Chính trị - Xã hội

Cần gấp rút thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại Cần Thơ

TĐKT - Việc thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Cần Thơ mà còn cho các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ để sẵn sàng đối phó với tình huống dịch có các ca bệnh nặng. Cần triển khai ngay bệnh viện này, trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần… Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác Bộ Y tế làm việc Bệnh viện dã chiến – Tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vấn đề trọng tâm và quan ngại hiện nay đối với khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có TP Cần Thơ là nếu xuất hiện ca bệnh lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các địa phương sẽ phản ứng lúng túng hơn trong cách ly, điều trị, bởi lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca nhập cảnh được phát hiện trong các khu cách ly. Bộ trưởng hoan nghênh các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ và BVĐK TP Cần Thơ cùng phối hợp để thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường bệnh. Theo đó, việc thành lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Cần Thơ, mà còn để điều trị các ca bệnh nặng của cả khu vực. Trước tình hình đó, Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh, BV Chợ Rẫy phối hợp với BVĐK Trung ương Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập BV dã chiến vùng tại TP Cần Thơ trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần để chúng ta sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Lúc đó sẽ không phải chuyển bệnh nhân nặng lên BV Chợ Rẫy điều trị. Đồng thời giao bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập các BV dã chiến tại địa phương này. Đề nghị chính quyền TP Cần Thơ quan tâm đến việc xây dựng BV dã chiến. Bộ Y tế tặng ngành Y tế Cần Thơ 2 máy thở cao cấp Bennet 640; 61 máy thở VFS410; 20 máy thở Eliciae MV20; 300.000 khẩu trang y tế; 2.000 khẩu trang và 3.000 quần áo chống dịch Phải có đơn vị hồi sức tích cực Việc thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) trong bệnh viện dã chiến vùng là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu BV Chợ Rẫy phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập phòng ICU này, có tính toán đến khả năng mở rộng. Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Đây là chỉ đạo hết sức quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ. Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy xây dựng BV dã chiến tại Hà Tiên - Kiên Giang. Hiện nay BV này sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, BV dã chiến vùng tại TP Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, phải xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện công tác chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác. BV dã chiến vùng này sẽ là “cánh tay nối dài” của Bộ Y tế, của BV Chợ Rẫy trong điều trị. Nhiệm vụ số 1 của BV dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Theo đó, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 sắp tới, nhưng hiện có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm COVID-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn. Nếu để xảy ra dịch tại khu vực này sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh xã hội đến phát triển kinh tế. TP Cần Thơ đã triển khai đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế. Mặc dù thời gian qua đã liên tục tiếp nhận cách ly nhiều chuyến bay và có ca bệnh nhập cảnh, nhưng Cần Thơ đã làm tốt công tác cách ly, không để ca bệnh lây lan ra ngoài. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ lưu ý thực hiện đúng, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không lơ là mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, thực hiện yêu cầu “5K”, thực hiện khai báo y tế tự nguyện… Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch. Cần tiến hành khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn. Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương mình, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực. Thứ hai, tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Dịch COVID-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng. Do đó, càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế - xã hội. Cần giám sát, sàng lọc, xét nghiệm và phát hiện sớm ca bệnh nghi nghờ tại các khu vực trọng yếu của các cơ sở y tế, vì ca bệnh hay được phát hiện ở bệnh viện. Thứ ba, phải chuẩn bị kịch bản về cơ sở cách ly. Bài học đắt giá trong phòng, chống dịch là nếu chúng ta cách ly cùng 1 thời điểm nhiều người, trong 1 khu vực thì nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly là không tránh khỏi. Chuẩn bị cách ly tập trung từ tuyến phường, xã nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ và các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và coi như đang có dịch; đồng thời coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra. Hồng Thiết  

Chuỗi Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021

TĐKT - Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” với chủ đề Vòng tuần hoàn của Nhựa là sự kiện tổng kết chuỗi dự án Plastic Action Network (PAN) cùng với quỹ Coca-Cola toàn cầu đã diễn ra vào ngày 24 - 25/04/2021 tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dự án Clean Up 2021 hành động vì một Hạ Long xanh Từ tháng 8/2018, dự án Plastic Action Network (PAN) do quỹ Coca-Cola toàn cầu tài trợ được thành lập với mục đích “Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub đã kết nối các bên liên quan cùng thực hiện 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), hình thành lối sống thân thiện với môi trường trên nền tảng khoa học, lợi ích xã hội, và bền vững tại thành phố Hạ Long, và Vịnh Hạ Long, hướng tới nhân rộng áp dụng trên cấp quốc gia. Trong hơn 2 năm hoạt động dự án, GreenHub đã đạt được một số thành tựu như sau: 2,481,548 triệu chai nhựa được thu gom; tương đương với 36,986 kg; 167,7 triệu đồng thu được từ việc bán chai nhựa và kinh doanh các sản phẩm tái chế; 4000 kg nhựa được tái chế, tái sử dụng. Ngoài ra, dự án PAN còn hướng đến thế hệ tương lai qua các sự kiện, chương trình: Cuộc thi Hùng biện Green Talk 2019; 17 sự kiện, hội thảo cho thanh niên được tổ chức; 4 Câu lạc bộ được tổ chức và thúc đẩy hành động; 3 sự kiện thanh niên được tài trợ thực hiện. Đội Bộ Tứ Xanh đạt giải Nhất cuộc thi GreenTalk 2021 Trong khuôn khổ Ngày hội Kết nối Xanh, dự án Clean Up 2021 đã được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 với mục đích “Hành động vì một Hạ Long Xanh - hướng đến một Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa.” Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” diễn ra tại Sun World Hạ Long Complex, thành phố Hạ Long chính là điểm nhấn để tổng kết lại hành trình mà dự án đã thực hiện cũng như hướng tới việc nâng cao nhận thức của người dân Quảng Ninh về môi trường và rác thải nhựa; tạo không gian kết nối, giới thiệu giới thiệu các sản phẩm xanh đặc biệt là công nghệ tái chế, mô hình và ý tưởng tái chế - tái sử dụng rác thải nhựa đến người dân Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; truyền cảm hứng sống xanh, lối sống giảm rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; khuyến khích cộng đồng chung tay giữ thành phố Hạ Long sạch và xanh. Chương trình “Ngày hội Kết nối Xanh 2021” tạo nên một không gian kết nối, nâng cao nhận thức về môi trường cũng như truyền tải ý tưởng, thông điệp sống xanh thông qua các công trình nghệ thuật từ rác nhựa, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về rác nhựa Rung Chuông Xanh, cuộc thi hùng biện về môi trường GreenTalk mùa 2 cùng các hoạt động thú vị khác đan xen. Nghệ thuật từ nhựa, mang đậm nét riêng của Hạ Long Ngoài ra, đây còn là một địa điểm đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp, cá nhân giới thiệu các sản phẩm xanh, đặc biệt là công nghệ tái chế, mô hình và ý tưởng tái chế - tái sử dụng rác thải nhựa đến người dân Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Qua đây, Ngày hội Kết nối Xanh là nơi để khuyến khích cộng đồng hướng đến sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa và chung tay gìn giữ thành phố Hạ Long sạch và xanh. Phương Linh  

"Hành trình SV - OK" - nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản cho sinh viên

TĐKT - Ngày 24/4, tại Trường Đại học Y khoa Vinh (tỉnh Nghệ An), Tạp chí Thanh niên phối hợp với Tổ chức DKT tại Việt Nam, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên với chủ đề "Hành trình SV - OK". Nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích đã diễn ra trong chương trình như: Tổ chức cuộc thi sân khấu hóa mang thông điệp tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong sinh viên góp phần giảm tỷ lệ nạo phá thai và các bệnh lây truyền về tình dục và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm bao cao su, thuốc phòng, chống nạo phá thai và cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai an toàn trong việc phòng, chống nạo phá thai và các bệnh truyền nhiễm qua đường quan hệ tình dục. Ban tổ chức cũng tặng 500 chiếc áo cho sinh viên tham dự chương trình; phát bao cao su và thuốc tránh thai miễn phí cho sinh viên và người dân khu vực địa điểm diễn ra tổ chức. Ngoài ra, dịp này, các chuyên gia về sức khỏe sinh sản đã có những trao đổi và tư vấn cho sinh viên về tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại... Trao giải cho các đội thi sân khấu hóa tìm hiểu về sức khỏe sinh sản Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có hơn 2 triệu sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Giới trẻ hiện nay đang ngày càng có suy nghĩ và quan niệm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ có quan niệm tình yêu đi liền với tình dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý muốn. Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh. Hoạt động tặng bao cao su và thuốc tránh thai cho sinh viên tham gia chương trình Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên – thanhnienviet.vn, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AID, nạo phá thai cần có kế hoạch hành động cụ thể với sự chung tay của nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội bởi thách thức lớn nhất trong việc hạn chế tình trạng này là nhận thức, quan niệm của cộng đồng. Chúng ta cần có cách nhìn thực tế về lối sống của giới trẻ và xu thế phát triển của họ để có chương trình cụ thể nhằm tăng cường nhận thức về tình dục an toàn và ngừa thai hợp lý, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, đại diện Tổ chức DKT International tại Việt Nam chia sẻ: “DKT International đã có mặt tại Việt Nam trong suốt 28 năm qua, chúng tôi đã và đang có những hoạt động hỗ trợ hết sức ý nghĩa đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và đặc biệt là các hoạt động nhằm giảm tỉ lệ giảm phá thai lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam. Tổ chức DKT International tại Việt Nam đã tổ chức, đồng hành với các hoạt động tương tự tại một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Sơn La… Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục sứ mệnh của DKT International, được đồng hành cùng các bạn sinh viên trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản; cung cấp các giải pháp phòng tránh thai và các bệnh lây qua đường tình dục an toàn và hiệu quả. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của các bạn, đúng như thông điệp của chương trình “SV – OK”. Hưng Vũ

Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, Thủ tướng ra công điện tăng cường phòng, chống

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở một số nước láng giềng. Trong nước, nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Nội dung công điện như sau: Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vắc xin phòng bệnh. Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 1- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề liên ngành, vượt thẩm quyền; đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp: a) Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. d) Chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch. đ) Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. e) Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. 3- Bộ Y tế: a) Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh. b) Rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong các sự kiện, hoạt động có tập trung đông người, tại các cơ sở thường xuyên tập trung đông người. c) Khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc xin bị quá hạn. Tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. d) Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. 4- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam. 5- Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết sẵn sàng mở rộng đối tượng nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên tinh thần phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn. Các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. 6- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định./. Theo chinhphu.vn

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống COVID-19 với mong muốn hợp tác, hỗ trợ Campuchia cùng thực hiện hiệu quả, đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh, ngày 22/4, GS. TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với ngài Mam Buncheng – Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao nỗ lực, giải pháp chống dịch của Campuchia. Họp trực tuyến tại đầu cầu Bộ Y tế (Việt Nam) Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, một trong những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch là huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng, chống dịch. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ phía nước bạn trong công tác phòng, chống dịch. Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác điều trị là tất cả các cơ sở tham gia điều trị đều được kết nối với nhau để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó. Hội chẩn từ xa, là bài học đã rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Trong đợt dịch thứ 3 này, mặc dù có nhiều ca bệnh nặng, nhưng Việt Nam đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong. Nếu ngài Bộ trưởng Campuchia đồng ý, cơ sở điều trị của Campuchia sẽ được kết nối với Việt Nam và Việt Nam sẽ cử bác sĩ, chuyên gia trao đổi cùng bác sĩ điều trị của Campuchia làm sao để việc điều trị hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sĩ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu từ nước bạn. Đầu cầu phía nước bạn Campuchia Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch là hết sức cấp bách và cần thiết với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động động nguồn lực của nhà nước và nhân dân quyết định hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác. Nếu như Campuchia đồng ý, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiến hành vận chuyển sang Campuchia sớm nhất, có thể vào thứ 7 này, hãng hàng không của Việt Nam sẽ vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay Phnom Penh của Campuchia. Đây là một trong những hỗ trợ lớn nhất của Việt Nam cho các nước phục vụ công tác phòng,chống dịch COVID-19 từ trước tới nay. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam do hiện nay tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Phía Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh phòng, chống dịch khu vục biên giới. Bộ trưởng cũng cảm ơn nước bạn Campuchia trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia trong chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam mong muốn Campuchia nhanh chóng vượt qua những khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân Campuchia, trong đó có cả người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia. Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia bày tỏ sự cảm ơn đến những quan tâm của Việt Nam đối với công tác phòng, chống dịch của Campuchia và cho biết sẽ có những trao đổi chính thức về tiếp nhận hỗ trợ của Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao. Hồng Thiết  

Giúp người dân Mường Lát tìm kiếm cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo

TĐKT - Ngày 19/4/2021, tại Trung tâm Hội nghị huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h – chi nhánh Thanh Hóa (JAPAN24H) đã tổ chức chương trình ra mắt chi nhánh thông qua Lễ tiễn bay cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Qua buổi lễ, người lao động và nhân dân trên địa bàn có thêm nhiều hiểu biết về các hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm trong, ngoài nước. Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, các trưởng khu, thôn bản, đại diện ban giám hiệu các trường THPT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người dân lao động trên địa bàn, trong đó bao gồm các học viên và phụ huynh học sinh đã từng tham gia học tập tại JAPAN24H. Ông Phạm Văn Toản – Giám đốc chi nhánh JAPAN24H Thanh Hóa phát biểu tại Lễ tiễn bay Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Văn Toản – Giám đốc JAPAN24H - chi nhánh Thanh Hóa đã thông báo các nội dung hoạt động của chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa được thực hiện theo Nghị định 196/2013/NĐ-CP Ngày 21/11/2013 và Nghị định 52/2014/NĐ-CP ngày 23/05/2014 của Chính phủ về hoạt động dịch vụ việc làm. Ngoài ra, trong thời gian tới, JAPAN24H tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh để thực hiện các hoạt động tư vấn du học theo hướng dẫn tại Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính chủ quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/04/2014 Quy định về Quản lý công dân Việt Nam đi học tập ở nước ngoài; Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư trong hoạt động giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017 quy định về đầu tư hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát phát biểu tại buổi lễ Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp tổ chức “Lễ tiễn bay” cho người lao động tại huyện, là nội dung thiết thực, ý nghĩa, gắn kết giữa doanh nghiệp sử dụng lao động, đơn vị dịch vụ việc làm và người lao động, tạo cơ hội để các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có thêm nhiều thông tin thiết thực nhằm tư vấn, định hướng cho người dân trong thời gian tới. Ông Mai Xuân Giang mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, định hướng nhiều hơn nữa, tạo cầu nối kết nối thêm nhiều doanh nghiệp đến với huyện để giúp cho người dân tại địa phương hiểu thêm về các chính sách lao động, việc làm, chương trình lao động trong và ngoài nước, các chương trình du học nước ngoài. Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h đã khái quát về doanh nghiệp và chức năng hoạt động chính là hỗ trợ giáo dục, trong đó thực hiện chức năng đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học, dịch vụ việc làm. Ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Nhật Bản 24h phát biểu tại buổi lễ Ông Biên cho biết: Với sứ mệnh kết nối cung cầu lao động, công ty luôn tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, có uy tín để kết nối, hỗ trợ người lao động tiếp cận trực tiếp, nhằm tìm kiếm các công việc phù hợp với chế độ đãi ngộ cao, phù hợp với năng lực của người lao động. Hiện nay, công ty có mạng lưới chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm tiếp nhận hồ sơ rộng ở nhiều tỉnh thành và cơ sở trong và ngoài nước, đảm bảo sự kết nối thông suốt theo tiêu chí “24h” để hỗ trợ học viên của mình tốt nhất. Đại diện công ty trao quà lưu niệm cho người lao động dự Lễ tiễn bay Tại buổi lễ, đại diện công ty JAPAN24H đã trao quà lưu niệm để tri ân người lao động trong đợt tiễn bay. Nhân dịp này, công ty trao 10 suất học bổng du học hệ vừa học vừa làm tại Đài Loan cho 10 học sinh khối lớp 12 trường THPT huyện Mường Lát để giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực và thành tích tốt trong học tập; đồng thời tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho các học sinh, người lao động trên địa bàn. Ông Phạm Văn Toản và ông Mai Xuân Giang tặng học bổng cho học sinh huyện Mường Lát Cuối cùng là phần tọa đàm về các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu lao động, du học, việc làm trong nước, các chính sách hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu nhằm xóa đói giảm nghèo. PT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương

TĐKT - Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng; là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng, các quy định của pháp luật có liên quan… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc Đặc biệt, về biên chế và tình hình sử dụng biên chế, năm 2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được Bộ Nội vụ giao 74 biên chế, công chức đơn vị hành chính và 21 viên chức đơn vị sự nghiệp. Tính đến tháng 3/2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban; 5 Vụ trưởng và tương đương; 11 Phó Vụ trưởng và tương đương; tổng số công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Ban có 102 người. Trong thời gian qua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung chỉ đạo các vụ, đơn vị và công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ được giao trong chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Chủ động tham mưu, đề xuất với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thi đua, khen thưởng: Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo tại buổi làm việc Đồng thời, Ban cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tham mưu chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Cùng với đó, Ban triển khai áp dụng các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2005 tại cơ quan. Thực hiện sắp xếp kho lưu trữ hồ sơ khen thưởng cấp nhà nước phục vụ nhân dân việc tra cứu, xác nhận khen thưởng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Quang cảnh buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời gian qua đã xây dựng một tập thể đoàn kết, quyết tâm đổi mới. Đặc biệt trong năm 2020, Ban đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện Đại hội Thi đua yêu nước cấp bộ, cấp tỉnh và tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong nhân dân và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Đồng thời, thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, Ban đã thúc đẩy được phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực để toàn dân, toàn quân hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao… Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng một cách toàn diện, đồng bộ, tạo sự lan tỏa sâu rộng và hiệu quả cho xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc và phát huy tốt hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước. Trong năm 2021 cần rà soát, đánh giá một cách bài bản về tổ chức bộ máy của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. La Giang

Cần tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Kiên Giang

TĐKT - Với hơn 56 km đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ”, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn. Công tác phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện. Các phương án, kịch bản phòng, chống ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng sẵn sàng cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với tỉnh Kiên Giang Quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, trong thời gian vừa qua, khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Tỉnh đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát; tăng cường kiểm soát người và hàng hóa nhập cảnh qua cửa khẩu; nâng cao khả năng thu dung cách ly tập trung, kích hoạt các khu cách ly tập trung sẵn sàng cho các tình huống gia tăng số lượng trường hợp cách ly; đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát COVID-19 để phát hiện sớm các ca bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện tốt thông điệp 5K…. Để triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là không để xảy ra các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng từ các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như sẵn sàng các điều kiện cách ly, thu dung, tiếp nhận điều trị ngay tại tuyến đầu khi có các tình huống dịch bệnh xảy ra, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế có hỗ trợ cho tỉnh trên nhiều mặt như: Nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ các trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, đặc biệt là xem xét hỗ trợ 2 máy Real time RTR-PCR để xét nghiệm khẳng định COVID-19… Nâng cao hiệu quả và năng lực điều trị nhất là các trường hợp đòi hỏi kỹ thuật cao như ICU, ECMO. Cùng với đó, ưu tiên phân bổ vắc xin cho tỉnh Kiên Giang trong các chương trình phân bổ vắc xin sắp tới, kiến nghị mở rộng cho các đối tượng tình nguyện viên cũng như đề xuất phương án tiêm vắc xin cho người dân trên đảo Phú Quốc để tạo tiền đề cho công tác du lịch, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế… Sẵn sàng hỗ trợ địa phương GS. TS Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật đồng thời khuyến nghị một số nội dung trọng tâm địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc Gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành và của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển; tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”; tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Kiên Giang cũng cần tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khằng định, Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật, đồng thời khuyến nghị một số nội dung trọng tâm địa phương cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành và của địa phương. Thứ hai, thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ  biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển. Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Thứ tư, tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh tiềm ẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Thứ năm, tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiệm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra. Về nội dung này, Bộ trưởng giao viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm việc với địa phương để hỗ trợ địa phương thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm của địa phương. Thứ sáu, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản cách ly, phong tỏa, phòng, chống dịch trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra kể cả các phương án xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch bệnh lây lan trên diện rộng hay trường hợp gia tăng đột biến số ca bệnh nhập cảnh về nước. Kịch bản cần được xây dựng và quán triệt theo từng cấp độ khác nhau, phù hợp với tình hình từng huyện cụ thể nhằm đảm bảo sự chủ động ứng phó khi có tình huống phát sinh thực tế. Thứ bảy, chủ động các phương án, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác điều trị; xây dựng các phương án thiết lập khu vực lưu trú, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng, tập huấn, hướng dẫn y tế địa phương có thể làm chủ các tình huống khó, các ca bệnh nặng để thực hiện tốt đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hồng Thiết

Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế

TĐKT - Ngày 20/4, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa và giao nhiệm vụ bệnh viện phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế. Ngay khi đến bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà, động viên những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực; khu vực Tele ICU của bệnh viện. GS. TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo của BSCKII Lê Văn Sĩ - Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh viện có quy mô 1.200 giường bệnh, hệ thống trang thiết bị hiện đại, mỗi ngày tiếp nhận thăm khám khoảng 1.500 - 1.700 bệnh nhân ngoại trú; chạy thận khoảng 200 - 250 bệnh nhân. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, ghép thận, phẫu thuật khớp háng, tim mạch... làm được ECMO. Phát biểu tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, GS. TS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và biểu dương những kết quả bệnh viện đã đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, cũng như những thay đổi của bệnh viện trong thời gian qua. “Bệnh viện đã có nhiều thay đổi, những buồng bệnh chúng tôi đến thăm đều thấy sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, đồng thời bệnh viện đã triển khai chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập khu vực Tele ICU cùng các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 24/24h để chuyên gia tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới trong điều trị các bệnh nặng. Việc này đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giúp người dân không phải chuyển tuyến”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với BVĐK tỉnh Thanh Hóa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao nhiệm vụ ngay từ bây giờ bệnh viện phải rà lại tất cả các yếu tố từ đầu tư, cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật… trong đó, đặc biệt lưu ý đến yếu tố nhân lực và kỹ thuật để đến năm 2024 phải hoàn thành mục tiêu trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế. Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giao cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế hỗ trợ cho BVĐK tỉnh để thực hiện mục tiêu này. Nhân dịp này, Bộ Y tế đã tặng BVĐK tỉnh Thanh Hóa 2 máy thở Bennet 840; 10 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số và 10 bơm tiêm điện. Hồng Thiết  

Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

TĐKT - Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn tạo sự gắn kết của khối doanh nghiệp FDI nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ). Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh Đóng góp hiệu quả cho công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT Trong những năm qua, doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Riêng đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước là 26.066 đơn vị chiếm 6,8% so với tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN; với tổng số người tham gia BHXH là hơn 4,7 triệu người, bằng 43,1% so với tổng số người tham gia BHXH thuộc khối doanh nghiệp; tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối doanh nghiệp; mức lương bình quân tham gia BHXH là hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,9% so với mức bình quân chung của khối doanh nghiệp. Đến tháng 3/2021, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 26.987 đơn vị, tăng 3,53% so với năm 2019 với tổng số người tham gia là 4.979.354 người, tăng 5,9% so với năm 2019; mức lương bình quân tham gia BHXH, BHYT, BHTN là hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2019. Tính riêng khối doanh nghiệp Hàn Quốc, tại Việt Nam đang có 4.559 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 1,31 triệu người (trong đó có 1,29 triệu người Việt Nam và trên 12.000 người nước ngoài) với số thu BHXH chiếm gần 25% tổng thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Không những góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, công tác này là động lực để doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách bền vững. BHXH Việt Nam - Đồng hành vì sự hài lòng của NLĐ và doanh nghiệp Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như doanh nghiệp, đồng thời thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI, trong những năm qua, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản, hướng tới đảm bảo ngày một tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội của người tham gia. Minh chứng rõ nét thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động. Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BNTN, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trên tinh thần đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động đưa ra các một loạt các giải pháp cụ thể như: Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách; triển khai Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Anh; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH… Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các TTHC của ngành; đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đã có 15 dịch vụ công của ngành và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp như: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra; đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ BHTN cho người tham gia… Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiếtbị di động (ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số) nhằm mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đây có thể coi là bước đột phá về ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam. Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam có quy định NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc. Để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ hai nước và trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng sẽ ký kết thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của NLĐ mỗi nước. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội làm việc với các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để sớm hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần thỏa thuận cấp cao của Chính phủ hai nước. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; sẵn sàng giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thủ tục hành chính theo thẩm quyền của BHXH Việt Nam; đồng thời cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cả NLĐ tại doanh nghiệp FDI và NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng mong muốn, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Có thể khẳng định, đối thoại là một trong những phương thức tăng cường sự gắn bó giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; đồng thời giúp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với các doanh nghiệp một cách trực diện, hiệu quả nhất. Sự kiện này còn thể hiện quyết tâm của ngành BHXH Việt Nam trong việc đồng hành với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Hồng Thiết

Trang