Chính trị - Xã hội

Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021

TĐKT - Sáng 27/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Chương trình do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc. Ngay sau khi chương trình kết thúc, tại điểm cầu trung ương, theo thống kê sơ bộ, tổng số tiền, hiện vật các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… ủng hộ lên tới trên 690 tỷ đồng. Cùng dự Lễ phát động tại điểm cầu Trung ương có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ra lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19". Trong đó, kêu gọi mọi người nêu cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng, chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, ngành y tế và của địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức vì sức khỏe của mình và của cộng đồng, nỗ lực cao nhất để giữ được: Khu dân cư an toàn, xã an toàn, huyện an toàn, tỉnh an toàn, cả nước an toàn. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài… tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các nguồn lực huy động được sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí mua vắc - xin, máy thở và trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện. Theo Chủ tịch nước, đại dịch Covid-19 đã và đang đe doạ sức khỏe, an toàn của nhân dân ta; xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, với những người dân nghèo, rất nhiều gia đình đã mất việc làm và thu nhập hết sức bấp bênh. Chủ tịch nước rất cảm động, biết ơn và tin tưởng về sức mạnh của con người Việt Nam; hàng chục ngàn cán bộ y tế của nước ta đang ngày đêm bám sát những địa phương, địa bàn có dịch bệnh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch nước cho biết đợt dịch này rất nguy hiểm do chủng virus mới đang lây lan nhanh, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải tập trung mọi tâm trí và nguồn lực để đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, kiều bào, nhân dân không được lơ là, chủ quan; nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Mỗi người luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; không được chủ quan và quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc để sớm dập dịch. “Cần đề cao chiến lược 5K + vaccine, thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine cho nhân dân, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho  các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư. Triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn chiến lược tiêm vaccine. Đây là kế hoạch có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường; thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Tại buổi lễ, theo tổng hợp ban đầu của Ban Tổ chức, đã nhận được số kinh phí đăng ký ủng hộ về trung ương là hơn 620 tỷ đồng, cùng các nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trị giá 70 tỷ đồng. Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trao tặng 450 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World 30 tỷ đồng, Ngân hàng Vietcombank trao tặng 40 tỷ đồng, Ngân hàng CP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Quân đội (MB) trao 30 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) 20 tỷ đồng… Một số đơn vị ủng hộ ngay tại Lễ phát động Ngoài ra, Công ty Cổ phần địa ốc Khang Điền trao 10 tỷ đồng, Công ty Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Kim Oanh (Biên Hòa, Đồng Nai) trao tặng 5 tỷ đồng, Tập đoàn Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á tặng 500.000 sản phẩm (trị giá 4 tỷ đồng), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ủng hộ 2 tỷ đồng... Đại điện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng trao tặng số tiền 2 tỷ đồng cùng nhu yếu phẩm trị giá 20 tỷ đồng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 45 tỷ đồng. Theo báo cáo tại buổi lễ, kể từ ngày 27/4 đến nay, trước diễn biến lây lan phức tạp, khó lường của dịch bệnh, nhằm chia sẻ khó khăn với các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã kịp thời ủng hộ kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu và các địa phương. Cụ thể, ở Trung ương, từ ngày 27/4 - 26/5, Ban Cứu trợ Trung ương tiếp nhận 50,4 tỷ đồng; Bộ Y tế tiếp nhận trực tiếp số tiền 988 tỷ đồng. Ở các địa phương, theo thống kê ban đầu của 19 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hà Nội, tỉnh An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Điện Biên, Đắk Nông, Hà Nam, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc tiếp nhận được hơn 242 tỷ đồng. Tổng số tiền từ ngày 27/4 đến ngày 26/5 tiếp nhận qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế và Ủy ban MTTQ Việt Nam 19 tỉnh, thành phố là gần 1.300 tỷ đồng. Hình thức tiếp nhận ủng hộ 1. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền qua tài khoản tại ngân hàng: +) Tại Ngân hàng BIDV (chi nhánh Ba Đình) Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Số tài khoản (VNĐ): 1261 000 1122 666 Số tài khoản (USD) 1261 037 0000 666 Mã SWIFT CODE: BIDV VNVX Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Ba Đình +) Tại Ngân hàng BIDV (Sở Giao dịch I) Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Số tài khoản (VNĐ): 1201 0000 979797 Số tài khoản (USD) 1201 037 0000 123 2. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: - Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch - Tài chính (P. 109, 111), Văn phòng cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. - Liên hệ: 0243. 8256326; 0243.8256536. Bà Đinh Thị Thúy Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính: 0904.321.618. 3. Tiếp nhận ủng hộ hiện vật Đơn vị tiếp nhận: Ban Phong trào cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Liên hệ: Ông Phan Đình Cương, chuyên viên Ban Phong trào, số điện thoại: 0972.532.029; Email: dinhcuongmttw@gmail.com. Mai Thảo

Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen những "chiến sĩ áo trắng" ở tuyến đầu chống dịch

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi thư biểu dương, đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ cán bộ y tế chống dịch thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà động viên tập thể cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thư, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: COVID-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế và những hậu quả về kinh tế - xã hội rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh đến hầu hết mọi mặt đời sống xã hội của nước ta. Đợt dịch bùng phát ở nước ta từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay với những biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát và nguy hiểm hơn đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Phát huy những bài học kinh nghiệm chống dịch trước đây, cùng với những biện pháp phù hợp, sáng tạo, kịp thời của các cấp lãnh đạo, của toàn dân, toàn quân, đến nay chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình; kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức thành công rất tốt đẹp và an toàn ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với 99,57% cử tri cả nước tham gia bầu cử trong điều kiện phải tiến hành đồng thời việc đẩy mạnh chống dịch COVID-19. Có được những kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của Nhân dân cả nước, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như quân đội, công an, ngoại giao, giao thông vận tải, các tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế, một lực lượng tiên phong, xông pha trên mặt trận chống dịch. "Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh cảm động của những bác sĩ, nhân viên y tế phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh; hay những khoảnh khắc, hành động cao đẹp lay động lòng người của những “chiến sĩ áo trắng” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng ..." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ cán bộ y tế chống dịch thời gian qua. Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lương y phải như từ mẫu”, “… thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…”. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, luôn thường trực nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng toàn thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc, cùng nhân dân cả nước và các lực lượng chức năng sẽ phát huy tinh thần, khí thế và những kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn và sự hy sinh có thể phải nhiều hơn nữa để cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, chúc các thầy thuốc của nhân dân và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước. Nguyệt Hà

Lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19"

TĐKT - Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 30/3/2020, ngày 27/5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã chính thức phát đi Lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19". Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần đại đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, siết chặt tay nhau; phát huy trí thông minh, tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người Việt Nam, để chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.   Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ từ các đơn vị, tổ chức Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến khẳng định: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hành động quyết liệt, "chống dịch như chống giặc", bước đầu đạt được kết quả rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, chúng ta vừa cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vừa thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh và rất nguy hiểm, khó lường. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, đã phát sinh trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, lây nhiễm vào khu công nghiệp, nhất là ở địa bàn các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội... Theo thống kê chưa đầy đủ, đến sáng ngày 27/5/2021 đã có 3051 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị, hàng vạn ca F1, F2, hàng trăm ngàn lượt người phải cách ly, một số nơi phải phong tỏa, giãn cách xã hội. Lực lượng ở tuyến đầu như ngành y tế, quân đội, công an, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên... đang phải dốc sức, ngày đêm đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Nhiều tấm gương làm việc tận tụy, quên mình, xả thân vì nhiệm vụ, làm lay động lòng người, được cả xã hội cảm phục, biết ơn. Đảng và Nhà nước ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để tiêm vắc - xin đại trà phòng bệnh cho nhân dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tha thiết kêu gọi: Một là, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống ở Việt Nam nêu cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng, chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, ngành y tế và của địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức vì sức khỏe của mình và của cộng đồng, nỗ lực cao nhất để giữ được: khu dân cư an toàn, xã an toàn, huyện an toàn, tỉnh an toàn, cả nước an toàn. Hai là, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài… tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tập trung chủ yếu cho các nội dung: Kinh phí mua vắc - xin, máy thở và trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh... Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thay mặt nhân dân cả nước, nhất là nơi đang xảy ra dịch bệnh, tri ân lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, cam kết tổng hợp đầy đủ các khoản ủng hộ, công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực. Mai Thảo

Thủ tướng chỉ đạo một loạt biện pháp mạnh để chống dịch hiệu quả hơn

Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tập trung phòng chống COVID-19 tại Trung đoàn 926 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh, ngày 22/5/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 121/TB-VPCP ngày 25/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Toàn văn Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ như sau: Chiều ngày 24/5/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh,   Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; đại diện lãnh đạo các bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công thương, Tài chính. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: 1. Trong tuần qua, biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV2 làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, khó kiểm soát hơn, nhất là đã xâm nhập sâu vào một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và của Bộ Y tế, các cấp, các ngành với quyết tâm cao nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời phải phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đến nay, cả nước vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; nhưng dự báo nguy cơ bùng phát dịch trên phạm vi cả nước là rất cao; vì vậy chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động phải quyết liệt, khẩn trương, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong tình hình mới phải thần tốc và hiệu quả hơn; ngược lại cũng không quá hốt hoảng, hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh dẫn đến những quyết định không chính xác, không phù hợp với diễn biến tình hình thực tế dễ gây hậu quả; đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện mục tiêu kép. Việc phòng, chống dịch có kết quả đã góp phần tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngay cả ở các địa phương đang có dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Tài chính, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, góp phần cho thành công của cuộc bầu cử; đặc biệt là biểu dương lãnh đạo các tỉnh, địa phương đang có dịch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực hiện phân cấp có hiệu quả, đúng hướng, áp dụng các biện pháp cơ bản phù hợp để phòng, chống dịch bệnh. Đến nay đã có 6 tỉnh trong số 30 tỉnh có dịch sau 14 ngày không ghi nhận thêm các ca mắc mới trong cộng đồng. 2. Tuy nhiên, thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua cho thấy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập cần được khắc phục ngay: a) Có biểu hiện lúng túng, bị động trong phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. b) Việc quán triệt và chuẩn bị năng lực phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ tại một số địa phương còn bất cập; còn để xảy ra thiếu thốn một số loại trang thiết bị cần thiết trong một số tình huống cụ thể. c) Công tác quản lý cách ly, theo dõi sức khỏe sau cách ly vẫn còn sơ hở, thiếu chặt chẽ. d) Một số văn bản quy định, hướng dẫn còn bất cập, chưa theo kịp và chưa phù hợp thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là chưa có các giải pháp đặc thù phù hợp với yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. đ) Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có biểu biện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng, bị động, chưa tích cực, thiếu chủ động, chưa phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, tỉnh táo trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, ngày 9/5/2021. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 3. Dự báo trong các ngày tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Tình hình này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả hơn nữa; cần phát huy tốt các thành quả đã đạt được, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh bằng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả; phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo để xử lý và xem khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, để vượt qua và để trưởng thành; trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây: a) Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương khẩn trương rà soát, sơ kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, kịp thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hướng dẫn cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân và cộng đồng, quyết tâm vừa chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế - xã hội toàn diện; trong đó chú ý thực hiện việc phân cấp, cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn nữa và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi quản lý. b) Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch COVID-19, trong đó: - Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch. Bộ cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận, đàm phán nhanh chóng mua các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể; có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn (giao nhận, vận chuyển, bảo quản... kể cả về các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình), theo tinh thần thần tốc hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.  - Có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để huy động lực lượng khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; chủ động, tích cực tìm kiếm, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trong nước. - Có kế hoạch, lộ trình tiêm vaccine bài bản, khoa học, hiệu quả, trong đó ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp; tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine có được. Rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu thực tế, chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ có đông công nhân, người lao động. - Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để nhanh chóng thành lập Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19 nhằm kêu gọi các nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân theo tinh thần huy động sức mạnh toàn dân và công khai, minh bạch, khách quan trong quản lý, sử dụng Quỹ. c) Tình hình mới, điều kiện mới, yêu cầu mới về phòng, chống dịch đặt ra yêu cầu phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, thủ tục, hướng dẫn về phòng, chống dịch, nhất là các quy định để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động nhập cảnh, cách ly, khai báo y tế, an toàn phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất có đông công nhân... Trường hợp cần thiết có thể thực hiện thí điểm một số mô hình phù hợp, hiệu quả để nhân rộng khi đủ điều kiện. d) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, các bộ và các địa phương có liên quan để khẩn trương hoàn thiện quy trình vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, nông sản giữa các vùng có dịch và các địa phương khác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh. đ) Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp. Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã có nhiều chỉ đạo về việc quản lý, tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài nhập cảnh. Giao Ban chỉ đạo quốc gia chủ trì cùng các cơ quan liên quan thực hiện đúng thẩm quyền, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và nhu cầu nguyện vọng thực tế chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp. Giao Bộ Ngoại giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân cấp quyết định và giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng luật pháp việc cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và thân nhân nhập cảnh làm việc tại Việt Nam. e) Giao Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tiết kiệm chi thường xuyên, trước mắt trong năm tài chính 2021-2022 để có nguồn bổ sung cho hoạt động phòng, chống dịch, mua vaccine và các yêu cầu khẩn cấp khác g) Giao Bộ Nội vụ chủ trì, khẩn trương có hướng dẫn việc rút gọn quy trình, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ khen thưởng, kỷ luật trong bối cảnh phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, đúng người, đúng việc. Trước mắt, giao Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch. h) Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý tránh đưa tin thụ động, một chiều, phải có phân tích, so sánh, đánh giá khách quan, trung thực, để nhân dân hiểu được, biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp, trách nhiệm phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần chung truyền thông là để “dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng thành quả”.  4. Giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tập trung chỉ đạo, quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích; nhắc nhở, phê bình, đề xuất xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân lơ là, thực hiện chưa tốt, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả về phòng, chống dịch và bảo đảm sản xuất,kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 5. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, quyết đoán để quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; khi thấy cần thiết thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, dập dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ./. Theo chinhphu.vn

Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thực hiện văn hóa công sở

Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành Kế hoạch số 2381/KH-BNV thực hiện văn hóa công sở của Bộ Nội vụ. Kế hoạch nhằm xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, kiến tạo, phát triển, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động, tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, phong cách giao tiếp, ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Về đối tượng thực hiện Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng, đoàn thể của Bộ Nội vụ; Công chức, viên chức, người lao động của Bộ. Về nội dung thực hiện Xây dựng, hoàn thiện, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc đến công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo cơ sở pháp lý, ngăn ngừa những vi phạm về văn hóa công sở; thường xuyên thực hiện việc bồi dưỡng về văn hóa công sở đối với công chức, viên chức, người lao động của Bộ. Đặc biệt, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ gắn với thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức cán bộ và các công tác khác tại Bộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm văn hóa công sở, vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin, đưa thông tin không chính xác, thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị và cá nhân; chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tham nhũng, nhũng nhiễu, phiền hà trong thực thi công vụ. Công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công sở tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức xử lý; kiên quyết thực hiện tinh giản công chức, viên chức, người lao động năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể tiêu biểu, xuất sắc và cá nhân công chức, viên chức, người lao động có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công sở; hằng năm, tổ chức tổng kết việc thực hiện văn hóa công sở của Bộ gắn với Hội nghị công chức, viên chức, người lao động của Bộ. Xem toàn văn Kế hoạch số 2381/KH-BNV. Tại đây./. Theo tcnn.vn

Ủng hộ người nghèo phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 26/5, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra Lời kêu gọi ủng hộ người dân ứng phó với dịch COVID-19. Thời gian ủng hộ từ nay đến ngày 30/7/2021. Theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch xuất hiện các chủng virus biến thể mới, có chu kỳ lây nhiễm ngắn và dễ lây hơn; có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước; ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, đời sống và kinh tế của nhân dân. Nhằm hỗ trợ các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị mắc COVID-19; người dân và công nhân lao động nghèo ở các khu cách ly/phong tỏa; người về nước không có việc làm (ưu tiên những gia đình có nhiều người cùng đi cách ly, các khu vực nông thôn, khu vực giáp biên giới), Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ tham gia ủng hộ người dân bị ảnh hưởng. Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cấp phát lương thực, thực phẩm dành tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Cụ thể, các cấp hội thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của địa phương và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh; huy động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tham gia tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19 (nếu có điều kiện). Đối với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, các cấp hội chủ động cập nhật tình hình, số ca mắc, tử vong, địa bàn bị ảnh hưởng, thiệt hại và nhu cầu của người dân; tổ chức vận động và chủ động triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp từ nguồn tại chỗ; duy trì tham gia hiến máu tình nguyện với hình thức linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, các cấp hội tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Hội chủ động tổ chức các hoạt động huy động thích hợp (tiền, hàng) để ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trực tiếp điều phối nguồn hàng vận động được; tiếp nhận sự ủng hộ tiền mặt và gửi về Trung ương Hội để điều phối tới nhân dân vùng bị ảnh hưởng; tăng cường tham gia hiến máu tình nguyện để chia sẻ cho các tỉnh, thành khó khăn với hình thức linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm có thể chia sẻ, giúp đỡ người dân khó khăn phòng, chống dịch COVID-19 theo các cách sau: Ủng hộ trực tiếp tại trụ sở Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Số 82, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Điện thoại: 0243 822 4030 (số lẻ 302); Fax: 02439424285. E.mail: international@redcross.org.vn hoặc healthcarevnrc@gmail.com. Điện thoại di động: 091232736 (đồng chí Lê Gia Tiến). Ủng hộ trực tiếp tại Cơ quan Đại diện phía Nam - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Số 201, Nguyễn Thị Minh Khai, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: 083 839 1271. Fax: 083 8322 298. E.mail: ctdpn@yahoo.com. Điện thoại di động: 0913847027 (đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa). Ủng hộ qua tài khoản tiếp nhận tiền trong nước: Tên tài khoản: Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ. Số tài khoản: 1502201042160. Tại: Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phương Thanh

Tổ chức các hoạt động tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021

TĐKT - Để tổ chức thành công Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 2758/BTNMT-TTTNMT đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của địa phương về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Bãi biển Mũi Né – TP Phan Thiết Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6 hằng năm) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên trái đất. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để tổ chức thành công Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung trọng tâm: Tập trung tổ chức thông tin, tuyên truyền toàn diện các vấn đề liên quan đến biển, đảo (theo Hướng dẫn số 01-HD/BTGTW ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2021), bao gồm: Tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Từ ngày 1/6 đến ngày 15/6/2021 đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào những hoạt động cụ thể: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng. Sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức truyền thông, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, hình thức trực tuyến, mạng xã hội nhằm truyền thông, tuyên truyền cho các nội dung, tư liệu và các hoạt động ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021. Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu (khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường) tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi công cộng nhằm tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương, đơn vị tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm theo hình thức trực tuyến về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021. Phương Thanh

Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực mới

TĐKT - Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về việc bổ nhiệm: Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiêm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Cụ thể, tại Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, thay ông Đinh Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính) đã được bổ nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng thời, tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam, thay bà Nguyễn Thị Minh (nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) đã nghỉ hưu. Theo quy định hiện hành, Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam (Hội đồng Quản lý) giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định. Hội đồng quản lý có chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 5 năm. Hồng Thiết

Chuyên gia y tế Việt Nam hỗ trợ nước bạn Lào kiểm soát hiệu quả dịch

TĐKT - Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp chuyến công tác hỗ trợ CHDCND Lào trong phòng, chống dịch COVID-19. Sự hỗ trợ hiệu quả của Đoàn đã giúp Lào kịp thời ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19, ổn định cuộc sống. Với thời gian hoạt động gần 1 tháng tại Lào, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã trực tiếp đi thực tế và khảo sát ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet và tại thủ đô Viêng Chăn. Đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng/ xã có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao, các cơ sở cách ly tập trung, đơn vị xét nghiệm, bệnh viện dã chiến, bệnh viện đa khoa các tỉnh, trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân. Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sĩ của các bệnh viện tại các địa phương; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nphòng chống dịch; chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn… Đoàn công tác cũng đã hỗ trợ phía Lào khảo sát, đánh giá tình hình và hướng dẫn các giải pháp kiểm soát, dập dịch, quản lý ca bệnh, công tác quản trị điều hành, bảo đảm vệ sinh tại các cơ sở điều trị cho người bệnh COVID-19... Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Bệnh viện Đa khoa Savannakhet Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Việt Nam và qua quá trình khảo sát thực tế, đoàn chuyên gia y tế đã đưa ra những nhận định quan trọng về các nguy cơ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch COVID-19 tại các địa phương đã được khảo sát và kịp thời có các đề xuất để tiếp tục tăng cường bảo đảm phòng, chống dịch tại Lào. Theo đó, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất với nước bạn Lào cần xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và năng lực đáp ứng y tế từng vùng. Thiết lập tổ chuyên gia giúp việc phục vụ Ban chỉ đạo Quốc gia thu thập các thông tin đa ngành, đa lĩnh vực một cách chính xác, đầy đủ và tin cậy để có được thông tin và bằng chứng phong phú nhất phục vụ việc ra quyết định can thiệp cộng đồng phù hợp. Ngoài ra, đối với vấn đề nâng cao năng lực thu dung, quản lý điều trị COVID-19, đoàn chuyên gia y tế cũng đề xuất cần thống nhất thực hiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, bổ sung chỉ định cận lâm sàng khi nhập viện. Về năng lực chuyên môn, có thể nói hiện tại mới chỉ có thể dừng lại ở mức độ cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, nhưng chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn với các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine. Có kế hoạch chung về thu dung, quản lý điều trị, cấp cứu COVID-19 chung của quốc gia và hướng dẫn các địa phương thống nhất lên kế hoạch theo các cấp độ dịch. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống COVID-19 nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống dịch, có các hướng dẫn quốc gia cần đi kèm với các thông điệp truyền thông và chiến lược truyền thông phù hợp. Chia sẻ về tình hình thực tế tại Lào và những nguy cơ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đất nước bạn, TS. BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác cho biết: Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ trung ương đến địa phương của Lào đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19; các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, TS. BS Vương Ánh Dương cho biết thêm, qua thực tế khảo sát tại các địa phương những nguy cơ lây nhiễm chéo và tái bình phát dịch COVID-19 vẫn còn, đó là: Nguy cơ có thể từ các ca bệnh tại cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà; hoặc những người tiếp xúc gần chưa được thông tin về ca bệnh dương tính, hoặc không tự nguyện đi làm xét nghiệm. Nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện như việc sàng lọc người ra vào bệnh viện chưa thống nhất, triệt để... Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam cũng đề xuất, Lào cần chủ động triển khai các giải pháp để rút ngắn thời gian điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19, chủ động, thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, thần tốc đáp ứng cách ly và điều trị. Nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng số máy và mở rộng số lượng các cơ sở có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2. Thiết lập phòng xét nghiệm di động tại vùng dịch để tăng cường năng lực xét nghiệm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sự hỗ trợ hiệu quả kịp thời của đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã góp phần quan trọng hỗ trợ CHDCND Lào từng bước kiểm soát dịch COVID-19. Những bài chia sẻ, bài học kinh nghiệm của đoàn công tác đã được phía CHDCND Lào đánh giá cao, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó hơn nữa giữa hai dân tộc dù trong hoàn cảnh, khó khăn nào cũng luôn kề vai, sát cánh, hỗ trợ nhau để không ngừng phát triển. Bảo Hân

Bắc Giang: Triển khai test nhanh tại 3 điểm nóng của huyện Việt Yên

TĐKT - Ngày 26/5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang điều động lực lượng y tế gồm hơn 400 người đã ra quân triển khai công tác test nhanh cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 điểm nóng nhất về dịch COVID-19 tại huyện Việt Yên, Bắc Giang gồm: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đội ngũ hỗ trợ xét nghiệm nhanh tại huyện Việt Yên GS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, sau khi phát phiếu điền thông tin cho người dân, lực lượng y tế hỗ trợ sẽ chia thành các nhóm nhỏ tới từng nhà để lấy mẫu. Đối với phương pháp test nhanh này thì 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70 - 75%). Việc test nhanh định kỳ 3 ngày/1 lần tại những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng… là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm dập được các ổ dịch. Tại buổi giám sát, kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã động viên người dân cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch. Đối với lực lượng y tế hỗ trợ, Thứ trưởng đánh giá rất cao, cảm ơn sự nhiệt huyết, làm việc hết mình của họ. Thứ trưởng mong tất cả giữ gìn sức khỏe để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ cùng tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng dịch bệnh. La Giang

Trang