Chính trị - Xã hội

Từ ngày 1/6, người tham gia BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh trên toàn quốc

TĐKT - Từ ngày 1/6, người dân cả nước sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các chức năng của ứng dụng VssID và chỉ đạo BHXH các tỉnh tổ chức triển khai đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng trên phạm vi cả nước. Người tham gia BHXH sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID từ ngày 1/6 Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1115/BHXH-TST đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến thống nhất về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày 1/6/2021. Đề xuất này được đưa ra trong khi Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và trên cơ sở những lợi ích thiết thực mang lại cho người tham gia và cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, ngày 27/5/2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 4316/BYT-BH về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB triển khai thực hiện, có văn bản thống nhất thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, từ ngày 1/6/2021, người bệnh BHYT đi KCB được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Thứ hai, cơ sở KCB sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc). Thứ ba, cơ sở KCB có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ KCB BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sử dụng ứng dụng VssID để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT theo các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 3717/BHXH-CNTT ngày 25/11/2020 về việc triển khai ứng dụng VssID. Đặc biệt, việc thí điểm triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB tại 10 tỉnh vùng bị lũ lụt thuộc miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian vừa qua đã mang lại sự tiện lợi cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Bên cạnh đó, tính bảo mật, an toàn khi sử dụng được đảm bảo, hạn chế được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Việc chính thức triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB trên toàn quốc là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra đối với thẻ BHYT giấy; đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người tham gia và cơ sở KCB, do thẻ có mã QR code được tự động tăng độ phân giải, tăng độ sáng hiển thị làm rõ các thông tin trên thẻ BHYT. Đặc biệt, việc triển khai này còn đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH đối với các hoạt động liên quan tới thẻ BHYT giấy trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hồng Thiết

Sự đóng góp của Chính phủ Việt Nam được Covax đánh giá cao

TĐKT - Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với đại diện của COVAX Facility đánh giá tình hình cung ứng vắc xin trên toàn cầu của COVAX Facility, trong đó có việc cung ứng vắc xin COVD-19 cho Việt Nam. Được biết, trong bối cảnh nhu cầu về vắc xin COVID-19 trên thế giới rất lớn, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai rất tốt hoạt động tiêm chủng. Do đó, phía Việt Nam cũng đã kiến nghị về vấn đề chuyển giao công nghệ trong tham gia chuỗi cung ứng của COVAX để đảm bảo vắc xin cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc thành lập COVAX Facility với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin trong năm 2021, đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 cho tất cả các quốc gia. Đây là cơ hội cho tất cả các quốc gia có thu nhập thấp có điều kiện để tiếp cận với vắc xin phòng COVID-19. Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Nhật và COVAX trong việc tổ chức hội nghị này. Theo đó, Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vắc xin được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam đang khẩn trương triển khai tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và đảm bảo tiến độ an toàn, hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua. Bộ Y tế họp trực tuyến với đại diện của COVAX Facility Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn; số trường hợp mắc bệnh ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và tại cộng đồng, do đó việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là rất cần thiết. Việt Nam mong muốn COVAX Facility đẩy nhanh tiến độ cung ứng và bổ sung số lượng các loại vắc xin cho Việt Nam. Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức Quốc tế và các quốc gia trên thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và cung ứng vắc xin phòng COVID-19. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để chủ động nguồn vắc xin cho người dân Việt Nam. Đồng thời, cam kết với COVAX, WHO trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy và mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vắc xin cho COVAX và cho các nước cũng như cho Việt Nam. Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX Facility. Việc ủng hộ này thể hiện sự đánh giá cao hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19 của sáng kiến toàn cầu này và khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong chương trình COVAX Facility. Bảo Hân

Bắc Giang cần đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm an toàn tiêm chủng

TĐKT - Ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kiểm tra đột xuất việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 2 huyện Yên Dũng và Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Tại điểm tiêm vaccine UBND xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, Thứ trưởng đề nghị chính quyền sở tại cần sắp xếp thời gian tiêm hợp lý, vào sáng sớm và chiều tối nhằm đảm bảo sức khỏe cho lực lượng y tế. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang Về cơ sở, trang thiết bị, cần phải chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Riêng bộ phận cấp cứu tại điểm tiêm bắt buộc có bác sĩ trực, xe cứu thương được phân luồng thông thoáng để tiện di chuyển một cách nhanh nhất khi có sự cố xảy ra. Cũng tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã ân cần động viên, thăm hỏi người dân cũng như các y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thông tin Bộ Y tế đã bổ sung thêm 120.000 liều vaccine và lực lượng để hỗ trợ Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trụ sở UBND xã Quỳnh Sơn diễn ra khá nền nếp, quy củ, theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế. Hình ảnh lực lượng công nhân tới tiêm vaccine ở Bắc Giang Sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tiếp tục tới điểm tiêm tại Tổng công ty May Bắc Giang (LGG), huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Tại đây, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của lực lượng nhân viên y tế, cũng như ý thức chấp hành của lực lượng công nhân tới tiêm vaccine phòng COVID-19. Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang  Nguyễn Văn Bằng cho biết, hiện địa phương được phân bổ 33.000 liều vaccine, bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 30/5. Tới thời điểm hiện tại, huyện Lạng Giang đã triển khai được 6 điểm tiêm cho tổng số 6.000 người. Những người được tiêm đều không có phản ứng nặng sau tiêm và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn sát sao tới từ Bộ Y tế để địa phương có thể sớm hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công dân trên địa bàn. Bảo Hân

Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19

Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đó là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức  - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Sáng ngày 29/5/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Tham dự cuộc họp, về phía Trung ương có: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền Thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; một số cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có: Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của 15 địa phương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau: I. Đánh giá tình hình và nguyên nhân 1. Đánh giá tình hình dịch bệnh Thời gian qua, về tổng thể cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên cục bộ một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là tình hình lây nhiễm trong các khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng và ngược lại; dịch cũng lây lan ở những địa điểm tụ tập đông người liên quan đến hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác nên rất khó kiểm soát. 2. Nguyên nhân Đợt dịch lần thứ tư này bùng phát do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chính. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn. II. Về công tác chỉ đạo, điều hành 1. Ngay từ khi bắt đầu có dịch bùng phát lần này, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia đã thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả. 2. Đại đa số các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; chủ động, nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chức năng và thẩm quyền. 3. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự tham gia, chia sẻ, ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và nhân dân; đã huy động được các nguồn lực đáng kể trong và ngoài nước cả về vật chất và tinh thần cho phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 4. Tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn để bị động, lúng túng trong nắm bắt, đánh giá chính xác tình hình để đưa ra giải pháp quyết liệt, phù hợp hiệu quả. III. Một số bài học kinh nghiệm Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ tư: Một là, phải nắm chắc tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra đôn đốc đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả. Hai là, việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, đúng quy định kết hợp với việc chủ động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, tình hình cụ thể. Ba là, huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Bốn là, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là những vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Năm là, động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. IV. Về mục tiêu 1. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. 2. Quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt cao điểm của đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trước mắt tập trung cao độ tại các địa bàn có ổ dịch đang diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,  Hà Nội... 3. Tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt an ninh, an toàn, an dân. 4. Tổ chức kết thúc thành công năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2021 - 2022. V. Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo 1. Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, nhất là những nơi đang có các ổ dịch lớn thì phải tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh; tất cả phải với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm để nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. 2. Trên cơ sở phát huy thành quả đạt được trong các đợt chống dịch bùng phát lần trước và những kết quả bước đầu của phòng, chống dịch lần này; bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, tích cực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động mọi nguồn lực hợp pháp trong xã hội, trong nhân dân, trong nước và ngoài nước. 3. Nắm chắc và dự báo đúng tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, quan trọng, đột phá, phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và là quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra. 4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì Đảng, vì Nước, vì Dân; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các quy định, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, nhất là việc quyết định phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với khuyến khích đổi mới sáng tạo; linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm theo phương châm cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá. 5. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phát huy và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng tổng kết thực tiễn và từng bước xây dựng hoàn thiện lý luận. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, làm cho dân biết, dân hiểu, chia sẻ, tin tưởng, hưởng ứng, tích cực tham gia và thụ hưởng những thành quả từ phòng, chống dịch. Quán triệt tinh thần mỗi người phải tự bảo vệ mình, tức là bảo vệ cộng đồng và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. 6. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu, vươn lên; lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, khẳng định để trưởng thành; đồng thời phát huy giá trị con người và ý chí dân tộc Việt Nam trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Kiên quyết xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, những biểu hiện lợi dụng việc phòng, chống dịch để xuyên tạc, chống phá, gây nghi ngờ, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và làm mất trật tự, hoang mang trong Nhân dân. Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang VI. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Những vấn đề mới, khó, nhạy cảm chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. 2. Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài. 3. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vaccine. 4. Chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch. Quán triệt tư tưởng chủ đạo là phòng bệnh chủ động, tích cực, thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình. 5. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. 6. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng Quỹ vaccine. 7. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung. Tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động. 8. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy xí nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... có đủ điều kiện có thể nghiên cứu, thực hiện cách ly tập trung tại chỗ theo đúng các quy định để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hợp lý hiệu quả. 9. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. VII. Tổ chức thực hiện 1. Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì chỉ đạo chung công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang. 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. 3. Bộ Y tế chủ động huy động các nguồn lực tại các cơ sở đào tạo y khoa, tham gia hỗ trợ cho các lực lượng phòng chống dịch. 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc khai giảng năm học 2021 - 2022 đúng quy định. 5. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay việc nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện pháp công nghệ để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. 6. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. 7. Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân./. Theo baochinhphu.vn

Điều trị hiếm muộn trực tuyến: Hạnh phúc trọn vẹn thời Covid -19

TĐKT –Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội lựa chọn. Cách làm này đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực khi vừa bảo đảm hiệu quả công việc, vừa góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiệu quả từ mô hình điều trị hiếm muộn trực tuyến Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108, ngay khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân hiếm muộn đã nhanh chóng được áp dụng theo hình thức trực tuyến qua mạng internet từ ngày 11/4/2020. TS. BS Đặng Vĩnh Dũng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Điều trị hỗ trợ sinh sản là công việc đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị của bác sĩ và theo chu kỳ của cơ thể mỗi bệnh nhân.Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, khám và điều trị cho những bệnh nhân này gặp không ít khó khăn.Để duy trì hành trình điều trị và đảm bảo tỷ lệ thành công cho các ca hỗ trợ sinh sản, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện TWQĐ 108 đã triển khai hình thức điều trị trực tuyến. Theo đó,phần mềm mà trung tâm đang dùng để kết nối trực tuyến với người bệnh là TRANS. Hàng tuần, Trung tâm triển khai tư vấn trực tuyến, bệnh nhân có thể thực hiện đăng ký để được sắp xếp thăm khám và tư vấn điều trị qua form:https://docs.google.com/.../1FAIpQLSc1Tcw28Uw.../viewform (đối với bệnh nhân nữ) và https://docs.google.com/.../187DZmaIx3kG52QdAwcWTriCuNAjN (đối với bệnh nhân nam). Trước khi tham gia thì bệnh nhân điền thông tin trên tin nhắn dạng SMS mà trung tâm gửi đến (điền bằng cách nhấn vào ô gợi ý). Sau khi đăng ký thành công, bệnh nhân chỉ phải đến bệnh viện vào hai thời điểm là: Ngày chọc trứng (7h30 đến viện và 10h30 về) và ngày chuyển phôi (7h30 đến 11h về). Còn lại các công đoạn khảo sát, đánh giá, chẩn đoán ban đầu được Trung tâm thực hiện trực tuyến, chấp nhận kết quả cơ sở thuận tiện của bệnh nhân. Việc báo phôi, chỉ định trữ phôi, chỉ định chuyển phôi thực hiện trực tuyến. Việc hoàn thành trách nhiệm tài chính với Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân thực hiện qua hình thức chuyển khoản. Hình thức điều trị trực tuyến hiện nay là miễn phí. Thủ tục hành chính được gửi bảng chi tiết để bệnh nhân chủ động sẵn, nộp vào ngày chọc hút trứng. Công tác chăm sóc thai cũng được thực hiện trực tuyến ở các mốc thường quy, trừ tuần thai 36 và lúc sinh thì bệnh nhân phải nhập viện. TS. BS Đặng Vĩnh Dũng cho biết, ưu điểm của tư vấn, điều trị trực tuyến trong hỗ trợ sinh sản là không làm giảm tỷ lệ thành công, ngược lại tăng tỷ lệ thành công vì giảm stress cho bệnh nhân. Vấn đề chính đó là, hiện nay Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện TWQĐ 108 có bộ phận chuyên phân tích kết quả xét nghiệm, kết quả siêu âm chất lượng, nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, tỷ lệ thành công của bệnh nhân thực hiện trong tháng 5/2021 tại Trung tâm đạt kết quả khá cao – trên 85%, tất cả đều áp dụng trực tuyến. Với sứ mệnh đồng hành và tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng cũng như những áp lực cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện TWQĐ 108 tuy ra đời chưa lâu, nhưng đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, giúp ước mơ được làm cha, làm mẹ của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn trở thành hiện thực. Hiện nay, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã có rất nhiều ca sinh bé ra đời khỏe mạnh từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện TWQĐ 108. Những tia nắng ban mai trong mùa dịch Covid -19 Dù những ngày gần đây, cộng đồng xã hội liên tục đón nhận những thông tin căng thẳng về diễn biến của dịch bệnh COVID-19, nhưng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện TWQĐ 108 lại may mắn liên tục đón nhận những tin vui từ những ca bệnh mà họ đã kiên trì hỗ trợ điều trị trực tuyến trong suốt thời gian từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020. Em bé Ban Mai kháu khỉnh của cặp vợ chồng anh chị T.L – Mỏ Chè, Thái Nguyên ra đời ngày 9/3/2021 nhờ thực hiện IVF thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện TWQĐ 108 Anh chị S.H - Hoàng Mai, Hà Nội, kết hôn năm 2008. Năm 2009, anh chị có thai tự nhiên. Năm 2012, chị S có thai nhưng chửa ngoài tử cung bên phải nên phải cắt vòi trứng phải. Năm 2015, chị chửa ngoài tử cung bên trái nên phải cắt bảo tồn. Anh chị đã trải qua 5 lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở một số cơ sở nhưng không thành công. Người vợ mang gien rối loạn đông máu. Đến tháng 5/2020, qua chương trình khoa học về Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện TWQĐ 108 trên kênh VTV2, anh chị quyết tâm làm IVF tại đây, anh chị có có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên, ngày 10/08/2020. Đến ngày 17/04/2021, anh chị đón bé trai nặng 3,1kg trong niềm hân hoan vỡ òa. Chị H cho biết, trong suốt quá trình mang thai, mẹ con chị luôn được các y, bác sĩ đồng hành đến ngày con chào đời khỏe mạnh bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Một cặp vợ chồng khác đến từ Hải Dương cũng vừa đón nhận tin vui sau hành trình đầy vất vả. Hiện người vợ đang mang thai ở tuần thứ 14 với tinh trùng “chính chủ” từ người chồng có tiền sử viêm tinh hoàn. Sau 7 năm, 2 vợ chồng đi khắp nơi để chạy chữa vô sinh, vợ chồng anh H đã đi nhiều bệnh viện để thăm khám, bác sĩ kết luận tinh dịch của anh H không có tinh trùng do biến chứng viêm tinh hoàn năm 2012, đã từng 2 lần làm IVF thất bại tại một cơ sở khác. Khi vợ chồng anh chị đã cảm thấy hết hy vọng thì được người thân đã từng làm IVF thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện TWQĐ 108 giới thiệu, anh chị quyết tâm đặt niềm tin lần cuối cùng vào đây. Thấu hiểu hoàn cảnh khao khát được có con từ chính mình, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã quyết định điều trị tình trạng viêm mào tinh cho anh H, kết quả mẫu tinh dịch đã có tinh trùng di động, hình dạng bình thường tuy nhiên số lượng quá ít, các bác sĩ đã chỉ định cho anh H gom tinh trùng cùng với thời điểm kích thích buồng trứng cho người vợ. Kết quả số lượng tinh trùng gom được đủ điều kiện làm kỹ thuật IVF/ICSI, số phôi tạo ra được trữ lạnh, chờ chuyển vào cơ thể mẹ. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, buộc lần chuẩn bị niêm mạc đầu tiên phải hủy bỏ. Các bác sĩ của Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện TWQĐ 108 đã hướng dẫn điều trị trực tuyến, chuẩn bị niêm mạc từ xa trong những ngày dịch COVID-19 tại Hải Dương diễn biến phức tạp. Thật may mắn, anh chị H đã được chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên và anh chị đã đạt được nguyện vọng có thai mà người chồng không phải thực hiện các kỹ thuật thụ tinh trùng xâm lấn (MESA – vi phẫu thuật trích tinh trùng từ mào tinh; hay micro-TESE vi phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn). Gần đây nhất, ngày 24/5/2021, Trung tâm tiếp tục nhận được tin vui từ chị P.T.P ở Đắk Lắk, kết quả beta hCG (+) sau 11 ngày chuyển phôi. Chị được bác sĩ hướng dẫn trực tuyến chuẩn bị niêm mạc theo chỉ định và có mặt tại Trung tâm đúng ngày chuyển phôi mà không cần phải đi lại vất vả hay phải ở trọ… Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện TWQĐ 108 ươm những mầm non, lan tỏa hạnh phúc đến cho các cặp vợ chồng Những thành công trên một lần nữa khẳng định sự linh hoạt, sáng tạo cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi và tâm huyết của đội ngũ thầy thuốc của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện TWQĐ 108 trong hành trình cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn đi tìm con yêu. TS. BS Đặng Vĩnh Dũng khẳng định: Những tin vui từ những ca bệnh mà trung tâm đã kiên trì hỗ trợ điều trị trong suốt thời gian qua chính là những tia nắng ban mai hạnh phúc nhất, xua tan những âu lo thời Covid -19. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình gieo hạnh phúc đến những gia đình hiếm muộn trên khắp đất nước. Mai Thảo  

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ cho người dân 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch Covid-19

TĐKT - Ngày 27/5, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ cho các cán bộ y tế tại các điểm cách ly tập trung trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh 1.000 thùng nước và 50.000 khẩu trang y tế. Đại diện trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chụp hìnhtrước chuyến hàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh Hiện nay, Bắc Giang và Bắc Ninhlà 2 tỉnh có số lượng ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước. Các y, bác sĩ ngoài việc phải tích cực điều trị các ca nhiễm Covid-19; truy vết, kiểm soát tình hình dịch ngay tại địa phương mà còn phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Nhân viên trường vận chuyển thùng nước lên xe Nhằm góp phần hỗ trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho người dân và đảm bảo sức khỏe nhân dân và cộng đồng, Công đoàn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã gửi tặng Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh 1.000 thùng nước khoáng và 50.000 khẩu trang y tế. Đại diện cán bộ, giảng viên chung tay vì một Việt Nam không Covid – 19 TS.Đỗ Quế Lượng – Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường, cho biết:”Thay mặt Ban Giám hiệucùng toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tôi hy vọng sự đóng góp này sẽ góp một phần trách nhiệm của nhà trường đối với đại dịch Covid-19, đồng thời mang lại những hiệu quả thiết thực và tạo ra được sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội để chúng ta có thêm nhiều nguồn lực hơn nữa đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa các hoạt động kinh tế, xã hội đi vào ổn định”. Cán bộ tại Công đoàn giáo dục tỉnh Bắc Giang chụp hình trước chuyến hàng hỗ trợ phòng chống Covid-19 của Trường. Ngoài ra, Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã viết thư kêu gọi tình nguyện viên tham gia Đội phòng, chống dịch Covid-19 với mong muốn nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và các em sinh viên Khối Sức khỏe toàn trường. Việt Anh

Nestlé Việt Nam hỗ trợ y tế Thủ đô trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

TĐKT - Nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong hai tuần cuối tháng 5, công ty Nestlé Việt Namđã trực tiếp trao tặnggần 60.000 sản phẩm dinh dưỡng tới hơn 20.000 cán bộ, nhân viên y tếđanglàm việc tại 15 bệnh viện và trung tâm y tế ởTP Hà Nội. Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Với tinh thần cả nước chung tay "chống dịch như chống giặc", Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng triển khai chương trình nhằm hỗ trợ tuyến đầu làm nghiệm vụ, đồng thời luôn đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Gần 60.000 sản phẩm đồ uống, dinh dưỡng như Nescafé Espressoda, Nescafé Việt, Nestea, Nesvita trị giá hơn 1,5 tỷ đồng đã được trao tận tay các y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trao quà hỗ trợ của Nestle đến các y, bác sĩ, cán bộ khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Nhi Trung ương PGS.TSTrần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ : Các nhu yếu phẩm hỗ trợ Bệnh viện Nhi Trung ương đã đến trong lúc các bác sĩ và nhân viên y tế đang căng mình vừa phục vụ bệnh nhân vừa đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch. Chúng tôi xin ghi nhận và cảm ơn công ty đã đồng hành, tiếp sức cho bệnh viện đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này. Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết: Tôi tin tưởng rằng cùng với quyết tâm cao nhất của Chính phủ, sự chung tay đồng lòng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi đại dịch. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ ngành y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, Nestlé Việt Namcũng hỗ trợ lực lượng bộ đội biên phòng và lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 dọc tuyến biên giới phía Nam với 7.500 phần thực phẩm và thức uống dinh dưỡng mang nhãn hiệu Maggi, Nescafé và Nestea với tổng giá trị 270 triệu đồng. Nestle Việt Nam tiếp nguồn năng lượng, tăng cường tỉnh táo cho các y, bác sĩ ở các bệnh viện ở Hà Nội Tổng trị giá hỗ trợ đợt này của Nestlé Việt Nam đến lực lượng tuyến đầu bao gồm nhân viên y tế và các chiến sĩ bộ đội biên phònglà gần 1,8 tỷ đồng. Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Nestlé Việt Nam đã đặt ra 5 ưu tiên giúp vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19 gồm:Đảm bảo an toàn và phúc lợi cho nhân viên; tối ưu hóa nguồn cung; tối ưu hóa kênh phân phối;linh hoạt trong cách tiếp cận với với tiêu dùng, và chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng. Trong hơn một năm qua, Nestlé tại Việt Nam và công ty La Vie (một thành viên của Tập đoàn Nestlé) đã hỗ trợ gần 40 tỷ đồng thông qua sản phẩm, tiền mặt và 88.000 khẩu trang y tế cho hoạt động phòng, chống đại dịch tại Việt Nam. Công ty cũng đã triển khai hỗ trợ các đối tác kinh doanh nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng gồm các nhà hàng nhỏ, quán ăn nhỏ, căng-tin trường học với tổng giá trị quà tặng lên tới 22 tỷ đồng. Công ty cũng luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, phổ biến các quy định về phòng, chống dịch cho toàn thể công nhân, lao động của công ty để cùng thực hiện như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại công ty, giữ khoảng cách, ưu tiên các cuộc họp online, tăng cường giãn cách ở khu vực sản xuất, lắp đặt một số phân vùng, tấm chắn phòng dịch. Ngày 7/4 vừa qua, tập đoàn Nestlé (Thụy Sỹ) công bố khoản đóng góp 2 triệu franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương gần 49 tỷ đồng ủng hộ tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. Số tiền đóng góp sẽ được chuyển cho Quỹ ứng phó với COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thục Anh    

Kịp thời động viên, khen thưởng các tấm gương điển hình trong phòng, chống dịch

TĐKT - Chiều 28/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân đến thăm, kiểm tra, động viên công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Cùng tham gia Đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước, có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (tại Bắc Giang); Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (tại Bắc Ninh); Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn… * Tiếp và làm việc với Đoàn công tác tại Bắc Giang, có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng; lãnh đạo Sở Y tế và một số ngành liên quan. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn công tác trao 3,5 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 3 ổ dịch ở xã Phương Sơn (huyện Lục Nam); các khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, huyện Việt Yên. Đến hết ngày 27/5, tổng số F0 là 1.749 trường hợp; F1 là 15.023 trường hợp; F2 là 66.880 trường hợp; đã có 1 trường hợp tử vong do Covid-19. Ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, tỉnh đã tập trung kích hoạt nhiều biện pháp: Thường xuyên thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh để người dân biết, cảnh giác, tự giác khai báo y tế và giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa 6 huyện, dừng hoạt động 4 khu công nghiệp. Thực hiện các giải pháp “4 tại chỗ”. Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện an toàn sản xuất phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, chỉ đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Giang đã luôn bám sát tình hình, có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch. Các sở, ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo và có hiệu quả các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, truy vết thần tốc. Các ngành, địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã và đang ngày đêm không quản khó khăn, mệt mỏi, nỗ lực triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ân cần thăm hỏi, động viên, gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang. Đồng chí ghi nhận, mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn nhưng Bắc Giang đã bình tĩnh, kiên cường, kịp thời phòng, chống dịch; kịp thời có các phương án hiệu quả để giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện an toàn để tiếp tục sản xuất; có nhiều sáng tạo trong tổ chức cuộc bầu cử thành công. Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương kịp thời phát hiện, trình khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhằm động viên tinh thần, khơi dậy lòng nhiệt huyết của lực lượng nơi tuyến đầu. Nhân dịp này, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng tỉnh Bắc Giang 3,5 tỷ đồng để phòng, chống dịch. * Tại tỉnh Bắc Ninh, tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Nhân Chiến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Quang Khải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Đoàn công tác làm việc tại Bắc Ninh Bắc Ninh là một trong những tỉnh bị nhiều ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với ca bệnh đầu tiên vào ngày 5/5/2021, có nguồn lây từ một số bệnh viện tuyến trên hình thành nên ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành và một số địa bàn, doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tính đến 12h ngày 28/5/2021, Bắc Ninh có 712 trường hợp F0; 5.147 trường hợp F1; 35.130 trường hợp F2; hiện đang thực hiện cách ly y tế 32.989 trường hợp; đã lấy mẫu xét nghiệm được 445.419 mẫu. Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt, tổ chức truy vết thần tốc, kịp thời khoanh vùng, cách ly các trường hợp liên quan nhằm hạn chế lây lan trên địa bàn. Đặc biệt, vận dụng linh hoạt, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch, không để “đứt gãy” chuỗi sản xuất và tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn công tác trao 3,5 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Bắc Ninh phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, tình hình dịch bệnh theo đánh giá của Bộ Y tế cơ bản trong tầm kiểm soát, những ca lây nhiễm mới cơ bản là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung. Hiện tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chi viện của các ngành, các cấp và các địa phương để tiếp thêm động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, ổn định phát triển sản xuất. Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận và đánh giá cao những cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, đây cũng là những kinh nghiệm hữu ích để áp dụng cho các địa phương trong cả nước. Phó Chủ tịch nước tin tưởng với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất cùng với sự năng động, sáng tạo, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, dập dịch trong thời gian nhanh nhất, không để dịch lây lan, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước. Phó Chủ tịch nước giao Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phối hợp với tỉnh Bắc Ninh kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, để tạo sự khích lệ, lan tỏa tới các địa phương, góp phần chung tay đẩy lùi Covid-19. Nhân dịp này, Đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng tỉnh Bắc Ninh 3,5 tỷ đồng để phòng, chống dịch Covid-19. Nguyệt Hà

Tiếp tục triển khai Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”

TĐKT - Nhằm tiếp tục chăm lo, hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, sáng 28/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức triển khai Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”. Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, kể từ tháng 4 năm 2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”. Chương trình nhằm kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài tham gia ủng hộ, đồng hành với Đoàn, Hội để chăm lo, hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, đồng thời phát huy tính xung kích, sáng tạo, chủ động của các cấp bộ Đoàn, Hội trong tham mưu, xây dựng và triển khai các mô hình, giải pháp chung tay cùng toàn xã hội ứng phó dịch bệnh COVID-19, từng bước khôi phục đời sống kinh tế xã hội, đồng hành với người dân và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình triển khai 2 nhóm nội dung, giải pháp chính gồm: Một là hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định cuộc sống hàng ngày thông qua các hoạt động như tổ chức các hoạt động tặng quà, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; quầy thực phẩm lưu động 0 đồng, quầy hàng bình ổn giá; tổ chức các bếp ăn từ thiện, cơm nhân ái... để hỗ trợ thanh niên công nhân, người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn… Hai là hỗ trợ việc làm, điều kiện sống, điều kiện học tập thông qua các hoạt động như vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng trọ và chi phí điện, nước sinh hoạt; trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, các thiết bị phòng, chống dịch; hỗ trợ thanh niên công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; giới thiệu việc làm thêm bán thời gian, thời vụ, việc làm trực tuyến cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng các đoàn viên, thanh niên cơ quan Trung ương Đoàn đón nhận những phần quà ủng hộ cho chương trình từ các mạnh thường quân Kể từ khi phát động Chương trình “San sẻ yêu thương chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” vào ngày 22/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo và triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa và hiệu quả để hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 cũng như người dân và thanh thiếu nhi bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 như: Chương trình “Triệu bữa cơm”, “Trạm rửa tay dã chiến”; hỗ trợ trang thiết bị, vật phẩm cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19; hỗ trợ người dân kê khai y tế; hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị cho các đồn biên phòng tuyến biên giới; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; triển khai các đội hình hình tình nguyện tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid -19, khu cách ly; thành lập và duy trì hoạt động hàng nghìn đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó với dịch bệnh, đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, hình ảnh “màu áo xanh tình nguyện” của đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19 được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong thời gian qua… Do tình hình dịch bệnh Covid -19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội của đất nước và mọi mặt đời sống của người dân, hơn lúc nào hết cần tiếp tục có sự ủng hộ, chung tay đóng góp của toàn dân để tiếp tục hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, vì vậy Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” trong giai đoạn mới. Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kêu gọi các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, chủ động trong tham mưu và triển khai các mô hình, giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát huy mạnh mẽ sự tham gia của đoàn viên, hội viên, thanh niên chung tay phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; kêu gọi mỗi đoàn viên, thanh niên, doanh nhân, văn nghệ sĩ, y bác sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước tiếp tục cùng chung tay, đồng lòng ủng hộ, góp sức để phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19 và đồng hành cùng chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”. Mỗi tổ chức, cá nhân tùy theo khả năng của mình ủng hộ vật chất, tinh thần, công sức, trí tuệ để tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn sớm vượt qua đại dịch và ổn định cuộc sống. Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn tiếp nhận ủng hộ từ các đơn vị, cá nhân tại buổi triển khai Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” 2021. Tại chương trình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiếp nhận kinh phí và vật phẩm của các đơn vị đồng hành: Tập đoàn City Land hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty TNHH TCPVN hỗ trợ 200 triệu đồng và 600 thùng nước, Báo Thanh niên hỗ trợ 100 triệu đồng, Green Plus và Quỹ tấm lòng vàng hỗ trợ 400 triệu đồng, Công ty Cổ phần di động trực tuyến Momo hỗ trợ 40 triệu đồng, CLB Chuyến xe yêu thương hỗ trợ 20 triệu đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank hỗ trợ 3.000 bộ bảo hộ y tế trị giá 500 triệu đồng, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P hỗ trợ 50 nghìn khẩu trang và 50 nghìn trứng gà, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt hỗ trợ 58 nghìn khẩu trang trị giá 120 triệu đồng, Công ty nước giải khát Suntory Pepsico phối hợp triển khai Chương trình “Triệu bữa cơm” cho 25.000 người trị giá 500 triệu đồng và hỗ trợ 2000 thùng nước giải khát trị giá gần 230 triệu đồng, Tổ chức Y tế thế giới – WHO hỗ trợ 420 bộ pin sạc trị giá 683.650.000đ, Sân khấu Lệ Ngọc hỗ trợ 50 nghìn khẩu trang, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) hỗ trợ 1 nghìn thùng sữa, Tập đoàn TH True Milk hỗ trợ 42.400 ly sữa; ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Truyền hình tương tác VTVline hỗ trợ 10 tấn gạo, công ty Massan hỗ trợ 200 thùng mì, Công ty HTC và nhóm Fly to Sky hỗ trợ găng tay, khẩu trang trị giá hơn 120 triệu đồng. Tổng giá trị ủng hộ tại Chương trình là hơn 4 tỷ đồng.  Dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công ty Unilever Việt Nam đã phân bổ 175 nghìn sản phẩm rửa tay sát khuẩn Lifebuoy trị giá hơn 11 tỷ đồng để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 30 tỉnh, thành phố triển khai các đội hình tình nguyện tuyên truyền phòng, chống Covid-19 và tặng người dân, thanh thiếu nhi các địa bàn biên giới, địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay sau chương trình, 10 chuyến xe “San sẻ yêu thương chung tay vượt qua đại dịch” gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu đã được CLB Bán tải Hà Nội vận chuyển tình nguyện đến trao tặng cho các lực lượng phòng chống Covid-19 tuyến đầu, người dân và thanh thiếu nhi 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên... Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ: Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam Tài khoản: 1902.6637.1956.89 tại Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hà Thành. Tiêu đề gửi “Ủng hộ San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”; * Ủng hộ bằng hiện vật: Thông qua Hội LHTN Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố, xin vui lòng liên hệ Ban Tổ chức để được hỗ trợ thông tin. * Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ chị Nguyễn Duy Hưng: Email: tinhnguyenquocgia@gmail.com; Số điện thoại: /097.810.1085 024.6263.1885.   Mai Thảo

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh về công tác tuyên truyền kỷ niệm sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo Kết luận số 237-TB/TW ngày 11/11/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã định hướng công tác tuyên truyền kỷ niệm sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) trong Hướng dẫn số 165-HD/BTGTW ngày 09/12/2020 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2021. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự kiện trên, cụ thể: Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc và các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương có gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, nhất là các hoạt động triển lãm tranh cổ động, trưng bày, giới thiệu về Bác Hồ, về kết quả trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về thành tựu sau 35 năm đổi mới đất nước và văn hóa, con người Việt Nam; gắn với tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ đạo tổ chức sáng tác và quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi về Bác Hồ, về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về gương “người tốt”, “việc tốt” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những tác phẩm có giá trị cao, tạo sức lan tỏa trong xã hội.  Chỉ đạo tổ chức tốt Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, phát hành, trưng bày giới thiệu sách, báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường cứu nước của Người; theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc sự kiện lịch sử, phủ nhận vai trò, giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cũng như cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đối với Bộ Ngoại giao, chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông tin về sự kiện gắn với việc tuyên truyền Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, vị thế, uy tín ngày càng cao, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình và hạnh phúc. Đối với các cơ quan báo chí Trung ương, tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự, diễn đàn để tuyên truyền, làm rõ: ý nghĩa lớn lao của sự kiện Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; khẳng định con đường cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là đúng đắn, sáng tạo; tôn vinh, tri ân sâu sắc những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta; đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyên truyền kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp, ngành, địa phương; nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin về các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm; tăng cường các phóng sự, chương trình nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, phim tài liệu về sự kiện,... hấp dẫn, lôi cuốn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến. Đối với Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm về sự kiện bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp, kết hợp với tuyên truyền kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó lưu ý chỉ đạo: Một là, tuyên truyền về sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm tuyên truyền, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, trên Internet và các trang mạng xã hội. Vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên xây dựng các clip ngắn về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên Internet và mạng xã hội. Chỉ đạo tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, thi trắc nghiệm trực tuyến về sự kiện. Hai là, chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh, thành phố tiếp sóng, phát sóng phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng dung lượng, thời lượng đưa tin, phát sóng về gương “người tốt”, “việc tốt”, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./. Theo tcnn.vn

Trang