Chính trị - Xã hội

Phát động cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số”

TĐKT - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp cùng TikTok - nền tảng video ngắn hàng đầu thế giới, phát động cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” dưới dạng hashtag challenge . Cuộc thi hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành. Đây là hoạt động đặc biệt ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Dân số Việt Nam. Theo báo cáo của Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) vào tháng 3/2021, ước tính có tới 12 triệu phụ nữ tại 115 quốc gia có thu nhập từ thấp đến trung bình đã không thể tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, theo ước tính, trên thế giới có đến 1,4 triệu trường hợp phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Chính vì vậy, việc chủ động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng là cực kỳ cần thiết. Chính thức khởi động trên TikTok, từ ngày 27/7/2021, cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” dưới dạng hashtag challenge #SongChuDong thể hiện nỗ lực của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và TikTok, nhằm hỗ trợ các cá nhân, cặp vợ chồng, đặc biệt các bạn trẻ tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, bảo vệ sức khỏe của bản thân trong thời kỳ dịch COVID-19. Cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” sẽ diễn ra từ ngày 27/7/2021 đến hết ngày 27/8/2021 trên nền tảng TikTok với hạng mục: Thể hiện nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình có sẵn trên nền tảng các ứng dụng đa dạng của Tiktok. Để tham gia thử thách, người tham gia cuộc thi cần tạo video trong thời lượng từ 60 - 90 giây với nội dung do Ban Tổ chức cung cấp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, các cặp vợ chồng, đặc biệt các bạn trẻ về kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, bảo vệ sức khỏe của bản thân trong thời kỳ dịch COVID-19. Không khuyến khích sáng tác hay thêm các nội dung khác; hình ảnh và cách thức thể hiện trong clip phải đảm bảo thuần phong mỹ tục và mục tiêu tuyên truyền theo tinh thần của cuộc thi. Người chơi tùy chọn hiệu ứng mình muốn trên Tiktok để biến hóa. Có thể sử dụng hình thức thay quần áo trở thành biên tập viên thời sự đọc bản tin… hoặc các hình thức thể hiện hấp dẫn, vui nhộn khác để lan tỏa mục tiêu của cuộc thi là nâng cao tinh thần sống chủ động, tránh mang thai ngoài ý muốn. Các video dự thi hợp lệ cần đính kèm hashtag #songchudong. Tham gia ủng hộ và hưởng ứng cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” có Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê sẽ là người hướng dẫn trong các clip mẫu cho cuộc thi. Tiến sĩ Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: “Giáo dục, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của công tác dân số. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng trực tuyến như TikTok là điều cần thiết để tiếp cận và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng được trang bị đầy đủ kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản sẽ chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và để mỗi đứa trẻ sinh ra đều mạnh khỏe, nhận được đầy đủ cơ hội học tập, phát triển toàn diện”. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam cho biết thêm: “Sức khỏe cộng đồng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Thông qua hashtag #SongChuDong, chúng tôi mong muốn góp phần giúp người trẻ chủ động hơn trong việc trang bị kiến thức sinh sản, từ đó có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức y tế để triển khai nhiều chiến dịch xã hội, hỗ trợ cộng đồng bảo vệ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời điểm khó khăn này”. Hồng Thiết

28 cán bộ y tế Bệnh viện K “xuất quân” chi viện TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Chiều ngày 27/7, Bệnh viện K đã tổ chức Lễ xuất quân đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, 28 cán bộ y tế Bệnh viện K gồm 8 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên đã lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh. Đoàn sẽ làm việc ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở II hiện đang điều trị hồi sức cho người bệnh COVID-19. Dự chương trình có: PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam; TS. BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý bệnh viện; PGS. TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bệnh viện K; ThS. BS Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện; TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện; ThS. BS Nguyễn Công Hoàng, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện; ThS. BS Đồng Chí Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện và đại diện lãnh đạo một số đơn vị. Lễ xuất quân PGS. TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bệnh viện K biểu dương tinh thần xung phong, cống hiến của cán bộ đoàn công tác: “Ngay từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại phía Nam, cán bộ nhân viên y tế toàn bệnh viện nói chung, những cán bộ trong đoàn công tác nói riêng đã sẵn sàng xung phong, tình nguyện hướng về miền Nam, chi viện các tỉnh thành trong tâm dịch. Với tinh thần quyết tâm cao, trách nhiệm và kinh nghiệm các đồng chí tích lũy được trong thời gian Bệnh viện K ở trong tâm dịch và những đợt tập huấn vừa qua, tôi tin tưởng rằng đoàn công tác sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, bình an và giành chiến thắng như chúng ta đã từng làm được”. TS. BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện chia sẻ: “Chúng ta đã từng ở trong tâm dịch nên tất thảy mọi khó khăn, trở ngại những cán bộ y tế Bệnh viện K đều thấu hiểu và trải qua. 28 đồng chí tham gia đoàn công tác đều là những cán bộ có kinh nghiệm trong cấp cứu, chăm sóc, điều trị hỗ trợ người bệnh, công tác lấy mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn… Tôi tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết, đồng lòng, các đồng chí sẽ đóng góp một phần nhỏ bé của mình chia lửa cùng đồng nghiệp và các bệnh viện phía Nam để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh”. PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam và Ban Lãnh đạo bệnh viện đã tặng hoa động viên tinh thần các đồng chí tham gia đoàn công tác. PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam bày tỏ sự xúc động trước chia sẻ của Ban Lãnh đạo bệnh viện và cá nhân các đồng chí tham gia đoàn công tác. “Ai trong chúng ta cũng có gia đình, cũng có người thân, ai cũng muốn được ở bên gia đình, nhất là thời điểm dịch bệnh diễn biễn hết sức phức tạp như hiện nay. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần cống hiến vì sự sức khỏe của nhân dân, các đồng chí đã để lại hạnh phúc của riêng mình, lên đường chi viện nơi tâm dịch, dẫu biết có rất nhiều khó khăn phải đối diện. Tôi biểu dương tinh thần các đồng chí và sẵn sàng cùng lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện hết sức để các đồng chí yên tâm công tác, chiến thắng trở về”. ThS. BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K – Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Khi Bệnh viện K ở trong tâm dịch, cả nước đã hướng về chúng tôi, lúc đó mới thẩu hiểu sự chung tay, chia sẻ, động viên dù là một chút thôi cũng rất đáng quý. Miền Nam ruột thịt đang ở trong giai đoạn khó khăn, hơn lúc nào hết, những đồng nghiệp của chúng tôi ở đó, họ cần sự chia sẻ. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng với các đợt tập huấn từ công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; công tác lấy mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn… Là cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, chúng tôi sẵn sàng “chia lửa”, đó không chỉ là sự chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ mà đó còn là “mệnh lệnh từ trái tim”.”  “Ở đâu là tâm dịch, ở đâu cần cán bộ y tế, dù là nhiệm vụ và công việc gì, chúng tôi cũng sẵn sàng lên đường” - Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy, Bệnh viện K - 1 trong những cán bộ đầu tiên xung phong tình nguyện được chi viện cho miền Nam chia sẻ. Bệnh viện K và người dân cả nước cũng sẽ hướng về các lực lượng chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch để chờ ngày chiến thắng chung của thành phố phương Nam. Hồng Thiết

Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Kế hoạch số 3615/KH-BNV tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ (28/8/1945 - 28/8/2021) và kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021) Kế hoạch nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống của Bộ và ngành Nội vụ qua 76 năm xây dựng và phát triển; tạo động lực, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Bộ và ngành Nội vụ.  Đồng thời, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam; tuyên truyền về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ trong việc tổ chức chính quyền cách mạng trong thời kỳ đất nước mới giành được độc lập.  Khẩu hiệu tuyên truyền ngày kỷ niệm Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm để khơi dậy lòng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về truyền thống vẻ vang của Bộ, ngành Nội vụ qua 76 năm xây dựng và trưởng thành; giáo dục thế hệ trẻ của Bộ, ngành Nội vụ noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát vọng độc lập dân tộc, trí tuệ mẫn tiệp, tính cách nhân văn, tấm lòng bao dung, tận tâm, tận lực.  Về nội dung tuyên truyền, kỷ niệm, Bộ trưởng giao các cơ quan thông tin, báo chí trong Bộ mở chuyên trang, chuyên mục; triển khai tuyến tin, bài, phóng sự; bố trí chương trình, nội dung phù hợp thông qua các phương tiện truyền thông của Bộ để tuyên truyền về truyền thống 76 năm xây dựng, phát triển của Bộ Nội vụ và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; những những cống hiến to lớn của vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ - đồng chí Võ Nguyên Giáp.  Bộ trưởng giao Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chân dung một huyền thoại” và ra mắt sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Huyền thoại Việt Nam”.  Văn phòng Bộ tổ chức treo pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên. Trang trí khánh tiết tại trụ sở Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ. Sửa chữa, bổ sung tư liệu, hiện vật Phòng Truyền thống.  Đảng ủy Bộ tổ chức dâng hương tại Khu di tích lịch sử của Bộ Nội vụ tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.  Bộ trưởng yêu cầu tổ chức các hoạt động kỷ niệm phải bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo moha.gov.vn

Tỉnh Hà Nam phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn

TĐKT - Nhiều năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", tỉnh Hà Nam luôn quan tâm tới các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng và những cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm luôn là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam Tỉnh Hà Nam đang quản lý thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 135.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công, trong đó có 17.567 liệt sĩ qua các thời kỳ; có 23.143 thương bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, 1.418 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (29 mẹ còn sống); 356 cán bộ lão thành và cán bộ tiền khởi nghĩa; 29 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động qua các thời kỳ; 80.150 người tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, 6286 người đang hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam/DIOXIN... Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã triển khai tốt các hoạt động tri ân người có công trên địa bàn toàn tỉnh như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; tổ chức đưa người có công, thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung theo chế độ; lập quỹ bảo trợ xã hội; nhận phụng dưỡng hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn; đỡ đầu con liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh… Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội. Để tiếp tục tri ân các thương binh, bệnh binh, người có công, tỉnh Hà Nam sẽ biểu thị mạnh mẽ hơn nữa lòng biết ơn bằng nhiều hành động cụ thể; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách tiếp cận và được hưởng các dịch vụ xã hội về học tập, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe…, giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hồng Thiết

Thư thăm hỏi của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gửi Thư thăm hỏi tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng của Bộ Nội vụ.  Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng đăng tải toàn văn Thư thăm hỏi của Bộ trưởng:

Tổng công ty Điện lực miền Nam: Tăng cường hướng dẫn phòng tránh tai nạn điện mùa mưa bão

TĐKT - Thời gian qua, công tác an toàn sử dụng điện cho người dân tại tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đặt lên hàng đầu. Mặc dù ngành Điện đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tuy nhiên nhiều vụ tai nạn điện dẫn đến chết người vẫn diễn ra. Cảnh báo nhiều tai nạn chết người do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong 6 tháng đầu năm 2021, lưới điện tại 21 tỉnh thành phía Nam do EVNSPC quản lý vận hành đã xảy ra 179 sự cố do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), làm thiệt hại về vật chất và người. Trong số đó, có 24 vụ người dân bị phóng điện làm chết 9 người, bị thương nặng 14 người, bị thương nhẹ 3 người. Nguyên nhân chủ yếu do người dân vi phạm khoảng cách an toàn công trình điện như thi công nhà, nhà tiền chế khung sắt, xây dựng kho, sửa chữa nhà xưởng, lắp đặt bảng hiệu quảng cáo. Một số nguyên nhân khác là người dân tụ tập câu cá gần lưới điện cao áp bất cẩn để dây câu chạm vào đường dây; phương tiện giao thông sử dụng thiết bị cẩu, nâng dỡ hàng hóa bất cẩn để đầu cần cẩu chạm vào đường dây dẫn trần mang điện. Điện lực TP Cần Thơ khắc phục sự cố điện do mưa bão chiều ngày 20/7/2021 Điển hình tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ngày 14/4/2021, ông L.V.H, 33 tuổi, lái xe điều khiển thiết bị cẩu vi phạm HLATLĐCA và bị tử vong do phóng điện. Tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ngày 7/5/2021, ông P.T.T, 37 tuổi, thi công lắp đặt biển quảng cáo thuê, công trình vi phạm HLATLĐCA, ông T bị phóng điện dẫn đến tử vong. Tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ngày 24/5/2021, ông L.P.L, 56 tuổi, câu cá gần lưới điện cao áp, đã bất cẩn để dây câu chạm vào đường dây mang điện; tai nạn xảy ra làm ông L tử vong. Còn tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, chiều ngày 4/7/2021 một người đàn ông cũng tử vong khi đang câu cá, do vung cần bất cẩn để dây câu vướng vào cây, nạn nhân giật mạnh cần câu làm ngọn cần câu bật ngược lại phía sau, vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện với đường dây trung thế 12,7kV, gây tai nạn. Tại TP Cần Thơ, liên tiếp những ngày qua từ 20/7 đến 25/7/2021 xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm tử vong 1 người và gây thiệt hại lớn về tài sản, ngã đổ cây xanh lên nhiều tuyến đường dây điện trung và hạ thế, làm mất điện tại nhiều khu vực của các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Phải đảm bảo an toàn trong lắp đặt diện Khu vực miền Nam đang bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Để đảm bảo sử dụng điện an toàn, hạn chế rủi ro và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn điện, EVNSPC đã tăng cường hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn đến tất cả khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh – thành phía Nam. Theo đó, EVNSPC khuyến cáo trước mùa mưa bão, người dân nên kiểm tra lại hệ thống điện trong gia đình, kịp thời phát hiện, khắc phục những vấn đề có nguy cơ gây sự cố tai nạn điện. Lắp thêm cầu dao chống giật để khi có bị chạm điện thì thiết bị này sẽ tự động cắt nguồn điện, ngăn ngừa tai nạn điện. Ngành điện miền Nam thường xuyên kiểm tra, bảo trì lưới điện trước mùa mưa bão. Dây nhánh sau đồng hồ điện phải được lắp song song hai dây, cao hơn đầu người, chọn dây phù hợp công suất, bề mặt cách điện của dây dẫn tốt, chịu được lực căng. Dây phải được lắp vào thiết bị có sử dụng sứ cách điện, đảm bảo chắc chắn khi có mưa giông, gió lốc không bị gió đánh rơi xuống đất hoặc đứt. Đồng thời, không dùng điện bằng cách lấy một dây (dây lửa), dây còn lại nối đất kéo ra ruộng, vườn, ao, đìa… để thắp sáng, tưới tiêu, bảo vệ tài sản, hoa màu, hoặc dùng điện để bẫy chuột, chim, bắt cá… Lưu ý bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt điện có tính năng chống rò điện phù hợp. Đặc biệt, người dân không lắp đặt, kéo dây cột vào cây xanh, hoặc để dưới đất, dưới nước. Không để dây bị khuyết tật, gấp gẫy, trầy tróc lớp cách điện, dây giăng không quá căng và đạt độ võng an toàn. Trường hợp nối thì bảo đảm kỹ thuật chắc chắn, an toàn, mối nối so le nhau, sử dụng băng keo cách điện chuyên dùng để quấn. Các dây kéo vượt sông vượt lộ, giao cắt với những điểm giao thông, khu vực đông dân cư phải đảm bảo độ cao, tuyệt đối không có mối nối tại những khoảng vượt này. Khi lắp đặt tủ điện ngoài trời phải đạt độ cao từ 1,4 mét để tránh ngập nước, thuận tiện cho thao tác, nối đất thùng bảo vệ chống rò rỉ điện, che chắn chống thấm khi mưa gió, nước không tạt vào táp lô điện. Cẩn trọng và thực hiện đúng các biện pháp an toàn khi sử dụng điện Song song với các yếu tố kỹ thuật thì EVNSPC cũng đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn người sử dụng điện lưu ý thực hiện các biện pháp an toàn thường ngày, nhất là trong mùa mưa bão. Trước tiên, người dân không leo trèo lên cột điện, hộp bảo vệ công tơ treo ngoài cột điện, dây tiếp đất, dây néo cột… các thiết bị phụ kiện khác của hệ thống lưới điện. Không dùng điện để rà (xiệc) cá, kể cả dùng điện bằng bình ắc quy; không để cầu dao, aptomat, công tắc... trong tầm tay trẻ em hoặc có nguy cơ bị ngập trong nước. Bên cạnh đó, chủ các thiết bị đặt ngoài trời như: Cây ATM, box điện thoại, pano quảng cáo, trụ điện chiếu sáng công cộng, đèn trang trí cổng chào, máy bán nước tự động… phải kiểm tra tiếp đất, đảm bảo độ chắc chắn, an toàn, tránh tình trạng khi xảy ra mưa bão bị giông lốc cuốn bay vào công trình điện. Trong khi xảy ra mưa giông, cần thiết có thể tạm thời ngắt nguồn điện những thiết bị này. Không tự ý cơi nới, xây dựng mới nhà ở, công trình gần lưới điện cao áp. Không leo lên nóc nhà dưới đường dây điện để lắp ăng-ten, dựng dàn giáo, hoặc đưa những thiết bị có chiều dài đến gần dây dẫn điện. Không đào đất gây sụt lún, sạt lở công trình điện như gốc trụ, móng và kênh thoát nước của trạm, mương cáp điện ngầm... Cần cằng néo mái nhà, đảm bảo khi có giông bão không bay mái tôn vào đường dây gây sự cố lưới điện và nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Thi công lưới điện trong mùa lũ tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp Người dân không đứng cạnh cột điện, trạm điện tiếp xúc với các thiết bị điện khi trời mưa, không cột thuyền bè, gia súc, phương tiện khác vào trụ điện. Đồng thời, nên ngắt nguồn điện (cúp cầu dao) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn. Khi xảy ra lũ lụt, nước dâng, mưa giông có sét… phải ngắt ngay cầu dao điện chính. Nếu dây điện đứt rơi xuống đất phải báo ngay cho ngành điện gần nhất, đồng thời ngăn chặn người và gia súc đến gần đây điện đang nằm dưới đất. Cần chặt tỉa cây cối, dọn dẹp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, phòng tránh mưa gió quật vào công trình điện. Khi chặt tỉa, nếu nhận thấy không an toàn, có thể báo ngay đến cơ quan điện lực để được hỗ trợ xử lý. “Mọi người đều cẩn trọng và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn điện, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ mưa bão, ngập lụt, thiên tai, để bảo vệ người và tài sản. Hãy gọi ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006 – 19009000 của Tổng công ty để được hỗ trợ 24/7 khi có các vấn đề về điện, dịch vụ điện” - EVNSPC lưu ý. L.V.Tám

Nestlé Việt Nam sát cánh cùng các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Với mong muốn chung tay cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, công ty Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ gần 450.000 sản phẩm thực phẩm thiết yếu trị giá gần 8 tỷ đồng tới nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, bệnh nhân nghèo, người dân sống trong khu vực bị phong tỏa và tại các trung tâm cách ly. Trong suốt gần 3 tháng bùng phát của đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty Nestlé Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các đối tác như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Đồng Nai, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… cung cấp hàng trăm ngàn đơn vị thực phẩm và đồ uống mang các nhãn hiệu quen thuộc như MILO, Nescafé, Nesvita, Acti-V, thực phẩm ăn dặm cho trẻ em Gerber, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa điểm. Người dân huyện Nhà Bè nhận các suất quà nhu yếu phẩm từ dự án Chợ nghĩa tình. Cụ thể, đầu tháng 7 vừa qua, công ty Nestlé Việt Nam đồng hành cùng Sở Công thương - Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án "Chợ nghĩa tình", cung ứng nhu yếu phẩm miễn phí dành riêng cho người dân đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn do liên quan đến dịch Covid-19. Bà Trần Thị Thái Hòa, Bí thư đoàn Sở Công thương, chia sẻ: “Chúng tôi những người thực hiện dự án “Chợ nghĩa tình” đánh giá cao sự chung tay hỗ trợ của Công ty Nestlé Việt Nam cho chương trình và hy vọng rằng có nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp khác để chương trình có thể hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong giai đoạn này.” Nestlé Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh  trao quà cho công nhân bị khó khăn do dịch Covid - 19 Trong tháng 7, công ty Nestlé Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ 23 bệnh viện tuyến đầu, 11 trung tâm cách ly và 22 quận/huyện tại TP Hồ Chí Mình và TP Thủ Đức. Trước đó, Nestlé Việt Nam và La Vie (thuộc Tập đoàn Nestlé) cũng đã ủng hộ 4 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 tại các tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai và Long An, nhằm chung tay đóng góp cùng cả nước chống dịch. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ: Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực không ngừng cùng các giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh và thành phố, cùng sự chung tay của các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát một cách hiệu quả. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Nestlé Việt Nam đã đặt ra 5 ưu tiên giúp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 gồm: Đảm bảo an toàn và phúc lợi cho nhân viên; tối ưu hóa nguồn cung; tối ưu hóa kênh phân phối ; linh hoạt trong cách tiếp cận với với tiêu dùng ; chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng. Cho đến nay, công ty Nestlé tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch đại dịch của Chính phủ, bao gồm hỗ trợ tuyến đầu, cộng đồng, các đối tác kinh doanh nhỏ lẻ bị ảnh hưởng các sản phẩm dinh dưỡng, tiền mặt và khẩu trang y tế, với tổng trị giá lên đến hơn 50 tỷ đồng. Thục Anh

Gặp mặt người có công tiêu biểu

TĐKT - Nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), vừa qua, tại Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tổ chức gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động, chia sẻ chiến tranh đã lùi xa chúng ta nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất. Nhắc tới những ca từ của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, mãi mãi”, Thủ tướng cho rằng, những vần thơ, ý nhạc rất xúc động đó vẫn không miêu tả hết được những hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, người có công, những thế hệ đi trước, biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha, biết bao nhiêu người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tri ân người có công Thủ tướng chia sẻ, những thương binh, bệnh binh mà ông từng gặp tại những trung tâm chăm sóc ở Hà Nam, Bắc Ninh… và nhiều đồng chí tại buổi gặp mặt đều có những vết thương vẫn đau nhức mỗi khi “trái nắng, trở trời”. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, thậm chí nhiều người đến nay chưa xác định được tên hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều đồng chí trở về nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Kể cả trong thời bình, lực lượng vũ trang vẫn phải chứng kiến mất mát, đau thương, vẫn có những đồng chí hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và vì sự bình yên, sự an ninh, an toàn của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt Bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước. Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta nhìn lên danh sách dài những tên tuổi các liệt sĩ, quê quán, cộng trừ năm sinh, năm mất và chúng ta lặng đi vì nhiều người tuổi đời mới chỉ trên dưới đôi mươi… Và ngậm ngùi khi nhìn theo những chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ được phủ cờ đỏ sao vàng trở về quê hương. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình được xây đắp bằng những sự hy sinh cao cả đó. Chính vì vậy, sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021). Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh. Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực để quan tâm cụ thể, chăm lo đến người có công. Hiện nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, trong điều kiện còn khó khăn chung của đất nước. Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, huy động sự đóng góp của toàn dân cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chương trình tặng nhà tình nghĩa, các món quà cho thương binh hay tặng học bổng cho con em gia đình chính sách… Đảng và Chính phủ không chỉ quan tâm đến ngày 27/7 mà chính sách đối với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính phủ đã triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công và gia đình chính sách. Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ… Hồng Thiết

Quy định mới về các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

TĐKT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định gồm 4 chương, 16 điều và 6 phụ lục quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh. Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng. Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác. Trong đó, về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Nghị định quy định: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng. Về hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học, Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm. Về hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, Nghị định quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người. Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Nguyệt Hà

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

TĐKT - Chiều ngày 26/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi thực hiện Nghi lễ Tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức. Tạp chí Thi đua Khen thưởng  trân trọng giới toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam! Kính thưa Chủ tọa phiên họp! Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội! Thưa đồng bào, đồng chí và cử tri cả nước! Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tôi nhận thức rằng, đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trước đồng bào cử tri cả nước. Trong giờ phút trang nghiêm này, cho phép tôi thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; xin tri ân các bậc lãnh đạo tiền bối, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đã làm nên những kỳ tích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tôi xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ tiền nhiệm; chân thành cảm ơn sự đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; của các nước bạn bè, tổ chức quốc tế đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Kính thưa Quốc hội và đồng bào, đồng chí! Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết; “lấy dân làm gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với Nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc xin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của Nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những ”rào cản”, “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trong mọi điều kiện trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nội lực là cơ bản, quyết định, tranh thủ ngoại lực là quan trọng, cần thiết; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp. Tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài; tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại nhưng có trọng tâm, trọng điểm; phân bổ nguồn lực, giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng phát triển động lực với những vùng còn nhiều khó khăn thách thức, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực phát triển mới. Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; xác định đây là những nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Tuyệt đối không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng chăm lo, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo thực chất, bền vững. Phát huy ưu thế dân số vàng và chủ động thích ứng với xu thế già hoá dân số của đất nước ta. Tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người. Cụ thể hóa thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Kính thưa Quốc hội và đồng bào, đồng chí! Chính phủ và cá nhân tôi nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đồng thời, luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tin tưởng và mong muốn sẽ luôn nhận được sự giám sát, hỗ trợ và ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan thông tấn báo chí; đồng bào trong và ngoài nước để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Kính thưa Quốc hội và đồng bào, đồng chí! Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thắng lợi. Tôi xin chúc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!/. PV

Trang