Chính trị - Xã hội

Áp dụng thành công kỹ thuật hiện đại điều trị cho nhiều trường hợp dị tật hẹp hộp sọ bẩm sinh

TĐKT- Nhìn hai chị em N.Q.A 7 tuổi và N.T.K 20 tháng tuổi đang chơi đùa vui vẻ bên bố mẹ, ít người có thể hình dung được chỉ mới ít thời gian trước thôi hai chị em vừa phải trải qua cuộc mổ tạo hình lại hộp sọ do bệnh lý dị tật hẹp hộp sọ bẩm sinh ở trẻ em.Việc áp dụng thành công kỹ thuật hiện đại đã giúp hai chị em được sống cuộc sống bình thường giống như bao đứa trẻ khác.  Anh N.T.T - bố hai bé kể, từ khi sinh ra đến nay thì hai em không có biểu hiện chậm phát triển rõ rệt so với chúng bạn cùng tuổi, chỉ có điều ở cô chị thì thấy khi càng lớn, mắt của cháu càng lồi to ra và hộp sọ có hơi biến dạng so với bình thường. Cháu được đi khám tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình, Bệnh viện Hữu nghịViệt Đức, được chẩn đoán dị tật hẹp hộp sọ bẩm sinh. Khi đó, trong quá trình khám bệnh, được các bác sĩ tư vấn về tình trạng bệnh của trẻ, bố mẹ mới giật mình khi nghĩ đến em trai của bệnh nhân ở nhà cũng có biểu hiện tương tự và vội đưa đến bệnh viện khám tiếp thì cũng phát hiện cháu bị dị tập hẹp hộp sọ dính khớp Coronal một bên. Hai chị em được hội chẩn, lên kế hoạch mổ tạo hình lại hộp sọ tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình, Bệnh viện Hữu nghịViệt Đức cách nhau 5 tháng với việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Cuối cùng, như những trái ngọt thu được sau bao hi vọng, lo lắng của gia đình, thành công của ca mổ giúp hai em quay trở lại cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác và cháu N.Q.A đến nay đã có thể quay lại lớp học với thầy cô và các bạn.   Một ca mổ tạo hình sọ mặt có ứng dụng công nghệ mới hiện đại nhất tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Dị tật hẹp hộp sọ bẩm sinh (có tên tiếng Anh làCraniosynostosis) là bệnh lý gây ra bởi tình trạng liền sớm của một hoặc nhiều khớp giữa các xương sọ, tỉ lệ thường gặp ước tính là khoảng 1 trên 2000 trẻ sinh ra, tình trạng này có thể diễn ra đơn độc hoặc phối hợp với các dị tật bẩm sinh khác trong các hội chứng nặng như Apert, Crouzon, Pfeiffer… Việc hộp sọ liền sớm, không thể giãn nở được khi trẻ lớn làm tăng áp lực nội sọ, làm cho não bộ không phát triển được, đặc biệt trong 12 tháng đầu đời là giai đoạn não bộ của trẻ đang cần phát triển rất nhanh. Việc tăng áp lực nội sọ sẽ gây chèn ép đè đẩy vào tổ chức não. Nếu không tiến hành phẫu thuật tạo hình mở rộng hộp sọ thì não sẽ không phát triển được, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đáng lẽ trẻ phát triển trí tuệ một cách gần như bình thường thì lại trở thành thiểu năng trí tuệ và không thể tự phục vụ mình cho được. Phần mắt ngày càng bị đẩy lồi ra không được che phủ sẽ có nguy cơ loét giác mạc gây ra giảm thị lực và mù lòa.Vì vậy, với bệnh lý này thì việc phát hiện, chẩn đoán bệnh và can thiệp phẫu thuật sớm là một vấn đề cấp bách.   Minh họa hộp sọ giãn nở tốt dưới tác dụng của hệ thống nẹp tự đơn hàng và đa hàng Bác sĩ Tô Tuấn Linh, khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt cho biết thêm: Để điều trị thành công các ca bệnh lý sọ mặt phức tạp, ngoài việc phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức và phục hồi chức năng sau mổ thì việc ứng dụng cập nhật công nghệ hiện đại phục vụ trong mổ là điều không thể thiếu. Hiện nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thường quy công nghệ sử dụng nẹp vis Polime sinh học tự tiêu (PDLLA), hàn bắt vis dưới sóng siêu âm Sonic trong mổ. Trước đây khi không có hệ thống nẹp tự tiêu đa hàng, để nới rộng hộp sọ các bác sĩ phải dùng chủ yếu là nẹp vis không tiêu Titan kết hợp chỉ thép hoặc chỉ tự tiêu Vicryl. Như vậy hộp sộ không được giãn nở một cách tối ưu và sau đó 6 tháng đến 1 năm các bác sĩ sẽ phải mở lại những đường mổ lớn để lấy bỏ toàn bộ hệ thống nẹp vis không tiêu ra khỏi cơ thể. Mỗi lần mổ lớn như vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các bệnh nhi còn rất bé này. Hơn nữa, các loại nẹp vis tự tiêu thế hệ cũ thường có tính chịu lực yếu, nếu lực bắt vis mạnh quá sẽ gây gãy thân vis nên thường không được sử dụng rộng rãi. Giờ đây nhờ công nghệ bắt vis hàn nhiệt sóng siêu âm của loại vis thế hệ mới này, vít tự tiêu SonicPin được đưa vào một lỗ khoan mồi bằng sóng siêu âm giúp vis tan chảy xâm nhập và kết nối chắc chắn vào cấu trúc xốp của xương. Kết quả là các bộ phận nẹp vis đơn dòng cũng như sóng đôi được gắn chặt với xương. Với việc sử dụng vật liệu tự tiêu có thể giúp thời gian của toàn bộ quá trình cấy ghép giảm đi một nửa so với kỹ thuật kết xương bằng vít thông thường. Việc triển khai thành công kỹ thuật hàn vis tự tiêu dưới siêu âm này mở ra triển vọng lớn không những chỉ cho các trường hợp bệnh nhi hẹp hộp sọ mà cả những trường hợp cắt chỉnh hàm hay chấn thương hàm mặt thông thường khác.   Hệ thống hàn vis tự tiêu công nghệ siêu âm Sonic Việt Nam chúng ta nằm trong vùng Đông Nam Á, là một trong những khu vực có tỷ lệ dị tật bẩm sinh về sọ mặt gần như cao nhất thế giới. Chính vì vậy việc phát triển đội ngũ y tế có kiến thức và tay nghề cao cùng với việc cập nhật áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị bệnh nhân dị tật hẹp hộp sọ là một yêu cầu cấp thiết. Từ nhiều năm trở lại đây,Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử nhiều đoàn bác sĩ ra nước ngoài đào tạo tại các trung tâm lớn về phẫu thuật sọ mặt của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Canada… với đầy đủ các chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, hàm mặt, gây mê hồi sức, phẫu thuật thần kinh…nhằm tạo thành một đội ngũ chuyên gia đồng bộ, có kinh nghiệm, tay nghề cao trong việc điều trị những bệnh lý dị tật phức tạp này.   Bắt vis chắc chắn nhờ công nghệ hàn vis tự tiêu siêu âm Sonic PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, nhờ chú trọng đến đào tạo và hợp tác chuyển giao công nghệ với các chuyên gia hàng đầu thế giới, cùng như được sự tạo điều kiện của Ban Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đầu tư trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, có thể nói hiện nay trình độ, tay nghề của các bác sĩ chúng ta không thua kém các trung tâm sọ mặt lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong 2 năm gần đây, do tình hình dịch bệnh nên nhiều gia đình bệnh nhi có các dị tật sọ mặt nặng phức tạp cũng đã quyết định cho con em ở lại phẫu thuật trong nước với các kết quả thu được không kém gì ra nước ngoài phẫu thuật, bệnh nhi vẫn được hưởng các công nghệ mới hiện đại ngang tầm thế giới mà chi phí lại giảm đi nhiều lần. Khi có bất cứ nghi ngờ về bất thường vùng sọ mặt của trẻ, bố mẹ có thể yên tâm đưa con đến khám và tư vấn ở trung tâm Tạo hình- Sọ mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được tư vấn và sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất. Hồng Thiết    

Chính phủ Anh trao tặng Việt Nam 415.000 liều vắc xin phòng Covid-19

TĐKT- Ngày 3/8, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ông David McNaught – Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã trao 415.000 liều vắc xin AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ giúp Việt Nam chống dịch COVID-19. Đây là số vắc xin Astrazeneca được sản xuất tại Vương quốc Anh. Chính phủ Anh trao tặng Việt Nam 415.000 liều vắc xin phòng Covid-19 Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không ngừng được mở rộng và phát triển, trở thành đối tác chiến lược quan trọng của nhau. Trong lĩnh vực y tế, hai bên đã và đang triển khai các hoạt động hợp tác rất tích cực và hiệu quả thông qua các cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các quỹ của Anh như Chương trình Better Health, Quỹ Fleming Fund, Quỹ Newborns…; tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu về dịch tễ học, các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm, y tế số, đào tạo nhân lực, kháng kháng sinh…, đã và đang mang lại những đóng góp ý nghĩa và lâu dài cho công tác y tế của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử, với những nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, để đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Song song với việc nỗ lực tiếp cận các nguồn cung ứng vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin trong nước, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế. Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Chính phủ Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của hãng Astrazeneca sản xuất tại Anh. Đây là món quà hết sức quý báu và kịp thời trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đặc biệt là cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam. Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các nước, những đóng góp của Vương quốc Anh cho Cơ chế COVAX mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm tạo điều kiện tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 công bằng cho các quốc gia. Việt Nam trân trọng cảm ơn và cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin hỗ trợ quý báu của Vương quốc Anh. La Giang  

Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cần xây dựng kịch bản khi ca mắc COVID-19 tăng cao

TĐKT- Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long. Tại tỉnh Đồng Tháp, cho đến ngày 2/8 tỉnh đã có 3.297 ca mắc COVID-19, toàn tỉnh có 618 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, tỉnh đang điều trị 2.157 bệnh nhân; 2.762 F1 đang cách ly tập trung. Toàn tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 14/7/2021. Đồng Tháp đã xây dựng phương án trên 18.000 giường phục vụ công tác cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly khoảng 4.500 giường, trong đó có 150 giường hồi sức cấp cứu. Toàn cảnh buổi làm việc Tỉnh đã phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 và đã triển khai cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Về công tác xét nghiệm, Đồng Tháp hiện có 5 máy xét nghiệm khẳng định COVID-19 với công suất 4.000 - 5.000 mẫu đơn/ngày và 40.000 - 45.000 mẫu gộp/ngày. Đồng Tháp đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 147.500 người. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh An Giang toàn tỉnh có 366 ca mắc COVID-19, đến nay có 235 bệnh nhân đang điều trị, 128 bệnh nhân đã điều trị khỏi. Hiện tỉnh đã trang bị 3 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh tại Châu Đốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với năng lực xét nghiệm khoảng 1.200 mẫu đơn/ngày. Cùng với 18 tỉnh, thành phía Nam, An Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh từ 00 giờ ngày 19/7/2021. Đến nay, An Giang được Bộ Y tế phân bổ 3 đợt vaccine phòng COVID-19, với tổng số gần 130.000 liều. Tỉnh đã triển khai tiêm 2 đợt, cho gần 78.400 người và đang tiếp tục triển khai tiêm đợt 3. Còn tại tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 940 ca mắc COVID-19, 147 bệnh nhân được điều trị khỏi, hiện Vĩnh Long có 11 cơ sở điều trị có khả năng đáp ứng cho 326 giường bệnh. Về cách ly y tế Vĩnh Long đã cách ly tập trung 2.745 và 6.722 người đang theo dõi cách ly tại nhà. Về xét nghiệm năng lực xét nghiệm của tỉnh có thể đạt từ 1.500-1.800 mẫu/ngày. Tỉnh cũng đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 39.277 người. Phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực phòng, chống COVID-19 của ba tỉnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, nguy cơ lây nhiễm dịch vẫn còn cao. Vì vậy, các tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các hướng dẫn theo dõi, giám sát, điều trị của Bộ Y tế; tổ chức cách ly kịp thời, nghiêm túc, chặt chẽ và phát hiện nhanh, phong tỏa sớm các ca bệnh để hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, địa phương cần xây dựng các kịch bản khi có ca bệnh tăng cao; đảm bảo an toàn, không để đội ngũ y tế bị lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của Bộ Y tế vào hỗ trợ tỉnh để nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm cũng như thiết bị hệ thống giám sát y tế điện tử từ tỉnh xuống tận các phường, xã, thị trấn… nhằm đảm bảo công tác điều phối quản lý các trường hợp điều trị COVID-19 một cách chặt chẽ. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, xây dựng kế hoạch cụ thể đối với lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ. Ngoài ra Thứ trưởng yêu cầu Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại mỗi tỉnh phải thành lập làm 3 nhóm và các địa phương cũng phải thành lập lực lượng với 3 nhóm để phối hợp thực hiện, gồm nhóm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng và doanh nghiệp; nhóm điều trị và xét nghiệm; nhóm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phòng, chống dịch. Khi tổ công tác của Bộ Y tế đến làm việc, các sở, ngành, huyện phải bố trí lịch làm việc và có lãnh đạo đơn vị tham dự; từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được phân công phụ trách địa bàn. Tổ công tác xây dựng lịch công tác hằng tuần trên cơ sở đề xuất của từng nhóm; các tổ, nhóm công tác sẽ có sự hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch giữa các địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về công tác, chế độ báo cáo, nhất là khi báo cáo về trung ương phải có sự thống nhất giữa tổ công tác và địa phương. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị ba tỉnh chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn của tỉnh phải đánh giá mức độ nguy cơ tại cấp xã, huyện để đưa ra giải pháp phù hợp; có sự phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19; xây dựng kế hoạch truyền thông để người dân nắm được tình hình phòng, chống dịch. Hà Nga  

Bộ Y tế chuẩn bị phương án điều trị bệnh nhân Covid – 19 tại Hà Nội

TĐKT- Tối 2/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin: Để chủ động chuẩn bị cho TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong công tác ứng phó về điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội), quy mô 500 giường bệnh. Bệnh viện này được thiết lập tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Phối cảnh bệnh viện Theo quyết định do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội là tuyến cuối trong điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực TP Hà Nội, thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia với nhiệm vụ: Tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực được phân công. Bộ trưởng Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, của TP Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bệnh viện đang được thi công Bệnh viện này sẽ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch do các cơ sở y tế chuyển đến, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả, tuân thủ theo các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Cũng tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp với Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội trong điều phối, chuyển tuyến người bệnh COVID-19, đồng thời đảm bảo công tác hậu cần, an ninh trật tự cho Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Dự kiến trung tuần tháng 8/2021, Bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động. Cùng với đó, Bộ Y tế đang tiến hành thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam.Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng nâng công suất giường bệnh, đặc biệt tại khu vực hồi sức. Bảo Hân

Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã có 500 giường đi vào hoạt động

TĐKT- Chiều tối 2/8, thông tin từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh (tại một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) cho biết, số giường điều trị của Bệnh viện đã được nâng lên để kịp thời đáp ứng nhu cầu bệnh nhân chuyển lên từ các tuyến dưới. Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết, hiện số bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là 500 giường. Dự kiến sẽ mở rộng số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới, khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực. Các y, bác sĩ đang túc trực điều trị ở bệnh viện đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất để hồi sức cho bệnh nhân. Phòng điều trị bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có tổng quy mô 1.000 giường. Đây là bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến. Tham gia điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngoài đội ngũ y bác sĩ tinh nhuệ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, còn có các y, bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế cử vào, nhân sự từ một số Sở Y tế tỉnh, thành phố. Ngay từ ngày đầu tiên triển khai, lãnh đạo Thành ủy, thành phố và Bộ Y tế đã thăm, giám sát kỹ và cam kết hỗ trợ. La Giang  

Hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn tới các tỉnh, thành phố phía Nam

TĐKT - Thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngày 2/8, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam kịp thời hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn, tương đương với số tiền 51 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 nhằm góp phần cùng với các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có thêm động lực đẩy lùi dịch bệnh. Theo đó, số tiền này sẽ hỗ trợ mỗi suất ăn tương đương 30.000 đồng cho 17 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Những suất ăn này sẽ được các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội mà không thuộc diện hưởng chính sách đã có. Trước đó, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt NamĐỗ Văn Chiến cũng đã trao số tiền hỗ trợ 23 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh và số tiền 5 tỷ đồng cho tỉnh Bình Dương vào này 30/7 vừa qua nhằm hỗ trợ hai tỉnh thêm nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận, sử dụng khoản kinh phí này theo đúng quy định nhằm góp phần thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước theo đúng phương châm "không để ai quá khó khăn mà không được trợ giúp". Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 30/7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương lên tới trên 6.854 tỷ đồng. Trong đó, số tiền ủng hộ qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên 783 tỷ đồng, qua Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trên 6.071 tỷ đồng. Từ số tiền tiếp nhận được, hệ thống Mặt trận từ trung ương tới địa phương đã kịp thời phân bổ tới Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 và phân bổ hỗ trợ mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những người gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội. Mai Thảo

Đổi mới mô hình truyền thông, ứng phó với dịch Covid-19: “Điểm sáng” tại BHXH huyện Yên Thành, Nghệ An

TĐKT - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, BHXH huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã sáng tạo, chuyển đổi mô hình truyền thông trực tiếp sang truyền thông trực tuyến và truyền thông nhóm nhỏ, qua đó đã đạt được những kết quả “đột phá” trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giữa đại dịch. Phát huy ưu thế của truyền thông trực tuyến Là địa bàn nông nghiệp nhưng 39/39 xã, thị trấn ở huyện Yên Thành đều đã xây dựng được điểm cầu trực tuyến, đảm bảo về cơ sở vật chất, chất lượng đường truyền ổn định, phục vụ cho các cuộc hội nghị trực tuyến trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tận dụng lợi thế này, BHXH huyện đã chủ động báo cáo, đề xuất Huyện ủy, UBND huyện cho phép sử dụng hệ thống trực tuyến để triển khai chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, nhằm kịp thời ứng phó, khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 tác động tới công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT của huyện Yên Thành với người dân (nguồn: BHXH huyện Yên Thành) Theo đó, từ quý III/2020 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, BHXH huyện Yên Thành đã linh hoạt, áp dụng hiệu quả mô hình tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả 39/39 điểm cầu là các xã, thị trấn trong toàn huyện với trung bình mỗi hội nghị thu hút trên 800 người tham gia. Thông qua hội nghị, nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng được nâng cao, nhiều người không chỉ chủ động tham gia BHXH, BHYT cho mình mà còn vận động người thân, bạn bè cùng tham gia để được chăm sóc sức khỏe và đặc biệt được đảm bảo an sinh xã hội lúc về già. Tiếp đó, trong tháng 7/2020, lần đầu tiên BHXH huyện Yên Thành tham mưu UBND huyện chủ trì tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến đã thu hút được 932 người tham dự với kết quả ấn tượng có 446 người tham gia BHXH tự nguyện sau hội nghị. Từ đó đến nay, việc tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp tục được duy trì và ngày càng minh chứng cho những hiệu quả tích cực của mô hình này. Cán bộ BHXH huyện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho bà con xóm 9, xã Phúc Thành, Yên Thành (nguồn BHXH huyện Yên Thành). Trong tháng 7/2021, tại Hội nghị trực tuyến tuyên truyền đối thoại với người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gắn với sơ kết công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm 2021, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của BHXH huyện, ngoài đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan còn có 732 người dân tham dự. Sau Hội nghị trực tuyến, đã có 527 người nộp tiền tham gia BHXH tự nguyện. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến đã tạo được những hiệu ứng tích cực như: Bao phủ người tham gia ở diện rộng, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian và kinh phí tổ chức hội nghị. Thông qua hội nghị, người dân không chỉ nắm bắt thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ cơ quan BHXH mà còn được tiếp cận công tác tổ chức, thực hiện các chính sách trên địa bàn từ chính lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương để giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở. Đặc biệt, có thể thấy, các hội nghị trực tuyến này cũng là cơ hội để lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Truyền thông nhóm nhỏ, tập trung vào người tham gia tiềm năng Song song với việc tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến, BHXH huyện Yên Thành kết hợp với truyền thông nhóm nhỏ để đưa chính sách BHXH, BHYT lan tỏa đến với người dân.  Giám đốc BHXH huyện Yên Thành Hoàng Thị Chín cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không thể tổ chức được hội nghị tuyên truyền quy mô lớn, đông người tham dự thì những hội nghị nhỏ, tập trung vào những nhóm người tiềm năng là một giải pháp hiệu quả mà BHXH huyện duy trì để tiếp cận người dân. Từ năm 2017, hình ảnh “người của BHXH” huyện Yên Thành đã trở thành gương mặt quen thuộc tại rất nhiều thôn, xóm, xã ở xa trung tâm huyện - nơi người dân vẫn còn không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin. Từ đó đến nay đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền đối thoại với người dân được thực hiện tại cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn. Những hội nghị này được tổ chức vào bất kỳ thời gian nào phù hợp nhất với nếp sinh hoạt của người dân từng địa bàn, kể cả ngày nghỉ, lúc đêm muộn, được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn xóm, sinh hoạt chi hội đoàn thể.... “Chỉ cần một người trong nhà hiểu, tham gia - nhất là người chủ gia đình, thì các thành viên còn lại cũng dễ dàng tham gia hơn”, chị Đinh Thị Châu - đại lý thu của UBND xã Tăng Thành chia sẻ. Cán bộ BHXH huyện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho bà con xóm Tây Trung, xã Thọ Thành, Yên Thành (nguồn BHXH huyện Yên Thành) Giám đốc BHXH huyện Yên Thành Hoàng Thị Chín cho biết, bên cạnh “bám làng, bám dân”, BHXH huyện còn tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của chính quyền địa phương và phát huy tối đa vai trò của hệ thống đại lý thu với nhiều đoàn thể, hội chủ lực vùng nông thôn như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Bưu điện… Yên Thành cũng là đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc mở rộng đại lý thu rộng khắp toàn huyện, hiện huyện có khoảng 214 nhân viên đại lý và hàng nghìn cộng tác viên phát triển người tham gia BHXH, BHYT là các hội trưởng của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các xóm trưởng… Bằng các giải pháp đồng bộ đó, BHXH huyện Yên Thành đã gặt hái được những “trái ngọt” trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Theo thống kê, tính đến ngày 30/6/2021, huyện Yên Thành đã có 16.383 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 1.999 người tham gia mới trong 6 tháng đầu năm; qua đó giúp BHXH huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHYT hộ gia đình cũng tăng nhanh, nếu hết năm 2020 mới có 86.996 người tham gia, thì đến ngày 30/6/2021 đã có 96.012 người tham gia, tăng 9.016 người. Với những kết quả đã đạt được, huyện Yên Thành tiếp tục phấn đấu cuối năm 2021 tăng mới thêm 12.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cán đích 20.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2021. Đồng thời xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt Huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Hồng Thiết    

Nhiều diễn biến phức tạp về buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy

TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 mang tính chất nhỏ lẻ, nhưng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Từ 16/6 đến 15/7, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 99 tỷ 536 triệu đồng, thu ngân sách đạt 23 tỷ 581 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 3 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ. Cán bộ hải quan sử dụng chó nghiệp vụ hỗ trợ phát hiện ma túy vận chuyển trái phép qua biên giới Theo Tổng cục Hải quan, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm. Tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 mang tính chất nhỏ lẻ, nhưng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Trong tháng, tuyến hàng không, bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy. Trên tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh… tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi với số lượng ma túy bắt giữ lớn. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản cảnh báo phương thức, thủ đoạn và tăng cường công tác kiểm soát ma túy; thông báo 8 chất “ma túy mới” lần đầu phát hiện tại Việt Nam. Cơ quan hải quan thống kê một số vụ việc điển hình như: Ngày 9/7, biên phòng, công an đã phối hợp với hải quan Lao Bảo tuần tra, kiểm soát, phát hiện 1 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 2.000 viên ma tuý tổng hợp. Ngày 9/7, hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành kiểm tra 1 lô hàng quà biếu, phát hiện 4.300 gram cần sa được cất giấu trong 6 chiếc hộp cà phê vận chuyển từ Los Angeles về Việt Nam. Ngày 13/7, công an huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Cục Hải quan Điện Biên và các đơn vị liên quan phát hiện 2 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 60 bánh heroin (trọng lượng khoảng 21.000 kg). Ngày 18/7, công an đã chủ trì phối hợp với hải quan Hà Tĩnh phát hiện 1 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật gồm 30 kg ma túy đá, 1 kg ketamin và 6000 viên hồng phiến… La Giang  

Tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống Covid-19

TĐKT - Ngày 2/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống COVID-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị. Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước. Tại nhiều điểm cầu có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này có diễn biến nhanh, xảy ra trên địa bàn rộng, trong một thời gian ngắn, số ca mắc tăng rất cao. Đợt dịch này ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, phải xác định tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ. Theo đó, một số nội dung các địa phương cần nghiêm túc quan tâm trong công tác phòng, chống dịch để tránh xảy ra tình trạng hoang mang, bị động khi dịch xảy ra trên diện rộng. Qua kiểm tra thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương và nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng có rất nhiều địa phương có cách làm hay trong phòng, chống dịch, nhưng cũng có nhiều địa phương trong xây dựng kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn đã chưa tính hết những tình huống có thể xảy ra “dù Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần chủng virus Delta sẽ lây lan mạnh, rộng, khó kiểm soát và kéo dài”. Hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế. Vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho phòng, chống dịch. Vẫn còn thực trạng một số địa phương chưa phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, dịch xảy ra thường chỉ trong một thời gian ngắn, diễn biến nhanh, nhiều ca nhiễm, nên cần chuẩn bị sẵn năng lực phòng, chống dịch để chủ động ứng phó với dịch. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương cần hết sức lưu ý về năng lực ứng phó an toàn trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Về công tác điều trị, hiện nay năng lực ứng phó của các địa phương về điều trị COVID-19 vẫn chủ yếu trông chờ vào cơ sở đang có, nhưng trên thực tế hệ thống điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, theo đó tầng 1 không nên chọn các cơ sở y tế mà nên chọn các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khoẻ. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng phân bổ vào điều trị ở tầng này, không cần nhiều nhân lực y tế. Sau điều trị 7 ngày, nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus CT > 30 thì cần cho ra viện. Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. “Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần. Nếu bệnh nhân diễn biến nặng, cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực. Quan điểm là đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó các địa phương phải chuẩn bị cho điều trị để khi dịch xảy ra không bị động, lúng túng. Để chuẩn bị về điều trị hiệu quả, yếu tố nhân lực hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch. Đặc biệt, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch như máy thở, oxy, thuốc men, vật tư tiêu hao. Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 phải chuẩn bị sẵn về oxy và máy thở. La Giang

Bệnh viện Bạch Mai huy động nhân lực và trang thiết bị cho trung tâm hồi sức tích cực ở Thành phố Hồ Chí Minh

TĐKT- Ngày 1/8, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện dã chiến 16 có gần 3.000 giường bệnh, trong đó sẽ có 500 giường phục vụ cho hồi sức tích cực (giường cấp cứu bệnh nhân nặng). Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn đã từ TP Hồ Chí Minh bay về Hà Nội để điều động nhân lực, vật lực. Sáng 1/8 thiết bị, máy móc đã được đưa lên tàu vào TPHồ Chí Minh. Bệnh viện dã chiến 16 sẽ tiếp nhận số thiết bị máy móc này và tiến hành lắp đặt luôn theo tinh thần nhanh nhất. Số thiết bị này được chuyển từ Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (nơi có Bệnh viện dã chiến có 100 giường hồi sức tích cực) vào. Trang thiết bị y tế hiện đại đã được Bệnh viện Bạch Mai đưa lên tàu vào Bệnh viện dã chiến 16 Số thiết bị y tế hiện đại này bao gồm: 20 máy thở và máy thở chức năng cao, 15 máy thở oxy dòng cao, 45 monitor, 80 máy tiêm điện, 80 máy truyền dịch, 1 máy lọc liên tục, 1 máy siêu âm màu, 1 máy sốc tim, 1 máy ép tim lồng ngực,1 máy sinh hóa tự động, phân tích máu tự động... Cùng với đó, Bệnh viện Bạch Mai còn đưa vào hỗ trợ nhiều đồ bảo hộ y tế, đồ ăn và một số dụng cụ cần thiết. Tất cả đều trên tinh thần nhanh nhất, phục vụ hiệu quả điều trị tốt nhất. Được biết, Bệnh viện Hùng Vương của TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển một số trang thiết bị sang Bệnh viện dã chiến 16. Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục chuyển vào theo lộ trình. Cùng với đó, Bộ Y tế quan tâm sát sao, sẽ chỉ đạo tổng kho ở TPHồ Chí Minhđiều chuyển thêm thiết bị. Sở Y tế TPHồ Chí Minhcũng sẽ điều động. Tất cả đều hướng đến việc chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đã có hơn 100 y, bác sĩ đến Bệnh viện dã chiến 16. Bệnh viện Bạch Mai đang lên danh sách các thầy thuốc để báo cáo với Bộ Y tế để chi viện cho Bệnh viện dã chiến 16 điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn thì vị trí Bệnh viện dã chiến 16 khá thuận tiện. Các y, bác sĩ sẽ vận hành bệnh viện này một cách hiệu quả và khoa học nhất. Các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về hồi sức tích cực, chống độc và nhiễm khuẩn sẽ điều trị cho người bệnh. Bản thân GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng sẽ khẩn trương quay lại tâm dịch để chỉ đạo công tác cứu chữa bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện dã chiến 16.  Văn Đạo    

Trang