĐKT- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Viện Giám định pháp y (GĐPY) Quốc gia là người có thâm niên trong nghề giám định. Ông lặng lẽ gắn bó với nghề, một nghề chịu nhiều yếu tố rủi ro khi phải tiếp xúc với các bệnh nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long, khi nói về nghề GĐPY mọi người chỉ nghĩ tới công việc là giải phẫu tử thi (GPTT) nhưng thực chất ngoài việc mổ tử thi, các bác sĩ GĐPY còn thực hiện nhiều loại hình giám định khác như giám định tổn thương cơ thể (tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên phục vụ tố tụng, chấp hành án, chi trả bảo hiểm...; giám định ADN: xác định dấu vết sinh học và giám định huyết thống...; giám định hóa pháp: xét nghiệm tiềm hóa chất trong cơ thể người, tìm ma túy... phục vụ cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người dân. Hầu hết các bác sĩ GPTT đều không biết nạn nhân có bị mắc bệnh truyền nhiễm trước đó. Nhiều trường hợp nạn nhân chết trong các trại tạm giam, tạm giữ vì tàng trữ, buôn ma túy, nhiều bệnh nhân bị nhiễm HIV, viêm gan B, lao... Do vậy khi khám nghiệm cũng không được xét nghiệm sàng lọc HIV trước, trừ trường hợp bị ốm yếu được đưa đến bệnh viện cấp cứu rồi mới chết. Khi GPTT xong và lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mới xác định được lúc đó thì đã quá muộn. Cũng có trường hợp biết bệnh nhân bị HIV nhưng trong quá trình GPTT vẫn có thể xảy ra sơ suất. Đó là những độc hại về mặt thể chất, còn những căn bệnh về tâm thần thì theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long khó có thể đong đếm được. Những lần đi mổ tử thi ở những nơi khó khăn, hiểm trở, không quản ngày đêm, thời tiết, vượt rừng, lội suối, bác sĩ Long và đồng nghiệp đã vượt qua yếu tố tâm lý để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. 10 năm công tác trong nghề nhưng mỗi lần đi GPTT là bác sĩ Long đều không quên được những mùi đặc trưng của xác chết, đặc biệt là xác chết đã bị phân hủy. Bác sĩ Long và đồng nghiệp trong một lần khám nghiệm tử thi tại hiện trường Bác sĩ Long cho biết thêm, nghề GĐPY phải chịu rất nhiều thiệt thòi nên khó tìm được đội ngũ kế cận. Viện Giám định pháp y Quốc gia luôn thiếu người, dù đăng tuyển rất lâu, mới đây mới tuyển được 3 khai thác viên, nhưng chỉ có một người ở lại còn hai người sau ba tháng công tác tại viện đã làm đơn xin nghỉ việc vì lý do không chịu được áp lực. Cũng vì chưa có sự thông cảm với nghề mà các bác sĩ GĐPY thường bị xa lánh khi người ngoài tiếp xúc. Bởi mọi người nghĩ, làm nghề GĐPY là những người chuyên “úp mặt vào tử thi” nên ai cũng sợ, nhiều người không dám bắt tay, không dám ngồi gần. Bác sĩ Long nhớ lại thời kỳ đầu khi đi tìm hiểu người yêu, vì cao hứng nên kể cho bạn gái nghe về những chiến tích mổ tử thi, bạn gái sau khi nghe xong một đi không trở lại. Rút kinh nghiệm, khi đã xây dựng gia đình, bác sĩ Long cũng không bao giờ kể cho vợ, con nghe về công việc thường ngày. Đặc thù công việc của các bác sĩ GĐPY mang tính sự vụ nên phải trực 24 giờ trong ngày, kể cả những ngày lễ, tết vì phải giải phóng hiện trường nhanh, tránh gây tâm lý hoang mang cho quần chúng. Nhiều trường hợp thực hiện giám định tại nhà nạn nhân hoặc hiện trường, người nhà nạn nhân vây quanh vừa khóc, vừa đe dọa. Bác sĩ Long nhớ lại trường hợp mổ tử thi vào năm 2009, ở Vĩnh Long là một trong trường hợp chịu nhiều áp lực, từ phía nguyên đơn, người bị hại và cả yếu tố tâm linh. Đó là trường hợp Nguyễn Văn H, là chồng chị Nguyễn Thị M, hai người đang trong thời gian ly dị thì anh H không may bị đuối nước chết. Sau khi chôn cất anh H, gia đình anh đã làm đơn kiện chị M vì nghi là con dâu đã giết con trai để cướp tài sản. Để xác định nguyên nhân cái chết của anh H, bác sĩ Long cùng Phó Viện trưởng Viện pháp y Quốc gia đã nhanh chóng lên đường vào Vĩnh Long để thực hiện GPTT. Vì anh H đã chết được 2 năm nên xét về yếu tố tâm linh thì đội GPTT cũng ái ngại khi khai quật xác lên để làm công tác giám định. Nhưng vì nhiệm vụ, anh cùng Viện phó đã nhanh chóng tiến hành lấy những mẫu cần thiết về làm xét nghiệm, kết quả cho thấy anh H chết bị đuối nước thông thường, cuối cùng người vợ đã được đã giải oan, hai thông gia lại trở lại như xưa. Nghề GPTT nói riêng và nghề GĐPY nói chung là nghề mà ít ai hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, các anh luôn tâm niệm, đây là nghề chuyên đi làm phúc và phải làm bằng sự tâm huyết với nghề vì đây là trách nhiệm, là bảo vệ công lý và vì sự bình yên trong xã hội. Hồng Thiết

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Ngày 25/2, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Nước sạch Hà Đông đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, tiền thân là cơ sở cấp nước được tiếp quản của thực dân Pháp (năm 1954) với công suất ban đầu chưa đến 1.000 m3/ngày đêm. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đã phát triển không ngừng và gặt hái được nhiều thành tựu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, từ năm 2008 (khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội) đến nay, Công ty đã đầu tư, cải tạo, nâng công suất phục vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, ổn định đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Đại diện lãnh đạo công ty đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Với tư duy nhanh nhạy, biết đề cao ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, lấy khách hàng, nhân dân làm mục tiêu trọng tâm trong tồn tại và phát triển, công ty đã nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong hệ thống cung cấp dịch vụ dân sinh của Thủ đô. Tính đến năm 2016, tổng công suất cung cấp nước sạch của công ty đã đạt 82.000 m3/ngày đêm, dự kiến đạt 112.000  m3/ngày đêm trong năm 2017. Công ty không chỉ được đánh giá cao vì những nỗ lực sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm hài lòng hơn 132.000 hộ khách hàng trên toàn địa bàn mà còn được Hiệp hội Cấp thoát nước công nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất. So với thời kỳ đầu mới sáp nhập về Thủ đô, đến nay thu nhập bình quân người lao động của công ty đã tăng trên 200%; tổng số vốn tăng gấp 6 lần, lợi nhuận kinh doanh tăng hàng chục lần. Với những thành tích đạt được, công ty đã liên tục được Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng, phát triển, công ty đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.  Thục Anh

Bệnh viện phụ sản Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Ngày 24/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Bệnh viện Phụ sản Trung ương (1955 - 2017). Đến dự, có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết.   PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, 62 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương như ngôi nhà chung gieo mầm hy vọng, gieo mầm hạnh phúc cho mỗi gia đình. Hơn 60 năm, hành trình ấy được đắp đổi, xây dựng bằng tâm huyết, bằng trái tim của những người thầy những năm tháng mở đầu và những trí thức y tế thời đại mới. Từ một khoa phòng sau giải phóng với vô vàn khó khăn, đến nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã trở thành cơ sở chuyên khoa đầu ngành về phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh, cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sản phụ khoa lớn nhất cả nước, được đánh giá là một trong những đơn vị “xuất sắc toàn diện” của ngành Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương Năm 2016, tổng số lượt khám ngoại trú của cả hai khoa khám: 405.857 tăng 1,8% so với năm 2015. Khám cho người bệnh bảo hiểm y tế tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Bước vào năm 2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Y tế và tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ưu tiên đầu tư các trang thiết bị phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực trong sản phụ khoa và sơ sinh; phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh xuống 18%. Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp 62 năm qua, Bệnh viện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Trưởng phòng Điều dưỡng Nguyễn Thanh Thủy, Bệnh viện Phụ sản Trung ương được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Hồng Thiết

Bệnh viện Xây dựng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT – Chiều 22/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Lễ kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017), Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Bệnh viện Xây dựng là một bệnh viện nằm trong mạng lưới y tế Quốc gia, trực thuộc Bộ Xây dựng và sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Y tế, có chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Xây dựng và cộng đồng. Những năm qua, Bệnh viện không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I, nơi khám và điều trị cho nhân dân thuộc nhiều đối tượng khác nhau, là địa chỉ đáng tin cậy cho mọi người dân các nơi tìm đến khi có vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh việc trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn và thái độ phục vụ tận tình chu đáo với bệnh nhân, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý bệnh viện, khám, chữa bệnh, tổ chức quy trình khám bệnh lấy số và xếp hàng tự động, kết nối mạng online kết quả xét nghiệm với lâm sàng để rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đồng thời, Bệnh viện đã triển khai ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán và điều trị công nghệ cao: phẫu thuật Phaco, phẫu thuật cột sống qua C- arm, nội soi chẩn đoán và can thiệp tiêu hóa, chụp cắt lớp VCT64 dãy đầu thu, siêu âm màu tim mạch, tuyến giáp… đạt được kết quả cao, giải quyết được ca bệnh nặng, khó và phức tạp. Trong năm 2016, bệnh viện đã triển khai tốt công tác khám sức khỏe định kỳ, đo môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị trong ngành Xây dựng và cộng đồng. Tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị và phát hiện các trường hợp bị bệnh bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp và các bệnh nghề nghiệp khác. Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Bệnh viện đã triển khai các chương trình Y tế Quốc gia tới các đơn vị trong ngành: chương trình phòng chống sốt rét, phòng, chống HIV/AIDS, chương trình phòng, chống đái tháo đường, sốt xuất huyết, đặc biệt tại các công trình trọng điểm: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Ghi nê xích đạo và các đơn vị có công trường nằm tại vùng có sốt rét lưu hành… Với những thành tích đã đạt được, nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bệnh viện Xây dựng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Minh Phương

Người bác sĩ với trái tim giàu nhiệt huyết

TĐKT - Nhắc đến Bác sĩ - Thầy thuốc Ưu tú  Phạm Hồng Phương, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là nhắc đến một người bác sĩ với trái tim ấm nóng, giàu nhiệt huyết với đời, với nghề được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến.   Bác sĩ Phạm Hồng Phương chăm sóc bệnh nhân Bác sĩ Phạm Hồng Phương tâm sự, cái duyên đến với nghề y của anh chính là nhờ “thâm niên” nằm viện. Cả tuổi thơ của anh, cha mẹ hết mang anh nằm bệnh viện huyện Diễn Châu đến bệnh viện tỉnh Nghệ An. Anh quen thuộc với những mũi tiêm, với mùi bệnh viện, với bóng áo trắng cũng như những cơn đau của bệnh viêm khớp hành hạ anh qua tháng, qua năm. Nhưng khó khăn không ngăn được quyết tâm học thật giỏi trong anh. Chính vì vậy, năm 1986, anh là một trong rất ít thí sinh ở huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An ngày ấy thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Trong tâm niệm của anh, thứ nhất theo ngành y để điều trị được bệnh cho mình, hơn nữa, anh cảm thấy yêu ngành y bởi quãng thời gian dài là bệnh nhân của các bệnh viện. Quãng đời sinh viên y khoa cũng là quãng thời gian khá vất vả với anh, vì thể trạng ốm yếu. Đến năm thứ 3 đại học, anh đã có thể tự điều trị bệnh cho mình và sức khỏe của anh dần khá hơn. Chính điều này đã giúp anh nhìn người bệnh với cái nhìn của một người bệnh, đầy cảm thông, thương xót nhưng quan trọng hơn cả, đó là động lực để anh vươn lên trở thành một bác sĩ giỏi nghề, quyết tâm cứu giúp người bệnh. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về quê Nghệ An, xin việc tại khoa Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và gắn bó với bệnh nhân tim mạch từ ngày ấy tới giờ. Hơn 20 năm gắn bó và chứng kiến bao nhiêu ca bệnh, là bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu số phận, bác sĩ Phương cũng có chừng ấy niềm vui, nỗi buồn. Những ngày đầu về viện là những tháng ngày đầy vất vả bởi lúc đấy bệnh viện còn nghèo nàn, máy móc, trang thiết bị chẳng có gì khác ngoài máy điện tâm đồ, vì vậy cơ hội cứu sống bệnh nhân là không nhiều. Hồi đấy anh luôn bị ám ảnh bởi sự bất lực trước người bệnh. Với bất cứ người thầy thuốc nào thì đó là nỗi đau xót lớn nhất. Đối với anh, y đức người thầy thuốc thể hiện qua thái độ với người bệnh, chăm sóc bệnh nhân thế nào, có thương người bệnh không. Nhưng điều trước tiên để nói về y đức cần phải là hiệu quả điều trị bệnh. Một bác sĩ có tâm phải là người không ngừng trau dồi tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để trị khỏi bệnh và giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong hàng ngàn bệnh nhân đã qua đây, anh nhớ nhất một bệnh nhân trẻ tuổi, bị suy tim nặng mà anh là bác sĩ điều trị, theo dõi lâu năm. Một lần kia, bệnh nhân trở nặng, nhập viện, khi đó anh lại đang có chuyến công tác xa. Các y, bác sĩ trong khoa kể lại rằng, người bệnh đó chỉ gọi tên anh trong nỗi khẩn cầu: “bác sĩ Phương, bác sĩ Phương” trước khi mãi mãi đi xa…  Niềm tin cậy, gửi trao của mỗi người bệnh chính là điều hối thúc trong anh rằng mình phải làm gì để xứng đáng với niềm tin ấy. Anh là người đề xuất để phát triển các chuyên môn, kỹ thuật và nhận được sự đồng tình cao của ban giám đốc bệnh viện. Các nhân lực được cử đi học, trang thiết bị được mua sắm, niềm vui nhân lên từ nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Sự phát triển có tính đột phá và ngày càng vững chắc ấy có công lao không nhỏ của anh - bác sĩ trầm lặng Phạm Hồng Phương. Anh mừng vui khoe rằng mới đây thôi, các anh cứu sống bệnh nhân Nguyễn Xuân Việt, Chu Văn Hậu bị nhồi máu cơ tim, khi vào đây đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Từ năm 2009 đến nay, sau khi bệnh viện cử các bác sĩ đi học tập, nắm bắt kỹ thuật cao và được mua sắm nhiều máy móc, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa tăng từ 40 - 50 đến 140 - 150 bệnh nhân. Khoa tiến hành can thiệp mạch vành được gần 1000 trường hợp, can thiệp gần 60 ca tim bẩm sinh, phối hợp với Khoa Ngoại tiến hành phẫu thuật tim hở cho gần 200 trường hợp, đã tiến hành cấy máy tạo nhịp tim. Hiện khoa có 7 bác sĩ có chuyên môn can thiệp mạch. Có 6/13 bác sĩ của khoa đang được tạo điều kiện đi học nâng cao về chuyên môn tại Hà Nội. Theo bác sĩ Phương thì phải hết sức khuyến khích để lớp trẻ được nắm bắt các kỹ thuật cao qua các lớp đào tạo, cầm tay chỉ việc… Trăn trở lớn nhất của anh là  thực trạng bệnh nhân tim mạch, tim mạch chuyển hóa, cùng với ung thư đang ngày một nhiều hơn, trở thành gánh nặng của các gia đình và xã hội. Đặc biệt, bệnh mạch vành, tăng huyết áp tăng một cách nhanh chóng. Việc khám, chữa bệnh ban đầu chưa được thực hiện tốt khiến bệnh nhân khi chuyển về tuyến cuối thường đã nặng nên cơ hội chữa khỏi giảm, cũng như gánh nặng về kinh phí của người bệnh tăng cao. Người bệnh nặng nhiều, trong số đó cũng nhiều người nghèo, chi phí cho quá trình điều trị hay can thiệp thì đắt đỏ. Việc thanh toán bảo hiểm hay mua sắm thuốc men cho các bệnh nhân tim mạch hiện nay cũng đang có những khó khăn. Vì vậy, thật xót xa khi nhiều người bệnh không có hay buộc phải từ chối cơ hội điều trị.   Để phát triển chuyên môn, nâng cao hơn nữa cơ hội sống của người bệnh, theo bác sĩ Phương, bên cạnh việc cử nhân lực đi học tập thì rất cần đầu tư trang thiết bị, áp dụng các kỹ thuật cao. Anh cùng với tập thể khoa sẽ theo đuổi chiến lược phát triển trung tâm tim mạch trong lòng bệnh viện để sớm xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ đỏ về y tế của khu vực Bắc Trung bộ. Với những nỗ lực không ngừng, bác sĩ Phạm Hồng Phương đã luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ năm 2005 đến nay, 2 lần anh được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Anh cũng đã học cao học từ những năm 1997 - 2000, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hồng Thiết

Người giáo viên đam mê chắp cánh cho những giọng hát

TĐKT – Suốt 40 năm gắn bó với sự nghiệp nghệ thuật và sự nghiệp trồng người, giảng viên Vũ Thị Bích Hồng, Tổ trưởng tổ Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã dạy dỗ, dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp. Cô là người tận tâm và đóng góp nhiều thành tích cho nghệ thuật tỉnh Nghệ An nói chung và nhà trường nói riêng, luôn được bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ, học trò và các thế hệ giáo viên yêu kính.   Giảng viên Vũ Thị Bích Hồng (thứ hai từ trái sang) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Cô Bích Hồng chia sẻ, cô bắt đầu con đường nghệ thuật là một nghệ sĩ cải lương của đoàn văn công Nghệ Tĩnh, sau đó chuyển về đoàn ca múa nhạc Hương Sen, Nghệ An. Với hơn 20 năm trong nghề ca sĩ, biểu diễn sân khấu, cô được mời về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Bằng sự tận tụy với nghề, hết lòng với sinh viên, cô đã truyền cho các em nhiều kỹ năng, kinh nghiệm quý báu và niềm đam mê. Trong quá trình luyện tập, giảng viên Bích Hồng áp dụng linh hoạt các phương pháp luyện tập cho từng sinh viên. Đặc biệt, cơ địa mỗi người mỗi khác nên khi dạy thanh nhạc, giảng viên Bích Hồng dựa trên cơ thể, sinh đới của từng người. Ngoài ra, cô thường xuyên ghi đầy đủ, cặn kẽ vào “Nhật ký giảng dạy” những ưu, khuyết điểm của mỗi học trò để rút ra những phương pháp riêng giảng dạy cho mỗi trò. Nhờ thế, mỗi sinh viên đã khắc phục điểm hạn chế để ngày càng hoàn thiện giọng hát. Qua sự mài dũa của giảng viên Bích Hồng, nhiều em đã trở thành những giọng ca đặc sắc của tỉnh nhà. Nhờ cô hướng dẫn, luyện tập, nhiều em đã thành công và ghi dấu ấn tại các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp. Điển hình: Nguyễn Thị Thanh Tâm, giải Nhất cuộc thi Tiếng hát dân ca Huế năm 2007; sinh viên Phan Thị Dịu đạt Huy chương Vàng và Nguyễn Thị Hồng đạt Huy chương Bạc trong Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, du lịch và thể dục, thể thao toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng năm 2009; Đậu Thanh Tài giải Nhì tiếng hát truyền hình Sao Mai tỉnh Nghệ An năm 2013 và lọt vào chung kết Sao Mai miền Trung – Tây Nguyên năm 2015… Trong tâm niệm của cô giáo Hồng, người giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho các em mà còn là người bạn, người mẹ gần gũi và hiểu các em. Ngành nghệ thuật là ngành mang lại cho các em nhiều danh tiếng nhưng cũng đầy những cạm bẫy và thử thách. Chỉ những ai thực sự tài năng và nỗ lực mới tỏa sáng. Cho nên ngoài việc chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, cô còn truyền cho các em những bài học đạo đức nghề để các em có một cái nhìn thực sự trong sáng về nghệ thuật. Với đặc thù của nghệ thuật, mỗi khi các em sinh viên có chuyện buồn, những trắc trở trong cuộc sống các em đều biểu lộ qua giọng hát, bài hát. Mỗi lúc như vậy, giảng viên Bích Hồng tìm cách tâm sự và động viên các em dù thế nào cũng phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục trên con đường nghệ thuật, thực hiện đam mê và ước mơ, không được nản lòng. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là một trường nghệ thuật của khu vực miền Trung, chất lượng đầu vào còn thấp so với các trường học viện âm nhạc, các sinh viên đa phần xuất thân từ nông thôn cho nên trong công tác giảng dạy gặp không ít khó khăn. Nhiều em không có tiền, phải tiết kiệm bữa sáng, ôm bụng đói đến học hát. Với tình thương của người giáo viên, mặc dù không có nhiều nhưng thỉnh thoảng cô Hồng cũng đưa tiền cho các em ăn sáng để lấy sức hát. Trong giờ luyện tập các cuộc thi, cô cũng mang đồ ăn, nước uống lên để động viên các em. Có những em ngày Tết chẳng đủ tiền về quê, giảng viên Bích Hồng lại giúp đỡ để các em để các em có điều kiện về với gia đình. Chính từ những quan tâm nhỏ như vậy nên đến bây giờ, có nhiều thế hệ học trò cũ vẫn thường xuyên gọi điện, thư từ hỏi thăm cô. Theo nhận xét của PGS.TS Phan Mậu Cảnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, giảng viên Bích Hồng là một giảng viên tâm huyết với nghề, tận tụy với sinh viên, luôn luôn linh hoạt, cập nhật những kiến thức mới vào chương trình giảng dạy, đóng góp nhiều thành tích cho nhà trường trong các hoạt động phong trào và các cuộc thi lớn. Với những cống hiến, hết mình vì học sinh và nhà trường, giảng viên Vũ Thị Bích Hồng đã được nhận giải thưởng vinh danh vì đã có thành tích hướng dẫn thí sinh đạt Huy chương Vàng tại Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể dục thể thao toàn quốc. Đặc biệt, giảng viên Vũ Thị Bích Hồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng danh hiệu “Giảng viên có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo tài năng trẻ ngành văn hóa nghệ thuật”. Dù đã sắp nghỉ hưu, nhưng giảng viên Bích Hồng “như cánh chim không mỏi” trong sự nghiệp trồng người, truyền cảm hứng cho sinh viên trên con đường ca hát. La Giang

Trang