Chính trị - Xã hội

Chuyên gia y tế Việt Nam hỗ trợ nước bạn Lào kiểm soát hiệu quả dịch

TĐKT - Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp chuyến công tác hỗ trợ CHDCND Lào trong phòng, chống dịch COVID-19. Sự hỗ trợ hiệu quả của Đoàn đã giúp Lào kịp thời ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19, ổn định cuộc sống. Với thời gian hoạt động gần 1 tháng tại Lào, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã trực tiếp đi thực tế và khảo sát ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet và tại thủ đô Viêng Chăn. Đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng/ xã có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao, các cơ sở cách ly tập trung, đơn vị xét nghiệm, bệnh viện dã chiến, bệnh viện đa khoa các tỉnh, trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân. Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sĩ của các bệnh viện tại các địa phương; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nphòng chống dịch; chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn… Đoàn công tác cũng đã hỗ trợ phía Lào khảo sát, đánh giá tình hình và hướng dẫn các giải pháp kiểm soát, dập dịch, quản lý ca bệnh, công tác quản trị điều hành, bảo đảm vệ sinh tại các cơ sở điều trị cho người bệnh COVID-19... Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Bệnh viện Đa khoa Savannakhet Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Việt Nam và qua quá trình khảo sát thực tế, đoàn chuyên gia y tế đã đưa ra những nhận định quan trọng về các nguy cơ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch COVID-19 tại các địa phương đã được khảo sát và kịp thời có các đề xuất để tiếp tục tăng cường bảo đảm phòng, chống dịch tại Lào. Theo đó, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất với nước bạn Lào cần xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và năng lực đáp ứng y tế từng vùng. Thiết lập tổ chuyên gia giúp việc phục vụ Ban chỉ đạo Quốc gia thu thập các thông tin đa ngành, đa lĩnh vực một cách chính xác, đầy đủ và tin cậy để có được thông tin và bằng chứng phong phú nhất phục vụ việc ra quyết định can thiệp cộng đồng phù hợp. Ngoài ra, đối với vấn đề nâng cao năng lực thu dung, quản lý điều trị COVID-19, đoàn chuyên gia y tế cũng đề xuất cần thống nhất thực hiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, bổ sung chỉ định cận lâm sàng khi nhập viện. Về năng lực chuyên môn, có thể nói hiện tại mới chỉ có thể dừng lại ở mức độ cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, nhưng chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn với các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine. Có kế hoạch chung về thu dung, quản lý điều trị, cấp cứu COVID-19 chung của quốc gia và hướng dẫn các địa phương thống nhất lên kế hoạch theo các cấp độ dịch. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống COVID-19 nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống dịch, có các hướng dẫn quốc gia cần đi kèm với các thông điệp truyền thông và chiến lược truyền thông phù hợp. Chia sẻ về tình hình thực tế tại Lào và những nguy cơ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đất nước bạn, TS. BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác cho biết: Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ trung ương đến địa phương của Lào đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19; các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, TS. BS Vương Ánh Dương cho biết thêm, qua thực tế khảo sát tại các địa phương những nguy cơ lây nhiễm chéo và tái bình phát dịch COVID-19 vẫn còn, đó là: Nguy cơ có thể từ các ca bệnh tại cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà; hoặc những người tiếp xúc gần chưa được thông tin về ca bệnh dương tính, hoặc không tự nguyện đi làm xét nghiệm. Nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện như việc sàng lọc người ra vào bệnh viện chưa thống nhất, triệt để... Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam cũng đề xuất, Lào cần chủ động triển khai các giải pháp để rút ngắn thời gian điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19, chủ động, thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, thần tốc đáp ứng cách ly và điều trị. Nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng số máy và mở rộng số lượng các cơ sở có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2. Thiết lập phòng xét nghiệm di động tại vùng dịch để tăng cường năng lực xét nghiệm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sự hỗ trợ hiệu quả kịp thời của đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã góp phần quan trọng hỗ trợ CHDCND Lào từng bước kiểm soát dịch COVID-19. Những bài chia sẻ, bài học kinh nghiệm của đoàn công tác đã được phía CHDCND Lào đánh giá cao, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó hơn nữa giữa hai dân tộc dù trong hoàn cảnh, khó khăn nào cũng luôn kề vai, sát cánh, hỗ trợ nhau để không ngừng phát triển. Bảo Hân

Bắc Giang: Triển khai test nhanh tại 3 điểm nóng của huyện Việt Yên

TĐKT - Ngày 26/5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang điều động lực lượng y tế gồm hơn 400 người đã ra quân triển khai công tác test nhanh cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 điểm nóng nhất về dịch COVID-19 tại huyện Việt Yên, Bắc Giang gồm: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đội ngũ hỗ trợ xét nghiệm nhanh tại huyện Việt Yên GS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, sau khi phát phiếu điền thông tin cho người dân, lực lượng y tế hỗ trợ sẽ chia thành các nhóm nhỏ tới từng nhà để lấy mẫu. Đối với phương pháp test nhanh này thì 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70 - 75%). Việc test nhanh định kỳ 3 ngày/1 lần tại những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng… là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm dập được các ổ dịch. Tại buổi giám sát, kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã động viên người dân cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch. Đối với lực lượng y tế hỗ trợ, Thứ trưởng đánh giá rất cao, cảm ơn sự nhiệt huyết, làm việc hết mình của họ. Thứ trưởng mong tất cả giữ gìn sức khỏe để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ cùng tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng dịch bệnh. La Giang

Bộ Y tế tích cực lên phương án hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh cho khu cách ly tập trung

TĐKT - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Dương Chí Nam cho biết, hiện Bộ Y tế đã hỗ trợ giúp tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh xây dựng phương án chi tiết cho khu cách ly tập trung. Việc làm này đã đóng vai trò tích cực chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Chủ động phòng, chống dịch mọi lúc mọi nơi Được biết, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã có một tuần căng mình làm việc tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại 2 địa phương này đang trong tầm kiểm soát. Từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại một số tỉnh thành trước đó như Đà Nẵng, Hải Dương, ngay khi nhận được lệnh từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ phận Thường trực đặc biệt đã ngay lập tức hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho phương án cách ly. Bởi lẽ, nếu không có kế hoạch ngay từ đầu khi thực hiện cách ly đông và tập trung sẽ rất lúng túng, thậm chí là mất kiểm soát. Nhóm kiểm tra, giám sát - Bộ phận Thường trực Bộ Y tế làm việc với cán bộ trong khu cách ly tập trung Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề ăn uống, nguồn thực phẩm cung cấp cho khu cách ly và trong khu cách ly tuyệt đối không được để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Dương Chí Nam cũng như đoàn công tác lo lắng nhất là việc đảm bảo an toàn trong khu cách ly, tránh lây chéo. Cả hai địa phương này cần phải giám sát chặt chẽ, chỉ đạo một cách quyết liệt việc thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly. Đảm bảo nguyên tắc cán bộ y tế và quân đội chỉ khử khuẩn không gian bên ngoài, còn tại các phòng cách ly, phải chuẩn bị cây lau, chậu, hoá chất để người trong phòng tự vệ sinh. Theo đó, để có thể phòng, chống dịch thành công, chúng ta cần hiểu rõ bản chất và nắm rõ tình hình càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tất cả mọi phương án và luôn đặt mình ở vị thế chủ động, bình tĩnh để ứng phó. Xây dựng mạng lưới tổ công tác tới từng điểm cách ly Với kinh nghiệm phòng, chống dịch suốt gần 2 năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng các danh mục hướng dẫn rất đầy đủ nội dung về khu cách ly tập trung. Ông Nam khẳng định, trong danh mục hướng dẫn này đã ghi rất cụ thể, thuốc, trang thiết bị phòng hộ, hóa chất, xô thùng chậu… cho đến mọi cách thức bố trí, giám sát, các bảng biểu đánh giá đi kiểm tra phòng và chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly, hướng dẫn xử lý khi phát hiện có ca F0… Hiện Bộ đã bàn giao đầy đủ tài liệu này cho 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và hỗ trợ, hướng dẫn họ để triển khai áp dụng trong tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ phận Thường trực Bộ Y tế đã hỗ trợ 2 tỉnh này thành lập các tổ công tác, đội phản ứng nhanh tại các khu cách ly để giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ. Khi hệ thống chân rết này hoạt động một cách nghiêm túc, quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ luôn được khống chế, kiểm soát trong trạng thái tốt nhất. Để làm tốt nhiệm vụ được phân công, nhóm kiểm tra, giám sát khu vực cách ly (thuộc Bộ phận thường trực Bộ Y tế) do ông Dương Chí Nam quản lý thường xuyên kiểm tra đột xuất công tác thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch trong các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, tạo một mạng lưới thống nhất giữa Bộ phận Thường trực đặc biệt với các tổ công tác địa bàn nhằm nắm bắt thông tin, thực trạng qua đó góp ý, chấn chỉnh để cơ sở làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch. Tại Bắc Giang, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu nhà ở của chuyên gia nước ngoài được trưng dụng làm khu cách ly tập trung (trong khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang). Theo ghi nhận, tại khu vực này, tổ công tác địa bàn đã thực hiện tương đối đầy đủ các quy định theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, một số điểm hạn chế cũng đã được nhóm kiểm tra, giám sát chỉ ra và đề nghị khắc phục, chấn chỉnh. Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đang được triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp chúng ta hoàn toàn có thể tự tin, lạc quan rằng 2 địa phương này sẽ sớm chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất. La Giang

Nữ học sinh được phẫu thuật kịp thời chấn thương tụy đứt rời đuôi tụy do tai nạn giao thông

TĐKT - Bệnh nhân là Bùi T.A. (18 tuổi), trú tại Tuyên Quang bị tai nạn giao thông nghiêm trọng vào bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau đó bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật. Bác sĩ Bùi Thanh Phúc - Khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữ nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân A. bị chấn thương tụy đứt đôi ở đuôi tụy, có ổ tụ máu kích thước 4x5cm, đường vỡ dài 4cm. Tại Bệnh viện Việt Đức, qua thăm khám và thực hiện các chỉ định xét nghiệm lâm sàng cho thấy bệnh nhân còn bị u buồng trứng. Khối u tiểu khung to có kích thước 5x8 cm trong có tổ chức nhày, lông tóc đã lộ ra ngoài, khối còn dính ít với tổ chức vòi trứng bên phải, buồng trứng hai bên bình thường. Nữ sinh bị tai nạn được phẫu thuật kịp thời Các bác sĩ tiến hành giải phóng lách, cắt đuôi tụy 1 đạn bảo tồn lách, cắt khối u tiểu khung bảo tồn buồng trứng 2 bên. Do bệnh nhân còn trẻ tuổi và chấn thương tụy phức tạp, bệnh nhân và gia đình được các bác sĩ tuyến dưới tư vấn lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thực hiện phẫu thuật nội soi nhằm giảm thời gian nằm viện và nhanh chóng phục hồi trở về với cuộc sống hàng ngày. Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng bệnh viện tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc và người bệnh đến thăm khám và điều trị. Bệnh nhân đã được khám và xét nghiệm sàng lọc loại trừ Covid-19 để đưa vào phẫu thuật sớm góp phần nâng cao hiệu quả của việc điều trị. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân A đã ổn định, ăn uống được, đi lại vận động bình thường. Chị N.T.H.G, mẹ của T.A cho biết: “Khi đang đi xe đạp điện thì cháu bất ngờ bị va chạm giao thông. May mắn cháu được các bác sĩ phẫu thuật kịp thời để có thể kịp tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 dự kiến vào tháng 7 tới đây. Hy vọng cánh cửa đại học sẽ mở ra đón cháu. Gia đình tôi thực sự vô cùng biết ơn các thầy thuốc. Chúc các bác sĩ và nhân viên y tế sức khỏe dồi dào để cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Hồng Thiết

Bắc Giang nỗ lực hoàn thiện chiến lược xét nghiệm

TĐKT - Trước tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bắc Giang cần hoàn thiện chiến lược xét nghiệm để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên năng lực nội tại của địa phương, lẫn tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (Trưởng Tiểu ban Xét nghiệm – Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bắc Giang) Lê Ô Pích cho biết, trước mắt, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các chuyên gia thuộc Bộ phận Thường trực hỗ trợ đặc biệt Bộ Y tế đã xây dựng được chiến lược cũng như kế hoạch để vận hành công tác xét nghiệm nhằm kiểm soát dịch bệnh. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm việc với Tiểu ban xét nghiệm (Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19) tại Bắc Giang Thay bằng việc triển khai dàn trải như giai đoạn đầu, giờ đây Bắc Giang đang chuyển hướng sang việc xét nghiệm có tính chọn lọc, tập trung, ưu tiên các điểm nóng (điển hình như tại địa bàn huyện Việt Yên). Bên cạnh đó, để có thể giảm tải cho tuyến trên, việc lấy mẫu xét nghiệm cần giao cho trung tâm y tế các huyện đảm nhiệm. Theo đó, Bắc Giang cần tiếp tục hoàn thiện về chiến lược xét nghiệm, dựa trên năng lực hiện có của tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ tới từ các nguồn lực bên ngoài một cách hiệu quả, đặc biệt là khâu lấy mẫu. Tính toán phương án tối ưu việc lấy mẫu trong khu cách ly tập trung và xét nghiệm, thí điểm việc sử dụng test nhanh tự thực hiện cho những trường hợp cách ly. Cụ thể: Cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng khu vực, thực hiện xét nghiệm mẫu đơn khi lấy mẫu ngày thứ nhất, ngày cuối và test nhanh hoặc cứ 3 – 5 ngày xét nghiệm mẫu gộp từ 10 – 15 mẫu trong thời gian thực hiện cách ly. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu mẫu xét nghiệm, trên cơ sở sử dụng tốt phần mềm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tập huấn thì cần phải tập trung lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm, thực hiện đào tạo tốt các nhóm và cung cấp đầy đủ trang thiết bị… Đồng thời, cần lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện xét nghiệm mẫu, sau đó, chuyển thông tin về một đầu mối là CDC tỉnh để quản lý. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã giao Bộ phận Thường trực khẩn trương xây dựng khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối việc doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại trong khu công nghiệp. Đối với điểm nóng tại huyện Việt Yên, Thứ trưởng nhất trí với đề xuất của lãnh đạo tỉnh và đề nghị cần đặc biệt tập trung tăng tốc việc rà soát, sàng lọc các khu công nhân đang cư trú ở gần các khu công nghiệp của tỉnh. Chủ động khoanh vùng, truy vết, thực hiện tốt việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao. Bảo Hân

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế

TĐKT - Ngày 25/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh. Tại buổi làm việc, báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bắc Ninh Hạ Bá Chân cho biết, về công tác phân luồng, khám sàng lọc, bệnh viện thực hiện phân luồng, sàng lọc bệnh nhân theo Hướng dẫn tại Công văn số 1385/BCĐQG. Thực hiện giãn cách tại khu vực khám bệnh: Đánh dấu vị trí ngồi, xếp hàng đảm bảo giãn cách theo quy định; cấp phát thuốc ngoại trú tối đa 3 tháng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính ổn định. Cấp phiếu chăm nuôi bệnh nhân, hạn chế tối đa thăm bệnh nhân, mỗi bệnh nhân chỉ để một người chăm sóc. Người chăm sóc phải chăm bệnh nhân 5 ngày sau đó mới được đổi người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh Hiện bệnh viện đang tổ chức điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại khoa Truyền nhiễm A4 diện tích 1583 m2 và đơn nguyên Hồi sức tích cực tại nhà A2 diện tích 4462 m2. Bệnh viện đang triển khai khu điều trị hồi sức tích cực (ICU) bệnh nhân COVID-19 tại nhà A2, tối đa điều trị được 30 giường ICU, trong đó điều trị tối đa khoảng 17 bệnh nhân nặng cần thở máy (hiện tại có 21 đầu oxy khí nén khí hút). BVĐK tỉnh Bắc Ninh cũng đã có kế hoạch triển khai điều trị 50 giường bệnh ICU tại nhà A2, và nhà A3 của bệnh viện. Cùng đó, bệnh viện đã thành lập tổ kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh thực hiện kiểm tra, giám sát hàng ngày tại khoa khám bệnh và các khoa phòng trong bệnh viện. Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác và đại diện BVĐK tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đã trao đổi một số vấn đề như: Lập các giường điều trị tích cực (ICU); chuyển các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh qua BVĐK tỉnh Bắc Ninh; chuẩn bị cho kịch bản có 2000 bệnh nhân COVID-19; huy động thêm nhân lực từ các địa phương khác để hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh; phòng xét nghiệm trong BVĐK tỉnh nên có hệ thống tách triết tự động và có nồi hấp tiệt trùng để có thể xử lý tiệt trùng ngay, tránh lấy nhiễm cho các nơi khác… Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, hai mục tiêu chính của ngành y tế đó là tiếp nhận, thu dung, điều trị, hồi sức và cứu sống bệnh nhân COVID-19 từ cấp độ nhẹ đến nặng. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các cơ sở y tế về người bệnh (bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân thông thường) và các nhân viên y tế. Đề nghị các bệnh viện tại Bắc Ninh hết sức quan tâm đến việc xét nghiệm đều, xây dựng các quy trình chống nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện. Đặc biệt, đối với khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tổ chức phân luồng tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân cũng nhưng luồng một chiều đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Thứ trưởng biểu dương Bệnh viện Bạch Mai đã sát cánh cùng tỉnh Bắc Ninh từ giai đoạn đầu tiên đã cử nhân lực hỗ trợ cho tỉnh Bắc Ninh về các hoạt động y tế trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19. La Giang

Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin cho quỹ mua vắc xin phòng COVID-19

TĐKT - Ngày 25/5, Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong nước, Việt Nam đã khống chế 3 đợt dịch trước và đang từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4. Lễ tiếp nhận Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia phòng, chống dịch hiệu quả với chi phí thấp, sự thắng lợi này có nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết, nhiều sáng kiến đã được thực hiện. Bài học quan trọng là huy động được toàn dân chung tay, ủng hộ và tham gia công tác phòng, chống dịch, trong đó có sự đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp và của nhân dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay tình hình dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn đang căng thẳng, diễn biến vẫn phức tạp và có thể kéo dài vì đây là chủng virus lây lan nhanh, phát tán rộng, mạnh hơn và kéo dài hơn. Hình thái lây nhiễm dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang là trong khu công nghiệp, có mật độ công nhân cao, làm việc trong môi trường kín, mật độ tiếp xúc gần. Vấn đề lây nhiễm, quản lý và khống chế dịch trong khu công nghiệp rất quan trọng. Vì vậy, Bộ Y tế đang quyết tâm, nỗ lực cùng với các tỉnh quyết liệt phòng, chống dịch tại 2 địa phương. Bộ Y tế đã cử Bộ phận Thường trực phòng, chống dịch tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hội tụ các chuyên gia hàng đầu đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch trong các đợt dịch trước đó để làm sao cùng địa phương ứng phó tốt nhất với dịch. Tuy nhiên do 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có số lượng công nhân nhiều, lên đến hàng trăm nghìn người, tập trung trong các khu công nghiệp nên khi dịch xảy ra gây rất nhiều khó khăn đối với người dân và công nhân lao động. Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm qua, ngày 24/5, Bộ Y tế đã chính thức kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân… cùng chung tay hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang, bởi kiểm soát tốt dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cũng là kiểm soát tốt dịch của cả nước. Theo đó, một trong những chủ trương căn bản, chiến lược để phòng, chống dịch COVID-19, để đưa cuộc sống trở lại bình thường là làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận vắc xin phòng COVID-19. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc xin, nhằm kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Tại lễ tiếp nhận, thông qua Bộ Y tế, đại diện 8 doanh nghiệp, tập đoàn đã trao 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho công tác phòng, chống dịch. Cụ thể: Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin; Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng. Hồng Thiết

Trao 54,5 tỷ đồng ủng hộ Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Với mong muốn tri ân công sức, động viên cán bộ, chiến sĩ, lực lượng xung kích đi đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19, ngày 24/5, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã đến trao số tiền 54,5 tỷ đồng từ nguồn tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng. Dự lễ tiếp nhận có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, được sự đồng ý của Chính phủ tại công văn số 3295/VPVP-KTTH ngày 20/5/2021 về việc sử dụng kinh phí do UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid-19, Ban Thường thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiến hành trao kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cho các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch và kiều bào gặp khó khăn trên thế giới. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao số tiền hỗ trợ cho Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trao số tiền 54,5 tỷ đồng hỗ trợ Bộ Quốc phòng trong công tác phòng chống dịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt cho đồng bào cả nước gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn thể cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan lực lượng vũ trang, nhất là quân đội trên các binh chủng đã tham gia tích cực hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19 để giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo cho đất nước bình yên. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, trên khắp mọi miền Tổ quốc, đi đến đâu, chúng ta cũng cảm nhận được công lao, những đóng góp to lớn của lực lượng quân đội. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trên các tuyến biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng đang ngày đêm giữ vững đường biên, cột mốc để ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài. Cùng với đó, ở tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, lực lượng quân đội tham gia thực hiện đảm bảo trên ba phương diện về an ninh trật tự, y tế và cấp dưỡng. “Như ở tỉnh Bắc Giang, số lượng người cách ly khoảng 60 nghìn người, việc cung cấp suất ăn từng bữa là vô cùng khó khăn. Để hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch, toàn bộ các suất ăn trong các khu cách ly đã được cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn 3 đảm nhiệm để cung cấp đến những người đang phải cách ly đảm bảo cả về lượng và chất.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ. Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo dự báo, chỉ đến khi nào, Việt Nam hoàn thành việc tiêm vắc - xin thì mới đạt đến miễn dịch cộng đồng. Bởi vậy, trong thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải luôn đề cao cảnh giác trong mọi trường hợp, luôn sẵn sàng mọi phương tiện để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. “Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đang báo cáo Ban Bí thư để tiếp tục phát động ủng hộ nhằm huy động thêm nguồn lực giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn lực huy động được sẽ được tập trung hỗ trợ cho những người khó khăn, người nghèo, yếu thế, người đang trong khu cách ly, giảm sút thu nhập. Bên cạnh đó, nguồn lực vận động được cũng sẽ được ưu tiên để hỗ trợ cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội.” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết. Thay mặt đồng bào cả nước tri ân công sức của lực lượng vũ trang trong đó có cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ mong muốn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục là lực lượng xung kích đi đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân vượt qua đại dịch. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trân trọng cảm ơn và bày tỏ sự xúc động khi tiếp nhận số tiền ủng hộ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, số tiền này chính là sự động viên kịp thời và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đối với các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đó có quân đội là một trong những lực lượng tuyến đầu. "Bộ Quốc phòng cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất để hỗ trợ kịp thời cho các cơ quan đơn vị trên tuyến đầu, đặc biệt là các lực lượng như quân y, biên phòng, các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly… để động viên lực lượng tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, trước làn sóng quay trở lại của dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, quân đội luôn xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình và luôn xung kích đi đầu cùng với lực lượng y tế và cả hệ thống chính trị để tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả vào việc ngăn chặn, khoanh vùng, truy vết dập dịch cũng như điều trị. "Hiện nay quân đội duy trì lực lượng trên 1.900 tổ chốt, trên 5.000 km đường biên giới đất liền và 3.260 km đường biên giới biển, hơn 13.000 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang gồm quân đội, công an, biên phòng và dân quân tự vệ đang ngày đêm túc trực, kiểm soát đường mòn, lối mở, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép và không để cho dịch bệnh lây lan vào khu vực nội địa", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến thông tin. Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, với 175 điểm cách ly đã được quân đội chuẩn bị sẵn thì trong suốt thời gian qua, quân đội đã tổ chức cách ly gần 230.000 lượt công dân và tại thời điểm này đang cách ly hơn 10.000 người. Trong bất kỳ tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng mở rộng các khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo hướng chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo Quốc gia. Ngoài các cơ sở y tế, các bệnh viện quân đội, quân đội cũng sẵn sàng tham gia triển khai hệ thống các bệnh viện dã chiến để điều trị cấp cứu kịp thời nhằm thực hiện phương châm bốn tại chỗ. Ngày 23/5 vừa qua, Bộ Quốc phòng cũng đã cử lực lượng y bác sĩ, học viên của Học viện Quân y và các lực lượng quân y của Bộ Quốc phòng tăng cường ngay cho Bắc Giang bởi quân đội xác định đây là trách nhiệm đối với Tổ quốc, đồng bào nên luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hy sinh lợi ích của bản thân. "Quân đội luôn luôn là lực lượng sát cánh, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào. Khi nào chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, khi nào miễn dịch trong cộng đồng thì lúc bấy giờ chúng ta mới yên tâm", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nói. Mai Thảo  

Qua ứng dụng VssID: Người lao động đã đòi được hơn 2 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH

TĐKT - Nhờ cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, qua tra cứu quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT trên ứng dụng, 20 người lao động (NLĐ) thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu (Khu công nghiệp Sa Đéc - TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện bị doanh nghiệp “ngâm” tiền đóng BHXH, BHYT của mình.  Trước các bằng chứng, dữ liệu cụ thể trên ứng dụng VssID, những NLĐ này đã tích cực yêu cầu Ban Giám đốc Công ty xử lý số tiền BHXH, BHYT, BHTN mà Công ty chưa đóng cho NLĐ. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cơ quan BHXH TP Sa Đéc, tổ chức công đoàn, đến chiều ngày 20/5/2021, Công ty này đã khắc phục toàn bộ số nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 2 tỷ đồng, nhờ đó quyền lợi của hơn 170 NLĐ đã được đảm bảo đúng quy định. Người lao động đã đòi được hơn 2 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH Liên quan đến vấn đề nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu, ông Tăng Phước Long - Giám đốc BHXH TP Sa Đéc cho biết, Công ty này đã được cơ quan BHXH đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra nhiều lần về việc nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tính đến ngày 27/4, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu còn nợ đóng BHXH, BHYT, BHYT của hơn 170 NLĐ với số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó có 73 NLĐ đã nghỉ việc nhưng chưa được doanh nghiệp xác nhận thời gian đóng BHXH làm căn cứ giải quyết các quyền lợi BHXH, BHTN. Vừa qua, ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ “đòi” quyền lợi của 20 NLĐ thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu, BHXH Thành phố Sa Đéc đã chủ động vào cuộc cùng đoàn công tác do Ban Quản lý khu công nghiệp chủ trì làm việc với doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty cam kết sẽ trả toàn bộ số nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết chính sách cho NLĐ. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng kết hợp thông tin về tiện ích của ứng dụng VssID cũng như đề nghị doanh nghiệp và NLĐ cùng cài đặt, sử dụng ứng dụng để theo dõi, giám sát được quá trình tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN một cách công khai, minh bạch. Kết quả, từ ngày 16/5/2021 đến ngày 20/5/2021, qua 4 đợt chuyển tiền, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu đã truy đóng và khắc phục toàn bộ số nợ BHXH, BHYT, BHTN của hơn 170 NLĐ với số tiền 2.078.875.751 đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Thu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc truy đóng hơn 2 tỷ đồng nợ của doanh nghiệp sẽ được BHXH Đồng Tháp thực hiện cộng nối thời gian đóng để chốt sổ BHXH để chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ; bên cạnh đó, số tiền đóng BHTN cũng sẽ được cộng nối tính đến thời gian “tháng liền kề” khi NLĐ nghỉ việc để họ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp… Bày tỏ sự cảm ơn đến 20 đồng nghiệp đã giúp mình gián tiếp đòi được quyền lợi BHXH nhờ cài ứng dụng VssID, chị Lan, một nữ công nhân trong số 73 NLĐ đã nghỉ việc, cùng được hưởng lợi cho hay: “Được cộng nối đủ thời gian tham gia BHXH tụi em sẽ không bị mất số tháng đã đóng, bên cạnh đó còn được hỗ trợ nhận BHTN để giải quyết khó khăn. Em và các bạn vừa nói với nhau, đến công ty mới làm việc, ngay khi ổn định chúng em sẽ cùng nhau yêu cầu mọi người cùng cài đặt ứng dụng VssID, vì hiệu quả thiết thực trong việc theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN với công nhân tụi em đã được kiểm chứng là rất rõ qua sự việc lần này”. Như vậy, qua vụ việc trên cho thấy, sự cần thiết và tính hiệu quả của việc cài đặt ứng dụng VssID đối với NLĐ trong việc chủ động theo dõi, giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN của chính mình. Ứng dụng VssID sẽ giúp NLĐ tự tra cứu, theo dõi các thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT, BHTN, lịch sử khám chữa bệnh BHYT... từ đó, chủ động quản lý các thông tin, trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Với ý nghĩa thiết thực đó, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai cài đặt ứng dụng tới người dân và NLĐ trong cả nước. Tính đến hết ngày 16/5/2021 (sau 6 tháng đưa vào sử dụng ứng dụng VssID), toàn quốc đã có hơn 6,44 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với hơn 5,6 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đồng thời ứng dụng VssID đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của người sử dụng. Qua sự việc này, BHXH Việt Nam gửi đến người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thông điệp: Hãy cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID để tự theo dõi, giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH,BHYT, BHTN của bản thân. Hồng Thiết    

Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hoạt động trở lại

TĐKT - Gỡ bỏ phong tỏa, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ hoạt động trở lại vào ngày 24/5. Sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm COVIV-19 tại cơ sở Tân Triều vào ngày 7/5, Bệnh viện K đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Giám đốc Bệnh viện đã có quyết định phỏng tỏa Bệnh viện K ở cả 3 cơ sở từ 5h30 ngày 7/5, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị trừ trường hợp cấp cứu. Hướng dẫn đặt lịch hẹn Bệnh viện đã thần tốc truy vết, khoanh vùng và trong thời gian sớm nhất lấy tất cả mẫu xét nghiệm những người cách ly tại bệnh viện để sàng lọc ngay. Về cán bộ y tế: Đến nay có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 học viên ở khoa Ngoại gan mật và khoa Nội 2 (xét nghiệm âm tính 2 lần từ ngày 7/5) có liên quan đến người bệnh, người nhà người bệnh nhiễm có kết quả dương tính đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các cán bộ y tế này đều không khám bệnh ở các phòng khám trước đó. Còn lại hơn 700 cán bộ y tế đang cách ly tại bệnh viện đều có kết quả âm tính ít nhất 3 lần từ ngày 7/5, có người đã âm tính 6 lần. Bên cạnh đó, hơn 1.000 cán bộ y tế của bệnh viện đang tự cách ly tại gia đình đều có khai báo với chính quyền, y tế, CDC địa phương và đều có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 1 lần. Gỡ bỏ phong tỏa, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hoạt động trở lại vào ngày 24/5 Bệnh viện đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, Gen expert cho tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, nhân viên bảo vệ đang cách ly tại 3 cơ sở của bệnh viện (mỗi người được xét nghiệm ít nhất 3 lần) trong 15 ngày qua; những trường hợp F1 đang được cách ly riêng, những đối tượng nguy cơ cao được xét nghiệm liên tục lần 5, lần 6. Tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên bảo vệ, tất cả người đang cách ly tại cơ sở Phan Chu Trinh, cơ sở Tam Hiệp của bệnh viện đến nay đều có kết quả âm tính khi xét nghiệm ít nhất 3 lần. Những ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 tại bệnh viện đều được ghi nhận ở cơ sở Tân Triều, các cơ sở cách ly ở bên ngoài bệnh viện và đã được cách ly trước đó, do vậy không có khả năng lây lan ra cộng đồng; lây chéo trong bệnh viện hay các cơ sở khác. Vì vậy, Bệnh viện K cơ sở 9A - 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai 24/5. Người bệnh và người dân có nhu cầu khám, điều trị tại Bệnh viện K trong thời gian tới có thể đến cơ sở 1: Số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc cơ sở 2: Thôn Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Người bệnh vui lòng khai báo y tế trước tại nhà và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K cũng như hướng dẫn của cán bộ y tế trước khi tới khám, điều trị. Hồng Thiết    

Trang