Chính trị - Xã hội

Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương dự Lễ kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa

TĐKT - Ngày 14/4/2021, tại thị trấn Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương đã tham dự buổi lễ. Từ ngày 08 - 16/4/2021, Đoàn công tác của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương (gồm đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia Đoàn công tác của Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu đã kiểm tra, thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI. Đồng chí Trần Thị Hà, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cùng tham gia Đoàn công tác. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã tới thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI.16; tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại khu vực đảo Len Đao - Gạc Ma.  Đặc biệt, ngày 14/4/2021, tại thị trấn Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Đoàn đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, trồng cây lưu niệm, tặng quà và tham gia đêm giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tại các buổi trao quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác đã đánh giá cao những đóng góp vô cùng ý nghĩa và lớn lao vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa nói chung và cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân tại đảo Trường Sa nói riêng. Đồng thời, bày tỏ tinh thần “Trường Sa vì cả nước và cả nước cũng dốc lòng, dốc sức vì Trường Sa thân yêu”. Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân nhân dân Việt Nam đã trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” cho đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vì những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đó, khi chuẩn bị rời cảng Cát Lái, Đoàn công tác đã thắp hương tưởng niệm trước tượng đài và Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của Đoàn tàu Không số tại Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn trong khuôn khổ chuyến công tác: Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tham gia Đoàn Chủ tịch tại Lễ kỷ niệm trọng thể 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa. Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại đảo Trường Sa. Đồng chí Trần Thị Hà và đồng chí Phạm Đức Toàn trao quà tặng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa Các đại biểu tìm hiểu, trao đổi về công tác thi đua - khen thưởng. Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân nhân dân Việt Nam đã trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” cho đồng chí Trần Thị Hà - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đồng chí Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Các chiến sĩ đảo Trường Sa và Đoàn công tác cùng đọc Tạp chí Thi đua Khen thưởng.                                                                                                               Thiên Cầm

Kết nối việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

TĐKT - Ngày 16/4, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cùng 82 doanh ngiệp tổ chức Hội nghị kết nối việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Tới dự, có: GS. TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng; thầy Trần Đức Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Phạm Văn Đăng – Giám đốc Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp; đại diện lãnh đạo các đơn vị Phòng, Ban, Trung tâm Truyền thông, Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, đại diện sinh viên của Nhà trường cùng với 82 doanh nghiệp trong nước.  PGS. TS Phạm Văn Đăng – Giám đốc Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Sói biển Trung thực. Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội do GS. Trần Phương sáng lập vào năm 1996, đến nay đã có lịch sử 25 năm phát triển và trưởng thành. Với  27 lĩnh vực đào tạo, nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước. Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã được rất nhiều các cơ quan và doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho rất nhiều thế hệ sinh viên. Tại Hội nghị, đã có 8 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất máy móc công nghiệp, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, truyền thông, điện tử… thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác đợt 1 với Trung tâm khảo sát thông tin việc làm và đào tạo khởi nghiệp của nhà trường để tuyển dụng sinh viên. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ rất nhiều về khởi nghiệp và điều hành các doanh nghiệp. Trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp là cựu sinh viên của nhà trường bày tỏ niềm vui khi đã thành công trên con đường xây dựng sự nghiệp và có cơ hội quay lại để giúp đỡ các thế hệ sinh viên mới của trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đến dự Hội nghị cũng thấy được sự quan tâm của nhà trường với vấn đề tìm việc làm sau tốt nghiệp và vấn đề khởi nghiệp của sinh viên. Các em sinh viên đến dự hội nghị cũng đã được lắng nghe rất nhiều những lời khuyên, lời chia sẻ và những câu chuyện từ các doanh nghiệp từng trải qua trong quá trình xây dựng và điều hành doanh nghiệp; được nghe những yêu cầu và những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần sinh viên phải đáp ứng được khi nộp hồ sơ ứng tuyển để có thể chủ động chuẩn bị, trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết.                                                                                  Nguyễn Quỳnh

Bàn về cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường

TĐKT - Chiều 16/4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành tới dự. Cùng dự có: Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và hơn 100 đại biểu là đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất nhựa... Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo Các sản phẩm nhựa, ni-lông ra đời mang lại không ít tiện tích cho cuộc sống. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước đến nay, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng. Khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn, lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương. Nhận thức được tác hại của chất thải nhựa gây ra, năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông. Năm 2019, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống thất thải nhựa tại Diễn đàn kinh tế thế giới. Việt Nam đã tham gia và cam kết với cộng đồng quốc tế về xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa trên biển. Để đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa. Trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vận dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên về thuế, đầu tư công nghệ… Quang cảnh Hội thảo Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành, để cụ thể những cam kết đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTG năm 2020 về “Tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”; đưa ra nhiều tiêu chí và biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện tuần hoàn tài nguyên. Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định nhiều điểm mới để tăng cường quản lý chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương và quy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì… Ông Nguyễn Thành Nam, đại diện Tổng cục Môi trường Việt Nam chia sẻ: Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành các tiêu chí đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường để chứng nhận nhãn dán sinh thái Việt Nam; các tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam; tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam đối với bao bì nhựa tự phân hủy sinh học… Ngoài những chính sách đã ban hành, hiện Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật như: Triển khai các quy định phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản dưới luật. Thực tế cho thấy, hiện nay, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường, trong đó có sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết: Hội đã vận động hội viên và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thông qua các CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức tọa đàm “Rác thải nhựa - Hiểm họa của môi trường và sức khỏe cộng đồng”; trao tặng các sản phẩm thân thiện môi trường cho hội viên phụ nữ… Đoàn viên, thanh niên Công ty An Phú tích cực tuyên truyền phân loại rác thải tại các khuôn viên dự án nhà ở cho thuê Là một trong những đơn vị khá chủ động trong phòng, chống rác thải nhựa, thời gian qua, bên cạnh phát triển hệ thống cây xanh tại khuôn viên sinh sống, tuyên truyền đến khách hàng về bảo vệ môi trường, đặt các thùng rác nhằm phân loại rác thải tại nguồn..., Công ty TNHH MTV An Phú (TP Hồ Chí Minh) còn thực hiện đưa túi vải hoặc thùng các-tông cũ để đựng đồ cho khách, không sử dụng túi ni-lông trong hệ thống Siêu thị An Phú. Cụ thể, năm 2018 - 2019, Siêu thị dự trù túi ni-lông đựng đồ cho khách trung bình 40kg/tháng. Hiện tại, giảm còn 2,5kg/tháng. Với khát khao mãnh liệt sẽ thay thế bao bì ni-lông truyền thống bằng những bao bì ni-lông tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, nhiều năm nay, bà Phan Thị Thúy Phượng (Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II – TP Hồ Chí Minh) đã không quản ngại nắng mưa, cùng với các chị em phụ nữ rong ruổi đi đến từng khu chợ để tuyên truyền tới bà con về tác hại của túi ni-lông; đồng thời phân phối túi ni-lông thân thiện với môi trường đến các tiểu thương trong các chợ trên địa bàn thành phố, góp phần làm chuyển biến thói quen tiêu dùng xanh của nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn những băn khoăn về các quy định đối với việc cấp phép hoặc trợ cấp chứng nhận nhựa tự phân hủy; chính sách quản lý và cơ chế hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa tự phân hủy; các giải pháp công nghệ - kỹ thuật hiện đại thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong cuộc sống... Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm túi sinh học thân thiện với môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng cho rằng để tạo sức lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường thông qua sử dụng các sản phẩm thân thiện, doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành Nhà nước cần tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Với những nỗ lực vì môi trường, bà Phan Thị Thúy Phượng (ở giữa) được tặng Bằng khen và kết nạp là thành viên chính thức của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Bà Phượng kiến nghị chính quyền, đoàn thể cần xây dựng và đảm bảo tính khả thi “lộ trình” giảm tỷ lệ sử dụng túi ni-lông truyền thống tại các tổ chức và cộng đồng dân cư; cần có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các loại thuế thu từ nguồn sử dụng trực tiếp và gián tiếp túi ni-lông truyền thống; đẩy mạnh chất lượng và số lượng các hoạt động tuyên truyền tac hại của túi ni-lông và rác thải nhựa đối với môi trường… Mai Thảo

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin COVID-19

TĐKT - Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm chủng vắc xin COVID-19 của COVAX trước ngày 5/5; địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi. Thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin của COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm nhanh chóng. Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng kế hoạch. Hiện nay đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người. Hệ thống giám sát của Chương trình tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Dẫn chứng của Bộ Y tế cho biết đối với vắc xin 5 trong 1 được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng có tỉ lệ phản ứng sau tiêm trên 50%. Theo Bộ Y tế, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước. Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Hôm qua (ngày 15/4), Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Hiện nay, đã có mạng lưới 1.500 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc. Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó, có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm… Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm… Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng. Tại Hội nghị, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng, chống COVID- 19. Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay. Hồng Thiết  

Ra mắt eMeeting – nền tảng họp trực tuyến cho chuyển đổi số

TĐKT – Sáng 16/4, tại Hà Nội, nền tảng họp trực tuyến eMeeting chính thức được giới thiệu tại “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Giới thiệu giải pháp eMeeting eMeeting được phát triển bởi sự hợp tác giữa Tập đoàn AIC và Tập đoàn Bkav, trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp, nén dữ liệu tối ưu, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với số lượng lên tới 200 điểm cầu, cung cấp chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt ngay cả trong điều kiện mạng yếu. eMeeting có đầy đủ các tính năng cần thiết của cuộc họp như đặt lịch, nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, chia sẻ video trực tuyến, quản lý, điều hành cuộc họp, biểu quyết… Với lợi thế là công ty an ninh mạng, nhà sản xuất cho biết eMeeting được thiết kế với hệ thống bảo vệ lên tới 9 lớp bảo mật, bao gồm bảo vệ kênh truyền; tường lửa; bảo vệ đầu cuối; mã hóa điểm cuối; mã hóa lưu trữ; mã hóa cơ sở dữ liệu; an ninh ứng dụng; an ninh thiết bị và xác thực người dùng. Với hệ thống bảo mật này, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng, không phải lo ngại các vấn đề mất an ninh khi họp trực tuyến như bị lộ nội dung cuộc họp hay có người lạ xâm nhập phòng họp như một số giải pháp nước ngoài đã gặp phải. “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” ra mắt các nền tảng chuyển đổi số trong năm 2020, được tổ chức theo format mới. Theo đó, bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện. Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam được chọn giới thiệu. Phương châm của chuyển đổi số năm 2021 là chủ động đi tìm và giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội. Đây cũng sẽ là kim chỉ nam của diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”, theo đó, các nền tảng được lựa chọn ra mắt trong khuôn khổ diễn đàn sẽ phải là những sản phẩm được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh đi giải những nỗi đau đó bằng công nghệ số. Phương Thanh  

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động

TĐKT - Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 sẽ được tổ chức từ 7h30 - 12h ngày 24/4 tại Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội (số 28, tổ 47, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội). Hội nghị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và xu thế của thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề. Họp báo giới thiệu về Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 Ban tổ chức cho biết Hội nghị sẽ diễn ra với 3 hoạt động chính: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT; hoạt động của phiên giao dịch việc làm. Ngoài ra, bên lề Hội nghị có các hoạt động: Trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ sơn ô tô... Hội nghị có quy mô tổ chức với 42 gian hàng tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; 22 gian trình diễn kỹ năng nghề, trưng bày giới thiệu mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành của học sinh, sinh viên và 9 mô hình thiết bị đào tạo tự làm. Hội nghị thu hút sự tham gia của 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 26 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện các doanh nghiệp đang liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, 28 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 1000 chỉ tiêu lao động tại phiên giao dịch việc làm, 6000 học sinh, sinh viên và người lao động. Năm 2021, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đề ra mục tiêu tuyển sinh và đào tạo mới cho 220.500 lượt người, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 71,5%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 50,5%. Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên, Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 là một trong nhiều hoạt động do Sở LĐ-TB&XH tổ chức, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT... hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Phương Thanh

Tăng cường liên kết đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, hội viên

TĐKT - Ngày 13/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Tăng cường liên kết hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật (KHKT) và Công đoàn Việt Nam, đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật" do Viện Công nhân, Công đoàn phối hợp Quỹ Châu Á (the asian foundation) tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn trong các hội KHKT và hội nghề nghiệp hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam. Dự hội thảo có ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Trưởng ban Điều hành dự án; ông Filip Graovac – Phó Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam. Toàn cảnh cuộc Hội thảo Lao động trình độ cao đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi đất nước. Tại Việt Nam, một phần lớn lực lượng lao động này là thành viên của các hội nghề nghiệp, hội KHKT. Trong quá trình hoạt động, những hội này phải đối diện với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực để có thể hoạt động hiệu quả, bền vững. Quỹ Châu Á và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy nhu cầu và cơ hội quan trọng để thúc đẩy việc tuân thủ các quyền lao động được quốc tế công nhận thông qua việc tăng cường năng lực cho các hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật, hướng tới việc thực hiện tự do liên kết. Do đó, Hội thảo tập trung trao đổi về các vấn đề thực tiễn, xác định trách nhiệm và đề xuất các mô hình, giải pháp để tổ chức Công đoàn Việt Nam và các hội nghề nghiệp, hội KHKT bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên trước những biến đổi phức tạp của tình hình đời sống, việc làm, xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Ông Vũ Minh Tiến chia sẻ tại Hội thảo Chia sẻ về kết quả Dự án, ông Vũ Minh Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm Dự án đã đưa ra bản khuyến nghị chính sách nhiều  nội dung. Trước hết là đối với các hội nghề nghiệp, hội KHKT thì cần phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao ở Việt Nam là góp phần thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn theo quy định pháp luật; nâng cao năng lực quản trị, nguồn lực cán bộ;  xây dựng và duy trì năng lực liên kết, tìm kiếm và duy trì nguồn lực tài chính của hội nghề nghiệp và hội KHKT. Đối với tổ chức công đoàn, cần tăng cường liên kết, xây dựng mối liên hệ công tác giữa các cấp Công đoàn Việt Nam với các cấp hội nghề nghiệp và hội khoa học kỹ thuật ở cấp trung ương và địa phương; có chiến lược phát triển đoàn viên, có các hình thức tập hợp người lao động ở mọi khu vực (chính thức và phi chính thức) để mở rộng độ bao phủ của tổ chức công đoàn đáp ứng nhu cầu chính đáng – khách quan là quyền có đại diện và được đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Bên cạnh các hình thức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, cần có các hình thức đa dạng khác theo nhu cầu phong phú của thực tiễn như: Công đoàn/nghiệp đoàn ghép, liên kết mềm; liên kết mềm giữa công đoàn với các hội, hiệp hội, tổ chức hoặc các hình thức tập hợp, đại diện khác của người lao động có cùng mục đích nói lên tiếng nói của người lao động, đại diện bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của mọi người lao động. Đối với Quốc hội và Chính phủ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế đã ký kết, trong đó bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế về quyền lao động và quyền công đoàn trong các khu vực chính thức và phi chính thức… Tại Hội thảo đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị được đưa ra, tập trung vào nội dung chính: Tăng cường liên kết hội nghề nghiệp, hội KHKT và Công đoàn Việt Nam, đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật. Kết quả Hội thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện Liên hiệp hội KHKT, các hội nghề nghiệp cũng thấy được thực trạng các vấn đề và các tiềm năng liên kết. Mô hình và nhận thức về vấn đề liên kết hiện nay vẫn chưa đầy đủ nhưng với nội dung tại Hội thảo, đã có nhiều thông tin được đưa ra, một vài mô hình đã được thí điểm trên thực tế đã đem lại nhiều thành công nhất định. Hội thảo nhấn mạnh đến các hình thức liên kết như ký kết văn bản phối hợp, đặt hàng công việc, nhiệm vụ thông qua các mục tiêu chung, thành lập các nghiệp đoàn, hay liên kết với các tổ chức Công đoàn địa phương, thậm chí là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông qua các  góp ý kiến nghị xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên là người lao động theo quy định của pháp luật. Ngọc Tú    

Khơi dậy khát vọng chinh phục không gian

TĐKT - Sáng 12/4, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra chương trình "Khát vọng chinh phục không gian", giao lưu với Trung tướng Phạm Tuân, phi công vũ trụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Liên Xô, Chủ tịch danh dự Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam. Chương trình do Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam (VASA) phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và một số trường đại học tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Vũ trụ Thế giới (12/4/1961 - 12/4/2021). Trung tướng Phạm Tuân kể lại ký ức về chuyến bay lên vũ trụ 41 năm trước Tại buổi giao lưu, Trung tướng Phạm Tuân đã kể lại những ký ức không quên của mình về chuyến bay lên vũ trụ 41 năm trước, những cảm xúc trong khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy trái đất từ vũ trụ... 41 năm trước, vào ngày 23/7/1980, ông cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 và trở về Trái Đất ngày 31/7 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô khác. Nhớ lại những ngày ấy, Trung tướng Phạm Tuân bảo rằng nó vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Với nhiều người, bay vào vũ trụ là ước mơ nhưng không phải ai cũng làm được. Khi bay vào vũ trụ, ông đã mang theo lá cờ Tổ quốc, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập… Bên cạnh đó, nhà khoa học vũ trụ trẻ Phạm Gia Vinh đã chia sẻ về quá trình chinh phục tầng bình lưu của mình bằng cả niềm đam mê cháy bỏng. Anh và nhóm cộng sự đã đưa được một người và ba con chuột lên tầng bình lưu. Ước mơ của Phạm Gia Vinh là biến Việt Nam thành một trung tâm vũ trụ để cung cấp dịch vụ bay vào tầng bình lưu cho cả thế giới. Các đại biểu giao lưu trong Chương trình Nhân dịp này, Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học, học viện: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không - Không quân, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học FPT, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Công ty Hanoi Telecom. Theo đó, các đơn vị sẽ hợp tác chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ về hàng không - vũ trụ; hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận các thông tin và tài liệu được cập nhật mới nhất cũng như phổ biến kiến thức hàng không - vũ trụ trong học sinh, sinh viên và cộng đồng. Hợp tác nghiên cứu về khoa học hàng không - vũ trụ qua các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình ứng dụng khoa học công nghệ mà hai bên có tiềm năng. VASA thông qua Hội đồng Khoa học và Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ của Hội sẽ đưa ra các tiêu chuẩn và đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học khả thi của học sinh, sinh viên trường để tài trợ giúp các em hiện thực hóa đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Trường đại học, học viện sẽ tạo mọi điều kiện để thầy cô và học sinh, sinh viên của trường tham gia các hoạt động khoa học, các sự kiện của Hội dưới hình thức đăng ký trở thành hội viên/cộng tác viên tham gia các hoạt động của Hội như nghiên cứu khoa học, viết bài cho các chuyên mục "Vũ trụ học", "Hàng không và đời sống"... góp phần lan tỏa đam mê khoa học, công nghệ, đặc biệt về lĩnh vực hàng không - vũ trụ trong học sinh, sinh viên và cộng đồng. Các bên hợp tác tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc các hình thức khác để chia sẻ tầm nhìn, thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng... về lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực hàng không - vũ trụ gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. Tại sự kiện, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đã công bố cuộc thi "Thiết kế, chế tạo và trình diễn phương tiện bay không người lái Việt Nam lần thứ I" (Robobay) dành cho học sinh, sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước và sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Cuộc thi do Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam kết hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Lễ phát động và công bố thể lệ cuộc thi sẽ được tổ chức vào Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5/2021. Phương Thanh

Trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho GS. Trần Phương, Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

TĐKT - Vừa qua, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho GS. Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. GS. Trần Phương hiện là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam sinh hoạt tại chi bộ cơ quan Hội Khoa học và Kinh tế Việt Nam thuộc Đảng bộ liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đồng chí Phạm Quang Thao - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao Huy hiệu cho GS. Trần Phương. GS. Trần Phương sinh năm 1927, tên thật là Vũ Văn Dung. Sau thời gian tốt nghiệp Trường Bưởi, khi mới 16 tuổi, ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Gần như suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở vùng địch hậu đồng bằng sông Hồng, đảm nhiệm nhiều trọng trách khi còn rất trẻ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được Trung ương cử sang Trung Quốc để đào tạo về lý luận ở Học viện Mác - Lênin. Sau 2 năm, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế thuộc Đại học Tổng hợp nay là Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự nghiệp cống hiến của ông bắt đầu từ đó. GS. Trần Phương - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, GS. Trần Phương được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Do có nhiều thành tích đóng góp cho nền kinh tế nước nhà nên cùng năm đó GS. Trần Phương đã được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, sau đó được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng phụ trách 6 Bộ, trong đó có cả Ủy ban Vật giá Nhà nước. Sau khi về hưu, với ước mơ và mong muốn được làm nghề đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, năm 1996, GS.Trần Phương đã thành lập Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, đất nước.   Đồng chí Phạm Quang Thao - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi lời chúc mừng đến GS.Trần Phương. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Quang Thao - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bày tỏ niềm vui và vinh dự khi đến trao huy hiệu cho GS. Trần Phương; đồng thời chúc thầy luôn luôn mạnh khỏe và là tấm gương sáng để các thế hệ Đảng viên trẻ noi theo, đóng góp thật nhiều cho xã hội, đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng Đảng. TS. Đỗ Quế Lượng - Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội thay mặt cho BGH và Hội đồng Quản trị gửi lời chúc mừng đến GS. Trần Phương. TS. Đỗ Quế Lượng - Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đã thay mặt cho BGH và Hội đồng Quản trị gửi lời chúc mừng đến GS. Trần Phương - Hiệu trưởng, người sáng lập và là người quản lý chỉ đạo trực tiếp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong suốt 25 năm qua, để hôm nay trở thành một cơ sở giáo dục Đại học uy tín và chất lượng của đất nước. Thầy cũng gửi đến GS. Trần Phương lời chúc sức khỏe tốt để có thể tiếp tục lãnh đạo trường ngày một vững mạnh hơn, nâng cao uy tín, vị thế của trường với Việt Nam và khu vực. Đồng thời TS. Đỗ Quế Lượng cũng gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy Khối đã dành sự quan tâm cho Nhà trường và GS. Trần Phương. Nguyễn Quỳnh

Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến

TĐKT - Ngày 9/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến với nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, Bệnh viện, cần phải làm ngay. Thực tế đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã có phát triển hệ thống này. Hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay mỗi đơn vị (đã triển khai) lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ. Vì thế, nền tảng không được sử dụng chung. Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến Hiện tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến rất thấp. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa - nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng. Hơn nữa, tại các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch. Trong hội nghị chuyển đổi số y tế tháng diễn ra cuối năm 2020, Bộ Y tế đã đưa ra "mục tiêu tham vọng" là từ 1/7/2021 phải đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc. Thực tế, hiện nay, BHXH đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ BHYT và mã số BHXH. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khỏe điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khỏe. Điều đáng nói, những thông tin trên hồ sơ sức khỏe này đang dừng ở dạng "tĩnh" (tức là chưa khai thác, liên thông được). Vì thế, hồ sơ sức khỏe điện tử này phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa. Hệ thống hồ sơ sức khỏe và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến này cần kết nối với các dịch vụ y tế khác khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Đặc biệt tới đây, việc quản lý người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hóa" đồng thời liên thông với hồ sơ sức khỏe của người dân, nhằm quản lý sức khỏe suốt đời. Yêu cầu đầu tiên Bộ trưởng đặt ra với hệ thống này là người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào… Yêu cầu thứ 2 là chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân (hệ thống toàn tuyến), giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó. Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện ra thì tất cả hồ sơ sức khỏe bệnh nhân (đăng ký đó) đã có trong phần mềm này, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó). Qua phần mềm này, bác sĩ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị. Bộ trưởng nhấn mạnh, triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng "2 tháng khám 80 lần" như báo chí vừa phản ánh. Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khỏe này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khỏe người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định,… trong đơn thuốc. Bộ trưởng lưu ý, với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này được cung cấp miễn phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản lý. "Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT". Điều này có nghĩa là, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú. Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy. Bổ sung về những tiện ích hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến nêu trên, Bộ trưởng gợi ý hệ thống cần tích hợp chức năng khai báo y tế phòng dịch COVID-19 trực tuyến với người đến các cơ sở khám chữa bệnh, tránh phiền nhiễu, xếp hàng, mất thời gian và gây ùn ứ. Điều này sẽ hướng tới ứng dụng hồ sơ sức khỏe của người dân sau khi tải về điện thoại thì khi đến cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR code là đã chứng minh được sự có mặt tại cơ sở y tế đó, chi tiết tới từng các khoa phòng. La Giang

Trang