Chính trị - Xã hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Cuộc bầu cử thành công toàn diện

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND đã thành công toàn diện, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng quy định và đúng pháp luật. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra dân chủ, đúng quy định, đúng pháp luật và thành công toàn diện, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Đây là đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong trao đổi nhanh với phóng viên cuối ngày 23/5. - Xin Bộ trưởng đánh giá sơ bộ kết quả cuộc bầu cử mà Bộ Nội vụ nắm bắt được cho đến thời điểm này? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đầu tiên có thể nói đây là một cuộc bầu cử thành công toàn diện, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng quy định và đúng pháp luật. Không khí ngày bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Tính đến 19 giờ, tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu cử đạt 99,16% là minh chứng cụ thể những điều này. Có thể nói, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương, đơn vị đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bầu cử, đảm bảo đúng thời gian quy định. Nhiều địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Đắk Nông, Bình Định, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre… có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt tới trên 99%. Các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Lào Cai có tới 99,98% cử tri đi bỏ phiếu bầu cử. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cơ quan chức năng như Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đều tập trung nỗ lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện cuộc bầu cử. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện rất cụ thể, chi tiết, tích cực của các địa phương, đơn vị và các Tổ Bầu cử. Bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận, thống nhất, đoàn kết của người dân. Cử tri cả nước rất phấn khởi khi cầm lá phiếu trên tay tham gia bầu cử. Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề an ninh, trật tự, kỳ bầu cử rất an toàn, không phát sinh điểm nóng, không có tụ tập đông người gây rối trật tự. Các lực lượng công an, quân sự ở địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử. Các điều kiện phục vụ cho cuộc bầu cử đều đảm bảo. khu vực bầu cử được trang hoàng đẹp đẽ, tạo khí thế cho ngày hội toàn dân. Trong ngày bầu cử, các địa phương đã tổ chức tốt công tác phân luồng điều tiết cử tri đi bầu cử theo giờ, thực hiện nguyên tắc 5K, bảo đảm an toàn cho cử tri đi bầu trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các điểm bỏ phiếu được bố trí đầy đủ dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, nước rửa tay, sát khuẩn. Thành viên Tổ Bầu cử hướng dẫn cử tri mang khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào phòng bỏ phiếu và sát khuẩn sau khi bỏ phiếu xong ra về. Một số nơi có trường hợp cử tri có triệu chứng ho sốt, thành viên Tổ Bầu cử hướng dẫn đi riêng để cử tri bỏ phiếu vào các thùng phiếu dự phòng theo quy định. Đối với bỏ phiếu tại khu vực cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, Tổ Bầu cử đã tổ chức cho các cử tri đang điều trị, cách ly bảo đảm theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và của tỉnh. Đối với khu vực có cử tri cách ly tại nhà, Tổ Bầu cử đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định để cử tri thực hiện quyền bầu cử an toàn, đúng luật. - Ở những địa bàn đang xảy ra dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu vẫn khá cao, theo bà, tỷ lệ này nói lên điều gì? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Theo tôi, quan trọng nhất là niềm tin của người dân, lòng dân đối với chế độ, đối với Đảng, Nhà nước, trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua cuộc bầu cử để hiểu được lòng dân. Trong lúc khó khăn, dịch bệnh như vậy, nhiều người đang phải cách ly, đang nằm trên giường bệnh điều trị COVID-19, nhưng họ vẫn sẵn sàng tham gia bầu cử bằng chính tấm lòng của mình, bằng ý chí, tinh thần dân tộc. - Trong Ngày Bầu cử, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn đi kiểm tra công tác bầu cử tại Bắc Ninh, một trong những địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp nhất hiện nay. Bộ trưởng có thể thông tin đôi nét về công tác bầu cử tại đây? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Sáng nay (23/5), Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã đi kiểm tra 4 điểm bầu cử (nơi có dịch) tại huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Qua kiểm tra cho thấy không khí ngày bầu cử rộn ràng, băng rôn, khẩu hiệu trang hoàng từ các trục đường lớn đến các điểm bầu cử. Việc bầu cử tại đây được thực hiện theo các múi giờ, cử tri được chia nhóm theo cụm dân cư. Cử tri trước khi vào khu vực bầu cử được kiểm tra y tế (đo thân nhiệt, xịt cồn rửa tay). Các điểm bầu cử đều có phòng cách ly, khi phát hiện cử tri có biểu hiện nhiễm bệnh sẽ tiến hành cách ly ngay. Các trường hợp F2 cách ly tại nhà được Tổ Bầu cử mang hòm phiếu phụ vào tận nhà để cử tri bỏ phiếu. Thành viên Tổ Bầu cử, phục vụ bầu cử đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch (mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang...). Một tình huống phát sinh ở Bắc Ninh là có 38 cử tri mới được đưa vào khu cách ly tại thời điểm 14 giờ ngày 22/5, trong khi các điểm này đã được tỉnh tổ chức bầu cử sớm, theo quy định không thể bổ sung thêm vào danh sách cử tri. Để bảo đảm quyền bầu cử của các cử tri, sáng 23/5, 26 Tổ Bầu cử của 38 trường hợp này phải mang hòm phiếu phụ vào khu cách ly để cử tri bỏ phiếu. Điều đó cho thấy các tổ chức bầu cử ở địa phương rất chú trọng và quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, phát huy dân chủ tối đa. Về phía cử tri, mặc dù trong bối cảnh đặc biệt, hết sức khó khăn, nhưng vẫn thực hiện rất tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình, vì quốc gia, vì dân tộc. - Cả nước có 16 tỉnh, thành phố được Hội đồng Bầu cử Quốc gia đồng ý cho bỏ phiếu sớm ở một số khu vực. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về kết quả bầu cử của các khu vực, các vùng, các điểm cách ly phải tiến hành bầu cử sớm? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhiều khu vực phải tiến hành bầu cử sớm do địa hình cách trở, xa xôi, khu vực biển đảo hay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tựu trung lại, các địa phương, các Tổ Bầu cử đều cố gắng thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về công tác bầu cử. Mục tiêu cuối cùng là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cử tri được thực hiện quyền công dân, phát huy dân chủ tối đa tham gia cuộc bầu cử này. Vì vậy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở các địa phương này nói riêng và cả nước nói chung đều rất cao, điển hình như Bắc Giang có 98,20% cử tri đi bầu cử, hay Bắc Ninh 97,55%, Điện Biên 99,61%, Khánh Hòa 99,29%... - Việc xử lý các tình huống phát sinh, kiến nghị thông qua đường dây nóng của Bộ được thực hiện thế nào, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Trong ngày bầu cử, đường dây nóng của Bộ Nội vụ tiếp nhận một số thông tin, kiến nghị của cử tri và các tổ bầu cử liên quan đến việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri, in sai họ hoặc tên đệm của người ứng cử..., Bộ Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử các địa phương kịp thời giải quyết. - Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử và phòng, chống dịch tại Bắc Giang

TĐKT - Chiều ngày 23/5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác bầu cử và chống dịch tại Bắc Giang. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê… cùng làm việc với đoàn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác kiểm tra công tác bầu cử tại phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang Sau khi kiểm tra công tác đảm bảo y tế phục vụ bầu cử tại địa điểm bỏ phiếu số 6 phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để nắm bắt tình hình phòng, chống dịch của tỉnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện tại, tất cả các đơn vị phòng, chống dịch trong và ngoài tỉnh đều đang dồn toàn lực đẩy mạnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly toàn diện, đặc biệt là ở trong các khu vực cách ly, phong tỏa, các cộng đồng có nguy cơ cao. Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế bám sát mọi diễn biến để đưa ra các hướng dẫn kịp thời, huy động nhiều nguồn lực xét nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Quân y 103, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, ê kíp xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang, các bệnh viện Hải Dương và Quảng Ninh… với quân số cán bộ y tế chi viện lên tới 600 người. Với con số ca mắc mới đang chững lại, thì có thể nói là tình hình dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta có thể yên tâm. Mong rằng thời gian tới dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế, với quyết tâm của tỉnh và Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ sớm được khắc phục, đưa cuộc sống, sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của người dân trở lại ổn định. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Tỉnh ủy Bắc Giang Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương Bộ Y tế, các lực lượng quốc phòng, công an… đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, giúp cơ bản kiểm soát tình hình dịch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong công tác phục vụ bầu cử, trong khi vừa phải phòng, chống dịch, vừa phải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ngoài số cử tri địa phương, thì còn có thêm khoảng 12.000 cử tri đang ở lại trong tỉnh và 4.200 hòm phiếu phụ, với những hình ảnh rất đặc biệt là bỏ phiếu tận nhà vô cùng ấn tượng. Địa phương có những cách làm rất sáng tạo và là một trong những địa phương chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà, động viên tỉnh Bắc Giang Về tình hình phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có các biện pháp về lâu dài để đảm bảo về sức khỏe cho cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ phải làm việc dài ngày với cường độ công việc rất cao, trong khi chưa thể khẳng định tình hình dịch sẽ hoàn toàn chấm dứt trong nay mai. Bên cạnh đó, Bắc Giang phải nỗ lực bảo vệ những thành trì phòng, chống dịch đó là các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời, kiên trì với những biện pháp phòng, chống dịch hiện tại. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng 10 tỷ đồng, 20 máy thở và 350.000 khẩu trang y tế cho tỉnh Bắc Giang. La Giang

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng cử tri quận Bắc Từ Liêm đi bỏ phiếu

TĐKT - Hòa trong không khí ngày hội toàn dân, sáng 23/5, tại Khu vực bỏ phiếu số 7, tổ dân phố số 10,11 phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng với 1.396 cử tri trên địa bàn đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cùng cử tri trên địa bàn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 7, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Với tâm thế phấn khởi và kỳ vọng vào cuộc bầu cử, cử tri Khu vực bỏ phiếu số 7, xã Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã có mặt từ sáng sớm để thực hiện quyền, trách nhiệm của công dân nhằm lựa chọn những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 7 Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 7 Tại điểm bầu cử, công tác chuẩn bị được triển khai chu đáo. Cử tri đã được Tổ bầu cử sắp xếp khu vực bỏ phiếu theo đúng quy định và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn bầu cử, phòng, chống dịch Covid-19. Với sự đồng hành của cháu nội, cử tri Lại Cao Linh (91 tuổi) cư dân chung cư NO3T5 có mặt từ 6g30 sáng để bỏ những lá phiếu của mình. Chia sẻ cảm xúc của mình, cụ Lại Cao Linh cho biết, cũng như bao cử tri khác, cụ rất tin tưởng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra thành công. “Với sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về tiểu sử của từng ứng cử viên, tôi hy vọng với lá phiếu của mình, mỗi cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn được những gương mặt tiêu biểu có đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.”, cụ Lại Cao Linh chia sẻ. Mặc dù dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp nhưng cụ Linh không cảm thấy lo lắng khi đi bầu cử vì các cấp, các ngành của Thủ đô đã triển khai công tác chuẩn bị bầu cử hết sức kỹ lưỡng, bài bản. Tại điểm bầu cử, nhiệm vụ phòng, chống dịch được đảo bảo ở mức cao nhất để giúp các cử tri thực hiện tốt nhất quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. “Trong ngày bầu cử, mong rằng mỗi người dân phát huy tinh thần tự giác, bầu cử đúng, đủ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, tránh dịch bà Bộ Y tế đã đề ra” - cụ Lại Cao Linh nói. Những cảm xúc rộn ràng, tự hào nhất có lẽ thuộc về những thanh niên trẻ - những công dân lần đầu đủ tuổi đi bầu cử. Vũ Hải Linh (18 tuổi) cư dân Chung cư NO3 T5 có mặt ở Khu vực bỏ phiếu số 7, xã Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ cảm giác hào hứng trước lần bỏ phiếu đầu tiên này. Mặc dù đang phải tập trung cao độ để sẵn sàng bước vào kỳ thi trung học phổ thông nhưng Hải Linh vẫn dành thời gian để tìm hiểu về các ứng cử viên. “Tự hào vì lần đầu tiên được cầm lá phiếu cử tri, từ các thông tin về ứng cử viên, em đã có một lựa chọn của mình. Hy vọng với lá phiếu của mình sẽ góp phần chọn ra những người đủ sức, đủ tài để gánh vác đất nước.”, em Vũ Hải Linh nói. Với sự đồng hành của cháu nội, cử tri Lại Cao Linh (91 tuổi) cư dân chung cư NO3T5 có mặt để bỏ những lá phiếu của mình. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ bầu cử Khu vực bỏ phiếu số 7, để lựa chọn bầu ra những người tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương, thời gian qua, việc tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được tổ bầu cử đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cử tri và nhân dân. “Song song với việc niêm yết danh sách, tiểu sử của người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, mỗi thành viên trong Tổ bầu cử đã đi đến từng hộ dân để gửi danh sách và tuyên truyền cho cử tri và nhân dân hiểu ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử để lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và lắng nghe ý kiến nhân dân”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết. Ông Nguyễn Văn Thanh cũng khẳng định kỳ bầu cử năm nay diễn ra trong trạng thái hết sức đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân là điều hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện bầu cử. Để cử tri an tâm đi bỏ phiếu, Tổ bầu cử đã chuẩn bị chu đáo các phương án kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBDN thành phố. Tổ bầu cử đã bố trí nước rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt; các cử tri tham gia bỏ phiếu đều thực hiện đeo khẩu trang để thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. * Cũng trong sáng nay, hòa trong không khí hân hoan của ngày hội toàn dân, gần 3000 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 phấn khởi đi bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bệnh viện có bố trí “hòm phiếu lưu động” đến từng giường bệnh để tất cả người bệnh dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể hoàn thành quyền, nghĩa vụ công dân của mình. Thực hiện quy định, các văn bản hướng dẫn của Quốc hội, Trung ương, TP Hà Nội, Bệnh viện TWQĐ 108 thành lập Tổ bầu cử số 8 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với tổng số cử tri là 2640. Đặc biệt người bệnh đang nằm điều trị tại Bệnh viện cũng tham gia bầu cử tại Tổ bầu cử số 8. Đối với những người bệnh nặng không thể di chuyển, Bệnh viện có bố trí “hòm phiếu lưu động” đến từng giường bệnh để tất cả người bệnh dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể hoàn thành quyền, nghĩa vụ công dân của mình. Ngoài ra, do dịch bệnh, có 11 đồng chí cán bộ, nhân viên tham gia đoàn công tác phòng dịch ở Bắc Ninh, Bệnh viện đã gửi giấy giới thiệu đến địa phương để các đồng chí trên được thực hiện quyền công dân. Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 bỏ lá phiếu của mình Phát biểu khai mạc, Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh: Thời gian qua, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức quán triệt, phổ biến về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chỉ thị và Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bầu cử…, làm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của cuộc bầu cử; tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ các quy trình để tổ chức ngày bầu cử an toàn, đảm bảo 100% cử tri được đo thân nhiệt trước khi vào khu vực bầu cử, phân luồng các đường bầu cử, luôn giữ khoảng cách 2m và sát khuẩn tay ít nhất 2 lần tại 2 vị trí chính là điểm lựa chọn đại biểu và sau khi hoàn thành bỏ phiếu. Mai Thảo  

Sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất

TĐKT – Hôm nay (23/5), hơn 69 triệu cử tri cả nước thực hiện quyền công dân của mình tại 84.767 khu vực bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất để đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội (khóa XV) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ lá phiếu đầu tiên tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ảnh: VGP Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP  Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 41, khu phố 7, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bỏ lá phiếu đầu tiên tại khu vực bầu cử số 18, phường Cái Khê, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Trả lời phỏng vấn trước đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, cũng như mọi cử tri cả nước, tất cả đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bầu lần này, sẽ hết lòng vì dân vì nước, phụng sự nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó”. Cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước đã tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là lần thứ 15, chúng ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước, nhưng là cuộc bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu là phiếu của cử tri, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, gần 4.000 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, hơn 24 vạn đại biểu HĐND cấp xã, phường. Hoan nghênh các cử tri trong thời gian vừa qua đã tham gia đầy đủ quy trình giới thiệu, hiệp thương, vận động bầu cử; vui mừng phấn khởi hòa cùng không khí nô nức của cử tri trong ngày bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng: “Với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí sắt đá và lòng yêu nước tha thiết của nhân dân ta, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mỗi công dân đã xác định được quyền và nghĩa vụ của mình, sẽ đi bầu cử đông đủ, sáng suốt chọn lựa những đại biểu xứng đáng nhất trong những người ứng cử để chọn đúng người, bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và số lượng đại biểu HĐND các cấp, tránh bầu nhầm, bầu lẫn. Tôi tin chắc rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp, tạo không khí thật sự là ngày hội của toàn dân - Ngày hội lớn của dân tộc ta, của non sông đất nước ta”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bỏ phiếu bầu cử tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tính đến 7 giờ sáng 23/5, trên phạm vi cả nước, các Tổ bầu cử đã đồng loạt tiến hành Lễ khai mạc bầu cử theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm Lễ khai mạc diễn ra trang trọng, gọn nhẹ để phòng, chống dịch COVID- 19 và được cử tri đồng tình hưởng ứng tham dự. Một số điểm bầu cử ở một số địa phương và ở các khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trong ngày bầu cử tiến hành khai mạc và bỏ phiếu bắt đầu từ 5 giờ - 5 giờ 30 phút, để bảo đảm cử tri ở các đơn vị này có thể tham gia bầu cử. Ở một số nơi đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí tưng bừng trong ngày bầu cử. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp chính quyền, các vị lão thành cách mạng đã tham dự Lễ khai mạc. Rất đông cử tri đã có mặt tại Lễ khai mạc và bỏ những lá phiếu đầu tiên. Tại đơn vị bầu cử số 1, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường có cụ Chu Văn Bạo 96 tuổi dự khai mạc và bỏ lá phiếu đầu tiên. Tính đến 10h sáng 23/5, đã có một số Tổ bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu đạt 100% trong danh sách. Cụ thể, có 23 tổ bầu cử/1021 tổ bầu cử của tỉnh Trà Vinh có 100% cử tri đi bầu, trong đó có 1 Tổ hoàn thành sớm nhất vào lúc 6 giờ 50 phút (Tổ trong lực lượng công an); khu vực bỏ phiếu số 10 của thị trấn Gia Khánh, tỉnh Vĩnh Phúc, 2 tổ bầu cử ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Trên khắp các tuyến đường, khu phố, khu dân cư, các địa điểm công cộng của các tỉnh, thành phố phủ rợp băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích chào mừng ngày bầu cử. Mỗi tuyến đường, khu phố và mỗi hộ dân đều được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ. Sau khi khai mạc và 2 giờ đầu tiến hành bầu cử, cử tri đến dự, tham gia bỏ phiếu trong không khí hăng hái, nhộn nhịp, khẩn trương. Tại các điểm bầu cử có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đã có các điểm cầu trực tuyến, thu hút đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi. Những khu cách ly tập trung, Tổ bầu cử đã cử thành viên mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly để cử tri nhận phiếu và thực hiện quyền bầu cử, bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, báo cáo của các địa phương cho biết, tình hình thời tiết tại các điểm bầu cử thuận lợi. Thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn trong thời gian bầu cử. Tại các khu vực bỏ phiếu, các đơn vị phụ trách công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử túc trực 24/24. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội cho đến 10 giờ sáng nay chưa có vấn đề bất thường xảy ra. Hòa chung không khí sôi nổi của ngày hội non sông, cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng nô nức đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Một số hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trong ngày bầu cử:   Phương Thanh

Công tác chuẩn bị đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử

TĐKT - Chiều 21/5, tại Hà Nội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Văn phòng QH, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì, điều hành cuộc họp. Quang cảnh họp báo Đồng chủ trì còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin tuyên truyền; Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Phó Trưởng Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế. Phát biểu tại họp báo, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết: Đến thời điểm này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, bảo đảm đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp và nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử. Tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này có 866 người để bầu 500 đại biểu (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu). Cơ cấu kết hợp như sau: Phụ nữ có 393 người (45,38%); người dân tộc thiểu số có 185 người (21,36%); người ngoài Đảng có 74 người (8,55%); tái cử có 204 người (23,56%); người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) có 224 người (25,87%). Số người tự ứng cử là 9 người. Tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu theo luật định: 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu. Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ có 2.528 người (40,78%); trẻ tuổi có 1.987 người (32,05%); ngoài Đảng có 774 người (12,49%); người dân tộc thiểu số có 1.156 người (18,65%). Số người tự ứng cử: 18 người (0,29%). Tổng số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Tỷ lệ 1,66 lần. Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ có 15.814 người (42,21%); trẻ tuổi có 15.262 người (40,73%); ngoài Đảng có 4.909 người (13,10%); người dân tộc thiểu số có 7.204 người (19,23%). Số người tự ứng cử: 29 người (0,08%). Tổng số đại biểu HĐND cấp xã được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần. Cơ cấu kết hợp: Phụ nữ có 157.680 người (38,91%); trẻ tuổi có 181.056 người (44,68%); ngoài Đảng có 102.084 người (25,19%); người dân tộc thiểu số có 87.062 người (21,48%). Số người tự ứng cử: 213 người (0,05%). Theo thống kê, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3/5/2021, các tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử. Tính đến 17 giờ ngày 14/5/2021, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp nhận được 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu QH; 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp; 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, sáu đơn không liên quan đến bầu cử. Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 69 đơn; xếp lưu 95 đơn (62 đơn trùng; 33 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử). Đến nay, công tác xác minh, giải quyết đang được đẩy nhanh, bảo đảm quy định của pháp luật bầu cử và các quy định khác của pháp luật. Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 16 tỉnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn của ba tỉnh đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm. Danh sách đại biểu trúng cử đại biểu QH khóa XV sẽ được công bố sau 20 ngày kể từ ngày 23/5 và HĐND các cấp sau 10 ngày. Phương Thanh

Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vắc xin cho quỹ mua vắc xin phòng Covid-19

TĐKT - Ngày 21/5, tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ ngành Ngân hàng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sovico Group và HD Bank. GS. TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế thay mặt tiếp nhận các khoản tài trợ. Về phía ngành Ngân hàng có bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng dự, có: Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đại diện cho Tập đoàn Sovico Group. Buổi lễ tiếp nhận hỗ trợ từ các đơn vị Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp đã có những hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long với sự chỉ đạo của Bộ Chính tri, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong nước, Việt Nam đã khống chế 3 đợt dịch và từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ là làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc xin phòng Covid -19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc xin. Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Cho đến nay đã có khoảng 110 triệu liều vắc xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. “Để đảm bảo 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực tối đa tìm kiếm, tiếp cận tiếp cận để có đủ vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết. Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng, hôm nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ vào Quỹ mua vắc xin Covid-19  để làm sao người dân được tiêm chủng vắc xin, góp phần đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong thời gian qua, Tập đoàn Vingroup đã đi tiên phong, hiện đang là nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19  tại Việt Nam với các hoạt động thiết thực như: Sản xuất máy thở, cung ứng sinh phẩm, chẩn đoán. Tập đoàn Vingroup mong muốn đầu tư đưa công nghệ sản xuất vắc xin vào Việt Nam để chúng ta có thể chủ động trong sản xuất vắc xin. “Sự hỗ trợ quý báu của ngành Ngân hàng nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, đồng thời mong muốn Ngân hàng Nhà nước cùng các đơn vị tiếp tục đồng hành với ngành y tế và cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. La Giang

Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021

TĐKT – Tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 sẽ được tổ chức theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Chung tay bảo vệ thiên nhiên Ngày Môi trường thế giới (5/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2021, Ngày Môi trường thế giới được phát động với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration), nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt. Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) được Liên hợp quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” (We're part of the solution - For Nature). Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 nhằm kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân. Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,... Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức. Để ứng phó với thực trạng này, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta. Thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động đồng bộ, phù hợp, thiết thực. Cụ thể: Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái. Đối với hệ sinh thái rừng: Thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Đối với hệ sinh thái hồ, sông suối: Thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản. Đối với hệ sinh thái biển và ven biển: Thu gom rác thải trong môi trường; phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước; triển khai hoạt động đánh bắt hải sản bền vững. Sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và để kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (nên theo hình thức trực tuyến) như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học... Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: Không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương. Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021. Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Minh Phương

Hướng dẫn bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp

TĐKT - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Mỗi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử sẽ trở thành cử tri, có quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử. Trước ngày diễn ra bầu cử, mỗi công dân có thể đến trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu để xem Bảng niêm yết danh sách cử tri để biết mình có nằm trong danh sách đi bầu cử hay không. Đồng thời, có thể xem danh sách tiểu sử người ứng cử nhằm nắm trước thông tin để có thể tham gia hoạt động bỏ phiếu. Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Quy trình 6 bước bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (quy trình 6Đ). Cụ thể như sau: Bước 1: Đến khu vực bỏ phiếu trong khoảng thời gian từ 7h - 19h Chủ nhật (ngày 23/5/2021) để tham gia bầu cử. Bước 2: Đọc bảng danh sách tiểu sử người ứng cử được niêm yết trong khu vực bỏ phiếu để tìm hiểu kỹ thông tin về các ứng cử viên. Bước 3: Đưa thẻ cử tri để nhận phiếu bầu cử tại bàn hướng dẫn để được Tổ bầu cử hướng dẫn quy trình bỏ phiếu. Sau đó, tại bàn phát phiếu, cử tri đưa thẻ cử tri để nhận phiếu bầu cử. Cử tri được nhận 1 phiếu bầu cử ĐBQH và 3 phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Bước 4: Điền phiếu đủ và đúng. Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình 6Đ. Khi không tín nhiệm người ứng cử nào thì cử tri gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó. Trong quá trình viết phiếu, cử tri cần lưu ý một số quy định sau: - Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử. - Không được khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử. - Không được đánh dấu những kí tự đặc biệt trên phiếu bầu. - Không được viết thêm, ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu. - Không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu, hoặc bỏ phiếu bầu trắng. - Nếu viết hỏng, cử tri có quyền được đổi phiếu bầu khác. Bước 5: Đích thân bỏ phiếu vào hòm phiếu sau khi cử tri hoàn thành việc viết phiếu bầu cử. Bước 6: Đóng dấu "Đã bỏ phiếu" do Tổ bầu cử đóng vào Thẻ cử tri. Sau khi thực hiện đầy đủ 6 bước theo quy trình 6Đ nêu trên, cử tri đã hoàn thành xong hoạt động bỏ phiếu của mình. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Mỗi lá phiếu của cử tri sẽ góp phần lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được diễn ra từ 7h - 19h Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.  Vì vậy, cử tri cần chủ động nắm rõ thời gian để có thể thực hiện bỏ phiếu đầy đủ. Ngoài ra, trong suốt quá trình bầu cử, cử tri cần đảm bảo thực hiện tốt quy tắc phòng chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K mà Bộ Y tế đã khuyến cáo. Phương Thanh

Công tác bảo tồn loài tại Việt Nam - Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai

TĐKT - Bảo tồn đa dạng sinh học là một hành trình dài cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhân ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/05/2021 với chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp”, hãy cùng nhìn lại 10 năm qua (2010 – 2020) để thấy rằng công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, tạo tiền đề cho tương lai tươi sáng, hướng đến hoàn thành những mục tiêu về phát triển bền vững. Những con số biết nói Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, đặc biệt là đa dạng về loài. Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học (2019), Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: Khoảng 7.500 chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện, nối dài danh lục các loài hiện có ở Việt Nam.  Trong số các loài đã được ghi nhận, nhiều loài có giá trị bảo tồn cao,  khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn, voi châu á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn, nước ngọt... Về tính đặc hữu, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng này thì Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu. Trong vùng này có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam. Trong vòng 17 năm trở lại đây, từ 1997 - 2014, dựa trên kết quả điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ khác nhau ở Việt Nam, một số loài mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi, loài mới có giá trị khoa học. Con số thống kê cho thấy số loài mới được tìm thấy ở Việt Nam chiếm hơn nửa trong số các loài mới thuộc Tiểu vùng sông Mê Công (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) (WWF, 2015). Trong tổng số 139 loài động, thực vật được tìm thấy có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá và 1 loài động vật có vú. Các nhà khoa học của Việt Nam đã công bố 1.023 loài mới cho khoa học cả về thực vật, động vật (Viện HLKHCN Việt Nam và ĐHQG Hà Nội). Từ năm 2014 đến 2018, có 344 loài mới cho khoa học gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật, đã được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, 2019). Nỗ lực bảo tồn loài Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học nhằm bảo tồn và phục hồi giá trị đa dạng sinh học quý giá. Đối với các hoạt động bảo tồn loài, bên cạnh vai trò của các cơ quan chính phủ, nhiều nỗ lực đến từ khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phát triển và cộng đồng. Về mặt pháp lý và chính sách, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư - kinh doanh (Luật Đầu tư 2014), thì Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2009 là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Một loạt các chính sách, Nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi Luật đã tạo nên một khung pháp lý khá hoàn chỉnh trong quản lý các loài hoang dã. Đặc biệt, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 đã tăng mức hình phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng và 15 năm tù đối với tội danh liên quan đến loài hoang dã cho thấy sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm và bảo vệ loài hoang dã của Chính phủ. Bên cạnh đó, các Chỉ thị kịp thời của Thủ tướng Chính phủ như Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật và mới đây là Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trong bối cảnh đại dịch Covid đang lan rộng cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với hoạt động bảo tồn loài hoang dã.  Các hoạt động bảo tồn loài cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc, đánh giá loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về loài hoang dã. Trong giai đoạn 2010-2020, các đề án điều tra cơ bản về tài nguyên rừng, tài nguyên biển (bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái ven biển) đã được thực hiện. Các tập Động vật chí, Thực vật chí Việt Nam được liên tục cập nhật với 31 tập động vật và 21 tập thực vật đã được xuất bản và công bố từ năm 2000 đến nay. Danh sách loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện cập nhật và ban hành tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP.  Sách đỏ Việt Nam đã được cập nhật (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, 2015). Nhiều chương trình quan trắc các loài hoang dã cũng đã được triển khai. Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được xây dựng và được chính phủ phê duyệt như Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020; Chương trình quốc gia bảo vệ hổ giai đoạn 2014 - 2022; Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng và phê duyệt các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ hoặc các đề tài/dự án như tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Nam, Thanh Hoá… Nhờ có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên. Quần thể voọc mông trắng ngày càng tăng về số lượng, năm 2010 thống kê có 110 cá thể và tới 2016 đã tăng lên khoảng 150 cá thể. Hiện nay có 7 đàn voọc mông trắng với khoảng 40 cá thể mới phát hiện ở vùng núi đá vôi của tỉnh Hà Nam. Ngoài nỗ lực bảo tồn tại chỗ, các hoạt động bảo tồn chuyển chỗ cũng được quy định và triển khai và đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện nay, đã có 7 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, nhờ có chính sách khuyến khích gây nuôi sinh sản các loài nguy cấp nên một số loài vẫn tồn tại và phát triển, điển hình là loài hươu sao (Cervus nippon) đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam từ lâu nay đã được nghiên cứu gây nuôi. Có thể điểm một số kết quả ngiên cứu thành công trong việc gây nuôi sinh sản nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm tại các địa phương như: Loài cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao ngoài tự nhiên, đang được phục hồi nhờ chương trình tái thả lại tự nhiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên; trăn đất (Python molurus) và trăn gấm (Python recticulatus) được gây nuôi sinh sản phổ biến ở các tỉnh phía Nam, các sản phẩn xuất khẩu là da, thịt, trăn con sống; rắn hổ mang (Naja naja): nhiều địa phương đã nuôi sinh trưởng, sinh sản thành công rắn hổ mang như ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. Việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, có giá trị kinh tế cao đã tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, góp phần bảo tồn nguồn gen, làm giảm sức ép lên việc khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên. Vững bước tương lai Với những thành tựu vừa qua, có thể khẳng định công tác bảo tồn loài hoang dã cũng như bảo tồn đa dạng sinh học thực sự đã có các chuyển biến tích cực, từng bước đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội với sự tham gia của toàn cộng đồng. Điều này rất có ý nghĩa vì chủ đề ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2021 chính là “Chúng ta là một phần của giải pháp”, như một lời khẳng định con người cũng là một yếu tố của giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, thậm chí là yếu tố chìa khóa, quyết định sự thành công của công cuộc này. Chính vì lẽ đó, những lực lượng nòng cốt cho công tác bảo tồn như các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực đa dạng sinh học xứng đáng được vinh danh, qua đó tiếp thêm động lực để họ phát huy tinh thần, khả năng nghiên cứu, sáng tạo. Thấu hiểu điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chương trình Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020 nhằm tôn vinh, ghi nhận các thành tích của các cá nhân tổ chức, góp phần nâng cao niềm tự hào dân tộc về đa dạng sinh học Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo báo cáo đánh giá kết quả chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một số vấn đề như du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng tội phạm về động vật hoang dã ngày càng phức tạp cũng như sự chia cắt, thu hẹp sinh cảnh và khai thác quá, trái phép tài nguyên rừng, biển tại nhiều khu vực chính là những nguyên nhân khiến đa dạng sinh học bị đe doạ. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và các chính sách, pháp luật cũng còn có sự chồng chéo, bất cập cũng là hạn chế cần cải thiện. Để có thể bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên định với các mục tiêu bảo tồn tại chỗ, kết hợp với các giải pháp bảo tồn chuyển chỗ các loài nguy cấp; tăng cường thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách bảo tồn; nâng cao nhận thức về bảo tồn loài hoang dã và thay đổi thói quen để tiêu dùng bền vững, trách tổn hại tới các loài và sinh cảnh của chúng; tiếp tục sửa đổi các quy định về bảo tồn lòai để tạo hành lang pháp lý toàn diện, thống nhất; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác bảo tồn loài nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục chủ trì, đồng hành cùng với các cơ quan các nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng để kiến tạo các giải pháp bền vững cho đa dạng sinh học nước nhà. Minh Phương  

Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới. Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh xây dựng chương trình hành động của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó: - Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. - Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. - Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII; trong đó đặc biệt chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. 10 nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu gồm: 1- Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. 2- Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 3- Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. 4- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. 5- Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. 6- Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 7- Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh. 8- Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. 9- Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 10- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính. Ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động này của Chính phủ, có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, chương trình, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2021, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo theo quy định. Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của mình, từng bộ, cơ quan, địa phương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm. Đối với những nhiệm vụ đã rõ, đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không cần phải xây dựng thêm đề án, các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai ngay, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung liên quan trong Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động này của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương; trong đó đặc biệt lưu ý cần nghiêm túc quán triệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo baochinhphu.vn

Trang