Chuyên đề

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị: Triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai

Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và điều hành mọi hoạt động về dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai, giúp Giám đốc Sở trong việc thực hiện thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật. Với một khối lượng công việc lớn và phức tạp trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực còn thiếu và yếu nên áp lực công việc đối với mỗi cán bộ, viên chức Văn phòng rất lớn, nhất là người đứng đầu đơn vị. Với vai trò là Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, kỹ sư Võ Văn Nam đã đem hết khả năng, nhiệt huyết của bản thân để góp phần cùng tập thể Chi bộ và cán bộ, viên chức (CBVC) trong đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, kế hoạch mà lãnh đạo Sở giao. Trong 5 năm qua, năm nào đơn vị cũng được công nhận là Chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể đều đạt trong sạch vững mạnh. Năm 2019, đơn vị được UBND tỉnh tặng Bằng khen, tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đồng chí Võ Văn Nam - Bí thư Đảng bộ bộ phận - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai trao thưởng cho những tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2019 Trên cương vị người đứng đầu đơn vị, đồng chí Võ Văn Nam đã chỉ đạo thực hiện kịp thời, chính xác công tác thống kê đất đai hằng năm và kiểm kê đất đai định kỳ làm căn cứ cho các cấp, các ngành hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, chính trị tại địa phương và công tác quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả. Bình quân mỗi năm đơn vị đã trình các cấp ký và ký thừa ủy quyền hơn 40.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện đo, trích lục bình quân hằng năm hơn 10.000 thửa đất phục vụ việc thu hồi, giao đất, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng (QSD) đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Đặc biệt là đã tham gia thực hiện một số dự án đo đạc, đo đạc chỉnh lý, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận QSD đất cho các chủ sử dụng đất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và thành phố Đông Hà với bình quân trên 2.000 ha mỗi năm. Ngoài ra, mỗi năm Văn phòng đăng ký chỉnh lý biến động kịp thời bình quân hơn 40.000 trường hợp biến động về đất đai; chuyển thông tin kịp thời cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bình quân hơn 14.000 lượt mỗi năm; cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, công dân bình quân mỗi năm trên 1.100 lượt; đưa vào lưu trữ bình quân mỗi năm hơn 28.000 hồ sơ đất đai. Đồng chí Võ Văn Nam - Bí thư Đảng bộ bộ phận - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai trao thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2019 Trong hoàn cảnh sở sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc, nhất là khi hợp nhất các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thì quy mô tổ chức, phạm vi hoạt động rộng, khối lượng công việc cũng tăng lên trong khi nguồn lực để đáp ứng công việc không được tăng thêm... đồng chí Võ Văn Nam đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc. Cụ thể là: Vận hành thông suốt cơ sở dữ liệu đất đai bằng công nghệ số giữa huyện Vĩnh Linh, huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị với cơ quan Văn phòng Đăng ký đất đai; áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán giúp giảm bớt chi phí hàng chục triệu đồng mỗi năm thay vì sử dụng hóa đơn giấy; áp dụng luân chuyển công văn giữa các đơn vị bằng email, hòm thư công vụ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thay vì in văn bản giấy; triển khai cập nhật thông tin cán bộ công chức, viên chức, người lao động vào trang thông tin của tỉnh giúp cho việc cập nhật, lưu trữ thông tin cán bộ được thực hiện kịp thời... Bản thân đồng chí luôn tạo động lực, môi trường làm việc để người lao động nỗ lực thực hiện các hoạt động dịch vụ công về đo đạc bản đồ, cấp đổi cấp lại giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân tạo được doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đóng góp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước, từ đó cùng tỉnh nhà giải quyết một phần khó khăn về nguồn thu ngân sách để chi cho hoạt động của Văn phòng... Đồng chí Nguyễn Trường Khoa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Võ Văn Nam (bên trái) dự khai mạc kỳ xét tuyển viên chức tại Văn phòng Đăng ký đất đai Công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ và mang lại sự hài lòng cho các tổ chức cá nhân. Thời gian qua, đồng chí Võ Văn Nam và đơn vị đã tham mưu ban hành Danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị; quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở TN&MT; quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông lĩnh vực TN&MT áp dụng tại UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tỷ lệ hồ sơ chậm trễ đã giảm xuống đáng kể (từ 7,44% trước khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai giảm xuống còn trên 1% giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ còn 0,59% vào năm 2019). Với những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, quản lý công tác quản lý đất đai trong thời gian qua, đồng chí Võ Văn Nam đã được tặng danh hiệu Lao động tiên tiến (năm 2015), Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2016, 2017, 2018, 2019), Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (năm 2018) và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014; Giấy khen Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền 2010 - 2012. Hiện đồng chí được Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp trình Chủ tịch nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tin tưởng rằng, với sự tận tâm và trách nhiệm cao, luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, đồng chí Võ Văn Nam sẽ tiếp tục “chèo lái”, xây dựng tập thể Văn phòng Đăng ký đất đai trở thành một cơ quan vững mạnh, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà./.

Đảng bộ phường Trung Hòa (Quận Cầu Giấy – TP Hà Nội): Nhìn lại một nhiệm kỳ thành công, quyết tâm tạo dấu ấn đẹp trong nhiệm kỳ mới

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015- 2020), phường Trung Hòa đã có những bước tiến rõ nét, trở thành một điểm sáng phát triển của quận và Thủ đô. Trung Hòa là phường có tốc độ phát triển nhanh của quận Cầu Giấy; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ và đang được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại; nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng được đầu tư tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Bí thư Quận ủy tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ phường Trung Hòa khóa XXVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Theo báo cáo của Đảng ủy phường Trung Hòa, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo quận Cầu Giấy, sự nỗ lực quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Trung Hòa đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, cơ cấu kinh tế phường tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ chất lượng cao; hệ thống chợ và các dịch vụ dân sinh khác cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo phân cấp đạt 279,512 tỷ đồng, bình quân bằng 126,4% so với kế hoạch từng năm. Công tác quản lý về đất đai, nhà chung cư, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Phường tiếp tục tập trung nguồn vốn ngân sách của quận và phường để đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo cho phường một diện mạo đô thị mới tươi sáng. Hệ thống đường, thoát nước trong các khu dân cư được cải tạo, nâng cấp thường xuyên; nhà sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi... được lắp đặt trang thiết bị thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân; thực hiện xã hội hóa trong việc quản lý các công trình công cộng để giảm bớt gánh nặng chi ngân sách. Trong 5 năm, số lượng nhà chung cư trên địa bàn tăng đột biến, UBND phường đã đôn đốc 100% các nhà chung cư thương mại thành lập Ban quản trị; chủ trì tổ chức thành lập 12 Ban quản trị tại Khu tái định cư Nam Trung Yên... Đại hội Đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ phường Trung Hòa nhiệm kỳ 2020 - 2025 Công tác thông tin tuyên truyền đảm bảo phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, nhất là các ngày lễ, kỷ niệm lớn của quận, Thủ đô và đất nước. Chất lượng giáo dục được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Đến hết năm 2019, trên địa bàn phường có 96,79% gia đình văn hóa/số hộ dân; 98% tổ dân phố văn hóa/tổng số TDP; 42,21% người tham gia luyện tập thể thao. Phường đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, phường Trung Hòa thường xuyên quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục ổn định và giữ vững. Địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ điều tra, khám phá án thường đạt 75,36%, trọng án đạt 100%, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được duy trì. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đại hội Đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ phường Trung Hòa nhiệm kỳ 2020 - 2025 Với những thành tích nổi bật, hai năm liền 2016 - 2017, nhân dân và cán bộ phường Trung Hòa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; 2 năm liền 2018 - 2019 được UBND thành phố tặng Cờ thi đua; được Quận ủy Cầu Giấy khen thưởng Đảng bộ đạt “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu năm 2017, 2019. Khép lại một nhiệm kỳ thành công, bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025 với một khí thế mới, Đảng bộ phường Trung Hòa quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, lợi thế của phường, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường; văn hóa – xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, an sinh xã hội được đảm bảo; giữ vững và ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng phường phát triển toàn diện.

Tỉnh Yên Bái: Nhiều bước tiến mới trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Nhắc đến Yên Bái người ta thường nghĩ ngay đến những ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Mù Cang Chải, cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai của vùng miền núi Tây Bắc hay Suối Giàng với những đồi chè xanh mát, hồ Thác Bà mênh mông trong xanh, thác Pú Nhu hùng vĩ... và rất nhiều những món ăn đặc sắc đậm chất Tây Bắc. Việc phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ lâu đã được tỉnh xác định là cánh cửa quảng bá hình ảnh Yên Bái đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư đến đây để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Dương Văn Tiến - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với Ban Giám đốc Sở VHTTDL tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân Trong giai đoạn 2014 - 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động tham mư­­u với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh nhiều biện pháp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và gia đình phục vụ các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước và địa ph­­ương. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2014 - 2018 phong trào thi đua yêu nước của ngành VHTTDL tỉnh Yên Bái luôn phát triển không ngừng, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Qua tổng kết phong trào thi đua của ngành đã phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành học tập. Liên tục từ năm 2014 - 2018 Sở đạt danh hiệu Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất năm 2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2018; cùng nhiều Bằng khen của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh trao tặng. Đặc biệt, năm 2019, ngành VHTTDL tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2014 - 2018. Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân đã được các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương khen thưởng xứng đáng. Đồng chí Lê Thị Thanh Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2019 Sở đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động. Nổi bật như sau: Trong lĩnh vực văn hóa và gia đình: Sở đã phối hợp tổ chức Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Yên Bái; tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XV; tổ chức các hoạt động tuyên truyền và kế hoạch tổ chức triển lãm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ tổ chức thành công Hội thảo đánh giá các giá trị của danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Các hoạt động văn hóa quần chúng, thông tin tuyên truyền, điện ảnh, thư viện, bảo tàng đều có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hoàn thành vượt kế hoạch được giao, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Lĩnh vực thể dục, thể thao đạt nhiều thành tích mới trên cả hai lĩnh vực thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Đã tham gia 24 giải toàn quốc, đạt 45 huy chương các loại, bằng 113% kế hoạch (trong đó: 8 Huy chương Vàng; 12 Huy chương Bạc; 25 Huy chương Đồng), vượt chỉ tiêu Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy là 5 huy chương. Lĩnh vực du lịch tiếp tục được xác định là thế mạnh của tỉnh Yên Bái. Trong năm qua Sở đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện du lịch: “Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái”, thu hút trên 6.000 du khách tham gia; Festival dù lượn bay trên mùa nước đổ”; Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải (đã tham mưu và phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị có liên quan tổ chức thành công lễ hội với chuỗi hoạt động phong phú, đặc sắc. Đặc biệt, Lễ khai mạc với chủ đề “Tinh hoa từ huyền thoại” và màn đại xòe với sự tham gia biểu diễn của 5000 nghệ nhân là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút đông đảo du khách, để lại dấu ấn tốt đẹp, sức lan tỏa trong nước và quốc tế…). Tổ chức thành công Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà… Năm 2019, du lịch Yên Bái đón 727.000 lượt khách (tăng 29.8% so với cùng kỳ), doanh thu ước đạt 434 tỷ đồng (tăng 26.1% so với cùng kỳ). Đồng chí Lê Thị Thanh Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL cùng với Ban Giám đốc Sở tặng quà và hoa cho Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành đã tổ chức thành công các sự kiện, chương trình: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, quê hương đổi mới. Hoàn thành các nhiệm vụ được tỉnh giao phục vụ Lễ công bố huyện Trấn Yên đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và Lễ ra quân tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020. Phối hợp với UBND TP Yên Bái tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 90 năm Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Đã và đang tiến hành xây dựng kịch bản và chỉ đạo tổ chức tập luyện biểu diễn phục vụ Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh và 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. Tiến hành xây dựng kịch bản và tổ chức tập luyện phục vụ biểu diễn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Lễ hội chào mừng thành công Đại hội Đảng. Tham mưu Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” năm 2020. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đăng ký thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” năm 2020. Tham mưu Kế hoạch công tác Gia đình 2020 của tỉnh. Tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của ngành về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kịp thời ban hành tổng số 52 văn bản chỉ đạo, phối hợp với các ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh trên trong hoạt động lễ hội, di tích, du lịch, thể dục thể thao. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 24/3/2020 kế hoạch tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 13/4/2020 về tổ chức “Lễ phát động điểm toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020” và tổ chức lễ phát động điểm tại nhà khách Hào Gia thu hút gần 300 người tham dự; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27/3/2020 kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025. Trong tháng 5/2020, Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải, Câu lạc bộ Dù lượn Vietwing phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và Khai mạc Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải vào ngày 30/5/2020, qua đó tạo sức lan tỏa trong cả nước, thu hút đông đảo du khách trong  nước và ngoài nước đến tham quan. Trong khuôn khổ chương trình này các huyện, thị xã miền Tây tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương thu hút khách du lịch đến với Yên Bái. Festival Dù lượn bay trên mùa nước đổ diễn ra từ ngày 30/5/2020 đến hết 15/7/2020. Trong 2 ngày từ 30 - 31/5/2020 đã thu hút sự trình diễn của 90 phi công trong và ngoài nước và 100 khách bay đôi ưa mạo hiểm, thích khám phá, thu hút gần 10.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Sở đã xuất bản 2.000 tờ tập gấp về Du lịch cộng đồng Yên Bái, song ngữ Việt - Pháp nhằm quảng bá, tuyên truyền rộng rãi các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, các điểm du lịch cộng đồng; ẩm thực, sản vật truyền thống dân tộc Yên Bái đến du khách trong nước và quốc tế… Phát huy những thành tích đã đạt được, chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển toàn diện, “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho tập thể cán bộ, đảng viên trong toàn ngành. Nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của tỉnh Yên Bái./.

Lựa chọn học chương trình Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Tại sao không?

Hiện nay, ở Việt Nam đại học được chia ra thành 3 loại. Bao gồm đại học công lập, đại học tư thục và đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ở cả 3 hình thức, chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên của trường đều được đánh giá theo kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, hệ thống trường đại học khá phong phú, đem đến nhiều chọn lựa cho thí sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ năng lực để thi tuyển vào các trường đại học. Học sinh cần phải trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao để đạt được ước mơ. Cao đẳng là hệ đào tạo kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp về nhiều ngành nghề khác nhau, với thời gian đào tạo từ 2-3 năm tùy chương trình đào tạo, trong đó dành thời gian thực hành 50 – 60%. Người tốt nghiệp ra có chuyên môn tốt và bắt nhịp với công việc nhanh. Vì thế, họ nhanh chóng hòa nhập và đôi khi mức lương khởi điểm cao hơn người học hệ đại học. Nếu như đang phân vân giữa học đại học và cao đẳng thì đăng ký học tập chương trình cao đẳng chính quy tại Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trực thuộc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) sẽ là quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt của các bạn. Vì sao? Vì Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Đây cũng là một trong những thế mạnh của trường so với các trường đại học ngoài công lập khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung. Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức đào tạo và giảng dạy và sử dụng cơ sở vật chất tại đây. Với hệ thống giáo trình chất lượng, đội ngũ giảng viên (hơn 1.000 người) giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, có học hàm học vị kinh nghiệm giảng dạy và tay nghề cao, luôn mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức chuyên ngành bổ ích, có tính ứng dụng thực tế cao cùng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã và đang cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu công việc tại doanh nghiệp. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện giờ đã trở thành những Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty lớn trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Không chỉ có vậy, hầu hết sinh viên của nhà trường sau khi ra trường đều tìm được việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn, có mức lương cao, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, phẩm chất, tư duy sáng tạo, tinh thần chủ động học hỏi và khả năng thích ứng tốt. Môi trường năng động, hiện đại của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không chỉ giúp sinh viên học tập tốt mà còn rèn luyện kỹ năng sống tích cực thông qua các chương trình ngoại khóa, hoạt động thiện nguyện, khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, học bổng về thi đua học tập, rèn luyện xuất sắc, nghiên cứu khoa học… được tổ chức đều đặn hàng năm. Nhờ đó, sinh viên của trường luôn giành được những giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi cấp quốc tế và quốc gia về CNTT, Ngoại ngữ... Chương trình đào tạo của hệ cao đẳng chính quy tại đây là Định hướng nghề nghiệp, THPT – Trung cấp – Cao đẳng; sử dụng phương pháp học tích hợp theo dự án; Kết hợp giảng dạy lý thuyết với thực hành; các đợt thực tế tại các doanh nghiệp được hưởng lương; tăng cường sự tham gia của các chuyên gia trong quá trình đào tạo. Hiện tại hệ cao đẳng của trường có các ngành đào tạo: Kế toán doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp; Công nghệ thông tin; Quản trị cơ sở dữ liệu; Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; Chương trình cao đẳng công nghệ chuẩn Nhật. Chỉ với thời gian đào tạo là 2,5 năm, sau khi hoàn thành chương trình học, các bạn đã có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Như vậy là bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm một năm học đại học và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn sớm hơn những bạn đang theo đuổi hệ giáo dục đại học 4 năm trở lên. Bên cạnh đó, với một số công việc không nhất thiết đòi hỏi phải có bằng Đại học mà cần có kỹ năng như: kỹ thuật, cơ khí, chế tạo máy, công nghệ thông tin, dược, y tá, trợ lý bác sĩ… sinh viên chỉ cần có những kiến thức cơ bản và ứng dụng để bước vào xã hội. Hiện nay các nhà tuyển dụng không chỉ quan trọng bằng cấp mà còn chú trọng tới kinh nghiệm làm việc cũng như sự chuyên nghiệp trong công việc. Điều này cho thấy trong những ngành nghề nói trên, tốt nghiệp cao đẳng đôi khi đem lại cho các bạn một khả năng cạnh tranh vượt trội hơn những bạn cùng trang lứa. Nếu muốn tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các bạn có thể đăng ký học Liên thông lên chương trình Đại học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. * Hồ sơ xét tuyển: - Phiếu đăng ký xét tuyển - Bản sao học bạ THPT có công chứng Thời gian nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Thông tin liên hệ: A.303V, tầng 3 nhà A, số 29A, ngõ 124 Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội ĐT: 0913.216.488 – Thầy Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; 0983.270.504 – Cô Hiền, Trợ lý Hoặc liên hệ Trung tâm Truyền thông của trường qua số ĐT: 0966.323.431 – Thầy Thuyết; 0974.410.733 – Cô Hạnh; 0916.186.688 – Thầy Vinh; 0979.9416.98 – Cô Hương; 0963.748.419 – Thầy Việt Anh.

Trường THPT Ten Lơ Man - TP Hồ Chí Minh: Tự hào ngôi trường 70 tuổi trong lòng thành phố mang tên Bác

Trường THPT Ten Lơ Man trước đây là Trường Tôn Thọ Tường, trải qua nhiều lần thay đổi, đến ngày 8/3/1979, Trường chính thức mang tên vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Đức - Ernst Thälmann. Nơi đây từng là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước đầu tiên của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ở thời điểm năm 1950. Với điểm tựa truyền thống lịch sử hào hùng, Trường THPT Ten Lơ Man hôm nay luôn là cái tên nổi bật của ngành giáo dục thành phố mang tên Bác và đang vững vàng những bước tiến đón đầu xu thế giáo dục hiện đại, bồi dưỡng nên những công dân toàn cầu. Ấn tượng đầu tiên về Trường THPT Ten Lơ Man là ngôi trường sở hữu vị trí đặc biệt nằm ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi cả một đô thị phồn hoa, chỉ cần vài chục bước chân đã thấy chợ Bến Thành - biểu tượng quen thuộc của thành phố. Vinh dự được giảng dạy, học tập trên ngôi trường này, các thế hệ nhà giáo và học trò luôn nỗ lực vươn lên để lập những thành tích đáng tự hào nhất. Trường THPT Ten Lơ Man hiện nay có 91 cán bộ giáo viên, trong đó có nhiều người có trình độ thạc sĩ, là giáo viên giỏi cấp thành phố, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố và là tác giả của những sáng kiến kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao, được áp dụng hiệu quả trong quản lý và giảng dạy. Bên cạnh đội ngũ thầy hay, giàu tinh thần nhiệt huyết với nghề, là thế hệ học sinh thời đại mới năng động, sáng tạo và hết mình đã tạo nên một nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp ngôi trường phát triển, tạo dựng uy tín, vị thế và mang một bản sắc rất riêng. Thầy giáo Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Năm học 2018 - 2019 vừa qua, Trường có 1.690 học sinh, thì có 1.414 học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; 22 học sinh giỏi cấp thành phố, với 1 giải Ba học sinh giỏi và 2 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic tháng 4 TP Hồ Chí Minh. Tham gia phong trào thể dục, thể thao cấp Quận: Đạt 188 huy chương trong đó có 79 Huy chương Vàng, 41 Huy chương Bạc, 68 Huy chương Đồng. Tham gia phong trào thể dục, thể thao cấp thành phố: Đạt 56 huy chương trong đó có 15 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 20 Huy chương Đồng”. Lý giải về thành công của nhà trường, thầy Nguyễn Văn Thành cho rằng là do Trường luôn tích cực trong đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, đi tiên phong với những hoạt động, mô hình giáo dục mới mang lại hiệu quả cao, khơi dậy được đam mê của  thầy và trò. Những năm gần đây, Trường đã tổ chức thành công chuyên đề giáo dục STEM như: Em yêu khoa học, Đua xe thế năng, Vì một màu xanh, With Chemistry, We Can, Golden Bell Challenge, Từ trường quanh em... và ngày hội các câu lạc bộ như: WEPD (truyền thông, nhiếp ảnh, quay phim), võ thuật, khoa học, NG268 (nhảy, múa, hát, rap, đàn...). Ngoài những tiết học thông thường, Trường còn tổ chức những buổi ngoại khóa đặc biệt nhằm tạo thêm sân chơi thú vị và khơi gợi sự sáng tạo, bổ sung nhiều kiến thức hay cho học sinh. Có thể kể tới các chuyên đề giáo dục truyền thống như Hồn thiêng quốc sử Việt Nam; Tự hào biển đảo Việt Nam, Tìm về nguồn cội, Về đất Phương Nam... hay chuyền đề giáo dục đạo đức lối sống như Cầu Bình An - Cùng em đến trường, Mùa trăng yêu thương... và chuyên đề giáo dục kỹ năng sống như: Cách ứng xử trong việc sử dụng mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò, teen học cách kiểm soát cảm xúc cùng chuyên gia để giải quyết mâu thuẫn, hoạch định mục tiêu cuộc đời, màu nhiệm sự sống, em yêu toán học, kỹ năng ứng xử học đường, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tự vệ phòng chống xâm hại cho học sinh, giáo dục kỹ năng sống vể pháp luật “phiên tòa giả định và phòng, chống bạo lực học đường”, học sinh học võ; Dance sport; Aeropic, xây dựng được văn hóa học đường: Chào; xếp hàng… Đây cũng là một “đặc sản” của Trường THPT Ten Lơ Man. Nỗ lực dạy và học, ghi những dấu ấn đẹp, góp phần rạng danh lãnh tụ của giai cấp vô sản Đức - Ernst Thälmann, cũng như giáo dục thành phố mang tên Bác, Trường THPT Ten Lơ Man nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hồ Chí Minh tặng nhiều Bằng khen. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập (1950 - 2020), nhà trường vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Cờ truyền thống. Ở tuổi 70 với một tâm thế mới, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, tô thắm cho trang sử vàng ngày càng thêm rực rỡ.  

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS - Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Vững bước trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS

Trải qua gần 15 năm hoạt động, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS - Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn làm tốt vai trò cơ quan thường trực về phòng, chống HIV/AIDS của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh; đầu mối tổ chức và phối hợp thực hiện các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS. Thông qua những tham mưu hiệu quả, những hoạt động chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ tích cực, giáo dục truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS kịp thời, chăm sóc, điều trị tận tâm, Trung tâm đã góp phần quan trọng mang đến những kết quả tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bác sĩ Bùi Minh Kha - Giám đốc Trung tâm trình bày Báo cáo Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019 Bác sĩ Bùi Minh Kha - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Nhìn chung, số ca nhiễm HIV phát hiện trên địa bàn tỉnh giảm dần qua các năm (từ 280 ca của năm 2010, đến năm 2018 còn 196 ca và trong 11 tháng của năm 2019 có 198 ca). Riêng trong năm 2019, do tỉnh đẩy mạnh thực hiện kế hoạch mục tiêu “90 - 90 - 90” của Bộ Y tế, tăng cường giám sát phát hiện nên số người nhiễm tăng hơn so với những năm trước. Tỷ lệ nhiễm của tỉnh là 283/100.000 dân và thấp hơn 3% tỷ lệ chung của cả nước. Nếu theo mục tiêu “90 - 90 - 90” thì Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đạt dưới ngưỡng ức chế là 95%. Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở điều trị tương đối cao, đạt 92% so với chỉ tiêu đề ra là 90%. Dù vậy, tỉnh vẫn không chủ quan, tự bằng lòng với kết quả đạt được mà luôn xác định vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại trong nhóm nguy cơ cao như nhóm MSM, bạn tình, bạn chích của người nhiễm”. Cũng theo ông Bùi Minh Kha, trong năm 2019, Trung tâm đã duy trì tốt công tác giám sát, hỗ trợ việc thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở; 100% các huyện, thành phố đã được giám sát, kiểm tra định kỳ theo tháng, quý. Trung tâm cũng đã triển khai thêm cơ sở xét nghiệm khẳng định ngay tại đơn vị, nâng lên 2 cơ sở trên toàn tỉnh. Hiện nay, hầu hết các cơ sở thực hiện xét nghiệm HIV đảm bảo các tiêu chí về nhân sự, cơ sở vật chất và tham gia ngoại kiểm theo yêu cầu tại Nghị định số 75/2016/NĐ -CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về việc Quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV. Căn cứ theo Thông tư số 15/2013-TT-BYT ngày 24/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn bảo đảm chất lượng kỹ thuật xét nghiệm HIV và Quyết định số 02/QĐ-BYT ngày 06/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện đánh giá, giám sát hỗ trợ kỹ thuật phòng xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở xét nghiệm đạt điều kiện từ 75-95% so với bảng kiểm đưa ra. Từ những thành tích ấn tượng trong năm 2019, bước sang năm 2020, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục đồng hành cùng toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư không quá 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.    

Huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) trên đà phát triển

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Thuận Thành lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cán bộ và nhân dân trong huyện chung sức, đồng lòng thi đua lập nhiều thành tích, phấn đấu đưa Thuận Thành trở thành đô thị loại IV vào năm 2020 và thị xã vào năm 2021. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp bộ mặt kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện có nhiều thay đổi tích cực. Năm 2019, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt 6.502,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%, bằng 100,6% so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 8,8%; công nghiệp và xây dựng 50,0% (trong đó công nghiệp 41,7%); dịch vụ 41,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 46,7 triệu đồng/người/năm, tăng 7,9% so với năm 2018. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản  đạt 1.142,2 tỷ  đồng, bằng 89,5 % so với năm 2018, đạt 88,8% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.313,5 tỷ đồng, tăng 12,0%. Giá trị dịch vụ đạt 3.095,1 tỷ đồng, tăng 10,7%, bằng 100,7% kế hoạch. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 13,6%, bằng 103,8% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất xây dựng đạt 1.639,9 tỷ đồng, tăng 6,9%. Thu ngân sách địa phương đạt 3.225,159 tỷ đồng, bằng 328,2% so dự toán. Cùng với sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới được xác định là  nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong. Năm 2019, toàn huyện đã tập trung nguồn lực hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 17/17 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, huyện đang đề nghị Chính phủ thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện, kiên cố hóa trường học, tỷ lệ đầu vào học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện có chất lượng đứng đầu tỉnh, học sinh thi đỗ các trường đại học cao đẳng đứng tốp đầu cả nước. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, năm 2019 tỷ lệ làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 89%; tỷ lệ người chết thực hiện điện táng, hỏa táng đạt 49,3% (tăng 2,3% so cùng kỳ 2018). Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, trong năm, đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.850 lao động. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,21%, giảm 0,36% so với năm 2018 (Nghị quyết HĐND huyện 1,55%). Công tác xây dựng Đảng được tăng cường trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Việc học tập quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh được các cấp ủy Đảng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Công tác xây dựng Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân được quan tâm chăm lo. Cuối năm Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đều được tỉnh đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Huyện Thuận Thành của ngày hôm nay đã có nhiều đổi thay, mang dáng vóc của một huyện phát triển năng động, ổn định, giàu bản sắc. Với một tâm thế phát triển mới, tin chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện sẽ tiếp tục đưa quê hương vững bước đi lên, ngày càng nâng cao vị thế trên bản đồ phát triển tỉnh Bắc Ninh.  

Doanh nhân Trần Đỗ Liêm - Hợp tác xã Rạch Gầm: Người lính tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế

Kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng của ông cha cách đây từ hai thế kỷ với chiến thằng Rạch Gầm - Xoài Mút do Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ lãnh đạo, doanh nhân cựu chiến binh Trần Đỗ Liêm đã lãnh đạo Hợp tác xã Rạch Gầm phát triển, đã và đang ghi những dấu ấn đẹp trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Tròn 4 thập kỷ hoạt động, Rạch Gầm đã trở thành một trong những Hợp tác xã vận tải đường thủy nội địa lớn mạnh nhất cả nước, một đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hai lần được vinh danh “Sản phẩm chất lượng Quốc gia”. Những dấu ấn đẹp trong phát triển kinh tế tập thể Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm được thành lập từ năm 1979 trên vùng sông nước Mỹ Tho - Tiền Giang. Ra đời ngay vào những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (1979 - 1981), chỉ hai tháng sau khi thành lập, HTX đã điều hàng trăm chuyến ghe đi vận tải sơ tán nhân dân, vận chuyển bộ đội, quân trang, quân dụng phục vụ cuộc chiến. Cũng trong giai đoạn này, những người mở đường của HTX Rạch Gầm đã vận chuyển hàng ngàn tấn gạo, mía giống sang thủ đô Campuchia, giúp nhân dân nước bạn khôi phục kinh tế sau khi đánh tan bọn diệt chủng Pôn Pốt. Bước sang giai đoạn 1980 - 1989, đơn vị đã vận chuyển hàng triệu tấn lúa, gạo theo kế hoạch từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh và chuyển lên tàu biển ra điều hòa lương thực ngoài miền Bắc; vận chuyển hàng trăm ngàn tấn cát, đá, xi măng từ Đồng Nai, Sông Bé, An Giang về xây dựng các công trình của tỉnh. Từ năm 1987, khi chế độ bao cấp được xóa bỏ, ngoài kế hoạch vận chuyển được giao, HTX chủ động tìm kiếm nguồn nhiên liệu, vật tư duy trì hoạt động theo mô hình do mình tự xây dựng lên, củng cố lòng tin, tự đứng vững và phát triển trong khi hàng loạt HTX khác tan rã gần hết. Đồng hành cùng đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, lãnh đạo HTX đã tìm hiểu, nắm bắt cơ chế thị trường, tự xây dựng bản điều lệ của riêng mình phù hợp với chính sách mới, tổ chức lại bộ máy quản lý, phân nhóm công việc, giao khoán..., đi trước chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, thu phục trọn lòng tin của khách hàng trong toàn khu vực. Đi trước một bước, xây dựng Điều lệ HTX ngay từ khi Luật HTX còn chưa được định hình, Rạch Gầm đã khắc họa rõ nét hình ảnh người lính tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế HTX, tạo tiền đề cho sự ra đời của Luật HTX vào năm 1997. Người đứng đầu HTX dám nghĩ, dám làm những điều chưa từng có tiền lệ, bước vào thời kỳ kinh tế thị trường (1997 - 2006), HTX Rạch Gầm đã nhanh chóng hoàn chỉnh mô hình kiểu mới, phù hợp với kinh tế thị trường và sự phát triển của kinh tế đất nước; HTX đã đạt bước phát triển vượt bậc (cứ sau 5 năm tăng gấp 2 lần các chỉ tiêu cơ bản). Không chỉ tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho mình trên thương trường, HTX Rạch Gầm vào thời điểm ấy còn là minh chứng rõ nét, khẳng định cho mệnh đề - kinh tế HTX kiểu mới hoàn toàn có thể phát triển bền vững trong kinh tế thị trường. Do đó, khi Ban Kinh tế Trung ương,Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổng kết đã đánh giá “Rạch Gầm là một mô hình đổi mới thành công, là điển hình tiên tiến được nhiều HTX đến học tập kinh nghiệm tổ chức quản lý”. Vững bước hội nhập Có thể nói mỗi bước tiến của HTX Rạch Gầm luôn đồng hành cùng mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Song cái hơn của Rạch Gầm so với các đơn vị kinh tế HTX khác là luôn nghĩ trước, đi trước, đến trước một bước. HTX Rạch Gầm lại tiếp tục đi đầu xây dựng thương hiệu mạnh, đăng ký sở hữu nhãn hiệu độc quyền trong nước và quốc tế, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 - 2015 (năm 2006); mở rộng đầu tư, thay đổi kết cấu đội tàu từ vỏ gỗ sang vỏ sắt, tăng gấp 2 lần tổng trọng tải, trẻ hóa hầu hết đội tàu xuống 6 - 7 tuổi. Từ khi đất nước gia nhập WTO, HTX đã “ngồi nhà đón khách” sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao không chỉ của khách hàng trong nước, mà cả nhà đầu tư nước ngoài vào, với khối lượng hàng hóa tập trung lớn như: Gạo xuất khẩu, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mật rỉ đường, xăng dầu... Đặc biệt, năm 2013, 2014, Rạch Gầm đã chinh phục một đỉnh cao phát triển mới khi được Thủ tướng Chính phủ vinh danh Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong khi hiếm có HTX nào đến thời điểm hiện nay đạt được giải thưởng này. Với tư duy nhạy bén, đón đầu xu thế phát triển của Người đứng đầu ban lãnh đạo - doanh nhân Trần Đỗ Liêm, HTX Rạch Gầm tuổi 40 đã và vẫn dẫn đầu cả nước trong ngành vận tải thủy nội địa chuyên nghiệp về quy mô, tổng trọng tải đội tàu, khối lượng, sản lượng vận tải, doanh thu và lực lượng lao động tay nghề cao. Tính đến thời điểm hiện nay, HTX có tổng tài sản cố định 600 tỷ đồng; vốn đăng ký 450 tỷ đồng; có 125 chiếc tàu, sà lan; với tổng trọng tải gần 90.500 tấn, công suất 51.000 CV; có tổng số 755 cán bộ, thuyền viên (thuyền, máy trưởng quốc gia, thủy thủ), công nhân, nhân viên; sở hữu 1 nhà máy, 1 xưởng đóng sửa tàu, sà lan có thể đóng tàu sông chở container trọng tải tới 2.800 tấn, công suất 1.000 CV; nhiều máy móc thiết bị như cần cẩu, máy đào, ô tô ben, xe con chở khách du lịch,... 5 trạm xăng dầu, 1 tổng kho trữ lượng 500.000 lít; 2 bãi cung cấp cát đá, vật liệu xây dựng; 1 văn phòng làm việc và một số cơ sở kinh doanh khác; thường được kiểm toán độc lập hàng năm. Mỗi năm, sản lượng vận tải trung bình đạt gần 3.000.000 tấn  hàng, hơn 450.000.000 tấn.km; có thể đóng mới trên 10 sà lan; sửa chữa, bảo dưỡng từ 100 - 120 sà lan; cung ứng 5 triệu lít xăng dầu; đạt tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng. Thành viên HTX xuất thân là chủ ghe buôn bán nhỏ, người lái, thủy thủ ghe ở vùng quê hẻo lánh. Qua 40 năm tham gia HTX Rạch Gầm nay họ đã trở thành các ông (bà) chủ cổ đông, có giá trị vốn góp từ 2 đến hơn chục tỷ đồng, có nhà xây khang trang trong thành phố, có con cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có cuộc sống vật chất đầy đủ, tinh thần phong phú. Không chỉ làm giàu cho bản thân, đơn vị mình, gần 800 cán bộ, thành viên, người lao động HTX Rạch Gầm từng ngày miệt mài lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang, khu vực Nam Bộ, sự phồn vinh của đất nước; đồng thời luôn quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, xã hội nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Xuyên suốt chặng đường phát triển, thông qua những hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn cao cả, mỗi năm HTX dành từ 100 triệu đồng trở lên để hỗ trợ: Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong; hỗ trợ các tổ chức xã hội; sửa chữa trường học; tài trợ học bổng, sách vở cho học sinh, sinh viên nghèo; tài trợ, giúp đỡ giới trẻ sáng tác văn học, nghệ thuật;... HTX Rạch Gầm đã luôn dành phần thu nhập của mình san sẻ với người dân tỉnh Tiền Giang và nhiều địa phương khác thực hiện công tác an sinh xã hội. Sẽ là thiếu sót khi nói về HTX Rạch Gầm lại không nói tới “Người thuyền trưởng đã cầm lái con tàu Rạch Gầm” 40 năm qua, đó là Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Chiến sĩ thi đua toàn quốc: Trần Đỗ Liêm. Ông Liêm sinh ra trên quê lúa Thái Bình; rời trường cấp III phổ thông, ông tham gia vào đội ngũ Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, gần 5 năm chiến đấu liên tục trên Đường Hồ Chí Minh lịch sử đầy “mưa bom bão đạn”…, cho đến khi ký kết Hiệp định Pari, sức khỏe giảm sút, ông được trở về hậu phương vào học trường Hàng Hải. Đất nước hòa bình thống nhất, có thêm kiến thức chuyên môn nghề sông nước, ông lại xung phong vào Tiền Giang - vùng đất mới trù phú, nơi có dòng sông Cửu Long hùng vĩ và thơ mộng mới trải qua chiến tranh tàn phá. Sự nghiệp quản lý kinh doanh ngành vận tải thủy bắt đầu từ khi ông được giao viết phương án xây dựng và phát triền HTX Vận tải đường sông Rạch Gầm, rồi trực tiếp tổ chức thành lập quản lý nó với tư cách Phó Chủ nhiệm từ ngày 21 tháng 4 năm 1979. Sau đó 3 năm, ông tiếp nhận chức Quyền chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm, rồi Chủ tich HĐQT cho đến ngày hôm nay. Có thể nói mọi sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trong quản lý vận hành để có một HTX Rạch Gầm mạnh mẽ, nổi tiếng cả nước như ngày hôm nay đều gắn liền với con người có tâm, có tầm, có ý chí đã rất được người dân vùng sông nước Tiền Giang tin tưởng, quý mến, giao phó tài sản công lao của mình, để cùng ông đồng hành kinh doanh phát triển suốt chặng đường dài gần một nửa thế kỷ. Trời không phụ người, người không phụ kẻ có công, cùng với thành công của HTX, ông cũng là người thành đạt trên thương trường đầy chông gai, thử thách. Và người cầm quân Trần Đỗ Liêm đã nhận được nhiều danh hiệu quý giá của nhà nước như: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng rất nhiều danh hiệu cao quý giá khác. Ông đã trở thành người của công chúng khi nào không biết khi ông còn là nhà báo, nhà thơ, diễn giả nổi tiếng cả nước với cả chục cuốn sách, hàng trăm bài tham luận, bài báo đã in, xuất bản. Sau 4 thập kỷ, hoàn toàn có thể khẳng định, HTX Rạch Gầm đã kế thừa xứng đáng truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng của ông cha cách đây hơn hai thế kỷ (chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của Nguyễn Huệ - Quang Trung) và phát triển xứng tầm đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hai lần được vinh danh Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, hiện nay vẫn thẳng tiến đi lên cùng đất nước, như lời thơ của doanh nhân Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT HTX, kiêm Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam: “Rạch Gầm - Xoài Mút anh hùng giữ nước Rạch Gầm nay anh hùng xây dựng non sông Vẻ vang truyền thống Lạc Việt, Lạc Hồng.”

K-fresh 2020: Giới thiệu nhiều loại nông sản tươi Hàn Quốc tại Việt Nam

TĐKT - Diễn ra từ nay cho đến hết tháng 12/2020 tại hệ thống siêu thị K-Market, Chương trình K-Fresh 2020 sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam những nông sản phong phú từ Hàn Quốc. Chương trình do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại K&K Toàn cầu và Tổng Công ty nhà nước lưu thông hàng nông thủy sản Hàn Quốc (aT) phối hợp tổ chức. Chương trình K-Fresh 2020 diễn ra tại 8 cửa hàng K-Market: Golden Palace, K-Keangnam, Goldmark Ruby, Goldmark Sapphire, Gardenia, Season Avenue; D'Capitale; 17T3 Hoàng Đạo Thúy. Đến với chương trình, người tiêu dùng Việt sẽ có cơ hội nếm thử và mua sắm các mặt hàng nông sản Hàn Quốc với những tiêu chí an toàn, giàu giá trị dinh dưỡng, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hương vị bao gồm các loại rau củ, nấm, sâm, hoa quả, nho, ngũ cốc… Được biết, nông sản tươi Hàn Quốc được vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không đến Việt Nam, luôn đảm bảo đến tay người tiêu dùng những sản phẩm an toàn và tươi ngon. Hàng nông sản đến từ các tỉnh Gimcheon, Gyeonggi-do, Gyeongnam… đều là những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển nhất ở Hàn Quốc. Theo ông Ko Sang Gu, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu: “Qua nhiều kỳ tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm nông sản của Hàn Quốc không chỉ phục vụ cho cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là gạo cũng được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng. Chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để đưa thêm những nông sản tiêu biểu của Việt Nam đến với người tiêu dùng Hàn Quốc”. Hàn Quốc là nơi có nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến từ nông sản đặc trưng như nhân sâm, hồng sâm, linh chi, các loại nước ép trái cây tự nhiên... Đây là những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao đang được người tiêu dùng nhiều nước quan tâm. Đồng thời, Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật chế biến nông sản hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã. Những năm trở lại đây, nông sản Hàn Quốc không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ thông qua các bộ phim, các mẩu quảng cáo, người tiêu dùng Việt biết đến nông sản Hàn Quốc trực tiếp tại chính những siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt thông qua những sự kiện quảng bá nông sản Hàn Quốc được tổ chức thường xuyên. Tại Việt Nam, với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, thu nhập người dân được nâng cao, ngày càng có nhiều người quan tâm tới các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Hàn Quốc tin tưởng đây sẽ là thị trường tiêu dùng nông sản, thực phẩm tiềm năng trong thời gian tới.

Trường Đại học Bạc Liêu: Những dấu ấn đẹp trong đào tạo nguồn nhân lực và phục vụ cộng đồng

Liên tục phát triển, khẳng định vị thế của trường đại học công lập trọng điểm, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của khu vực Bán đảo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long, hết lòng phụng sự xã hội là những dấu ấn đẹp, khắc họa rõ nét hình ảnh một ngôi trường phát triển vì cộng đồng - Trường Đại học Bạc Liêu. Năm 2006, Trường Đại học Bạc Liêu (ĐHBL) được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Sau 15 năm thành lập, nhà trường đã phát triển vững mạnh cả về quy mô, ngành nghề và chất lượng, là một thương hiệu đào tạo hàng đầu của bán đảo Cà Mau. Nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011, hạng Nhì năm 2017; UBND tỉnh Bạc Liêu tặng nhiều Cờ thi đua và Bằng khen. Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Bạc Liêu khóa IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Năm học 2018 - 2019, trường có 268 công chức, viên chức, người lao động; trong đó có 17 giảng viên trình độ tiến sĩ, 140 thạc sĩ, 40 giảng viên đang học cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Với trên 3.500 học viên, sinh viên theo học ở 15 ngành đào tạo trình độ đại học, 9 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Ngoài ra, trường còn liên kết với nhiều Viện, trường đại học có uy tín để đào tạo trình độ thạc sĩ; đã có trên 4.000 học viên, sinh viên sau đại học, đại học, cao đẳng tốt nghiệp bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông cho tỉnh Bạc Liêu và bán đảo Cà Mau. Bước sang năm học 2019 - 2020, Trường Đại học Bạc Liêu tiếp tục xác định và quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, chuyên viên theo hướng xây dựng trường theo định hướng đại học ứng dụng; mở rộng quy mô đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao với sự cam kết về chất lượng; phát triển nhà trường trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cải tiến cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại... Đội hình Thanh niên tình nguyện Trường Đại học Bạc Liêu lắp đặt túi trữ nước sinh hoạt cho người dân Song hành cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Bạc Liêu còn tích cực tham gia cùng tỉnh nhà giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương. Nhiều hoạt động thiết thực trong việc ủng hộ trẻ em có hoàng cảnh khó khăn,hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: Chương trình Trung thu yêu thương được tổ chức cho gần 100 học sinh vùng ngoại ô thành phố Bạc Liêu với kinh phí 100 triệu đồng và nhiều vật phẩm có giá trị bao gồm 10 bộ máy vi tính, 10 xe đạp, 50 học bổng đến trường. Kết nối với các đơn vị tài trợ tặng 50 túi trữ nước cho người dân ở các huyện, thị xã trong tỉnh bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn mặn; vận động và trao tặng 2000 lít dung dịch sát khuẩn, 2000 khẩu trang vải, 1 buồng khử khuẩn và 2 máy phun xịt điện cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19... Với mong mỏi trở thành cầu nối quan trọng của tri thức, của công nghệ, và của những tấm lòng phụng sự đối với người dân của Bạc Liêu và vùng bán đảo Cà Mau, nhiều mô hình học thuật, chuyển giao khoa học công nghệ đã được Trường Đại học Bạc Liêu triển khai thực hiện và mở rộng. Có thể kể đến Diễn đàn sinh niên khởi nghiệp và Thứ Bảy khởi nghiệp cùng doanh nhân, Tiến sĩ Long Lê (đến từ Mỹ) đã được tổ chức trong 6 tháng cuối năm 2019, thu hút hơn 100 sinh viên của Trường Đại học Bạc Liêu và các trường cao đẳng trong tỉnh tham dự. Nhà trường đang lên kế hoạch tổ chức mô hình “Ngày thứ Bảy học thuật” là diễn đàn mà các chuyên gia của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh và của nhà trường tình nguyện đến chia sẻ, cập nhật những tri thức mới, những công nghệ mới, những xu hướng phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, kinh tế, luật, giáo dục… cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Doanh nhân, Tiến sĩ Long Lê giới thiệu về lập kế hoạch kinh doanh, về dự án khởi nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu và các trường cao đẳng trong tỉnh. Lễ trao tặng các tặng phẩm phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại Trường Đại học Bạc Liêu Bằng ý chí và khát vọng vươn lên, cùng tấm lòng phụng sự cộng đồng, phụng sự xã hội, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu, đưa Trường Đại học Bạc Liêu tiến bước, nâng cao vị thế trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, gắn kết với nền giáo dục tiên tiến thế giới, góp sức phát triển kinh tế - xã hội vùng bán đảo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long.  

Trang