Chuyên đề

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Tình hình hoạt động tháng 7/2019 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 8/2019

Trong tháng 7/2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc đặc biệt là đã nỗ lực đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhân dân trong đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2019. Sản lượng điện thương phẩm tháng 7/2019 đạt 6,659 tỷ kWh tăng 10,84% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thành phần CNXD chiếm tỷ trọng 58,48%, tăng 8,81% so với cùng kỳ năm 2018; thành phần QLTD chiếm 34,07%, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thương phẩm Tổng công ty tăng 9,16% so với cùng kỳ năm 2018. Tổn thất điện năng tháng 7/2019 toàn Tổng công ty ước đạt 5,29%, lũy kế 7 tháng đạt 5,17%, thấp hơn 0,05% so với cùng kỳ năm 2018. Độ tin cậy cung cấp điện: Chỉ số SAIDI là 65,3 phút, chỉ số SAIFI là 0,47 lần và chỉ số MAIFI là 0,04 lần. Trong tháng 7/2019, Tổng công ty đã thực hiện đóng điện 11 công trình (với năng lực tăng thêm 380MVA và 15,86km ĐZ110kV), khởi công 01 công trình ĐZ và TBA 110kV Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh) cùng nhiều công trình lưới điện trung hạ thế, góp phần nâng cao năng lực lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Lũy kế 7 tháng: Khởi công 39/73 công trình, đạt 53,42% và đóng điện 41/81 công trình, đạt 50,6% kế hoạch năm. Cũng trong tháng 7/2019, tất cả 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt quy định, trong đó đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện mới cho 136 khách hàng trung áp với thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành điện là 5,69/6 ngày; giảm 0,31 ngày so với quy định. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, toàn Tổng công ty tiếp nhận giải quyết cấp điện cho 1.330 khách hàng trung áp với thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành điện là 5,66/6 ngày, giảm 0,34 ngày so với quy định. Tính đến cuối tháng 7/2019, các Công ty Điện lực trực thuộc EVNNPC đã làm việc với 219 khách hàng và ký được 116 bản thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải phi thương mại (DR) với công suất điều chỉnh khoảng 16,8MW. Lũy kế đến hết tháng 7/2019, các Công ty Điện lực đã làm việc, trao đổi được với 2.020 khách hàng và đã ký được thỏa thuận với 1.305 khách hàng với công suất điều chỉnh ước đạt 414,33MW. Tính đến tháng 7/2019, toàn Tổng công ty có 296 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt là 3,33 MWp; sản lượng phát tháng 7/2019 ước đạt 94.000 kWh. Đặc biệt, trong tháng 7 EVNNPC đã chính thức thay đổi từ cơ cấu tổ chức quản lý Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên trách sang mô hình có Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chuyên trách. Với mô hình quản lý mới, chức năng quản lý của Chủ tịch Hội đồng thành viên và chức năng điều hành của Tổng giám đốc được tách bạch, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, đảm bảo kịp thời, đúng chức năng, đồng thời phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể. Trong tháng 8 năm 2019, Tổng công ty tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho khách hàng, giảm tổn thất điện năng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão./

Công đoàn Công ty Than Mạo Khê không ngừng phấn đấu, xứng đáng với sự tin cậy và mong đợi của cán bộ, công nhân viên, lao động

Công ty Than Mạo Khê là đơn vị có bề dày truyền thống, khẳng định vị thế bằng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, Công ty đã khai thác được hơn 1,7 triệu tấn than nguyên khai, sản xuất hơn 1,5 triệu tấn than sạch, tiêu thụ trên 1,5 tấn thân, bóc đất lộ thiên 135.000 m3, đào lò CBSX trên 19.000 m, đào lò XDCB hơn 2.900 m, doanh thu than đạt hơn 1.993 tỷ đồng. Đóng góp vào thành công của Công ty trong suốt thời gian qua không thể quên vai trò của tổ chức Công đoàn, đơn vị luôn cống hiến hết mình vì lợi ích của đoàn viên, trở thành điểm tựa vững chắc cho cán bộ, công nhân viên, lao động (CBCNVLĐ).        Xác định công tác tư tưởng đóng vai trò quan trọng, Công đoàn đã tiến hành đổi mới trong tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và công ty. Hoạt động của hệ thống truyền thanh nội bộ, website, trang thông tin nội bộ, phối hợp đăng tải tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài ngành đã cung cấp đầy đủ, đa dạng, kịp thời thông tin tới CBCNVLĐ. Hội thi tìm hiểu Luật An toàn, vệ sinh lao động, tìm hiểu kiến thức an toàn đầu ca sản xuất, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu các hoạt động nổi bật của Công đoàn Việt Nam đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ nhân sự công ty. Bên cạnh đó, các cuộc gặp mặt, đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và người lao động do Công đoàn phối hợp tổ chức đã tạo cầu nối, tăng sự thấu hiểu giữa hai bên, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của CBCNVLĐ. Là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của CBCNVLĐ, Công đoàn đã tham gia ký kết, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; cải thiện môi trường làm việc; xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quy chế khuyến khích. Thu nhập bình quân năm 2018 đạt 13,6 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng trong năm qua, Công ty đã chi gần 51,5 tỷ đồng tiền ăn uống bồi dưỡng cho CBCNVLĐ; 11,3 tỷ đồng cho các cá nhân đạt ngày công cao, ngày công an toàn, thực hiện tốt công tác vệ sinh công nghiệp, các tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua. Công đoàn cũng thường xuyên thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động, đau ốm, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; hỗ trợ kinh phí xây dựng Mái ấm Công đoàn. Xác định tính chất đặc thù của công việc, công ty đã dành sự quan tâm lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động thông qua việc tổ chức khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp định kỳ; đưa công nhân có thời gian công tác lâu năm, sức khỏe yếu đi nghỉ mát, hỗ trợ điều trị tại các trung tâm điều dưỡng. Điều kiện làm việc của CBCNVLĐ ngày càng được nâng cao với việc đưa đón công nhân đi làm, di chuyển trong hầm lò; xây nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca, tổ hợp căng tin - karaoke - cửa hàng tiện ích; sửa chữa, nâng cấp khu nhà tắm, nhà để tủ của công nhân…  Đến với Công ty Than Mạo Khê ta sẽ bắt gặp không khí đoàn kết, thân thiện, sôi nổi được duy trì nhờ các cuộc vận động, phong trào do Công đoàn phát động. Sức hấp dẫn của các hoạt động này thu hút đông đảo đội ngũ nhân sự hùng hậu với hơn 4.000 người của công ty. Trong năm 2018, Công đoàn Công ty đã chỉ đạo các công đoàn bộ phận đăng ký đảm nhận và hoàn thành 115 công trình vượt trước thời gian quy định, đảm bảo an toàn, chất lượng. Hưởng ứng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, toàn công ty đã có 232 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng trong thực tế làm lợi trên 85 tỷ đồng trong năm qua. CBCNVLĐ Công ty cũng được hòa mình vào nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao phong phú, có thể kể đến là: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Giải cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… Với những thành tích xuất sắc năm 2018, Công đoàn Công ty Than Mạo Khê đã được suy tôn là Công đoàn vững mạnh xuất sắc, được nhận Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, Cờ thi đua của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… Đặc biệt, Công ty là một trong 09 doanh nghiệp toàn Tập đoàn được tặng Kỷ niệm chương Doanh nghiệp vì người lao động năm 2018. Tự hào với những thành tựu trong quá khứ và hiện tại, trong thời gian tới, Công đoàn sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), 65 năm ngày khôi phục và phát triển Công ty Than Mạo Khê (15/11/1954 - 15/11/2019), xứng đáng với sự tin cậy và mong đợi của CBCNVLĐ.    

Công ty Liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC)

Trụ sở chính: Số 799 Nguyễn Văn Linh - Phường Tân Phú - Quận 7 – TP Hồ Chí Minh Điện thoại: 028.54135999/ Fax: 028.54135666 Là một trong những dự án quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong chiến lược quy hoạch tổng thể, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn thuộc Công ty Liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đã hình thành từ năm 2006 và liên tục phát triển theo đúng sứ mệnh xúc tiến thương mại, dịch vụ; không chỉ thúc đẩy các hoạt động liên quan như du lịch, ẩm thực, khách sạn... mà còn góp phần vào sự phát triển của thành phố mang tên Bác - thành phố năng động và sáng tạo. Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn Hiện nay, SECC có nhà triển lãm A (74m x 120m) với một tầng hầm kỹ thuật; 6.000 m2 triển lãm ngoài trời; phòng hội nghị 500 chỗ ngồi và 4 phòng họp nhỏ (35 - 120 chỗ ngồi); khu nhà hàng - cafeteria 1.000 m2 và khu văn phòng nội bộ đã được hoàn tất đúng kế hoạch vào tháng 10/2018. - Giai đoạn 2: Xây dựng nhà triển lãm B (khoảng 12.000 m2); dự kiến đưa vào khai thác năm 2021. - Giai đoạn 3: Nhà triển lãm C và D (khoảng 10.000 m2/nhà triển lãm); 2 khách sạn 4 sao và 5 sao (khoảng 1.000 phòng); cao ốc văn phòng cho thuê 38 tầng. Do được quy hoạch phát triển mang tính chiến lược, được đầu tư bởi những tổ chức uy tín - liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, dự án SECC được thiết kế đúng quy chuẩn quốc tế để tổ chức hội nghị, sự kiện và triển lãm. Đặc biệt với những lợi thế đặc thù của mình: Tọa lạc ngay tại trung tâm của Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam  - Phú Mỹ Hưng, nơi có khu dân cư tập trung với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, SECC đã là lựa chọn hàng đầu của mọi nhà tổ chức triển lãm quốc tế khi muốn tổ chức sự kiện tại Việt Nam, là nơi quảng bá xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch. Khách hàng từ khắp các châu lục và toàn bộ nhà tổ chức triển lãm khu vực Đông Nam Á đều đã đến với SECC. Triển lãm quốc tế ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp phụ trợ lần thứ 15 Các sự kiện triển lãm tại SECC tăng dần qua các năm. Năm 2018 có khoảng trên 50 triển lãm diễn ra tại đây. Với quy mô hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, việc xây dựng Nhà triển lãm B là vấn đề được quan tâm và ưu tiên xúc tiến không những của SECC mà còn là mong muốn của các đơn vị tổ chức triển lãm, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước và thành phố nói riêng.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý

Ngày 22/7/2019, tại Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm nhân sự Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và ký hợp đồng ủy quyền quản lý phần vốn của EVN tại EVNNPC. Tham dự buổi lễ có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc (TGĐ), đại diện Đảng ủy, Công đoàn và các ban chuyên môn EVN; HĐTV EVNNPC, Ban TGĐ, Kiểm soát viên chuyên trách, Ban thường vụ Đảng ủy, đại diện Công đoàn, Đoàn thanh niên Tổng công ty, Trưởng, phó các ban chuyên môn, người đứng đầu các đơn vị trực thuộc EVNNPC, Thường trực Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội, lãnh đạo một số đơn vị bạn và các cơ quan thông tấn báo chí. Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại buổi lễ Như vậy, EVNNPC chính thức thay đổi từ cơ cấu tổ chức quản lý Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, kiểm soát viên chuyên trách sang mô hình có Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chuyên trách. Với mô hình quản lý mới, chức năng quản lý của Chủ tịch HĐTV và chức năng điều hành của TGĐ được tách bạch, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, đảm bảo kịp thời, đúng chức năng, đồng thời phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể. Trước đó, ngày 15/7/2019, Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các quyết định bổ nhiệm (có hiệu lực từ ngày 16/7/2019). Cụ thể: 1. Ông Thiều Kim Quỳnh chuyển tiếp đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPC (Quyết định số 259/QĐ-EVN); 2. Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC, giữ chức vụ Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc EVNNPC (Quyết định số 258/QĐ-EVN); 3. Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên EVNNPC (Quyết định số 257/QĐ-EVN); 4. Ông Vũ Thế Nam - Trưởng Ban Tổng hợp EVNNPC, giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên EVNNPC (Quyết định số 260/QĐ-EVN); 5. Ông Bùi Lê Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện thuộc EVNNPC giữ chức vụ Thành viên Hội đồng Thành viên EVNNPC (Quyết định 256/QĐ-EVN). Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN trao các quyết định bổ nhiệm cho lãnh đạo EVNNPC Cùng với đó, nhân sự được chuyển tiếp từ đội ngũ cán bộ hiện tại của EVNNPC, nhưng không thay đổi chức danh, chức vụ: Ông Lê Minh Tuấn và ông Lê Quang Thái chuyển tiếp đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc  EVNNPC; bà Lưu Thị Thanh Thủy chuyển tiếp đảm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng EVNNPC theo cơ cấu tổ chức quản lý mới; ông Nguyễn Tuấn Dương chuyển tiếp đảm nhiệm chức vụ Kiểm soát viên chuyên trách của EVNNPC; ông Nguyễn Hồng Quang, chuyên viên Ban Kiểm toán nội bộ và Giám sát tài chính EVN tiếp tục nhiệm vụ Kiểm soát viên không chuyên trách của EVN tại EVNNPC; ông Tạ Tuấn Anh, chuyên viên Ban Kỹ thuật - sản xuất EVN tiếp tục nhiệm vụ Kiểm soát viên không chuyên trách của EVN tại  EVNNPC. Nhân sự bổ nhiệm mới tham gia Ban Điều hành EVNNPC bao gồm các chức danh: Ông Nguyễn Đức Thiện - Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên thuộc EVNNPC, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc EVNNPC;  ông Vũ Anh Phương - Trưởng Ban Quản lý đấu thầu EVNNPC, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc EVNNPC; ông Lê Văn Trang - Trưởng Ban Kế hoạch EVNNPC, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc  EVNNPC. Tại sự kiện công bố các quyết định này, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN đề nghị Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và các thành viên Hội đồng Thành viên EVNNPC tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm công tác, đề cao trách nhiệm, tập trung phát triển và bảo toàn phần vốn của Tập đoàn tại Tổng công ty. Đặc biệt, EVNNPC đang chịu trách nhiệm đảm bảo điện và kinh doanh bán điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phía Bắc và Bắc miền Trung; trong đó có 12 tỉnh là nông thôn, miền núi. Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cũng như đưa điện về nông thôn trong thời gian tới của EVNNPC là rất nặng nề. Do vậy, với mô hình mới, Tập đoàn kỳ vọng EVNNPC sẽ quản lý tốt hơn, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch Tập đoàn giao, đưa Tổng công ty trở thành đơn vị đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới. Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC phát biểu tại buổi lễ Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC cảm ơn sự tín nhiệm, tin tưởng của lãnh đạo EVN, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng tập thể Đảng ủy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên EVNNPC phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa EVNNPC phát triển bền vững, góp phần xứng đáng vào sự phát triển và thành công chung của EVN. Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN (bên trái) kí kết Hợp đồng ủy quyền quản lý phần vốn của EVN tại EVNNPC Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo EVN cũng đã ký hợp đồng ủy quyền quản lý phần vốn nhà nước tại EVN cho HĐTV EVNNPC.  

Khoa Sau Đại học – Trường Đại học Thương mại: Hơn 20 năm đồng hành cùng sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng quy mô đào tạo sau đại học (SĐH) ngày càng tăng của nhà trường, Khoa Sau đại học - Trường Đại học Thương mại đã được thành lập vào năm 1998. Với nhiệm vụ chính là tổ chức, quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bồi dưỡng SĐH, suốt hơn 20 năm qua, Khoa đã không ngừng nỗ lực gặt hái nhiều thành công, góp phần đưa thương hiệu Đại học Thương mại trở thành địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao uy tín trong hệ thống giáo dục nước nhà. Từ mái trường này đã có gần 150 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ, trên 5.000 học viên cao học được cấp bằng thạc sĩ, trong đó có nhiều người đã và đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp. Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Sau đại học – Trường Đại học Thương mại Trường Đại học Thương mại hiện được phép đào tạo 7 chuyên ngành thạc sĩ và 5 chuyên ngành tiến sĩ. Từ năm 2010 đến nay, quy mô đào tạo có sự tăng trưởng vượt bậc, bình quân mỗi năm tuyển sinh khoảng 650 học viên và 60 nghiên cứu sinh. Hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu tìm kiếm thông tin đào tạo SĐH của trường, Khoa luôn cập nhật các văn bản quản lý, kế hoạch tuyển sinh, học, thi và bảo vệ luận văn, luận án… trên website của trường và Khoa. Để nâng cao chất lượng quản lý đào tạo SĐH, năm 2014 Khoa đã tư vấn cho nhà trường nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo SĐH, đầu tư phần mềm turnitin để kiểm tra mức độ sao chép các sản phẩm nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án, tổ chức khảo sát lấy ý kiến người học để có những điều chỉnh khoa học, kịp thời. Nhằm từng bước hội nhập quốc tế trong đào tạo sau đại học, từ năm 2016, Khoa đã tư vấn cho trường mời các giáo sư, tiến sĩ thuộc các trường đại học nước ngoài tham gia đồng hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Quá trình làm và đánh giá luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ được tổ chức theo quy trình thống nhất, tuân thủ pháp luật. Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ và bế giảng cao học Đằng sau thành công của công tác quản lý, đào tạo SĐH tại Trường Đại học Thương mại là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự giúp đỡ nhiệt thành của các đơn vị trong trường và không thể quên những nỗ lực không ngừng của viên chức Khoa Sau đại học. Khởi đầu với 3 viên chức, đến nay, Khoa đã sở hữu đội ngũ 10 viên chức với 2 phó giáo sư - tiến sĩ, 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 1 cử nhân. Viên chức của Khoa luôn tích cực trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác. Các viên chức thuộc ngạch giảng viên của Khoa luôn nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự của Khoa cũng gương mẫu đi đầu, chủ trì nhiều nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình các học phần mới; viết bài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế. Với những thành tích đã đạt được trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Khoa Sau đại học - Trường Đại học Thương mại đã vinh dự đón nhận: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh hiệu Đơn vị điển hình tiên tiến ngành giáo dục, tập thể lao động xuất sắc… Đây là sự ghi nhận xứng đáng, là động lực để cán bộ, viên chức của Khoa phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hiện tại và tương lai.  

Nhà hát Chèo Bắc Giang – Chiếu chèo xứ Bắc

Nhà hát Chèo Bắc Giang được thành lập từ năm 1959, là một đơn vị nghệ thuật mang đậm phong cách của “Chiếng Chèo Xứ Bắc” - một trong tứ “Chiếng” Chèo cổ của Việt Nam (Tứ Chiếng gồm: Đông, Nam, Bắc, Đoài). Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba; có 1 Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và 8 Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Nhà hát đã xây dựng hàng trăm tiết mục để phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Tại các kỳ Hội diễn, Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc và khu vực, những tác phẩm của Nhà hát luôn được Ban Giám khảo đánh giá cao. Hàng chục lượt nghệ sĩ của Nhà hát đã được tặng thưởng Huy chương Vàng, Bạc; nhiều chương trình đạt Huy chương Vàng (năm 2002), Huy chương Bạc (năm 2009)… Chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát Chèo Bắc Giang là sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của loại hình nghệ thuật sân khấu chèo; các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Quốc gia như: Dân ca quan họ, ca trù, hát văn, diễn xướng hầu đồng, hát then... Mỗi loại hình dân ca đều được tổ chức thành một câu lạc bộ. Hằng năm, Nhà hát mời các nghệ nhân nổi tiếng hoặc các NSND về tập huấn cho các câu lạc bộ, đồng thời tập những bài bản cổ, bài mới cho các nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ của các câu lạc bộ đã tham gia các cuộc thi và giành được nhiều giải cao như: Thanh Hường (quan họ), Quỳnh Mai (ca trù), Thu Quyến, Mai Hiền (hầu đồng)... Ngoài việc tập huấn thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, Nhà hát đã hỗ trợ các câu lạc bộ Chèo, câu lạc bộ Ca Trù, câu lạc bộ Quan họ của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động có hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước tình trạng khó khăn chung của sân khấu Việt Nam, đặc biệt là sân khấu truyền thống, Nhà hát Chèo Bắc Giang vẫn không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nhiều vở diễn, chương trình ca múa nhạc dân gian mang hơi thở của thời đại, giàu tính nhân văn và có chất lượng nghệ thuật cao đã được dàn dựng để phục vụ khán giả. Đội ngũ diễn viên đều được nâng cao trình độ chuyên môn với 100% diễn viên và nhạc công có bằng Đại học trở lên. Nhiều diễn viên tài năng được bạn nghề mến phục, tiêu biểu là: Quỳnh Mai, Thanh Hường, Mai Lan, Hồng Liên, Bá Chung… Trong thời gian tới, nhiều dự án sẽ được triển khai như: Đưa sân khấu truyền thống vào học đường; gắn kết di sản văn hóa phi vật thể với du lịch… Những dự án này không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của Nhà hát mà còn tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị. Tự hào với chặng đường 60 năm vẻ vang, đứng trước những khó khăn, thách thức mới, tập thể lãnh đạo cùng nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang sẽ đoàn kết xây dựng đơn vị “Giỏi về chuyên môn, mạnh về tổ chức, đẹp về lối sống”, xứng đáng là đơn vị xuất sắc của ngành văn hóa Bắc Giang, được lãnh đạo tỉnh tin tưởng, khán giả trong và ngoài tỉnh yêu mến.

Hội Cựu Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh: Mái nhà chung chan chứa tình đồng đội

Đáp ứng sự mong đợi của đông đảo cựu thanh niên xung phong (TNXP) trên địa bàn, Hội cựu TNXP TP Hồ Chí Minh đã được thành lập dưới sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các ban, ngành, đoàn thể. Bằng bản lĩnh đã được tôi luyện qua năm tháng chiến đấu, cán bộ, hội viên đã vượt qua mọi thử thách, tiếp tục cống hiến trí tuệ, công sức để xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng giàu mạnh, văn minh. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã từng bước tạo dựng được niềm tin nơi cựu TNXP và toàn xã hội. Nhờ đó, Hội đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng với 24 hội thành viên cấp quận, huyện và 1 Chi hội cơ sở trực thuộc, bao gồm gần 6.500 hội viên. Các cấp Hội luôn duy trì nền nếp sinh hoạt, kịp thời đề ra những giải pháp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo hội viên. Công tác tuyên truyền tới hội viên về các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại được thực hiện tốt. Trong năm qua, Hội đã hoàn thành trang thông tin điện tử của Thành hội, một trong những kênh thông tin chính thống, cập nhật. Nhằm lan tỏa truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, hội viên của Hội đã nhiệt tình hưởng ứng các phong trào của địa phương và cả nước. Các cựu TNXP luôn là tấm gương sáng trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm nhận nhiều trọng trách trong tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở, khu dân cư. Trong năm 2018, Hội Cựu TNXP thành phố có 385 hội viên tham gia cấp ủy, Mặt trận và các đoàn thể, Ban điều hành khu phố, tổ dân phố. Hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cựu TNXP, Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn cựu TNXP trong kê khai thủ tục hưởng chính sách, chế độ theo quy định. Hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” cũng là một trong những thế mạnh của Hội. Trong năm 2018, Hội đã xây dựng và bàn giao 17 nhà tình nghĩa, nhà tình thương và sửa chữa 12 nhà cho cựu TNXP thành phố có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 6 nhà tình nghĩa, nhà tình thương trị giá 360 triệu đồng và sửa chữa 1 nhà trị giá 30 triệu đồng cho những người đồng đội năm xưa là hội viên cựu TNXP đang sinh sống ở tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, hội viên nghèo, neo đơn; trao học bổng cho con em hội viên nghèo, hiếu học; tặng thẻ BHYT, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho hội viên nghèo…  Để nâng cao đời sống vật chất của hội viên, nhiều phong trào đã được phát động và tạo sức lan tỏa rộng rãi. Các mô hình làm kinh tế giúp nhau xóa đói, giảm nghèo đã đem lại hiệu quả bước đầu như: Nuôi thỏ giống, nuôi tôm sú, nuôi cua thịt vỗ béo… Trong phong trào “Nuôi heo đất Vì nghĩa tình đồng đội”, năm 2018, tổng số heo đất của Ban Chấp hành Thành hội và các quận, huyện hội đạt 861 con với số tiền thu được là trên 1 tỷ đồng. Chương trình “Đại lý kinh doanh gạo Vì nghĩa tình TNXP” được triển khai từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2018 đã có 7 đại lý hoạt động tốt. Phát huy những thành tích đã đạt được, Hội cựu TNXP TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hình ảnh người cựu TNXP luôn ngời sáng trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện tại và tương lai.

Tiếp tục nắng nóng, EVNNPC kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Cập nhật thông tin dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin: Từ ngày 13/7/2019, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ, có nơi trên 39 độ. Theo cảnh báo của Trung tâm, từ ngày 14/7, nắng nóng có xu hướng gia tăng ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Trung Bộ. Đợt nắng nóng này ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 16/7, trong khi nắng nóng ở Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Tác động của nắng nóng có thể sẽ gây nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Trước tình hình rủi ro thiên tai do nắng nóng, để đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn liên tục cho hơn 10 triệu khách hàng khu vực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) luôn chủ động các giải pháp trong quản lý kỹ thuật vận hành và các phương án để đảm bảo cung ứng điện cho nhân dân trên địa bàn quản lý. Theo đó, các đơn vị thuộc EVNNPC thực hiện tối đa các biện pháp thay đổi kết dây để giảm tải cho lưới điện trung, hạ thế và giảm tải cho các MBA 110kV, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra nắng nóng gay gắt và hệ thống điện mang tải cao như Thái Bình, Nam Định, Yên Bái, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…; tăng cường ứng trực tại các điểm xung yếu để khẩn trương khắc phục các sự cố bất thường, nhảy cầu dao (áp tô mát)…, nhanh chóng khôi phục cấp điện cho khách hàng. Ngoài các biện pháp trong quản lý vận hành, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện. Trong tình hình thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, Công ty Điện lực cần liên hệ nhanh với các khách hàng sản xuất lớn để đề nghị phối hợp sản xuất phù hợp nhằm ưu tiên, đảm bảo cấp điện phục vụ dân sinh, bệnh viện, trường học, cơ quan địa phương; kịp thời trả lời khách hàng khi mất điện và cung cấp thông tin cơ quan báo chí khi có yêu cầu. Tổng công ty Điện lực miền Bắc yêu cầu các Công ty Điện lực/Điện lực tăng cường ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời ≥35°C để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng, cần ưu tiên đảm bảo điện cho các hộ gia đình; không thực hiện các công tác cắt điện có kế hoạch gây mất điện cho khách hàng khi nhiệt độ ngoài trời ≥36°C. EVNNPC cũng thông tin, tính từ đầu đến ngày 12/7/2019, công suất lớn nhất của hệ thống điện miền Bắc là 11.985,9 MW (vào lúc 14h00 ngày 22/06)  tăng 10,99% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng điện nhận lớn nhất là 253,73 tr.kWh (ngày 22/6), tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2018. Tình hình tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục ở mức rất cao, thậm chí vẫn có khả năng lại tạo lập kỷ lục mới, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng gia đình, hộ khách hàng, điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Do vậy, mặc dù trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt làm nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ tăng rất cao, EVNNPC đặc biệt khuyến cáo và kêu gọi các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn và tiết kiệm; không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…). Đặc biệt, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường. Tổng đài chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc 19001769 luôn ứng trực 24/24 để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, giải đáp những ý kiến, phản hồi của khách hàng trong mọi tình huống, mọi thời điểm. Hệ thống tài sản lưới điện do EVNNPC quản lý vận hành: - Khối lượng quản lý: 02 TBA 220kV với tổng dung lượng 750 MVA; 233 TBA 110kV và 01 trạm cắt với tổng dung lượng 16.519 MVA và 8.338km đường dây 110kV. Ngoài ra có 86 TBA, nhà máy điện và 1200 km đường dây 110kV khách hàng đấu nối lưới 110kV; - Lưới điện trung và hạ áp: Hơn 65.000 km đường dây trung áp trong đó (lưới 35kV chiếm 76%, lưới 22kV chiếm 15%, lưới 10&6kV chiếm 9%), gần 50.000 TBA phân phối với tổng dung lượng 12 triệu MVA và 150.000 km đường dây hạ thế.      

Thái Bình: Doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện

Ngày 10/07/2019, tại Thái Bình, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo, Báo Công thương và Tổng công ty Điện lực miền Bắc phối hợp tổ chức Hội thảo “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, một số cơ quan trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, tổ chức, chuyên gia lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Công ty Điện lực Thái Bình, các cơ quan thông tấn báo chí và gần 150 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.   Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016 - 2030, hệ thống nguồn điện (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm 2020 phải đạt 60.000 MW, đến 2025 khoảng 96.500 MW và đến 2030 gần 130.000 MW. Tuy nhiên đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng 49.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam rất lớn. Bên cạnh đó, một số dự án điện chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra; giá năng lượng còn thấp, khó thu hút đầu tư tư nhân và những thách thức về tác động môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng… Theo ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, tại 27 tỉnh miền Bắc, trong đó có Thái Bình, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp tăng rất cao so với bình quân cả nước, đạt trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng trên 15%/năm.   Các diễn giả, đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu bật các khó khăn, thách thức về hệ thống điện tại Việt Nam, lợi ích của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để thiếu điện, trong những năm qua, EVN, EVNNPC, một mặt vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; vừa đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện. Tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong muốn, nhất là trong khối doanh nghiệp sản xuất. Để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, thời gian qua, EVNNPC đã tích cực triển khai trương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC cũng lựa chọn được trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để mời tham gia chương trình DR. Tại Thái Bình, số doanh nghiệp có mức tiêu thụ 1 triệu kWh trở lên đạt khoảng 122 doanh nghiệp. Đến nay, PC Thái Bình đã làm việc với gần 100 doanh nghiệp, đã ký kết thoả thuận với trên 30 doanh nghiệp tự nguyện tham gia. Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao vai trò, trách nhiệm cũng như sự phối hợp của Bộ Công thương trong việc tổ chức Hội thảo và nhấn mạnh: “Hội thảo là cơ hội để ngành điện phổ biến thông tin, tuyên truyền về chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng nhau trao đổi, nêu ý kiến, tìm ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải hướng tới mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường”.   Hội thảo thu hút gần 300 khách mời từ các cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. Ông Nguyễn Hoàng Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia với ngành điện một cách có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. UBND tỉnh Thái Bình cam kết sẽ đồng hành cùng với ngành điện và doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình này. Theo đại diện Bộ Công thương, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo lần này, nhất là các ý kiến từ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ góp phần quan trọng, làm cơ sở để Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện cho EVN và các Tổng công ty Điện lực thực hiện thành công chương trình. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Công thương kêu gọi sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tại Hội thảo, EVNNPC đã giới thiệu chi tiết nội dung và lợi ích của chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải; việc hỗ trợ của EVNNPC đối với doanh nghiệp tham gia chương trình DR tự nguyện; đề xuất các cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình DR… Trong khuôn khổ Hội thảo, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các cơ quan trung ương, UBND, các sở ngành của tỉnh Thái Bình, PC Thái Bình đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 với 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nâng con số doanh nghiệp tham gia trên địa bản tỉnh là gần 50 doanh nghiệp.  

Trang