Ngành Tài nguyên và Môi trường dự kiến tiết kiệm trên 131 tỷ đồng nhờ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
06/08/2021 - 08:40

TĐKT - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, dự kiến số lượng thủ tục hành chính (TTHC) đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa là 153/178 (đạt 85%).

Số lượng TTHC dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa là: 153/178 (đạt 85%), cụ thể từng lĩnh vực: Lĩnh vực đất đai: 12/16 TTHC, chiếm 70,5%; lĩnh vực địa chất và khoáng sản: 28/32 TTHC, chiếm 87,5%; lĩnh vực tài nguyên nước: 27/32 TTHC, chiếm 84,3%; lĩnh vực khí tượng thủy văn: 8/8 TTHC, chiếm 100%; lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo: 25/25 TTHC, chiếm 100%; lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý: 1/3 TTHC, chiếm 33%; lĩnh vực môi trường: 52/62 TTHC, chiếm 83,87% (bãi bỏ + sửa đổi)

Tổng chi phí tuân thủ dự kiến tiết kiệm TTHC: 131.622.701.000 đồng chiếm tỷ lệ 21,9% trên tổng chi phí tuân thủ quy định TTHC. Cụ thể: Lĩnh vực đất đai tiết kiệm được 33.700.394.000 đồng, tương đương 17% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực địa chất và khoáng sản tiết kiệm được 9.440.710.000 đồng, tương đương 7,98% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực tài nguyên nước tiết kiệm được 31.925.031.000 đồng, tương đương 27% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực khí tượng thủy văn tiết kiệm được 693.872.000 đồng, tương đương 54% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực biển và hải đảo tiết kiệm được 4.267.141.000 đồng, tương đương 27,1% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực đo đạc, bản đồ tiết kiệm được 685.400.000 đồng, tương đương 16,4% chi phí tuân thủ TTHC; lĩnh vực môi trường tiết kiệm được 50.418.658.000 đồng, tương đương 34,6% chi phí tuân thủ TTHC.

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực TN&MT đã được các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, đánh giá, trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng và được tham vấn, đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: Triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, Bộ TN&MT dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền 19 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có 12 Nghị định và 7 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng hình thức một VBQPPL sửa đổi, bổ sung nhiều VBQPPL và thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn để đẩy nhanh việc thực thi phương án. Theo đó, sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực TN&MT; Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (tích hợp 5 Nghị định trong lĩnh vực môi trường); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành 1 Thông tư để sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư trong lĩnh vực TN&MT. Tôi cho rằng với cách làm này, Bộ TN&MT sẽ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ này.

Ông Hùng cho biết thêm: Ngoài ra, Bộ TN&MT đang tích cực chuẩn bị 3 dự án luật lớn, quan trọng để trình Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ này gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi). Hiện nay, phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực TN&MT chưa đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL này. Do đó, tôi tin rằng với quan điểm cải cách mạnh mẽ hiện nay thì số lượng, chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa nhiều, mạnh mẽ hơn nữa khi các đạo luật tôi đề cập được sửa đổi.

Bình Nguyên