Chuyên đề

Vượt thách thức 2020, EVNGENCO1 ghi dấu những thành công

Năm 2020 đánh dấu nhiều thành công sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1). Từ nỗ lực vượt khó… Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và luôn phải đề phòng; mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp ở khúc ruột miền Trung… Hoạt động sản xuất, kinh doanh điện cũng không nằm ngoài tình hình chung đó. Ngay từ đầu năm, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, EVNGENCO1 đã dự báo được những khó khăn và chủ động xây dựng phương án ứng phó nhằm đảm bảo dòng điện luôn ổn định, an toàn. Công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 luôn được Tổng công ty và các đơn vị đặt làm nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, Ban lãnh đạo EVNGENCO1 đã giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị, định kỳ hàng tháng rà soát tiến độ thực hiện kế hoạch, đồng thời quyết liệt chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa. Kết quả, các đơn vị thủy điện và nhiệt điện của Tổng công ty đã hoàn thành tốt tiểu tu, đại tu, chất lượng công việc đáp ứng yêu cầu dù quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là do diễn biến khó lường của dịch bệnh. Thậm chí, nhiều đơn vị hoàn thành vượt tiến độ như Công ty Thủy điện Đồng Nai (sớm 5 ngày), Công ty Nhiệt điên Nghi Sơn (sớm 2 ngày), Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (sớm 1 ngày)… Công tác vận hành và điều tiết các nhà máy thủy điện mùa mưa lũ 2020 vẫn tiếp tục là nhiệm vụ được EVNGENCO1 đặt lên hàng đầu. Các nhà máy thủy điện luôn đảm bảo vận hành hồ chứa an toàn trong mùa mưa lũ, chủ động trong công tác dự báo lũ và điều tiết hồ chứa. Trước tình hình mưa lũ liên tiếp trong năm qua, các nhà máy thủy điện của EVNGENCO1 đã phát huy tốt vai trò cắt giảm và phòng, chống lũ, điều tiết hợp lý lưu lượng xả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho vùng hạ du. Trong đợt mưa lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã góp phần cắt khoảng 25,5% lưu lượng đỉnh lũ, hồ Đơn Dương cắt khoảng 30% lưu lượng đỉnh lũ. Đến những thành công… Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2020 của EVNGENCO1 chính là tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào trung tuần tháng 6. Đại hội đã bầu ra 11 đồng chí vào Ban chấp hành Tổng công ty. Đồng chí Nguyễn Tiến Khoa – Bí thư Đảng ủy Chủ tịch HĐTV EVNGENCO1 tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 – 2025. Những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ tới của EVNGENCO1 đã được Đại hội thông qua, đó là sản lượng điện sản xuất của Tổng công ty hàng năm khoảng 39 tỷ kWh (chưa bao gồm Duyên Hải 3MR), trở thành một trong những đơn vị sản xuất điện lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, đáp ứng nhu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…. Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nói đến những thành công trong năm qua của EVNGENCO1, không thể không kể đến sự kiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng được đưa vào vận hành thương mại vào lúc 16h00’ ngày 7/5/2020. Đây là một trong những dự án trọng điểm do Tổng công ty Phát điện 1, đại diện là Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3 làm tư vấn quản lý dự án. Việc sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đi vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo điện cho sự phát triển kinh tế xã hội của miền Nam nói riêng, góp phần cung cấp điện ổn định để phát triển kinh tế đất nước, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước nói chung. Việc hoàn thành kế hoạch sản lượng 6 tháng mùa khô trước thời hạn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao vào ngày 26/6/2020 với 14.842,5 tr kWh cũng là một kết quả rất đáng ghi nhận của EVNGENCO1 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, diễn biến khí tượng thủy văn bất thường cùng với lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện thấp hơn kế hoạch gây khó khăn cho việc sản xuất điện năng. Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 là hai nhà máy hoàn thành kế hoạch EVN giao sớm nhất Tổng công ty, lần lượt vào ngày 21/6/2020 và 23/6/2020. Không ngừng quan tâm đến an sinh xã hội và bảo vệ môi trường Tuy vẫn phải đối mặt với những khó khăn riêng, EVNGENCO1 luôn tích cực đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ tối đa cho người dân để ổn định cuộc sống. Tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội mà toàn Tổng công ty thực hiện trong năm 2020 là gần 12 tỷ đồng. Con số này có thể không quá lớn nhưng là nỗ lực rất lớn của EVNGENCO1 với mong muốn giúp đỡ người dân càng nhiều càng tốt. Bãi xỉ Trung tâm Điện lực Duyên Hải Bảo vệ môi trường vẫn là mục tiêu song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm nay, các đơn vị thủy điện của EVNGENCO1 tiến hành thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ thủy điện, mang lại nguồn sinh kế cho người dân tại địa phương. Các nhà máy nhiệt điện của Tổng công ty cũng đã phát những tín hiệu vui, nhất là tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Tro xỉ của các nhà máy thuộc Công ty được dùng làm vật liệu sản xuất gạch, bê tông làm đường tại bãi xỉ, đường giao thông nông thôn, chắn đê, kè chống xói lở khu vực sông, biển… Bãi xỉ của các nhà máy được trồng cây phi lao xung quanh, được xây đê cao tạo thành một vùng biệt lập, không ảnh hưởng môi trường xung quanh; thả cá, tôm trong hồ xỉ, tạo hệ sinh thái cho khu vực. Giải thưởng "Năng lượng bền vững lần thứ I năm 2019" do Bộ Công thương và Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam trao tặng cho Công ty vào tháng 7/2020 là một sự ghi nhận xứng đáng. Trải qua nhiều khó khăn nhưng cũng vô vàn nỗ lực, năm 2020 có thể coi là 1 năm thành công của EVNGENCO1, là bàn đạp vững chắc để Tổng công ty hướng tới những mục tiêu xa hơn trong thời gian tới.  

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đạt nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng điện năng với uy tín và chất lượng cao tại Việt Nam, cũng như trong khu vực. Giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, Tổng công ty đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, với các kết quả nổi bật như sau: Một là, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lãnh đạo Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tháng 8/2020 Đảng bộ Tổng công ty tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ trọng tâm với 34 mục tiêu chủ yếu, 9 chương trình hành động làm định hướng cho sự phát triển bền vững và hội nhập nền kinh tế số của Tổng công ty trong giai đoạn 5 năm sắp tới. EVNHCMC nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Hai là, hoàn thành đầu tư, sửa chữa để củng cố hoàn thiện và phát triển lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho địa bàn TP Hồ Chí Minh - khu vực phát triển năng động nhất cả nước, với sản lượng điện thương phẩm năm 2020 đạt 25,750 tỷ kWh, với mức tăng bình quân 5,05%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tổn thất điện năng giảm còn xấp xỉ 3,41%. Nâng cao độ an toàn, mỹ quan hệ thống điện với 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế được ngầm hóa, nâng tỷ lệ ngầm hóa toàn thành phố đạt gần 40%, trong đó khu vực trung tâm đạt gần 95%, góp phần hoàn thành xuất sắc đề án ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông của thành phố giai đoạn 2011 - 2020. Ba là, chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục nâng cao, hoàn thành trước 1 năm nhiều chỉ tiêu EVN giao, với 19/19 dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến, điểm hài lòng khách hàng đạt 8,66/10 điểm (EVN giao 8,5/10 điểm). Cùng với đó, tỷ lệ giải quyết dịch vụ trực tuyến đạt gần 100%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 98%; gần 85% khách hàng được gắn công tơ đo xa; 12 loại hình dịch vụ được cung cấp thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tất cả là tiền đề để đẩy nhanh hoàn tất quá trình chuyển đổi số trong khâu kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong những năm tiếp theo. Trung tâm điều khiển xa lưới điện phân phối TP Hồ Chí Minh Bốn là, chỉ số tiếp cận điện năng hàng năm đều tăng, qua khảo sát tại TP Hồ Chí Minh, năm 2019, Việt Nam đã đạt vị trí thứ 27/190 quốc gia và nền kinh tế, tăng 81 bậc so với năm 2015, đứng thứ 4 trong 11 quốc gia khu vực ASEAN, về đích sớm 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Năm là, tiếp tục cải thiện độ tin cậy cung cấp điện, về đích sớm 2 năm so với lộ trình EVN giao đến năm 2020, với số lần mất điện bình quân 1 khách hàng (SAIFI) giảm từ 6 lần vào năm 2015 còn dưới 0,59 lần trong năm 2020, thời gian mất điện bình quân 1 khách hàng (SAIDI) giảm từ 720 phút vào năm 2015 còn dưới 44 phút trong năm 2020. Sáu là, hoàn thành xuất sắc “Đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025”, với nhiều kết quả nổi bật như hoàn thành trước 2 năm việc chuyển đổi 100% trạm biến áp 110 kV vận hành theo tiêu chí không người trực; hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu tự động hóa lưới điện phân phối với 100% lưới điện trung thế 22kV được giám sát, điều khiển từ xa qua hệ thống Mini SCADA (tự động hóa cấp độ 1), với 240 tuyến dây được vận hành tự động và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa lưới điện phân phối đầu tiên trong cả nước. Bảy là, phát động và hoàn thành nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực; có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cùng nhiều giải pháp cải cách hành chính; qua đó đã hình thành nhiều gương sáng kiến, điển hình sáng tạo, tiêu biểu nhất là người công nhân Anh hùng Lao động Trương Thái Sơn, được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020. Tám là, hoàn thành Đề án nghiên cứu, phát triển ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được EVN khen thưởng. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả cao, đạt giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 và được UBND TP Hồ Chí Minh trao Bằng khen “Đơn vị có ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông tiêu biểu”. Đặc biệt, năm 2020 được Hội Truyền thông số Việt Nam tặng danh hiệu “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”. Công nhân EVNHCMC thi công sửa chữa trên đường dây mang điện (live-line) Chín là, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 100% người lao động được đào tạo trên 40 giờ/năm. Công nhận được 66 chuyên gia, 245 công nhân lành nghề, 148 kỹ sư đăng bạ kỹ sư ASEAN (chiếm gần 46% trong tổng số 322 kỹ sư ASEAN của cả nước). Phát triển 16 đội live-line trung thế, đáp ứng cho 16 công ty điện lực thành viên, đồng thời đã hoàn thành đào tạo, huấn luyện đội live-line 110kV đầu tiên trong các Tổng công ty điện lực cả nước. Năng suất lao động toàn Tổng công ty đạt 4,6 triệu kWh/lao động và 465 khách hàng/lao động, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch EVN giao theo lộ trình 5 năm 2016 - 2020. Mười là, đảm bảo hiệu quả tài chính lành mạnh, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tài chính EVN giao hàng năm, nộp ngân sách xấp xỉ 1.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020. Với các kết quả xuất sắc đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã được trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2019, Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước năm 2020. Năm 2021, với chủ đề “Tập trung đầu tư phát triển lưới điện; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản trị doanh nghiệp”, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh sẽ huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, làm tiền đề hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III và các chỉ tiêu EVN giao, đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng cao của khách hàng và mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập nền kinh tế số của Tổng công ty trong những năm sắp tới./.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: Anh hùng trên trận tuyến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Với bề dày truyền thống hơn 120 năm hoạt động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã vững vàng những bước tiến trên hành trình cao quý chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, bệnh viện đã khẳng định vị thế bệnh viện tuyến tỉnh tiên phong, dẫn đầu toàn quốc trong đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, cũng như năng suất, chất lượng, hiệu quả... Từ đó, khắc họa rõ nét chân dung của một đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của ngành Y tế đất nước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 1899. Qua hơn 120 năm phát triển, đi qua ba thế kỷ, Bệnh viện đã đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của tỉnh nhà và ngành Y tế đất nước. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa có quy mô 1.200 giường bệnh, với 1.266 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có hơn 500 cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên; 5 tiến sĩ, 30 bác sĩ chuyên khoa II, 50 bác sĩ chuyên khoa I, 64 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 93 bác sĩ đa khoa, 50 dược sĩ; gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều đưỡng; hơn 150 đại học điều dưỡng, kỹ thuật viên trong số 715 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 179 nhân viên các chuyên ngành khác được phân bố ở 43 khoa, phòng, bộ phận và 2 trung tâm. Với chức năng là bệnh viện tuyến cuối của ngành, là trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa, chất lượng khám, chữa bệnh luôn được bệnh viện coi trọng. Trong 10 năm qua, kiên trì khẩu hiệu “Lấy người bệnh là trung tâm phục vụ”, bệnh viện đã không ngừng đổi mới cơ chế phục vụ, phát triển mạnh y tế chuyên sâu mục tiêu hướng tới là phục vụ theo nhu cầu người bệnh; đẩy mạnh thực hiện “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; cải thiện hơn nữa tinh thần thái độ phục vụ người bệnh sau khi triển khai giá dịch vụ y tế mới”. Ấn tượng hơn cả, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai, nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, qua đó đã gây được tiếng vang cho bệnh viện, mang lại niềm tin cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - Điểm đến của niềm tin và chất lượng Lãnh đạo Bệnh viện cho biết “Trong 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa ghi dấu ấn mạnh mẽ trong công tác ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật y học trong khám, chữa bệnh cho nhân dân, khẳng định chất lượng, vị thế của Bệnh viện hạng I lớn nhất tỉnh. Nổi trội nhất là lĩnh vực ngoại khoa đã có nhiều kỹ thuật được thực hiện thường quy tương đương với tuyến trung ương như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang, cắt nang thận, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản và gần đây hàng chục bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt thận, cắt thận bán phần nội soi, tạo hình bàng quang bằng quai ruột thành công; rất nhiều ca bệnh sỏi thận, niệu quản được điều trị với kết quả tốt bằng tán sỏi ngoài cơ thể định vị siêu âm và X-quang; tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser, tán sỏi thận nội soi qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini - PCNL) sử dụng Laser cường độ cao 100W; phẫu thuật nội soi lồng ngực; phẫu thuật sọ não, hộp sọ; phẫu thuật cột sống... Đặc biệt, ngay từ năm 2018, Bệnh viện đã tiến hành ca ghép thận từ người cho sống đầu tiên thành công tốt đẹp. Đây là bước ngoặt quan trọng khẳng định sự phát triển y tế chuyên sâu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, kể từ đây Bệnh viện đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đang là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho chết não và đã thực hiện được 12 ca ghép thận thành công, trong đó có 2 ca từ người cho chết não”. Ban lãnh đạo Bệnh viện trao giấy ra viện cho bệnh nhân ghép thận từ người cho chết não đầu tiên Bên cạnh đó, lĩnh vực nội khoa và can thiệp không ngừng phát triển, các kỹ thuật và tiến bộ mới trong điều trị và can thiệp đã rút ngắn khoảng cách giữa nội khoa và ngoại khoa. Nhiều bệnh lý trước đây chỉ có thể điều trị bằng ngoại khoa thì nay phần lớn chỉ cần điều trị nội khoa và can thiệp như các bệnh lý viêm loét ống tiêu hóa; khối u tử cung, khối u gan, giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh tim bẩm sinh... có thể điều trị bằng can thiệp nút mạch, thắt tĩnh mạch thực quản qua nội soi, bít dù các lỗ thông tim bằng can thiệp tim mạch, tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học solitaire, điều trị túi phình mạch não bằng phương pháp đặt coil nội mạch; đơn vị tim mạch can thiệp đã thực hiện hàng trăm ca chụp và can thiệp đặt stent động mạch vành mỗi năm. Riêng năm 2018, bệnh viện, đã triển khai thành công kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF, nhờ đó, nhiều ca bệnh đã được cứu sống một cách kỳ diệu, không cần phải chuyển tuyến trên. Gần đây Bệnh viện đã đưa vào hoạt động thiết bị điều trị khối u bằng sóng siêu âm cao tần (HIFU), điều trị khối u phổi bằng đốt sóng cao tần RFA, bước đầu đạt hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong điều trị cho một số bệnh nhân mắc ung thư gan, tụy, tiền liệt tuyến và tuyến vú…; các kỹ thuật khác như sinh thiết mù màng phổi; sử dụng huyết tương giầu tiểu cầu điều trị bệnh thoái hóa khớp gối; điện quang can thiệp điều trị u gan bằng RF, điều trị ho máu... Ở lĩnh vực cận lâm sàng, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, nối dài bàn tay của người thầy thuốc, cũng như đưa các kỹ thuật cận lâm sàng phát triển, đáp ứng nhu cầu cho chẩn đoán và điều trị chất lượng cao. Hiện, các khoa cận lâm sàng đang từng bước chuẩn hóa để đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 15189, đây là bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trong ngành Y tế Việt Nam. Phòng xét nghiệm Khoa Vi sinh đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 15189 Đặc biệt trong chiến dịch đấu tranh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phản ứng nhanh, chủ động và hiệu quả trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do vi rút SARS-CoV-2 và là Bệnh viện đầu tiên trong cả nước chữa khỏi bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Với thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch SARS-CoV-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen.  Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa tặng hoa chúc mừng bệnh nhân và Bệnh viện đã điều trị khỏi cho một trong ba người Việt Nam đầu tiên nhiễm COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cũng được biết đến là đơn vị động viên được đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động tham gia phong trào sáng tạo, phát huy đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Trong 10 năm qua, Bệnh viện có 3 đề tài nghiên cứu khoa học đa quốc gia, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được cán bộ, viên chức Bệnh viện làm chủ đề tài hoặc cùng tham gia nghiên cứu với kết quả đánh giá, xếp loại xuất sắc và khá ở nhiều lĩnh vực chuyên khoa đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Song song đó, Bệnh viện cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ về mọi mặt cho cán bộ, viên chức và người lao động; là đơn vị tích cực tham gia các phong trào ở địa phương... Có thể khẳng định, bằng tinh thần, trách nhiệm, sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn, thử thách, lập nên những thành tích rất đỗi tự hào. Bệnh viện liên tục được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2010; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2016, 2019; cùng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, khép lại chặng đường nhiều dấu ấn đáng nhớ này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.  

Vissan chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Tân Sửu năm 2021

TĐKT - Nhằm cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu năm 2021, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan đã triển khai chuẩn bị nguyên liệu ngay từ tháng 6/2020.   Theo đó, Vissan đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, bao gồm: Thịt tươi sống heo, bò 2,300 tấn tăng 5% so với cùng kỳ; thực phẩm chế biến 5,200 tấn tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết Tân Sửu là 900 tỷ đồng, tăng 11% so với Tết Canh Tý 2020. Với cách chuẩn bị như vậy, Vissan đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường Tết trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định. Bên cạnh đó, công ty còn chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đông lạnh đóng gói với trọng lượng 1 kg và 2 kg để đáp ứng nhu cầu của thị trường và trợ giá cho người tiêu dùng.   Cùng với sự chuẩn bị nguồn hàng tết, công ty Vissan còn cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá các sản phẩm chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5 đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty.   Dịp Tết năm nay, công ty còn cho ra mắt sản phẩm mới thịt heo ướp gia vị với 10 hương vị hấp dẫn. Sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu thịt heo ngon nhất, sử dụng các gia vị tươi mới từ thiên nhiên, áp dụng công nghệ ướp thịt hiện đại đem đến cho khách hàng món ăn mang hương vị truyền thống thơm ngon thấm đều trong từng miếng thịt cùng với cấu trúc thịt mềm mại tạo nên nét riêng biệt cho sản phẩm. Với sản phẩm thịt heo ướp gia vị, người tiêu dùng có thể chế biến một món ăn ngon mà không cần tốn nhiều thời gian và đặc biệt có thể tạo sự mới lạ trong mâm cơm ngày tết mà lại đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, công ty cũng vừa cải tiến bao bì và ra mắt thị trường đồ hộp sử dụng lon in, tạo nên vẻ đẹp sang trọng cho sản phẩm. Với bao bì đẹp mắt, hương vị thơm ngon cùng giá trị dinh dưỡng cao, sản phẩm thực sự là món quà Tết ý nghĩa gửi trao đến gia đình và bạn bè.         Xuân Phúc    

Ngân hàng Việt nỗ lực chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip

Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ Chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Xu hướng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip Ngày nay, với sự quan tâm định hướng của chính phủ, ngân hàng nhà nước và sự hưởng ứng của khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt và dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ với các thành tựu điển hình của cuộc CMCN 4.0 như Internet kết nối vạn vật (IoTs), trí tuệ nhận tạo (AI), Chatbot, công nghệ chuỗi khối (Blockchain),… và sự phổ biến của thiết bị di động thông minh đang là cơ sở nền tảng cho việc phát triển những phương thức thanh toán phi tiền mặt mới, hiện đại. Ở Việt Nam, theo dữ liệu được cung cấp từ Digital 2019 Việt Nam và Digital 2020 Việt Nam, lượng người dùng Internet tăng nhanh theo từng năm. Theo đó, năm 2019, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017 thì đến tháng 2 năm 2020, số người sử dụng Internet lên tới 67 triệu người chiếm khoảng gần 70% dân số cả nước. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông vững chắc, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là các nhân tố then chốt góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, từ thanh toán bằng thẻ ngân hàng đến các hình thức thanh toán trực tuyến qua các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, ví điện tử, … Đối với lĩnh vực thanh toán thẻ, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Thẻ từ là thẻ có dải băng từ phía sau thẻ, dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ (mặt sau thẻ). Vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch. Thẻ Chip còn được gọi là "thẻ thông minh". Thẻ có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ, dữ liệu giao dịch được lưu tại con chip (mặt trước thẻ) và cryptogram thay đổi theo mỗi giao dịch. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thẻ chip và thẻ băng từ, đảm bảo an toàn bảo mật cho thẻ Chip.  Việc chuyển đổi thẻ từ thẻ từ sang thẻ Chip là xu hướng chung của nhiều thị trường trên thế giới, với mục tiêu tăng cường an toàn bảo mật cho khách hàng. Áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ Chip sẽ hạn chế tình trạng đánh cắp thông tin thẻ cũng như các nguy cơ mất an toàn khác. Bên cạnh đó, công nghệ thẻ Chip cũng mang đến nhiều tính năng tiện ích trong thanh toán góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiện mặt. Cụ thể với công nghệ thẻ chip không tiếp xúc (Chip contactless), khách hàng sẽ trải nghiệm các hình thức thanh toán nhanh chóng – tiện lợi – an toàn, phù hợp với các giao dịch nhỏ lẻ mà trước đây khách hàng thường sử dụng tiền mặt như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng ăn nhanh, quán café… Thực trạng chuyển đổi công nghệ thẻ Chip tại thị trường Việt Nam và tại Vietcombank Tại thị trường Việt Nam, năm 2019, NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ Chip nội địa đồng thời ban hành Lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip để tăng cường an toàn cho hoạt động thanh toán thẻ. Tính đến nay, tại thị trường VN đã có trên 20 NHTM chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip, toàn thị trường đạt 7,4 triệu thẻ Chip nội địa, 199.000 POS và 12.000 ATM được nâng cấp để chấp nhận thanh toán thẻ Chip (tính đến 30/09/2020- theo báo cáo NAPAS). Nhận thức được những tiện ích vượt trội của thẻ Chip mang đến cho khách hàng, là một ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam, Vietcombank đã tích cực tiên phong và đi đầu triển khai việc chuyển đổi thẻ công nghệ từ sang công nghệ chip. Từ tháng 9/2019, Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai phát hành mới và chuyển đổi thẻ Ghi nợ nội địa công nghệ từ sang công nghệ Chip không tiếp xúc (Chip Contactless) và nâng cấp hệ thống máy thanh toán thẻ (EDC) cũng như ATM trên toàn hệ thống đảm bảo chấp nhận thẻ Chip theo Bộ tiêu chuẩn cơ sở, đáp ứng yêu cầu của lộ trình chuyển đổi theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tính đến 31/10/2020, Vietcombank đã thực hiện phát hành mới và chuyển đổi 2,5 triệu thẻ Chip nội địa, nâng cấp trên 43.000 POS (đạt xấp xỉ 80% POS của Vietcombank) và trên 2.000 ATM (đạt 82% ATM của Vietcombank) chấp nhận thẻ Chip theo Bộ tiêu chuẩn cơ sở trên toàn hệ thống. Là một trong số ngân hàng có số lượng thẻ nội địa lưu hành cũng như hệ thống EDC và ATM lớn nhất thị trường, chi phí chuyển đổi đối với Vietcombank rất lớn. Tuy nhiên với mong muốn cố gắng hỗ trợ cho khách hàng, Vietcombank hiện vẫn duy trì chính sách chuyển đổi Miễn Phí cho khách hàng từ thẻ từ sang thẻ Chip. Việc triển khai chuyển đổi miễn phí cũng như cố gắng chuyển đổi trong thời gian sớm nhất nhằm đem đến cho khách hàng một sản phẩm thẻ công nghệ Chip Contactless an toàn bảo mật hơn, gia tăng sự thuận tiện trong thanh toán, rút ngắn thời gian thanh toán cho khách hàng…. Về kênh chuyển đổi, để mang đến sự tiện ích, thuận lợi cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi, Vietcombank hiện đang triển khai đa dạng các kênh chuyển đổi bao gồm: kênh quầy, chuyển đổi đồng loạt cho các khách hàng trả lương, kênh chuyển đổi trực tuyến…..cụ thể, khách hàng có thể thực hiện Đăng ký chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip trên VCB DigiBank mà không cần phải tới Quầy giao dịch của Vietcombank để đăng ký chuyển đổi – chi phí chuyển đổi vẫn hoàn toàn Miễn phí. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng giám đốc Vietcombank phát biểu tại chương trình “Sóng Festival” Tiếp tục hưởng ứng xu hướng không dùng tiền mặt, góp phần đưa hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt của hệ thống ngân hàng tới gần hơn nữa với công chúng, với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước, vừa qua Vietcombank đã đồng hành cùng chuỗi sự kiện “Ngày thẻ Việt Nam 2020’’- sự kiện về thẻ thanh toán lần đầu tiên dành cho giới trẻ do báo Tiền phong phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức. Theo đó, khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng làm phương tiện thanh toán tại các gian hàng thương mại và gian hàng trực tuyến với hàng nghìn chương trình khuyến mại và ưu đãi hấp dẫn. Sáng kiến này của Báo Tiền Phong được khởi đầu bằng sự kiện Lễ hội mua sắm "Sóng Festival" trong 2 ngày 7 - 8/11/2020 tại Sân vận động Bách Khoa, Hà Nội và Tuần lễ siêu khuyến mại (Mega Sales), được tổ chức từ ngày 9 – 15/11/2020. Sự kiện Sóng Festival – Ngày Thẻ Việt Nam 2020 đã phát miễn phí 10.000 thẻ chip có sẵn 50.000 đồng dành tặng khách hàng đến trải nghiệm. Khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ chip sẵn có hoặc đăng ký nhận thẻ ngân hàng không tiếp xúc của Chương trình để trải nghiệm thanh toán tại các gian hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) tương thích với thẻ Chip tiếp xúc và không tiếp xúc (contact và contactless) với mức giá ưu đãi. Ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (hàng đầu ở giữa) thăm quan gian hàng của Vietcombank tại chương trình “Sóng Festival” Có thể thấy, những nỗ lực của Vietcombank trong việc đem thẻ Chip đến gần hơn với khách hàng cũng chính là hòa nhịp cùng xu thế chung của thế giới, tận dụng phát triển kinh tế số để thúc đẩy thanh toán điện tử và hướng tới mục tiêu hầu hết người dân Việt nam đều sử dụng thẻ chip trong thanh toán nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hưởng ứng Ngày Thẻ Việt Nam 2020, Vietcombank – Ưu đãi thẻ chip Vietcombank Connect24 NAPAS, hoàn 100.000 VND cho 10.000 Khách hàng đầu tiên phát hành mới thẻ Chip nội địa Vietcombank Napas và thanh toán trên POS tại ĐVCNT bất kỳ có giá trị từ 500.000 đồng trong thời gian 25/10 đến 25/12/2020. Tổng ngân sách hoàn tiền lên tới 1 tỷ đồng.  

Vietcombank miễn phí đổi thẻ Connect24 phiên bản Chip Contactless

Ngân hàng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các thẻ Connect24 có đầu số 686868 để chuyển sang dòng thẻ hiện đại. Nằm trong lộ trình chuyển đổi thẻ ghi nợ nội địa từ thẻ công nghệ từ sang thẻ chip theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 31/12/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các thẻ Connect24 có đầu số 686868. Khách hàng giao dịch bằng thẻ Vietcombank Connect24. Do đó, để không gián đoạn việc sử dụng dịch vụ của Khách hàng, Vietcombank sẽ miễn phí cho Khách hàng đổi thẻ Connect24 đầu số 686868 sang dòng thẻ Connect24 mới được trang bị chuẩn chip EMV và ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless). Ngân hàng cho biết, việc đổi thẻ còn nhằm mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Dòng thẻ mới có nhiều tiện ích và an toàn, bảo mật cũng như mang đến nhiều tính năng tiện ích trong thanh toán, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở kết hợp công nghệ thẻ chip với phương thức thanh toán Contactless (không tiếp xúc), thẻ Vietcombank Connect24 sẽ đem đến cho khách hàng trải nghiệm các hình thức thanh toán Nhanh chóng – Tiện lợi – An toàn. Hơn thế nữa, thẻ Vietcombank Connect24 chip contactless cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán với giá trị từ dưới 01 triệu đồng mà không cần xác thực bằng PIN, hay còn gọi là phương thức thanh toán Tap & Go. Chủ thẻ chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thanh toán có biểu tượng không tiếp xúc và hoàn tất giao dịch, rất nhanh chóng và hết sức thuận lợi, đặc biệt phù hợp với thanh toán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng ăn nhanh, quán café… Công nghệ thẻ chip, đặc biệt là chip không tiếp xúc sẽ mở ra tương lai thanh toán trong nhiều lĩnh vực như giao thông thông minh (thanh toán vé xe bus, BRT, tàu điện ngầm, bãi đỗ xe, trạm thu phí,….). Ngoài ra, với ưu điểm lưu trữ dữ liệu lớn, thẻ thanh toán công nghệ chip không tiếp xúc sẽ cho phép tích hợp cùng với các loại thẻ như thẻ sinh viên, thẻ bảo hiểm, thẻ bệnh viện…, tạo nên sự đơn giản, gọn nhẹ cho người dân trong nhiều hoạt động của đời sống, sinh hoạt... Dự kiến, tới đây, công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam sẽ trở thành một xu hướng nổi trội, và trong đó, Vietcombank đã sẵn sàng đi đầu ngay từ hôm nay.  

Vietcombank giới thiệu công nghệ định danh điện tử eKYC, giúp khách hàng dễ dàng “làm quen” với Ngân hàng số VCB Digibank

Với mong muốn mang các trải nghiệm đơn giản và mới mẻ đến với khách hàng, kể từ ngày 10/11/2020, Vietcombank áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC cho phép khách hàng đang sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS (SMS chủ động) có thể đăng ký và kích hoạt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank ngay trên điện thoại mà không cần phải đến quầy giao dịch như trước đây. Công nghệ định danh điện tử eKYC – Đăng ký VCB Digibank ngay trên điện thoại eKYC là gì? Nhận biết khách hàng (KYC – Know Your Customer) là yêu cầu bắt buộc đối với ngân hàng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Thông thường, ngân hàng định danh khách hàng bằng việc gặp mặt trực tiếp và thông qua đối chiếu chứng từ gốc. Nói cách khác, các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ biết và gặp trực tiếp khách hàng đăng ký. Tuy nhiên, việc khách hàng phải đến quầy giao dịch để đăng ký đôi khi sẽ gặp khó khăn do hạn chế địa lý hoặc thời gian. Giải quyết vấn đề này, eKYC đã ra đời và bắt đầu được các ngân hàng dần áp dụng. eKYC được xem là hình thức nâng cấp cao hơn so với KYC, khi việc định danh khách hàng được thực hiện bằng phương thức điện tử và không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sợ hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến. Giải pháp định danh điện tử eKYC tại Vietcombank Với định hướng chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ, Vietcombank đã sớm hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu trên thị trường để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ eKYC, hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ mà không bị ảnh hưởng bởi rào cản địa lý hay thời gian. Giải pháp eKYC của Vietcombank bước đầu được áp dụng với các khách hàng hiện hữu, đang sử dụng SMS chủ động của Vietcombank. Ghi nhận trong 01 tuần ra mắt, gần 2.000 khách hàng Vietcombank đã sử dụng giải pháp eKYC để đăng ký dịch vụ VCB Digibank. Giải pháp eKYC giúp khách hàng đăng ký sử dụng VCB Digibank hết sức dễ dàng. Chỉ với chưa đầy 10 phút, với quy trình đơn giản, bao gồm tải ứng dụng VCB Digibank, nhập thông tin và scan giấy tờ tùy thân ngay trên ứng dụng VCB Digibank, chụp ảnh khuôn mặt theo yêu cầu hệ thống là khách hàng đã hoàn thành việc đăng ký và có thể bắt đầu trải nghiệm các tiện ích cơ bản trên VCB Digibank. Nhanh chóng, tiện lợi là những ưu tiên hàng đầu mà Vietcombank muốn hướng tới cho khách hàng. Ngay sau khi kích hoạt thành công, khách hàng sẽ được sử dụng gói các tính năng cơ bản và thiết thực của VCB Digibank bao gồm: Tra cứu các thông tin tài khoản/thẻ; Chuyển tiền tới tài khoản thuộc cùng CIF khách hàng; Tiết kiệm trực tuyến (mở tiết kiệm, nộp thêm, đăng ký tiết kiệm tự động); Thanh toán sao kê thẻ tín dụng. Đặc biệt, gói tính năng cơ bản cho phép khách hàng nhận tin nhắn OTT theo dõi biến động số dư tài khoản, chi tiêu thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng VCB Digibank HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ. Gói tính năng cơ bản này sẽ giúp khách hàng dễ dàng “làm quen” và trải nghiệm dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank. Để thực hiện toàn bộ các giao dịch tài chính trên VCB Digibank với hạn mức giao dịch thông thường (lên tới 3 tỷ đồng/giao dịch), khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của Vietcombank để thực hiện chuyển đổi. Để giúp khách hàng bước đầu làm quen với dịch vụ VCB Digibank, Vietcombank miễn phí duy trì dịch vụ đến hết ngày 31/03/2021 cho các khách hàng đăng ký Ngân hàng số VCB Digibank áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC. Một tin vui đối với giải pháp định danh điện tử eKYC, vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, Thông tư bổ sung điều khoản về quy định mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để các ngân hàng, trong đó có Vietcombank, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ online khép kín, phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất trong bối cảnh số hóa trên phạm vi toàn cầu. Dự kiến trong năm 2021, Vietcombank sẽ sớm cho ra mắt giải pháp định danh điện tử toàn diện, hiện đại giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mà chưa cần đến quầy giao dịch./.  

Mạng lưới Viettel - Niềm tự hào Việt Nam

Viettel đang là mạng viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam và nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới. Kiến tạo hạ tầng mạng lưới hiện đại, tự chủ và tiên phong về công nghệ để tạo ra những cuộc cách mạng về kết nối, góp phần thay đổi cuộc sống của con người, phát triển đời sống kinh tế - xã hội và luôn sẵn sàng là mạng thông tin quân sự thứ 2, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sứ mệnh của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel - đơn vị cốt lõi về kỹ thuật của Tập đoàn Viettel. Trung tâm điều hành mạng lưới toàn cầu của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel Những cuộc cách mạng về kết nối Một trong những quyết định lịch sử và cuộc bùng nổ đầu tiên của viễn thông Việt Nam là khi Viettel phủ sóng di động 2G trên toàn quốc vào năm 2004. Dù đi sau nhưng với vùng phủ sâu rộng nhất, dung lượng lớn nhất và chất lượng mạng lưới tốt nhất, Viettel đã biến việc “alo” từ một dịch vụ xa xỉ trở thành nhu cầu thiết yếu cho mọi người dân như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Sau khi vươn lên là nhà mạng số 1 Việt Nam vào năm 2008, Viettel tiếp tục khởi xướng cuộc cách mạng mới về dữ liệu khi đưa vào khai thác mạng di động 3G lớn nhất cả nước vào năm 2010 và là mạng duy nhất trên thế giới ngay khi khai trương đã phủ được 86% dân số. Đến năm 2017, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đã tạo nên một kỳ tích mới khi dựng nên mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm BTS, công nghệ tiên tiến nhất thế giới 4 thu 4 phát chỉ trong vòng 6 tháng - một chiến dịch thần tốc ở quy mô có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, thậm chí là trên bình diện thế giới. Mạng 4G của Viettel Networks đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu, lưu lượng năm sau luôn cao gấp đôi năm trước, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, tường thuật trực tuyến để làm việc, học tập, giải trí hay kinh doanh. Hạ tầng băng rộng cố định của Viettel Networks phủ đến tận xã với 380.000 km, gấp hơn 9 lần chu vi trái đất và 11 triệu cổng GPON, phục vụ gần 6 triệu khách hàng. Mạng lưới Viettel cũng đang có 6 hướng kết nối ra quốc tế qua cả đường biển và đất liền. Năm 2004, Viettel chỉ có 500 trạm phát sóng. Nhưng 5 năm sau, năm 2009, con số ấy lên tới 20.000 trạm, phủ sóng tới tận những nơi “thâm sơn cùng cốc” của đất nước. Số trạm này tăng gấp 40 lần và gần bằng 50% số trạm của 7 nhà cung cấp còn lại vào thời điểm đó. Số trạm 2G, 3G, 4G của Viettel Networks hiện nay lên tới hơn 120.000 trạm. Khi khai trương dịch vụ di động, Viettel chỉ có 500.000 khách hàng, thì đến năm 2009 đã có 34 triệu thuê bao, gấp tới 68 lần và đến giờ là gần 70 triệu khách hàng, giữ vững là nhà mạng dẫn đầu tại Việt Nam. Mạng thông tin quân sự thứ 2 Sinh ra từ quân đội, trưởng thành từ quân đội, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel luôn nhận thức sâu sắc việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đóng vai trò là mạng thông tin quân sự thứ 2 của quốc gia. Trạm phát sóng của Viettel đã có mặt ở khắp các đồn biên phòng trên cả nước Từ năm 2007, sóng Viettel đã xuất hiện ở Trường Sa. Đến nay, toàn bộ quần đảo này cũng như các nhà giàn, đồn biên phòng trên toàn quốc đều có mạng Viettel hiện diện. Mục tiêu của Viettel Networks là ở đâu có dân, có cán bộ, chiến sĩ thì phải có sóng Viettel. Hàng năm, Tổng Công ty liên tục mở rộng, nâng cấp, củng cố và bảo dưỡng hạ tầng mạng lưới ở khu vực biển đảo, đồn biên phòng. “Cánh sóng” Viettel đã vươn xa, phủ khắp các vùng biển, dọc biên giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc chinh phục đại dương, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Về công nghệ, ngoài giải pháp đặc thù cho các trạm 2G, hiện nay, các trạm 3G, 4G biển đảo của Viettel Networks đều sử dụng công nghệ khuếch đại đa sóng mang để đạt được công suất cao kết hợp với tính năng phủ xa và ưu thế về độ cao so với mực nước biển. Khi bật tính năng này, vùng phủ trạm 3G, 4G của Viettel có thể tăng từ 30km lên tối đa 180km. Bên cạnh đó, Viettel Networks cũng là đơn vị đảm bảo thông tin liên lạc cho nhiệm vụ phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, phòng, chống tội phạm công nghệ cao; là đơn vị bảo đảm chính các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ Đại hội XII của Đảng, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Năm 2020, Tổng Công ty là đơn vị bảo đảm chính về hạ tầng và các giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hạ tầng công nghệ phục vụ tổ chức các Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 mà Việt Nam là chủ trì với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Không bằng lòng với những gì đã có, trước thách thức do sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đã và đang tiến hành một cuộc cách mạng mới, đưa đơn vị lên một tầm cao mới, chuyển dịch từ một công ty chuyên về vận hành khai thác trở thành một công ty công nghệ, dịch vụ, sáng tạo. Những sản phẩm do những kỹ sư Viettel Networks nghiên cứu, phát triển, ứng dụng như công nghệ điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, 5G,…đã và đang thể hiện rõ vai trò tiên phong, dẫn dắt của Viettel trong việc thúc đẩy lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam ngang tầm với khu vực và thế giới, đồng thời góp phần đưa giá trị thương hiệu Viettel lên 5,8 tỷ USD, xếp thứ 28 trên bảng xếp hạng thế giới, thứ 1 tại Đông Nam Á và thứ 9 tại châu Á theo định giá của Brand Finance. Bước sang giai đoạn phát triển mới, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, là nền tảng kết nối trong cuộc cách mạng 4.0, góp phần quan trọng vào mục tiêu kiến tạo xã hội số Việt Nam và bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh của đất nước.  

Trang